May 1, 2019

[tiện bút] về phía Lâm Viên

Chateaubriand, khi ấy đã già (ngày nay ở một số nước, 75 tuổi mới bắt đầu được tính là già, nhưng hồi cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, hiếm người sống đến tuổi 60; thêm nữa, quãng thời gian đó, máy chém guillotine càng góp phần giảm tuổi thọ trung bình), có một chuyến đi lạ thường sang Venise - sau nhiều người, như Montaigne hay Rousseau, nhưng trước cũng rất nhiều người, chẳng hạn John Ruskin). Đó là năm 1833.

Đó là mùa thu, và đó không phải chuyến đi xa duy nhất, rời khỏi ngôi nhà Paris trên cái phố mang tên rất hợp với văn chương Chateaubriand: rue d'Enfer. Ông già Chateaubriand (nhưng từ "già" dùng với một số nhân vật nghe rất kỳ dị: từng xảy ra một chuyện, có bà mẹ ở Lyon nghe tin Chateaubriand sắp đi từ Lyon lên Paris đã vội vã viết thư, định nhờ ngài tử tước trông coi cô con gái, nói ngắn gọn là gửi con gái đi cùng chuyến xe; Chateaubriand nhận lời và bà mẹ dẫn cô con gái tới, nhưng vừa nhìn thấy đối tượng thì bà đỏ lựng mặt và bối rối tìm cách hủy bỏ "commission", trước đó bà tưởng đâu tác giả bộ sách danh tiếng Génie du Christianisme giống một thầy tu già nua, tức là vô hại trên một số phương diện, nhưng giáp mặt rồi thì thấy mình nhầm thê thảm - Chateaubriand vô cùng tự hào khi kể lại câu chuyện chẳng phải không hài hước ấy, chắc cũng tự hào không kém khi nói nhận ra lord Byron đã thuổng không ít từ mình để viết Childe Harold, nhưng lại không bao giờ nhắc tên Chateaubriand) hồi mùa xuân cùng năm đã có một chuyến đi xa khác: từ Paris sang Praha (tất nhiên phải mất nhiều ngày cho một hành trình như thế: vốn dĩ "hành trình", Itinéraire, nằm trong nhan đề một tác phẩm của Chateaubriand rất nổi tiếng một thời nhưng chắc ngày nay rất ít người còn đọc: trên trục thời gian cũng xảy ra điều tương tự như trên chiều của không gian, người ta chỉ nhìn thấy thấp thoáng công tua của một số thứ). Đây là thời điểm cuộc lưu đày thứ ba của nước Pháp - Chateaubriand là người duy nhất có mặt trong cả ba. Émigration của giới quý tộc ở thời điểm Cách mạng 1789 đặt Chateaubriand tuổi hai mươi vào cuộc vạ vật bảy, tám năm bên Anh; kỳ Bách Nhật (Cent-Jours) của Bonaparte khiến Chateaubriand tiếp tục lưu vong (lần này ngắn ngày) cùng dăm ba triều thần và vua Louis XVIII; đó cũng là thời điểm tử tước, ở độ tuổi ba lăm, trở thành nhân vật chính trị. Cuộc đời chính trị của Chateaubriand kết thúc (ít nhất là gián đoạn) với cuộc cách mạng nữa: Tháng Bảy 1830 và Louis-Philippe. Không ai chứng kiến thăng trầm của nhà Bourbon đậm đà như tác giả của Atala.

Charles X, thêm một em trai của Louis XVI - ông vua bị chém đầu - ở ngôi vua được sáu năm, sau Louis XVIII, một em trai khác của Louis XVI. Các sự biến 1830 đẩy Charles X lên đường lưu vong nốt. Chateaubriand (trước đó ở Paris đã vì vụ việc mà bị nhốt vào ngục, rồi ra tòa) đi từ Paris sang Praha (nơi Charles X cùng lèo tèo vài cận thần định cư) để thực hiện một "commission" khác, từ Madame de Berry, nữ công tước bất hạnh, liên quan đến Henri V mới mười hai tuổi, ở cùng chỗ với Charles X (tại Praha lúc ấy, như vậy, có tận ba ông vua - ít nhất là vua trong sự công nhận của phái chính thống, cái phái dường như chỉ còn duy nhất một thành viên, là Chateaubriand - Charles X và con trai (Louis XIX) và Henri V, được coi là vua sau khi hai nhân vật kia nhường ngôi). Chateaubriand cũng gặp, trong chuyến đi sang Bohemia đó, "Dauphine", tức là con gái của Louis XVI, người được Madame de Berry gửi gắm trông coi các con của mình, trong đó có Henri V. Cuộc gặp ấy diễn ra tại Carlsbad (đây là tên gọi kiểu Đức, địa danh đó - cũng như vô số địa danh khác - cùng một lúc có rất nhiều biến thể).

Chúng ta sẽ rối trí khủng khiếp với tất tật những chi tiết ấy; vả lại chúng chẳng có ích lợi gì. Điều làm tôi quan tâm hơn cả trong hai câu chuyện hành trình (hay được gọi là "du ký") năm 1833 của Chateaubriand nằm ở điều mà Roland Barthes từng gọi ngắn gọn là "đi kiểu lãng mạn" - sự dịch chuyển buộc con người xâm nhập thật sâu vào sự vật, phong cảnh và những chuyển động bày ra. Một ví dụ lớn cho điều đó là những gì Novalis viết.

Người kết thúc những chuyến đi lãng mạn (và rất hay là về phương Đông) dường như là Gérard de Nerval, bằng Voyage en Orient in năm 1851. Năm 1851 thì Chateaubriand đã chết (đó là một con người phải chứng kiến rất nhiều cuộc cách mạng: sau những biến loạn hồi tháng Sáu 1848 vài hôm thì Chateaubriand cũng qua đời: một người biết đến cả 1789, 1830 và 1848 là một người trải qua quá nhiều cách mạng), năm 1851 thì Balzac cũng đã chết (Chateaubriand sinh trước Balzac 31 năm nhưng chỉ chết trước có hai năm). Từ đó trở đi vẫn còn rất nhiều du ký (Maurice Barrès, Claude Lévi-Strauss - người căm ghét các du ký - hay Nicolas Bouvier, vân vân và vân vân), nhưng mọi sự đã khác rất nhiều.

Mọi sự cũng khác rất nhiều giữa hai lần đến Venise của Chateaubriand. 27 năm đã trôi qua kể từ lần đầu tiên Chateaubriand đặt chân đến đây (đó là năm 1806, ngài tử tước trẻ tuổi biết là chẳng thể làm gì dưới Đế chế, lên đường sang Jerusalem - từ đó mà có Itinéraire; đấy đã là chuyến lớn thứ hai của Chateaubriand, sau hồi sang Mỹ năm 1791). Năm 1833, đã ngoài 60 tuổi, Chateaubriand có một cái nhìn khác (trước đó, địa danh nước Ý mà Chateaubriand quen thuộc là Rome: có hai lần Chateaubriand làm nhà ngoại giao ở Rome, đoạn ngắn ngủi dưới thời Napoléon, làm "secrétaire" bên cạnh một người họ hàng của Hoàng đế Pháp, hồng y Fesch, rồi thời Trung hưng, làm Đại sứ Pháp tại Rome, trong quãng thời gian đó Giáo hoàng qua đời - đó là Léon XII, người kế vị Pie VII giáo hoàng bất hạnh, người từng bị Bonaparte bắt về Pháp giam tại lâu đài Fontainebleau; tổng cộng, Chateaubriand làm đại sứ Pháp tại ba nơi: Rome, London và Berlin).

Cùng một nơi, nếu tới hai lần với quãng giãn cách trên hai mươi năm, ta sẽ có một cảm giác kỳ quặc. Đối với tôi, (một trong số) đó là Đà Lạt: lần đầu đến đó, tôi mười bảy tuổi. Hơn hai mươi năm sau, tôi mới lại đặt chân đến nơi ấy thêm một lần nữa. Đà Lạt thuộc vào số những địa danh tồn tại bên ngoài các chuyến đi của tôi. Chẳng bao giờ tôi có ham muốn đến Đà Lạt. Gặp lại một người sau ngoài hai mươi năm cũng vậy, chỉ thấy toàn đổ nát và tàn phá.

Cũng như lần sang Praha, cuộc gặp quan trọng của Chateaubriand không diễn ra ở ngay đó mà lại ở Karlovy Vary (nên gọi Carlsbad như vậy - thành phố được đặt theo tên Charles IV, tức là Karel, cũng tức là Carolus, vua Bohemia đồng thời là Hoàng đế La Mã; tôi từng đến Karlovy Vary, một "thành phố nước nóng" với một "fontaine" nổi tiếng phun ra nước nóng được tình cờ tìm ra do một con chó săn, một "limier"), lần đi sang Ý vào mùa thu năm 1833 của Chateaubriand, Venise lại không quan trọng bằng Ferrare. Có một nhà văn Ý cả đời chỉ viết về Ferrare, giống Faulkner chỉ viết về một địa điểm nhỏ bé: Giorgio Bassani, cũng chính là người in cuốn tiểu thuyết lừng danh Con báo của Giuseppe Tomasi di Lampedusa. Ngay sau đó, Chateaubriand lại quay trở lại Praha: vậy là trong năm 1833 ấy, có đến ba chuyến đi, chuyến thứ ba từ Ý (chính xác hơn, từ Padoue, sang Praha, rồi lại từ Praha về Paris): nội vụ của một vương triều suy tàn thường gây nhiều chuyện. Madame de Berry cũng hấp dẫn Balzac, nhiều cuốn tiểu thuyết của Balzac nhắc đến sự kiện hồi 1832 khi Madame quay về Pháp định thực hiện một cuộc Vendée nữa, với mục đích khôi phục ngôi vua cho con trai mình, Henri V - từ tay Louis-Philippe (đây là con trai của công tước d'Orléans với hỗn danh "Égalité"). Henri V sẽ suốt đời làm vua bên ngoài nước Pháp (kể cả khi đã về Pháp sau khi Napoléon Đệ tam sụp đổ, tức là đoạn đầu Đệ tam Cộng hòa). Henri V được Lamartine gọi là "enfant du miracle", vì được sinh ra khi ông bố duc de Berry (con trai thứ của Charles X, tức là em của công tước d'Angoulême người từng xuất hiện ở đoạn đầu cuốn tiểu thuyết Bông huệ trong thung của Balzac: cả ông nội lẫn bác ruột đều thoái vị nên ngôi vua - về danh nghĩa - thuộc về cậu bé Henri V) đã bị ám sát chết: nhân vật ám sát duc de Berry tên là Louvel, cái tên không khỏi gợi nhớ Louvet, tác giả cuốn tiểu thuyết Faublas và từng xuất hiện không ít trong các đoạn của Assemblée Nationale hồi Cách mạng 1789; đó là cuộc cách mạng có không ít vai trò của các nhà văn, như Louvet hay cả Laclos tác giả Những mối quan hệ nguy hiểm.

Văn nhân dính vào chính trị luôn luôn rất rách việc. Đoạn cuối của Chateaubriand khiến tôi quan tâm hơn cả là chi tiết ngôi nhà trên phố Địa Ngục (rue d'Enfer) tại Paris. Dẫu tên nghe ghê gớm (và rất hợp với con người Chateaubriand, người đặt tên cho hồi ký của mình là Hồi ký từ bên kia nấm mồ), "rue d'Enfer" không có liên quan gì đến địa ngục, Dante và Kịch Thần, mà rất có thể bắt nguồn từ một cái gì đó liên quan đến sắt thép (tức là, không phải "enfer" mà là "en fer"), hoặc cũng có thể đó là cách viết (sai) từ "Inferior", đoạn phố bên dưới, trong đối sánh với một đoạn phố "bên trên". Ngày nay, không còn "rue d'Enfer", cái phố xa xưa đó chạy qua một phần đại lộ Saint-Michel và đại lộ Denfert-Rochereau hiện nay. Một sự tình cờ tai quái xảy ra: tên của nhân vật được lấy để đặt tên mới (Denfert-Rochereau liên quan đến cuộc phòng thủ Belfort trong cuộc chiến tranh Pháp-Phổ 1870) lại có yếu tố "Denfert" tức là bao gồm "d'enfer", tức là địa ngục.

Chateaubriand kể mình hay từ nhà đi xuống phía Montrouge, qua một nghĩa trang rất mới. Tôi cũng từng có một năm đặc biệt gắn bó với đoạn ấy. Denfert-Rochereau, rồi đi xuống porte d'Orléans. Tôi rất hay đi qua nghĩa địa ở đầu Montrouge, nhiều lúc không có gì làm còn vào - một nghĩa trang nhỏ - rất có thể đó chính là cái nghĩa trang hồi Chateaubriand tới thì còn "rất mới". Montrouge, mỗi lần nhìn thấy cái tên ấy, lại giống như là tôi phải gặp lại một người quen cũ, mà tôi đã hết sức cố tránh để khỏi phải nhìn thấy.

Cái năm tôi quen thuộc với địa phận ấy (giống như một cuộc đi đày nho nhỏ - trước đó tôi ở chỗ khác, từ đó đi cắt qua vài phố sẽ đến rue L'Abbé-de-l'Épée, phố (rất) nhỏ men theo bức tường cao của tòa công trình có mặt tiền bên phố Saint-Jacques, lối đi huyết mạch để ra jardin du Luxembourg đoạn có Trường Mỏ, cũng như để tới bến tàu RER (tuyến B); Rilke từng có thời gian sống ở phố L'Abbé-de-l'Épée ấy; rue L'Abbé-de-l'Épée đâm vào đại lộ Saint-Michel, chỗ trước đây chính là rue d'Enfer; tôi thường xuyên nhầm nó với một phố (cũng nhỏ) khác không xa lắm, về phía Censier-Daubenton tức là mạn Jardin des Plantes, vì trong tên của nó cũng có yếu tố "thanh kiếm": rue de L'Épée-de-Bois, kiếm gỗ) tất nhiên phong cảnh đã hoàn toàn khác so với trước đó gần hai thế kỷ, hồi Chateaubriand sống ở ngôi nhà số 84 rue d'Enfer. Đó là thời Paris có rất nhiều "barrière", trong đó có "Barrière d'Enfer". Giờ, cần đi theo đại lộ Général Leclerc (đâu cũng thấy tướng quân Leclerc) để từ Denfert-Rochereau đến được cửa ô Orléans. Tôi có thể đi tàu điện ngầm, ligne 4 (tuyến đường màu đỏ) có bến cuối là porte d'Orléans, rồi đi tiếp một chuyến xe bus từ đó về xa hơn, hướng Montrouge; xe bus sẽ chạy vòng quanh bức tường nghĩa địa; xe bus chạy phía ngoài các cửa ô là những xe bus ba số (189, chẳng hạn, chứ không phải hai số như 21 hay 27 quen thuộc hơn cả với tôi), và chạy rất không đúng giờ. Hoặc đi xe bus vành đai PC1, sẽ xuống ở porte de Châtillon rồi đi bộ băng ngang đường vành đai, rồi lại nghĩa địa. Nhưng tôi hay đi xe đạp hơn.

Sống ở ngôi nhà số 84 rue d'Enfer, Chateaubriand trồng cây. Có lẽ không trồng nhiều bằng so với hồi sống ở Vallée-aux-Loups, nhưng cũng không ít: trong hồi ký Chateaubriand liệt kê tỉ mỉ mình trồng bao nhiêu cây loại gì. Và cũng trong hồi ký, Chateaubriand nói rằng nếu sống cách Paris 200 cây số người ta cũng không có cảm giác tách biệt với xã hội bằng sống trên phố Địa Ngục. Madame de Chateaubriand làm một công việc thiện nguyện gần đó. Thời còn trẻ, Chateaubriand từng đến Montmorency, tức là thăm nhà Rousseau (tôi cũng thế, tôi từng đến đó, khi tôi còn rất trẻ, xem ởkia: Rousseau nói, những ngày trời trong, từ ngôi nhà ở Montmorency có thể nhìn thấy Paris bùn lầy nước đọng xa xa). Không phải vì Chateaubriand đặc biệt ngưỡng mộ Rousseau (tôi cũng thế, tôi không đặc biệt ngưỡng mộ Rousseau, nhưng Émile là một trong những cuốn sách lớn đầu tiên tôi đọc trong đời), thậm chí Chateaubriand còn rất hay thể hiện ác cảm lớn với Jean-Jacques. Nhưng cũng đừng vội quá tin điều đó: đã có Sainte-Beuve ở đó để chứng minh rằng thái độ của Chateaubriand với Rousseau phức tạp hơn thế nhiều.

Quãng giữa bùng binh Denfert-Rochereau và porte d'Orléans, nếu rẽ sang tay trái, vào phố Alésia, tìm quanh quẩn một lúc, có thể tìm được ngôi nhà nơi Georges Brassens từng sống hơn hai mươi năm. Brassens của hồi hậu Thế chiến thứ hai hay Chateaubriand đều là những người từ xa đến Paris (một bài hát rất nổi tiếng và cảm động của Brassens nói lên lời cầu xin mình được chôn trên bờ biển quê hương, Sète). Brassens: "Le vingt-deux de septembre, aujourd'hui, je m'en fous", "c'est triste de n'être plus triste sans vous". Brassens sống qua đoạn thời gian Paris đặc biệt nghèo đói, gần như chẳng có gì. Phố Địa Ngục bỗng làm tôi nhớ đến (tôi biết, tôi biết, chuyển từ Chateaubriand đến Brassens đã là quá lắm rồi, giờ lại tiếp tục trượt xa vô biên) "rue Paradis" xuất hiện thoáng qua trong một bộ phim ngớ ngẩn, Taken, có Liam Neeson thủ vai. "Biết đâu địa ngục thiên đường là đâu".

Đi bộ từ chỗ máy bay đỗ ra cửa sân bay Liên Khương, tôi chợt nghĩ đến các thiếu nữ Đông Dương có quốc tịch Pháp, ngày xưa, trong số đó không ít là người lai. Kim Lefebvre, trong một cuốn sách nửa tiểu thuyết nửa hồi ký từng thuật lại câu chuyện đặt chân tới Đà Lạt rồi có bà xơ lái ô tô đến đón, đưa về tu viện, Couvent des Oiseaux.

Sân bay nằm rất xa thành phố: đó là ấn tượng đầu tiên về Đà Lạt. Những con đường dẫn từ sân bay thường xuyên buồn tẻ, làm người ta chỉ muốn đi cho xong, sân bay Cam Ranh, sân bay Phú Bài đều tạo cảm giác ấy. Không thể nào còn đi được theo lối của những Chateaubriand, những Nerval xưa kia, hay trước đó, của những Laurence Sterne hay Tobias Smollett. Hoặc Yersin. Dẫu có muốn thì cũng đâu có được: những đường cao tốc mới làm càng đẩy nhanh mọi thứ hơn. Điểm độc đáo của Đà Lạt là hết đường cao tốc thì còn phải leo một cái đèo, đèo Prenn, thì mới vào được thành phố. Thật ra đó là một chặng đường rất đẹp. Nhưng dường như bất kỳ ai ở Đà Lạt cũng lái xe điên cuồng. Không thực sự là nhanh hay chậm, mà chuyện nằm ở chỗ: sai nhịp. Có một cái gì đó rất lỗi nhịp ở cái địa điểm lừng danh của sự chậm rãi, nơi như thể trở nên chốn trú ngụ bắt buộc của những con người tự nhận là tách rời với ồn ào. Rất có thể, chính ở đó mới thực sự ồn ào: sự ồn ào của một lối sống bo-bo đã bắt đầu bám rễ - nó dễ bám rễ hơn ở các chốn vốn dĩ không có rễ. Không phải là thanh đạm và vắng vẻ, mà là ẩm mốc và mục rã, không phải sự náu mình, mà sự phô trương thậm chí còn được phóng đại lên nhiều lần. Ở đâu thì cơn nouveau riche hóa cũng đang cao độ cực điểm, nhưng dường như có những nơi điều đó mạnh hơn hẳn so với những nơi khác. Bất giác tôi tự hỏi, ở đâu xe cộ đi lại bình thản hơn cả? tôi nghĩ, có thể đó là Quy Nhơn; tại đó gần như mọi taxi đều chỉ cùng một loại. Ở Đà Lạt, đường dốc càng xui khiến người ta lao ầm ầm. Nhưng dốc chỉ là một cái cớ. Tốc độ cũng chỉ là một cái cớ. Đoạn đường đèo kết thúc ở nơi nhìn thấy cái chỏm tròn tròn màu lục của một công trình trang trí: quảng trường Lâm Viên.

Tất nhiên, tôi muốn đi xem lại những nơi tôi từng tới, cách đây hai mươi năm. Và tôi rơi vào một tâm trạng đôi khi xuất hiện: tốt hơn hết là nghĩ rằng mình đã nhầm. Càng nhầm lẫn nặng nề có lẽ càng tốt hơn. Vả lại, quá nhiều sự thật cũng đâu có tốt - too much truth will kill you. Nhưng nỗi ngán ngẩm to lớn ngăn cản tôi. Mãi sau mấy hôm tôi mới quyết định đi xem một vòng - và cũng chỉ một vòng nho nhỏ. Tất nhiên, tôi nhận ra vài nét quen thuộc ở đoạn ven hồ, bên đối diện với Lâm Viên. Nhưng cũng không thực sự. Thêm nữa, sương mù ở Đà Lạt, như tôi nhận ra từ xa xưa, không từ trên cao tỏa xuống, mà bốc lên từ bên dưới.




(còn nữa)

7 comments:

  1. các thứ chi tiết thì càng chi tiết càng hay. vì quá ít biết kể chi tiết. cũng vì nếu được kể tử tế thì nó hé lộ đời chín chín phần trăm là tình cờ.
    thời nay mấy ai còn biết "hành trình" là gì. chẳng lẽ là "trekking".

    ReplyDelete
  2. Chateaubriand trồng cây ở phố Địa ngục. đó có thể là một cái tên truyện, hay là một câu thơ; nên gắn “®” vào.
    hai mươi năm sau sẽ có một viên chức về già jet.m nào đó trồng cây ở khắp Lâm Viên bằng cách rào đất lại bỏ đó và cây cối sẽ tìm lại con đường Pasteur đi.

    ReplyDelete
  3. Sứ mệnh của nhà văn, hình như Faulkner và nhiều người nói đến rồi. Nhưng ở vai trò là một người đọc, em có thắc mắc, sứ mệnh của người đọc là gì, anh giải đáp giúp được không ạ?

    ReplyDelete
  4. Trước câu trả lời của anh là dấu gạch đầu dòng duy nhất hay là số một La Mã ạ?

    ReplyDelete