Apr 9, 2019

1789 (I) Burke-Michelet-Carlyle-Furet

như vậy là


Như vậy là, đã rất lâu kể từ ởkia tôi đặt ra vấn đề cần phải nhìn nhận Balzac trong bộ ba tuyệt đối cùng thế hệ (Balzac cùng Michelet và Comte), tận đến giờ tôi mới bắt đầu được với một trong hai nhân vật còn lại, Michelet với Révolution fr., cuộc Cách mạng Pháp 1789.

Thời của họ (những người tròn hai mươi tuổi khi nước Pháp bước vào cuộc Trung hưng, nhà Bourbon quay lại nắm quyền, Napoléon sụp đổ và cuộc Cách mạng đã nằm lại phía sau, nhưng còn chưa xa), Balzac, Michelet hay Auguste Comte chứng kiến không chỉ đảo lộn mà cả sự trống rỗng. Đó là thế hệ phải bù vào vực thẳm. Hết sức có ý nghĩa, triết học của Auguste Comte (rất có thể là triết học nhiều tính cách Pháp nhất) nhất quyết đi ngược lại "negative" để xây dựng những gì positive (và, "positivism"). Balzac là con người của "âm", một người bảo hoàng và Thiên chúa giáo (nghĩa là đi ngược lại hoàn toàn chiều hướng của đảo lộn: một "antimoderne" như Antoine Compagnon sẽ nói), còn Michelet, đó là một người ở giữa negative và positive.

Tôi muốn nhìn nhận bộ sách của Michelet về Cách mạng cùng mấy nhân vật khác nữa, về cùng chủ đề:


Cuốn sách của Edmund Burke có một "merit" lớn mênh mông: đó chính là cuốn sách đầu tiên về Cách mạng 1789. Từ nước Anh, Burke ngay lập tức có phản ứng. Giới quý tộc Pháp sẽ phải tê liệt một thời gian thì mới cất tiếng được - nhất là, với tiếng nói khủng khiếp của Joseph de Maistre; tôi sẽ còn quay trở lại.

Michelet dành không ít trang trong bộ sách của mình để phản đối (phỉ nhổ thì đúng hơn) Burke.

Còn Thomas Carlyle là nhân vật tương đối cùng thời với Michelet. Bộ sách về Cách mạng 1789 của Carlyle rất mau chóng tìm được một độc giả lớn: chính là Charles Dickens.

Tôi sẽ chỉ tập trung vào bộ tứ Burke-Michelet-Carlyle-Furet, tức là nhảy qua rất nhiều nhân vật lớn trong cùng chủ đề vô cùng rắc rối và tạo nhiều vọng động này. Joseph de Maistre, nhưng cả Tocqueville hay Marx nữa, rồi Augustin Cochin (đấy là mới chỉ kể những người đặc biệt quan trọng), để đến luôn với một người của thế kỷ 20, Furet:


Thêm một quyển sách thuộc collection "Quarto" nữa, giống ởkia.


Những thế hệ sau cách mạng (hậu cách mạng), tức là nhìn thấy ngay lập tức sự đảo lộn và trống rỗng (trống rỗng bắt nguồn từ độ chênh của thực tại quá lớn), cũng tương tự những thế hệ lớn lên thời hậu chiến, có một số đặc điểm, trong đó đầu tiên là sự đương đầu với vực thẳm (đã có). Không phải biểu hiện của điều đó (đương đầu với vực thẳm đã có) là giống nhau vào mọi lúc. Thế hệ của Balzac, Michelet và Comte đã nói ở trên: đó là trường hợp của cuộc cách mạng thứ nhất. Ta sẽ thấy một phản ứng rất khác nơi thế hệ của Flaubert (liên quan đến cuộc cách mạng 1848, nhưng cũng cả cuộc cách mạng 1830), biểu hiện rất nhiều ởkia: những người như Flaubert bắt đầu phải đối đầu với một thứ sẽ trở nên hùng mạnh, ấy là sự tầm thường (sự tầm thường trở thành yếu tính của cuộc sống xã hội Pháp, như một irony đối lại với tính cách phi thường của Cách mạng 1789). Cuộc cách mạng thực sự có thể so sánh với 1789 (và đúng là đã rất hay được so sánh: tôi sẽ quay trở lại điều này), Cách mạng 1917 (xem thêm ởkia) thì sao? Dường như một trong các biểu hiện lớn của phản ứng nằm chính ở từ "formalism" (Bakhtin, chẳng hạn). Tôi nghĩ cũng có thể thấy được nhiều điều liên quan, tại Việt Nam, nếu nhìn vào thế hệ những người từ Trần Dần đến Thanh Tâm Tuyền.

Cách mạng 1789, như đã nói, tìm được bình luận có trọng lượng đầu tiên từ một người nước ngoài: Edmund Burke. Đó cũng là một cuộc cách mạng có rất nhiều yếu tố nước ngoài, dẫu nó là một câu chuyện rất Pháp. Một người nước ngoài có mặt xuyên qua không ít sự kiện của những năm ấy: Thomas Payne (người Pháp hay gọi thế, chứ đây là Thomas Paine hay Thomas Pain). Michelet, trong bộ sách của mình, kể câu chuyện về một người Đức, Reinhart, đi cùng chuyến xe (voiture publique) với những con người trẻ tuổi từ Bordeaux lên Paris: đó là những người "Girondin" đầu tiên (cf. Quyển VI, Chương I bộ sách của Michelet). Trên một mức độ lớn hơn nhiều, nước Pháp của đoạn cách mạng trở thành đối tượng quan sát, thậm chí đối tượng của hành động cho các nhân vật lớn của châu Âu, như Pitt, từ Anh, Metternich từ Áo hay Brunswick từ Phổ, nhân vật thứ ba là tư lệnh quân đội tiến vào nước Pháp - đó là bối cảnh cho chiến thắng đầu tiên của quân cộng hòa Pháp, trận Valmy lừng danh.


[cái comment đầu tiên ở bên dưới xuất hiện vào thời điểm mới có phần phía trên]


Bộ sách của Michelet, đúng như tính chất nổi bật của nó (tính chất của "lịch sử-câu chuyện", dạng lịch sử ngày nay đã dần trở nên tương đối xa lạ, trong tiến hóa của bộ môn lịch sử hiện đại) là một cuộc trưng bày tên riêng khổng lồ. Những cái tên là một cách thức (rất hữu hiệu) bù đắp vào trống rỗng. Đó là một cuộc triển khai của những tên và những tên, nhưng đồng thời - đây là một nghịch lý - chủ đề của bộ sách lại là một bước ngoặt sẽ dẫn tới điều mà Michel de Certeau đã thâu tóm rất trác tuyệt, trong một công thức: sự chuyển của thế giới từ "regime" của tên (riêng) sang "regime" của số (lượng) (tức là, từ nom sang nombre: trông cứ như thể "nombre" là cái bóng của "nom", tức là thế giới chuyển từ nó sang cái bóng của nó, với phần đuôi dài thượt đi kèm, hiện tượng hay thấy ở những cái bóng): thế giới hiện đại của chúng ta ở một phần rất lớn là một thế giới tách khỏi truyền thống của những cái tên lớn. Trước khi là "regime" đó, tất nhiên Cách mạng 1789 chấm dứt một "regime" khác: Ancien Régime. Bình luận cuộc Cách mạng, Tocqueville sẽ viết cuốn sách rất có thể vẫn cứ là tác phẩm sâu sắc nhất, cho đến tận bây giờ, nhưng cái chết đã khiến cho bộ sách của Tocqueville (bộ sách trong nhan đề có cụm từ "Ancien Régime") dừng lại chính xác ở Ancien Régime: như vậy đó là một bộ sách về Cách mạng nhưng lại không có phần Cách mạng - rất có thể chính vì thế nó thực sự sâu sắc.

Đọc Jean Santeuil của Proust (như đã nói ởkia), tôi cứ nghĩ cái họ "Réveillon" (trong Tìm thời gian mất sẽ trở thành "Guermantes" danh tiếng) là dấu vết của chuyện Proust là độc giả của Michelet: Proust là độc giả của Michelet, đó là điều rất dễ kiểm tra, nhưng là độc giả đến mức lấy từ bộ sách về Révolution của Michelet cả một cái tên, lại là một chuyện rất khác. Dẫu thế nào, nhân vật "Réveillon" xuất hiện ở đoạn đầu bộ sách của Michelet, vào lúc Michelet chưa thực sự bắt đầu câu chuyện của mình.

Cách mạng là một thời điểm - trước hết - của tách khỏi. Và trước hết là tách khỏi những gì "common" - cùng một lúc trật khỏi common sense, nhưng cũng cả khỏi koinè (common language), topos hay topoi (common place) và doxa (common idea, tức là "opinion" - nhưng ngược lại, "opinion" cũng đóng vai trò rất lớn trong câu chuyện Cách mạng Pháp; trong bộ sách của mình, Michelet có một cụm từ miêu tả Cách mạng, sẽ có vận mệnh hậu thế rất lớn: Michelet gọi bầu không khí chung là một "royauté d'opinion" - và là điều chưa hề có tiền lệ, nghĩa là "vương quyền của ý kiến", hay dư luận - tôi sẽ quay trở lại với "opinion" ở phía dưới). Sự đảo lộn làm cho những gì là common không còn là common nữa - rất có thể là trong lúc đợi để những common khác được hình thành. Nhưng, cũng chính vào những quãng cách mạng, hình thức của common lại liên tục xuất hiện: không chỉ đến 1870 mới có Commune (Công xã Paris) (cf. Marx, Nội chiến ở Pháp) mà trong Cách mạng 1789, (các) Commune có vai trò rất lớn. Các cuộc cách mạng chộp lấy mọi thứ ở mức của sự chung. Ngôn ngữ cũng bắt đầu chỉ nói toàn những điều chung. Cách mạng cũng là khi một ngôn ngữ khác đòi được cất lên: tự vị khác, nhưng cũng cả cú pháp khác; rất nhiều lời chứng cho thấy nhiều con người coi cách mạng là thời điểm mình được sinh ra một lần nữa: sự mới mẻ ở mức độ có thể coi là tuyệt đối, nếu mà có tồn tại tuyệt đối thật.

Bộ sách của Michelet có thể gọi ngắn gọn là "Cách mạng 89-94" (câu chuyện bắt đầu trong năm 1789, vài tháng trước ngày 14 tháng Bảy). Những ai quen thuộc với Eric Hobsbawn (nhưng nhất là Raymond Williams) sẽ nói ngay: nhưng đây là một lịch sử ngắn. Điều đó rất đúng: Michelet chọn lịch sử ngắn. Nhưng điều đó cũng cần được hiểu trên cái nền: Cách mạng chỉ là một phần trong tổng thể câu chuyện Lịch sử Pháp của Michelet. Chắc sẽ có lúc tôi quay trở lại với Michelet trên tổng thể - một chuyện rất không đơn giản.

Còn cuốn sách của Carlyle (truyền thống của nước Anh: các nhân vật lớn rất hay là sử gia: đối với người lục địa, David Hume là triết gia, nhưng với người Anh, trước hết đó là một sử gia) mở đầu bằng cái chết của Louis XV.


Louis XVI gọi Louis XV là ông nội (do thái tử trước đó, Dauphin, bố của Louis XVI, chết sớm - Louis XVI cũng không phải con trai đầu của Dauphin); như vậy, vương triều Pháp về cuối lặp lại sự thể: mấy ông vua liền không phải con trai kế vị ông bố của mình; Louis XVI gọi Louis XV là ông nội (và không phải con trai trưởng), thì Louis XV cũng không phải con trai trưởng, cũng không phải con trai của Louis XIV, thậm chí còn không phải cháu gọi Louis XIV là ông nội, mà gọi là cụ. Những vương triều dài dằng dặc của Louis XIV và Louis XV dường như làm giảm sức sống của nền quân chủ đến một mức không thể cứu vãn. Louis XVI khác Louis XV ở điểm đầu triều đại không có đoạn Nhiếp chính (Régence) - Louis XV lên ngôi khi còn rất nhỏ, còn Louis XVI, ở thời điểm đăng quang, đã hai mươi tuổi. Sự suy giảm sức sống ở các ông vua cuối của nhà Bourbon đã được bình luận rất nhiều, hẳn đó cũng là điều đóng góp không ít vào bất hạnh của Louis XVI trong mối quan hệ với Marie-Antoinette.

Tiếp tục những cái tên: độc giả của tôi, những ai đã thực sự đọc Inferno của Strindberg ởkia từng biết một cái tên: Chauveau-Lagarde: đó là một cái tên bay từ các sự biến quanh năm 1789 tới nghĩa trang Montparnasse hồi cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, để một người nước ngoài như August Strindberg khi nhìn thấy đã lập tức tự tạo dựng nhiều liên tưởng, đều liên quan đến chết chóc và máy chém (guillotine: nhân vật Guillotine cũng bất ngờ xuất hiện trong một cuốn tiểu thuyết của Patrick Modiano, Remise de peine), và sự biện hộ. Nhưng Strindberg không thực sự chính xác, khi nhắc tới sự biện hộ cho Louis XVI, vì Chauveau-Lagarde không thực sự liên quan đến vụ việc ấy (nhân vật quan trọng hơn cả đứng ra biện hộ cho Louis XVI là Malesherbes, ngày nay người ta có thể đi trên đại lộ Malesherbes rất lớn ở Paris: Malesherbes, vào thời điểm Cách mạng, đã rất già, đó là một đại diện rất lớn của truyền thống "parlement", "pắc-lơ-măng", như độc giả của Tử tước de Bragelonne hay Mười năm sau nữa đã biết: đó là thiết chế thường trực ở trong sự kháng cự lại vương quyền, dạng thiết chế rất đặc biệt của "Ancien Régime"; parlement có cả chức năng xét xử, như một tòa án: tòa án sẽ trở thành một thiết chế đặc biệt lớn của đoạn Cách mạng); Chauveau-Lagarde có mặt (và sẽ không lên máy chém guillotine như Malesherbes mà sẽ còn sống rất lâu) trong sự biện hộ cho tướng Miranda (một trong những quân nhân nước ngoài - tiếp tục câu chuyện những người nước ngoài ở Pháp đoạn này - lừng danh nhất, về sau sẽ còn có cuộc hợp tác với Bolívar) và nhất là cho những phụ nữ có số phận bi thảm nổi tiếng nhất những năm đó: Marie-Antoinette, Madame Roland (đây chính là linh hồn của phái "Girondins") và cả Charlotte Corday, cô thiếu nữ đi từ Caen lên Paris thực hiện một việc sẽ gây rất nhiều hệ lụy; cho đến rất gần đây hình ảnh Charlotte Corday vẫn rất được văn chương, nhất là văn chương pop, tán thưởng, một ví dụ có thể thấy ởkia (Kim Young-Ha etc.)

Những cái tên - không chỉ tên riêng. Những danh từ cũng khởi sự sống từ 1789. Thiết chế mới (họp bắt đầu từ tháng Năm 1789, theo triệu tập của Louis XVI dưới sự thúc đẩy của Calonne, nhưng ở thời điểm thực sự họp Necker đã quay lại nắm quyền) có thể tên là gì? Cuối cùng đề xuất của Sieyès, "Assemblée Nationale", đã được chọn, thay vì những cái tên khác được đề xuất từ nhiều người - trong đó có Mirabeau - gần như tất cả chúng đều mang yếu tố "peuple". Tất nhiên, "nation" là từ đặc biệt có vận mệnh lớn. Nhưng - như một irony nữa - chính từ "patriote" mới có hậu thế thực sự huy hoàng. Một người cách mạng An Nam cách đây chừng một trăm năm tự gọi mình là "Nguyễn Le Patriote". Đây là một trong những di sản đích thực của Cách mạng 1789. Rốt cuộc, "Tổ quốc" và "Quốc gia", chúng là một hay cái này là cái bóng của cái kia?

Và các lặp lại: Tocqueville (đặc biệt trong hồi ký, Souvenirs - đây là một trong những cuốn sách đối với tôi lớn nhất từng tồn tại; nếu có hai cuốn sách mà tôi đọc đi đọc lại thì đó là Souvenirs của Tocqueville và Tristes Tropiques của Lévi-Strauss) miêu tả những người của cuộc cách mạng 1848 liên tục bắt chước 1789, nhưng tất tật chỉ hơi giống. Một lặp lại có ý nghĩa lớn: thêm một ông vua rơi đầu, sau Charles Đệ nhất nước Anh (ở đây, thêm một nghịch lý nữa xảy ra, điều mà ai cũng thấy ngay và rất hay được nhấn mạnh: cuộc cách mạng ở Anh xảy ra trước, nhưng bao giờ người ta cũng coi Cách mạng Pháp 1789 là cuộc cách mạng mẫu, hiểu cả theo nghĩa khuôn mẫu lẫn nghĩa của Mother/Mère). Louis XVI (và nhất là các cố vấn cho phiên tòa, trong đó đặc biệt quan trọng là Malesherbes) rút kinh nghiệm: Charles Đệ nhất nước Anh đã nhất định không chịu nói, tới khi muốn nói thì đã quá muộn, cho nên Louis XVI không được im lặng. Người ta tìm mọi cách để rút kinh nghiệm (trên địa hạt praxis), trên trục của lịch đại: vào thời điểm Lenin qua đời, Stalin đã ngay lập tức liên minh với hai nhân vật (một trong số đó là Zinoviev), vì sợ sẽ có một điều lặp lại: một nhân vật có nhiều uy thế trong quân đội sẽ trở thành một Napoléon thứ hai. Tất nhiên, mối lo đó nhằm vào Trotsky. Nhưng có những điều lặp lại, lại có những điều không, hoặc giả theo cách khác hẳn. Không sụp đổ nào thực sự giống sụp đổ nào.


Tiếp tục những cái tên: đọc câu chuyện về Révolution của Michelet (cũng như nhiều câu chuyện khác về cùng thời kỳ - các câu chuyện ấy có thể khoanh vùng rất khác, không phải 89-94 tức là cho đến thời điểm "Thermidor") ta có thể bắt gặp những cái tên vô cùng pittoresque, đúng nghĩa như thể hiện ra từ một thế giới nào khác hẳn. Đối với tôi, có hai cái tên đặc biệt exotic: Lally-Tollendal và Clermont-Tonnerre. Hoặc ngay "Malesherbes", mỗi lần nghe thấy, tôi đều có cảm giác có một tiếp xúc với một thời gian sâu hoắm xa xưa. Rồi Beaumarchais, hay một cái họ rất hao hao, Beauharnais (họ người vợ thứ nhất của Bonaparte). Hoặc chính Tocqueville, hay Chateaubriand.

Tên của người Pháp sẽ thay đổi rất nhiều (ít nhất là trên bình diện mặt tiền), kể từ Révolution, theo cùng đà biến đổi của không ít danh xưng. Tới đây, ta rất cần một cái nhìn mới: cái nhìn của văn chương, bởi không gì phân biệt hiệu quả hơn cái nhìn ấy (miêu tả các thiết chế nước Pháp của Chateaubriand trong hồi ký Mémoires d'Outre-tombe giúp tôi bổ khuyết không ít vào cho những cuốn sách lịch sử). Ở đầu một cuốn tiểu thuyết, La Rabouilleuse hoặc cũng có thể là Le Cabinet des antiques (một trong hai - tôi sẽ kiểm tra), Balzac nói rằng tại "Préfecture x" rồi chua thêm ngay, "Préfecture" là tên gọi kể từ Cách mạng, còn trước đó nó là một "Intendance"; hoặc "Province" sẽ biến thành "Département" (đối với Balzac, "province" rất quan trọng, như tôi từng nhiều lần nhấn mạnh hồi dịch các tiểu thuyết thuộc bộ Vở kịch con người). Một nhà văn lớn luôn luôn gọi tên hết sức chính xác. Sự phân biệt này cần thiết vô song vào những giai đoạn nhiều biến động. Chẳng hạn, cần phân biệt "noblesse" và "aristocratie": đến thời của Louis XV, Louis XVI, không thực sự còn "noblesse" mà chỉ còn "aristocratie" (ngoài ra, Balzac, và cả Stendhal đều ra sức cảnh báo: tình yêudục vọng không phải là cùng một thứ - độc giả của Stendhal sẽ biết Stendhal là độc giả của không ít nhân vật trọng yếu của đoạn cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, nhất là Maine de Biran, Cabanis và Destutt de Tracy - Bonaparte từng rất hãnh diện vì là "đồng nghiệp" của hai nhân vật sau tại "Institut", thiết chế do Cách mạng lập ra).

Nhưng, cũng như Révolution không chỉ là một cuộc cách mạng, mà bao gồm nhiều cách mạng trong đó, thời điểm 1789 của nước Pháp không thực sự đơn lẻ: Edgar Quinet nói rằng Cách mạng Anh tháo dây buộc và Cách mạng Pháp hoàn tất (Quinet là một người cùng thời với Michelet, mà Michelet nhanh chóng nhận ra và công nhận thiên tài); Cách mạng Mỹ cũng vừa diễn ra (nước Anh của Pitt nuôi lòng thù hận lâu dài - và trả thù được với Waterloo cũng như trước đó, với việc Nelson phá hủy hạm đội Pháp của de Villeneuve - vì nước Pháp của Louis XVI ủng hộ nước Mỹ non trẻ, Lafayette, etc.: Lafayette sẽ đóng vai trò không nhỏ trong cuộc Cách mạng, nhất là với màn đứng cùng Louis XVI rồi Marie-Antoinette ngoài ban công tại Versailles khi vua bị người Paris đưa về thành phố, tháng Mười năm 1789). Và, cũng 1789, tại một xứ xa xôi, có biến động lớn: chính là Quang Trung (Gia Long và Bonaparte lên ngôi hoàng đế đại khái cùng thời điểm). Nhưng chưa hết: Toussaint-Louverture đã tận dụng thời cơ để thực hiện cuộc cách mạng thuộc địa Haiti - một trăm năm mươi năm sau đó, những người Indochine cũng sẽ lặp lại điều này (tất nhiên lúc đó chuyện đã khác rất nhiều). Cả thế giới như thể bị đặt thuốc nổ sẵn để bùng nổ khắp nơi.

Cách mạng đi kèm chiến tranh, cả ở phương diện bên ngoài lẫn nội chiến: đây là hình mẫu (cuộc Cách mạng 1917 cũng vậy, rồi cuộc "Cách mạng" 1945, tuy mỗi lần lại có các biến tấu). Những trận đánh (Valmy, Jemmapes rồi Fleurus, trước khi Bonaparte thực sự xuất hiện) lặp lại sự thể: nước Pháp đánh nhau với châu Âu. Hồi ký của Saint-Simon thuật rất sinh động các chiến dịch mà Saint-Simon hồi trẻ cùng các triều thần của Louis XIV tham gia. Nếu đọc, chắc hẳn Tạ Chí Đại Trường sẽ thích thú vì nhận ra chúng rất giống với kiểu "đánh giặc mùa" mà chính Tạ Chí Đại Trường đã miêu tả trong cuốn sách về nội chiến Việt Nam. Napoléon, trước hết, lặp lại Louis XIV.

Furet, nhà bình luận Révolution lớn của thế kỷ 20, mặc dù khẳng định Michelet đã nhầm lẫn khi cho rằng các biến loạn (liên quan đến nội chiến nước Pháp) Vendée (Victor Hugo sẽ viết cuốn tiểu thuyết đồ sộ nhưng rất dở về Vendée, Quatre-vingt-treize; còn Balzac sẽ viết cuốn tiểu thuyết thiên tài về quãng biến loạn "chouanerie": Les Chouans) bắt nguồn từ sự câu kết của giới thầy tu và nông dân (với yếu nhân Cathelineau, và đặc biệt có sự tham gia của Stofflet, một "garde-chasse" nhà quý tộc, nhân vật không khỏi khiến ta nghĩ ngay đến Michu của Balzac), nghĩ Michelet rất chuẩn xác, với một trực giác vĩ đại, khi hiểu được rằng cuộc Cách mạng Pháp không có nhân vật trung tâm, không có lãnh tụ đích thực, tức là không có một Cromwell hay một Washington. Rất có thể, Bonaparte có vị trí như vậy là vì Bonaparte là người nước ngoài (ít nhất, không hẳn là người Pháp). Điều này rất Pháp, thêm một lần nữa. Và cũng thêm một lần nữa, nhà quan sát sâu sắc nhất đã xuất hiện từ bên ngoài: năm 1795, tức là sau khi Robespierre đã sụp, xuất hiện tại Paris, từ Thụy Sĩ, một thanh niên, đó là Benjamin Constant. Lúc này, Constant là người tình của Madame de Staël (về Madame, xem ởkia). Madame de Staël là con gái của Necker đã nhắc ở trên, "ministre" của đoạn cuối triều Louis XVI: đây là thời điểm Louis XVI đã bỏ lỡ (chắc vì không hiểu) cuộc cải cách đề xướng bởi một kinh tế gia vĩ đại, Turgot.


Chateaubriand là một nhà quý tộc rất không ưa thân phận quý tộc của mình (và nghèo, mặc dù dòng họ Chateaubriand đặc biệt lâu đời). Balzac, Comte, Michelet hai mươi tuổi ở đoạn Trung hưng (tức là sinh ra trong khoảng Bonaparte mắc kẹt ở Ai Cập trước khi trở về Pháp và trở thành nhân vật số một) còn Chateaubriand hai mươi tuổi đúng vào thời điểm Révolution. Đó là con người được tiền định để chứng kiến nước Pháp sụp đổ, cùng với nó là sự sụp đổ của vương quyền và quý tộc. Trung hưng (1815), Chateaubriand sẽ thuộc vào những người được giao nhiệm vụ đi tìm di hài của Louis XVI và Marie-Antoinette (sau khi bị chém đầu, xác họ bị vùi sơ sài ở nghĩa địa Madeleine). Trong hồi ký Mémoires d'Outre-tombe, Chateaubriand kể mình từng đến Versailles (trước đó, chủ yếu Chateaubriand ở quê nhà - vùng Bretagne - và rất không thích lên Paris) vào thời điểm sau sự biến Bastille nhưng mối quan hệ giữa Louis XVI và Assemblée Nationale cùng dân chúng Paris còn chưa xấu đi; Marie-Antoinette đi ngang qua, một triều thần giới thiệu để Chateaubriand chào, Marie-Antoinette mỉm cười đáp lễ; Chateaubriand nói rằng chính nhờ nụ cười ấy mà mình sẽ nhận ra được di cốt hoàng hậu, để hoàn thành nhiệm vụ được giao sau này. Nhưng chân dung đặc biệt hấp dẫn mà Chateaubriand để lại là chân dung Mirabeau, mà Chateaubriand gặp một lần. Sang đến năm 1791, Chateaubriand đi Saint-Malo chuẩn bị lên tàu sang Mỹ, quyết định rời bỏ nước Pháp sụp đổ. Đúng thời điểm ấy, Chateaubriand nhận được thư của anh trai, trong đó thông báo Mirabeau vừa chết. Đây là cái chết của nhân vật lớn đầu tiên trong Cách mạng, cái chết ngay lập tức gây ra rất nhiều ồn ào. Sẽ còn rất nhiều người khác chết.


Balzac, Comte, Michelet: một thế hệ; hơn họ ba mươi tuổi là thế hệ của Chateaubriand - đây cũng là thế hệ của Benjamin Constant và của thêm một nhân vật nữa: Bonaparte (Chateaubriand luôn luôn coi mình là người đương đầu với Bonaparte - và quả thật cũng từng đương đầu: sau khi làm "secrétaire" cho tòa đại sứ Pháp tại Rome (thời Trung hưng, Chateaubriand sẽ trở thành đại sứ ở đây), được Bonaparte, khi ấy là "Premier Consul", cử làm "ministre Pháp" sang trông coi Le Valais bên Thụy Sĩ, đã sắp đi nhậm chức thì xảy ra vụ xét xử và giết chết công tước d'Enghien (vụ việc rất trọng yếu, xảy ra không lâu trước khi Bonaparte trở thành hoàng đế trong một buổi lễ đăng quang tại Notre-Dame de Paris - tôi sẽ còn quay lại với duc d'Enghien; về Bonaparte, tôi thấy thật khó tự ngăn mình chơi chữ: đó là một "insulaire" lên đến đỉnh cao quyền lực trong một chế độ "consulaire"), Chateaubriand từ chức luôn và sẽ không còn dính dáng gì đến Đế chế nữa). Giữa hai thế hệ ấy là Stendhal. Và ngay tiếp theo thế hệ của Balzac sẽ là thế hệ của Sainte-Beuve (bộ sách của Sainte-Beuve về Chateaubriand trở thành kinh điển trong lịch sử phê bình văn học, một tác phẩm fameux - tôi sẽ sớm trở lại) và Alexis de Tocqueville.

Giờ đây, đọc Michelet không dễ. Rất không dễ đi vào một tinh thần như vậy. Đối với tôi, "mê cung Michelet" cần có một sợi dây Ariane, và sợi dây ấy là Roland Barthes: bị ốm, phải nằm suốt một thời gian dài (theo tập tục y học thời đó: sau thời các bác sĩ khuyên người ta đi tắm suối nước nóng thì đến đoạn bệnh nhân rất hay vào các "sanatorium" trên núi để chữa bệnh phổi; trong các tiểu thuyết của Balzac, đông đặc bệnh nhân mắc chứng "gastrite" - mỗi thời lại có một hoặc vài thứ bệnh tiêu biểu gắn liền với nó), Barthes đọc Michelet. Michelet trở lại trong thế kỷ 20 (đầu thập niên 50) là nhờ Barthes. Những miêu tả và phân tích Michelet của Barthes chuẩn xác rợn người, và chắc hẳn nhất thiết cần cho những người của thời đại ngày nay muốn đọc Michelet.

Révolution của Michelet, tuy vậy, không hề ít phần hiện đại (nếu thực sự đọc được nó). Michelet có công lao rất lớn trong việc đi tìm các tài liệu tản mát. Đó chính là người đầu tiên chạm vào rất nhiều lưu trữ, cả công lẫn tư, và rút từ đó vô số điều (cụ thể câu chuyện ấy, chắc sẽ có ngày tôi phân tích kỹ hơn); Michelet cũng là người giúp một số nhân vật không bị lãng quên, chẳng hạn nhà báo Loustalot. Đối với Michelet, đó là nhà báo lớn nhất của giai đoạn Cách mạng: tờ Les Révolutions de Paris của Loustalot có lúc in đến 200.000 bản. Cái nhìn của Michelet rất nhiều khi gây bực bội (nhưng đã có Barthes ở đó để giải thích - nhất là trấn an chúng ta), nhất là những cơn hứng khởi cộng hòa của Michelet có thể dâng lên khủng khiếp. Nhưng cũng rất nhiều khi Michelet chạm đến sự miêu tả mà chỉ nhà văn lớn mới đủ sức. Chẳng hạn, Michelet giải thích Robespierre sở dĩ luôn luôn được phụ nữ hết lòng bảo vệ không phải vì có gì hấp dẫn, mà vì Robespierre "giống như nhà thờ". Michelet cũng chính là người xác định danh xưng tồn tại lâu dài cho Camille Desmoulins: "Voltaire của Cách mạng" (le Voltaire de la Révolution).

Michelet trở thành "trạng sư" biện hộ cho những người Girondins. Điều này hết sức quan trọng, vì họ thường xuyên bị coi là bạc nhược, nhất là trong việc tìm cách tránh chiến tranh. Nhưng Michelet, nhiều lúc, cũng biện hộ cả cho các nhân vật của phe "Montagne". Đặc biệt, Michelet đặt một số nhân vật vào vị trí chuẩn xác, chẳng hạn như Condorcet hay nhất là Sieyès đã nói đến ở phía trên. Sieyès không vắng mặt trong bất kỳ bộ sách đáng kể nào về Révolution, nhưng chỉ thực sự trở thành đề tài nghiên cứu trong vòng vài (rất ít) thập niên trở lại đây. Đó là lý thuyết gia đích thực của cuộc Cách mạng.


Rất nhiều nhân vật của Révolution 1789, những người thực sự có vai trò lớn (Sieyès như đã nói, hay Loustalot như cũng đã nói, hay Vergniaud, anh em Lameth, etc.) dần dần bị lãng quên, trong ký ức chung chỉ còn lại vài khuôn mặt, Mirabeau con người thiên tài nhưng khó đoán, chết rất sớm (và không phải bị chém đầu), tác giả của tập thư lừng danh gửi Sophie (thêm một Sophie nữa đối tượng của những loạt thư nổi tiếng: tất nhiên ta nhớ đến Sophie Voland người nhận các bức thư của Diderot); Robespierre và nơi trú ẩn, nhà Duplay (Robespierre bị chém đầu cùng đợt với hai nhân vật gần gũi, Saint-Just và Couthon); Marat nạn nhân của cô thiếu nữ Charlotte Corday và nhát dao đâm từ trên xuống (vì lúc đó Marat đang ngồi trong bồn tắm); hay Danton (giống Robespierre, người đã không chịu cứu Danton, Danton bị chém đầu cùng hai nhân vật rất thân cận, Camille Desmoulins và Fabre d'Églantine) - cái đầu của Danton sẽ còn xuất hiện trong một cuốn tiểu thuyết fameux của Raymond Roussel (một trong những thần tượng của Michel Foucault); Dumouriez viên tướng chỉ huy quân Pháp trong chiến thắng Valmy nhưng sau đó trở nên hết sức khó hiểu, etc.

Cuộc Cách mạng đi theo những đợt: nếu nhìn từ "Assemblée Nationale" thì có mấy đoạn, "Constituante", "Législative" rồi Convention (Quốc ước), sau đó đến đoạn "Directoire" (Đốc chính), Sieyès sẽ từ chối làm "Directeur", lúc đầu, nhưng về sau lại nhận, và trở thành yếu tố quan trọng giúp Bonaparte có vị thế. Michelet (vì bộ sách chỉ đi từ 89 đến 94) gần như không nhắc đến Bonaparte (cùng lắm chỉ nói loáng thoáng ba lần: nhưng đã có các nhà văn, Balzac trong César Birotteau chọn đúng thời điểm Bonaparte thực sự xuất hiện, "vụ Vendémiaire", để cho nhân vật César của mình phải đối đầu với Bonaparte tại nhà thờ Saint-Roch và bị Bonaparte, lúc đó bắt đầu được Barras cất nhắc, xiên cho một cú; văn chương không hẳn ở xa hiện thực: trong tiểu thuyết của Balzac, César đối đầu với Napoléon, thì trong thực tế, nhân vật làm Napoléon thất bại là Sa hoàng Alexandre: lịch sử quả thật chỉ chăm chăm lặp lại, Alexandre, César, tyran và despote, etc.); Michelet cũng gần như không quan tâm đến hai nhân vật: Talleyrand và Fouché, cả hai đều đặc biệt hấp dẫn Balzac. Cả hai đều xuất hiện trong các tiểu thuyết của Balzac, Talleyrand giám mục nhà ngoại giao thâm trầm và Fouché trùm cảnh sát (tức là "gián điệp"); nhân vật de Marsay - đi qua rất nhiều tiểu thuyết thuộc Vở kịch con người - được khuôn rất nhiều theo Talleyrand.

Nếu nhìn từ khía cạnh chiến tranh, thì có đoạn trước Napoléon và đoạn của Napoléon. Văn chương nào trình hiện hình ảnh Napoléon vĩ đại hơn cả? Chắc hẳn là Một vụ việc ám muội của Balzac. Đoạn cuối cuốn tiểu thuyết, cô thiếu nữ quý tộc de Cinq-Cygne sẽ được ông de Chargeboeuf già quẩy cỗ xe ngựa nát chở chạy theo đội quân đến Iéna (Jena) - trực giác nhà văn khiến Balzac chọn đúng trận đánh Iéna, một trong những trận đánh không thực sự rõ bên nào thắng (có nhiều trận như vậy, nhất là trong số những cuộc chiến tranh Napoléon: cũng như trận Borodino cả bên Nga lẫn bên đối thủ đều tuyên bố mình thắng, hay trận Waterloo, về cơ bản bên Pháp thắng, trận Iéna đối với người Phổ Napoléon không hề thắng) - ngay trước khi trận đánh nổ ra, nhờ tìm được cách (qua Talleyrand) liên hệ với Duroc, cô thiếu nữ và de Chargeboeuf gặp được Napoléon. Tướng quân trước trận đánh thường hào phóng, Bonaparte đã ký ngay lệnh ân xá cho anh em de Simeuse (họ cũng sẽ đi lính cho Napoléon và cùng tử trận vào một thời điểm); Bonaparte cũng nhìn sang ông già de Chargeboeuf và ngỏ ý muốn ông gửi một đứa cháu làm thị đồng cho mình.

Câu chuyện Một vụ việc ám muội có bối cảnh là một điều khác nữa của Cách mạng 1789: Émigration (tức là giới quý tộc Pháp chạy khỏi đất nước, đi lưu vong). Trong số những người em trai của Louis XVI, công tước d'Artois (sau này sẽ trở thành Charles X, ông vua cuối cùng của nhà Bourbon) thuộc vào số những người đầu tiên đi, ngay khi vụ Bastille (de Launay, etc.) xảy ra - chính vì vậy d'Artois không thực sự được lòng giới quý tộc; người em khác, công tước de Provence thì sẽ ở lại (đây là Louis XVIII, người thực hiện Trung hưng, khi Bonaparte bắt đầu thua trận: tướng quân bách chiến bách thắng, chỉ cần thua một trận là tan nát). Câu chuyện về Émigration, không có tài liệu nào vượt được những gì Chateaubriand đã viết.

Ở Mỹ được vài tháng, giữa lúc đang phiêu lưu rừng núi thì Chateaubriand tình cờ nhặt được tờ báo, trong đó nói vua Louis XVI bỏ chạy khỏi Paris (trường đoạn Varennes nổi tiếng) và bị bắt đưa về Paris lại. Chateaubriand bèn lên tàu về Pháp luôn (mặc dù không có đồng nào). Ngay sau đó là cuộc lưu vong. Chiến đấu một thời gian trong đội quân quý tộc (có lần Chateaubriand gặp Brunswick đã nói ở trên - Brunswick sẽ bỏ mạng tại Waterloo), Chateaubriand bắt đầu quãng bảy, tám năm nghèo đói, bệnh tật, cô đơn ở Anh.

Tiếp tục câu chuyện những người cùng thế hệ: khi Napoléon bất ngờ từ đảo Elbe quay trở về (1815) - sắp chuẩn bị quãng "Bách Nhật" (Cent-Jours: Joseph Roth sẽ viết một cuốn tiểu thuyết lấy đề tài ấy), Benjamin Constant viết thư cho một người bạn, nói rằng mình cùng Chateaubriand và dăm người nữa đã trở thành những người gặp nguy cơ lớn nhất, chừng nào Napoléon về đến Paris. Điều đó hẳn nhiên đúng, vì Constant từng công khai gọi Napoléon là "tyran" còn Chateaubriand, với tác phẩm ngắn (một "brochure") mang tên De Bonaparte et des Bourbons trước đó không lâu đã giúp nhà Bourbon không ít - bản thân Louis XVIII cũng cho cuốn sách của Chateaubriand đáng giá bằng đội quân một trăm nghìn người. Nhưng Constant sẽ ở lại, còn Chateaubriand tiếp tục lưu vong lần nữa (đi cùng Louis XVIII sang Gand).

Từ 1789 (thật ra phải tính trước đó, nhất là mốc 1787 đặc biệt quan trọng - tôi sẽ còn trở lại) đến thời điểm sụp đổ của Bonaparte là 25 năm. Đây là một quãng chuẩn của lịch sử. Lịch sử đi theo đợt, nhưng cũng đi theo các vòng. Tacite, sử gia vĩ đại, nghĩ các vòng chuẩn là mười lăm năm. Bản thân Chateaubriand (cf. Mémoires d'Outre-tombe) cho một vòng tròn là ba mươi ba năm - vì Jesus Christ là mẫu cho mọi thứ.

Trong vòng 25 năm đó, mọi thứ sụp đổ, nhưng mọi thứ cũng sinh ra. Ta có, ngay lập tức, thực thể đi kèm với Révolution: chủ nghĩa lãng mạn (mà Chateaubriand đóng vai trò lớn vô biên). Nhưng không chỉ có vậy: với Michelet, lịch sử đã hình thành: nước Pháp đi từ truyền thống Hồi ký (Mémoires, như Mémoires của Saint-Simon) sang Lịch sử (cũng như từ Khổng Tử đến Tư Mã Thiên, Trung Hoa đi từ kinh sang sử) - nói như Albert Thibaudet (xem ởkia), trước đó có sử gia nhưng không có lịch sử, như từng có đoạn rất dài có nhà phê bình nhưng không có phê bình văn học (hết sức có ý nghĩa, cũng chính ở thời điểm Cách mạng ấy, Gibbon bắt đầu viết bộ sử về La Mã). Không chỉ có vậy, nếu ai còn nhớ (có ai còn nhớ không nhỉ?) đối với Michel Foucault, Chateaubriand là thời điểm sinh ra (tức là, đi vào tồn tại) của văn chương: trong mô hình của Foucault, Chateaubriand là trục hoành, còn marquis de Sade (một người đương thời nữa) là trục tung.


Tacite, như vậy, không khác so với Nguyễn Du ("Mười lăm năm ấy" etc.). Vấn đề nằm ở chỗ, bao nhiêu vòng tròn thì đầy đủ mặt nước? Dẫu sao thì, các vòng tròn cứ sinh ra rồi biến mất đi, rồi lại sinh ra - một quá trình vô tận.

Cũng như lịch sử: vô vàn chuyển động ngầm, trước khi bùng lên (biểu kiến ra thành vòng tròn trên mặt nước). Miêu tả Michelet của Barthes: đó là một người đi trong lịch sử, nói đúng hơn, đi trong tính vật chất của lịch sử. Tiến lên trong mọi trạng thái của vật chất ấy, thăm dò nó, nói đúng hơn, tra hỏi nó (bắt nó nói - bằng ngôn ngữ riêng của nó, tất nhiên): đấy là Michelet đi theo chuyển động của lịch sử. Nhưng cũng có những khi sử gia đổi chuyển động - đó là lúc, theo Barthes, Michelet chọn một position khác (từ trên cao, ít nhất là thoát ra bên ngoài môi trường "thông thường"), và từ đó mà có một trình hiện kiểu khác, các tableau, bảng lược đồ: ấy là những thời điểm các vòng tròn trên mặt nước được hình thành.

Quay trở lại với những cái tên riêng: Fouquier-Tinville chẳng hạn, đó là một cái tên gây hãi hùng, nhân vật gửi người ta đến máy chém guillotine (rồi rốt cuộc cũng lên máy chém nốt), hay cái tên đặc biệt hấp dẫn, "de La Rochejaquelein", nhân vật gắn liền với "Vendée" - cái tên dĩ nhiên khiến ta nghĩ ngay tới La Rochefoucauld. Hoặc những nhân vật "Breton" đồng hương với Chateaubriand, trong đó nhiều cái tên có yếu tố "ker" rất gợi hương vị vùng Bretagne (vùng Bretagne đặc biệt quan trọng trong giai đoạn đó, nhất là vai trò của thành phố Nantes, rất quan yếu đối với sự tồn tại của nền Cộng hòa); một nhân vật mang họ như vậy xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết Le Bal de Sceaux (Vũ hội ở Sceaux) của Balzac, tác phẩm đứng ngay vị trí thứ hai trong Vở kịch con người; sau cú tình ái não nề đầy tuyệt vọng, Émilie de Fontaine sẽ chấp nhận lấy người bà con đã rất già, bá tước de Kergarouët; cuốn tiểu thuyết lớn về vùng Bretagne của Balzac, tuy vậy, phải là Béatrix. Nhìn chung, giai đoạn ấy, có rất nhiều cái tên dài: ngay Napoléon Bonaparte cũng là một cái tên dài, hoặc - rất dài - Maximilien (de) Robespierre (độc giả của Les Misérables chắc chắn còn nhớ Robespierre).

Sự thể ngược lại ở bên kia biển Manche: những người Anh của giai đoạn ấy đồng loạt mang những cái họ rất ngắn. (William) Pitt chẳng hạn. Hay chính (Edmund) Burke. Burke, vì những vấn đề liên quan đến Cách mạng Pháp 1789 mà cãi nhau với một người bạn thân, đến nỗi từ mặt nhau (nôm na là "nghỉ chơi"), đó là Fox, một chính trị gia quan trọng khác - thêm một cái họ rất ngắn. Ta nhớ, tướng Monk (Monck) (xuất hiện rất đáng nhớ trong Tử tước de Bragelonne) cũng vậy - Monk là viên tướng kỳ quặc, sau khi bình định các phe phái rồi thì lại gọi Charles Đệ nhị về làm vua (từng có lúc, công tước de Provence tức Louis XVIII tương lai cho người đến dò hỏi Bonaparte vì hy vọng biết đâu đây sẽ là một Monk thứ hai - tất nhiên đó chỉ là một ảo tưởng). Wellington thì trông như là ngược lại, nhưng cũng không hẳn: trước đó họ của Wellington khác. Mối quan hệ giữa Wellington và Bonaparte không khỏi làm tôi thấy nên so sánh với mối quan hệ giữa Lã Mông và Quan Vũ ("Quan Vân Trường cạo xương chữa thuốc/Lã Tử Minh áo trắng sang đò").

Và lại những từ: gắn liền với "Émigration" ở trên là từ "Légitimité" (tức là chính thống: về chính thống trong tương quan với nhất thống và truyền thống, xem ởkia). Thêm một từ lớn, mà đại diện lớn chính là Chateaubriand (trên chính trường Pháp về sau, Chateaubriand sẽ còn là đại diện cho một phái khác, gọi là "ultra" - và không chỉ có vậy).

Trong cuốn sách lớn của mình về Chateabriand, Sainte-Beuve nhấn mạnh vào việc Chateaubriand sinh ra (trước một số năm) ngay gần sát nơi sinh ra một nhân vật "Breton" khác, Lamennais (La Mennais). Lamennais cùng Lacordaire sẽ hết sức quan trọng trong pha chiêu hồi liên quan tới Cách mạng, trên bình diện tôn giáo (1789, tất nhiên, liên quan rất nhiều đến tôn giáo). Lamennais cũng là người dịch sang tiếng Pháp Imitation, cuốn sách huyền thoại của Ki-tô giáo, mà người ta không thực sự biết tác giả và hay coi là tác phẩm của "Thomas à Kempis". Cuốn sách ấy có vai trò hết sức lớn trong cuốn tiểu thuyết Mặt bên kia của lịch sử hiện thời của Balzac.




(còn nữa - đã tiếp tục "Proust: Jean Santeuil""Trong lúc đọc Lukács (5)")




Jules Michelet:

Michelet: Nữ phù thủy
Roland Barthes: "Michelet, Lịch sử và Chết"
Cách một
Sử ký
Tạ Chí Đại Trường và Michelet


các năm:

1979
1913
1967
1933
1934


1968 (8)
1968 (7): Tết
1968 (6): Mồng một Tết Mậu Thân là ngày 29 tháng Giêng dương lịch
1968 (5): báo là báo và nhà báo là nhà báo
1968 (4)
1968 (3): Tết trồng cây
1968 (2): Ngày 5 tháng Giêng
1968 (1)

12 comments:

  1. Không hiểu về Burke thì đừng nói bậy chủ blog à. Xin đấy.

    ReplyDelete
  2. thế á? nhưng tôi đã nói gì về Burke đâu, sao đoán nhanh thế?

    anw, nếu có muốn nói gì về Burke thì cứ nói đi

    ReplyDelete
  3. hay! xem thế thì Cách mạng quả là "out of time", hay là nơi lộ ra của "essence" trước khi chìm vào trở lại. vậy quan niệm của Alain Badiou về "sự kiện" cũng là một khai phá nối tiếp trên lộ trình từ "Memoirs from beyond the grave". về chuyện đặt thuốc nổ khắp thế giới (kkk !) thì Cách mạng lại làm thành điểm mốc của chặng gia tốc sự tha hóa trên tầm mức cũng thế giới luôn.

    ReplyDelete
  4. ngôn ngữ nào cũng đồng loạt nói một điều, nghe thì rất mỉa mai nhưng rất đúng, có những thời điểm, những đoạn thời gian của "sâu bọ lên làm người"

    ReplyDelete
  5. khá khen cái gọi là đác-uyn luận. như thế là "đột biến" cơ á?

    ReplyDelete
  6. lịch sử "đi" từng đợt. hay. 25 năm ở chỗ một bọn hậu bối xa lắc của 1789 có đám "insular" tiến hóa thành "despot". nhưng ko có "văn chương" đc sinh ra.

    ReplyDelete
  7. mọi thứ vẫn thế, nhưng sắp xếp thì khác nhau, nhất là trong chuyện cái gì trước cái gì sau, cũng như một số biến thể, biến tấu - trong một biện chứng lặp đi lặp lại

    ReplyDelete
  8. cái năng lượng của dục vọng thì e là phi biện chứng. sự trình bày nó, tạo lập ngôn ngữ nó (như marquis de Sade đã làm /- RB) thì hẳn; nhưng bản thân nó vẫn ở ngoài biện chứng của các sự kiện.

    ReplyDelete
  9. đó chính là cái mà vụ positive/negative muốn hướng vào để xem xét, có thể đoạn sắp tới sẽ lộn ngược lai với nó (một người của biện chứng như Marx có thể nhìn thấu 1848 và 1870 nhưng dường như lại không hề như vậy với 1789)

    ReplyDelete
  10. Michelet: "The French Revolution in its rapid appearance, in which it accomplished so little, saw, in the glim mers of lightning, unknown depths, abysses of the future."

    Or, as Maurice Merleau Ponty claims later, "Revolutions are true as movements and false as regimes." In accomplishing itself, it betrays itself.

    ReplyDelete