(đã viết hết bài "Những đêm" về văn chương Edgar Hilsenrath: như vậy là cũng có những lúc tôi kết thúc được cái gì đó, chứ đâu phải là chẳng bao giờ)
Như đã nói, tôi phát hiện Edgar Hilsenrath đúng vào thời điểm Hilsenrath qua đời. Đó là lúc tôi mới mơ hồ biết đến một nhà văn tên là Hilsenrath (do đọc một nhà văn khác - tôi sẽ còn quay trở lại với chuyện ấy, tức là chuyện nhân vật nào dẫn tôi đến với Hilsenrath), tôi cũng mới kiếm được quyển Đêm. Kiếm được rồi thì tôi cũng chưa đọc nó ngay - không phải khi nào tôi cũng đọc ngay những quyển sách mới tìm được (ngược hẳn lại là khác - ít nhất thì cũng không phải luôn luôn đọc ngay: thậm chí nhiều khả năng tôi chỉ nhìn chúng). Rồi tôi kể với một người bạn là tôi mới có quyển Đêm của Hilsenrath, rằng tôi còn đang ngập ngừng không biết có nên đọc luôn hay không. Bức thư trả lời của người bạn thông báo với tôi là Hilsenrath vừa qua đời. Tôi bèn đọc Đêm luôn. Trong một bài về Hilsenrath trước đây, tôi cũng đã nói đến việc Hilsenrath qua đời rất gần thời điểm với Amos Oz. Nhưng như vậy còn chưa đủ: trong năm 2018, cuối năm Hilsenrath và Oz qua đời, thì đầu năm, Aharon Appelfeld qua đời. Tức là, cũng giống chuyện chỉ trong một năm ba nhân vật liền qua đời ở một địa hạt hơi khác: Gérard Genette rồi Jean Starobinski và Jean-Pierre Richard, ba nhà văn lớn của thế giới Do Thái qua đời trong năm 2018. Aharon Appelfeld, đối với tôi, không giống Edgar Hilsenrath, đây không hoàn toàn là một phát hiện bất ngờ, nhưng dẫu sao sau khi đã bắt đầu với thế giới của Hilsenrath rồi, tôi cũng mới thực sự bước vào thế giới của Appelfeld.
Appelfeld sinh năm 1932, tại vùng "Bukovina", cái vùng mà chúng ta đã bắt đầu quen. Mấy nhà văn hồi bé từng trải qua Shoah ở khu vực này (vùng giáp ranh Rumani và Ukraine) có lựa chọn ngôn ngữ về sau rất khác nhau: Hilsenrath viết tiếng Đức, Norman Manea viết tiếng Rumani còn Appelfeld viết tiếng Hebrew.
Quyển sách ở giữa trong bức ảnh phía trên là hồi ký của Aharon Appelfeld. Để biết về tổ chức vũ trang của người Do Thái tại Israel (Haganah) tốt nhất lại nên đọc một nhân vật như thể được sinh ra để có một cuộc đời thuần túy học thuật: Hans Jonas, cựu môn đệ của Martin Heidegger, sang Palestine từ sớm (Jonas cũng sẽ thành giáo sư nhưng chủ yếu ở Canada và Mỹ). Còn hồi ký của Appelfeld lại giúp ta tái hiện được rất nhiều về cuộc sống đại học ở Israel sau Thế chiến thứ hai. Những năm ấy, Gershom Scholem, người bạn thân của Walter Benjamin, có uy thế lớn tại đó. Nhưng nhân vật lớn nhất là Martin Buber.
Hai tiểu thuyết trong ảnh trên đây là hai cuốn sách về trước đó: từ khi mọi chuyện còn chưa xảy ra. Trong cuốn bên phải, cái tên Martin Buber cũng được nhắc đến. Nhân vật chính có ông bố là một nhà văn Áo nổi tiếng, từng gặp Buber, rất thân với Stefan Zweig. Nhưng phát hiện lớn nhất của ông bố nhà văn là Kafka. Câu chuyện có phần thứ hai là cuộc trở lại chốn cũ, nhiều năm về sau, của nhân vật chính. Cuốn bên trái có bối cảnh là một nhà trọ vào mùa hè thường có đông người đều đặn quay trở lại, để gặp nhau, vui chơi và đánh bạc. Nhưng năm ấy, chỉ xuất hiện rất ít người - sự sụp đổ đã cận kề.
Còn hai tiểu thuyết dưới đây có thể coi - một cách ngắn gọn - là viết về đoạn cuối, tức là rất nhiều năm về sau:
Cuốn tiểu thuyết trong nhan đề có cái tên "Bartfuss", cũng như cuốn bên cạnh, Tình yêu đột nhiên, ở cách xa chiến tranh, Shoah và châu Âu. Trong Tình yêu đột nhiên, Ernest là một ông già cô độc, cố gắng viết văn nhưng dường như mọi chuyện không thuận lợi. Ông kể cho cô giúp việc về quãng thời gian mình chiến đấu cho Hồng quân Liên Xô, hồi còn trẻ, chưa sang Palestine (Israel). Ernest bắt đầu đọc (phát hiện muộn màng) Kinh Thánh, trong bản dịch của Buber.
Tiểu sử (như hay xuất hiện trong các bản dịch tiếng Pháp) của Aharon Appelfeld:
Appelfeld sinh năm 1932 tại Czernowitz, thủ phủ (thủ đô) của vùng Bucovine (Bukovina). Tám tuổi, Appelfeld bị đưa vào một trại, trốn thoát khỏi đó vài tháng sau, rồi trốn trong các khu rừng Ukraine ba năm, sau đó gia nhập Hồng quân Liên Xô. Năm 1946, sau khi băng ngang nước Ý, Appelfeld đi tàu thủy sang Palestine. Một thời gian dài sống ở Jerusalem.
Tiểu sử dưới đây, trong một cuốn sách khác, dài hơn - dẫn lời Philip Roth:
Dưới đây có thể thấy tên của một nhân vật có tầm quan trọng không nhỏ trong "câu chuyện Aharon Appelfeld ở Pháp":
Tiếp tục các cuốn tiểu thuyết của Appelfeld:
Trong bức ảnh ngay trên đây, cả ba cuốn tiểu thuyết - mỗi cuốn theo một cách riêng - viết về đoạn ngay sau khi rời khỏi trại tập trung. Cuốn ngoài cùng bên phải, Thằng bé muốn ngủ, chủ yếu về chuyện đi sang Palestine. Cuốn ngoài cùng bên trái (trong nhan đề có từ "thịnh nộ") đi sâu vào kinh nghiệm chợ đen hậu Thế chiến thứ hai, còn cuốn ở giữa (trong nhan đề có từ "sáng") là câu chuyện về nhân vật Theo rời khỏi trại lên đường trở về nhà.
Dưới đây:
là ba tiểu thuyết về phụ nữ, Tsili, Katerina và Căn phòng của Mariana - đây là một trong những kiệt tác lớn nhất của Appelfeld.
Như trên là gần hết tác phẩm của Appelfeld (vẫn còn vài quyển nữa - chắc có ngày tôi sẽ còn trở lại). Các tiểu thuyết của Appelfeld, tôi muốn rút từ đó một số yếu tố mà tôi nghĩ là có ý nghĩa đối với một thế giới văn chương rất riêng biệt.
Trốn trong rừng
Aharon Appelfeld hay kể những câu chuyện về trốn trong rừng, hồi chiến tranh. Bản thân tiểu sử của Appelfeld cũng cho thấy kinh nghiệm tương tự.
Nhiều nhân vật của Appelfeld trốn được khỏi trại tập trung hoặc ghetto rồi náu mình trong rừng. Họ hay đào hố, nhất là để qua được mùa đông (điều này được miêu tả cụ thể ở nhiều nơi, chẳng hạn trong Tsili). Nhất là khi nhân vật là trẻ con, mức độ thảm khốc trong các tiểu thuyết của Appelfeld như thể chạm vào được. Và sự trốn trong rừng rất hay liên quan đến một điều: sự câm lặng. Những người trốn trong rừng lâu ngày, chịu đói và chịu rét thường trực (nhất là trẻ con) rất dễ mất khả năng nói; khôi phục nó là cả một câu chuyện rất dài.
Nhưng cũng nhiều khi, người ta trốn ở chỗ khác, chứ không phải trong rừng: trong Căn phòng của Mariana, tuy ban đầu người mẹ của cậu bé nhân vật chính nghĩ đến việc cho đứa con trai của mình trốn vào rừng (lên núi) như nhiều gia đình khác, nhằm giúp những đứa bé thoát khỏi ghetto, nhưng cuối cùng đứa bé sẽ được Mariana, bạn của người mẹ, giấu trong phòng mình. Đó là một cô gái điếm.
Không ít câu chuyện về quãng thời gian đó chứng nhận rằng những cô gái điếm có thể lại cứu mạng được nhiều người: nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết Đêm của Hilsenrath từng có lần thoát chết nhờ nhà thổ (thuộc ghetto). Hơn một câu chuyện của Appelfeld kể chuyện những người trốn khỏi trại tập trung hay ghetto được gái điếm nuôi giấu.
Người Do Thái rất khó tìm được sự nuôi giấu, vào quãng thời gian ấy (những người trốn được khỏi Auschwitz đều bị nông dân Ba Lan giết). Trong cuốn tiểu thuyết ởkia, Isaac Bashevis Singer kể câu chuyện về một cặp vợ chồng sang Mỹ sống sau chiến tranh: người chồng Do Thái đã được người vợ Ba Lan giấu suốt mấy năm trời và thoát chết.
Dãy núi và dòng sông
Các nhân vật của Aharon Appelfeld không ngừng nhớ đến núi và sông: núi "Carpates" và sông "Prut".
(còn nữa - đã tiếp tục "1789 (I): Burke-Michelet-Carlyle-Furet")
(một người) Ernesto Sabato
(một người) August Strindberg
Simply desire to say your article is as amazing. The clearness to your submit is just nice and that i could suppose
ReplyDeleteyou are an expert in this subject. Well along with your permission let
me to grasp your RSS feed to stay up to date with drawing close post.
Thank you 1,000,000 and please continue the rewarding work.