Apr 15, 2010

Mua vui

Hự, ở đây có bác nào thuộc Kiều không?

Tôi muốn thử nhìn một số việc hẳn theo một cách khác, nên đánh quả liều ghép ứ hự của Nguyễn Công Trứ với cái ông nhà thơ cùng quê nhà cách có vài bước chân, là ông Nguyễn Du.

Câu vừa xong ở trên cũng chỉ là để đánh lạc hướng thôi :)

Bây giờ thử nhìn một cách khác: nếu thử không coi Nguyễn Du đương nhiên là đại thi hào dân tộc, thì Nguyễn Du có thể là gì? Cái từ đương nhiên này đặc biệt là thảm khốc: chắc chắn rất rất nhiều người cả đời đọc được dăm ba trích đoạn Kiều khi gặp ai đó hỏi nhà thơ vĩ đại nhất của nước mày là ai cũng nhanh chóng trả lời: Nguyễn Du, cho xong chuyện.

Coi luôn Nguyễn Du là một con số thành công chui ra khỏi lồng quay của món xổ số lịch sử đi, ta sẽ thấy mọi chuyện khác về cơ bản. Món xổ số quay lồng này hẳn những ai sống ở Việt Nam thời những năm 80-90 vừa rồi đều nhớ, trên tivi trước chương trình Những bông hoa nhỏ bảy giờ tối có cái chương trình Xổ số kiến thiết nhàm chán đến vô cùng nhưng có lẽ là chương trình có lượng người xem cao nhất thời ấy, món ăn không thể thiếu với triệu triệu con mắt to tướng mọc trên những bộ mặt choắt lại vì đói. Truyện cảnh giác thời đó rất hay có cốt truyện là một tay gian giảo bỏ tiền thuê mấy thằng bé con quay lồng để dàn xếp kết quả.

Ở trường hợp Nguyễn Du thì chắc là không có tay gian giảo nào cả, chắc chắn rồi, nhưng vẫn có thể coi là một cuộc xổ số lịch sử. Nguyễn Du là một nhân vật thuộc "Hồng Sơn văn phái" và nhất là thuộc vào bộ ba Nguyễn Du-Nguyễn Thiện-Nguyễn Huy Hổ, ba người đều có họ với nhau. Ba người có ba tác phẩm: Kiều, Hoa Tiên, và Mai Đình mộng ký.

Hoa Tiên thì cứ tạm bỏ qua một bên, vì nó cũng có địa vị nhất định trong văn học sử Việt Nam, nhưng Mai Đình mộng ký thì đen đủi hơn nhiều - nó có kết quả quay xổ số không mấy thuận lợi. Trước 1945, Hoàng Xuân Hãn khảo về tác phẩm này, bài đăng trên Thanh nghị, sau đó một thời gian NXB Sông Nhị (1951) in lại toàn văn tác phẩm trong tủ "Loại văn cổ" và chú thêm dòng "Chương trình trung học", có lẽ là để dùng trong nhà trường, Hoàng Xuân Hãn biên tập và trích dẫn, Nghiêm Toản chú thích.

Mai Đình mộng ký có dung lượng bằng khoảng một phần mười Kiều, nhưng phải nói là một tuyệt tác, không câu nào kém, và đặc biệt hơn cả, là vô cùng gần về mọi mặt với Kiều. Những lời chú trong bản Sông Nhị cũng liên tục dẫn chiếu sang Kiều.


Mở đầu là mấy câu này:

Trăm năm là kiếp ở đời,
Vòng trần này đã mấy người trăm năm
Cuộc phù sinh có bao lăm
Nỡ qua ngày bạc mà lầm tuổi xanh
Duyên tế ngộ hội công danh
Là hai, với nghĩa chung tình là ba
Đều là đường cái người ta
Là cầu noi đó, ai qua mới từng
Tình duyên hai chữ nhắc bằng
Há rằng duyên chướng, há rằng tình si
Chuyện xưa còn có sá chi
Đêm thanh vui chén muốn ghi nỗi mình
Cho hay rằng giống có tình
Chiêm bao lẩn quất năm canh lần lần


Đoạn cuối càng gần với Kiều hơn:

Đương khi từ tạ khúc nhôi
Giang thôn đâu động tiếng còi mục nhi
Trong thuyền sực tỉnh đôi khi
Tấc riêng dồn dã khôn suy tin ngờ
Nào đình nào khách nào thơ
Bấy giờ hồ điệp, bây giờ Trang sinh
Cũng trong hai chữ chung tình
Sao người thường bấy, mà mình quái thay
Tài tình xem lại xưa nay
Kiếp người may với chẳng may cũng nhiều
Cuộc đời mây nổi nước triều
Tình bao nhiêu, nợ bấy nhiêu, hay gì
Lấy điều mộng ảo mà suy
Một thì là giác, hai thì là mê
Mê chăng một lúc đi về
Giác thì duyên ấy còn ghê sau này
Thấy đây còn biết từ đây
Bao giờ sao nữa lại hay bấy giờ
Hoàn thiên tẩu bút một thơ
Quê đâu chữa đó là nhờ tao nhân


Dám chắc là đưa những câu này cho những người chỉ đọc qua Kiều là các bác tưởng Kiều (như) ngay :), thậm chí ngoài hai đoạn trên còn có vô số câu coi như là không khác gì luôn:

"Thiều quang chín chục, vân yên một chèo"
"Giọt mưa cổ thụ, tiếng gà cô thôn"
"Thảnh thơi gió mát trăng thanh"
"Này này quế trạo lan tương
Ví đua Xích Bích, chi nhường Đông Pha"
"Băng chừng dạo bước tới nơi"
"Xông mai chợt động bóng người
Vẻ lan vừa chán vội dời gót sen"
"Hương thừa còn phảng phất đâu trước đình"

etc.

Vấn đề này, tôi thấy khá là tương tự với chuyện cách đây vài năm có ai đó nói: Hoài Thanh viết như thế như thế, nhưng trong cùng nhóm "Văn chương và hành động" thì Lê Tràng Kiều và Lưu Trọng Lư cũng như thế như thế, nhưng mà rồi thì Lê Tràng Kiều đâu, mà Lưu Trọng Lư đâu, sao chỉ còn trơ lại ông Hoài Thanh. Xổ số lịch sử quay thế nào mà lại ra như thế? Hồi ấy tiếc cái là hình như tác giả bài viết ấy lại quy về vấn đề đạo văn, là cái chả liên quan gì cả. Đạo văn giờ đây đã trở thành một cái mốt, ý tôi là tố cáo nhau đạo văn giờ đây là một cái mốt, một thứ chẳng giúp ích được gì, thậm chí nhiều lúc cũng chẳng liên quan.

Tóm tắt lại: giờ thì sao, Nguyễn Du-Nguyễn Thiện-Nguyễn Huy Hổ là như thế như thế, tại sao chỉ một là đại thi hào dân tộc. Việc này nếu không phải là bất khả tư nghị thì cũng khó giải thích gần như là chuyện bỗng nhiên nhìn thấy gấu trắng ở đường xích đạo.

Và chuyện "mua vui" nữa. Ở trên blog này có lần bác nào đó comment đại ý tại sao chuốc sầu vạn đại cho người ta mà lại nói "mua vui cũng được..."? Vì tôi chưa có tiền mua sách của cụ Lít nên cũng không biết người ta đã bàn những gì về vụ này trong lịch sử (bạn nào có nhã ý tặng sách của cụ Lít thì xin đa tạ hihi). Bây giờ thử nghĩ nếu chuyện mua vui ấy không phải là một sự khiêm tốn nhún nhường, nói dzậy mà không phải dzậy, mà đúng là mua vui thật thì sao nhỉ. Hi, biết đâu với Nguyễn Du, hay với Nguyễn Huy Hổ (vì cũng viết "quê đâu chữa đó"), văn chương đúng là một thứ mua vui, mà đã là mua vui thì buồn bã sầu thảm hay vui tươi phơi phới cũng vậy mà thôi, bột mì bột gạo bột mạch xay lên nghiền nhỏ rồi cũng thành bánh thành cháo cả :)


Tôi mới làm được một bài haiku muốn đưa ra mua vui nhưng ngượng lắm không dám khoe sợ lại bị chê là quê:

Gió thổi qua tán lá
Những cây anh đào nở hoa làm tôi muốn
Cởi hết ra

34 comments:

  1. Không chịu đọc cuốn "Dòng văn".
    Không chịu đọc nghiên cứu về Hoa Tiên.
    Không chịu đọc cụ Lít.
    Thế mà đã dám so sánh với quay xổ số lồng.
    Đêm nay cụ Nguyễn Du cụ lại chả về trỏ tay mà mắng cho xối xả ấy chứ.

    Đã đến sinh nhật Bác Hồ đâu mà đòi cụ Lít. Nhắc rõ sớm!

    À thơ haiku tệ hại quá thể :)) :)) :))

    ReplyDelete
  2. ờ, hôm nào tớ viết một bài khủng long về Hoa Tiên cho đỡ mỉa bây giờ chứ lại hehe

    ReplyDelete
  3. Nói cho công bằng thì có một câu đúng. Cái câu mà có chữ "đương nhiên" ấy. Vì thiếu cái "đương nhiên" ấy mà nhiều cụ văn hay dã man, thơ hay dã man, tư tưởng phóng khoáng dã man, vậy mà vẫn phải đang đứng chờ đến lượt mình lọt vào tầm ngắm của các nhà nghiên cứu. Chả bù cho cụ Nguyễn Du, tầng tầng lớp lớp chất chồng bài vở, công trình nghiên cứu dài hàng tấc,năm nay nghiên đi, năm sau cứu lại, nhưng đến giờ vẫn chưa "cứu" được nàng Kiều khỏi những tai tiếng lầu xanh!

    ReplyDelete
  4. Gớm, viết bài khủng long về Hoa Tiên, cùng lắm thì ngang ngửa với cụ Nguyễn Tiến Lãng là cùng chứ gì? :)) :))

    ReplyDelete
  5. Bài thơ haiku của Nhị Linh hay đấy chứ :))

    ReplyDelete
  6. Bài haiku bỏ đi ba từ "làm tôi muốn" đi thì nó có vẻ haiku hơn, haiku chỉ nói cảnh mà toát ra cái tình trong đó. Hơn nữa thể hiện một sự nối kết hồn nhiên đương nhiên từ hoa đến người, hoa cởi người cũng cởi, cả hoa và người đều cởi, cởi hết ra...

    Nói đến xổ số lại nhớ tiếng rao: "Chết cả đi!"

    ReplyDelete
  7. Chuyện Nguyễn Du may mắn trúng sổ đời thì mình nghĩ thường mà cứ giống nhau thì người ta chỉ nhắc đến một cái thôi chứ nhắc đều hết cả nó đâm nhàm, mà hồi xưa mình đọc Hoa tiên rồi, văn không chau chuốt như Kiều. Mai Đình mộng ký chắc cũng không nhiều cảnh nhiều tình bằng Kiều nếu mà nó ngắn hơn nhiều thế.
    Thôi một bác trúng số, các cháu phổ thông học cũng mệt rồi, lại cả ba bác bầu bạn thì khéo các cháu nhẫn nhộn mất :P

    ReplyDelete
  8. Truyện Hoa tiên cũng có bắt đầu bằng "Trăm năm...", ba cụ chắc hay ngồi tâm tình chuyện trăm năm có khác, mở đầu Hoa tiên là:

    "Trăm năm một sợi chỉ hồng
    Buộc người tài sắc vào trong khung trời
    Sự đời thử ngẫm mà chơi
    Tình duyên hai chữ với người hay sao"

    Tuy vậy mình vẫn thấy bốn câu mở đầu của Kiều là hay hơn cả, ngay cả hai câu mở đầu của Kiều đã gói gọn một cái gì đấy rồi:

    "Trăm năm trong cõi người ta
    Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
    Trải qua một cuộc bể dâu
    Những điều trông thấy mà đau đớn lòng"

    ReplyDelete
  9. Mình liều mạng múa rìu qua mắt thợ, ở đây có Quách nữ sĩ hihi

    ReplyDelete
  10. Hì hì, hai bạn nữ Thái Linh và HY có vẻ đặc biệt để ý haiku cởi hết! Kỳ này không thấy bạn HY trình bày nỗi niềm cười hích hích như lần trước bạn sonata trích "ái tình căng". Nhộn thật. Biết ngay mà, chủ quán post ảnh nóng, nhưng mà qua nhời thơ đấy ạ, nhưng đàng nào thì cũng cởi, người ta khoe ngực thì mình khoe lưng: dài lưng tốn vải ăn no lại nằm... chơi sách, à quên, đọc sách. Cái chữ sách này nguy hiểm vô cùng, thời buổi Anh Việt đề huề này mà phát âm không chuẩn thì... coi chừng nóng máy trái thời. Trong bài trước, xem comment của bạn sonata thì chợt nhớ đến câu "em ơi tình nở muộn" ở đâu quên rồi, cười thầm. Hôm nay lại đọc haiku gió thổi nở hoa, thế mới thú.

    Chà, bác NL đề cập đến Kiều và Nguyễn Du trong cung cách hơi tự tin đấy. Đành rằng bác có vài nhận xét lý thú, nhưng trên thế giới có khá nhiều người đọc (và thuộc) và nghiên cứu Đoạn Trường Tân Thanh hết sức nghiêm túc. Không phải Nguyễn Du "đương nhiên" là một đại thi hào, mà Nguyễn Du "là" một đại thi hào. Cụ không bớt đi phần tài hoa khi người ta không hiểu cụ đến bờ đến mé. Những điều kỳ lạ nằm ẩn trong cấu trúc của thơ, như những ký hiệu mật mã, không khác gì lối hòa âm của Bach. Giải mã, anyone? :) [NSC]

    ReplyDelete
  11. @HY: ... ba cụ ngồi tâm tình chuyện trăm năm... Hí hí, chuyện trăm năm: ba chàng thơ thẩn ménage à trois, yêu nhau cho đến bạc đầu, bên nhau cho đến mãn đời người ơi! :) :) [NSC]

    ReplyDelete
  12. "Việc này nếu không phải là bất khả tư nghị thì cũng khó giải thích..." Thế đấy, ở đời có lắm cái không thể lý giải cũng chẳng thể giải thích, nghĩ lắm chỉ phát cuồng. Nhiều nhà nghiên cứu trong các lãnh vực khác nhau (như Heidegger và Einstein chẳng hạn) vào cuối đời bỗng dưng "thơ" hẳn ra, hồn nhiên hẳn ra. Có lẽ, sau cả đời vật lộn với khái niệm, họ cảm nhận được cái hữu hạn đáng yêu của con người khi đối diện cái vô cùng, cái huyễn mộng "nói dzậy mà không phải dzậy", trong một trật tự siêu việt "vui buồn" nào đó mà con người không thể nhìn ra với con mắt tri thức học đường... Anh thế này, chị thế nọ, cụ ấy thế kia, tưởng là đồng bộ mà lại khác nhiều thế, tại sao và tại sao? Nhà Nho gọi là Mệnh, nhà Phật gọi là Nghiệp (nhưng không phải là số mạng kiểu tiêu cực như nhiều người vẫn nghĩ).

    "... gần như là chuyện bỗng nhiên nhìn thấy gấu trắng ở đường xích đạo." Ậy, cái này thì có ạ, gấu đủ mầu, rất "gấu", ngay ở gần xích đạo, vài chục năm nay coi bộ hơi nhiều. :) [NSC]

    ReplyDelete
  13. Đã nói là "thử" rồi mà bác, hơn thế nữa lại còn là "mua vui". Bây giờ nói thế này đi: Nguyễn Du đúng là một chiến thắng của trò xổ số lịch sử, nhưng là một chiến thắng hữu lý, và khi ông lên nhận giải thì không có ai khiếu nại, chỉ có rất nhiều người mon men mong rút tỉa được chút gì từ món giải thưởng khổng lồ.

    ReplyDelete
  14. Các bác đừng chê haiku của em nhá, phong cách Issa cao cấp mà ngày nay người ta hay gọi là đạo văn đấy :d

    ReplyDelete
  15. À mà các bác chưa hiểu là tôi gài vào bài haiku một điều vô lý rồi: anh đào mà nở hoa thì làm gì có lá hihi.

    ReplyDelete
  16. SGK ngày xưa ghi Hoa tiên là của Nguyễn Huy Tự , có phải là tên gọi khác của Nguyễn Huy Hổ ko ?

    ReplyDelete
  17. Thơ ở chỗ vô lý, nói lá nhưng không phải lá, nói hoa nhưng không phải hoa, mà là cuổng trời. [NSC]

    ReplyDelete
  18. CANT: không phải, cùng họ thôi. Hoa Tiên là của Nguyễn Huy Tự & Nguyễn Thiện.

    ReplyDelete
  19. Ui, những nhà lý luận, phê bình họ cũng phải có chiêu của mình chứ bác. Viết về một tượng đài như ND thì mới chắc chắn có nhiều người thích đọc, bài vì thế mà được coi là hot. Hơn thế, khám phá theo kiểu tãi chữ, tãi ý thì riêng ND cũng đủ các bác ý tãi cả đời không hết. Tội gì phải đọc và khám phá người khác cho nhọc công mà chưa chắc đã được ủng hộ, tung hô. Vì thế mà các nhà phê bình lý luận của ta rất ít khi khen người đương thời. Đơn giản vì chẳng có cái lợi giề, hoặc có khi lại tòi cái vớ vẩn của chủ nhân bài viết. Bác NL hong bit một điều hiển nhiên nài ư?

    ReplyDelete
  20. Bài haiku đúng là "mua vui". Nhưng hoa anh đào lại hay là biểu tượng liên tưởng cho "nhược chúng" (wakashu), một dạng trai trẻ thường có liên quan tới quý ông. Bài haiku sau của Mesui ở thế kỷ 17:

    Hoa rơi
    tố nhan nhìn yêu kiều
    mỹ thiếu niên

    "Tố nhan" là dung nhan chưa được trang điểm. Cây anh đào tán hoa như một dung nhan chưa trang điểm của một mỹ thiếu niên, nhìn rất đáng yêu.

    Bài haiku của Nhị Linh hẳn cũng muốn liên tưởng vẻ đẹp của cơ thể mình với hoa anh đào, như một mỹ thiếu niên :-))

    ReplyDelete
  21. Chẹp, nói ra thì có vẻ vớt vát vớ vẩn, nhưng Truyện Kiều của cụ Nguyễn thì có nhiều điều cần "rút tỉa" thật. Vâng, lắm người bàn (cũng có thể để kiếm gạo hoặc cầu danh) nhưng chưa hẳn là bàn đến nơi, ghế đến chốn. [NSC]

    ReplyDelete
  22. Đấy nhá, bác Đông A nói rõ ra rồi đấy nhá: mỹ thiếu niên, nhìn rất đáng yêu. Ôi chao, ảnh nóng, tẩm thơ, càng nóng tợn. :) [NSC]

    ReplyDelete
  23. Bài haiku của Nhị Linh chính ra erotic phết. Tác giả chắc ngượng muốn giấu cái mỹ thiếu niên sắp quá cố của mình nên mới thêm mấy từ rườm vào. Hehe, để tớ sửa chút nhé.

    "Gió thổi qua tán lá
    Những cây anh đào nở hoa
    Muốn cởi hết."

    ReplyDelete
  24. Mình đồ rằng NL mà cởi hết ra thì anh đào không những trụi lá mà còn trụi cả hoa. Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh mà! :)

    ReplyDelete
  25. Thật không ngờ là có ngày lại được lăng xê kiểu Lê Kiều Như bởi bác Đông A :d

    ReplyDelete
  26. Không có bằng chứng cụ gì cụ Nhị dùng "cởi" ở đây như động từ phản thân cả, phải chờ hồi sau mới rõ được là cụ nào "hết ra".

    Các bác cứ hấp tấp khuyến khích, bình loạn làm hỏng cả việc lớn (của cụ).

    ;P

    ReplyDelete
  27. Cởi, cởi nữa, cởi mãi.

    Xổ số kiểu này ý Nhị Linh trách cứ là sao em Sợi xích nổi được, mà Nhị Linh vẫn còn chìm nghỉm ở tận đâu đâu.

    ReplyDelete
  28. Bác NSC: ý tôi là chuyện trăm năm dâu bể thế sự, bác lại hiểu sang chuyện tơ tóc trăm năm. Buồn cười cái phát hiện của bác Đông A quá, làm Nhị Linh nhà ta đỡ không kịp phải bám vội vào sợi xích chị Kiều Như mà đu lên cây anh đào không lá, trót cởi ra rồi mà :P Dạo này có trào lưu nghiên cứu về gay hay sao ý, nó đã lan tận vào chốn văn chương hóc hiểm nhà Nhị Linh.

    À, cái tên entry đặt sao mà hay thế, đúng thế, nhà Nhị quá giỏi việc đặt tên.

    ReplyDelete
  29. @HY: Vui mà. :) [NSC]

    ReplyDelete
  30. Gender Studies và Queer Studies từ lâu đã là hai ngành rất phát triển, kể cả trong nghiên cứu văn học rồi chị HY ạ.

    Còn đặt tít là nghề của em đấy :d

    ReplyDelete
  31. Xin cảm ơn NL đã cho xem một bữa "Dạ Tiệc Qủy" rất hay.

    ReplyDelete
  32. Nhị Linh muốn kiêu kỳ "xét lại" giá trị tác phẩm cuả cụ Nguyễn Du khi nói "đúng là mua vui thật thì sao nhỉ", nhưng tôi thì thấy NL nên học hỏi tiếng Việt sâu thẳm cuả cụ cho dịch thuật cuả mình tốt hơn đấy.
    Từ "Kiều" cuả cụ Nguyễn Du nhảy sang cô ca sĩ Kiều (như) thì thật quả là một cú nhảy phóc rất êm, nhưng khá tội nghiệp. Tôi thích Lý Đợi hơn nhiều:

    http://nguyenmienthao.blogspot.com/2010/03/ly-oi-phan-xet-nao-voi-soi-xich.html

    ReplyDelete
  33. Bác còn bàn về Mai Đình Mộng Kí không? Nên hiểu nội dung của truyện này như thế nào? Đi chơi thấy cảnh hoa mai rồi nằm mơ thấy tiểu thư trong vườn mai có phải là gặp hồn ma trong cây mai không? Khi nào có thời gian bác đảo lại truyện này đi, hình như truyện này vẫn chưa được nhiều người quan tâm.

    ReplyDelete