Nov 19, 2017

[tiện bút] Les Feuillantines

Bến xe bus Les Feuillantines: bến chung cho xe số 21 và xe số 27. Đi qua bên kia đường để lên xe, xe 27 (một trong mấy tuyến xe hai toa - đoạn nối ở giữa là cả một cuộc kêu cót két bất tận) sẽ chạy đến một quảng trường lớn, Place d'Italie, mà nhân vật trong Từ thăm thẳm lãng quên đi qua ở đoạn cuối truyện, còn xe số 21 chạy cùng xe 27 một đoạn ngắn rồi sẽ rẽ về phía tay phải, nó sẽ đi qua một bến tên là Glacière, đầy giá lạnh, và sẽ kết thúc ở công viên Parc Montsouris; tôi rành công viên này ở mạn của xe bus 21 hơn nhiều so với mạn boulevard Jourdan.

Sau mười năm, tôi ngồi ở quán cà phê "của" bến Les Feuillantines, một quán cà phê nhỏ. Bỗng tôi ngẩng đầu lên, một người vừa đi ngang qua. Câu gọi của tôi đã chớm thoát ra thành âm thanh lại chui xuống. Mười năm rồi, nhân vật mà tôi vừa nhìn thấy vẫn vậy, gần như không đổi khác một chút nào. Tôi không gọi, tôi nghĩ là tôi không thích gặp lại những người trông có vẻ hạnh phúc.

Tôi luôn luôn coi thường trò chơi của trích dẫn. Trích dẫn, citation, quotation, đối với tôi là thứ rất bất tiện. Khi nào bỗng phát hiện ra một người mà tôi quen có cả một quyển sổ dùng để chép các trích dẫn mà họ lấy được từ một sự đọc nào đó (thường là đọc sách dở, nhiều hơn nữa, sách rất dở), tôi sẽ có ham muốn biến mất khỏi cuộc đời người ấy, biến mất luôn và khẩn cấp, như người ta nhảy ra khỏi con tàu đắm giữa biển. Trích dẫn cũng hơi giống ẩn dụ: Marcel Proust nói, gần như ẩn dụ nào cũng là ẩn dụ tồi. Nhưng câu này của Georges Bataille mà tôi tình cờ thấy ở đâu đó, tôi nhất định phải trích lại, nó quá đúng: "Ma rage d'aimer donne sur la mort comme une fenêtre sur la cour". Nỗi cuồng yêu của tôi nhìn xuống cái chết giống như một cửa sổ nhìn xuống sân. Một cửa sổ khác: nhan đề cuốn sách của Jacques Chardonne, Le Ciel dans la fenêtre, bầu trời trong cửa sổ, một bầu trời được lộng khung, và cũng chính là một tấm gương. Con người soi gương trước kính, thủy tinh, còn tâm hồn con người soi gương trước một thủy tinh khác, bầu trời, hoặc cũng có thể là mặt nước.

Sau Trường Mỏ (École des Mines, nằm trên một cạnh của Jardin du Luxembourg, trên boulevard Saint-Michel) trong Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối, sau Trường Quân Sự (École Militaire, Champs-de-Mars, đằng sau tháp Eiffel) trong Một gánh xiếc qua, trong cuốn tiểu thuyết mới nhất, Souvenirs dormants, vừa in xong, cuối cùng Patrick Modiano đã nhắc đến École Normale Supérieure de la rue d'Ulm. Nhân vật chính (Jean D.) có một lần đi cùng một cô gái qua một phố chợt mở ra rất rộng. Đó là phố Érasme chạy bên hông ENS, rồi kết thúc (đâm thẳng thì đúng hơn) ở Ulm. Nếu đi về phía kia, đoạn tiếp sau sẽ là rue Calvin, nó đâm vào phố Mouffetard, đoạn gần một "square", chính là square Teilhard de Chardin. Nhưng từ Érasme mà không đi vào rue Calvin, thay vào đó rẽ hơi lệch về bên phải, ngay sau khi qua nhà ăn CROUS bên kia đường, có một phố chạy chéo tên là rue Lhomond. Ở ngay đầu có một tòa nhà lớn, nó là một "foyer des filles". Người ta sẽ rất khó hình dung sự tồn tại của dạng nhà như thế này, một sự chuyển vị rất lệch thời của tu viện, các đan viện dành riêng cho nữ tu.

Ở đó chỉ có các cô gái, sống ở các phòng nhỏ trên các tầng. Một địa điểm rất khó ra vào đối với đàn ông. Có giờ quy định, chỉ được vào theo đúng giờ, lối vào có sẵn một bà, dĩ nhiên nhìn đã biết là hắc ám đằng sau dáng vẻ "bonne soeur" không lừa được ai. Tòa nhà ấy là một dạng chỗ trũng của thời gian, chỉ cần ở đó là không còn thực sự biết ta đang ở thời điểm nào nữa.

Tôi hay đến đó, tất nhiên vào giờ quy định (về cơ bản, không thể trốn tránh được), ghi tên, cười (phải cố cười) với ma soeur, rồi đi lên tầng. Một cô gái đã đợi sẵn tôi ở đó. Tôi hay mang theo kem mua ở siêu thị, vì cô gái thích ăn kem.

Đó là người cắt tóc cho tôi suốt một thời gian dài. Chúng tôi lấy giấy báo rải xuống sàn nhà, đặt cái ghế lên, rồi tôi ngồi ở đó, cô gái kiếm một mảnh vải quấn lên cổ tôi, lấy kéo, lược và bắt đầu cắt tóc. Trong suốt quãng thời gian ấy, chúng tôi nói chuyện với nhau, những câu chuyện mà giờ đây tôi không còn thực sự nhớ rõ. Tôi chỉ còn rất nhớ âm sắc giọng nói của cô gái, rất êm ái, như một đương nhiên từ một cô gái năm ấy chắc chưa tròn hai mươi tuổi rất xinh xắn. Tôi còn giữ được hình ảnh một lần chúng tôi cùng nhau đi ngoài phố, cạnh nhau, rất có thể cũng chính là rue Érasme giống nhân vật của Modiano trong Souvenirs dormants. Cô gái nhặt mấy cái lá, tung chúng lên, và nói một điều gì đó. Tôi chỉ còn giữ ấn tượng về sự dịu dàng của cả giọng nói lẫn hình ảnh. Xét cho cùng, Modiano lại có một nhan đề sách mới gây xôn xao cho mọi tinh thần sâu kín: Những kỷ niệm ngủ.

Hậu quả của câu chuyện ấy là suốt phần đời còn lại, mọi cuộc cắt tóc, mọi hình thức, đối với tôi đều là vô vị và nhạt nhẽo. Kể cả hình thức cắt tóc xong rồi có cô gái vừa chọc cái bông vào tai vừa thổi.

Nếu đi tiếp, theo rue Calvin, ta sẽ đến rue Mouffetard, một phố hẹp và dài. Đi trên đó, ta nghĩ mình đang bơi trên một dòng sông, một con kênh thì đúng hơn, hoặc mương, đúng, phải là mương mới đúng, mà các mặt tiền nhà hai bên là bờ. Một hôm, đang đi ở đó thì tôi nhìn thấy triết gia François Jullien cả người vận đồ đen đi ngang qua, trên vỉa hè đối diện (rue Mouffetard không thực sự có "vỉa hè"), nép sát vào tường, thực sự nép sát vào tường, raser le mur (Céline: bất hạnh chính là nép sát vào tường). Tôi nhận ra François Jullien vì trước đó một thời gian ngắn đã gặp ông tại trụ sở Viện Triết học Thế giới hay một cái gì đó tương tự trong trường đại học Paris VII (Jussieu). Chưa bao giờ tôi đọc hết được một cuốn sách nào của ông, nhưng không phải là không có cảm tình với vẻ ngoài của ông. Nhất là cái hôm ấy, trên phố Mouffetard, ông đi sát vào tường, đeo một cái ba lô, dáng dấp như một sinh viên hơi quá già, và mặc một bộ quần áo gợi cảm giác về một trang phục người nhái. Xét cho cùng, như vậy là rất thích hợp: một người nhái trên con kênh Mouffetard. Không, nhất định, vấn đề của con người không phải tự sát, mà con người chỉ có độc nhất một vấn đề, đó là hạnh phúc.

Dường như tôi nhìn thấy François Jullien ở đoạn đối diện với hiệu sách của phố Mouffetard, mang cái tên rất thơ mộng L'Arbre du voyageur, hiệu sách mà tôi quen nhiều đời các cô bán sách, trong đó tôi rất nhớ một cô gái đẫy đà lúc nào cũng mặc đồ đen, rất thân ái và dịu dàng với tôi. Một buổi cần đến nhà Cao Hành Kiện gần Opéra gấp, tôi vội đảo qua đó và kịp mua La Montagne de l'âme để ông ấy ký vào đó. Cao Hành Kiện ngạc nhiên khi chúng tôi có cùng họ. Tôi cũng mua Un cirque passe của Modiano chính tại hiệu sách L'Arbre du voyageur. Trong Những kỷ niệm ngủ, địa điểm quan trọng cũng là một hiệu sách, nằm trên phố Geoffroy-Saint-Hilaire, tức là rất gần rue Mouffetard, một hiệu sách chuyên về "sciences occultes".

Giữa Ulm và Mouffetard với trục nối là rue Érasme rồi rue Calvin, các phố đều rất nhỏ, không có xe bus. Muốn có xe bus gần nhất thì hoặc đi ra Cardinal Lemoine (gần đây, đi xuống dốc phố, tôi bỗng mơ hồ nhận ra có một nhà xuất bản mới nằm ở đó, Le Bruit du temps, đặt tên theo một câu thơ của Mandelstam) đâm về phía rue des Écoles hoặc tiến thẳng rue Calvin, sẽ ra rue Monge. Hoặc nữa, từ ngã ba Érasme-Ulm, đi qua mặt tiền trường ENS, chỉ vài bước chân là sẽ đến bến xe bus Les Feuillantines, có xe 21 và xe 27.

Cuộc sống ở Paris là cuộc sống của các số (chẳng hạn 21 hoặc 27, hoặc mười mấy đường tàu điện ngầm), và của các chữ (A, B, C, D, E, đối với loại tàu RER: tàu A cắt ngang thành phố, tàu B xiên dọc thành phố; bến "Luxembourg" trên đường RER B một thời là "bến nhà" của tôi, một bến tàu rất đẹp, cong một đường tuyệt mỹ nhưng không cong tớn thái quá giống như một bến khác cũng trên đường B, Cité Universitaire (tức là bến của đại lộ Jourdan, đi lên là nhìn thấy công viên Montsouris một bên, đối diện là khu ký túc xá đại học, một chốn mà tôi thấy tương đối kinh tởm); từng có lần tại bến Cité Universitaire người ta thấy dán rất nhiều thông báo: một người tìm các nhân chứng cho vụ người ấy bước ra khỏi tàu và bị ngã do gờ tàu và quai cách nhau quá xa, thành ra bị bước hụt, tìm nhân chứng để làm giấy tờ kiện hãng tàu điện ngầm; ai từng ở London hẳn luôn luôn bị váng tai bởi tiếng của máy không ngừng nhắc nhở dưới tàu điện ngầm, "Mind the gap"; nhất là, bến "Luxembourg" không giao với bất kỳ đường tàu nào khác; trong ký ức tôi còn lưu giữ hình ảnh một cô gái đi trước tôi vài bước chân, một cơn xấu tính đêm khuya bỗng khiến tôi thấy chân cô gái cong giống như bến tàu; rất có thể chỉ vì ý nghĩ không hề được nói ra ấy mà chỉ ít lâu sau bỗng cô gái có đặc tính là mặn nồng ấy biến mất khỏi cuộc đời tôi, không để lại chút tăm hơi; không bao giờ nên xấu, kể cả chỉ trong ý nghĩ).

Nhưng cuộc sống ở Paris cũng làm cho một người như André Gide (ở Việt Nam hay được gọi là gờ ít ghít sắc ghít) nói: "Je suis le moins intéressant à Paris". Gide thấy những lúc ở Paris mình ít "thú vị" nhất. Tôi không hề thích Gide, tôi cũng không biết lắm là tại sao, rất có thể giống như không ai hiểu tại sao Michelet ghét Goethe như vậy; đối với Michelet, người Đức là loại người "chưa hoàn toàn", quá nhiều tính nữ; Balzac thì không ngơi dè bỉu "trò ủy mị Đức".

Ở Paris, rất khó cảm thấy hạnh phúc, chắc vậy. Nhưng Victor Hugo (a, không ngờ một ngày bỗng nhiên không đâu tôi nhớ đến Hugo) không hoàn toàn nghĩ vậy. Bài thơ dưới đây không dài, tổng cộng chỉ có 24 câu, và đích xác là "Les Feuillantines":


Aux Feuillantines

Mes deux frères et moi, nous étions tout enfants
Notre mère disait: jouez, mais je défends
Qu'on marche dans les fleurs et qu'on monte aux échelles

Abel était l'aîné, j'étais le plus petit
Nous mangions notre pain de si bon appétit
Que les femmes riaient quand nous passions près d'elles

Nous montions pour jouer au grenier du couvent
Et là, tout en jouant, nous regardions souvent
Sur le haut d'une armoire un livre inaccessible

Nous grimpâmes un jour jusqu'à ce livre noir
Je ne sais pas comment nous fîmes pour l'avoir
Mais je me souviens bien que c'était une Bible

Ce vieux livre sentait une odeur d'encensoir
Nous allâmes ravis dans un coin nous asseoir
Des estampes partout! quel bonheur! quel délire!

Nous l'ouvrîmes alors tout grand sur nos genoux
Et dès le premier mot il nous parut si doux
Qu'oubliant de jouer, nous nous mîmes à lire

Nous lûmes tous les trois ainsi, tout le matin
Joseph, Ruth et Booz, le bon Samaritain
Et, toujours plus charmés, le soir nous le relûmes

Tels des enfants, s'ils ont pris un oiseau des cieux
S'appellent en riant et s'étonnent, joyeux
De sentir dans leur main la douceur de ses plumes


Bài thơ "Aux Feuillantines" nằm trong tập Les Contemplations, tập thơ về những "chiêm ngưỡng", một thời nó là nỗi hãi hùng của tôi, tập thơ ấy. Tôi vẫn còn chưa quên, Hugo viết những bài thơ trong đó trong giai đoạn đi đày (khi Napoléon Đệ Tam mới lên ngôi hoàng đế - lên hoàng đế thông qua "phổ thông đầu phiếu", rất không tệ), các hòn đảo, Jersey, Guernesey; tuy nhiên, "đi đày" lại là chủ đề cho một tập khác, Les Châtiments, tập thơ về các "trừng phạt". Thời gian viết những bài thơ trong Les Contemplations, Hugo thực hành cầu cơ (nói đúng hơn là sử dụng bàn xoay để nói chuyện với các linh hồn, toàn linh hồn danh giá). Ở chốn đi đày ấy có một Leroux, rất nổi tiếng, tuy nhiên không phải Gaston Leroux như ở kia mà là Pierre Leroux, nhân vật đặc biệt quan trọng đối với một loạt nhà văn Pháp, nhất là George Sand, nguồn cảm hứng để Sand viết Spiridon tức là, rất có thể, cuốn sách duy nhất còn đáng quan tâm của Sand, tuy nhiên trớ trêu, đó lại chính là cuốn sách hiện nay không thể tìm được.

Tôi không hề nhớ trong "Aux Feuillantines" Hugo cũng nói đến hạnh phúc ("quel bonheur!"); Hugo gây sợ hãi có lẽ chính vì thơ của Hugo nói đến hạnh phúc một cách tràn lan, cứ như thể đó là một điều hiển nhiên, không gì hiển nhiên hơn được nữa. Hay hạnh phúc thực sự là một điều hiển nhiên, nằm ở kia, nằm ở đó, nằm ở mọi nơi? Vả lại, bài thơ, cũng dễ hiểu, nhắc đến hạnh phúc là bởi đó là một câu chuyện hồi nhỏ: ba anh em nhà Hugo chơi đùa trong tu viện và tìm thấy một quyển sách màu đen rất bí hiểm, nằm trên nóc tủ. Đó là Kinh Thánh.

Nhưng rất nhiều khả năng, hạnh phúc chỉ là một danh từ, cùng lắm thì nó cũng chỉ xuất hiện trên một bảng hiệu (tức là một thứ tuyệt đối chuyên lừa dối) cửa hàng: Au bonheur des dames (Hiệu hạnh phúc các bà). Hơn thế nữa, Émile Zola mà khẳng định về hạnh phúc, thì đúng là, không thể khác, một chuyện cười khủng khiếp, nghĩa là một chuyện cười không hề buồn cười.

Tại bến xe bus Les Feuillantines ngày nay, rẽ vào một phố nhỏ chạy chéo, đi một đoạn nữa sẽ đến Val-de-Grâce. Cuối phố Saint-Jacques, một đoạn rất hẹp. Trong Souvenirs dormants, nhân vật của Modiano đến một tòa nhà đối diện Val-de-Grâce. Tôi nhận ngay ra nó sau vài từ miêu tả. Nếu không đi vào đó ngay, vẫn quanh quẩn ở chỗ ngã tư (hay là ngã ba? hay là ngã năm), có một hiệu sách cũ. Lần đầu tiên bước chân vào đó, chắc là tháng Mười năm 2002, tôi nhìn thấy, như thể bồng bềnh trong một màn sương mù, một ông lão già, rất già. Một con người khiến ta nghĩ đến một cuộc đời, một người già khiến ta nghĩ đến một cuộc đời (dường như) trọn vẹn, còn một người rất già? dường như ngay lập tức ta thấy nhiều hơn cuộc đời, dẫu chỉ một chút.

Trước khi quay trở lại - nói đúng hơn, trước khi nhớ lại được, điều mà tôi hoàn toàn không chắc là có thể làm hay không - với ông lão rất già trong cái hiệu sách nằm không xa bến xe bus (21 và 27) và cũng không xa quán cà phê kiêm quán ăn nằm ở đầu phố Claude Bernard (không phải "quán cà phê của bến xe bus", quán này thì nằm bên Gay-Lussac) nơi vào cuối năm học, sau buổi cuối cùng, cô giáo của chúng tôi mời những học sinh còn trụ được đến buổi kết thúc séminaire năm ấy, tổng cộng có bốn người, hai đứa con gái, một thằng ngay sau đó sẽ trở thành sinh viên do giáo sư Philippe Hamon tại trường Paris I, III hay VII tôi cũng không còn nhớ rõ hướng dẫn, và tôi, chúng tôi ra cái quán đầu phố Claude Bernard ăn trưa. Séminaire năm ấy, chúng tôi đọc Pirandello, dường như cả Hoffmann, Gogol nữa, nhưng chắc chắn là có Boulgakov vì tôi phải làm một bài thuyết trình về tính chất quỷ trong các tiểu thuyết của Boulgakov; tôi cũng không rõ tại sao mình lại chọn "tính chất quỷ" nữa; cô giáo còn khá trẻ, dường như không thứ tiếng nào là không biết, gần đây mới cho xuất bản một bản dịch mới các câu chuyện về Saint-Pétersbourg của Gogol, chiếc áo choàng, bức tranh chân dung, cái mũi, Akaki Akakievitch, nhật ký của người điên; Gogol cũng vĩnh cửu giống như Goethe, Dostoievski chỉ thực sự trở thành Dostoievski sau khi đã đi hết chặng đường vác cây thánh giá Gogol; những linh hồn đã chết nào giễu cợt nhìn chúng tôi từ nơi lẩn quất trong bữa trưa quãng thời gian trong năm đầy hứa hẹn mùa xuân và nắng ấm ấy? cô giáo quay sang tôi, bỗng nhiên hỏi tôi có chơi nhạc không; cô giáo từng ngồi jury trong kỳ thi của tôi, kỳ thi mà tôi đã chắc chắn trượt ngay từ đầu; hôm nhập học, vác được cái va li lên hết đợt cầu thang thứ nhất của phân khu gọi là "Rataud" vì nó tiếp giáp với bức tường chạy dọc phố Rataud, phố nhỏ phía sau, đâm ra phố Érasme rồi phố Lhomond, không xa phố Tournefort là một phố dường như vẫn còn nguyên xi mùi vị của thời Trung cổ (Rataud là khu tệ nhất của ký túc xá, dành cho bọn năm nhất), lên đến đó và đang hoa mắt trước cái mê cung hình vuông mà suốt mấy năm tôi vẫn hay bị lạc, vì mê cung ấy đối xứng và vuông vắn đến mức khả nghi, thì có người gọi tên tôi từ sau lưng: người đầu tiên tôi gặp lại chính là cô giáo, từng ngồi jury khi tôi thi, rồi sau đó là người giảng séminaire duy nhất mà tôi thực sự theo cho đến cùng; trước tất tật, tôi bỗng nhớ ra, khi viết về một cuốn tiểu thuyết của Patrick Modiano, tôi đã nhớ nhầm tên, vì nó tên là Des Inconnues chứ không phải Les Inconnues, mà hình như cũng chẳng ai nhận ra là tôi nhớ nhầm; xét cho cùng, người ta rất dễ nhầm về những người phụ nữ xa lạ, cũng như nhầm lẫn về phụ nữ nói chung.

Trong một cuốn tiểu thuyết, La Conspiration, về "âm mưu", Paul Nizan viết:

"Des airs de musique, des discours, des leçons, des réclames sortaient de la gueule des hauts parleurs dans un rabâchage confus; de temps en temps, un autobus grinçait à l'arrêt de la rue des Feuillantines; il y avait pourtant des moments où une espèce de grand silence marin déferlait paresseusement sur les récifs de la ville."

Nizan nói đến một "autobus" nghiến bánh xe dừng lại "bến đỗ trên phố Les Feuillantines". Tôi hình dung, quãng giữa thập niên 20 của thế kỷ 20, thời Nizan 20 tuổi, chắc hẳn bến đỗ (giờ đây cho xe 21 và xe 27) cũng giống như ngày nay: đó là bến "Les Feuillantines", nhưng nó nằm trên phố Gay-Lussac; phố Les Feuillantines là phố nhỏ khuất phía sau, chạy chéo, dẫn về hướng Val-de-Grâce.

Những cuốn tiểu thuyết của Nizan không nói về điều gì khác ngoài nỗi khó ở của tuổi trẻ. Của tuổi hai mươi đầy khó chịu. Nizan mang đi theo mình những gì đẹp nhất, không để lại chút gì cho thế thân Jean-Paul Sartre, Sartre mắt lác.

Trong một cuốn hồi ký, José Corti viết:

"je ne sais pas, mais sais de science certaine que pour vivre il faut faire comme si
... chaque jour qui passe
devait avoir d'éternels lendemains."

Để có thể sống được, phải làm sao để ngày nào cũng như thể có "những ngày mai vĩnh cửu". Không dễ. Corti viết cuốn sách ở tuổi chín mươi. Năm 1925, ba mươi tuổi, Corti mở nhà xuất bản. Năm 1951, nhà Corti thành công vang dội, Le Rivage de Syrtes của Julien Gracq đoạt giải Goncourt (nhưng Gracq từ chối giải thưởng) và đồng thời Castex nhận giải thưởng lớn về phê bình; Castex là một nhân vật lớn trong câu chuyện nghiên cứu Balzac; trong hồi ký, Corti cũng trích dẫn ngay Balzac, cái câu "All is true" mà không độc giả nào của Balzac không biết. Gần đây, hiệu sách José Corti trên phố Médicis gần Jardin du Luxembourg đã đóng cửa; đã thực sự kết thúc cả một thời đại. Trong hồi ký, có một lúc như thể tình cờ, Corti viết ra năm cái tên tác giả mình từng xuất bản tác phẩm: Breton, Char, Crevel, Péret, Dali.

Đọc để làm gì, để làm gì? Để hạnh phúc? Đáng ngờ lắm. Trong một cuốn tiểu thuyết, Norman Manea, nhà văn Rumani sống ở Mỹ (nhưng vẫn tiếp tục không viết tiếng Anh), có đoạn nhân vật Stefan gặp lại nhân vật Irina, thấy Irina đọc sách, Stefan hỏi: "Em đọc, em vẫn đọc à? Chẳng phải đó là dấu hiệu cho thấy người ta không hạnh phúc, đọc sách ấy, có phải không?"

-----------

Trong hồi ký Provisoirement définitif (đây là hồi ký viết ở tuổi chín mươi, nhiều chục năm sau một cuốn hồi ký khác), José Corti nhắc đến hai "định nghĩa", thật ra là hai câu nói đùa tồn tại lâu năm về trường École Normale Supérieure. Câu thứ nhất: "École Normale: Cái trường mà người ta phải trải qua những khó nhọc lớn nhất thì mới vào được, nhưng rồi sẽ bỏ cả cuộc đời để ra khỏi đó", và câu thứ hai: "École Normale: Nơi người ta nghỉ ngơi trong vòng ba hoặc bốn năm sau nỗ lực phi nhân tính kể từ giai đoạn dự bị cho tới kỳ thi concours đầu vào".

Nhưng tất nhiên, Paul Nizan mới thực sự rành trường ENS. Trong La Conspiration, Nizan có đoạn tả đi từ ngoài vào bên trong, đọc nó tôi thấy hiện lên trước mắt cả toàn cảnh lẫn tất tật mọi chi tiết. Một cánh cửa, rồi lại một cánh cửa, cái sân vuông có rất nhiều tượng đầu người từ trên cao nhìn xuống, rồi lại một cánh cửa, vào trong cái sảnh là sẽ thấy một công trình tưởng niệm, một "đài tưởng niệm" dành cho các học sinh của trường hy sinh trong Thế chiến thứ nhất. Thế chiến thứ nhất là cuộc chiến tranh khiến nảy sinh, sau đó, rất nhiều công trình tưởng niệm, những bức tượng và những hàng chữ viết chi chít những cái tên.

Trong một cuốn tiểu thuyết của Raymond Queneau, hai nhân vật, hai ông già gặp nhau, họ nói chuyện, một người nói mình từng đi lính, người kia nói mình cũng từng đi lính, thế là người thứ nhất hỏi, đi lính hồi nào, trong cuộc chiến tranh nào, người thứ hai bèn trả lời "Cái cuộc chiến tranh có rất nhiều đài tưởng niệm", và như vậy ta sẽ biết ngay đó là cuộc chiến tranh 14-18.

Một cuốn tiểu thuyết rất gần đây vẫn lấy đề tài là việc dựng các bức tượng sau cuộc chiến tranh, đó là Au revoir là-haut của Pierre Lemaitre, tác giả của Alex.

Cái sân vuông (với một bồn nước tròn ở giữa), có một lần, tôi ngồi đó một buổi chiều. Khi đứng lên để đi khỏi, tôi nghĩ là tôi đã đếm được rất chính xác trong khoảng hai tiếng ngồi ở đó, niệm năng của tôi đã nắm bắt được ở xung quanh tôi, từ những người cũng đơn độc ngồi ở đó giống như tôi, dưới ánh mắt nghiêm khắc (nhưng hoàn toàn cũng có thể là giễu cợt) của những tượng đầu người gắn vào phía trên, ở độ cao tương đương với thư viện (cũ), thư viện mà hồi Nizan còn học có thủ thư là Lucien Herr, tôi đã đếm được ba mươi bảy cơn khải thị.

José Corti không phải học sinh ENS, không phải một "normalien", nhưng trong hồi ký lại nhắc rất nhiều đến cái trường ấy. Đó là vì người vợ của Corti từng nhận một cậu bé mù để giúp đỡ, đó là một cậu bé thời điểm ấy học dự bị bên Louis-le-Grand và sẽ thi vào ENS. Một người mù thi ENS, và cuối cùng đã đỗ, với người vợ của Corti lúc nào cũng ở bên, kể và và nhất là trong các bài thi. Người con trai duy nhất của vợ chồng Corti, trước đó rất lâu, bị quân Đức giết thời Chiếm đóng, ở tuổi mười chín.

Cuộc đời có thể rất ngắn, nhưng đừng vội tin vào điều đó, nghĩa là đừng vội tin rằng cuộc đời thì ngắn: Trong Về sự ngắn ngủi của cuộc đời, Sénèque đã nói rất rõ, cuộc đời ngắn là vì người ta tưởng nó ngắn, chứ nó không ngắn. Sénèque, một "stoïcien", cũng là một nỗi kinh hoàng đối với tôi; một bài thi tiếng Latin của tôi là một trích đoạn từ chính Sénèque. Nhưng Về sự ngắn ngủi của cuộc đời còn chưa phải tác phẩm đáng sợ nhất của Sénèque, vì Sénèque còn có một tác phẩm khác mang nhan đề gây khiếp hãi hơn nhiều: Cuộc đời hạnh phúc.




(còn nữa)


nhân tiện:

+ đã kết thúc ba chương đầu Adolphe của Benjamin Constant: cuộc tình giữa anh và chị đã thực sự trở nên rất bập bềnh
+ đã viết tiếp bài về Simenon: Georges Simenon và điện ảnh thì có thể như thế nào?

12 comments:

  1. Không hiểu sao khi tình cờ nhìn thấy những người quen cũ thì em thường lẩn tránh

    ReplyDelete
  2. "tiện bút" như là một cuộc Tìm, lập thể.

    ReplyDelete
  3. :) Chú ngồi yên đấy nhé, cháu đang ngồi metro đến Stalingrad, sẽ xuống Place d'Italie, đổi bus tới LF. Thật ghét những cuộc đuổi bắt, trốn tìm...nó gây cho người ta một cảm giác mệt mỏi, căng thẳng (mà trống rỗng) đek cần thiết.

    ReplyDelete
  4. nếu cháu còn bé quá thì thôi, không cần đâu :p

    cà phê ở đó (cuối Gay-Lussac, sắp xuống dốc Claude Bernard) uống cũng ngon đấy

    ReplyDelete
  5. cháu cần gì cà phê, càng chả cần ngon, dở^^. Cơ mà, cháu đọc ký ức, kỷ niệm của chú viết ra...cháu xúc động!

    ReplyDelete
  6. chắc cần được cắt tóc :p

    ReplyDelete
  7. thật là rất gợi. nhưng có lẽ thiếu mấy cái cây? nếu là Nguyễn Tuân chắc sẽ có tả mấy cái cây ở đâu đó quanh đó :P

    ReplyDelete
  8. không liên quan, nhưng em ko biết tiếng Pháp, cũng mới đến Paris một lần, hồi ở đấy, thấy chán muốn chết vì lạc lõng, giờ ngồi đọc những dòng viết của anh tự nhiên thấy nhớ nó, dù cũng ko hiểu nội dung anh viết cho lắm🙄.

    ReplyDelete
  9. - Em tập, em vẫn tập yoga à. Chẳng phải đó là dấu hiệu cho người ta thấy em ái mộ nhị linh, tập yoga ấy, có phải không?

    ReplyDelete