Sep 23, 2018

thời chúng ta (2) những từ và những từ

Hồi tôi còn trẻ (píp), chẳng rõ từ đâu, bỗng một ngày, toàn dân nói "tinh tướng" và "tinh vi"; chỉ mới lúc trước mấy từ đó còn chưa thấy tăm dạng, lúc sau chúng đã tràn ngập: đó là sự hình thành một idiom.

Câu chuyện thời chúng ta sẽ không thể được nhìn nhận nếu không lưu ý (thậm chí lưu ý rất là nhiều) đến các từ và cụm từ có vị trí đặc biệt. Ca dao, tục ngữ, thành ngữ - theo định nghĩa - không có tác giả, chúng như thể sinh ra từ một đằng sau của ý thức chung; nhưng cũng có thể hình dung tác giả của chúng là bất kỳ ai. Bản thân tôi cũng từng sản sinh một "thành ngữ", mà lúc sử dụng nó (lần đầu), tôi hoàn toàn không hề ý thức được mình đang làm gì: xem ởkia.

À, nhưng trước khi tìm vào những từ và những từ của thời chúng ta (đúng vào lúc Hà Nội mùa thu, và facebook bỗng có công dụng đặc biệt hữu hiệu cho kiểm kê ngôn từ, vì ở Việt Nam, trí thức - kể cả đủ mùa lẫn nửa mùa - hoạt động tích cực trên facebook: định nghĩa của tôi là, trí thức Việt Nam thời bây giờ là những người lê la facebook; tuy vốn dĩ rất khiêm tốn nhưng tôi cho định nghĩa ấy của tôi sẽ tồn tại rất lâu dài, không phải vì nó hay mà vì nó đúng), cần phải tự hỏi tại sao lại có "tinh tướng" hay "tinh vi". Giai đoạn mấy từ ấy ra đời là khi một thời đại cũ (thời đại cục mịch) bắt đầu rụt rè chuyển qua một thời đại mới (thời đại của văn hoa) (về "cục mịch" và "văn hoa" xem ởkia): con người của sự không dám nổi trội so với đám đông bắt đầu thấy rằng chẳng việc gì mà không nổi trội nữa, mấy từ có hàm nghĩa hết sức mù mờ như "tinh tướng" hay "tinh vi" thể hiện rõ thái độ ấy (bản thân từ "thái độ" đặc biệt quan trọng, chắc tôi sẽ dành riêng một kỳ "thời chúng ta" cho nó). Là mù mờ, bởi vì tuy đó là lối thoát cho một thái độ cũ, chúng vẫn có sắc thái lên án cao độ.

Thời của chúng ta, có một từ luôn luôn nằm trong lý tưởng của tinh thần, ấy là từ nhẹ. Con người nouveau riche (nú vồ rịt) (bởi vì xã hội của chúng ta, ở mức rộng khắp, là một xã hội nouveau riche) ham mê sự nhẹ, và hướng đến sự nhẹ.

Rất phổ biến trên facebook là idiom "có một... không hề nhẹ". Từ nhẹ nằm trên đầu môi phần lớn con người của thời hôm nay ("ăn nhẹ", chẳng hạn). Ấy là bởi phần lớn con người của thời hôm nay nặng. Nặng vì ăn nhiều (nouveau riche thì để làm gì đây, nếu không phải để ăn cho bõ, thậm chí ăn như để trả thù mấy thế hệ đói rách?), đã ăn nhiều lại còn nhai tồm tộp và húp nước sùn sụt. Ăn nhiều thì ắt béo; ấy thế nhưng, rất nghịch lý, mốt của giới nouveau riche Việt Nam đã chuyển từ xe ô tô sang xe mô tô phân khối lớn (nguy cơ lớn là những xe Range Rover sắp được đưa hết sang Đông Anh: sự hết mốt trở nên đặc biệt mau chóng - nhanh cũng ngang cỡ vụt trở nên giàu nhờ Vietlott, hay tương đương những chuyến đi Maldives, Santorini hay Phượng Hoàng Cổ Trấn). Ngồi trên những xe phân khối lớn ngày nay là những tảng thịt khổng lồ. Ăn lắm nên béo, béo thì nặng, nặng thì ham mê sự nhẹ.

Nouveau riche không thể không mong sang trọng. Sang là định mệnh của giàu. Bởi thế, từ có vị thế vô song hiện nay trên facebook tiếng Việt là "thần thái": người ta sẽ không nói một phụ nữ đẹp, mà nói "một phụ nữ thần thái". Tính từ hóa một danh từ, để nghe như sang trọng. Ở cái xã hội phụ nữ rất cuồng nhiệt trà chiều, sự văn hoa được đẩy lên một mức mới: văn hoa thì rườm rà, người ta không nói một phụ nữ "xinh" nữa, mà là "xinh gái". Không phải "đẹp" mà "đẹp gái", là "thần thái". Từ thần thái dường như đang dần thay thế từ "đẳng cấp", một từ đặc vị nữa của tinh thần nouveau riche ("phong độ là nhất thời, đẳng cấp là vĩnh viễn" etc.)


Các nhân vật cấp tiến (rất nhiều - lắm lúc có cảm giác mọi cá nhân của xã hội Việt Nam đều cấp tiến hết: có vẻ như là nỗi sợ cái từ "phản động" thực sự ăn sâu vào tiềm thức) biểu diễn vô cùng hấp dẫn trên bình diện của những từ và những từ.

Một trí thức cấp tiến của Việt Nam sẽ như thế nào? sẽ ra sức cho thấy mình là người độc đáo (độc lập thì đúng hơn: tôi chưa thấy bất kỳ một ai không tuyên xưng cho "tư duy độc lập"; trong cụm từ này có "tư duy" sẽ còn được nhắc tới ở dưới). Nhưng cùng lúc, nếu một cấp tiến trở nên hot tự xưng là "mình", chín mươi tám phần trăm cấp tiến khác cũng thoắt xưng "mình" ngay lập tức (cùng một số biến thể như "miềng" hay "mềnh"). "Nhân xưng" nhiều lúc cho thấy tức khắc kiểu người: đại khái, cứ thấy ai xưng "nhà cháu", có thể gần như chắc chắn đã gặp được một jerk. Xưng hô giống hệt nhau, đồng thời bàn đến những chuyện giống hệt nhau ngày ngày (ởkia đã phân tích: trí thức Việt Nam dường như có họ hàng với kền kền, nhưng là kền kền vô đạo đức, vì không bao giờ xử lý các xác chết đến nơi đến chốn; trí thức Việt Nam cũng đặc biệt thích bàn đến thực phẩm sạch bẩn, môi trường, các hiện tượng bán dâm, trẻ con đánh vần - vì thứ nhất các vấn đề khác không ai quan tâm và thứ hai, mấy điều đó mới dễ phát biểu). Không một cấp tiến nào không cảm thấy mình nên có ý kiến trong mọi điều (cấp tiến khôn sẽ dí dỏm, nghếch hơn thì sẽ lao ầm ầm, rất hay bị hố).

cùng lúc (lại cùng lúc) trong mắt trí thức cấp tiến Việt Nam thời trước đây rất đáng lên án vì nó đồng phục. Ta đi tới một quy tắc: đa dạng, rất nhiều khi, lại cũng chính là đồng phục; và khi không có mốt (thời trước: ít nhất khi ấy người ta bài trừ mốt) cũng giống hệt khi mốt chi phối vận hành của xã hội, tức là cũng đồng phục hết. Không mốt hay chạy theo mốt, rất quái gở, cho ra kết quả giống hệt nhau.

Tương ứng, các cá nhân nouveau riche độc đáo hết mức theo cách thức như sau: tất cả xì gà, rồi lại tất cả đồng loạt tẩu. Tất cả sưu tầm tranh và tất cả mua máy ảnh Leica, kể cả (nhất là) những ai không hề biết chụp ảnh. Bào Quốc Bủi mà chụp ảnh thì Bủi chụp bất kỳ ảnh nào, một người bất kỳ nào khác, cầm bất kỳ cái máy ảnh nào, đứng đúng chỗ Bủi vừa chụp, giơ máy ảnh lên đồng thời nhắm mắt lại, đều sẽ có một bức ảnh đẹp hơn ảnh của BQB.


Kiểm kê những từ có địa vị (và tần suất) cao cho thấy rất nhiều điều. Nếu cộng thêm một yếu tố (taxinomie) thì ta sẽ có, trước hết, nhóm những từ nói dối.

Chẳng hạn, nhẹ chính là nặng (như trên đã nói; ít nhất, "nhẹ" che khuất sau lưng nó "nặng"). Đây là ví dụ cho một cơ chế đảo ngược hết sức đơn giản. Nhưng cơ chế đảo ngược là cả một thuộc tính lớn của xã hội nouveau riche Việt Nam. Một ví dụ vô cùng tương đương - cũng là một từ khóa đặc biệt quan trọng trong giới nhà báo Việt Nam: từ "tử tế". Một nhà báo sẽ thấy mình rất tử tế (và đứng ra kêu gọi người khác tử tế) nếu nhận tiền của nouveau riche riche nào đó nhưng lại viết bài về cuộc sống người nghèo (thêm một từ khóa của giới nhà báo: những người nghèo hay được gọi là "cần lao"). Rất đặc thù, vẫn trong vốn từ của giới nhà báo: "bảo trợ thông tin" chính xác muốn nói "lũng đoạn thông tin" và "truyền thông xã hội" cũng lại là "lũng đoạn thông tin" nốt.

Những từ sau đây xuất hiện ở mọi nơi: chia sẻ, giao lưu, kết nối, bức xúc, tư duy. Một cuốn sách mà nhan đề có từ nào trong mấy từ trên đây chắc chắn có tác giả là một nhân vật nouveau riche đáng quan tâm của xã hội; nếu có đến tận hai (Tư duy và chia sẻ, chẳng hạn), thì xác suất lên đến một trăm phần trăm. Một từ có số phận huy hoàng nữa: trải nghiệm.

Nhưng từ oanh liệt nhất của xã hội nouveau riche Việt Nam đã lộ rõ: đam mê.

Đây cũng là một từ nói dối, vì cái mà người ta gọi là đam mê vẫn chính xác là dục vọng. Gọi dục vọng là đam mê, giới nouveau riche hiện nay lặp lại đúng mẫu của gọi x là "chuyên chính".

Và nouveau riche đặc biệt thích dùng những từ sao cho thật long lanh. Cần có một ví dụ? có liền: xem ởkia, đếm từ trên xuống đến cái comment thứ tám, từ "tri kiến" đó đó. Từ long lanh, lắm khi lại còn sung sướng viết hoa to tướng hết cả lên. Bọn viết hoa (và dấu ! lia lịa) là bọn jerk.


Không mấy khác với nhẹ là mấy từ nữa: thứ nhất là mềm. Sau đó là chậm.

"Kỹ năng mềm" làm nên một ngành kinh doanh lớn cho một thời. Con người nouveau riche cứng (đàn ông cứng, phụ nữ lại càng cứng: đấy là vì ăn lắm quá, lại bị mắc kẹt trong các định kiến ngớ ngẩn) cho nên suốt ngày mơ đến mềm: cơ hội cho những rao giảng, hiện nay đã biến tướng thành trò đào tạo nhân sự (hay "lãnh đạo sáng tạo"). Dạy kỹ năng mềm (biến tướng: "cảm thụ âm nhạc" trường phái Đặng Châu Anh) cùng đào tạo nhân sự, dạy làm giàu, etc. chính là lừa đảo.

Sự chậm là một điển hình cho cái nhìn nouveau riche (cái nhìn của nouveau riche không biết phân biệt, như đã nói ởkia, xem ở comment) nhầm lẫn trong xác định vấn đề của thời đại. Vấn đề của thời đại không phải ở nhanh-chậm (sự ấy đã bắt đầu ngay từ khi có tàu hỏa) mà nằm ở nhiều. Vấn đề của thời chúng ta là nhiều, chứ đâu phải nhanh. Có quá nhiều người.

Nhẹ, mềm, chậm, nhưng phải từ sau đây mới nói lên thực sự nhiều tâm lý của nouveau riche Việt Nam: sâu (đi kèm với nó là nhạt).

Một phụ nữ nạ dòng thời bây giờ muốn biểu lộ rằng cái gì đó khiến cho mình thấy là tận cùng của thấp kém (tức là chẳng đáng quan tâm) sẽ nói: "nhạt". Rất có thể họ đang nghĩ sắp tới cần phải ăn uống bớt mặn và bớt mỡ để giảm cân.


Thời trước (thời "cục mịch") người ta muốn tất tật trở thành đồng chí của nhau. Ngày nay (thời "văn hoa") người ta nhân văn hơn, muốn tất tật thành anh em của nhau. Thế giới vẫn đại đồng, và còn đại đồng hơn, bởi vì giống một gia đình. Hai người gặp nhau lần đầu, rất dễ chỉ sau vài chục phút là đã bắt đầu phát ngôn "anh em mình", "chỗ anh em"; nhất là, muốn khoe về một môi trường (sinh sống, nhất là làm việc) tuyệt vời, đáng mong ước, người ta sẽ nói: "ở đây chúng tôi coi nhau như anh em" (hoặc: chúng tôi là một gia đình; thế có giường để ngủ chung luôn không?).

Xã hội nouveau riche - chắc hẳn để che giấu đi sự tàn nhẫn đặc trưng của nó - vô cùng thịnh hành các cách nói gây cảm giác về mềm mại, uyển chuyển, trơn tru. Từ nằm ở trọng tâm của phương diện này là hài hòa: từ ấy xuất hiện trong một trăm phần trăm cuộc bàn thảo công chuyện (tức là làm ăn, tức là cân đo lợi ích, tức là tìm cách chiếm đoạt lợi ích).

Càng rõ nét hơn cái ý chí hướng đến êm ả - đặc biệt trong tự vị của phụ nữ - là sự quay trở lại với những từ và cách nói trẻ con (tạo ra vẻ ngây thơ cũng là một thủ thuật lớn để đánh lạc hướng khỏi cốt lõi tàn nhẫn của một thời đại thiên hẳn về văn hoa): đông đặc phụ nữ hiện nay hét lên hào hứng: "đáng yêu quá", "dễ thương quá" vân vân và vân vân... Mấy con rồ.


Thời của "đắng đót", "hoang hoải", "hanh hao" đang dần qua (đã có thể gọi tên rất chính xác nguồn gốc của những từ như vậy: chúng phát ra từ mấy ổ mực tím áo trắng hoa học trò, với gia vị đi kèm là một dãy văn học tuổi 20 hay tác phẩm tuổi xanh; một nhánh nữa không bao giờ vắng mặt là sự lộn ngược dùng lại một số từ quá khứ - hơi giống "cần lao" đã nói ở trên, nhưng bốc mùi văn hoa mãnh liệt - như hiện sinh, nghiệm sinh hay chiều kích), giờ, sự dối trá trở nên thẳng thừng (đến mức gần như chẳng buồn che giấu).

Ta liên tục thấy (trong địa hạt này, các nhà văn - chính họ - không ngừng thể hiện) những người share một đường link trên facebook cá nhân và buông một từ: "buồn".

Buồn này nói dối một cách trắng trợn (và thản nhiên), vì nó lại chính là vui. Người nouveau riche vui vì được tỏ ra là mình buồn. Từ "buồn" có thể được thay thế bằng một số từ khác, nhất là "chán", và đặc biệt, "tiếc".

Con người nouveau riche đặc biệt hay "tiếc" - cứ như là có gì để tiếc. Cứ thấy ai bình luận, trong một chủ đề nào đó, bằng một từ "buồn" (hay, tân tiến hơn - đặc biệt hay gặp trong nhóm phụ nữ tiến bộ của xã hội, "sad") thì hãy mừng vì đã được chứng kiến tận mắt một mảnh của sự đê tiện nouveau riche.


Cùng thứ hạng, và cũng cùng loại, với những "buồn", "tiếc" là "thất vọng". Đến là cần khai trương hẳn một bộ môn tâm lý học chuyên nghiên cứu tại sao con người nouveau riche hay phát biểu là mình thất vọng đến thế. Cái gì cũng thất vọng hết, thất vọng vì thế giới, vì con người, vì động vật, thực vật, vì trời mưa, và cũng thất vọng luôn vì trời nắng, nhất là nếu trời không mưa cũng chẳng nắng thì đúng là đáng thất vọng không hề nhẹ.

Tất tật những cái đó tạo nên địa vị rất cao cho một từ: cảm xúc. Mọi thứ đều có thể chuộc lại được hết, nếu như đương sự nào đó phát biểu mình làm một cái gì đó "vì cảm xúc"; mọi sai lầm đều sẽ được tha thứ, mọi hiểu nhầm liền được hóa giải (hơi tương tự cơ chế hóa giải của từ "đam mê" trên đây). Không phải ngẫu nhiên khi giới họa sĩ - chắc chắn luôn luôn là cái giới ở gần sát với tinh thần nouveau riche nhất, tính trên mọi thời - đã hạ bệ từ đỉnh cao của một thời là từ văn minh để nhường chỗ cho từ bản năng. Giờ đây, một họa sĩ "vẽ bằng bản năng" là một nhân vật rất hoành tráng (a, tôi e rằng từ "hoành tráng" đã bắt đầu bị lạc hậu quá nhiều).

"Bản năng" nối thẳng đến một từ nữa: "tâm huyết". Đây là một cú trượt từ "nhiệt huyết" hết sức thịnh hành thời trước đây. Rất tâm huyết: tức là máu me đầm đìa?


Nhưng những từ và những từ có ý nghĩa gì? những thứ nhỏ bé như thế thì có thể làm gì, trong một bối cảnh xã hội luôn luôn được miêu tả là nhiều biến động, là khôn lường, thường gây thất vọng và hay khiến người ta buồn?

Nhưng chính chúng quyết định gần như mọi thứ còn gì.


Các từ cũng đấu tranh sinh tồn: cuộc đấu tranh ấy cũng khốc liệt như chiến tranh, từ kết quả đó mà có các vị trí của từ, cũng như của các thế lực. Những từ và cụm từ thắng thế khuôn dạng cho thế giới: chi hồ giả dã làm nên một thế giới cổ xưa với các quy định riêng, bằng hữu huynh đệ tạo ra thế giới của chưởng (Kim Dung chẳng hạn), không hề kém phần chặt chẽ về quy tắc. Rồi đồng chí và anh em, như trên đã phân tích (phổ biến hơn cả trong những lời phàn nàn ở tòa án mấy năm trở lại đây, những phiên tòa lừng danh hơn cả, là sự trách cứ của tình anh em quá khứ bị đổ vỡ). Ai mà không chỉ vì vài từ (thậm chí chỉ một) tình cờ nghe mà thấy sống động trước mắt mình cả một phong cảnh phong phú không giới hạn? Chính vì thế, các từ nói lên tinh thần thế giới, ngay lập tức - không có gì trực tiếp hơn. Đó là mật khẩu, là mã (thậm chí mã nguồn). Các từ cũng có mốt - Roland Barthes từng nói, thứ mốt quan trọng nhất trong đời sống con người thì lại ít được biết đến hơn cả, và đó là mốt các từ.

Còn hơn thế nữa, các idiom chính là nền tảng cho một thứ, mà chỉ cần nói tên là sẽ thấy ngay tính chất không tầm phào của một miêu tả từ ngữ thông dụng (mà cứ nghĩ là tầm phào đi, cũng có sao đâu): đó là định kiến. Định kiến được tạo ra từ các ý? không, chúng được tạo ra từ các từ, vì ý không tồn tại giống như từ, nó sẽ chui vào từ.

Định kiến là một tổ hợp của cliché, của stereotype. Các yếu tố vón cục lại (do có điều kiện thuận lợi - điều kiện thuận lợi luôn luôn là sự dễ dãi của đầu óc con người) để trở thành định kiến: định kiến là hình thức cứng của những yếu tố mềm. Văn chương là con đường để phá vỡ định kiến, ấy là bởi vì văn chương, trong chuyển động đích thực của nó, liên tục bắn phá vào cliché và stereotype. Nó có thể phá đi bằng nhiều cách, như nhại, ẩn dụ, biểu tượng, vân vân và vân vân, nhưng mục đích luôn luôn làm cho từ và từ phải chuyển động. Tức là, chuyển động khác. Văn chương là sự nghi ngờ thường trực vào từ và từ (vậy cho nên, văn chương không phải nghệ thuật ngôn từ - xem thêm ởkia; hoặc giả, đó là mặt bên kia của nghệ thuật ngôn từ).

Bởi vì, tổ hợp của cliché, stereotype, định kiến làm nên một thứ: ý luận. Không gì nặng như ý luận. Con người không thể chịu đựng nổi sự nặng như vậy (cái sự nặng không thể chịu đựng), và ở đây nghịch lý của cuộc sống con người lộ ra: tự con người buộc mình vào sự nặng và rồi không thể chịu đựng nổi (mà không hề hay biết).

Ý luận của thời chúng ta có thể được tóm tắt vào một từ rất đơn giản: có tâm. Nó là sự phát triển của "tâm huyết", "nhiệt huyết", đi kèm cả một đống "đam mê", "bản năng", "cảm xúc", tức là sự phát triển và biến đổi không ngừng của pathos. Cứ hết thống thiết này lại đến thống thiết khác: xã hội thống thiết như diễn tuồng. Và cơ chế hoạt động của những từ thời chúng ta, rất đơn giản, là cơ chế của nói dối. Người ta cổ xúy ăn nhẹ, nhưng dẫu có ăn nhẹ đến đâu thật đi chăng nữa, thì cuối cùng vẫn cứ đi nặng mà thôi.




thời chúng ta (1)

35 comments:

  1. Tôi thấy ý kiến của Nguyễn Huy Hoàng về cách dịch thơ ngắt dòng của Tạ Minh Châu là không đúng, xin ý kiến Nhị Linh?

    ReplyDelete
  2. Xin cái gì "cơ"?

    ReplyDelete
  3. chắc "ý kiến chỉ đạo" à cơ?

    tôi không có, nói cho đúng tôi còn chẳng hiểu là chuyện gì

    ReplyDelete
  4. Phần tiếp theo có từ "sáng tạo" ko anh. Em sợ từ này như sợ từ "đam mê" ở trên.

    ReplyDelete
  5. Còn một đặc trưng khác, đặc biệt trong giới du học về, là rất thích viết sách nhưng không ăn nhập gì với chuyên môn đã học. Học kinh tế viết tản văn, học sư phạm viết du ký, học báo chí viết sách dạy tuổi trẻ "sống nhẹ". Chắc do dễ "chém" (idiom?) hoặc họ thật sự đã không học gì cả.
    À cách đây đã lâu, tôi có đọc sách Thel và sách Los của William Blake. Giờ tính tìm tất cả prophetic books của ông nhưng cứ sờ sợ thế nào.

    Cthulhu

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chẳng biết có là “một đặc trưng khác” hay không Cthulhu, cơ mà chiều ngược lại, giới di cư khỏi VN đặc biệt là nhà báo, nhà văn, nhà thơ như nguyễn xanh lam lại thích viết (chưa in thành sách) cách làm thế nào để đi, để đậu, để lắt léo xin xỏ an sinh, bảo hiểm, mượn tiền, mua nhà, mua xe, tìm việc, tìm trường cho con thành tài... trên xứ người. Đời nhẹ quá đéo khôn kham

      Delete
  6. và nhất là kinh doanh du học nữa chứ

    sẽ sớm một ngày Swedenborg-Blake-Milosz

    ReplyDelete
  7. nhẹ - hãy - nóng
    mềm - cả - phẳng
    chậm - chính - chật
    :)))

    ReplyDelete
  8. "hãy", "cả", "chính" đâu đã ăn thua gì so với "có": chẳng hạn trong "hôm qua tôi có đánh rơi cái ví", hoặc "gần đây trên địa bàn Hà Nội có xảy ra nhiều vụ cháy"

    đến là phải nghĩ ám ảnh sở hữu tràn ngập mọi nơi

    ReplyDelete
  9. Trước anh thấy nhiều comment sau chắc bị chửi giàu nhiều quá nên bọn nó không comment nữa

    ReplyDelete
  10. dạo này tranh bán yếu phải không?

    nói năng bớt khôn hẳn

    ReplyDelete
  11. Quên mật khẩu google nhé, chứ anh không thích kiểu núp lùm
    Gây khó ở cho kẻ khác là biểu hiện của tài năng đấy

    ReplyDelete
  12. Tầm của anh mới có thể phê bình những thứ giả dối ngay trước mà ko ai nói ra. Chỗ "buồn" và "tiếc" em bái phục anh luôn: "vui vì được tỏ ra la mình buồn" "hãy mừng vì được chứng kiến tận mắt một mảnh của sự đê tiện nouveau riche. Có từ tiếng Việt cho nouveau riche không anh.

    ReplyDelete
  13. Replies
    1. Hình như bên Bựa Quán người ta gọi nó là dcm gì đó phải không?
      ;p

      Delete
  14. Dạo gần đây có thấy thêm “lòng lành” xuất hiện nhiều ở các status, cmt của quý cô, đặc biệt nhà báo nữ xinh như thơ, bên cạnh những “an yên” “an nhiên” hi hi hi

    ReplyDelete
  15. từ ấy ("từ ấy" này khác "từ ấy" kia) chắc sẽ không có vị thế lớn đâu, nó không chui được vào cấu trúc ngôn ngữ đặc trưng, còn xa mới bằng được chẳng hạn "đã định không nói gì" (nhưng kiểu gì cũng sẽ nói, và nói rất ác)

    ReplyDelete
  16. Blog Nhị Linh là #Sự_Tinh_Tế_Song_Hành_Cùng_Tri_Thức
    :v

    ReplyDelete
  17. "Tâm huyết" - chẳng phải là một từ rất Nietzsche sao?

    ReplyDelete
  18. thêm một đọc Nietzsche bằng Phạm Công Thiện rồi đây, sao lắm thế

    ReplyDelete
  19. Một trong những nỗi sợ lớn nhất của tôi là phải vào uống cà phê tại Coffee shop Trung Nguyên Legend. Rất hãi những từ và những từ :v

    ReplyDelete
  20. trong bài này, vẫn còn sót mất một từ có phạm vi hoạt động rất gớm: "lan tỏa", nhất là trong cụm "chung tay lan tỏa"

    ReplyDelete
  21. Thỉnh thoảng em cũng bị té, tệ hơn nữa là té đúng vào nơi mình sợ bị té vào, chẳng hạn như câu chuyện mua cá mua chim rồi phóng sinh, ghét vô cùng, rồi chuyện đi làm từ thiện, tình nguyện các thứ, chẳng bao giờ thích, chịu nổi

    ReplyDelete
  22. #HaveASip của chị Thuỳ Minh, mới cả #MidnightTalk mà sao vẫn không mời được anh

    ReplyDelete
    Replies
    1. host và cả thính giả của những thể loại podcast như thế này họ không chịu nổi NL đâu

      Delete
    2. NL sẽ làm nhóm thính giả đấy hoặc hết ảo tưởng hoặc ảo tưởng hơn nữa, nên tốt hơn là để im cho người ta vui sống đi

      Delete
  23. Mời một người ngày ngày chửi đám nouveau riche lên kênh một ổ nouveau riche à? Bạn thật irony

    ReplyDelete
  24. ơ, có phải là "ngày ngày" đâu, thậm chí còn không hề có chút nào là "ngày ngày"

    với cả, cũng không phải "chửi"

    ReplyDelete
  25. gần đây lại xuất hiện "ông cháu"

    ReplyDelete
  26. đám đàn bà lúc này gọi nhau là "chị đẹp", đang có một chương trình lấy tên như thế nơi các bà bàn về "thanh xuân mãi mãi"

    ReplyDelete