Feb 28, 2018

Martin Buber: Ich und Du

Das Wesen des Christentums (Yếu tính của Ki-tô giáo) của Ludwig Feuerbach thuộc vào những cuốn sách tuyệt đối lớn. Ở chương thứ năm của phần thứ nhất như trong đường link (cuốn sách gồm hai phần, phần thứ nhất gần hai mươi chương, phần thứ hai khoảng mười chương - tất nhiên khi cắt ra một bộ phận thì khó nhìn được toàn thể dự đồ của cả cuốn sách: đó là một cuốn sách, ít nhất, có hai điểm đặc biệt: nếu cần nói nó "thuộc vào đâu", thì có thể nói nó thuộc vào "Anthropomorphismus" - vấn đề "Chúa-Người" hay "Người-Chúa", cho đến tận một nhân vật kiệt xuất rất gần đây của Ki-tô giáo vẫn còn bàn đến, đó là Czesław Miłosz, và thứ hai, cuốn sách của Feuerbach là một cú đòn khủng khiếp giáng vào thần học; nhân vật mà Feuerbach trích dẫn nhiều hơn cả là Martin Luther).

Không có gì đáng ngạc nhiên khi Karl Marx đâm sầm vào Feuerbach; có lẽ hai cú đâm sầm đáng kể nhất của Marx, không phải Hegel, là Feuerbach và Proudhon (Feuerbach là câu chuyện tôn giáo, còn Proudhon là câu chuyện sở hữu). Đối với Engels, Feuerbach là triết gia cổ điển cuối cùng của Đức.

Cũng trong chương trong đường link (thật ra nó thiếu vài paragraph cuối cùng), có một điều chỉ được Feuerbach nói thoáng qua, nhưng sẽ trở thành một chủ điểm hùng mạnh (nhưng rất ngầm, vì bị đám ngớ ngẩn Sartre lấp đi mất) của triết học phương Tây suốt đoạn đầu thế kỷ 20: Ich und Du. Gabriel Marcel là một (Marcel từng sững sờ khi đọc cuốn sách này của Buber). Nhưng cùng mạch ấy, đáng nói nhất phải là Emmanuel Levinas.

Lần theo mạch ấy, tất yếu ta sẽ đến với cuốn sách Ich und Du của Martin Buber: cũng giống Das Wesen des Christentums của Feuerbach, Ich und Du của Buber là một cuốn sách tuyệt đối lớn. Dưới đây sẽ là chương (phần) thứ nhất của cuốn sách; như vậy là một phần ba toàn bộ cuốn sách.

[riêng từ "Du" sẽ được để yên, và vì vậy, dĩ nhiên, "Ich-Du" sẽ được để yên không dịch ra tiếng Việt, nhưng sẽ không như vậy đối với cặp "Ich-Es"]




Martin Buber


Ich und Du




Phần một
Các từ-nguyên tắc



Thế giới đối với con người là thế giới nhân đôi, bởi vì thái độ của con người là nhân đôi căn cứ theo nhị nguyên của các từ nền tảng, các từ-nguyên tắc mà anh ta đủ khả năng phát ngôn.

Các nền tảng của ngôn ngữ không phải những từ đơn lẻ, mà là những cặp từ.

Một trong các nền tảng ấy của ngôn ngữ là cặp Ich-Du.

Nền tảng khác là cặp Tôi-Cái đó, trong đó ta cũng có thể thay Cái đó bằng Anh ta hay Cô ta mà nghĩa không hề thay đổi.

Vậy nên cả Tôi của con người thì cũng nhân đôi.

Bởi vì Tôi của cặp từ Ich-Du khác với Tôi của cặp từ Tôi-Cái đó.

*
*       *

Các nền tảng của ngôn ngữ không phải tên của các vật, mà là những tương quan.

Các từ làm nên nền tảng của ngôn ngữ không diễn đạt một vật tồn tại bên ngoài chúng, nhưng khi đã được nói thì chúng tạo ra một tồn tại.

Những từ nền móng ấy được phát ngôn bởi bản thân sinh thể.

Nói Du, cùng lúc cũng là nói Tôi của cặp từ Ich-Du.

Nói Cái đó, cùng lúc cũng là nói Tôi của cặp từ Tôi-Cái đó.

Từ-nguyên tắc Ich-Du chỉ có thể được phát ngôn bởi sinh thể hoàn toàn.

Từ-nguyên tắc Tôi-Cái đó không bao giờ có thể được phát ngôn bởi sinh thể hoàn toàn.

*
*       *

Không có Tôi tự thân; có Tôi của từ-nguyên tắc Ich-DuTôi của từ-nguyên tắc Tôi-Cái đó.

Khi con người nói Tôi, anh ta muốn nói hoặc cái này hoặc cái kia: Du hoặc Cái đó.

Tôi nào mà anh ta nghĩ đến thì hiện diện khi anh ta nói Tôi.

Ngay cả khi anh ta nói Du hoặc Cái đó, thì vẫn là Tôi của một trong các từ-nguyên tắc Ich-Du hoặc Tôi-Cái đó hiện diện.

Tôi, nói Tôi, cùng là một điều. Nói Tôi và nói một trong các từ-nguyên tắc, cùng là một điều.

Ai phát ngôn một trong những từ-nguyên tắc kia xâm nhập từ ấy và tự thiết lập ở đó.

*
*       *

Cuộc sống của sinh thể người không được rút gọn vào vòng tròn các ngoại động từ. Nó không chỉ được cấu tạo từ các hoạt động có một vật là đối tượng. Tôi tri nhận một vật.

Tôi cảm thấy một vật. Tôi trình hiện một vật. Tôi muốn một vật. Tôi nhận thấy một vật. Tôi nghĩ một vật. Không phải từ tất tật những vật ấy cùng các vật tương tự mà cuộc sống của sinh thể người được tạo thành.

Tất cả những vật đó và các vật cùng trật tự lập ra vương quốc của Cái đó.

Nhưng vương quốc của Du có một nền móng khác.

*
*       *

Nói Du đồng nghĩa với không có bất cứ vật nào làm đối tượng. Bởi nơi nào có một vật, thì lại có một vật khác, mỗi Cái đó lại tiếp giáp với một Cái đó khác. Cái đó chỉ tồn tại bởi vì nó bị giới hạn bởi những Cái đó khác. Nhưng ngay khi nói Du, người ta không có bất kỳ vật nào trong tầm mắt. Du không tiếp giáp với cái gì hết.

Người nào nói Du không có bất kỳ vật gì, anh ta chẳng có gì hết. Nhưng anh ta tự trao mình cho một quan hệ.

*
*       *

Người ta nói rằng con người có một thức nhận mang tính cách kinh nghiệm về thế giới vốn dĩ là thế giới của anh ta. Điều đó muốn nói gì?

Con người khám phá bề mặt các vật và anh ta có kinh nghiệm về chúng. Anh ta rút được từ chúng một cái biết liên quan tới bản tính của chúng, một nhận thức ở phương diện kinh nghiệm. Anh ta làm toát ra tính cách kinh nghiệm liên quan tới các vật.

Nhưng các kinh nghiệm, riêng chúng, thì không đủ để đưa vũ trụ sát lại gần con người.

Bởi vì thế giới mà chúng mang đến cho anh ta chỉ được cấu tạo từ Cái nàyCái đó, từ Anh ta và từ Anh ta và từ Cô ta và từ Cô ta và từ Cái đó.

Tôi biết, trên phương diện kinh nghiệm, một vật.

Ta sẽ chẳng thay đổi được gì ở đó bằng cách thêm vào cho các kinh nghiệm bên ngoài những kinh nghiệm bên trong, theo một sự phân biệt hoàn toàn không vĩnh cửu, vốn dĩ sinh ra từ nhu cầu mà loài người có, trong việc biến bí ẩn cái chết trở nên bớt nhức nhối. Các vật bên ngoài hay các vật bên trong, các vật ở giữa các vật!

Tôi biết, trên phương diện kinh nghiệm, một vật.

Ta sẽ chẳng thay đổi được gì ở đó bằng cách thêm vào cho các kinh nghiệm hữu hình những kinh nghiệm vô hình, theo thứ thông thái hợm hĩnh biết được trong các vật một khoang đóng kín dành riêng cho những người được khai trí, mà người ta có chìa khóa. Ôi bí mật không bí ẩn, ôi sự chất đống những nhận biết tỉ mỉ! Cái đó, Cái đó, Cái đó!

*
*       *

Con người có nhận biết ở phương diện kinh nghiệm về các vật hoàn toàn không dự phần vào thế giới. Nhận biết ở phương diện kinh nghiệm diễn ra trong anh ta chứ không phải giữa anh ta và thế giới.

Thế giới không có phần trong kinh nghiệm. Nó để mặc cho tha hồ mà trải nghiệm, nhưng nó đâu có đoái hoài tới điều đó, bởi kinh nghiệm ấy chẳng thêm gì vào cho nó và nó không bị chạm đến bởi thế.

*
*       *

Thế giới với tư cách kinh nghiệm thoát thai từ cái từ nền móng Tôi-Cái đó.

Từ nền tảng Ich-Du tạo ra thế giới của quan hệ.

*
*       *

Thế giới của quan hệ được tạo lập trong ba tầng cầu:

Thứ nhất là tầng cầu của cuộc sống với Tự nhiên. Ở đây quan hệ là qua lại một cách khó hiểu và không hiển ngôn. Các tạo vật dịch chuyển trong hiện diện của chúng ta, nhưng chúng không thể tới với chúng ta và Du mà chúng ta hướng đến chúng vấp vào ngưỡng ngôn ngữ.

Thứ hai là cuộc sống với những con người. Ở đây quan hệ thì hiển lộ và hiển ngôn. Ở đây chúng ta có thể cho đi và nhận về Du.

Thứ ba là sự chung với các yếu tính tinh thần. Ở đây quan hệ bị bọc trong những đám mây, nhưng nó dần dà hé lộ ra; nó câm lặng, nhưng nó kích thích một giọng nói. Chúng ta không thấy rõ Du nào hết, nhưng chúng ta cảm thấy mình được gọi và chúng ta hồi đáp, chúng ta tạo ra các hình thức, chúng ta nghĩ, chúng ta hành động. Khi ấy toàn bộ hữu thể của chúng ta nói ra cái từ nền móng, mà môi ta không thể phát ngôn. Nhưng chúng ta có được quyền nhập cái không thể nói vào thế giới của từ nền móng hay không?

Tại mọi tầng cầu, nhờ tất thảy những gì trở thành hiện tại đối với chúng ta, chúng ta dùng ánh mắt lướt qua đường viền của Du vĩnh cửu, chúng ta cảm thấy tỏa ra từ đó một luồng hơi, phát xuất từ nó; Du nào cũng cầu khấn Du vĩnh cửu, tùy theo thức chuẩn của mỗi tầng cầu kia.

*
*       *

Lúc, ở đối diện với một người vốn dĩ là Du của tôi, tôi nói với anh ta cái từ nền móng Ich-Du, anh ta không còn là một vật giữa các vật nữa, anh ta không được cấu tạo nên từ các vật.

Anh ta không phải Anh ta hay Cô ta, bị giới hạn bởi các Anh ta hay Cô ta khác, một điểm nổi bật của không gian và của thời gian, và được cố định trong hệ thống của vũ trụ. Anh ta không phải một thức của hữu thể, có thể tri nhận, có thể miêu tả, một chùm lỏng gồm các phẩm tính được định rõ. Mà là không có hàng xóm và ở bên ngoài mọi kết nối, anh ta là Du và anh ta lấp kín chân trời. Chẳng phải không tồn tại gì hết bên ngoài anh ta; mà mọi vật đều sống, trong ánh sáng của anh ta.

Giai điệu không được cấu thành từ các âm thanh, câu thơ cũng không được cấu tạo bởi các từ, bức tượng, từ các đường - bởi vì nếu cứ giằng co chúng và xé nát chúng ra, rồi sẽ đến lúc người ta biến nhất thể của chúng trở thành một đa thể; cũng vậy đối với người mà tôi nói Du. Tôi có thể trích xuất từ anh ta màu tóc của anh ta hoặc màu lời lẽ của anh ta hoặc sắc thái lòng tốt của anh ta; tôi không ngừng buộc lòng phải làm thế; nhưng ngay khi ấy anh ta không còn là Du nữa.

Và cũng như lời cầu nguyện thì không có tồn tại trong thời gian, mà đúng hơn, thời gian ở trong lời cầu nguyện, cũng như sự hiến sinh không có tồn tại trong không gian, mà đúng hơn, không gian ở trong sự hiến sinh, và bằng cách đảo ngược quan hệ này người ta phá bỏ thực tại, cũng thế, tôi không khám phá người mà tôi gọi là Du trong bất kỳ thời gian nào, cũng như tại bất kỳ nơi chốn xác định nào. Tôi có thể đặt anh ta ở đó, tôi không ngừng buộc lòng phải làm thế, nhưng ngay khi ấy đó là một Anh ta hoặc Cô ta, đó là một Cái đó - không còn là Du của tôi nữa.

Chừng nào bầu trời của Du trải rộng phía trên tôi, những ngọn gió của nhân quả sụp xuống gót chân tôi và xoáy lốc của định mệnh ngưng lại.

Người mà tôi gọi là Du, về anh ta tôi không có một nhận biết thuộc kinh nghiệm. Nhưng tôi ở trong quan hệ với anh ta nơi ngôi đền của cái từ nền móng Ich-Du. Mãi khi ra khỏi ngôi đền ấy thì tôi mới lại biết anh ta thông qua kinh nghiệm. Kinh nghiệm là sự rời xa khỏi Du.

Quan hệ có thể kéo dài ngay cả khi người mà tôi gọi là Du không hề có ý thức về điều đó và chẳng hề có cảm giác về điều đó. Bởi vì Du thì biết về điều đó nhiều hơn so với Cái đó. Du thì hoạt động hơn và cảm thấy nhiều hơn so với Cái đó có thể ý thức được. Không một sự lừa dối nào có thể xâm nhập vào chốn ấy; chính đây là cái nôi của Cuộc sống Đích thực.

*
*       *

Đây là nguồn gốc vĩnh cửu của nghệ thuật: một hình thức hiện ra với con người và đòi được cố định lại trong một tác phẩm. Hình thức ấy không phải sản phẩm của tâm hồn anh ta, đó là một hiện hình từ bên ngoài, hiện diện đối với tâm hồn đó và đòi ở nó sức mạnh gây hiệu quả. Đó chính là một hành động cốt yếu của con người; nếu thành tựu được việc ấy, nếu anh ta nói, từ toàn bộ hữu thể của anh ta, cái từ nền móng Ich-Du, với hình thức xuất hiện trước anh ta, thì sức mạnh gây hiệu quả chảy tràn, tác phẩm được sinh ra.

Hành động này bao gồm một hiến sinh và một mạo hiểm. Một hiến sinh? Khả năng vô tận bị giết trên ban thờ của Hình thức. Sẽ phải hư vô hóa mọi thứ gì, cả từ xưa kia, từng xảy ra trong phối cảnh. Sẽ chẳng có gì từ đó đi vào trong tác phẩm. Đó là những đòi hỏi của thái độ chuyên nhất ấy, mắt nhìn vào mắt. Một mạo hiểm? Từ nền móng chỉ có thể được nói thông qua hữu thể hoàn toàn; ai quyết định làm điều đó chẳng thể gìn giữ điều gì từ tự mình; và tác phẩm thì không nương tay, giống cái cây hay con người, cho phép tôi buông lỏng bằng một chuyến dạo chơi trong thế giới của Cái đó; bởi nó mới là yếu tố chỉ huy. Nếu tôi phục vụ nó không tốt, nó tan vỡ hoặc làm tôi tan vỡ.

Cái hình thức hiện ra với tôi kia, tôi không thể nhận biết nó từ kinh nghiệm, cũng chẳng thể nào miêu tả nó; tôi chỉ có thể thực tại hóa nó. Và thế nhưng tôi chiêm ngưỡng nó trong sự rực rỡ chói lòa của sự mặt đối mặt chuyên nhất, sáng hơn toàn bộ sự sáng của thế giới kinh nghiệm. Không phải như là một vật để xếp vào giữa các vật “bên trong”, không phải như một kết cấu của “trí tưởng tượng” của tôi, mà như sự hiện diện duy nhất. Nếu ta đem áp lên nó tiêu chí của tính khách quan, hình thức ấy không có tồn tại, nhưng còn có gì hiện diện được như nó nữa? Và tôi đúng là thực sự ở trong quan hệ với nó; nó hoạt tác trong tôi giống như tôi hoạt tác trong nó.

Hoạt động, đó là sáng tạo; làm ra, đó là tìm thấy; mang tới một hình thức, đó là khám phá. Bằng cách sáng tạo tôi khám phá. Tôi đưa hình thức vào thế giới của Cái đó. Tác phẩm được tạo ra là một vật giữa các vật, một tổng của những phẩm tính, như vậy nó là có thể kinh nghiệm và có thể miêu tả. Nhưng đối với người nào chiêm ngưỡng nó và tạo ra nó, nó hoàn toàn có thể, nhiều lần, xuất hiện trở lại dưới một vẻ ngoài mang cơ thể.

*
*       *

- Vậy đâu là kinh nghiệm mà người ta có thể có về Du?

- Không có kinh nghiệm nào hết. Bởi ta không thể có kinh nghiệm về nó.

- Vậy thì người ta biết gì về Du?

- Tất cả hoặc không gì hết. Vì ta chẳng biết gì ở khía cạnh bộ phận về nó.

Chính nhờ ân sủng mà Du đến với tôi; không hề bằng cách tìm nó mà ta thấy nó. Nhưng hướng tới nó cái từ nền móng, đó là hành động của hữu thể tôi, đó là hành động cốt yếu của tôi.

Du đến để gặp tôi. Nhưng chính tôi bước vào quan hệ tức thì với nó. Như vậy trong cuộc gặp này có người chọn và người được chọn, đó là một cuộc gặp vừa chủ động vừa thụ động. Quả thật, hành động của hữu thể toàn thể xóa bỏ các hành động bộ phận, vậy nên cũng là những cảm giác của hành động, tất tật đều được tạo dựng trên tình cảm về một giới hạn; hành động ấy, như vậy, giống một sự thụ động.

Cái từ nền móng Ich-Du chỉ có thể được nói bởi tổng thể của hữu thể.

Không phải là tôi có thể tiến hành sự tập trung đó, sự hợp nhất đó của toàn bộ hữu thể tôi, nhưng nó không thể được thực hiện nếu không có tôi. Tôi tự thành tựu trong tiếp xúc với Du, tôi trở thành Tôi trong lúc nói Du.

Mọi cuộc sống đích thực đều là gặp.

*
*       *

Quan hệ với Du là tức thì. Giữa TôiDu không xen vào bất cứ trò chơi nào của các khái niệm, bất cứ sơ đồ và bất cứ hình ảnh cho trước nào và bản thân ký ức cũng chuyển hóa khi nó đột ngột chuyển từ sự chia nhỏ của các chi tiết sang tổng thể. Giữa TôiDu không có các mục đích, không có sự thèm thuồng, cũng không có sự đẩy lên trước nốt; và bản thân những khát khao cũng thay đổi khi chúng chuyển từ hình ảnh được mơ thấy sang hình ảnh hiện ra. Mọi phương tiện đều là trở ngại. Khi tất cả các phương tiện đều đã được hủy bỏ, chỉ lúc đó cuộc gặp mới có thể diễn ra.

*
*       *

Khi một tương quan tức thì được tạo lập, mọi tương quan gián tiếp trở nên không có giá trị. Cũng như không quan trọng gì việc Du của tôi đã là, hay trở thành một Cái đó đối với các Tôi khác, một “chủ thể của kinh nghiệm chung”, dẫu cho kinh nghiệm này có là kết quả của hành động cốt yếu của tôi. Bởi đường ranh giới giữa DuCái đó, vả lại hết sức chuyển động và trôi nổi, không chạy qua giữa kinh nghiệm và không-kinh nghiệm, cũng như không chạy qua giữa cái cho trước và cái không-cho trước, lại cũng không chạy qua giữa thế giới của hữu thể và thế giới của giá trị: nó băng ngang tất cả mọi lãnh địa nằm giữa DuTôi; nó phân chia hiện diện sống và chú ý khách quan.


*
*       *

Giây phút hiện tại, không phải giây phút ở dạng điểm vốn dĩ bao giờ cũng chỉ hướng vào vào định hạn do suy nghĩ đặt vào “thời gian đã trôi qua” và vẻ ngoài của một dừng lại trong sự trôi ấy, mà là giây phút hiện tại đích thực và đầy, chỉ tồn tại nếu có hiện diện, gặp, quan hệ. Ngay lúc Du trở nên hiện tại, hiện diện liền sinh ra.

Tôi trong từ nền móng Tôi-Cái đó, Tôi mà không Du cụ thể nào trở nên sống động vì nó, nhưng lại được bao bọc trong một đa thể những “nội dung”, chỉ là một quá khứ, hoàn toàn không hiện diện. Nói cách khác: trong chừng mực con người thỏa mãn với các vật mà anh ta có kinh nghiệm và sử dụng, anh ta sống trong quá khứ và giây phút của anh ta không mang kèm hiện diện. Chỉ có các đối tượng, nhưng các đối tượng chỉ là những câu chuyện.

Một hiện diện không phải một cái gì đó thoáng qua và trơn trượt, đó là một hữu thể đợi chúng ta và cứ ở đó. Đối tượng thì không phải thời độ, mà là sự ngưng trệ, sự dừng lại, sự ngắt, sự cứng lại, sự biệt lập, vắng mặt của quan hệ và hiện diện.

Các yếu tính được sống trong hiện tại, còn các đối tượng, trong quá khứ.

*
*       *

Ta không thể chiến thắng nhị nguyên gốc rễ này bằng cách cầu khẩn một “thế giới ý niệm”, thứ hẳn sẽ là thực tại thứ ba, đặt bên trên các mâu thuẫn. Bởi vì tôi chỉ nói tới con người thực, về Du và về Ich, về cuộc sống của chúng ta và về thế giới của chúng ta, cho nên tôi không nhắc đến một Tôi tự thân, cũng như đến một sinh thể tự thân. Nhưng đối với con người thực đường ranh giới cũng băng thẳng tắp qua thế giới ý niệm.

Chắc hẳn, hơn một trong số những người hài lòng với việc, trong thế giới vật, biết chúng theo đường lối kinh nghiệm và sử dụng chúng, đã tự xây dựng một hệ thống và một hệ thống giàn giáo các ý niệm ở đó anh ta tìm được một chốn trú ngụ và một sự nhẹ nhõm, nơi anh ta không còn bị cám dỗ bởi việc chỉ nhìn thấy hư vô khắp mọi nơi. Anh ta đặt lên ngưỡng cửa bộ quần áo của cuộc sống hằng ngày tầm thường, khoác lên người thứ vải lanh vô nhiễm và tự trấn an bằng cách chiêm ngưỡng những gì *là* trong vĩnh cửu hoặc những gì có lẽ như vậy, những gì chẳng hề chung với cuộc đời của chính anh ta. Thậm chí anh ta còn có thể được trấn an trong việc đòi sự tồn tại cho nó.

Nhưng nhân loại bị thu về một Cái đó, như ta có thể hình dung, đặt ra thành định đề và giảng dạy, chẳng có gì chung với hình thức nhân loại sở hữu cơ thể với nó một con người nói Du bằng toàn bộ hữu thể của anh ta. Hư cấu, dẫu có cao quý đến mức nào, cũng chỉ là một thứ vật thờ, niềm tin có tính chất hư cấu trác tuyệt nhất là một lỗi lầm. Các ý niệm không ngự trị phía trên đầu chúng ta, chúng cũng chẳng ngụ bên trong đầu chúng ta; chúng bước đi giữa chúng ta và tiến lại gần chúng ta; bất hạnh cho kẻ nào lơ là không nói với chúng cái từ nền tảng, nhưng thật thảm hại kẻ nào, để nói với chúng, lại dùng đến một khái niệm hay một công thức, cứ như thể đó là tên của chúng!

*
*       *

Quan hệ tức thì hàm ý một hành động qua lại; đó là điều hiện ra nơi một trong ba ví dụ nêu trên: chính hành động cốt yếu của nghệ thuật xác định hiện tượng thông qua đó hình thức được hiện thân vào trong một tác phẩm. Sự cùng tồn tại đơn giản có được toàn bộ nghĩa của nó trong cuộc gặp; nó bước vào thế giới vật để kéo dài ở đó hành động của mình thành vô tận, để trở nên, một cách bất tận, một Cái đó, nhưng cũng là, một cách bất tận, một Du, để giao truyền hạnh phúc và ngọn lửa. Nó “thành hình”, cơ thể nó nhô lên từ cơn sóng của hiện tại, xa lạ với thời gian và không gian; nó cập vào bến bờ của thời độ.

Nghĩa của hành động này kém hiển nhiên hơn trong trường hợp mối quan hệ với một Du con người. Hành động cốt yếu tạo ra ở đây sự tức thì, thông thường nhất, được diễn giải bằng các từ ngữ của tình cảm và, vì lẽ ấy, khó biết nổi. Các tình cảm đi cùng sự kiện siêu hình học [tức là “siêu vật lý”] và siêu tâm thần của tình yêu, nhưng chúng không phải chất của những cái đó; và các tình cảm phụ liệu kia có thể mang yếu tính hết sức đa dạng. Tình cảm của Jesus dành cho kẻ bị quỷ ám khác với tình cảm của Jesus dành cho môn đệ yêu quý; nhưng tình yêu là một. Các tình cảm, ta “có” chúng; tình yêu là một sự kiện “xảy ra”. Các tình cảm ngụ trong con người, nhưng con người thì lại ngụ bên trong tình yêu của anh ta. Ở đây không có ẩn dụ nào hết, mà là thực tại. Tình yêu không phải một tình cảm gắn vào với TôiDu sẽ là nội dung hay đối tượng; nó tồn tại giữa IchDu. Bất kỳ ai không biết điều này, và không biết nó bằng toàn bộ hữu thể của mình, thì không biết tình yêu, dẫu người đó gán cho tình yêu những tình cảm mà anh ta nhận thấy, mà anh ta nhận ra, mà anh ta hưởng, mà anh ta diễn tả. Tình yêu là một xạ vũ trụ. Đối với người nào sống trong tình yêu, người chiêm ngưỡng trong tình yêu, con người vượt qua được mọi thứ gì trộn lẫn họ vào với sự hỗn loạn phổ quát; tốt bụng và độc ác, thông thái và điên rồ, đẹp và xấu, tất tật, lần lượt, đều trở nên thực trong mắt anh ta, đều trở thành các Du, tức là những sinh thể được giải phóng, tách ra, duy nhất, anh ta nhìn thấy họ, mỗi người, mặt đối mặt. Lần nào đó cũng là phép mầu của một hiện diện chuyên nhất; khi ấy anh ta có thể giúp, chữa, nâng, đỡ, giải thoát. Trong tình yêu, một Tôi nắm lấy trách nhiệm của một Du; và điều này đồng nghĩa với sự bình đẳng giữa những người yêu, sự bình đẳng hẳn sẽ không thể trú vào bất kỳ loại tình cảm nào, sự bình đẳng đi từ cái nhỏ nhất cho tới cái lớn nhất, từ hạnh phúc nhất và được chắc chắn ở mức độ cao nhất, từ người mà toàn bộ cuộc đời được chứa vào trong cuộc đời một hữu thể duy nhất và được yêu, cho tới người cả đời bị đóng đinh lên cây thập giá của thế giới này, bởi đã có thể và đã dám làm cái điều khủng khiếp ấy: yêu con người.

Chúng ta hãy để lại đây bí ẩn của hành động qua lại nơi trường hợp thứ ba, trường hợp của tạo vật trong quan hệ với Ý niệm của nó. Hãy tin vào ma thuật giản dị của cuộc đời, hãy tin rằng ta có thể sống trong phụng sự Toàn thể, và bạn sẽ cảm thấy từ trước sự chờ đợi đó có nghĩa là gì, sự cảnh giác đó, “cái cổ ngỏng lên” đó của tạo vật. Mọi lời lẽ hẳn đều sẽ làm hỏng hóc các sự kiện, nhưng, đây: các sinh thể thì sống xung quanh bạn, và dẫu người mà bạn tiến lại gần có là ai đi chẳng nữa, bạn luôn luôn đến được với Là.

*
*       *


Quan hệ là qua lại [mệnh đề này đặc biệt quan trọng, có thể coi là thâu tóm toàn bộ triết lý của Buber: triết học của Buber là triết học của tính qua lại]. Du của tôi hoạt động bên trong tôi giống như tôi hoạt động bên trong nó. Các học trò của chúng ta tạo ra chúng ta, các tác phẩm của chúng ta dựng ra chúng ta. Kẻ “độc ác” tặng cho chúng ta khải ngộ của hắn ngay khi cái từ nền móng chạm vào hữu thể của hắn. Có biết bao nhiêu điều mà lũ trẻ con, các con thú dạy cho chúng ta! Chúng ta sống trong dòng thác sự qua lại phổ quát, kết hợp vào với nó nhờ một dây liên hệ không thể nói thành lời.

*
*       *

- Anh nói về tình yêu như thể đó là quan hệ duy nhất giữa những con người; nhưng anh có quyền chọn nó làm khuôn mẫu duy nhất không, bởi vì còn có lòng căm ghét nữa?

- Chừng nào tình yêu là mù quáng, tức là chừng nào nó không nhìn thấy toàn thể của một hữu thể, thì có nghĩa nó còn chưa được đặt vào sự tuân phục quan niệm nền móng ấy, quan hệ. Lòng căm ghét, ở bản tính của nó, thì vẫn mù quáng mãi; ta chỉ có thể căm ghét một phần của một hữu thể. Kẻ nào, lúc đã nhìn thấy một hữu thể trong toàn thể của nó, mà thấy mình buộc phải gạt bỏ nó đi, không còn ở trong địa hạt của lòng căm ghét nữa; anh ta đã đi tới giới hạn con người của khả năng nói Du. Nếu con người không còn có thể nói với đối tác của anh ta cái từ nền móng luôn luôn diễn đạt sự chấp nhận hữu thể mà ta nói cái từ ấy, nếu anh ta cảm thấy buộc phải cự tuyệt bản thân mình hay người khác, thì đấy là bởi anh ta chạm tới cái giới hạn kia, nơi quyền năng của quan hệ nhận ra tính cách tương đối của chính nó, giới hạn chỉ có thể bị hủy bỏ với chính tính cách tương đối này. Nhưng người nào cảm thấy ngay tức thì sự căm hận thì ở gần quan hệ hơn so với người chẳng hề cảm thấy cả tình yêu lẫn căm ghét.

*
*       *

Tuy nhiên sau đây là nỗi sầu muộn cao vời của phần số chúng ta: tại thế giới nơi chúng ta sống, Du, không thể khác, trở thành một Cái đó. Dẫu sự hiện diện của nó có chuyên nhất đến mức nào trong quan hệ tức thì, ngay khi nó đã xong hành động hoặc hành động ấy đã bị nhiễm các phương tiện, nó liền trở thành một đối tượng giữa những đối tượng, có lẽ là đối tượng chính yếu, nhưng vẫn cứ là đối tượng, tuân phục trước quy chuẩn và trước luật. Trong tác phẩm, mọi sự thực tại hóa theo một hướng nào đó đồng nghĩa với ta cự tuyệt trước mọi sự thực tại hóa theo một hướng khác. Trực giác đúng thì ngắn; hữu thể tự nhiên vừa mới tự hiện trước tôi trong bí ẩn của hành động qua lại đã kịp quay trở lại thành có thể miêu tả, có thể phân hủy, có thể sắp xếp, chỉ còn là điểm giao của vô số chu trình các luật. Và bản thân tình yêu cũng chẳng thể nào tự giữ trong sự tức thì của quan hệ; nó kéo dài, nhưng là trong một bật tắc của thời tại và tiềm ẩn. Hữu thể người mới xong còn như thể là duy nhất và đồng chất, không phải tồn tại nhưng hiện diện, mà ta có thể, không phải cảm thấy nhưng thực tại hóa, đã quay trở lại thành một Anh ta hoặc một Cô ta, một tổng của các phẩm tính, một lượng được biểu thị. Vào lúc này tôi lại có thể trích xuất từ đó màu tóc, màu các lời lẽ, sắc thái của lòng tốt nơi người đó; nhưng chừng nào tôi có khả năng ấy, thì đấy là bởi đó không còn là Du của tôi nữa, hoặc còn chưa quay trở lại thành như vậy.

Bất kỳ Du nào nơi hạ giới cũng đều bị kết án phải trở thành vật hoặc ít nhất không ngừng rơi trở ngược vào thế giới vật. Hẳn ta có thể nói, bằng ngôn ngữ cụ thể, rằng mọi vật nơi thế giới này đều, hoặc trước, hoặc sau khi nó đã trở thành vật, xuất hiện trước một Tôi như là Du của nó. Nhưng ngôn ngữ cụ thể bao giờ cũng chỉ nắm bắt được một mẩu của cuộc sống thực.

Cái đó là kén nhộng vĩnh cửu, Du là con bướm đêm vĩnh cửu. Nhưng cũng cần có sự dè chừng sau đây, đó không phải lúc nào cũng là các trạng thái tiếp nối nhau một cách rõ nét, mà thường là một nhị nguyên sâu thẳm nơi hai tiến trình rối bù vào nhau.

*
*       *

Khởi thủy là quan hệ.

Chúng ta hãy xem xét ngôn ngữ của “những người nguyên thủy”, tức là các tộc người vẫn còn nghèo nàn về những thực tại hóa khách quan, mà cuộc sống được xây dựng bên trong một chu trình hẹp gồm các hành động đẫm sự hiện diện một cách mạnh mẽ. Những cái lõi của ngôn ngữ này, các từ-câu, những hình thức tiền văn phạm, chúng sẽ thông qua bùng vỡ mà mang tới đa thể của các phạm trù ngôn từ, nổi bật nhờ toàn thể quan hệ mà chúng diễn đạt. Chúng ta sẽ nói: “rất xa”, còn người Zulu nói một từ-câu có nghĩa: “Nơi người ta kêu lên: Ối mẹ ơi, con bị lạc đường rồi!” và người ở Tierra del Fuego chỉ bằng một cú đập cánh vượt xa sự thông thái mang tính cách phân tích của chúng ta, với từ-câu của anh ta, gồm bảy âm tiết mà nghĩa chuẩn xác là như sau: “Người ta nhìn nhau, bên nào cũng đợi bên kia tự đề nghị làm điều mà cả hai bên đều muốn nhưng chẳng ai muốn làm”. Trong cách thức diễn đạt chung đó, các ngôi, cả theo nghĩa danh từ lẫn theo nghĩa đại từ, được xử lý như trong một phù điêu, mà không có sự độc lập của ronde-bosse [thuật ngữ chỉ kỹ thuật điêu khắc ba chiều thời Cổ đại; đại ý cách đặt bệ tượng tạo ra một số đặc trưng thị giác]. Điều quan trọng không phải các sản phẩm của tách rời và của phóng chiếu, mà là nhất thể nguyên thủy đích thực, quan hệ sở nghiệm.

Khi gặp ai đó, chúng ta chào người ấy bằng cách chúc người ấy may mắn hoặc bằng cách đảm bảo với người ấy về sự tận tâm của chúng ta, hoặc giả bằng cách hướng người ấy đến với Chúa. Nhưng những công thức đó mới xa xôi [nghĩa là không tức thì] và cũ rích (người ta có còn cảm thấy trong Heil! phẩm hạnh trao quyền năng hay không?) nếu so sánh chúng với câu chào mà người Kaf dùng để diễn đạt một quan hệ luôn luôn trẻ trung và cụ thể: “Tôi nhìn thấy Du!” - hoặc với biến thể châu Mỹ của nó, trác tuyệt ở mức độ nhiều nguy cơ lố bịch: “Ngửi tôi đi!”

Ta có thể giả định rằng những chỉ định và các khái niệm, nhưng cũng cả những trình hiện của các con người và các vật tách ra khỏi những trình hiện của các hiện tượng thuộc quan hệ và các trạng thái thuộc quan hệ. Những ấn tượng và cảm xúc sơ đẳng, vốn dĩ là những gì đầu tiên đánh thức tinh thần “con người tự nhiên” là các ấn tượng được sản sinh bởi các hiện tượng thuộc quan hệ, bởi khám phá một hiện diện có tính cách qua lại, hoặc bởi các sự kiện thuộc quan hệ, bởi thói quen về cuộc sống qua lại. Anh ta không nghĩ tới trăng mà đêm nào anh ta cũng nhìn thấy, cho đến cái đêm, trong cơn ngủ hoặc trong lúc thức, nó tiến về phía anh ta, sáp lại gần anh ta, bỏ bùa anh ta bằng những cử động của nó hoặc khiến anh ta sung sướng hay đau khổ bởi các đụng chạm của nó. Cái mà anh ta lưu giữ chẳng phải hình ảnh một cái đĩa tròn sáng trưng lưu động, cũng không phải hình ảnh một sinh thể quỷ dị cách nào đó hẳn gắn chặt vào đó, mà trước hết là hình ảnh động [quay trở lại với khái niệm “mô tơ” như trong triết học cổ điển], hình ảnh có tính cách cảm xúc, về chất lỏng của trăng chảy xuyên qua cơ thể; hình ảnh cá nhân của trăng và của hành động của nó dần dà thoát ra; chỉ khi ấy kỷ niệm về những gì anh ta đã cảm thấy theo đường lối *vô thức* hết đêm này sang đêm khác sẽ mới bắt đầu sáng lên và cho phép anh ta hình dung và sự vật hóa tác giả cũng như kẻ mang hành động đó; Du, mới vừa đây là điều phải gánh chịu chứ không phải được cảm thấy từ khởi nguyên, sẽ trở thành một Anh ta hoặc một Cô ta.

Tính cách quan hệ này, vốn dĩ ở khởi nguyên là đặc thù của mọi hiện tượng quan trọng, mà hành động đã được cảm thấy từ rất lâu, cũng cho phép nắm bắt tốt hơn một yếu tố của cuộc sống tinh thần nơi người nguyên thủy, mà khoa học hiện đại đã nghiên cứu rất nhiều, nó cũng đã nói đến rất nhiều, nhưng không hiểu cho lắm, cái quyền năng bí ẩn đó, mà ý tưởng có thể tìm lại trong tín ngưỡng hoặc trong khoa học (tức là cũng thế [khoa học chính là mê tín]) của nhiều bộ tộc nguyên thủy, cái maria đó, cái orenda đó, từ đó ta có thể đến được với brahma trong biểu nghĩa đầu tiên của nó, hoặc nữa, dynamis, charis của các papyrus ma thuật hoặc những bức thư tông đồ. Người ta từng định nghĩa nó như một lực siêu nhiên hay siêu cảm [vượt mức cảm giác], bằng cách dùng các phạm trù của chúng ta vốn dĩ đâu có hề hấn gì được tới suy nghĩ của người nguyên thủy. Các giới hạn của thế giới anh ta được vạch ra bởi kinh nghiệm cơ thể của anh ta, mà những cuộc viếng thăm của người chết, chẳng hạn, dự phần “theo đường lối hết sức tự nhiên”. Công nhận sự tồn tại của cái bên ngoài ngũ quan, dĩ nhiên, đối với anh ta, là không có nghĩa lý gì. Các hiện tượng mà anh ta gán cho “quyền lực huyền bí” tất tật đều là những hiện tượng khiến anh ta phải suy nghĩ bởi vì chúng lay động cơ thể anh ta và để lại nơi anh ta hình ảnh về một cảm xúc. Trăng và những người chết ám lấy các đêm của anh ta và mang tới cho anh ta nỗi đau hay niềm vui sở hữu quyền lực đó, nhưng cả mặt trời nữa, nó thiêu đốt anh ta, con thú vừa nhìn anh ta vừa hú, vị thủ lĩnh với ánh mắt chế ngự và shaman mà lời hát khiến anh ta trở nên mạnh mẽ trong cuộc đi săn. Mana [có thể đối chiếu với lý thuyết của Marcel Mauss] chính xác là cái lực hiệu tính cao ấy, nó đã chuyển hóa nhân vật trăng thành một Du mà hiện diện làm lay động máu và để lại dấu vết trong ký ức, chừng nào hình ảnh khách quan đã tách ra khỏi hình ảnh thuộc cảm xúc, dẫu bản thân trăng bao giờ cũng chỉ hiện ra với tư cách tác giả hoặc kẻ mang cái hành động đó; mana là lực cho phép chúng ta hành động ngay khi chúng ta sở hữu nó, chẳng hạn trong một hòn đá thần. Ở người nguyên thủy, hình ảnh thế giới là ma thuật, không phải vì chắc hẳn nó có trung tâm là lực ma thuật của con người, mà bởi lực này chỉ là một biến thể đặc biệt của ma thuật phổ quát từ đó tỏa ra mọi hành động cốt yếu. Tính nhân quả của vũ trụ ấy không liên tục, nó được tạo thành từ các chớp lóe lặp đi lặp lại, từ những vươn tỏa và hành động ma thuật, đó là một chuyển động núi lửa không liền mạch. Mana là một sự trừu tượng nguyên thủy, có lẽ còn nguyên thủy hơn cả số, nhưng không siêu nhiên hơn so với nó. Ký ức, trong lúc được giáo dục dần dần, học cách sắp xếp các sự kiện quan hệ lớn, những cảm xúc sơ đẳng; các sự kiện quan trọng nhất đối với bản năng sinh tồn và các sự kiện đáng kể nhất đối với bản năng nhận biết, tức chính xác là mọi thứ gì “hành động”, bật lên hùng mạnh hơn, tách ra, trở nên tự trị; những sự kiện kém quan trọng hơn và không có tính cách chung, các sắc thái của Du từng được sống qua theo cách thức nhỏ lẻ lùi lại, vẫn biệt lập trong ký ức, được sự vật hóa dần dà và theo cách thức hết sức có thứ bậc tạo thành các nhóm, các loại; rốt cuộc ở địa điểm thứ ba, tại cái chốn xa xôi hắc ám của nó, đôi khi còn ma quái hơn người chết hay trăng, nhưng ở một mức độ hiển nhiên không thể chối cãi hơn, nhô lên đối tác thứ hai, “cái người vẫn tương tự với bản thân anh ta”, tức là Tôi.

Ý thức về Tôi không tách biệt khỏi hoạt động nguyên thủy của bản năng về “Mình” và về bảo tồn “Mình” hơn so với hoạt động của các bản năng khác; không phải Tôi tìm cách tiếp tục mãi, mà chính cơ thể muốn làm ra các vật, các dụng cụ, các đồ chơi mà nó muốn trở thành “tác giả”. Ngay cả trong chức năng nhận biết nguyên thủy hẳn người ta cũng chẳng thể nào nhận ra cognosco ergo sum, dẫu ngây thơ đến đâu, cũng như khái niệm, dẫu trẻ con đến đâu, về một chủ thể có kinh nghiệm. Tôi toát ra với một lực sơ đẳng từ sự phân hủy các kinh nghiệm nguyên thủy, nó bật lên với sự hiển nhiên từ những từ nền tảng nguyên thủy nhất và sống còn nhất, Tôi-tạo-ra-Du, Du-tạo-ra-Tôi, chừng nào đã được thực hiện sự thể từ hóa, sự chuyển [hypostasis] động tính từ.

*
*       *

Sau đây là cách thể hiện, trong lịch sử trí năng của người nguyên thủy, khác biệt nền móng giữa hai từ-nền tảng của ngôn ngữ: ngay cả trong hiện tượng quan hệ sơ đẳng nhất, anh ta cũng phát ngôn từ Ich-Du như bản thân tự nhiên phát ngôn nó, mà không tạo hình hài cho nó, thậm chí không tự nhận biết với tư cách Tôi, trong khi từ Tôi-Cái đó chỉ trở nên khả dĩ chừng nào đã đạt được nhận biết này, chừng nào đã được tiến hành sự biệt lập hóa Tôi.

Nhóm thứ nhất, Ich-Du, đúng là phân rã thành một Ich và một Du, nhưng nó không sinh ra từ sự hợp lại của chúng, nó là trước Ich; nhóm thứ hai, Tôi-Cái đó, sinh ra từ sự hợp của TôiCái đó, nó là sau Tôi.

Tôi được bao hàm vào hiện tượng nguyên thủy của quan hệ, do tính chuyên nhất của hiện tượng này. Vì chỉ có thể có hai đối tượng *thời sự* một cách đầy đủ, con người và đối diện của anh ta, như thế giới trở nên một nhị nguyên, ngay khi ấy con người tiên cảm một điều gì đó về cảm xúc vũ trụ kia của Tôi, trước cả khi có ý thức về Tôi của anh ta.

Ngược lại, trong hiện tượng sơ đẳng mà từ Tôi-Cái đó diễn tả, nơi kinh nghiệm được tập trung vào Tôi, cái Tôi này còn chưa được bao hàm. Hiện tượng đó là hiện tượng biệt lập khỏi nơi chốn của nó cơ thể con người, được nhìn nhận như là cái mang các ấn tượng [từ “ấn tượng” ở đây rất quan trọng: cần phải hiểu đó là những thứ “in vào”, như trong truyện về trại trừng phạt của Kafka - hoàn toàn có thể dùng triết lý của Buber để đi rất sâu vào thế giới của Kafka] của nó. Cơ thể học cách tự nhận biết và tự phân biệt, nhờ vào sự đặc biệt ấy vốn dĩ là đặc thù của nó, nhưng sự phân biệt này chỉ diễn đạt một gần gũi đơn giản và chẳng hề kéo theo bản thân tình cảm ngầm ẩn về chất lượng đúng của Tôi.

Ngược lại, ngay khi Tôi của quan hệ hiện ra và đoạt lấy tồn tại bằng cách tự biệt lập mình, thông qua một hiện tượng lạ thường nó loãng ra và được chức năng hóa nhằm xâm nhập sự kiện sơ đẳng của sự biệt lập Tôi, và chính trong hiện tượng này nó thúc đẩy ý thức về Tôi. Chỉ khi đó mới có thể diễn ra hành động có ý thức của Tôi, hình thức đầu tiên của từ-gốc rễ Tôi-Cái đó, hình thức đầu tiên của kinh nghiệm hướng ngã: cái Tôi đã toát ra từ đó khẳng định nó là cái mang các ấn tượng của nó, và thế giới là đối tượng của nó. Hiện tượng này, đúng thế, tác động lên các hình thức nguyên thủy, và không uốn mình lại trước các quy tắc của lý thuyết nhận biết, nhưng nếu cái câu này: “Tôi nhìn thấy cái cây” được phát ngôn theo cách thức không còn là quan hệ giữa người-Ich và cây-Du nữa, mà là tri giác của cây-đối tượng bởi người-ý thức, thì nó đã dựng lên một thanh ba ri e giữa chủ thể và đối tượng; từ nền móng Tôi-Cái đó, cái từ chia rẽ, đã được phát ngôn.

*
*       *

- Như vậy nỗi sầu muộn của phần số chúng ta chắc hẳn đã có ngay từ lịch sử xa xôi?

- Nó đã có, chắc chắn, trong chừng mực cuộc sống ý thức của con người là một thứ có được nguyên thủy từ rất xa xôi. Nhưng, trong cuộc sống ý thức, cái xuất hiện trở lại dưới hình thức một triển hạn con người bao giờ cũng chỉ là bản thân hữu thể của thế giới. Tinh thần xuất hiện trong thời gian giống như một sản phẩm, và thậm chí một phó phẩm của tự nhiên, và thế nhưng chính nó bao bọc, theo cách thức phi thời gian, toàn bộ tự nhiên.

- Tương phản của hai nền tảng ngôn ngữ từng mang nhiều cái tên xuyên qua các thời và các thế giới; nhưng trong sự thật không được gọi tên của nó, nó là cố hữu của Sáng tạo.

*
*       *

- Nhưng, tuy nhiên, anh tin vào một thiên đường đặt ở khởi thủy của nhân loại?

- Nhân loại này dẫu hẳn từng là một địa ngục - và hết sức chắc chắn, cái nhân loại mà tôi có thể nhớ được bằng cách lội ngược chiều lịch sử từng tràn ngập thịnh nộ, sợ hãi, dằn vặt và tàn nhẫn - thì nó vẫn đã không phi thực.

Các kinh nghiệm về quan hệ của con người nguyên thủy chắc chắn không thể rút gọn về một sự vui thú mềm oặt nào đó khó diễn tả: sẽ là tốt hơn nhiều nếu cưỡng ép một sinh thể mà ta đã thực sự chiếm hữu, so với thực thi một từ thiện èo uột về phía những con số không có khuôn mặt! Kể từ bạo lực ấy hiện ra một con đường dẫn tới Chúa. Từ thiện tâm kia, chỉ có đường về phía hư vô.

*
*       *

Cuộc sống của người nguyên thủy, dẫu chúng ta có thể biết hết sức kỹ lưỡng, đối với chúng ta chỉ có thể là một biểu tượng cho cuộc sống của con người tiền sử; nó chỉ mang tới cho chúng ta những cú nhìn ngắn ngủi vào quan hệ mang tính cách thời gian giữa hai nền tảng của ngôn ngữ. Đứa trẻ dạy cho chúng ta theo đường lối hoàn toàn hơn.

Điều mà chúng ta thấy ở đây hết sức hiển nhiên là thực tại trí năng của hai nền tảng ngôn ngữ sinh ra từ một thực tại tự nhiên [điểm rất then chốt]; đấy là vì thực tại của từ nền móng Ich-Du sinh ra từ một mối liên hệ tự nhiên, trong khi thực tại của từ nền móng Tôi-Cái đó sinh ra từ một sự phân biệt tự nhiên.

Cuộc sống trước khi sinh của đứa trẻ là một trạng thái của liên hệ tự nhiên thuần túy, một sự đổ dồn hội tụ của các nhựa sống, một hành động thể chất qua lại; điều lạ thường, chân trời sống của hữu thể trong triển hạn dường như được ghi toàn bộ vào bên trong hữu thể mang nó, nhưng dường như cũng đã không được ghi ở đó. Không phải chỉ trong lòng người mẹ con người của nó, mà nó nghỉ ngơi. Đó là một liên hệ rộng lớn và phổ quát đến nỗi khi đọc một văn bản huyền thoại Do Thái nào đó ta tưởng chừng giải mã được ở mức lưng chừng một sự ghi nguyên thủy, lúc ta đọc thấy rằng trong lòng người mẹ, con người được khai trí cho Toàn thể, nhưng anh ta quên đi mất vào thời điểm ra đời. Và liên hệ này vẫn tồn tại dai dẳng nơi đáy sâu anh ta, anh ta là hình tượng bí mật trong giấc mơ của anh ta. Không phải anh ta khao khát quay trở ngược về phía sau, như vẫn hay nghĩ những ai nhìn thấy trong tinh thần (bị họ lẫn lộn với intellect của chính họ) một tầm gửi của tự nhiên, trong khi đúng hơn đó là bông hoa của nó, quả là bị bày ra cho đủ mọi loại bệnh tật. Nhưng khao khát đó hé lộ nhu cầu tái thiết lập một dây nối vũ trụ giữa hữu thể tới được với cuộc sống tinh thần và Du đích thực của nó.

Cũng như nơi mọi hữu thể đang thành hình, đứa bé con người ngơi nghỉ trong lòng Người Mẹ Lớn, vũ trụ nguyên thể vẫn còn chưa bị phân hóa và vô định hình. Nó tách khỏi đó để bước vào cuộc sống cá nhân và chỉ còn vào những giờ tối tăm khi chúng ta thoát khỏi cuộc sống cá nhân (điều đêm nào cũng xảy tới cho con người dẫu khỏe mạnh), chúng ta tách khỏi vũ trụ này. Nhưng sự tách ấy không được thực hiện thông qua một thảm họa đột ngột tương tự với thảm họa lôi chúng ta theo đường lối vật thể khỏi người mẹ cơ thể của chúng ta. Một hạn định đã được giao phó cho người con trai của con người nhằm đổi lấy một dây nối tinh thần, tức là lấy một quan hệ, dây nối tự nhiên nối anh ta với vũ trụ. Đi ra từ bóng tối bỏng cháy của hỗn độn, anh ta đã đi vào Sáng tạo lạnh lẽo và sáng, nhưng anh ta còn chưa sở hữu nó. Trước hết anh ta phải kéo nó ra ánh sáng và biến nó thành một thực tại, anh ta phải tự khiến mình trở thành chủ vũ trụ của anh ta thông qua phương tiện thị giác, thính giác, động chạm và hành động sáng tạo. Sáng tạo chỉ hé lộ hữu thể sâu kín của nó trong sự gặp, nó không chảy vào các giác quan thụ động đợi nó, nó nhỏm dậy cho sự gặp với những ai biết nắm lấy nó. Mọi đối tượng quen thuộc rồi sẽ hoạt tác quanh người trưởng thành sẽ phải được chinh phục, được cầu xin bởi con người thiếu niên, trong một nỗ lực rất chuyên cần. Không vật nào không là thành phần của một kinh nghiệm giản đơn, không gì có thể được biết ngoài sự qua lại của cuộc mặt đối mặt chuyên nhất. Cũng như người nguyên thủy, đứa trẻ sống từ cơn ngủ này sang cơn ngủ khác (bản thân sự thức của nó phần lớn cũng là một cơn ngủ), trong lóe chớp và phản-chớp của sự gặp.

Ngay từ mức độ sớm sủa hơn cả và mù mờ hơn cả của cuộc sống cá nhân, người ta có thể quan sát thấy nhu cầu về quan hệ này là một sự kiện nguyên thủy tới mức nào. Trước cả khi tri nhận được các vật biệt lập, ánh mắt mơ hồ của đứa trẻ tìm kiếm trong không gian không thể hiểu một cái gì không xác định chẳng thể rõ được; và vào những khoảnh khắc khi, rất rõ ràng không có bất cứ nhu cầu đồ ăn nào, chẳng hề có mục đích, dường như vậy, các động tác lười biếng của bàn tay, tung vào trong mơ hồ, tìm cách nắm lấy cái gì đó không biết nổi trong trống không. Nói rằng đó là một động tác thú vật thì cũng đồng nghĩa với không giải thích gì hết. Bởi đích xác là những ánh mắt kia, sau các thử nghiệm dài, sẽ gắn chặt vào với một trang trí hoa lá màu đỏ của tấm thảm và sẽ chẳng rời khỏi đó trước khi đã hoàn toàn hiểu được yếu tính của màu đỏ; và cùng các cử chỉ ấy sẽ có được một hình thức thuộc giác quan cùng sự chuẩn xác lúc tiếp xúc với một con gấu nhồi bông, khi lần đầu tiên tri nhận được, với tình yêu và theo cách thức không thể quên, một cơ thể trong hình khối vững chắc của nó. Ở cả hai trường hợp, đã có không phải kinh nghiệm về một đối tượng, mà lời giải thích với một đối tác sống, câm lặng nhưng hoạt bát, ít nhất là trong tưởng tượng. Tuy vậy trí tưởng tượng này hoàn toàn chẳng phải một náo động chung của thế giới; nó là bản năng, thứ làm cho một vật nào đó trở thành một Du, bản năng về quan hệ vũ trụ, cái, thiếu vắng đi một đối tác sống và hoạt bát, nhưng trong hiện diện của hình ảnh hay biểu tượng của nó, trao cho nó sự phong phú cố hữu của nó với mục đích phú cho nó hành động và sự sống. Những tiếng kêu nho nhỏ không cấu âm vẫn còn vang lên, đầy bướng bỉnh và chẳng kèm chút biểu nghĩa nào, trong trống rỗng; nhưng những tiếng kêu ấy, rồi một ngày, không định trước, sẽ trở thành một đối thoại. Với cái gì? Có lẽ là với ấm đun trà đang reo, nhưng đó đã là một đối thoại. Nhiều cảm xúc vốn hay được coi là phản xạ lại là một cái bay vững chắc phụng sự người đó tự xây dựng thế giới của anh ta. Không đúng, cái chuyện đứa trẻ khởi sự tri nhận đối tượng mà nó có quan hệ; ngược lại, chính bản năng quan hệ mới là nguyên thủy, chính nó tự đào sâu và tự phồng lên từ trước giống như bàn tay nơi đối tác đến ấp vào; chỉ sau đó rồi thì mới được thiết lập quan hệ với đối tác ấy, dưới một hình thức sơ khai chứ chưa phải là bằng ngôn từ, của Du; nhưng chuyển hóa thành một đối tượng là một kết quả muộn màng, sinh ra từ sự tách các kinh nghiệm nguyên thủy, từ sự chia tách với đối tác - hiện tượng có thể so sánh với sinh ra của Tôi. Ở khởi đầu là Quan hệ, nó là một phạm trù của hữu thể, một cơ chế sẵn sàng đón nhận, một vật chứa, một khuôn tâm thần; đó là a priori của quan hệ, là Du bẩm sinh.

Những quan hệ thực là các hiện thân của Du bẩm sinh trong Du gặp được; Du này được hình dung như đối tác duy nhất, đối tác mà ta đón tiếp một cách chuyên nhất, với đó rốt cuộc ta có thể nói cái từ nền móng, tất tật đã được hình thành trong a priori của quan hệ.

Trong nhu cầu thuộc xúc giác (nhu cầu bước vào tiếp xúc trước hết có tính cách xúc giác, rồi thị giác, với một hữu thể khác), Du bẩm sinh biểu lộ từ rất sớm và diễn đạt theo cách thức mỗi lúc một thêm rõ ràng sự qua lại, sự “dịu dàng”; nhưng bản năng sáng tạo xuất hiện muộn hơn (bản năng về sản sinh các đối tượng thông qua tổng hợp hoặc, tệ hại hơn cả, thông qua phân tích, bằng cách gỡ ra, bằng cách xé ra) cũng hé lộ cùng nhu cầu; xảy ra một quá trình nhân cách hóa vật được sáng tạo ra, một đối thoại. Sự phát triển của tâm hồn, nơi đứa trẻ, gắn bó mật thiết với sự phát triển của bản năng về Du, với các thỏa mãn hoặc các thất vọng mà bản năng đó cảm thấy, với trò chơi hoạt động của nó và với sự nghiêm túc mang tính cách bi kịch nỗi hãi sợ của nó. Trí năng đích thực của các hiện tượng này chỉ có thể bị giảm giá bởi toan tính đưa chúng quay về bên trong một tầng cầu hẹp hơn; để hiểu chúng, cần phải, trong khi kiểm tra chúng và trong khi giải thích chúng, nhớ đến nguyên ủy vũ trụ và siêu vũ trụ của chúng, cùng một lúc; phải ghi nhận ở đó nỗ lực nhằm thoát ra khỏi thế giới nguyên thủy của bản năng và từ sự vô định hình từ đó cá nhân vật lý đã đi ra nhờ sự kiện sinh ra, chứ không phải hữu thể có cơ thể và lúc này chỉ thoát ra dần dà, theo đà bước vào thế giới quan hệ của nó.

*
*       *


Con người trở thành một Ich khi tiếp xúc với Du. Đối tác hiện ra rồi tự xóa mình đi, các hiện tượng thuộc quan hệ đặc lại hoặc rã ra, và chính trong sự luân phiên này mà trở nên sáng sủa và tăng dần lên ý thức của đối tác còn ở lại, đối tác của Ich. Chắc hẳn, nó vẫn còn xuất hiện trong sự nhập vào phần lõi của các quan hệ, trong mối quan hệ với Du; nó là ý thức tăng tiến của những gì hướng về phía Du mà không phải là Du, nhưng nó tự khẳng định với một lực tăng dần, cho tới khi dây nối bị đứt và Ich nằm ở, trong một lóe chớp, nơi hiện diện của chính nó, tách khỏi bản thân, như thể từng có một Du xa lạ, nhưng rồi lại ngay tức khắc chiếm lại sở hữu bản thân và kể từ đó, với ý thức, hiến mình cho quan hệ.

Chỉ khi đó nền tảng thứ hai của ngôn ngữ mới có thể được lập dựng. Bởi chắc hẳn Du của quan hệ đã bợt màu nhiều lần nhưng còn chưa trở thành Cái đó của một Tôi, đối tượng cho một tri giác hoặc một kinh nghiệm phi cá nhân như về sau nó sẽ là; nhưng theo cách nào đó nó đã trở thành Cái đó tự thân, tạm thời được lưu lại đó, và đợi, để sinh ra, xảy tới một hiện tượng quan hệ mới. Và chắc hẳn cơ thể động vật trưởng thành để biến thành cơ thể sống động [thật ra, ở đây là cặp animus-anima] phân biệt khỏi môi trường của nó trong chừng mực nó cảm thấy mình mang bên trong các ấn tượng của nó và là kẻ thực thi những gì còn mới chớm của nó, nhưng nó chỉ tự hình dung trong sự đồng thời của một dạng thỏa hiệp, chứ không phải trong sự tách biệt tuyệt đối của Tôi và đối tượng. Thế nên Tôi đã tách rời hiện ra dưới dạng đã chuyển hóa; sụt xuống từ sự tràn đầy về chất của nó, nó bị thu về thực tại dạng điểm và có tính cách chức năng của một chủ thể có trách nhiệm kinh nghiệm và sử dụng, hoàn toàn tận tâm với “Cái đó tự thân”; nó chiếm lĩnh và kết hợp với cái đó nhằm tạo nên nền tảng ngôn ngữ kia. Con người trở thành một Tôi, nói Tôi-Cái đó, ở đó với tư cách người quan sát trước các vật thay vì đặt chúng ở trước mặt mình cho sự trao đổi sống động các biến lưu qua lại. Cúi nhìn xuống các vật, từng thứ một, với cái kính lúp có chức năng vật thể hóa của ánh mắt cận thị, hoặc giả sắp xếp chúng thành một tổng cảnh nhờ vào kính viễn vọng có chức năng vật thể hóa của ánh mắt viễn thị, anh ta cô lập chúng với mục đích nhìn nhận chúng, không vương chút tình cảm nào về tính chất qua lại chuyên nhất, hay nhóm chúng lại nhằm nhìn nhận chúng mà không kèm chút tình cảm nào của nhất thể vũ trụ; chỉ quan hệ mới có thể mang tới cho anh ta, trong trường hợp thứ nhất, một tình cảm như vậy; anh ta sẽ chỉ, ở trường hợp thứ hai, làm được nếu xuất phát từ một quan hệ. Lúc này anh ta cảm nhận các vật với tư cách những tổng của các phẩm tính; chắc chắn, anh ta đã dồn đống lại trong ký ức của mình các phẩm tính dẫn về Du của mỗi hiện tượng của quan hệ, nhưng chỉ vào lúc này các vật đối với anh ta chỉ còn được tạo nên từ những phẩm tính của chúng. Chính trong lúc lục tìm trong kỷ niệm về quan hệ, được gìn giữ ở tình trạng mơ, hình ảnh hoặc suy nghĩ, tùy thuộc sự phức tạp cố hữu của anh ta, thì anh ta mới có thể hoàn chỉnh cái mầm mống tiềm năng từng hé lộ cho anh ta trong Du, bao gồm tất tất phẩm tính, ở tình trạng chất. Chỉ lúc đó anh ta mới sắp đặt được các vật vào một chuỗi không gian, thời gian và nhân quả, chỉ lúc đó anh ta mới chỉ định mỗi thứ vào chỗ của nó, dòng chảy của nó, nhịp điệu của nó, điều kiện của nó. Du, đúng thế, biểu hiện trong không gian, nhưng phải trong sự đối mặt chuyên nhất ấy, nơi mọi thứ còn lại của các sinh thể chỉ có thể dùng làm một hậu cảnh từ đó nó hiện ra, mà không thấy ở đó cả giới hạn lẫn kích thước của nó. Nó biểu hiện ra trong thời gian, nhưng là trong thời khắc nó sở hữu sự tràn đầy bởi chính nó, vì nó không phải mắt xích trong một dây chuyền cố định và được cấu tạo vững chắc, thời khắc khi người ta nhìn thấy “trong một lóe chớp”, mà chiều thuần túy có tính chất cường độ chỉ được định ra bởi chính nó. Nó biểu hiện ra cùng lúc nơi những gì nó tác động và nơi những gì mà nó chịu một hành động, nhưng nó không nhập vào một chuỗi nguyên nhân, bởi trong quan hệ của sự qua lại nơi nó ở cùng Tôi, thì cùng lúc đó nó là khởi nguyên và kết cục của hiện tượng. Đó là một trong những sự thật nền móng của thế giới con người: chỉ Cái đó mới có thể được xếp vào trong một trật tự. Chính bằng cách ngừng là Du của chúng ta để trở thành Cái đó của chúng ta mà các vật trở nên có thể phối hợp với nhau. Du thì không biết đến bất kỳ hệ thống phối hợp nào.

Nhưng đã đến điểm này, chúng ta cũng cần phải biểu đạt khía cạnh khác mà nếu không có thì phần này của sự thật nền móng hẳn sẽ vẫn nằm ở trạng thái phân mảnh chẳng dùng để làm gì: thế giới “có trật tự” không phải trật tự của thế giới. Có những khoảnh khắc tại đó không nguyên nhân nào được phát ra, nhưng ở đó trật tự thế giới lại xuất hiện, trở nên hiện diện. Thế là ta chụp lấy âm thanh mà thế giới “có trật tự” là ký âm không thể giải mã. Các thời khắc đó là bất tử, vì đó là những thời khắc thoáng qua hơn cả; ta chẳng thể giữ được từ đó nội dung nào hết, nhưng phẩm hạnh của chúng hòa vào với sáng tạo và với nhận biết của con người, các luồng hơi của phẩm hạnh này xâm nhập thế giới “có trật tự” và làm nó tan băng, hóa lỏng nó một lần nữa. Đó là câu chuyện của cá nhân, đó là câu chuyện của loài.

*
*       *




(còn nữa)



[Martin Buber, Ich und Du, 1923]


đã tiếp tục Alain bàn về quyền lực



Feuerbach: Das Wesen des Christentums (I, 5)

11 comments:

  1. tức là, "hữu thể" không thể được tri nhận trong thế giới kinh nghiệm - " Và cũng như lời cầu nguyện thì không có tồn tại trong thời gian, mà đúng hơn, thời gian ở trong lời cầu nguyện, cũng như sự hiến sinh không có tồn tại trong không gian, mà đúng hơn, không gian ở trong sự hiến sinh, và bằng cách đảo ngược quan hệ này người ta phá bỏ thực tại, "?
    cho nên "Từ-nguyên tắc" là tính nhị nguyên nền tảng của "Ich" và "Es" và bởi vậy/xuất phát từ bởi đó "Du" mang cái bí ẩn của nhất nguyên; bí ẩn theo nghĩa chặt chẽ của nó tức là một cánh cổng vô hình.

    ReplyDelete
  2. tức là, cái này và, hoặc cái kia thì không là, mà chỉ giữa cái này và cái kia, trong đe doạ thường trực của sự mất đi qua lại

    ReplyDelete
  3. Du là cái gì trời????

    ReplyDelete
  4. ", tất tật đều được tạo dựng trên tình cảm về một giới hạn; " và giới-hạn đó chính là cái gì đấy "ở giữa".
    "giới hạn" không phải nơi ta đến, vì sự "gặp" Du xảy ra ở bên kia.

    ReplyDelete
  5. "Quan hệ tức thì hàm ý một hành động qua lại;" - khi hàm ý đó là một động thái bên ngoài, "ở giữa", khác với "kinh nghiệm" như đã nói ở trên là ko tác động vào "thế giới", thì khi "quan hệ tức thì" xảy ra, quan hệ ấy phát lộ "hiện diện" của Du cùng lúc với nhận ra cái "toàn thể"-Ich? vậy "thế giới" cùng "kinh nghiệm" ở đâu" và "quan hệ thức thì" có loại trừ thời gian tính ko nhỉ?

    ReplyDelete
  6. tiếp tục

    có thể chắc chắn ít nhất là thời gian không còn giữ nguyên ý nghĩa nữa

    ReplyDelete
  7. "Trực giác đúng thì ngắn; hữu thể tự nhiên vừa mới tự hiện trước tôi trong bí ẩn của hành động qua lại đã kịp quay trở lại thành có thể miêu tả, có thể phân hủy, có thể sắp xếp, chỉ còn là điểm giao của vô số chu trình các luật. Và bản thân tình yêu cũng chẳng thể nào tự giữ trong sự tức thì của quan hệ; nó kéo dài, nhưng là trong một bật tắc của thời tại và tiềm ẩn." - "hữu thể tự nhiên" dường như một khái niệm bất trắc, dù "tự nhiên" có thể chỉ là trạng ngữ; và nếu nó là tính ngữ thì sao? "hữu thể" nên là siêu tự nhiên trong môn toán học của "các quan hệ qua lại phổ quát".

    ReplyDelete
  8. tiếp tục

    đã bắt đầu chạm nhiều đến thời gian

    ReplyDelete
  9. "Tinh thần xuất hiện trong thời gian giống như một sản phẩm, và thậm chí một phó phẩm của tự nhiên, và thế nhưng chính nó bao bọc, theo cách thức phi thời gian, toàn bộ tự nhiên." - phải chăng ngôn ngữ, dù sinh động hàm súc đến như "nguyên thủy", vẫn dừng ở giới hạn cho hiển ngôn là Tôi-Cái đó? và dường như Ich-Du khó thoát cái nan đề thần học của lời và siêu vượt?

    ReplyDelete