Apr 24, 2010

Fourniau

Đọc trên Diễn Đàn, thấy tin Charles Fourniau mới mất. Fourniau thuộc vào một danh sách dài những cái tên Pháp đặc biệt quan tâm đến Việt Nam, những con người đã già hoặc rất già, những Lacouture, Chesneaux, Brocheux, Condominas, Langlet... Ngày trước, ngay cả khi đến tận quai Branly để xem triển lãm về Condominas, tôi vẫn cứ đinh ninh trong đầu rằng Condominas ít ra cũng phải là người cùng thời với Coedès.

Sự thật là nhiều người trong số thế hệ này còn sống cả. Khi gặp một số người trong số họ, một câu hỏi tôi luôn muốn đặt mà chưa bao giờ đặt: Liệu họ có thấy những gì mình từng bỏ ra, những quyết định đứng về phe thiểu số, chọn một hình thức cánh tả tranh đấu, bao nhiêu công sức và thời gian cho một vùng đất xa xôi... bị hoang hóa vì một hiện tại chẳng ra sao không thể nào sánh được với một tương lai xán lạn mà họ (hẳn đều đã từng) tưởng tượng ra?

Quyển Le Vietnam que j'ai vu của Fourniau đã có bản dịch tiếng Việt: Việt Nam như tôi đã thấy 1960-2000, Trần Thị Lan Anh, Vũ Thị Minh Hương và Tạ Thị Thủy dịch, NXB Khoa học xã hội, 2007, lời giới thiệu của Trần Đức Cường tức là Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Trong sách có vài bức ảnh, có ảnh đoàn Đảng Cộng sản Pháp thăm miền Bắc năm 1968, ngay sau Tết Mậu Thân, đón tiếp là Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh, Hoàng Quốc Việt, đoàn của đảng Cộng sản Pháp ngoài Fourniau còn có mấy người danh tiếng nữa là Jacques Duclos, Henri Martin và Étienne Fajon.

Cái nhìn của Fourniau muốn thể hiện trong cuốn sách này là cái nhìn của một sử gia đầy tình yêu: "nếu người ta có lòng hận thù, thì hận thù sẽ là một cố vấn tồi, còn nếu như người ta có tình yêu thì tình yêu sẽ làm cho người ta sáng suốt hơn". Và có lẽ tình yêu là thứ làm cho Fourniau tỏ ra lạc quan ở phần kết: "Trong suốt 10 năm cuối của những ngày tôi lưu lại Việt Nam đã có lúc tôi lo lắng về sự thành công của cái man rợ đối với nền văn minh của đất nước này khi chứng kiến những cái mà thị trường đã du nhập vào đây, thế nhưng, tại sao dân tộc Việt Nam đã thành công trong việc giữ gìn bản sắc của mình trải qua gần như cả một thế kỷ thuộc địa, chẳng lẽ lại có thể bất lực trong việc làm chủ những mối quan hệ với bên ngoài mà chính nó mong muốn?"

RIP

+ Bài về điện ảnh (phim của Rivette) tôi mới đóng góp cho trang web này.

4 comments:

  1. Cụ Fourniau làm sao mà biết rằng Văn hóa và Kinh tế VN thường vận hành quy trình ngược, kiểu "làm bằng đầu, nghĩ bằng chân tay".Những trí thức đang trong guồng nhà nước rất thấy điều này. Những quy định, quyết định (vĩ mô), những văn bản hướng dẫn thi hành này kia thể hiện rất rõ điều đó.
    Còn, "Nó" mong muốn nhưng lãnh đạo (cũng) mong nhưng không muốn thì cũng chào thua.:)

    ReplyDelete
  2. he he he, La Belle Noiseuse quá tuyệt với, kể cả xem nó không phụ đề trong 4 tiếng đồng hồ.
    Cách thu hẹp bối cảnh và nhân vật đến tối giản này của Rivette còn phải kể đến The story of Marie và Julia nữa, vẫn là một Emmanuelle Béart tuyệt vời trong những cảnh nude.
    Hoàng.

    ReplyDelete
  3. hehe film của Rivette thì dài còn bài của bác NL thì ngắn nhờ :D
    MarcoFogg

    ReplyDelete
  4. Ừ chỉ cố được đến thế thôi các bác ạ :d

    ReplyDelete