Aug 25, 2017

[tiện bút] Les Inconnues


"Vous êtes un beau ciel d'automne clair et rose
Mais la tristesse en moi monte comme la mer!"



Một trong các câu chuyện của Patrick Modiano mở đầu bằng tiếng vó ngựa lộp cộp trên đường. Nhiều lần, Modiano có hình ảnh (và âm thanh) vó ngựa. Mãi rồi một ngày, đọc Michel Leiris, tôi mới thực sự hiểu tại sao: Leiris nói rằng tiếng vó ngựa, nhất là khi chậm rãi, làm người ta nghĩ đến cái chết.

Năm ấy, ở Hà Nội, số 42 phố Yết Kiêu, có một cuộc triển lãm sách báo. Hà Nội ngày ấy nghèo nàn lắm. Hồi đó, dọc phố Bà Triệu có mấy cửa hàng bán sách, hay có thêm tạp chí nước ngoài, những Business Week, FEER, Newsweek, L'Express, Le Nouvel Observateur, vân vân, trong số ấy dường như có tờ giờ không còn ra nữa. Tôi hay mua ở một cửa hàng, cửa sắt kéo như đàn accordéon mở thẳng vào chồng báo đặt ngay trên bệ. Nhiều lúc mua được những số trước ngày ra chính thức, và mua rất rẻ: đây là báo cắt góc, thật ra là báo do các cơ quan ở Hà Nội, nhà nước hoặc (nhất là) nước ngoài đặt về, rồi nhân viên tuồn ra ngoài bán, cắt cái góc trên bìa, nơi dán mảnh giấy viết địa chỉ cơ quan đi. Đoạn phố Bà Triệu này nằm ở chỗ sắp đâm thẳng ra Hồ Gươm, giờ đây đặc biệt đông đúc. Cửa hàng ấy của hai vợ chồng, tôi hay mua ở đó một thời gian, không lâu thì một trong hai người (tôi không còn nhớ người vợ hay người chồng), còn khá trẻ, qua đời.

Không dễ kiếm sách báo "cho ra hồn người" tại Hà Nội cuối thập niên 90. Cho nên cuộc "triển lãm" ở 42 phố Yết Kiêu năm ấy, chắc hẳn là 1999 hoặc muộn nhất là 2000, là một sự kiện không nhỏ đối với tôi. 42 phố Yết Kiêu của đoạn thời gian ấy là trung tâm Alliance Française. Cuộc triển lãm tổ chức ở sảnh lớn tầng dưới cùng, kèm với thông báo là sau khi triển lãm xong sẽ bán những gì được trưng bày. Tôi xem danh sách và nhìn thấy có Les Inconnues của Patrick Modiano. Lúc đó, tôi đã đọc Modiano, tôi đặt mua luôn quyển sách có trong danh mục.

42 phố Yết Kiêu nằm đối diện hông "Cung Hữu nghị Việt-Xô", suốt một thời gian dài thuộc một đoạn phố rất vắng. Trong vòng mấy năm, có một dải quán cà phê thuộc kiểu quán cà phê rất thịnh hành ở Hà Nội cuối thập niên 90: tức là kiểu quán cà phê chẳng có gì hết, lèo tèo vài cái ghế và cửa thường có mành rất kitsch; giờ đây dường như chỉ còn vài quán ở Triệu Việt Vương còn giống như vậy. Đó cũng là thời "trà Lipton" rất thịnh hành, không lâu sau đó là cơn cuồng loạn của "trà Dilmah"; thật khó ngờ là chỉ sau đó không lâu, dải phố Điện Biên Phủ trở nên tiêu điều sau khi là trung tâm "trà Dilmah" một cách cuồng loạn, cũng rất khó ngờ đoạn phố Yết Kiêu ấy giờ đây đã hoàn toàn khác. Mọi thứ đều thay đổi, và chắc gì ta vô tội.

Sau đó không lâu, trung tâm Alliance Française chuyển khỏi 42 phố Yết Kiêu (thật ra nó thuê lại một phần của trường Mỹ thuật), đến một chỗ khác, và cũng đổi tên.

Tôi đặt mua Les Inconnues ngay từ năm ấy, thế nhưng, đó lại chính là cuốn sách cuối cùng của Modiano mà tôi đọc, nói cho đúng hơn, khi tôi nhận ra là tôi đã đọc hết mọi tiểu thuyết của Modiano, chỉ còn lại đúng một quyển, thì đó lại chính là Les Inconnues. Lẽ ra tôi đã đọc nó nhờ mua ở triển lãm năm xưa (hồi ấy, tại Hà Nội mua được sách báo nước ngoài gần như là điều không tưởng, bây giờ thì sao? bây giờ thì), tức là ngay sau khi nó được xuất bản, tức là cái hồi tôi mới chỉ đọc dăm bảy cuốn tiểu thuyết của Modiano, chưa thực sự nhiều, thế nhưng chính vào lúc đã không còn gì của Modiano mà tôi còn chưa đọc, thì tôi lại nhận ra, vẫn còn Les Inconnues, chính là nó.

Một trong những cuốn sách khủng khiếp nhất mà tôi đọc ở giai đoạn trước đó chính là La Place de L'Étoile. Quảng trường Ngôi sao: lần đầu tiên đọc nó, tôi dừng lại sau khi đọc chừng chục trang, vì như vậy đã là đủ.

Khi văn chương của Modiano đã trở nên phổ biến ở Việt Nam, những năm gần đây, tôi nhận ra đám người không biết đọc tìm được một cách tỏ ra độc đáo: họ khẳng định những gì về sau Modiano viết không thể so với Quảng trường Ngôi sao, về sau chỉ còn là sự khéo léo etc.

Sự khác biệt giữa biết đọc và không biết đọc có thể chỉ là: không để bị ảnh hưởng bởi ham muốn độc đáo. Tốt nhất là không có ham muốn trở nên độc đáo nào hết. Nếu không phải là như vậy một cách tự nhiên, thì giết chết ham muốn độc đáo đi. Có lẽ đó là cách duy nhất. Tôi cũng gặp rất nhiều người coi một cuốn sách là tuyệt vời vì nó nhiều sức sống, và nó nhiều sức sống là vì nó rất đời.

"Rất đời" là một trong những tín niệm của đám không biết đọc, đó là một trong những gì xếp ngay được vào "vague terms" mà Ezra Pound đặc biệt cảnh báo người ta trong chuyện đọc. Bọn không biết đọc khi viết về sự đọc sẽ đâm đầu thẳng vào "vague terms", bọn họ sử dụng những khái niệm kiểu như rất đời.

Nhưng văn chương, kể cả khi nó ngoảnh mặt về phía cuộc đời, thì nó vẫn kháng cự lại trước cuộc đời. Có một lớp đệm giữa văn chương và cuộc đời, chỉ một cái nhìn quá mức hời hợt mới không nhìn ra lớp đệm ấy. Đây mới là lẽ sống của nó. Không phải vì rất đời nên đó là một văn chương giá trị, mà vì rất không đời, hoặc giả, rất rất đời, nhưng không phải hổn hển cuộc đời. Đám không biết đọc sẽ rất hâm mộ Alexis Zorba, điều này là chắc chắn. Kazantzakis dọn sẵn đường cho những văn chương rất đời khác, Kazantzakis là thần tượng của lũ rởm đời cũng giống như Paolo Coelho hay Ayn Rand. Và một phần không nhỏ, Gabriel García Márquez.

Quảng trường Ngôi sao là một cú vỡ. Một bùng nổ; một bùng nổ nghĩa là, trước hết, tràn khỏi khuôn.

Nhưng, sau đó rồi, thì sao? Sau đó rồi mới là chuyện đáng nói nhất. Phạm Công Thiện không hiểu điều này nên mới trở nên ngớ ngẩn như đã thấy.

Sau Quảng trường Ngôi sao, sự phun trào của dung nham không sao ngăn cản nổi, miệng của núi lửa (cũng chính là miệng của vết thương toang hoác - về núi lửa: cf. Under the Volcano của Malcolm Lowry) là điều cần phải giải quyết: cần phải băng bó. Phun thì dễ, giải quyết sự phun mới khó.

Văn chương của Modiano đáng ngưỡng mộ chính ở chỗ nó đã không bị "néantir" sau một cú bùng nổ như Quảng trường Ngôi sao. Thu hồi mới khó. Dọn dẹp mới khó. Những gì người ta hay nói về văn chương Modiano, viết đi viết lại một câu chuyện etc. chính là bởi thế: phải thay băng liên tục. Băng bó trên người, cần phải đến kỳ đến hạn thì thay, cho tới chừng nào vết thương lành hẳn. Đóng sẹo thì mới cần thời gian, chứ vết thương, trong bản chất của nó, không cần thời gian để xảy ra.

Một trong ba câu chuyện (bởi vì Les Inconnues gồm ba câu chuyện, ghép lại trong một quyển sách) của Modiano bắt đầu bằng những tiếng vó ngựa lộp cộp. Trong rất nhiều câu chuyện khác của Modiano, có những con ngựa, và có tiếng vó ngựa, nhất là những khi nào chuyện xảy ra ở Boulogne, rồi Longchamp etc.

Cả ba câu chuyện ở đây đều lấy giọng nữ. Câu chuyện thứ nhất: một cô gái, ở đoạn đầu, đi "thử vai"; câu chuyện thứ hai: một cô gái, tại một khu phố Paris, bỗng nghe thấy tiếng vó ngựa lộp cộp. Đây là một câu chuyện khủng khiếp, rất khủng khiếp, mặc dù rất ngắn. "Inconnue" nghĩa là người phụ nữ không quen biết, xa lạ. Cuốn sách là ba câu chuyện về ba phụ nữ xa lạ, không rõ gốc tích, không tiểu sử, không gì cả.

Năm ấy, tại triển lãm sách báo số 42 phố Yết Kiêu, Hà Nội, tôi đặt mua Les Inconnues. Theo đúng thủ tục, ngày triển lãm kết thúc thì đến lấy sách đã đặt. Thế nhưng, lúc tôi đòi lấy nó, người phụ trách triển lãm tỉnh bơ nói với tôi là đã có người khác mua mất rồi. Đến bây giờ tôi vẫn còn thù cái người nào (một "inconnu", hoặc cũng có thể một "inconnue") đã chơi xấu tôi năm ấy.

Nhiều năm về sau, khi nhận ra chỉ còn mỗi Les Inconnues là cuốn sách của Modiano mà tôi còn chưa đọc, tất nhiên tôi quyết định đọc nó. Tất nhiên tôi đã đọc, tôi biết rõ một câu chuyện viết về cô gái đi "thử vai", câu chuyện thứ hai có tiếng vó ngựa lộp cộp.

Nhưng rốt cuộc, tôi đã không đọc hết. Còn lại câu chuyện thứ ba, rất ít trang, thì tôi quyết định không đọc nữa. Tôi nhận ra, kể cả Patrick Modiano cũng có lúc viết rất dở. Kể cả khi tôi biết là mình đang rất bất công, bởi vì thực tế hai câu chuyện tôi đã đọc của Les Inconnues không hề dở, không hề dở đối với bất kỳ độc giả nào, thì tôi vẫn quyết định, kể cả Modiano cũng có lúc viết dở (hơi giống ở kia). Modiano viết quá hay hai câu chuyện mà tôi đã đọc trong Les Inconnues, chính bởi vậy tôi biết là rất dở: tôi biết là khi lấy giọng nữ mà viết đúng như phụ nữ, thì như vậy là dở. Quá rất đời.

Vả lại, còn sót lại một "mẩu" từ Les Inconnues mà tôi không đọc, thì tức là thế giới của Modiano, tôi vẫn không biết trọn vẹn. Dở dang có khi lại tốt.




Xiếc
[Tiện bút] Đồ vật
Muốn thất bại
Céline: S, W, Y
Modiano: Catherine Certitude
Sách của bọn con trai
[tiện bút] mười năm
Trần Bạch Lan và tôi
[tiện bút] tôi ở rất xa
Từ thăm thẳm lãng quên
Đến London
Tương lai và sách
Sống, là làm sao...
Patrick Modiano (10/12/2014)
Patrick Modiano (22/9/2013)
Cà phê

10 comments:

  1. em hy vọng Des inconnues cũng sẽ có bản tiếng Việt, cả Dimanches d'août, De si braves garçon,... nữa!

    ReplyDelete
  2. đôi khi nghe cũng "bolero" nhỉ

    ReplyDelete
  3. tôi thấy chỉ đọc Modiano 2 cuốn là đủ, vì tất cả, Modiano chỉ viết cùng một bút pháp, cùng một dạng nhân vật, cùng một không khí, cùng một nỗi buồn (có nguyên nhân từ cuộc sống, trải nghiệm riêng của ông)
    Chẳng ai muốn và đủ sức ở hoài trong cái thế giới văn chương tối tăm, ám khói bụi bặm ký ức trùng điệp mất mát ấy.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Im đi, 20 cuốn mới đủ

      Delete
  4. chúc mừng, đã xuất hiện một người không hề biết đến cảm giác vết thương

    rất có thể, một người tuyệt đối hạnh phúc, chúc mừng thêm lần nữa

    ReplyDelete
  5. Giờ anh muốn đọc Modiano thì bắt đầu bằng quyển gì nhỉ?

    ReplyDelete
  6. Incredible points. Solid arguments. Keep up the good work.

    ReplyDelete
  7. Chắc có người nhận ra đó ạ. Nhưng vì đó là Nhị Linh nên ba chấm. Vả lại, xét chưa đến cùng thì L- Les và D- Des có gì khác nhau

    ReplyDelete
  8. les thì phải gay chứ, anw chẳng ai nhận ra đâu

    ReplyDelete