Nov 14, 2017

Simenon trở lại

Thần học Thiên chúa giáo (Thomas d'Aquin, nếu muốn ngắn gọn) rõ ràng không nhầm lẫn khi xếp sự hà tiện vào hàng bảy tội lỗi "capital" của con người. Hào phóng và hoang phí, cả tin nữa, mới xứng đáng: văn chương có cách riêng để thể hiện điều này, và Georges Simenon là một trong những biểu hiện lớn nhất (ngay sau đây, ta sẽ đến một hiện thân hoang phí khổng lồ nữa: Guy de Maupassant; tất nhiên, Balzac hay Dickens đã là những ví dụ không nhỏ).

Khi đã "chắc chân" ở bên Pháp và bắt đầu kiếm được nhiều tiền, Simenon mua một cái xuồng, "La Ginette", và mặc dù không hề biết điều khiển xuồng, lên đó cùng vợ (đây là người vợ đầu, Régine Renchon tức "Tigy" cũng từ Liège thành phố quê hương của Simenon sang Paris), cô hầu Henriette Liberge tức "Boule", người phụ nữ thật ra ở bên cạnh Simenon lâu dài nhất và con chó Olaf, đi sống lênh đênh. Không hề biết trước nhưng làm bằng được: đó chính là Simenon; Simenon viết truyện cũng vậy, không bao giờ biết trước mình sẽ viết gì, nhưng có những giai đoạn (rất dài) mỗi ngày Simenon viết 80 trang, có lúc còn khẳng định mình viết xong một cuốn tiểu thuyết trong vòng một buổi sáng (nhiều khả năng về điều này thì Simenon bốc phét, nhưng là bốc phét một cách hoàn toàn thành thực, đó có lẽ là một đặc tính của những con người hoang phí). Rất nhanh chóng, một cái xuồng là không đủ, Simenon mua một con thuyền lớn hơn, đi biển được, tên là "L'Ostrogoth" - ở Paris, nó hay được đậu ở mũi Vert-Galant trên sông Seine, gần cầu Pont-Neuf. Simenon sẽ viết: "Cả đời tôi dành để ra đi, chắc vì không có một mỏ neo, bởi vì tôi không là người của đất nước nào."

Những gì cần phát biểu, Simenon đều nói bằng một cách thức khiến người ta phải tự hỏi ông ấy có đang đùa không (và ở phần lớn các trường hợp, ngay lập tức tin rằng "ông ấy" không hề đùa). Simenon: "Người ta trách tôi vì sở thích quảng cáo, cứ như chính Chúa không cần đến mớ chuông ấy!"

Đoạn của cái xuồng và con thuyền là quãng cuối thập niên 20, đầu thập niên 30 của thế kỷ 20. Lúc này, Simenon gần ba mươi tuổi, đây cũng là thời điểm nhân vật ông cẩm Maigret sắp chính thức xuất hiện. Với Maigret, Simenon dự cảm mình đang bước vào một giai đoạn mới của văn nghiệp: từ những gì quá "popular" bắt đầu lên một nấc, nấc mà Simenon gọi (trước sự kinh hoàng của bất kỳ ai nghe thấy; nhưng tất nhiên Simenon chẳng quan tâm) là "semi-littéraire" hoặc "semi-alimentaire"; khi được yêu cầu giải thích kỹ hơn, Simenon nói, nghĩa là loại tiểu thuyết mà trước khi đưa đi nhà in cũng cần đọc lại một lần (tất nhiên, điều đó có nghĩa về trước Simenon chỉ viết loại sách khỏi cần đọc lại: để viết, ở đoạn ấy, Simenon có sự trợ sức của Tigy người vợ và một cô thư ký). Cùng đoạn này, khi được mời đến một tòa báo chơi, Simenon thông báo đã đến lúc thấy cần thay đổi, vì dẫu sao thanh niên 27 tuổi đã có sau lưng 277 tác phẩm.

Maigret là nhân vật văn chương được lăng xê theo cách thức Simenon nhất: ngày 20 tháng Hai năm 1931, một bữa tiệc mang tên "Bal anthropométrique" được tổ chức tại hộp đêm Boule Blanche gần vườn Luxembourg. Đó là một đêm cuồng loạn mà hôm sau không tờ báo Paris nào không nhắc đến, cả nghìn người chơi bời đến sáng. Simenon thích hào nhoáng, và thích một cuộc sống phù phiếm, nếu không phải là lênh đênh đâu đó: lúc này, Simenon đã trải qua cuộc tình máu lửa với Josephine Baker, nữ vũ công được báo chí thời ấy cho là có bộ mông hấp dẫn nhất thế giới.

Ông cẩm Jules Maigret (Simenon: "Tôi không tự đồng hóa mình với Maigret, tôi chưa bao giờ hình dung mình giống Maigret", nhưng Maigret đích thực là một phần bên kia của Simenon; vả lại rất không nên quá tin những gì Simenon nói về chính mình, cũng như về mọi điều, bởi vì Simenon lúc nào cũng nói thật, dường như vậy) sẽ khét tiếng chính bởi sự không khét tiếng, tạo nên một nhân vật lớn của truyền thống truyện trinh thám bởi vì đi ngược lại mọi sơ đồ vững chắc của thể loại vào thời ấy (đầu thập niên 30). Maigret là một ông cẩm (commissaire) thuộc Cảnh sát Tư pháp (Police Judiciaire) của Paris. Giới cảnh sát Paris đọc và phê phán nhiều điều không chuẩn xác trong tiểu thuyết trinh thám của Simenon, nhưng rất có thiện cảm; Guichard, viên giám đốc rất nổi tiếng của Police Judiciaire từng mời Simenon đến tận Quai des Orfèvres chơi tham quan cho biết, để viết truyện chuẩn xác hơn.

Trong danh mục chính xác (và chính thức), Pietr-le-Letton xuất bản năm 1931 là cuốn sách Maigret đầu tiên. Nhưng cũng như trong mọi thứ gì liên quan đến Simenon, rất khó tin điều này. Maigret đã xuất hiện trong vài cuốn sách trước đó, không hề mờ nhạt, nhất là La Maison de l'inquiétude.

Đây (cuối thập niên 20 đầu thập niên 30) là bước ngoặt không nhỏ trong cuộc đời Georges Simenon. Với loạt Maigret, lần đầu tiên Simenon ký tên thật, tức là "Georges Simenon": đi qua hàng trăm cuốn sách rồi Georges Simenon mới trở thành Georges Simenon; trước đó là rất nhiều bút danh, và rất hay có "Georges Sim".

Simenon từ thành phố Liège bên Bỉ sang Paris vài tuần trước khi tròn hai mươi tuổi. Ta sẽ biết rất nhiều chi tiết về quãng đầu đời, cho đến khoảng tuổi lên mười, của Simenon nếu đọc hồi ký Pedigree (Simenon không chỉ là người viết nhiều tiểu thuyết nhất trong lịch sử thế giới, Simenon cũng lại là người viết vô số hồi ký; "pedigree" nghĩa là dòng giống, nhưng là từ dùng đặc biệt cho chó; một nhân vật khác khi viết hồi ký cũng đặt tên sách là Un pedigree: đó là Patrick Modiano). Trong cuốn tiểu thuyết-hồi ký này bà mẹ Henriette bị đổi tên thành Élise, bản thân "Georges" thành "Roger", cái họ "Simenon" thì thành "Mamelin": "Roger Mamelin, sinh tại Liège, 18, phố Léopold, thứ Năm ngày 12 tháng Hai năm 1903"), chỉ ông bố Désiré vẫn được giữ đúng tên; chi tiết này hết sức quan trọng.

Simenon bỏ chạy khỏi Bỉ rất sớm, khi chưa tròn hai mươi tuổi. Một người Bỉ khác, Henri Michaux, cũng rất sớm đi khỏi đây. Baudelaire từng miêu tả nước Bỉ (Bruxelles) thảm hại không thể cứu chữa. Nhưng Michaux căm thù nước Bỉ (nhất là căm ghét những cái cây xấu xí và đơn điệu như những kẻ chỉ có một chân), còn Simenon thì không hẳn: Liège vẫn là một địa danh chứa rất nhiều nostalgia trong suốt cuộc đời không cố định nơi nào của Simenon.

-----------

Simenon ở Việt Nam thì như thế nào? Dưới đây là những gì tôi có:



Chưa phải là tất cả đâu, nhưng cũng nói lên được khá rõ nhiều điều. Thật ra, chưa bao giờ tôi sưu tầm sách tiếng Việt của Simenon, nhưng một ngày nọ một nhà sưu tầm có những quyển trên đây đột nhiên thấy chán và muốn đẩy đi, thế là tôi lấy luôn, một phát là xong; rất có khả năng nhà sưu tầm chủ cũ của đống sách này giờ đây đang rất tiếc nuối :p Tôi cũng từng có một bộ sưu tập Agatha Christie thuộc loại lớn nhất của Việt Nam, thu thập trong vòng ba ngày, sự việc được nhiều người chứng kiến, hehe.

A, trong bức ảnh thứ nhất bỗng lọt vào một bản dịch Maurice Leblanc; đúng ra là tôi để nhầm vào không chủ ý, nhưng Leblanc ở đây xuất hiện cũng rất tốt, có thể lợi dụng luôn :p

Quãng thời gian Simenon bắt đầu thực sự trở thành một thế lực, một sự kiện, một hiện tượng, chính là thời điểm một nhân vật qua đời: đó là Gaston Leroux, chết năm 1927. Maurice Leblanc thì chết năm 1941.

Ta có thể thấy một vài diễn biến một câu chuyện không nhỏ, chỉ cần nhìn vào mấy cái tên như Leblanc, Leroux hay Simenon.

Còn cần nói đến hai nhân vật nữa: Pierre Boileau và Thomas Narcejac (mà những ai là độc giả của Hoàng Hải Thủy hẳn biết rõ) kém Simenon chừng ba, năm tuổi. Họ chính là người hiểu ra từ rất sớm vị trí và vai trò của Simenon (về cơ bản, giới phê bình văn chương Pháp không hề công nhận Simenon, không những thế Simenon còn nhanh chóng trở thành "bête noire", đối tượng châm chích ưa thích của nhiều tờ báo, đặc biệt là Le Canard enchaîné). Pierre Boileau và Thomas Narcejac nhấn mạnh vào điểm commissaire Maigret khiến tiểu thuyết trinh thám thoát (một cách ngoạn mục) khỏi truyện trinh thám truyền thống (Conan Doyle, mà Simenon vô cùng hâm mộ, nhưng Simenon đặc biệt ngưỡng mộ Stevenson và Conrad). Các câu chuyện của Simenon không còn đi trả lời mấy câu hỏi kinh điển của thể loại whodunit nữa: ai giết, như thế nào và tại sao; nếu có dính dáng thì chủ yếu (và cũng chỉ một phần) ở vấn đề tại sao: tiểu thuyết hình sự của Simenon gần như không che giấu chi tiết nào, không cần đến quá nhiều phân tích logic (Maigret là một con người của trực giác, hơi ngu là đằng khác, nếu muốn nói đến trí tuệ, lý trí). Không phải là hiểu ra vụ việc đã diễn ra như thế nào, mà hiểu ra tại sao một người nào đó lại trở thành sát nhân: nhân vật chính sẽ đảo chiều, không phải người điều tra nữa, mà là thủ phạm (tức là có hai loại trinh thám: ở một loại, người điều tra đáng quan tâm hơn, còn ở loại, kia, phía bên kia đáng quan tâm hơn - điều này không mâu thuẫn với nhân vật điều tra xuyên suốt các câu chuyện hết sức quan trọng).

-----------

Tiếp tục các tàu, thuyền của Simenon: sau "La Ginette" và "L'Ostrogoth" là đến "nhân vật thuyền bè" thứ ba: "Le Potam", đây là dạng tàu đánh cá rất đầy đủ vật dụng, và tất nhiên đồ sộ; có cả một người được thuê để chuyên điều khiển nó, tên là Tado. Chui vào trong một ca bin nhỏ trên tàu, chuẩn bị viết, Simenon sẽ nhồi thuốc cho liền một lúc sáu cái tẩu (để giữa chừng khỏi phải dở tay xoay ra lo mấy sự vụ lặt vặt), và bắt đầu viết. Rồi sau đó? Rồi sau đó vẫn viết tiếp, viết tiếp và lại viết tiếp. Thường thì sau ba tiếng (và xử lý hết sáu bạn tẩu - tẩu thuốc là một trong những dấu hiệu mang nhiều đặc trưng Simenon nhất; Simenon không bao giờ rời tẩu, dẫu có bất kỳ chuyện gì xảy ra; tôi đang còn tìm hiểu, chưa biết rõ, tôi muốn biết về sau môi dưới của Simenon có hằn lại một cái rạch sâu hoắm dẫn đến dị dạng hay không).

Trên đây, ta đã nhắc đến một số cái tên riêng. Nói về Simenon mà muốn kể hết những cái tên riêng có liên quan thì đơn giản là không thể, hoặc cần đến số giấy tương đương giấy đủ in chừng một trăm cuốn tiểu thuyết của Simenon. Bởi vì không cuốn tiểu thuyết Simenon nào hấp dẫn và phong phú bằng cuộc đời Simenon, điều này không có gì khó đoán.

Nhưng cũng nên nhắc thêm một nhân vật: Paul Reboux. Ta từng nói đến chuyện các nhà phê bình văn chương Pháp không mấy coi trọng Simenon, nhưng cũng có ngoại lệ: Paul Reboux, ngay từ rất sớm, đã viết về Simenon (hồi đó còn sống ở quảng trường place des Vosges, Paris - về sau Simenon còn có thời gian sống ở ngoại ô Neuilly, ngoài ra đặc biệt thích sống tại ngôi nhà ở Porquerolles, gần biển; bởi vậy nên Simenon từng nói ở mình có hai con người, một người miền Bắc vì gốc gác, và một người miền Nam, vì sở thích) một cách vô cùng trang trọng, trên một tờ báo lớn ("một tờ báo đứng đắn", có thể nói vậy). Paul Reboux, nếu ai rành lịch sử văn chương Pháp, sẽ nhớ đó là một trong hai tác giả (người còn lại là Charles Muller) của À la manière de nghĩa là "Theo cách của", nghĩa là một thực hành nhại cho đến giờ vẫn còn được đọc. Reboux viết về Simenon với một nỗi kinh ngạc lớn lao ngay hồi cuối thập niên 20. Nhưng không ai miêu tả Simenon hay bằng chính Simenon: khi được hỏi về cuộc sống thường nhật, Simenon đáp cuộc sống đó được chia thành các "khúc", mỗi khúc gồm 15 ngày (có thể hình dung - và không hề sai - rằng đó là các "đơn vị thời gian" cần thiết để viết sách: mỗi khúc 15 ngày được dùng để viết một cuốn tiểu thuyết): trong đó quãng đầu là ngồi một chỗ, hoặc cũng có thể là đi lại lung tung đây đó, tưởng tượng ra các nhân vật, giới thiệu họ với nhau, rồi dần dà họ sẽ thoát đi mất, tự sống, rồi cứ quan sát họ và chép lại câu chuyện.

Nếu muốn nhắc đến các nhân vật lớn của lịch sử mà Simenon từng gặp, chỉ cần nói điều sau đây là gần như đầy đủ: Simenon chắc hẳn là một trong những người rất hiếm hoi từng gặp cả Adolf H. lẫn Trotsky nhà cách mạng người Nga. Đấy là còn chưa kể khi bộ trưởng Liên Xô Lounatcharski (đây là viết kiểu Pháp) sang Paris chơi hồi thập niên 20, Simenon chính là người dẫn nhân vật danh giá đi khám phá thành phố. Một trong các phiên bản (bởi vì câu chuyện nào liên quan đến Simenon cũng có nhiều phiên bản, lắm lúc rất nhiều phiên bản) cho biết Trotsky, đang sống đời lưu đày, đã rủ Simenon đi câu cá cùng; câu cá là niềm đam mê lớn của Trotsky. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là thời điểm Simenon gặp Trotsky (để phỏng vấn, rồi đăng báo), Trotsky mới đọc một cuốn tiểu thuyết, nó vừa được in chưa lâu, nó được in 70.000 bản trong vòng vài tháng, một quyển trong số đó rơi vào tay Trotsky. Trotsky bị cuốn sách gây chao đảo khủng khiếp, và sau đó sẽ có vai trò quan trọng trong việc đưa nó đến nước Nga (và tiếng Nga). Ta đang ở thời điểm 1932, và cuốn tiểu thuyết ấy là Đi đến cùng đêm của Céline.

A, thì chính Céline cũng từng nhắc đến Simenon, một điều không mấy ai ngờ. Céline nhắc đến Simenon, vẫn với rất nhiều dấu ba chấm quen thuộc: "Ông ta từ Bỉ sang, cũng là người Bỉ giống Simenon [...]. Họ tới để chinh phục Thủ Đô... Mấy tay Rastignac người Bỉ! cả đôi!"

Ở đây Céline đang nói đến nhà xuất bản Denoël, chính là người in Đi đến cùng đêm. Denoël là người Bỉ, bằng tuổi Simenon, từ Bỉ sang Paris gần cũng quãng thời gian với Simenon. Nhưng Céline nhầm, Denoël và Simenon chưa bao giờ thực sự có quan hệ gì.

Ba nhà xuất bản đầu tiên của Simenon là Fayard, Tallandier và một người gốc Hung, Joseph Ferenczi (cần một lúc ba nhà xuất bản thì mới gọi là tạm đủ cho một nhân vật văn chương như Simenon). Trên đây, ta đã nói đến thời điểm 1931, năm 1933 cũng là một năm đặc biệt quan trọng đối với Simenon: đó là khi Simenon trở thành tác giả của Gallimard. Trong đời, chưa bao giờ Gaston Gallimard phải thương thuyết toát mồ hôi như vậy với một nhà văn, về từng điều khoản của hợp đồng. Cũng hiếm có hợp đồng nào của Gallimard tính đến thời điểm ấy được giữ bí mật đến như vậy. Theo hợp đồng, mỗi năm Simenon đưa Gallimard in sáu cuốn tiểu thuyết. Với nhiều tiền, rất nhiều tiền. Đặc biệt có các điều khoản liên quan đến dịch sách sang các thứ tiếng nước ngoài, rồi bản quyền dựng phim. A, cũng cần phải nói đến Simenon và điện ảnh: và hoàn toàn không hề vớ vẩn, bởi vì Simenon làm phim, ngay lập tức, với một nhân vật đạo diễn tên là Jean Renoir.

-----------

Jean Renoir, con trai của họa sĩ Auguste Renoir vĩ đại: tôi rất hy vọng không có độc giả nào của tôi chưa từng xem phim của Renoir, ít nhất La Règle du jeu và La Grande Illusion.

Renoir và Simenon ngay lập tức, như một cú sét tình yêu, yêu quý nhau như điên. Renoir cho ngay người anh (hay em?) Pierre vào vai Maigret. Đây là thời điểm đầu thập niên 30 của thế kỷ 20, người ta cảm thấy (une grande illusion, peut-être) rằng điện ảnh sẽ là cả một điều kỳ diệu; điện ảnh vẫn còn mới chỉ xoay ra cái mặt đáng yêu, hơi có chút rụt rè của nó (thậm chí, ban đầu nó còn không biết nói, chưa biết nói, như một đứa trẻ con còn chưa học nói, hay nói đúng hơn là một đứa trẻ biết đi thì chóng nhưng biết nói thì muộn), có cái gì đó hấp dẫn khôn lường. Élie Faure, trong thập niên 30, từng tin tưởng đinh ninh vào "mystique" của điện ảnh, một thứ hoàn toàn có thể thay thế sân khấu, mà trong mắt Faure đã trở nên quá già cỗi. Và cũng như mọi thứ gì trông rất hấp dẫn lúc ban đầu, điện ảnh sẽ trở nên đặc biệt gớm ghiếc, đặc biệt đáng ghê tởm, ở gần như mọi khía cạnh của nó. Nhưng Simenon dĩ nhiên chẳng quan tâm.

Đó là đầu thập niên 30, và bộ phim mà Renoir cùng Simenon hợp tác với nhau để làm là La Nuit du carrefour. Họ thực sự làm bộ phim cùng với nhau, trong sung sướng và một niềm phấn khích vô biên. Tưởng như đây sẽ là một bộ phim lịch sử của điện ảnh. Thế nhưng lại không: khi đóng máy, họ mới kinh hoàng nhận ra là đã quay thiếu cả một đoạn dài của kịch bản. Vì đã quá sung sướng, như một cặp tình nhân sau một đêm hoan lạc đến sáng mới nhận ra họ còn chưa cởi bít tất, Renoir và Simenon đứng trước một bộ phim giống như một đống rác. Nhà sản xuất đề nghị Simenon xuất hiện trong phim để cứu vãn, đứng đó kể chuyện để thế chỗ cho các séquence bị quay thiếu. Tất nhiên Simenon từ chối phắt. Nhưng không thể chối cãi La Nuit du carrefour, mặc dù có đến hai cái tên lớn như Jean Renoir và Georges Simenon, là một thứ vô cùng ridiculous. Rất có thể chính vì có đến hai cái tên lớn, nó không thể ra gì được.

Cũng như khi viết truyện, Simenon không bao giờ làm cái gì đơn lẻ: sớm hơn bộ phim của Jean Renoir, một đạo diễn khác (Tarride: một cái tên cũng không nhỏ) đã bắt tay vào làm Le Chien Jaune, đây mới chính thức là bộ phim đầu tiên chuyển thể từ tiểu thuyết Simenon. Bộ phim ấy không bị quay thiếu, nhưng cũng thất bại nốt, ít nhất là thất bại về mặt thương mại.

Cũng như không bao giờ làm cái gì đơn lẻ, và luôn luôn làm những gì mình hoàn toàn không biết làm (giống như viết truyện hay lái thuyền), Simenon, ngay tắp lự sau hai bộ phim nói trên, tự làm đạo diễn luôn. Và rất mau chóng bỏ cuộc: phép mầu điện ảnh dường như hơi khác phép màu văn chương. Nhưng câu chuyện mối giao tình Simenon với điện ảnh chỉ tạm ngừng ở thời điểm đầu thập niên 30 chứ chưa tắt hẳn.

-----------

Muốn biết những tiểu thuyết nào của Simenon có liên quan đến điện ảnh (đã được chuyển thể thành phim): rất dễ, kiếm một cuốn sách viết về Simenon và điện ảnh là xong.

Dưới đây là một cuốn sách như thế:


Một bản danh sách:




Thậm chí có cả danh sách các diễn viên từng đóng Maigret:



Liên quan đến Simenon, người ta luôn luôn muốn nhắc đến các con số (Simenon có biệt hiệu là "kỷ lục"). Ở đây chỉ nhắc phớt qua, với một ít trích ra từ một bản danh sách có thể gọi là "chính thức", hoặc "danh sách 391":


phần ngay dưới đây (gọi là "romans durs") rất đáng quan tâm:



-----------

Georges Simenon gây căm ghét, điều này là hiển nhiên, tại sao? tôi sẽ nói sau. Người ta tìm cách kích động một nhân vật lớn của thời ấy (tức là khi Simenon còn trẻ, rất trẻ): Maurice Leblanc, chính Leblanc, cha đẻ của Arsène Lupin, tìm đọc Simenon thật. Và, một điều hết sức bất ngờ đã xảy ra: thay vì cảm thấy ghen tị, Leblanc lại hết sức ngưỡng mộ nhân vật mới, và thay vì phê phán, chế nhạo hay thậm chí chửi bới Simenon, Leblanc viết một "thư ngỏ" đăng báo ca ngợi hết lời.

Đối với một người mới xuất hiện trong "ngạch bình dân", được một huyền thoại sống như Maurice Leblanc ca ngợi là cả một sự kiện lớn.

Simenon rất tham vọng, và không hề che giấu tham vọng: Simenon của tuổi trẻ muốn vươn lên ngang bằng với Edgar Wallace, tức là tác giả của cái này:


Dường như, một số người có nghĩa vụ không khiêm tốn.

Tham vọng (nhưng đó có phải là tham vọng hay không? ta sẽ còn quay trở lại điểm này), và như thể điên rồ, như thể tìm mọi cách đi ra ngoài mọi giới hạn.

Eugène Merle là một người "vô chính phủ" (à, "anarchia" nghĩa là gì? nghĩa là chọn không bắt đầu), một nhân vật khét tiếng của cánh tả và báo chí cánh tả (và vô chính phủ) của Paris một thời. Thập niên 30 của thế kỷ 20, Eugène Merle là chủ của tờ báo Le Merle blanc và đặc biệt, một tờ khác rất lớn, Paris-Soir (vài năm sau đó, Merle sẽ không giữ nổi tờ báo này và phải bán đi). Merle muốn hợp tác với Simenon làm "một cú", một cú kinh thiên động địa, và hứa sẽ trả nhiều tiền, rất nhiều tiền. Ý tưởng là cho Simenon ngồi vào một cái lồng kính, đặt ở nơi nào thật đông người, Simenon cứ ngồi trong đó viết, ai muốn xem cũng được. Sau vài ngày, kết quả sẽ là một cuốn sách.

Simenon đồng ý ngay: một chuyện như thế này quá hợp với một tâm tính như tâm tính của Simenon. Không ít sách về sau viết về vụ Simenon ngồi trong lồng kính như thể đó là một chuyện đã thực sự xảy ra thật. Nhưng không hề: dự định giữa Merle và Simenon được rất nhiều người biết đến, và gần như đã được thực hiện, nhưng cuối cùng đã không được thực hiện. Tàn dư của vụ này là cuốn sách của Simenon in năm 1947, Le Destin de Malou, với Merle là nguyên mẫu.

Rất dễ nghĩ Simenon thuộc về phía Balzac (và quả nhiên, Simenon từng bình luận Balzac - tôi sẽ sớm quay trở lại với câu chuyện này). Nhưng không, Simenon lại thuộc về phía Marcel Proust.

-----------

Simenon làm ta hiểu rằng quả thật hiện tượng sau đây có tồn tại, thậm chí đó mới là một điều cơ bản trong sự vận hành đích thực của thế giới: những gì dễ nhìn thấy lại khó nhìn thấy nhất. Bởi vì những gì dễ nhìn thì lại quá mức ở đó, lúc nào cũng ở đó, và chính sự hiện diện ấy (có phần quá mức tràn ngập) làm nên sự vắng mặt (thậm chí là biến mất), khiến không thể nhìn thấy, rất khó nhìn thấy. Cái gì hiển nhiên thì mới không được nhìn thấy. Giống như là không khí, cũng có thể giống như ánh nắng.

Simenon là một hiện thân kiểu khác của văn chương, một hiện thân dường như dễ dàng yên ổn trong sự "xếp loại" của những "văn chương bình dân" hay "văn chương nhà ga", thậm chí "văn chương rẻ tiền". Nhưng không, hoàn toàn không phải vậy. Văn chương của Simenon là một văn chương quá mức hiển nhiên.

Không khó hiểu khi Simenon liên quan chặt chẽ đến Balzac (xem thêm ở kia); cả Balzac lẫn Simenon đều sở hữu một sự to lớn "vượt ra khỏi thị trường con mắt", một sự tuôn trào mà không một cái khuôn nào định hình cho nổi. Và đương nhiên, những người như vậy bị người đương thời coi thường. Vì không (chưa) có khoảng cách.

Nhưng Simenon lại là một Proust, theo kiểu riêng của mình. Ta hãy nhớ đến chuyện Simenon tự cho rằng mình viết văn chương thấp, rồi lên cao dần, đến mức "semi", một nửa, để rồi sẽ lên đến đúng mức của văn chương. Marcel Proust không viết văn, không hẳn: Proust viết về sự không viết văn nổi của mình. Văn chương của Proust là văn chương của sự đi đến văn chương. Toàn bộ văn chương của Tìm thời gian mất là cuộc đi tới với văn chương. Khi nhân vật chính bắt đầu viết văn được, thì câu chuyện kết thúc, và chính quãng không viết được lại chính là tác phẩm. Simenon cũng vậy, ở một dạng không mấy khác: chính tất cả những loay hoay để vươn lên văn chương lại chính là văn chương. Proust và Simenon, đó là văn chương ở tư cách "phòng chờ" của văn chương, cái ở trước văn chương, đồng thời lại cũng chính là văn chương: một phòng chờ rộng mênh mông, mà Andersen từng miêu tả một cách thiên tài trong một câu chuyện (xem ở kia); và trong căn phòng ấy, các nhà văn từ chối là nhà văn như Proust hay Simenon có không gian để chiếu lên bức tường những hình ảnh phóng ra từ ngọn đèn kéo quân kỳ diệu ("lanterne magique" của Proust); lại cũng chính Andersen từng miêu tả sự kỳ diệu của cái đèn văn chương ấy (xem ở kia).

11 comments:

  1. Simenon thì cháu cũng đã nghe nói rồi. Nhưng sao lại là trở lại??

    ReplyDelete
  2. tại vì đúng là trở lại

    ReplyDelete
  3. nghe như thể nếu Napoleon sinh ra ở Ai Cập thì rồi ông ta cũng sẽ sang Pháp mà sống :P
    Simenon thế là "con người quá con người" nhỉ.
    NL cần làm bộ phiếu cho mượn sách và phát hành thẻ thư viện đi. nhìn bộ sưu tập thấy muốn đọc. khi mà sách tập trung vào một chỗ theo đội hình đội ngũ (ko "nhà binh"!)

    ReplyDelete
  4. chưa hề biết tác giả này trước đây, đang muốn tìm hiểu thì thấy bài này, blog của anh đúng là quá tuyệt vời, cảm ơn anh

    ReplyDelete
  5. huybao136@gmail.comDec 15, 2017, 7:48:00 PM

    haha, chào và cảm ơn ngài Simenon ;)

    ReplyDelete
  6. vẫn còn hơi thiếu, rất cần bổ sung :p

    ReplyDelete
  7. "chính tất cả những loay hoay để vươn lên văn chương lại chính là văn chương"
    Em thay chữ văn chương thành tình yêu cũng thấy đúng vô cùng, hehe, mà sao anh đặt được chữ mênh mông cạnh khái niệm " phòng chờ" hay thế, hehe

    ReplyDelete
  8. Nhiều quyển của Simenon em đọc chán rồi cho đi, nhưng trở lại Simenon anh viết thì vẫn không chán, em nghĩ lý do là anh chỉ viết về một tác giả khi đã đọc kỹ/ đọc hết những gì của/ liên quan.

    ReplyDelete
  9. a, mới nhớ ra là lại phải trở lại trở lại với Simenon tức là làm Simenon trở lại trở lại nữa và nữa

    ReplyDelete