Cuốn sách về tín ngưỡng của người Việt Nam ấy thuộc vào vài thứ rất ý nghĩa trong sự "phoọc-ma-xi-ông" của riêng tôi, cách đây trên dưới hai mươi năm.
Hồi đó, tình cờ tôi rơi trúng một tập bài giảng (tôi không còn nhớ chính xác đó là một quyển sách hay một tập bài giảng, dạng tài liệu dùng riêng cho những người nghe giảng - rất nhiều năm tôi để ý tìm lại nó nhưng chưa bao giờ thấy; rất có thể đó không phải là một quyển sách) do mấy nhà dân tộc học Pháp (chắc hẳn trẻ tuổi) sang Việt Nam giảng. Tôi không đi nghe (vì không biết), nhưng vì tình cờ, tôi đọc tập bài giảng. Nó trình bày về truyền thống xã hội học Pháp, Durkheim, Mauss, Lévi-Strauss, cho tới Louis Dumont. Về sau, cuốn sách về xã hội học (hình như) của Bửu Lịch không gây cho tôi nhiều ấn tượng bằng. Tập bài giảng ấy khiến tôi biết về "sự kiện xã hội toàn thể", "ý thức tập thể", cái nhìn cấu trúc và nhất là "potlatch".
Nó (tập bài giảng) cùng cuốn sách về tín ngưỡng người Việt Nam của Léopold Cadière.
Một Cadière trong tiếng Việt (không phải đúng quyển mà tôi đang muốn nói đến: tự dưng tôi nhét nó vào đâu mất):
Cadière không chỉ viết cho BAVH (hay BEFEO), mà tác phẩm của Cadière tản mát rất nhiều nơi, tôi cũng không thực sự biết hiện nay người ta đã thống kê được đầy đủ hay chưa. Cách đây vài năm, có một cuộc hội thảo lớn về Cadière, dường như tổ chức ở Việt Nam, tôi tìm được vài bài tham luận, trong số đó có bài của một linh mục người Pháp, nói tới một chi tiết tiểu sử gây cho tôi không ít sững sờ: Cadière là bạn học hồi nhỏ của Charles Maurras (xét cho cùng, điều này hoàn toàn là có thể: hai nhân vật ấy cùng tuổi, hơn kém nhau cùng lắm trong vòng một năm; nhiều khi, ta chứng kiến những con người khác nhau đến mức nào té ra lại từng có lúc hội tụ - không rõ có phải vì những người như Maurras mà Cadière rồi sẽ quyết định rời bỏ hẳn nước Pháp hay không).
Nhưng lần trở lại này với Léopold Cadière, cái mà tôi quan tâm hơn cả không phải là các nghiên cứu về tín ngưỡng, mà là sự tiếp xúc của Cadière với tiếng Việt, cách mà nhân vật kỳ ảo ấy (ít nhất là kỳ ảo trong mắt tôi) chạm vào tiếng Việt.
Dưới đây là hồi ký của Cadière mà tôi tìm được (một kỳ trong số đó); dường như hồi ký của Cadière chưa bao giờ xuất hiện trong dạng toàn vẹn:
Những gì Léopold Cadière viết về tiếng Việt (như trên đây, cũng như nhiều chỗ khác nữa) đẩy tôi vào suy nghĩ: đó có phải là thời điểm, trước tiếp xúc của ánh mắt khác, tiếng Việt đánh mất đi sự ngây thơ của nó hay không? Và nữa, đã có bao giờ tiếng Việt trong trắng hay chưa?
Trong số ba ví dụ Cadière trình bày trên đây, ví dụ thứ ba đáng lưu ý hơn cả: nó rất ngắn, chỉ là "con bò". Sau hai lần (với hai ví dụ trước) khẳng định người ta dạy (tức là phân tích, tức là hiểu) tiếng Việt đã sai hết, thậm chí hoàn toàn ngược, ví dụ thứ ba đẩy lập luận này lên một mức cao hơn hẳn (cái gì đơn giản đến như "con bò" thì sức phê phán trở nên nặng khủng khiếp). Tức là, ở thời điểm Cadière viết những dòng trong mấy bức ảnh (thập niên 40), ông cố đạo đã hiểu: sách ngữ pháp (hồi đó hay gọi là "văn phạm") dẫu là người Pháp (người nước ngoài) hay người Việt viết (vì không có lý do gì để nghĩ Cadière không đọc sách bằng tiếng Việt, ít nhất là biết nội dung đại cương) đều không nắm bắt được tiếng Việt, tức là, không miêu tả được. Điều này dẫn ta đến một điểm đáng chú ý: Cadière là người phê phán rất sớm (có thể là người đầu tiên) sách văn phạm kiểu như quyển đã nói ởkia. Ta cũng cần nhớ rằng Cadière viết không ít nghiên cứu (có những lúc vô cùng nhiều tính cách kỹ thuật) về tiếng Việt, từ rất sớm (sẽ có lúc tôi quay trở lại với riêng chủ đề này).
Ví dụ "con bò" cho thấy Cadière sáng suốt, hết sức sáng suốt: chỉ cần một đoạn rất ngắn, Cadière đã cho thấy, việc quan niệm "con" giống như "article" dùng để xác định là nhầm lẫn hoàn toàn: chính là ngược lại, "bò" (tức là yếu tố thứ hai) mới xác định "con" (yếu tố thứ nhất), tức là ngược hẳn lại so với cấu trúc nền tảng của các ngôn ngữ phương Tây. "Con" là tất tật mọi động vật, nó cần "bò" để thu hẹp trường nghĩa rộng (và do đó, vô dụng trong thực tiễn) lại.
Đây là thời điểm tôi gọi là thời điểm đánh mất sự ngây thơ: một cái nhìn từ bên ngoài đã gọi đúng tên được một điều. Càng chính xác, cái nhìn càng làm tiêu tán sự ngây thơ cố hữu.
Quay trở lại với ởkia: sự sáng suốt mà ta thấy trong đoạn trích ngắn trên đây cũng chính là sự sáng suốt luôn luôn thể hiện ở Léopold Cadière. Dường như Cadière rất nhanh chóng nhận ra rằng, nếu muốn làm được những việc thực sự có ý nghĩa, thì nhất định phải tách ra khỏi EFEO. Và là từ rất sớm.
Gần như mọi thứ gì từng có ý nghĩa của cả một thời đại đều đã diễn ra theo đường lối như vậy: cần phải tách khỏi EFEO; EFEO trở thành điểm quy chiếu, nhưng là điểm quy chiếu để dịch ra xa. Ý nghĩa của câu chuyện EFEO (nếu mà có ý nghĩa thật) nằm chính ở tính chất âm bản của tồn tại ấy (ít nhất, phần âm bản này lớn hơn nhiều so với phần "dương bản"). Rất nhiều thứ diễn ra theo cùng cách thức: bởi vì đây là câu chuyện lớn của thiết chế. Nhưng nhất thiết cần sự sáng suốt.
Ba bức ảnh trên đây cho chúng ta thấy rằng: một cố đạo như Léopold Cadière tại Việt Nam (xứ An Nam) không chỉ làm công việc của một nhà thừa sai truyền đạo, không chỉ làm công việc của một nhà nghiên cứu mà còn được người bản xứ coi là trọng tài phân xử cho họ, khi có các vấn đề nảy sinh.
Giáo sĩ và thực dân: sự kết hợp này đã quá nổi tiếng. Cha de Foucauld ở Bắc Phi (muốn ngắn gọn: ở chỗ người Touareg) thường xuyên bị lên án vì mối quan hệ với Phòng Nhì Pháp. De Foucauld chính là nguyên mẫu cho nhân vật thầy tu dòng Tên cực kỳ hấp dẫn trong tiểu thuyết Rễ trời của Romain Gary.
Quay trở lại với tiếng Việt: ở cuối bức ảnh trên đây, câu kết thúc của Cadière rất đáng quan tâm (très curieux): Cadière nói đại ý, người ta vẫn còn chưa nghiên cứu được tiếng Việt một cách toàn diện (cho đến giờ, câu của Cadière vẫn đúng nguyên); tuy vậy điều đó không ngăn cản người ta vẫn có thể nói tiếng Việt một cách rất ổn thỏa, rất "décent" (decent là điều mà Cadière hướng đến).
Ta có thể ngược trở lại, về vấn đề Quốc ngữ. Cuốn sách mới in (hãy nhớ kỹ tên một trong hai nhân vật chính, Aymonier):
Người Pháp tại Indochine cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 hình dung Quốc ngữ như là tài sản của họ. Dẫu mọi sự trông có thể kỳ quái đến thế nào, điều đó không hẳn sai. Nhưng sử dụng ngôn ngữ (kể cả khi đó là một "tài sản") vẫn luôn luôn là một chuyện rất phức tạp. Ngôn ngữ thì bất trị. Cuốn sách trên đây là một thời điểm tại Nam Kỳ, người ta phải nhìn nhận chữ Quốc ngữ.
Ta sẽ nối cuốn sách ấy vào với Léopold Cadière. Dưới đây là một "kỳ" khác trong hồi ký Cadière (mấy hôm nay, tôi đã tìm hiểu thêm: có vẻ đúng rằng mặc dù rất nổi tiếng ở Việt Nam hiện nay, Cadière chưa thực sự được biết đến nhiều; không chỉ chẳng ai đọc hồi ký của Cadière, mà còn gần như không ai biết tới sự tồn tại của nó).
Chữ Quốc ngữ trở thành đối tượng (trước chúng ta hơn một thế kỷ) cho ham muốn cải cách. Cadière nhắc đến hội nghị năm 1902 của các orientaliste, tại đó có một ủy ban phụ trách vấn đề cải cách chữ Quốc ngữ. Chỉ cần xem miêu tả thoáng qua, không cần đi vào chi tiết, cũng có thể thấy, vẫn là d r gi với cả c k qu. Muôn thuở, muôn thuở - vấn đề cố hữu của Quốc ngữ (tiếng Việt). Cadière là người phản đối cải cách. Lý do thứ sáu như ta thấy, nằm ở chỗ: nếu cải cách thì sẽ phải thay đổi rất tốn kém cho việc in ấn. Ngày nay, vấn đề ấy không còn quá lớn, thế nhưng cải cách vẫn liên tục đâm vào ngõ cụt.
Chưa hết: năm 1906, các cuộc họp của Hội đồng cải tiến Học chính bản xứ, vấn đề lại đặt ra:
Lần này chủ trì là Edmond Nordemann (tức là Ngô Đê Mân, tác giả Quảng tập viêm văn và không phải là không có vai trò trong câu chuyện Kiều quốc ngữ), và ý muốn cải cách đã châm lửa làm bùng lên cả một cuộc lớn (và kéo dài). Tham gia có cả P. Hue:
Cadière cũng nhắc đến Aymonier, nhân vật xuất hiện trên bìa cuốn sách ở trên.
(còn nữa)
đã tiếp tục Trong lúc đọc Lukács (2)
Đông Dương thuở ấy (1) BAVH
Đông Dương ấy, Đông Dương này
Dien Bien Fou
tiếp tục
ReplyDeletethật đáng ngưỡng mộ: nếu vốn là "bò" xác định "con" thì có phải bây giờ nó vẫn sống trong những "con" bốn bánh hai bánh rồi "con hàng" và v.v.
ReplyDeleteTập bài giảng ấy khiến *tôi biết về "sự kiện xã hội toàn thể", "ý thức tập thể", cái nhìn cấu trúc và nhất là "potlatch".
ReplyDelete