Sep 9, 2018

Bình luận

Đặc tính lớn của xã hội nouveau riche, và cũng chính là nghịch lý của nó, có lẽ chính là: xét cho cùng, không "nouveau", và nhất là, không "riche".

Có một danh sách về những cuốn sách đáng quan tâm ở Việt Nam trong vòng sáu tháng đầu năm 2018. Đó là một danh sách rởm đời, bỏ qua mọi thứ gì có ý nghĩa lớn nhất. Cuốn sách lớn nhất xuất hiện ở Việt Nam trong quãng thời gian ấy là Những vinh nhục của César Birotteau, và tác giả (mới) cần quan tâm nhất là Lafcadio Hearn (tôi sẽ sớm đến với Lafcadio Hearn).

Tinh thần nouveau riche có thể làm bất kỳ điều gì, nhưng dường như nó không biết đọc. Cũng nơi sản xuất ra cái danh sách ngu chưa từng thấy kia (và biểu hiện cho sự đọc kiểu nouveau riche) tôi cũng tình cờ đọc được một bài. Để tôi nói một điều này nhé: đặt Huỳnh Phan Anh cạnh Mặc Đỗ thì hoàn toàn giống như coi Nguyễn Văn Vĩnh tương tự Phạm Quỳnh ấy mà. Cái nhìn nouveau riche là cái nhìn không biết phân biệt, nó đánh đồng mọi thứ, cào bằng mọi sự, và cứ tưởng đâu mình công bằng (và công chính). Ở đây là phân biệt các mức độ; muốn phân biệt mức độ thì phải dựa trên giá trị. Huỳnh Phan Anh đâu phải một dịch giả lớn.

Dưới đây là hai bài bình luận cuốn tiểu thuyết César Birotteau, một của anh Nguyễn Chí Hoan, một của tôi. Tại sao César Birotteau lọt ra khỏi danh sách của nouveau riche? ấy là vì nó miêu tả rợn tóc gáy chính cái tinh thần nouveau riche.




Lộn lại

Nguyễn Chí Hoan


1

Trong cái tên nghe rất “sử ký” của tiểu thuyết Những vinh nhục của César Birotteau, “Vinh” và “Nhục” tạo ngay một ấn tượng về hai nửa tương tương đối đối của một đường đời, rất là “hiện thực”. Nhưng hiện lên ngay từ trang đầu của tiểu thuyết này là những dấu hiệu cho một cặp tương-đối khác, giữa mộng mị với thực tế: cơn mộng dữ của bà Constance thấy mình đói rách đi ăn mày chính mình no đủ; và bà choàng tỉnh trong giường hoảng hốt thì không thấy chồng mình đâu (Lão chết rồi hay sao!…); và rồi bà tìm thấy ông nhà - ông César Birotteau, nhà buôn mỹ phẩm có cửa hàng ở gần công trường Vendôme - đang tỉnh-say-sưa trong một mộng phù hoa về một vụ đầu cơ đất đai, vừa đo đạc căn phòng để chuẩn bị mở rộng thành phòng khiêu vũ, để tổ chức một tiệc khiêu vũ - việc ông ta dự kiến sẽ nâng tầm vóc một nhà buôn mới phất của ông lên, tới nấc thang đầu con đường theo đòi giấc mơ thành một con người danh vọng của Paris. Sau này trong truyện, sẽ đến lúc bà Constance đau khổ kêu lên: Thế là giấc mộng của tôi đúng… Còn, không cam lòng chỉ làm một nhà buôn thành đạt, từ phía César Birotteau, những mơ mộng của một người tư sản mới đã không bao giờ vươn tới “thực”. Vậy là tiểu thuyết này ngay từ trang đầu tiên đã báo hiệu chủ đề “ảo tưởng vs thực tại”, một trong số chủ đề nền tảng trong các tiểu thuyết Balzac. Nhưng ở đây, cái bài thơ về những phù trầm trưởng giả này trong phiên bản tiếng Việt của nó gợi nghĩ đến hàm ý của tấn kịch trong cặp “Vinh vs Nhục”; nhất là khi Balzac cho César Birotteau được hưởng một kết cục thật trọn vẹn hay phải nói, thật hoàn hảo (dĩ nhiên, ngay trên phương diện văn chương của nó, trước hết!) đến mức bi kịch, nhấn mạnh hàm nghĩa kịch hài của La Comédie humaine: có gì đó ngược đời chăng, khi một kẻ chết (được mô tả) như một thánh tử đạo cho đạo lý luân thường lại gánh lấy chữ “Nhục”. 


2

César, đứa con trai út của một nhà điền hộ hạng xoàng ở vùng phụ cận Chinon, Touraine, vào năm mười bốn tuổi, khi mới biết đọc, biết viết và biết làm toán, nó bèn rời khỏi xứ, đi bộ lên Paris để làm giàu với một đồng louis trong túi. Chú gia nhân bé này của tiệm mỹ phẩm Bà Hoàng của các Bông Hường không chỉ cả gan. Tinh thần của nó … giúp cho nó nghiên cứu về nghề buôn bằng một con mắt mà sự thông minh được che đậy bằng sự mộc mạc… và đến một ngày nó trở nên thông thạo mặt hàng, giá cả và số lượng còn hơn những người mới vào nghề nhiều. Tay nhà buôn tập sự này, anh chàng nhà quê hiền lành và nhũn nhặn, đã đến lúc có một bề ngoài ít nhất cũng ngang hàng với phong thái xã hội của những thanh niên thời bấy giờ. Anh chàng thị dân mới tiến nhanh mạnh vững chắc vào cuộc đời một nhà tư sản mới, với vận may một ngày kia gặp được ở Thị trường Chứng khoán, và ôm lấy mớ trái khoán với một niềm hân hoan không thể tả được. Từ bữa đó, hắn theo dõi sự cao hạ của tiền tệ và các công việc nhà nước… và với ảnh hưởng từ ông Ragon chủ tiệm mỹ phẩm Bà Hoàng của các Bông Hường mà rồi đây tay giúp việc này sẽ thành ông chủ kế tục, César trở nên cuồng nhiệt ủng hộ vương quyền bởi niềm tin, theo những tình cảm sẵn có trong người của y, rằng riêng có sự yên tĩnh do chế độ chuyên chế đem lại được là có thể tạo nên sự hoạt động và tiền bạc… Lòng cuồng nhiệt tuổi trẻ tối tăm đó của y, từ một quan điểm (tập nhiễm) nhà buôn hơn là từ một cân nhắc chính trị thật sự, lại còn được thổi phồng qua việc được chào hỏi mấy nhân vật quý tộc khách hàng của tiệm mỹ phẩm, đã thoáng qua như một tia chớp sau một vết thương nhẹ y lãnh phải khi tham gia cuộc tấn công chết yểu do phe bảo hoàng tập hợp để chống Hội nghị Quốc ước, ở những bực thang trước cửa giáo đường Saint-Roch. César có dịp ngẫm nghĩ về sự kết hợp đáng tức cười giữa chính trị và nghề mỹ phẩm, để rồi từ nay y nhất quyết chỉ là một nhà buôn mỹ phẩm bảo hoàng, không tranh đấu gì nữa ngoài cho nghề buôn.

Đó là mô hình sơ cấp của anh chàng tư sản mới César Birotteau: một anh chàng nhà quê trở thành cái cốt trong một nhà buôn ở thủ đô, khi bắt đầu có tài sản cũng bắt đầu bước vào mạng lưới tài chính, và như một hệ quả tự nhiên của sự giàu lên ấy, bèn mang khoác lấy một thái độ chính trị. Ở điểm cuối này rất có vẻ Balzac bỡn cợt: một nhà-buôn-mỹ-phẩm-bảo-hoàng! - ông không phải “chẳng” bà chẳng phải “chuộc”. Phẩm chất của ảo tưởng đã biểu hiện. Bởi mô hình sơ cấp của César Birotteau ngay trước đấy đã có một variant khác: trở nên một trưởng giả tỉnh lẻ bình yên - Tham vọng của hắn là về sống ở gần Chinon khi nào hắn để ra được mười lăm ngàn quan công trái… và sẽ sống một cuộc đời sung sướng mà kín đáo. Mô hình ban đầu này của anh chàng nhà quê là một giấc mộng không vương ảo tưởng mà có thể thấy nó được Balzac vạch vẽ như cái căn cứ đạo lý của César Birotteau. Cho đến ngay trước ngày mở cuộc vũ hội - cái ban tai hại - sẽ chấm dứt hai mươi năm sung sướng (“vinh”?) của y, César Birotteau còn có một khoảnh khắc tự nhủ: Ta sẽ không lúc nào quên nguồn gốc của ta.

Trong câu chuyện, Balzac cho thấy tay quản lý trẻ César quyết định thay đổi viễn tượng cuộc đời mình từ tình yêu “sét đánh” với Constance: ban đầu đã định từ chối khi ông bà Ragon chủ tiệm muốn sang hiệu buôn mỹ phẩm này cho y, nhưng rồi César nhờ có ái tình gây cho được một tham vọng quá cỡ, liền mua lại cửa tiệm Bà Hoàng của các Bông Hường và dọn về gần công trường Vendôme, trong một căn nhà khá đẹp. Tình tiết này không quá nổi bật trong truyện, có vẻ chỉ diễn ra như một phần điền đầy cho tiểu sử nhân vật chính, tuy nhiên nó đã cho thấy sức kiến tạo thực tại của nghệ thuật “chủ nghĩa hiện thực xã hội tính” mà Balzac được xem là người khai sáng cho văn chương. Mô hình sơ cấp của nhà tư sản mới César Birotteau được hoàn chỉnh qua cuộc hôn nhân mỹ mãn: chợt ái tình tới thay đổi hẳn những quyết định và nhân lên gấp mười lần tham vọng của hắn và hắn đã nhờ có ái tình gây cho được một tham vọng quá cỡ - Balzac nhắc đến hai lần ý về sự thăng hoa thành “tham vọng” trong cái mộng làm giàu ban đầu của anh chàng nhà buôn mỹ phẩm bảo hoàng - điều mà ông không đả động khi César tiến bước trong tập sự nghề buôn, thị trường chứng khoán, và háo hức “bảo hoàng”. Và bởi Constance xinh đẹp là “type” đàn bà hướng cuộc đời theo cái khuôn khổ đạo lý của giới trung lưu, ta thấy tìm kiếm của César Birotteau thật ra đã được “đô thị hóa” ngay từ đầu, mà cái “tham vọng” về quê (khi có tài sản!) chỉ là một biểu hiện của mặc cảm về xuất thân thấp kém - điều mà Balzac đã kể một cách rất hóm hỉnh qua chuyện chị bếp béo Ursule thao túng “mầm tình” non của cậu César mới lớn mới ở quê ra; đấy cũng là cái mặc cảm biểu hiện ở sự thông minh được che đậy bằng sự mộc mạc. 

Như vậy, mô hình sơ cấp của César Birotteau nhà tư sản mới đã được hoàn chỉnh thực sự cùng với sự xuất hiện của kích cỡ về tham vọng - yếu tố định hình cho giấc mộng của thằng bé ngày nào cuốc bộ lên Paris với một đồng louis trong túi; cũng là động cơ thúc đẩy César mở rộng thành công cơ nghiệp của tiệm Bà Hoàng của các Bông Hường thành một hãng mỹ phẩm với mấy món mới do chính y sáng chế, bán ra suôn sẻ phát tài. Mô hình sơ cấp đó đã phát triển, biến dạng sang một mô hình César Birotteau thứ cấp, từ điểm của “tham vọng” mà đã sẵn gói ghém trong đó một cái mầm danh vọng từ lúc tập nhiễm một ý “bảo hoàng”. Cần nhắc lại, tiểu sử Birotteau đoạn đầu đời chia thành hai nửa đánh dấu bằng điểm định hình của “tham vọng”: từ chỗ mong tích lũy một món tiền rồi quay về quê đến chỗ quyết bước vào đời trưởng giả ở thủ đô vì cô vợ xinh đẹp - động lực căn bản của César đều từ những tình cảm sẵn có trong người của y; và điều này làm ta dễ hiểu vì sao con người trưởng giả căn cơ lập nghiệp đó có thể bỗng liều đánh canh bạc “tất tay” - khi vừa biết mình sẽ được trao tấm đệ ngũ hạng Bắc đẩu Bội tinh đã quyết định tham gia một vụ đầu cơ đất đai, đem lại một dàn xếp tài chính (vay mượn và thế chấp) nhằm tạo cơ hội mau mau rời khỏi địa hạt mỹ phẩm để leo cao lên những thượng tầng trưởng giả ở Paris. 


3

César hồi đó đúng bốn mươi, … và đang buôn bán phát đạt, nhưng mô hình César Birotteau thứ cấp đã là phần de la décadence de César Birotteau, phần ứng vào chữ “nhục”. Thật ra không có gì xảy tới một cách bình thường cho những người leo từ từng lầu này lên một từng lầu xã hội khác. Balzac đưa vào cạnh César Birotteau nhân vật du Tillet, một “đứa con hoang” theo nghĩa đen, cũng từ một tỉnh mà lưu lạc đến Paris, và tuy đã được nuôi lớn bởi tay một ông linh mục nhưng Ferdinand - tên ban đầu của du Tillet - chẳng hề có một căn cứ đạo đức nào trong đầu ngoài sự khôn giảo quyệt, tấm lòng sắt đá và một cao vọng không biết đến giới hạn nào: hắn bao trùm cái xã hội chung quanh bằng con mắt hằn học và tự nhủ: “Tao sẽ nắm được mày!” Du Tillet, như thế, đã leo từ từng lầu này lên một từng lầu xã hội khác theo những lối ám muội nhưng chắc chắn; và trong những người bị gã “nắm” thì César Birotteau là một “ca” thê thảm. Song, chủ điểm ở đây hẳn là về một đối chứng giữa các mẫu của tham vọng trên những tầng lầu trưởng giả thị dân. Du Tillet bản thân là một “décadence” của nhân cách; gã bởi thế không gánh chữ “nhục”; mà César Birotteau phải gánh chính vì y vẫn cứ luôn cố giữ thể diện một con người tuân thủ khuôn thước đạo lý thường thức - pha trộn giữa “thông minh mộc mạc” với tiểu tư sản trung lưu, các căn cứ từ những tình cảm sẵn có trong người của y và Constance vợ y. Hay, nói cho đúng, César phải gánh chứ “nhục” do cái tham vọng leo lên một từng lầu xã hội khác mà, theo các đường lối phù hợp với chính các khuôn thước đạo lý thường thức xã hội thì những năng lực tinh thần của y, lai lịch của y không được phép chen lên. Cái thực tại “hiện thực xã hội tính” ở đây còn cho thấy một điều nữa, ngược lại - các mặc cảm về xuất thân thấp kém đã lộn ngược thành các tham vọng, mà theo đó, “la décadence” vươn tới “la grandeur”.

Bởi có thể thấy cái hàm nghĩa (hiểu như là) “nhục” của “décadence” (trong Histoire de la grandeur et de la décadence de César Birotteau) dường như không nhắm mang ý biếm hạ một nhân cách César Birotteau, mà chủ yếu biểu đạt một sự tha hóa hay suy vong lớn rộng hơn, giống như khi người ta nói về chẳng hạn một “cái nhục mất nước”. Vả lại, Balzac cũng đã nói rõ, ở trang 65 sách này, cuối một trường đoạn triết lý cực kỳ sâu xa, lãng mạn và nhiều tầng ý tứ, rằng: đây không phải là truyện của một người mà là của cả một số đông những đau thương. Như vậy sẽ thấy một hàm nghĩa nữa của chữ “nhục” ở đây trong nghĩa của “đau thương” (như với “nhục nhằn”, chẳng hạn); và ta sẽ không ra khỏi cái nền cốt yếu của câu chuyện nơi “ảo tưởng vs thực tại”, nơi cả một số đông tham vọng vẫn đối ứng và tương ứng với “nhục” - như là điều mà ý ấy phải mang trên cuộc đời của César Birotteau.

Đấy là một điều, một trong những thứ toát ra từ cái kết của tiểu thuyết này như thể quá nhiều ưu ái cho nhân vật chính. Điểm sụp đổ của cơ nghiệp César Birotteau được kể từ cái ban, buổi tiệc và vũ hội, mà César mời mọc trên hết nhiều tên tuổi quý tộc và quan chức của Paris và quận sở tại nơi y cũng là một nhà chức việc, ông phó quận trưởng. Liền sau đó cái bẫy của du Tillet sập xuống đầu y - vụ đầu cơ một khu đất gần nhà thờ Madeleine bị biến ra một vụ lừa đảo; rồi cái mạng nhện tài chính thắt lấy cổ ông đệ ngũ đẳng bội tinh … Nhưng y đã trải qua vụ phá sản cay đắng bằng sự ngoan cường của một người nông dân cứng đầu ngoan đạo, chân thành đến nỗi vụ khánh tận của César lại hóa nên một trường hợp đặc biệt vĩ đại. Câu chuyện César Birotteau khăng khăng tấm lòng đạo đức và nỗi hổ thẹn đầy ắp ăn năn khi tuân thủ các luật lệ về phá sản - câu chuyện ấy nếu có thể làm cho ai ai cũng cảm động thì hẳn cũng chẳng ngăn được đôi ba nụ mỉm cười: cái tham danh vọng trong khi rơi xuống vực đã nắm được nhánh cây đạo đức; cái mặc cảm về xuất thân tìm được lời an ủi từ hoàn cảnh vừa khớp với nguồn gốc của ta. Và trông như thể “la décadence” đã lộn lại “la grandeur” khi César Birotteau từ phiên tòa phục quyền cho y vẻ vang trở về ngôi nhà cũ, thì cảnh tượng gần giống cảnh bữa vũ hội tai họa hôm nào: hắn thấy ở chân thang, còn mới nguyên, bà vợ bận áo choàng bằng nhung màu đỏ anh đào, Césarine, ông bá tước de Fontaine, ông tử tước de Vandenesse, ông nam tước de La Billardière, nhà đại danh Vauquelin, … , những khách khứa của mình, trong số đó lại có các bà ăn bận sẵn sàng để dự dạ hội khiêu vũ…

Chuyện là César Birotteau đã chết ngay sau đó ít phút, giữa lúc tưng bừng; và ông Linh mục Loraux đầy trân trọng nói với mọi người: Một người công minh đã chết đi! Tuy nhiên, không thể không thấy ở đó vụ tai nạn chết người do leo từ từng lầu này lên một từng lầu xã hội khác. 

Nhưng quả tình Balzac không để cho César Birotteau phải chết mà “nhục”. Dường như ông gửi cái hàm nghĩa ấy cho tất cả những tham vọng cùng loài mà ông biết rõ vẫn còn sống, còn sinh sôi, vô hạn. Có thể ông không mỉa mai, song “mối bòng bong” cực kỳ sống động của “la décadence” với “la grandeur”, giữa “vinh” và “nhục”, mà ông tái hiện ở đây, hẳn cũng có thể làm bật ra một tiếng cười ảm đạm.





Tóc rụng thì sẽ không mọc lại được


“… những biến cố thương mại mà những đầu óc cứng cỏi vượt qua được đã trở thành những tai họa không thể chạy chữa nổi đối với những tâm hồn tầm thường […] tai họa chính là một bực thang cho người kỳ tài, một cái hồ tẩy lễ cho tín đồ Thiên Chúa giáo, một kho vàng cho người tài trí, còn đối với những kẻ hèn yếu thì đó chính là một vực thẳm”

(Balzac - César Birotteau)


Roland Barthes, người bình luận Balzac siêu hạng (cuốn sách S/Z thuộc vào những gì lớn lao nhất mà phê bình văn học từng dành cho Balzac - mà vốn dĩ phê bình văn học trong vòng hai trăm năm qua chưa bao giờ để lọt khỏi tầm mắt văn chương balzacien, nếu không muốn nói, trong hai trăm năm ấy, cứ mỗi khi nào nảy sinh chuyển động thực sự có ý nghĩa trong phê bình văn học, tức khắc người ta sẽ thấy Balzac ở trung tâm, hoặc sát gần đó) trong một tiểu luận ngắn nói rằng đọc Balzac bao giờ chúng ta cũng có cảm giác về một cái gì đó, tức là ngoài văn bản (hoặc vẫn ở trong văn bản nhưng là đâu đó mà gần như không bao giờ chúng ta-độc giả ý thức được), bên ngoài cốt truyện, ngôn từ cùng mọi thứ gì đi cùng chúng, lúc nào cũng có một cái gì đó nữa.

Barthes, trong “figure” con người ngôn ngữ, rất có thể muốn nói đến một cái gì đó rồi sẽ được, nhờ Flaubert, tường minh hóa bằng cái mà người ta gọi là discours indirect libre (ngôn ngữ trong tiểu thuyết của Flaubert luôn luôn có độ lùi: nếu muốn giản tiện hóa câu chuyện, mà không bị bật ra quá xa khỏi cốt lõi chẳng phải là không khó hình dung của nó). Ở văn chương Balzac đã có cái gì đó báo hiệu cho một điều rất mới mẻ, mà nếu gạt bỏ đi tất tật mọi thứ rườm rà, có lẽ chính là yếu tính của ngôn ngữ văn chương hiện đại; và như vậy, trong chuyển động oái oăm của nó, dường như hiện đại trở ngược con đường để tiếp xúc (rất thân mật - đó là điều nhỏ nhất ta có thể nói) với chính xác cái vẫn được coi là đối cực của nó, cổ điển. Hiện đại và cổ điển đều có năng lực - điều này nằm ở dưới sâu của cả hai định ngôn - cho sự phong phú? chính là ngược lại, cả hai đều có năng lực cho sự gầy guộc.

Nhưng Barthes còn là một con người của kịch nghệ (xét cho cùng, những gì vĩ đại nhất trong cái nhìn của Roland Barthes rất có thể là cái nhìn hướng vào kịch - điều này đưa Barthes đến rất gần với một nhân vật bất ngờ, Stendhal: trong số những nhân vật thân thuộc với Barthes nhất, không có Stendhal - tuy rằng Barthes từng viết lời tựa cho một cuốn tiểu thuyết của Stendhal, cùng khoảng thời gian và cùng cho bộ sách có Maupassant và Hugo - mà đó là bộ ba Sade-Flaubert-Proust). Con người của kịch nghệ ấy (Jean-Pierre Richard còn cho biết thêm một điều: nếu không trở thành nhà phê bình văn học, lẽ ra Barthes đã là một nhạc sĩ; trong nhiều năm, nhất là về quãng cuối đời, Barthes gần như chỉ vẽ) nhận ra, khi trở thành độc giả của Balzac, chuyển động của kịch.

Điều này hết sức quan trọng. Balzac dường như là nhà văn cuối cùng còn nắm được nghệ thuật điều hành (đúng hơn: làm cho vận hành được) các dục vọng. Racine là người cuối cùng đủ sức làm tinh thần Trung cổ sống động, còn Balzac, đó chính là truyền nhân cuối cùng của Racine - của chuyển động đã khởi phát từ Racine, sau khi một chuyển động lớn khác ngừng lại cũng chính ở Racine. Barbey d’Aurevilly, nhất là Théophile Gautier, sẽ rất nuối tiếc vì sự mạnh mẽ của Balzac không bao giờ còn lặp lại được trong văn chương Pháp nữa. Thế nhưng, dục vọng chỉ là dục vọng nếu có chuyển động: không có dục vọng nằm đó, mà chỉ có dục vọng trong chuyển động.

Tức là, cái gì đó mà ta bức bối thấy luôn luôn những khi nào đọc Balzac rất có thể là một chiều khác nữa, chiều của không gian, tức là độ rộng. Độ rộng cần thiết cho chuyển động.

Điều quan yếu ấy giải thích rất nhiều. Đặc biệt, nó giải thích cho cả câu chuyện dài của dịch văn chương Balzac tại Việt Nam. Bãi chiến trường ấy toàn tử sĩ, trong đó phần lớn nhận các huy chương của ảo tưởng: các thứ huy chương, phần lớn, được trao để an ủi, vào đúng thời điểm người đua tranh đã kiệt sức (Bắc đẩu bội tinh luôn luôn được trao khi chuyển động đích thực đã ngừng và giống như chứng nhận cho sự ngừng lại của mọi sự, cũng giống huy chương trên chiến trận nhìn chung sẽ được nhận nếu có vết thương khiến người ta không chiến đấu được nữa, nhân vật nhận nó khởi động một chuyển động khác hẳn, của sự lụi tàn: đó có phải ý nghĩa của huy chương Bắc đầu bội tinh trao cho César Birotteau? với Flaubert - Madame Bovary- huy chương Bắc đầu bội tinh là bằng chứng ghi nhận cho sự tương hợp của đê tiện cá nhân với đê tiện chung của xã hội); nhất là đối với những người đua tranh nào thật ra đã kiệt sức ngay từ đầuNgười ta đã không đi được đến với điều mà nhan đề một tiểu thuyết của chính Balzac đã diễn tả tuyệt vời trong sự thấu đáo cực điểm: Hết ảo tưởng (Illusions perdues). Không đi hết được chuyển động của một thứ như ảo tưởng cũng không khác mấy so với không đi hết được mọi dạng chuyển động khác. Ba nhân vật Việt Nam từng quan trọng hơn cả (ít nhất, nổi bật) trong sự dịch văn chương Balzac là Lê Trí Viễn, Trọng Đức Đỗ Đức Dục và Huỳnh Lý. Lê Trí Viễn và Trọng Đức là các hiện thân của sự lỏng: sự lỏng không đi đến được với sự chuyển động (mà chỉ tới sự chuyển động lệch lạc; sự lỏng làm hỏng chuyển động), trong khi Huỳnh Lý lại quá chặt. Chỉ Vũ Đình Liên từng tái tạo được chuyển động của Balzac trong bản dịch Bông huệ trong thung; để làm được như vậy, ở Vũ Đình Liên có một yếu tố: tình yêu; tình yêu như là không gian - nó giúp cho chuyển động của văn chương Balzac không thất thoát đi mất.

César Birotteau mà ta đang nói ở đây là sản phẩm trong tiếng Việt của Mặc Đỗ (chứ không phải của Lê Trí Viễn). Không gian ở bản dịch của Mặc Đỗ - khác với trường hợp Vũ Đình Liên - là một không gian tự nhiên, hay nói đúng hơn, không gian ấy được tạo ra từ cái nhìn.

Cái nhìn là rất quan trọng: không phải có không gian thì sẽ có cái nhìn, mà cái nhìn (một số dạng cái nhìn) tạo ra không gian. Điểm quan yếu này là cả một gợi ý lớn từ chính Balzac. Tiểu thuyết của Balzac rất rộng: nó rộng đến mức chứa được các hóa thân của những nhân vật (việc các nhân vật trở lại từ tiểu thuyết này qua tiểu thuyết khác trong thế giới của Balzac nói lên điều đó); trong César Birotteau, ta gặp de La Billardière đã có từ Les Chouans, Nucingen (La Maison Nucingen cùng nhiều tiểu thuyết khác), Émilie de Fontaine (Le Bal de Sceaux), v.v… Độ rộng tiểu thuyết Balzac, trước hết là sự qua lại giữa các yếu tố: giữa các tiểu thuyết của Balzac như thể có những cánh cửa. Sự mở rộng thứ nhất của không gian Balzac là sự mở cửa.

Độ rộng ấy còn được thể hiện và vận hành theo một lối khác: trong César Birotteau, ta chứng kiến một lần rất đặc trưng xuất hiện của đối nghịch thuộc dạng cực điểm này-cực điểm kia. César Birotteau đối đầu với Bonaparte (trước nhà thờ Saint-Roch). Hiển nhiên, ta sẽ cười khi thấy có đối nghịch như vậy (nhất là khi Birotteau lại tên là “César”: César giả đánh nhau với César thật, nhưng xét cho cùng, tại sao Birotteau lại không thể được coi như một César đích thực, cái nhân vật mà Balzac miêu tả là “Sự nghi ngờ đối với hắn cũng giống như những hóa đơn in sẵn” - tr.61?). Bản chất của cái cười hiện ra ở đây. Không phải đối nghịch thì gây ra cười, mà cần nhìn xuống sâu nữa: cái cười chỉ xuất hiện khi có đủ không gian. Irony, muốn chuyển động được, cần không gian, vì irony chính là khoảng cách.

Nhưng độ rộng balzacien còn nằm ở một dạng nữa, mà César Birotteau chính là thể hiện thuộc hàng lớn nhất. Đây là một cuốn tiểu thuyết về giới trung lưu Paris nhưng nó rất rộng, rộng hơn thế, và sự mở rộng của không gian lần này đi theo chính trục của thời gian (hay nói đúng hơn, của “biên niên”). Trong César Birotteau, không chỉ có “thế hệ César Birotteau” của các chủ cửa hàng Paris (thời Trung hưng), mà ít nhất là ba thế hệ. Các nhân vật chủ chốt của La Maison du chat-qui-pelote (đây là cuốn tiểu thuyết được đặt ở đầu Vở kịch con người): gia đình Guillaume cũng xuất hiện trong César Birotteau, như là biểu trưng cho một phương thức buôn bán kiểu cũ (mối tình của chàng họa sĩ Théodore de Sommervieux với cô con gái nhà Guillaume cũng hoàn toàn khác về các tính chất - đó là tình yêu nảy sinh giữa giới nghệ sĩ và giới bourgeois - so với mối tình César-Constance rồi mối tình của cô con gái họ, Césarine, không đi đâu ra ngoài biên giới của bourgeois, bởi vì cái giới ấy đã đủ rộng). Cửa hàng “Chat-qui-pelote” không có vẻ hào nhoáng, và tất nhiên không có mùi thơm như cửa hàng của Birotteau, Bà Hoàng của các Bông Hường. Birotteau là dạng nhà buôn vươn được đến tầng của giới thượng lưu (chính vì thế, trong César Birotteau ta sẽ đọc thấy Balzac miêu tả rất gọn gàng và chính xác cách mua hàng của giới quý tộc: rất hào phóng, nhưng lúc nào thích trả tiền thì mới trả; điều này có thể gây điêu đứng cho chủ cửa hàng, như ta có thể hình dung về cash-flow). Nhưng Birotteau còn là nhân vật nối thẳng (đây là một mở rộng rất đặc biệt) vào thế hệ ngay tiếp sau, hiện thân ở Anselme Popinot. Đấy (Popinot) chính là biểu hiện đầu tiên của hình thức buôn bán giống như ta vẫn biết cho đến tận bây giờ: buôn bán dựa rất nhiều vào một điều mà ở Birotteau mới chỉ manh nha rụt rè: quảng cáo.



(còn nữa)




Trong hiệu sách (2)
Lần lần từng khu vực một
XX. Cô gái mắt vàng
XIX. Quán Trọ Đỏ
Heinrich Heine: Tháng Giêng năm 1832
XVII. Sao cho trong ấm (đầy đủ)
Honorer Honoré
Mặc Đỗ: một César (về César Birotteau)

Heidegger
Adolphe
XVI. Nữ công tước de Langeais (phần 1)
(phần 2)
XV. Béatrix (phần 1)

(phần 2)
Balzac trong thế kỷ mười chín
XIV. Gái già
Cách một (hay là "Balzac trong thế kỷ 19", phần mở đầu)
XIII. Vĩnh biệt (đầy đủ)
XII. Một người con gái của Eva
XI. Rực rỡ và khốn cùng đời kỹ nữ
X. Ursule Mirouët (phần 1)
(phần 2)
Balzac và Flaubert
IX. Louis Lambert
VIII. Nàng tình nhân hờ (đầy đủ)
[tiện bút] Đọc Balzac ở Hà Nội
VII. Người phụ nữ tuổi ba mươi (phần 1)
(phần 2)
VI. Viên bác sĩ nông thôn
Trở về cổ điển: Balzac - Vở kịch con người
V. Một vụ việc ám muội (phần 1)
(phần 2)
(phần 3)

(phần 4)
IV. Albert Savarus (phần 1)
(phần 2)
III. Séraphîta
II. Ferragus (phần 1)
(phần 2)
(phần 3)
I. Mặt bên kia của lịch sử hiện thời
Vinh quang và một cốc nước cho Honoré de Balzac



14 comments:

  1. tôi tưởng ngu dốt là bài nói về kitsch của Kundera, cái danh sách liệt kê cho vui thôi bác cũng thấy ngu à?

    ReplyDelete
  2. lại có cả về kitsch cơ à? tôi có biết đâu

    cái gì trông như vô hại thì mới nhiều ý nghĩa chứ, mà cái list đó có mục đích là thể hiện sự bao quát và thu hút chú í, cho vui thật á? tôi nghĩ tôi không hiểu nhầm chỗ này đâu

    ReplyDelete
  3. cái nhìn về độ rộng từ lâu ở đây đã bị xóa nhòa bằng món cháo loãng "thế giới"; cú ngã vào vũng "lỏng" đó thật tai hại cho các thứ ngành khác nữa.

    ReplyDelete
  4. Popinot rõ ràng nâng cấp con đường César Birotteau, bằng quảng cáo. cú khởi nghiệp của Popinot, hay cuộc thăm viếng godfather Gobseck tìm nguồn "đảo nợ", ..., đều là những màn có thể trích xuất thẳng lên sàn gỗ Broadway và hình như Engels có nói đọc Balzac còn hơn đọc tất cả các nhà kinh tế-chính trị học đương thời. cái độ rộng ấy, sôi sùng sục như chảo thắng cố, chắc nên gọi là liberalism.

    ReplyDelete
  5. à, còn có chuyện này nữa nhỉ: André Maurois nghe lời thầy Alain về nối nghiệp cha nhưng luôn luôn có một tủ kín đáo đầy các tiểu thuyết Balzac để tự rèn dũa tay văn của mình :P

    ReplyDelete
  6. Nhị Linh thấy mấy trang văn chương kiểu vậy ở Việt Nam thế nào, thú thật tôi thấy trước trang đó còn nhiểu trang kiểu kiểu vậy, dù chỉ dịch bài vở là chính. Tôi thì không đủ trình độ để đánh giá, chỉ là vào đọc thấy chán chán nên đi ra không quay lại nữa, tôi nghĩ nó rời rạc thế nào ấy

    ReplyDelete
  7. Bơm đểu đấy à.
    Mới đầu cái gì chả thế. Vả lại, họ là người trong nghành, chắc chắn hơn đứt "không đủ trình độ đánh giá" với "tôi nghĩ" vv

    VVD

    ReplyDelete
  8. dễ thấy thế còn gì: đó là sự tiếp nối các "trang web văn chương" đã bắt đầu hết mốt - các trang tự nhận trí thức nhưng thực chất toàn lá cải

    platform: một số nhân vật cựu sinh viên khoa văn Tổng hợp HN, hoặc các khoa ngoại ngữ, sẽ có tí tráng men học nước ngoài, editor (hiện vẫn hoặc tuột xích); cộng thêm dăm sưu tầm sách nhảm nhí; nếu các trang web trước đây cho thấy trí thức lá cải thì mấy trang kiểu này cho thấy giới editor không biết đọc

    đó là nouveau riche, thế cho nên giới nouveau riche hưởng ứng mạnh mẽ, hơi giống Read Station gì đó

    ReplyDelete
    Replies
    1. bác chịu khó cập nhật tình hình tí đi, read station giờ xuống lắm rồi, còn ai mà hưởng ứng, giờ tới cái nhà Z tưởng sẽ lên cũng chìm luôn, tóm lại là chả còn gì

      Delete
  9. nouveau riche không nhìn thấy gì khác ngoài "chìm" với "nổi"

    và cũng không biết đọc, giống hệt mọi nouveau riche, vài câu còn không hiểu nổi, thế mà cái quái gì cũng bàn

    lúc read station mới "nổi" chẳng phải cả tập đoàn facebook hưởng ứng rầm rầm à (trong số đó gần như chắc chắn có quả anonymous trên đây)

    ReplyDelete
  10. Hello! I could have sworn I've been to this site
    before but after checking through some of the post I realized it's new to me.
    Nonetheless, I'm definitely happy I found it and I'll be bookmarking
    and checking back often!

    ReplyDelete
  11. Số phận của từ "Nouveau riche" là rồi nó cũng cũng sẽ rơi vào tay các nouveau riche. Bắt đầu xuất hiện một thế hệ nouveau riche mới chăm chỉ nói về nouveau riche mỗi ngày

    ReplyDelete
  12. nhưng đông hơn luôn luôn là bọn bị chạm nọc đi nói về chỗ bị chạm nọc ở những chỗ có chủ đề chính là cái khác hẳn

    ReplyDelete
  13. Bài viết rất hay và sâu sắc. Bạn có thể cân nhắc một thiết kế website Đà Nẵng đẹp để mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người đọc. Giá thiết kế web Đà Nẵng cũng rất rẻ hoặc tôi sẽ chỉ cho bạn cách thiết kế web wordpress miễn phí tại Đà Nẵng.

    ReplyDelete