Mar 3, 2010

Phan Khôi nhà báo

Tôi cũng giống nhiều người mà tôi quen, đã lâu lắm rồi không mua một tờ báo nào ngoài sạp để đọc cả. Chán. Nhất là báo chí văn nghệ thì không thể chấp nhận được. Chúng ta đang sống trong thời kỳ duy nhất của lịch sử Việt Nam có tình trạng báo chí văn nghệ không có tiếng nói trọng lượng và chán kinh người. Chúng ta cũng sống trong thời kỳ không có nhà báo lớn.

Nhìn vào cách phát triển của báo chí hiện nay, tôi thấy như thể toàn bộ ngành báo chí đang tự chửi vào lịch sử báo chí Việt Nam đã từng có ở sau lưng. Những gì tốt đẹp và có sức sống nhất bị bỏ đi, trong đó quan trọng hơn hết là chuyên mục thường xuyên và hình thức phơi-ơ-tông. Trong khi đó hủ tục thì lại được giữ và phát triển rầm rộ. Một hủ tục rất lớn chính là báo Tết. Năm nay tôi đã làm được một việc tốt là không viết một bài báo Tết nào cả :) mấy năm trước xin tự thú nhận là cũng có dăm ba.

Phan Khôi là dạng nhà báo lớn mà lịch sử báo chí Việt Nam từng có. Trong cái nhìn của tôi, thời ấy hai nhà báo vĩ đại là Phạm Quỳnh và Phan Khôi, nhưng Phan Khôi độc đáo hơn nhiều, một khối kiến thức và một khí chất thật là hợp với báo chí. Phan Khôi có mặt trên hầu hết tờ báo hay nhất: Đông Pháp thời báo, Thần chung, và nhất là Phụ nữ tân văn của vợ chồng Nguyễn Đức Nhuận. Tất nhiên cũng có cả ở trên Nam phong. Phụ nữ tân văn tôi đã từng sờ vào, một tờ báo đẹp khủng khiếp, vô cùng trang nhã. Có lẽ sau Nam phong thì Phụ nữ tân văn là tờ báo đẹp nhất của trước 1945, chất lượng bài vở cũng cao. Khổ báo cũng thích: 440x290mm. Hồi đó Phan Khôi có mặt trong tất tật tranh luận lớn nhỏ, không bỏ qua một cái gì cả. Chỉ có sự lầm lạc của ngành nghiên cứu lịch sử văn học và báo chí mới đủ sức làm Phan Khôi lu mờ, ít được biết tới như hiện nay.

Các bác chán đọc báo ngoài sạp thì nên làm như tôi, ngồi đọc Phan Khôi cho bõ công đọc: các sách có liên quan là Phan Khôi tác phẩm đăng báo, Lại Nguyên Ân sưu tầm, biên soạn, đã ra được các tập 1928 đến 1931, tức là giai đoạn hậu Nam phong, chuyển sang các báo Sài Gòn, bộ sách được in từ 2003 đến 2007; sau đó có thể đọc Phan Khôi, tiếng Việt, báo chí và Thơ Mới của Vu Gia, NXB Đại học Quốc gia TP HCM, 2003, nhưng quyển này có nhiều điểm tôi nghi lắm; ngoài ra nên mở rộng đọc những gì viết về Phan Khôi của những người như Thanh Lãng, Thiếu Sơn...

4 comments:

  1. Chỉ có sự lầm lạc của ngành nghiên cứu lịch sử văn học và báo chí mới đủ sức làm Phan Khôi lu mờ, ít được biết tới như hiện nay? “Lầm lạc” không làm đủ sức làm lu mờ mà chỉ là “cố quên”. Một phản ví dụ cho “lầm lạc” và cũng là một bằng chứng cho “cố quên”.
    Bộ Từ điển bách khoa Việt Nam không có chỗ cho nhà báo Phan Khôi mà hiện diện nhà báo đồng hương L. Q. K. (1919 – 1982), từng làm vụ trưởng vụ báo chí, tổng thư ký hội nhà báo Việt Nam.
    Như bác NL giới thiệu sách liên quan đến Phan Khôi thì cố quên mà đâu có quên không được hay đâu có lu mờ.
    T. T. C. T.

    ReplyDelete
  2. Vâng, "lầm lạc" hay "cố quên" thật ra là hai cách nói về cùng một vấn đề, và đôi khi "phe lờ", "biến cải" hoặc "bóp méo" cũng có thể thích hợp. Theo ý tôi, đa phần là huyền thoại. Những người sáng suốt nhìn thấy sự thật quả là hiếm.

    ReplyDelete
  3. Giữa Phạm Quỳnh và Phan Khôi thì Phan Khôi dữ hơn là cái chắc: lập luận sắc xảo, kiến văn quảng bác, và tiếng Việt ông viết chắc là gần gũi với kiểu viết bây giờ (nên ăn khách hơn rùi). So với thời Phan Khôi, "văn hóa" tranh luận này nay thụt lùi 1 bước dài. Đọc lại những cuộc tranh luận của Phan Khôi-Trần Trọng Kim, Phan Khôi-Sư Thiện Chiếu...thấy bà còn dù choảng nhau nhưng hết sức điều độ và...trình độ. Còn ngày nay, đại khái hình như người ta chỉ còn biết móc méo nhau mấy cái chuyện lặt vặt gọi là, hạng người biết choảng nhau như Phan Khôi chắc là đã...tuyệt chủng.

    ReplyDelete
  4. Bác Rem nhắc đến vài chi tiết quý hóa. Cụ Phan Khôi vừa giỏi, vừa có lòng, lại rất quan tâm về việc dịch thuật ("Sự dịch sách ở nước ta ngày nay là sự rất cần và rất quan hệ", 1930). Có mấy câu này: "Ý tôi là thành thiệt. Đức Phật soi lòng tôi, bên ngoài sự muốn cho đúng với nguyên ý nguyên văn, tôi chẳng có vì một chút tư tâm gì mà chỉ trích cả. Vậy mà nhiều người lấy làm lạ, có kẻ đã hỏi tôi: Sao trong khi ông Thiện Chiếu mới bắt đầu làm một việc có ích, lại theo mà phá? - Trời đất ôi! Thật người ta đã chẳng thèm xét đến lòng tôi thì chớ, người ta lại còn không nghĩ đến chơn lý là gì và tương lai là gì!" Ở nước ngoài, việc phê bình đã đến trình độ thượng thừa, chứ nước ta thời nay phần lớn người phê bình thì "lặt vặt" mà người được phê bình cũng... "lắt nhắt" nốt.

    ReplyDelete