Nov 11, 2017

Bốn sách mới

Tiếp tục câu chuyện về những cuốn sách mới; giống như là các "khúc ca" của Maldoror, trong đó "khúc" mới nhất là ở kia. Càng ngày tôi càng thấy lung lay hơn cái ý định không bao giờ nói đến sách mới nữa; dẫu sao, có những lúc chúng cũng hấp dẫn quá mức.

+ Sách mới nhất của Antoine Compagnon:



chủ đề cuốn sách là các "chiffonnier", những người đi nhặt rác, nhân vật không nhỏ một thời của cuộc sống Paris.

"Chiffon" có rất nhiều nghĩa, nhìn chung xoay quanh các thứ vải. Những ai có hiểu biết về trang phục sẽ không lạ với khái niệm "chiffon" trong quần áo (thiên về phía diêm dúa và cầu kỳ) của phụ nữ, những ai biết về lịch sử của giấy lại càng không xa lạ với nó. Một thời, những người đi nhặt rác rất quan trọng, và đặc biệt quan trọng ở khía cạnh nhặt nhạnh các thứ vải cũ, bởi vì một thời giấy được làm ra từ đó, trước khi người ta biết cách làm ra giấy từ bột gỗ. Như một sự tình cờ, câu chuyện về sản xuất giấy là một trong những chủ đề lớn nhất cuốn tiểu thuyết Hết ảo tưởng (Illusions perdues) của Balzac (tôi ngừng loạt dịch Balzac chủ yếu là vì tôi còn đắn đo với cuốn tiểu thuyết dài nhất bộ Vở kịch con người này: nên làm gì với nó? - dường như tôi đã sắp nghĩ xong :p). Phần đầu tiên của Hết ảo tưởng là phần về "hai nhà thơ": lúc này Lucien Chardon còn chưa lên Paris, tất nhiên còn lâu mới trở thành Lucien de Rubempré, Lucien có một người bạn rất thân, họ tạo nên cặp "hai nhà thơ". Một phần của cuốn tiểu thuyết sẽ được dành để kể về người bạn kia (sẽ trở thành em rể của Lucien), nhà phát minh ra giấy; câu chuyện ấy không kém hấp dẫn so với câu chuyện những truân chuyên tình ái của Lucien Chardon ở quê và ở Paris.

"Chiffonnier" là người nhặt rác, nhưng đồng thời cũng có nghĩa tủ đựng đồ của phụ nữ.

Nói tóm lại, Antoine Compagnon bàn về người nhặt rác. Chính những ai từng sống qua thời Hà Nội cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước mới thực sự quen thuộc với hình ảnh này:


Chúng ta từng nhìn thấy họ gần như khắp mọi nơi, và mới cách đây chưa lâu.

Thật ra, đây không hẳn là một cái gì quá mới: Compagnon đã giảng về chủ đề này trong vòng hai năm vừa qua. Hồi đầu tiên, các "cours" tại Collège de France được thông báo là sẽ tập trung vào các "chiffonniers littéraires", nhưng khi được hiện thực hóa thành sách thì đã trở thành "Les Chiffonniers de Paris".

Các "chiffonniers" có mối quan hệ như thế nào với văn chương? Các nhân vật văn chương mà Antoine Compagnon quan tâm hơn cả, đặc biệt Baudelaire, có rất nhiều "quan hệ" với nhân vật này, hình ảnh này: những người nhặt rác. Nhà thơ cũng là một dạng người đi nhặt nhạnh.

Baudelaire hiển nhiên xuất hiện nhiều nhất trong cuốn sách của Compagnon, một cuốn sách lớn, vô cùng độc đáo và nhìn nhận từ nhiều hướng khác nhau. Một cuốn sách rất đáng ca ngợi; thật ra, người ta chờ đợi nó không ít, bởi vì L'Âge des lettres, cuốn sách trước đó (khi Compagnon viết về Roland Barthes) gây thất vọng không ít.

Nhưng tôi đặc biệt quan tâm đến Balzac, người xuất hiện cũng không ít, chỉ sau một số nhân vật, Baudelaire (tất nhiên - Baudelaire là nhân vật chính), Hugo hay Jules Janin cùng vài người nữa.

Compagnon proustien hơn nhiều so với balzacien, mặc dù Balzac từng xuất hiện vô cùng đáng nhớ trong đoạn đầu cuốn sách kiệt tác của Compagnon, Les Antimodernes, ngay đoạn đầu, về các nhân vật có tên bắt đầu bằng chữ "B".

Cuốn tiểu thuyết Balzac được đặc biệt quan tâm trong Les Chiffonniers de Paris là Une double famille (Một gia đình nhân đôi), tác phẩm (không dài) về cuộc đời ông quan tòa Granville (về các quan tòa, Balzac viết một số tiểu thuyết, chẳng hạn L'Interdiction hay Honorine). Mối quan tâm đến Une double famille là rất hữu lý: tự thân nó là một tiểu thuyết xuất sắc (vượt xa Honorine chẳng hạn), không những thế nó lại chính là nơi duy nhất chứa đựng hình ảnh "chiffonnier" trong toàn bộ Vở kịch con người. Une double famille cũng sẽ rất sớm xuất hiện trong loạt sắp tới các bản dịch Balzac của tôi: cái phố Le Tourniquet trong đó có sức thu hút đặc biệt lớn.

Compagnon nhận xét rất hữu lý rằng Balzac chính là nhà văn lớn duy nhất hồi ấy không thực sự quan tâm đến cái nhân vật rất thời đại ấy, người nhặt rác. Nhưng không hoàn toàn như vậy. Thêm nữa, Compagnon nói đến mối quan tâm của Balzac dành cho các nhà sưu tầm (ví dụ Le Cousin Pons: nhưng nếu vậy cũng nên nói đến "mặt trái" của nhà sưu tầm, ở đoạn đầu Albert Savarus) hơn so với người nhặt rác. Nhưng cần nhìn nhận rộng hơn: ta nhớ rằng ở đoạn đầu Le Curé de village (Cha xứ làng) có đoạn dài tuyệt hay miêu tả một ngôi nhà của "ferrailles", của các thứ đồng nát: đây chính xác là chỗ rất tuyệt vời để "relativiser" trong nhìn nhận thái độ của Balzac, bởi vì ferrailles chính là một cái gì đó nằm lưng chừng giữa sưu tầm và nhặt rác. Tất nhiên, Le Curé de village không diễn ra ở Paris (mà tại vùng Bas-Limoges), nhưng chi tiết này cũng cho thấy tâm trí của Balzac không thực sự cách xa chủ đề cuốn sách của Compagnon.

Compagnon cũng có một đoạn (tuyệt vời) nói đến trời mưa ở Paris thì ra sao, với nhiều tranh minh họa (như cái ảnh trên đây đã cho thấy, cuốn sách có rất nhiều hình ảnh, rất đẹp), thế nhưng chính xác Balzac là người từng có miêu tả cơn mưa trên phố phường Paris chắc hẳn thuộc hàng đáng nhớ nhất của văn chương Pháp thế kỷ 19, với đầy đủ mọi yếu tố mà Compagnon miêu tả, nó nằm trong Ferragus, lúc Auguste de Maulincour trông thấy Ferragus lần đầu tiên (xem ở kia, hoặc ở kia, hoặc cũng có thể ở kia, tôi cũng không thực sự nhớ rõ nữa).

Dickens cũng được nhắc đến (tổng cộng bốn lần), đều ở khía cạnh Dickens đến Pháp và quan tâm đến hình ảnh các "chiffonnier" (và khi viết giữ nguyên từ tiếng Pháp này chứ không tìm sách dịch sang tiếng Anh). Nhưng, hoàn toàn có thể mở rộng vấn đề, bởi vì chính xác Dickens là người miêu tả dạng nhân vật nhặt nhạnh đủ mọi thứ bên Anh, mà ta có thể kể đến nhân vật xuất hiện ngay ở đầu cuốn tiểu thuyết Our Mutual Friend, chuyên hoạt động trên sông Thames, và do đó hay nhặt được xác chết.


+ Cuốn sách dưới đây không còn thực sự mới; nếu tôi không nhầm, Orhan Pamuk lại vừa cho in một cuốn sách mới nữa:


(in lần đầu bên Thổ năm 2015, bản dịch tiếng Anh trong Ảnh: 2016, bản dịch tiếng Pháp: vừa được xuất bản)

Ta lại có thêm một nhân vật cũng suốt ngày ở ngoài đường giống như các "chiffonnier" của Antoine Compagnon: nhân vật đi bán "boza", thứ đồ nghe miêu tả rất giống rượu nếp ở Việt Nam. Nhân vật Thổ Nhĩ Kỳ này từ quê thuộc vùng Anatolia lên Istanbul, giống vô cùng nhiều người ở Hà Nội. Và họ cũng có đòn gánh giống hệt các đồng nghiệp ở đây.

Atatürk vĩ đại chính là người làm cho nhân vật bán dạo trên phố phường Istanbul không biến mất khỏi kế hoạch hiện đại hóa đất nước: một ngày nọ Atatürk đứng nhìn ra đường, rồi quay lại hỏi cận thần, sao có vẻ gì đó là lạ. Té ra vì không có tiếng rao bán hàng. Atatürk nhảy dựng lên, nói là không thể chấp nhận được như thế, tiếng rao bán hàng là linh hồn của phố phường Istanbul, làm sao có thể để mất đi. Sau đó, người ta lại được bán dạo bình thường. Nghe rất giống một truyền thuyết; ít nhất đó là những gì mà Mevlut, nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết rất dày của Pamuk, kể.

Tôi đã tưởng tôi "xong xuôi" với Pamuk kể từ ở kia (thậm chí có thể còn trước đó khá lâu). Nhưng vì một điều có thể nói là tình cờ, tôi đã quyết định đọc A Strangeness in My Mind, nó thực sự gây bất ngờ lớn cho tôi. Một cuốn tiểu thuyết lớn, rất lớn. Tôi sẽ còn nói nhiều đến nó :p các nước nói tiếng Anh có may mắn lớn với cuốn sách này: nhan đề của nó là một câu thơ của Wordsworth.


+ Lần đầu tiên, tập bài giảng này của Franz Brentano (1890-1891) được dịch sang tiếng Pháp:


Chủ đề của nó là "Deskriptive Psychologie", tức là "Psychognosie", tức là, trong hệ thống của Brentano, một nhánh (quan trọng hơn nhiều), nhánh của "miêu tả", còn nhánh bên kia là "tâm lý học tạo sinh".

Khi phát hiện cuốn sách này, tôi thấy như thể mình quay trở lại những ngày cách đây đã hai mươi năm ngồi lì trong thư viện phố Tràng Thi, đọc hết cái này đến cái khác, trong những quyển sách cũ đến bi thảm và thông thường thiếu lung tung hết cả. Dường như ngày ấy trong số những gì tôi đọc có cả Franz Brentano. Dẫu có thế nào, phải rất lâu rồi tôi mới bắt gặp trở lại nhân vật từng khiến tôi suy nghĩ, nhưng nhất là mơ mộng, rất nhiều, này.

Cuốn sách trong ảnh thể hiện một khoảnh khắc rất lớn của hiện tượng luận. "Trường phái Brentano" quy tụ một số học trò như Meinong, Sigmund Freud hoặc Edmund Husserl. Những khái niệm trọng yếu nhất của hiện tượng luận Husserl thoát thai từ "lý thuyết về tinh thần" của Brentano. Brentano cũng là nhân vật mắt xích hết sức quan trọng trong chuỗi (rất dài) cuộc sống tinh thần của thành phố Wien, Vienna, Vienne, Viên. Vài năm sau khi Brentano qua đời ta sẽ thấy hình thành "Circle of Vienna" lừng danh, cùng mối quan hệ lắm trắc trở của nó với vài nhân vật, chẳng hạn Ludwig Wittgenstein hay Karl Popper.

Franz Brentano không phải một triết gia rất lớn. Nhưng gợi cảm hứng khủng khiếp, thuộc vào những con người nếu thiếu thì rất nhiều thứ không thể có, dẫu tác phẩm của họ không quá mức vĩ đại, không thuộc vào những gì làm thay đổi một tổng thể.

Đặc biệt, trong tập bài giảng này, Brentano khẳng định những hệ thống kiểu như hệ thống của Hegel hay của Schelling không cách nào có thể coi là có tính chất khoa học hết.

Tất nhiên, đây cũng là một cuốn sách không thực sự mới, thậm chí còn quá cũ.


+ "Lịch sử là một cú sốc điện"


Thêm một cuốn sách không hẳn là mới: bản dịch tiếng Pháp cuốn tiểu thuyết của Claudio Magris thì mới in, nhưng nó đã được xuất bản tại Ý năm 2015.

Đây là một cuốn tiểu thuyết đặc biệt dày, nhất là nếu so nó với các tiểu thuyết khác của Magris. Nó làm tôi nhớ ngay đến một cuốn tiểu thuyết trước đây, rất mỏng, Enquête sur un sabre, cuộc điều tra về một thanh gươm, về những người Cô-dắc sông Don hợp tác với quân nazi trong mong muốn có được một đất nước, một lãnh thổ riêng cho mình.

Cùng câu chuyện ấy cũng sẽ trở lại thấp thoáng trong Classé sans suite (tức Non luogo a procedere - cái chữ "r" của tiếng Ý này là chuyện bất khả đối với người Pháp, nhất là người Nhật, nhưng người Việt Nam thì có thể phát âm nó một cách chuẩn xác vô song, nhất là người Nghệ An, Hà Tĩnh). Nhưng cuốn tiểu thuyết này rộng hơn nhiều.

Nó, giống cuốn tiểu thuyết trước của Orhan Pamuk, viết về một viện bảo tàng. Một viện bảo tàng ở thành phố Trieste (thành phố sắp tới của tôi rất có thể sẽ là Trieste, sau "phát" gần nhất ở kia). Magris lấy cảm hứng viết cuốn tiểu thuyết này từ một nhân vật hoàn toàn có thực, trên thực tế cũng từng sống ở Trieste, một ông giáo sư, lại thêm một "nhân vật nhặt nhạnh", tức là không hẳn xa với các "chiffonier" hoặc các nhà thơ trong cuốn sách trên đây của Antoine Compagnon. Nhân vật ấy nhặt nhạnh mọi thứ gì liên quan đến chiến tranh, với mục đích lập ra một viện bảo tàng chỉ riêng về chiến tranh.

Cuốn tiểu thuyết của Claudio Magris động đến cái bất khả: nó tìm cách định nghĩa một điều. Và nó rộng lớn đến mức, như mọi thứ gì thực sự rộng, nó tiên tri. Cuốn tiểu thuyết của Magris tiên tri một điều: một điều rất quan trọng, và tôi nghĩ Magris đúng, điều ấy là... à mà thôi, ai đọc nó nhiều khả năng sẽ thấy ngay.

Nói tóm lại, lần này toàn là sách không hẳn mới :p



à quên, còn quyển này, mãi rồi cũng đã in được:


xem thêm ở kia



last but not l.: đã xong hoàn toàn về Dantzig của Günter Grass

6 comments:

  1. Một cuốn tiểu thuyết được chú gọi là lớn, rất lớn hay kiệt tác có gì để phân biệt được nó không ạ?

    ReplyDelete
  2. có chứ, rất nhiều là khác, chẳng hạn một cuốn sách lớn khi đọc gây cảm giác nó không nằm yên mà nhúc nhích, chuyển động: từ đó mà người ta hay nói cuốn sách nào đó vượt ra ngoài các khuôn khổ (bởi vì nó có chuyển động tự thân)

    trên đây là "bốn cuốn sách", còn đây là Robert Walser đọc "ba cuốn sách", ở đó cũng nói về việc phân biệt tương tự:

    http://nhilinhblog.blogspot.com/2016/04/robert-walser-toi-doc-ba-cuon-sach.html

    ReplyDelete
  3. cảnh nhìn mưa từ một cái cổng vòm trên phố trong "Ferragus" cứ như cũng nhìn từ đâu đó mưa giữa Khâm Thiên với Phùng Hưng. "Hanoi" theo hình ảnh Paris. nhưng qua mấy chục năm anh hùng mà ko có một Ataturk nào nên thành rác hết. Les Chiffonniers của Hà Nội là các "phố Tây" mà "văn học" của HN gần như chẳng nhặt được tí gì. khi nào sẽ có một "classé sans suite" cho chúng.

    ReplyDelete
  4. hơi nhiều nhà tiên tri giả, nhưng rồi sẽ có thôi :p

    ReplyDelete
  5. Cái link đầu bài chú đặt nhầm r

    ReplyDelete
  6. It's actually a nice and useful piece of info. I am glad that you shared this useful
    information with us. Please stay us informed like this.
    Thank you for sharing.

    ReplyDelete