Apr 2, 2019

Trong lúc đọc Lévy-Bruhl (1)

Tôi đã nghĩ (đã định) chuỗi "trong lúc đọc" tiếp theo sẽ là Sainte-Beuve, thậm chí tôi cho là tôi đã chuẩn bị đầy đủ để bắt đầu, nhưng cuối cùng tôi lại bắt đầu ngay chuỗi tương tự với Lucien Lévy-Bruhl; không bao giờ có thể chắc chắn từ trước một điều gì. Nhân tiện - cùng chủ đề - đã tiếp tục "Trong lúc đọc Lukács (5)".



Trên đây là một quyển sách ở ấn bản đầu của nó, được in mười năm sau khi Lévy-Bruhl qua đời, năm 1949; người học trò của Lévy-Bruhl là Maurice Leenhardt thực hiện bản thảo từ giấy tờ do gia đình Lévy-Bruhl giao. Và như vậy, chúng ta lại quay trở lại với câu chuyện của những quyển sổ ghi chép.

"Carnets" của Lévy-Bruhl quan trọng vô biên để nắm bắt suy nghĩ, nhất là sự dịch chuyển suy nghĩ nơi một trong những nhân vật quan trọng nhất trong sự hình thành cái nhìn vào một dạng xã hội khác (khác so với phương Tây) - đó là một trong những điều sẽ tỏa bóng xuống toàn bộ thế kỷ 20, ở những phương diện rất sâu sắc.

Đặc biệt, trong "Carnets", có thể thấy Lévy-Bruhl dứt khoát cắt bỏ một khái niệm từng nằm ở trung tâm hệ thống được xây dựng trước đó, trong nhiều năm dài: khái niệm lừng danh "pré-logique". Nhưng, ngược lại - về sau người ta cũng hay nhấn mạnh vào điều này - Lévy-Bruhl không phủ nhận một khái niệm lớn khác, "mystique" (nói đúng hơn, không phải "mystique" mà là "participation mystique" - tôi sẽ còn quay trở lại với điểm rất then chốt này).

Nhưng, trên bình diện khái niệm, cần phải thấy ít nhất hai điều sau: khái niệm thực sự quan trọng đối với Lévy-Bruhl, điểm xuất phát cho mọi điều khác, lại rất ít được nhìn nhận (như "pré-logique" và "mystique"): đó là khái niệm "représentation collective" (trình hiện tập thể). Ta nhớ rằng đó là thời đại lớn của những gì "collectif": Émile Durkheim (và cả một truyền thống L'Année Sociologique phong phú) etc. - Lévy-Bruhl từng cộng tác với Durkheim. Đó là quãng thời gian mấy khóa liên tiếp của trường École Normale Supérieure de la rue d'Ulm sản sinh những bộ óc kiệt xuất: Lévy-Bruhl, và ngay sau đó là khóa rực rỡ của Durkheim, tức là khóa có cả Jean Jaurès, Henri Bergson và Pierre Janet, người bạn thân của Bergson. Mối quan hệ giữa Lévy-Bruhl và Bergson rất đặc biệt, tôi sẽ còn trở lại.

Khái niệm thứ hai, mà tôi thấy mới là điểm trọng yếu nhất, gây nghi ngờ khủng khiếp, chính là cái khái niệm luôn luôn được mặc định là đương nhiên: nguyên thủy.


Ở trên là một cuốn sách không thuộc vào chuỗi "nguyên thủy" của Lévy-Bruhl, còn ở dưới là "tập đầu" trong loạt sáu cuốn làm nên một Lévy-Bruhl lừng danh, cuốn sách về "các chức năng tinh thần":


Hai "tập" tiếp theo của bộ nguyên thủy:


Đến đây, tôi tạm ngắt ngang bộ sách, vì tôi muốn nhìn nhận một điều: mối quan hệ của Lévy-Bruhl với chúng ta.

Bởi vì, Lévy-Bruhl có không ít dây mơ rễ má với trí thức Đông Dương một thời. Nguyễn Văn Huyên, đương nhiên, nhưng không chỉ Nguyễn Văn Huyên: những người Annamite du học Pháp ("như Tây du học") vào thập niên 20 và 30 của thế kỷ 20 khó lòng thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Lévy-Bruhl. Kể cả khi quan hệ ấy rất thường có chiều âm: ta quay lại với một nhân vật rất nhiều ý nghĩa: Jean Przyluski (xem ởkia). Chỉ một môi trường thực dân-thuộc địa mới có thể tạo ra một nhân vật như Jean Przyluski: đó là một học giả đã trở thành học giả (thầy trực tiếp của nhiều người Đông Dương trẻ tuổi) sau khi là mật thám - Przyluski chính là người thiết lập mạng lưới do thám và kiểm soát bên ngoài biên giới Indochine (chính từ đó mới có vai trò trong trị an Đông Dương của các nhân vật chẳng hạn consul Pháp ở Hongkong, Lưỡng Quảng cùng nhiều nơi khác nữa, kể cả Thái Lan). Przyluski là một học giả thành công, có ghế ở Collège de France, thay thế một nhân vật khác có tiểu sử chẳng phải là không tương đương: Louis Finot, yếu nhân của EFEO Hà Nội (cái ghế ấy tiếp tục tồn tại, sau Przyluski, với Émile Gaspardone - nó rất gần nhưng không phải ghế mà một trong những người từng giữ là Édouard Chavannes). Những năm cuối đời, Przyluski chủ yếu suy nghĩ để chống lại lý thuyết của Lévy-Bruhl.

Lévy-Bruhl không hoàn toàn vắng bóng trong tiếng Việt:


Đây là bản dịch "tập" thứ sáu trong bộ sách "nguyên thủy" của Lévy-Bruhl.

Và cũng như mọi khi, mọi thứ gì liên quan đến Đỗ Lai Thúy đều cho thấy rõ sự lệch lạc. Đó là sự lệch lạc của không đọc và giả vờ đọc - điều rất quan trọng trong cấu trúc ý thức ở Việt Nam, cái, đến lượt nó, lại trọng yếu trong cuộc sống tinh thần Việt Nam. Cuốn sách trên đây là một ví dụ.




(còn nữa)




một số "trong lúc đọc" khác:


Trong lúc đọc Lukács (5) Lukács và Bakhtin
Trong lúc đọc Lukács (4) Balzac (Lukács đọc Hết ảo tưởng)
Trong lúc đọc Lukács (3) văn chương Đức

Trong lúc đọc Lukács (2)
Trong lúc đọc Lukács (1)




Trong lúc đọc Valéry (3)
Trong lúc đọc Valéry (2) Teste
Trong lúc đọc Valéry (1)


No comments:

Post a Comment