Nov 22, 2018

Cơn bão

Lẽ ra Theodor Fontane cũng có thể trở thành "một người" như ởkia:


nhưng tôi quyết định chỉ tập trung vào cuốn tiểu thuyết có từ "cơn bão" trong nhan đề; dưới đây là nguyên bản tiếng Đức và bản dịch tiếng Pháp của Trước cơn bão:


Giờ đây, không nhiều người biết đến Theodor Fontane. Nhưng từng có một người rất ngưỡng mộ Fontane: Thomas Mann còn trẻ khi Fontane qua đời và sau này sẽ bình luận văn chương Fontane không ít. Rất giống Bernard Shaw hồi còn trẻ thấy không hiểu nổi tại sao người ta không ngưỡng mộ Samuel Butler, trong khi trong mắt Shaw đó là một nhà văn vĩ đại. Có một số câu chuyện tương tự.

Người gây cho tôi cú huých để đọc Heinrich Lục là Sebald, còn người khiến tôi thấy không thể không đọc Fontane là Grass. Chính trong cuốn tiểu thuyết ởkia, Grass xây dựng nhân vật của mình dựa trên hình bóng của Theodor Fontane. Đối với tôi, đó là cuốn tiểu thuyết lớn nhất của Grass, nơi không chỉ có bóng dáng của Fontane mà còn là nơi, ngay lập tức, Grass tập trung cái nhìn - thời điểm bức tường Berlin sụp đổ - vào Mcdonald's: nhưng cần phải nhìn vào Mcdonald's, bởi vì - nếu tôi không nhầm; hy vọng là tôi nhầm - Mcdonald's chính là tương ứng của thời chúng ta với vai trò của sự truyền bá Ki-tô giáo trước kia, đặc biệt trong thời đại của chủ nghĩa thực dân.

Cơn bão, trong thế giới văn chương của Fontane: tôi nhớ đến Shakespeare, và một cơn bão, The Tempest (tác phẩm ấy, không hiểu sao, rất hay được gọi trong tiếng Việt là "Bão táp"). Bão kiểu "tempest", "tempête" là dạng bão khác với "đại phong", "typhoon", "typhon" - nếu muốn có Typhoon trong nhan đề một tác phẩm văn chương, thì cần phải chuyển sang thế giới của Joseph Conrad.


Trước khi nói một số điều khác, tôi đặc biệt muốn nhắc đến, trong cuốn tiểu thuyết của Fontane, miêu tả một giờ học của giáo sư Fichte (chỉ cần chi tiết này, người ta đã có thể dễ dàng biết niên đại của Trước cơn bão, ít nhất là đại khái), mà tôi đặc biệt thích.

Và tranh thủ luôn: bộ sách về Fichte (tác giả: Xavier Léon) in hồi thập niên 20 của thế kỷ 20, tôi chỉ có tập II:


Có ai muốn tặng tôi tập I cho đủ bộ không?

(thật ra có thêm tập I thì vẫn chưa đủ, vì bộ sách gồm ba quyển, tức là có cả tome III nữa)


Theodor Fontane là người Đức (Phổ) nhưng gốc Pháp. Tổ tiên của Fontane (ban đầu dường như cái họ này là "Fontaine", giống La Fontaine tức Lã Phụng Tiên) là những người huguenot chạy khỏi nước Pháp. Những người huguenot chạy khỏi Pháp rất nhiều khi Louis XIV bãi bỏ "édit de Nantes", tức là chỉ dụ ban bố hồi Henri Đệ tứ thể hiện lòng khoan dung về tôn giáo - bản thân Henri Đệ tứ thoát chết trong vụ đêm Thánh Barthélémy khi người Công giáo giết người Tin lành; Louis XIV tức là cháu gọi Henri Đệ tứ là ông nội hủy bỏ chỉ dụ nói trên, cho nên người Tin lành Pháp lại rơi vào nguy cơ (cần phải nói thêm, Louis XIV rất ghét cận thần lấn quyền cho nên kể từ khi đã trưởng thành và Mazarin đã chết, không để cho bất cứ nhân vật nào được phép vươn lên giống như Richelieu dưới triều Louis XIII: về điển tích Richelieu phụng sự Louis XIV, xem ởkia). Thành phố Berlin trở nên lớn mạnh một phần không nhỏ nhờ những người nhập cư cuối thế kỷ 17 ấy; đối với một nhân vật thuộc hẳn về phía Tây như Heinrich Heine (cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19), miền Đông (tức Berlin) là tuyệt đối xa lạ, thậm chí không thể coi là có chút tính cách Đức nào.

Fontane là người gốc Pháp (Cách mạng Pháp 1789 cũng sẽ làm nảy sinh rất nhiều người chạy ra nước ngoài: chúng ta sẽ sớm đến với một nhà văn hậu duệ của những người ấy) và thể hiện một phần không nhỏ những trắc trở của mối quan hệ Đức-Pháp: trong cuộc chiến tranh 1870 (cf. Karl Marx, Nội chiến ở Pháp), Fontane là "war correspondent". Một lần vì tiện đang ở gần, Fontane quyết định lẻn tới Domméry (tất nhiên, dễ dàng nhận ra tại sao Fontane muốn đến đó: đó là quê hương của Jeanne d'Arc) và bị lính Pháp bắt làm tù binh. Bismarck phải thân chinh can thiệp để cứu Fontane.

Trước cơn bão là tiểu thuyết đầu tay của Theodor Fontane (1878), tuy rằng lúc này Fontane đã rất nhiều tuổi. Cuốn tiểu thuyết lớn có trung tâm là gia đình von Vitzewitz (cái tên này đã ngay lập tức khiến tôi quyết định đọc nó: những cái tên riêng có ma thuật riêng của chúng). Đây là cuốn tiểu thuyết chống Napoléon mạnh mẽ: thời điểm xảy ra câu chuyện chỉ là một mùa đông, mùa đông 1812-1813; ta biết rằng đây là thời điểm ngay sau khi Chiến dịch Nga bi đát của Napoléon diễn ra (độc giả của tôi chắc còn nhớ nhiều chi tiết liên quan đến chiến dịch này). Trước cơn bão là cuốn tiểu thuyết về các junker Phổ, đó là giới quý tộc điền địa.

Tuy là người gốc Pháp, lại chính là người viết "Madame Bovary của Đức" (đó chính là Effi Briest, nằm trong cuốn sách ở bức ảnh đầu tiên), Fontane lại là tác giả của một cuốn sách chống Napoléon dữ dội (nhiều khi nó được so sánh với Chiến tranh và hòa bình của Tolstoy).


Chiến dịch Nga thảm khốc của Đội quân Vĩ đại (Napoléon) tạo ra cảnh tượng ghê gớm của những người lính trở về, rất nhiều khi đi lẻ tẻ, thậm chí chỉ đi một mình: đường về phải đi qua Phổ, qua Đức. Đây là đề tài cho một bài thơ rất nổi tiếng của Heinrich Heine, Heine viết những câu thơ bi thảm miêu tả một người lính Pháp (hình như cụ thể là một "grenadier") tiều tụy và thiểu não. Thất bại của Napoléon cũng khiến nhiều người Phổ thấy rằng đã đến lúc có thể chiến đấu nhằm thoát khỏi sự kiềm tỏa của người Pháp - ít nhất đó là ý nghĩ của không ít nhân vật trong Trước cơn bão.

Cũng như Bohumil Hrabal, Theodor Fontane xuất hiện rất muộn ("thành lập chậm" - như dân bài bạc sẽ nói). Có cái gì đó cần rất nhiều thời gian để hình thành ở bên trong Fontane. Thomas Mann, khi viết về Fontane, đã nhấn mạnh vào khác biệt giữa chân dung thời trẻ và hình ảnh Fontane lúc đã già: phải khi đã già rồi (những kiệt tác của Fontane đều được viết ngoài tuổi sáu mươi) Mann mới thấy ở Fontane một "khuôn mặt tuyệt diệu", với đặc điểm "vững chắc, ánh mắt nhân từ và vui".


Nhân ở trên nhắc đến Bismarck, dưới đây là hai cuốn sách viết về Bismarck:




Gia đình von Vitzewitz sống ở Hohen-Vietz: ông bố Berndt, cậu con trai Lewin và cô con gái Renate. Lâu đài của gia đình von Vitzewitz đã trải qua hai sự kiện lớn, hồi năm 1432 (thời hay diễn ra các cuộc thập tự chinh của dân Cơ đốc) rồi hồi 1631, khi có hai anh em von Vitzewitz là Matthias và Anselme; kể từ đó ở lâu đài dường như lúc nào cũng có ma. Quay trở lại với mùa đông năm 1812-1813: ông già Berndt von Vitzewitz đặc biệt chống Napoléon, ông muốn tự ý lập một đội quân riêng để tấn công quân Pháp rút chạy từ nước Nga. Tuy nhiên, gia đình von Vitzewitz lại rất thân thiết với gia đình Ladalinski, một quý tộc gốc Ba Lan, ủng hộ Napoléon (người Ba Lan trong thế kỷ 19, và không chỉ một lần, rất hay chạy sang Pháp sống lưu vong; cuốn tiểu thuyết Nàng tình nhân hờ của Balzac - như nhiều người đã biết - có nhân vật Laginski là một bá tước Ba Lan - có rất nhiều người Ba Lan là bá tước, nên một nhân vật của Dostoievski từng phàn nàn, tại sao Ba Lan có lắm bá tước thế; nhưng ngược lại, nước Nga lại vô cùng nhiều "prince", điều này thì hoàn toàn đối nghịch với một nền quý tộc châu Âu khác: Tây Ban Nha - điểm này, tôi sẽ còn trở lại, vì không thể không tìm hiểu Tây Ban Nha nếu muốn có một bức tranh chuẩn xác về một châu Âu hồi thế kỷ 17). Ladalinski cũng có hai đứa con, cũng một trai một gái, Tubal và Kathinka.

Trước cơn bão bắt đầu khi Lewin von Vitzewitz đang đi học xa về nhà ở Hohen-Vietz. Rất đặc trưng cho suốt một thời, Lewin được một người hầu từ lâu đài cử đi đón bằng xe ngựa đưa về - ta còn nhớ nhân vật chính trong Giáo dục tình cảm của Flaubert cũng được đón tương tự như vậy; còn có vô số tiểu thuyết miêu tả cảnh các chàng thanh niên về nhà được người hầu đánh xe đi đón; cho đến tận Joseph Conrad, khi, sau rất nhiều năm, lần đầu tiên trở về Ba Lan, cũng được một người hầu do gia đình cử đi để đón về.

Đến quán trọ Bohlsdorf là được một phần ba quãng đường. Cũng quán trọ ấy sẽ còn xuất hiện trở lại ở cuối Trước cơn bão, dưới một màu sắc bi thảm hơn nhiều.



(còn nữa)


đã tiếp tục Bắc (với Halldór Laxness)Indochine (với Léopold Cadière)

3 comments:

  1. Hi to every body, it's my first visit of this blog;
    this weblog carries remarkable and really fine material for visitors.

    ReplyDelete
  2. dù net thì rất mong manh mà đời thì như chiêm bao, nhưng nếu còn nhilinhblog chắc chắn 20 năm nữa trong một công viên đầy nắng, bên bờ hồ, sẽ gặp một bà cụ trẻ da chưa nhăn quá, nheo nheo mắt ôm cái ipad đọc Nhị Linh, run run đùi theo dàn hòa tấu the storm của yanni từ cái tai nghe, thỉnh thoảng bỏ ipad xuống hong tay trong nắng ha ha

    ReplyDelete