Feb 11, 2010

Trường cũ mất tên

Tôi mới nói chuyện mất bóng. Ngày xưa khi học ở trường cũ chúng tôi cũng hay bị mất bóng. Mất quả bóng ném, mất quả bóng rổ, mất quả bóng đá. Có lần tôi còn nhớ thầy hiệu trưởng hồi đó, thầy Đào Thiện Khải (xin thầy tha lỗi cho chúng em, chúng em chưa bao giờ gọi thầy đúng tên, mà toàn gọi là "Khải méo", nhưng cũng không thể làm khác được, vì cứ nhìn thầy là ngay tức khắc cái hình ảnh ấy nó hiện ra) một lần lẳng lẳng đi từ phòng thầy ra cầm quả bóng bọn học trò vừa đá một cú cực kỳ mạnh về phía ban giám hiệu, rồi trở vào phòng cùng chiến lợi phẩm. Quả bóng ấy một đi không trở lại, nhưng cũng phải ghi nhận là trường đã cho làm cả một dãy dài lồng sắt ở ban công tầng dưới cùng, một dấu hiệu rất rõ ràng cho thấy việc đá bóng không bị cấm, tuy rằng khi thầy Đào Thiện Khải (đến giờ thì gọi đúng tên thầy đã dễ hơn rồi) bực quá thầy vẫn sẽ tịch thu như thường.

Mất tên có nghiêm trọng như mất bóng không? Nhiều khi còn nghiêm trọng hơn nhiều. Ta đã biết nhiều ví dụ.

Nhưng nói cho cùng, cái tên cũng chỉ là cái tên. Ngày xưa vua chúa thích lên là đổi niên hiệu, báo hại các nhà sưu tầm tiền cổ ngày nay đến mệt. Mặc dù rất tiếc vì chưa bao giờ được nhìn thấy một niên hiệu nào đại loại "Ve Sầu", "Cây Gậy", "Mặt Lưỡi Cày" mà toàn những "Thuận Thiên" với cả "Hồng Đức", tôi vẫn thấy rằng các ông vua thật là sướng, một hôm nhọt mọc ở mông sáng ra tức mình đổi cái tên cho nó đỡ đau. Rồi thì dính liền với đó là húy với kỵ, báo hại sĩ tử học toét mắt. Lơ mơ đi thi mà lại bước thẳng vào tù bóc lịch. À hồi đó chưa có lịch, chắc là các cụ đếm chấy.

Ở một nền cộng hòa, ai người ta làm thế. Trường cũ của tôi có một màu sắc lý tưởng cộng hòa rõ rệt, trước hết là nguồn gốc xuất thân của học sinh. Cùng học với nhau có con của ủy viên trung ương đảng, nghệ sĩ diễn viên, trí thức tầm tầm, lái buôn, nông dân. Tất tật cùng gào to bài hát không rõ là ai sáng tác, đến giờ tôi vẫn còn nhớ vài câu: "Một dòng sông bắt đầu nơi khe suối... Còn chúng em bắt đầu từ mái trường" và điệp khúc là tên trường lặp đến mấy lần.

Sau này phòng tập lát gỗ dành cho môn bóng ném bị mất đi đầu tiên, rồi sân bóng đá cũng bị mất, hình như thay thế bằng sân bóng chày. Hồi đó tôi nghĩ sao mà tệ hại, trường cũ mỗi ngày một đi xuống. Giờ thì tôi hiểu học sinh khóa trước cũng có xu hướng nghĩ về chúng tôi như vậy, ai cũng thích nghĩ xấu về người đi sau mình, vì nghĩ xấu về người đi trước là chưa đủ. Còn thực tế, đó là một trường rất tốt, đồng thời rất nhạy bén, như là cho thuê một phần trường, mở rất nhiều lớp học thêm, sau này lấy thêm cả học sinh cấp hai, rất nhiều giải pháp vân vân và vân vân. Thầy giáo cô giáo có mức sống rất khá và nhiều người có trình độ rất cao. Sau này khi lên đại học tôi thấy nhiều giảng viên không sánh nổi về trình độ với thầy giáo trung học của tôi.

Khi đọc thấy tin trường cũ sắp "đổi tên" theo cách nói của báo chí, còn theo tôi là "mất tên", thực sự tôi thấy khá là buồn. Tôi thấy tôi có nhu cầu khi đi cùng ai đó qua trường cũ, được chỉ tay vào khu nhà mà nói ngày xưa tôi đã học ở đây. Cũng như là tôi thích cảm giác đi qua nơi mình đã từng học mẫu giáo, nơi tôi mua quyển sách đầu tiên trong đời, cái bể bơi hồi bé, thư viện công cộng từng làm tôi choáng ngợp biết bao nhiêu giờ thấy cũng rất bình thường, thậm chí là nhỏ xíu. Hà Nội là thành phố tôi không đặc biệt thích, tôi còn rất ghét nhiều đặc điểm của nó, tôi còn nghĩ nó là một cái thành phố vô cùng kỳ cục, nhiều cái rất xấu, tệ hại khủng khiếp, nhưng không nơi đâu khác có thể cho tôi những cảm giác ấy.

Một buổi tối đã lâu rồi đi cùng thằng bạn qua một đoạn ruộng, bỗng thằng bạn nói với tôi là chỗ này với nó rất thân thương. Tôi chưa kịp hết choáng váng vì nó dùng một cái từ không hề có điểm chung với bản tính thường ngày, thì nó đã nói thêm, đêm nào về nhà qua quãng này nó cũng dừng xe để tè một bãi.

Bây giờ trường cũ của tôi đang bị chính quyền Hà Nội tè lên đầu như vậy. Thật là tiếc vì chưa có học sinh cũ nào của trường vào Bộ Chính trị. Lịch sử của trường cũng chưa có bao nhiêu lâu, so sánh làm sao được với lịch sử thành phố Hà Nội Tây Tiến. Có lẽ đó là lý do.

Nghiêm túc mà nói, với tôi một cái đại lễ 1.000 năm cho một thành phố chỉ là một chuyện vớ vẩn, so với việc lập ra một ngôi trường tốt để dạy trẻ con. Vì cái này mà bắt cái kia mất tên, đúng là một chuyện vớ vẩn.

Thật ra tôi đã quá quen với những cái thứ kỳ cục của lãnh đạo thành phố Hà Nội. Khó mà ngạc nhiên được nữa lắm. Tôi chưa bao giờ có hân hạnh biết thành phố nào có nhiều nhà lãnh đạo dở người như ở đây. Lẽ ra nhân dịp này họ phải làm một loạt trường mất tên luôn:

- Trường Chu Văn An thành trường Hà Nội luôn. Trước kia đổi tên rồi, giờ đổi nữa cũng có làm sao: Bảo Hộ rồi Bưởi rồi Chu Văn An (sau Bưởi lẽ ra phải thành Đào Quýt Lựu Táo mới hay chứ nhưng thôi không bàn sâu mấy cái vụ này).
- Trường Trần Phú thành trường Hà Nội luôn. Trước làm bay mất tên Hoàn Kiếm cũng có ai nói gì đâu.
- Trường Việt-Đức thành trường Hà Nội luôn. Bây giờ ai mặc na-tô Đức.
- Trường Nguyễn Trãi thành trường Hà Nội luôn. Nguyễn Trãi có bao nhiêu năm tuổi đảng?
- Tất tật thành trường Hà Nội hết.

Cho nó máu.

42 comments:

  1. NL ơi, họ vừa dốt vừa ngoan cố từ lâu rồi. Họ có cái bóng đâu mà biết quý cái tên. Họ đá người như đá bóng thôi: sáng ngủ dậy, vài quả bóng biến mất! Còn tên à? Họ nhiều tên nhiều họ lắm, nhiều khi mượn của người khác, cứ như là ma nhập, chẳng biết đâu mà mò! Huyền thoại cả thôi. Một ngày nào đó, NL sẽ cảm nhận nỗi cay đắng của trí giả trong đám võ biền. Nay thế, mà xưa cũng thế. Mình cứ cho là "lịch sử" lúc nào cũng đẹp, nhưng không chắc đâu. NL đề cập đến Nguyễn Trãi: xét kỹ mà xem, việc lớn vừa xong là các "võ quan" "đá bóng" ngay. Chia sẻ một tí, đừng xóa nhé.

    ReplyDelete
  2. Vụ Nguyễn Trãi là do Trãi tính "bật Trung Ương" đấy chứ bác Anonymous :)

    Em không học ở Ams, nhưng mấy năm trước vẫn thường ngồi ghế đá bên Hồ Giảng Võ để ngắm mặt giời lặn, thấy yêu không khí ở đó. Chia sẻ một chút với bác Nhị Linh :)

    ReplyDelete
  3. bài này giọng điệu hào sảng khác hẳn thường ngày, thích lắm í. :)

    ReplyDelete
  4. Dăm ba đứa bạt phương trời, hai thằng chờ đầu quân năm tới sao vô được Bộ Chính trị được. Đã học Ams rồi mà còn đòi làm quan. Vừa phải thôi. ;))

    ReplyDelete
  5. Tưởng Bưởi là tên nôm, dân tình gọi theo cái địa bàn thôi chứ? Còn tên HN-A thì học có nhõn 3 năm, thấm tháp gì với đời.

    - Nước Việt không bao giờ mất, thưa chúa công.
    Ánh ngồi im, không nói gì.

    ;-)

    ReplyDelete
  6. Bài này hay.

    Bác Nhị phải phấn đầu lên làm lãnh đạo Hà Nội để cho nó bớt dở người đi nào :)

    ReplyDelete
  7. Nhờ mất tên mà ra bài viết đầu tiên có lửa!
    Phải cám ơn chứ!
    NQT

    ReplyDelete
  8. Mai này, ông Tây hay bà Mỹ nào mà dịch "di khảo" của "cố văn hào" Nhị Linh thì chỉ có nước vỡ mặt khi đụng phải bài này, hà hà. Bóng ơi là bóng! (Văn chương và kinh tế nước ta khi đã lên thượng đỉnh thì có khối các cô các cậu học tiếng Việt, dịch sách tiếng Việt. Dream on, baby!)

    ReplyDelete
  9. Nói ác nhé. “Giờ thì tôi hiểu học sinh khóa trước cũng có xu hướng nghĩ về chúng tôi như vậy, ai cũng thích nghĩ xấu về người đi sau mình, vì nghĩ xấu về người đi trước là chưa đủ.” Suy bụng ta ra bụng người đó à?

    ReplyDelete
  10. Bác ơi, bài này cực hay. Tui chấm 5 sao thêm dấu cộng nữa đó.

    ReplyDelete
  11. Xin phép anh Nhị Linh cho em dẫn link bài này lên FB của em được không ạ?

    ReplyDelete
  12. Tên tưởng chỉ là cái tên, vậy mà mất tên nhiều khi mất cả bản sắc, phải ko ạ?

    ReplyDelete
  13. Bài này lạ nhưng mà hay.

    ReplyDelete
  14. Đụng đến trường cũ là hào sảng ngay nhỉ hihi...Tui cũng có quen biết vài bạn (à hầu hết những bạn HN tui quen) đều học HN Ams cả :D

    ReplyDelete
  15. Các bác gọi là đổi tên hay mất tên, nhưng tôi chẳng thấy đổi tên hay mất tên gì ở đây. Trước đây các lớp chuyên phân tán ở các trường, như chuyên toán ở Chu Văn An, chuyên lý ở Việt Đức... Khi trường Am xây xong, các lớp chuyên mới tập trung về đây. Đào Thiện Khải, Đỗ Lệnh Điện đều là các giáo viên ở Chu Văn An. Bây giờ lại có một trường khác mới được xây và các lớp chuyên lại chuyển về đấy. Trong suốt lịch sử các lớp chuyên ở Hà Nội có một đặc điểm tổng quát là bao giờ các lớp chuyên này cũng được đặt ở nơi có điều kiện tốt nhất ở Hà Nội, chẳng hạn chuyên toán là lớp chuyên đầu tiên ở Hà Nội đặt ở Chu Văn An vì lúc bấy giờ trường Chu Văn An là trường mạnh nhất về toán. Và bây giờ cũng vậy, khi có một trường có cơ sở tốt hơn thì các lớp chuyên chuyển về đấy. Đâu có phải là đổi tên hay mất tên gì đâu.

    ReplyDelete
  16. ĐA: đầu tiên tôi cũng định phân tích theo hướng đó. Lịch sử hình thành trường Ams đi liền với lịch sử rút tỉa giáo viên các trường khác tại Hà Nội, không chỉ Chu Văn An mà còn cả Việt Đức. Tôi không nói điều này, còn vấn đề tôi muốn đặt ra mà vội chưa nhắc, là kiểu thay đổi như vậy rất không nên trong quản lý hành chính.

    Tuy nhiên, bác cũng bỏ qua một chi tiết là việc hình thành trường mới đang đi theo hướng xóa sổ cái tên trường HN-Ams, trong khi trước đây Chu Văn An và Việt Đức vẫn giữ tên.

    ReplyDelete
  17. Entry này hay ghê, rất chi là Nhị Linh :))
    Buồn cho Hà nội rồi chỉ còn trơ cái tên HN, những nét riêng độc nhất vô nhị thì cứ mất dần

    ReplyDelete
  18. Việc trường Ams có muốn đổi tên hay không phải do người trường Ams và những người có quyền, lợi ích, nghĩa vụ liên quan đến trường Ams quyết định. Những người khác ai nói sao cũng được nhưng không có tính quyết định.
    Mong rằng các cựu học sinh trường Ams active hơn phản đối việc đổi tên này. Rõ ràng là chính quyền Hà Nội đã làm một việc không có nghĩa khí gì cả.
    Vài lời chia sẻ,
    Một cựu hs trường Ams.

    ReplyDelete
  19. Kì cục là chính quyền hn cho xây cơ sở mới, đặt tên mới nhưng lại ko gọi việc đó là lập thêm trường mới mà lại xem là đổj tên trường. sao ko để nguyên ams rồj mún xây j khác thì xây

    ReplyDelete
  20. Hi bạn! Xin chia sẻ mất mát này :-D

    ReplyDelete
  21. Có cái tên trường thì nhằm nhò gì anh, cả một thành phố còn bị xóa mất tên trên bản đồ thế giới mà!

    ReplyDelete
  22. "Hà Nội Am! Ta mất người như người đã mất tên"
    Gớm, có cái tên trường mà các bác than vãn hoài vậy. Còn tên nước, tên TP, tên đảng... thì sao?
    Vạn vật thay đổi theo dòng chảy của lịch sử, những ngôi trường bé nhỏ như HN-Am cũng không là ngoại lệ. Đến một lúc nào đó nó cũng phải đổi tên.
    Trên thế giới, bao nhiêu trường còn nổi tiếng bằng ông cố trường Am rồi cũng đã đổi tên đấy thôi.
    Với lại, về mặt kinh tế, ông Am cho tôi tiền, tôi PR cho ông ấy chừng đó thời gian là đã ok rồi. Giờ tôi không PR nữa. Kiểu như mấy câu lạc bộ bóng đá ở VN thôi.

    ReplyDelete
  23. bizous bizous :)

    NBA

    ReplyDelete
  24. St-Petersburg bị đổi thành Leningrad. Khi Liên bang Sô Viết xập nát vào năm 1991, thành phố lại mang tên St-Petersburg. Ừ, Sài Gòn vẫn cứ là Sài Gòn! NL nói (hét?) về tên trường, mà cũng chẳng phải chỉ nói về tên trường.

    ReplyDelete
  25. Hành động đặt tên là hành động của quyền lực, của sở hữu chủ, vốn là đề tài triết học và văn chương. Kẻ xâm lăng hay thực dân đô hộ luôn luôn làm việc này, kể cả nhu cầu truyền thống dòng họ. Đổi tên cũng thế, đó là thách thức của kẻ có quyền, tương tự như con sư tử đực rải nước tiểu (NL có đề cập đến chuyện tè) để xác định khu vực thuộc quyền hạn của nó.

    ReplyDelete
  26. Bác Mr Do nói thế mất quan điểm ghê, bác chuyên theo dõi mảng quốc tế thì biết rõ những trường nổi tiếng trên thế giới hàng trăm nay có đổi tên gì đâu nhỉ.

    ReplyDelete
  27. Anh học trường làng, trường quái nào cũng trường làng, giờ không biết trường cũ của mình ở đâu nữa. Đâm ra có cái tâm lý là đi qua trường làng nào cũng nghĩ là trường cũ của mình, lòng cứ bâng khuâng ghê lắm.

    ReplyDelete
  28. Nhị Linh được vu cho ối điều hay ho nhỉ!

    ReplyDelete
  29. vào cười cái :) cho nó máu ạ.

    ReplyDelete
  30. Tôi có đứa con đỡ đầu ở một thành phố nhỏ nước Đức. Nhà nó ở đối diện ga tàu lửa, phố nhà nó dĩ nhiên tên là phố Ga (Bahnhofstrasse).
    Báo hại ông Xít Ta Lin lên cầm quyền, rồi giải phóng Đông Đức, phố ga bị đổi thành Stalinstrasse.
    Được mấy bữa, nghe chừng bác này nhiều tật quá, Đông Đức lại đang hướng về Tầu nên đổi sang Mao-Tse-Tung-Strasse. Lại ăn quả đắng hồi kách mệnh văn hóa nên cẩn thận đổi sang ông Mác cho chắc ăn: Karl-Marx-Strasse.
    Hồi ấy chắc cũng chưa ai tính đến ngày kẻ thù giai cấp cào đổ bức tường Bá Linh. Vì, một ngày đẹp giời, chuyện đó xảy ra thật! Từ đó trở đi cái phố ấy lại tên là phố Ga. :-)))
    Đã Đức thì Đức luôn thể; cái dân tộc lắm triết gia ấy có một câu "Name ist Schall und Rauch" = tên tuổi cũng như gió thoảng qua mà thôi. Cả đất nước to đùng còn thế, huống chi tên một cái thành phố Ams bé tí, lại còn lắm nhà thổ! QQ

    ReplyDelete
  31. dạ, trường Lô mô nô xốp bây giờ đổi tên thành (cái gì đấy) đại học Mát xcơ va.

    Nếu đã nghĩ rằng các thế hệ sau càng ngày càng tệ, thì phải nên mừng là từ bây giờ cái đám tệ hại đấy không được xếp vào cùng hàng amser với mình chứ anh. :P

    Em chả bực mình chuyện trường mình phải đổi tên, em chỉ bực mình cái cách mấy bác Hà Nội bắt người ta đổi tên thôi (như anh nói, trường nào cũng nên thành Hà Nội hết).

    ReplyDelete
  32. Mr. Do ho ̉i: "Hà Nội Am! Ta mất người như người đã mất tên". Gớm, có cái tên trường mà các bác than vãn hoài vậy. Còn tên nước, tên TP, tên đảng... thì sao?"

    Tôi góp ý trả lời bác nghe được không nha:

    +Tên nước: "Cộng Hoà Việt Nam" - ngắn, gọn, dễ nhớ nhá.

    +Tên thành phố HCM: "Sài Gòn" - thực tế thì ai cũng gọi như vậy suốt 35 năm qua - "Nhớ SG mưa rồi chợt nắng", rồi "Đêm nhớ về SG... thấy mình vưà trở lại quê hương" nghe thân thương làm sao ấy. Xin lỗi bác Hồ nha. Các bạn Hà Nội cũng không hề muốn hát "Em ơi Thành phố HCM Phố... ta còn em mùi hoa sưã" phải không?

    + Tên đảng: Đảng Dân Chủ, Đảng Cộng Hoà, Đảng Lao Động... nhưng không được có Đảng Toàn Trị nhé?

    Mời bác bổ sung, phản hùi. Thanks.

    ReplyDelete
  33. Khi nghe đồng chí nói vẻ đẹp đô thị Pháp, những cảm xúc Hà Nội ngày về :) và bài này. Cho cùng một cảm giác :)

    ReplyDelete
  34. Bác nào trên kia cho bạn Nhị 5 sao cộng, tớ đề nghị cho thêm một cộng nữa cho bài này của bạn Nhị!

    Tuy nhiên bạn Nhị Linh hơi "điêu" tí. Làm gì có vụ vua đổi niên hiệu vì mọc nhọt ở mông. Nếu thế thì sĩ tử có mà chết cả lũ à. Với lại vụ đổi niên hiệu nó rắc rối lắm, không phải vua cứ sướng lên đòi đổi mà đã đổi được ngay đâu, bố trẻ ạ!

    ReplyDelete
  35. "Bác Mr Do nói thế mất quan điểm ghê, bác chuyên theo dõi mảng quốc tế thì biết rõ những trường nổi tiếng trên thế giới hàng trăm nay có đổi tên gì đâu nhỉ."

    Cái "những" của bác nó không được rõ ràng cho lắm, "những" là tất cả hay chỉ là "phần lớn"?

    Với lại, thực ra một số trường nổi tiếng thế giới như Yale, Harvard... cũng từng mang tên khác. Đó là chưa kể những trường nổi tiếng nhưng nằm ở những quốc gia có nhiều biến động lịch sử như Nga, Đức...

    ReplyDelete
  36. sau này nói về trường PT chuyên Hà Nội có lẽ thêm cái mở/đóng ngoặc ( HN-Ams cũ ) thì mới đúng là mất tên, còn ko thì coi như xóa sổ trường cũ, lập trường mới

    ReplyDelete
  37. Thích giọng văn của bài này quá
    nhất là cục "... Hà Nội luôn
    cho nó máu"
    :D
    khá là khác

    ReplyDelete
  38. Đổi tên là đúng rồi. Ai bảo cái thành phố Ams kia không chịu rút hầu bao ra mà tài trợ xây trường mới. Muốn trương biển quảng cáo trước cổng trường người ta thì phải biết khôn mà chi tí tiền chứ!

    ReplyDelete
  39. xin phep anh cho em dan link len FB cua em a ^^

    ReplyDelete
  40. Sắp có quyển gì mà Nhật ký lớp Văn trường Ams

    ReplyDelete