Sep 13, 2018

[mới] Krasznahorkai: Seiobo và Sông

Cuốn tiểu thuyết mới (một vang dội mới) của Krasznahorkai László:


Dường như ở Pháp nhà xuất bản Cambourakis đã trở thành nơi xuất bản chính cho Krasznahorkai:



Hôm trước vừa nhắc đến CNL (xem ởkia) thì đã thấy CNL xuất hiện.

Lần trước nói đến văn chương Krasznahorkai mà không lục ra được "Thésée", nó đây:



Seiobo là cuốn sách dành cho những tâm hồn ưa lang thang. Cuốn sách của Krasznahorkai cho phép sự lang thang thực hiện toàn bộ năng lực của nó: thích đi đến đâu thì đi. Không có giới hạn, không gì ngăn trở, và cũng không sao ngăn trở được: sự lang thang ở một số văn chương rộng tương ứng với sự không ranh giới của văn chương ấy - văn chương ấy không tạo ra phiêu lưu cho người ta đi vào, như một cái hang, mà thúc đẩy người đọc của nó đi ra khỏi cái hang.

Sự lang thang không phải là một hành động - trong thế giới của Krasznahorkai, nhưng cũng cả trong thế giới nói chung - mà đó là bản thân điều kiện: con người, các tạo vật, hiện thực hóa điều kiện (hay thân phận) của nó trong sự lang thang không cùng đích: tồn tại là một phiêu bạt, nếu không thì không có tồn tại (và quá cả tồn tại). Có lẽ đấy là bởi vì ở bên kia của tồn tại là sự bất động (Chúa thì không chuyển động, và Chúa - trong thế giới của Simone Weil - là Chúa bởi vì không hiện diện; vậy cho nên các tạo vật hiện thực hóa điều kiện của chúng bằng hiện diện, bởi vì cần phải bù đắp cho phía bên kia), là phần ngược lại của lang thang, sự không-lang thang. Nhưng cả hai bên đều không thực sự có mục đích. Chỉ cần có mục đích, mọi thứ sẽ sụp đổ - hoặc, còn tồi tệ hơn thế nữa, mọi thứ sẽ không thể sụp đổ.

Không một văn chương nào nếu muốn xứng đáng với tên gọi của nó không lôi kéo sự chú tâm vào sụp đổ, như là thuộc tính của chuyển động - của sự lang thang.


Ở chương mang tên "Un feu brûlant au dehors", tại hồ Sfânta Ana nằm trên độ cao 950 mét, cách thành phố Bucarest không xa, nơi vốn dĩ trước kia là miệng một núi lửa đã tắt, có một trại nghệ sĩ. Khoảng sáu giờ rưỡi chiều một ngày kia, một người xuất hiện, Ion Grigorescu, bất ngờ như thể từ trong sương mù bước ra. Con người ấy - rất có thể là một điêu khắc gia, nhưng cũng có thể không phải - cũng sẽ biến mất đi, vài hôm sau, vào trong màn sương mù. Sương mù là một môi trường, nhưng không hẳn môi trường sống, mà là một môi trường quan trọng cho hiện diện (hiện hình thì đúng hơn), và nhất là cho biến mất. Người ta đi vào sương mù như thể bị nuốt chửng đi, giống như đi vào nước. Tuyết cũng là một môi trường cùng dạng, dạng môi trường mà Kafka đã đặt vào trong Lâu đài như một điều kiện - thêm một thân phận nữa. Không ai thực sự nhìn thấy gì, khi có sương mù, sự không nhìn thấy ấy có ý nghĩa lớn nhất là khiến người ta suy đoán, rằng sương mù đang chứa đựng tất tật mọi thứ. Càng không có hiện diện, càng nhiều hiện diện. Cũng như, không một niệm năng con người nào không dễ dàng hiểu rằng trong sự im lặng mênh mông có nhiều âm thanh nhất. Sự im lặng là một môi trường nữa. Grigorescu sẽ khiến mọi nghệ sĩ ở "trại" thấy bí hiểm. Grigorescu hay biến mất. Anh ta đào cái hố rất rộng, dưới đó là một con ngựa to như ngựa thật: một bức tượng, hay hình đắp? Nhưng đúng hơn, Grigorescu khai quật ngựa bị chôn ở đó, đào đất để thả tự do cho nó; và Grigorescu nói rằng khắp vùng có rất nhiều ngựa bị chôn như vậy. Cần phải giải phóng cho chúng. Ngựa thì cần phải chạy, chạy khắp nơi, không mục đích. Khi "trại nghệ sĩ" ngừng hoạt động, trên đường các nghệ sĩ được xe chở đi, Grigorescu bảo xe dừng lại tại một chỗ đường ngoặt. Và lại biến mất vào trong sương mù, chắc lại đi tìm những con ngựa bị chôn dưới đất. Điêu khắc - hay nghệ thuật - thì không tạo ra (công việc "tạo ra" đã có người khác làm), mà nó trả lại.

Seiobo, nếu nhất định muốn nó có một chủ đề (nhưng nên chấp nhận đó là một cuốn tiểu thuyết không chủ đề: đã chọn sự lang thang, thì không nên có mục đích nữa), thì chủ đề ấy là sự trả lại, thông qua con đường của nghệ thuật. Nghệ thuật là sự chứng nhận cho điêu tàn; hiếm có gì nên tồn tại hơn dạng chứng nhận ấy: nó chống lại thế giới, vì sự tồn tại của thế giới. Các nghệ sĩ - nghệ nhân thì đúng hơn - trong thế giới của Krasznahorkai phục chế (câu chuyện chung này nằm ở nhiều chương của Seiobo, rất rõ ở chương mang tên "La conservation du Bouddha" hay chương mang tên "La reconstruction du sanctuaire d'Ise"). Những đoạn đặc biệt nhất - các khoảnh khắc siêu vượt (lên trên nội tại của thế giới, trên sự đần độn của thế giới: nội tại như là sự đần độn, nhưng ngược lại, không có gì hiểu được siêu vượt ngoài nội tại) trong Seiobo là khi các nghệ nhân của Krasznahorkai làm lại được những cặp mắt cho bức tranh hay tượng nào đó. Nghệ thuật chứng nhận, bằng con mắt riêng của nó.

Cái nhìn ấy đi lang thang: ở chương mang tên "Vaguement autorisé à voir", về sự bất khả của "Alhambra": hiện ra một lời chế giễu những tinh thần "không đủ khả năng hình dung rằng cái gì đó có thể tồn tại không lịch sử, không bối cảnh, không lý do, và không cùng đích, rằng sự tựu thành của nó chẳng hề là điểm cuối của một tiến trình logic, hay, để nói một cách tường minh hơn, [...] một kết quả lại có thể không nguyên nhân, hiện ra mà chẳng hề được khơi dậy bởi một nguyên nhân, những vòng tròn có thể được tạo thành trên mặt nước hồ lặng mà trước đó một viên sỏi không được ai đó ném xuống". Seiobo là một lời chế giễu, một chỉ trích trầm trọng vào các nghiên cứu về nghệ thuật của vô số chuyên gia trên đời. Đó là một chỉ trích vào phê bình nghệ thuật theo thiết chế.

Bởi vì sự lang thang là tinh thần phản ứng trước thiết chế. Trong nghịch lý của nó, sự lang thang chống lại cả thiết chế hùng mạnh của thời hôm nay, thiết chế đồng thời là lý tưởng của thế giới chúng ta: sự du lịch. Ngày nay, số lượng những người cuồng tín đi du lịch chắc chắn lớn hơn số lượng tín đồ của bất cứ tín ngưỡng tôn giáo nào. Du lịch như một tôn giáo, với kinh nhật tụng là các du ký cái này lại dở hơn cái kia, vô số ảnh chụp check-in etc. Chương, trong Seiobo, mang tên "En haut de l'Acropole" mang đến một bầu không khí rất Krasznahorkai, mà ta đã gặp ở Sátántangó hay nhiều cuốn tiểu thuyết khác. Một người đi đến Athènes, một khách du lịch, trèo lên Acropole: chương tiểu thuyết của Krasznahorkai vẽ ra sự phi lý của một hành động như vậy, cái hành động hiện nay được xem là quá phổ biến và tự nhiên. Những tâm hồn lang thang thì chạy trốn đến cả sự du lịch.

Rất nhiều địa danh hiện ra trong Seiobo, nhưng vẫn cứ là Nhật Bản yêu quý của Krasznahorkai: chương mang tên "Zeami s'en va", nhân vật Zeami bị đi đày từ Kyoto tới Sadogashima. Lưu đày mới đúng là sự đi xa đích thực; vả lại Seiobo có rất nhiều câu chuyện lưu đày. Một con sông xuất hiện ngay từ đầu cuốn tiểu thuyết cuối cùng cũng quay trở lại, sông Kamo. Héraclite, ngoài ra, là tên riêng đầu tiên của Seiobo. "Nước là lưu trú của các linh hồn" (lưu trú vừa là nơi lưu trú, kỳ lưu trú, vừa theo nghĩa trừu tượng hơn nữa): đó là Lévi-Strauss khi bình luận các huyền thoại của những người Bororo. Những người Bororo yêu quý của Lévi-Strauss đặt nước (sông) là trung giới giữa trời và đất; điều này càng dễ thấy hơn với Thoreau: mưa là dòng sông dựng đứng lên (Nhật ký).

Giờ, có thể nhìn kỹ mục lục cuốn tiểu thuyết của Krasznahorkai: ba chương đầu tiên đánh số 1, 2, 3, nhưng ngay sau đó mọi sự không còn giống thế nữa: sẽ đến chương 5, rồi chương 8, rồi chương 13, v.v... cho đến chương cuối cùng, nó không mang số 17 như lẽ ra, mà đây là chương "2584".

Những người Bororo yêu quý của Lévi-Strauss đã dạy cho Lévi-Strauss rất nhiều điều, trong số đó là điều sau đây: huyền thoại có cùng một lúc hai chuyển động, mà Lévi-Strauss gọi là "continu", hai sự liên tục. Một continu bên ngoài, và một continu bên trong. Những câu chuyện đi vào vùng của huyền thoại cũng vậy, cuốn tiểu thuyết của Krasznahorkai, cuốn sách về sụp đổ, tái tạo và lang thang, có chuyển động "bên trong" là những gì các trang chứa đựng, nhưng cùng lúc cũng có chuyển động bên ngoài (1, 2, 3 rồi 5, 8, 13, cho đến 2584). Đây là chuyển động, nếu muốn đơn giản, của sự giãn. Có một cái gì đó cứ không ngừng giãn ra, nở ra.

Trừ phi không phải bên trong lại chính là bên ngoài và bên ngoài là bên trong.






Mấy sách mới:


xem thêm ởkia


Hôm trước vừa nhắc đến Lafcadio Hearn:


Còn một quyển Lafcadio Hearn khác nữa, tôi sẽ sớm quay trở lại.


Bonus: bản dịch tiếng Pháp mới câu chuyện về anh lính lừng danh:






Krasznahorkai: Trung tâm thế giới
Krasznahorkai và Nádas Péter
Krasznahorkai: "Trong tay thợ cạo"
Krasznahorkai-Jean Améry-Kiš



Ít nhiều sách mới
Sách được tặng
Ít sách mới
Dăm sách mới
Bốn sách mới
Mấy sách mới nữa
Những cuốn sách mất
Mấy sách mới
Sách tháng Giêng 2013

Sách mới (1)
Sách mới (2)

Sách mới (3)
Sách mới (4)
Sách mới (5)


10 comments:

  1. Cách đây vài hôm em nghĩ thể nào anh cũng chụp hình sách mới của Phan Triều Hải, những truyện ngắn đó đã trở lại sau rất nhiều năm

    ReplyDelete
  2. Seiobo là tên tiếng Nhật của Tây Vương Mẫu, do chưa đọc được quyển này nên tôi không biết tại sao Krasznahorkai lại chọn bà mà không phải là một nữ thần "Nhật" hơn như Amaterasu hay Izanami. Cách đánh số chương theo dãy Fibonacci tạo cảm giác "leo thang" (escalation)rất căng thẳng.
    À mà cuốn này chắc gọi chính xác là "mới dịch sang tiếng Pháp" bác nhỉ vì hình như viết khoảng 10 năm trước.
    Cthulhu

    ReplyDelete
  3. 5 năm sau mới có bản tiếng Anh, 10 năm sau mới có bản tiếng Pháp

    từ "Seiobo" cũng chỉ xuất hiện cùng lắm 3 hay 4 lần trong cả quyển thôi: đây là một trong những tiểu thuyết tôi thấy không thể hiểu sao lại có thể viết ra được (vài ví dụ tương đương: Bông huệ trong thung, Karamazov)

    địa danh Nhật quan trọng trong Seiobo là Inazawa, nói chung hơn là Kyoto (điều này tương đối dễ đoán, căn cứ vào những cuốn lấy bối cảnh Nhật Bản khác cùa Krasznahorkai)

    ReplyDelete
  4. Đoạn bác viết về nghệ thuật, con mắt, sự trả lại và nhất là nghệ nhân (không phải nghệ sĩ)làm tôi chợt nghĩ chắc Krasznahorkai có đọc The Origin of the Work of Art của Heidegger.

    Cthulhu

    ReplyDelete
  5. nếu Heidegger thì tôi thấy tinh thần của "Những con đường không dẫn về đâu" gần hơn

    anw, để tôi "chỉnh lý" chút: rất dễ hiểu nhầm cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh Nhật, nhưng không phải, nó diễn ra ở mọi nơi trên đời, trong đó có Nhật; tôi có cảm giác, nếu không nhầm, "Seiobo" là lấy từ một motiv kịch nô

    tranh thủ hỏi luôn: chắc bác có đọc mấy Ihara Saikaku đợt rồi in ở VN?

    ReplyDelete
  6. Tôi lại chưa bác ạ. Đang đọc comics Mỹ (Preacher), Neil gaiman với Đinh Phương (Mơ Lam Kinh). Để tôi kiếm bản tiếng Anh của Seiobo (có hy vọng nào từ bác GVC?)
    Cthulhu

    ReplyDelete
  7. con người lang thang đi vào cái gọi là bên trong hơn là bên ngoài của địa mạo. bởi vì phi-tự nhiên là kết cấu chính của cái gọi là tự nhiên mà "con người" là phần tử. quanh một cái hồ đúng nghĩa, người ta có thể lang thang cả đời.

    ReplyDelete
  8. Đúng là ngôn từ của lũ Nouveau riche mới!!!

    ReplyDelete
  9. đấy, thấy hay là bắt chước liền, kèm hẳn ba cái chấm than

    giờ lại phải quay qua "vague terms" thì mới thấy hết được cái hay

    ReplyDelete