Nov 16, 2010

What I Talk About When I Talk About Running

Nam nhi trượng phu không bao giờ nói đến hai điều: những người đàn bà anh ta đã chia tay (hoặc đã chia tay anh ta), và những khoản thuế mà anh ta từng phải nộp. Haruki Murakami bịa ra một câu ngạn ngữ như thế ở đoạn mở đầu What I Talk About When I Talk About Running. Trong số các taboo của đàn ông, thật ra ngoài tình và tiền còn có sách nữa: chẳng ai thực sự nói thật về số lượng sách mình đã đọc :)) nhưng dù sao thì đã là nam nhi trượng phu mượn sách của người ta thì phải trả, nhá hehe.

Tôi thì không phải fan của chạy bộ, tôi thấy chạy bộ thiếu kịch tính lắm, mỏi chân lắm, chỉ sợ ngủ gật trong lúc chạy ;p

--------------


Chạy để viết

Không thường khi công chúng văn học biết được bia mộ nhà văn mà họ yêu mến sẽ viết gì, vào lúc mà nhà văn vẫn sống và vẫn viết, thậm chí là viết khỏe. Thế nhưng Haruki Murakami, không mấy vương vấn với những tránh né kiêng kỵ kiểu Á Đông, đã công khai hóa những gì sẽ được đề trên bia mộ của ông sau này ở phần cuối cuốn sách mới nhất, “What I Talk About When I Talk About Running” (Tôi nói gì khi bàn về chạy bộ, NXB Knopf 2008, Philip Gabriel dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Anh): “Haruki Murakami (1949-20**), nhà văn và người chạy bộ. Ít nhất thì ông chưa bao giờ đi bộ”.

Mấy dòng vắn tắt này (bia mộ nói chung cũng thường vắn tắt, như nhà thơ Thường Quán từng viết: “Xứ này bia mộ chỉ vắn tắt”) ngoài tiết lộ Murakami kiệm lời, còn cho biết với chính ông hai hoạt động quan trọng nhất của cuộc đời chính là viết và chạy. Thêm một điểm nữa khiến Haruki Murakami khác với một nhà văn Nhật cùng họ với ông và cũng lừng danh không kém: trong cuốn tiểu thuyết "69" mới được dịch sang tiếng Việt, Ken, nhân vật chính của Ryu, không bao giờ chịu đựng nổi cái trò chạy bộ ngớ ngẩn. Mặc dù được trời phú một dung tích phổi lớn đặc biệt, chỉ cần chạy được vài phút là Ken nhất quyết thong thả đi bộ (và tất nhiên là chấp nhận về bét trong mọi cuộc thi, không bao giờ thấy cắn rứt lương tâm).

Cuốn sách mới nhất của Haruki Murakami tương tự như một hồi ký, một dự án mà nhà văn đã có ý định thực hiện trong nhiều năm nhưng phải đến giờ mới hoàn thành được, sau khi đọc lại đống sổ chuyên dùng để ghi chép việc chạy bộ, một dạng nhật ký nhà văn, nhưng chỉ về một chủ đề duy nhất. Không giống những cuốn tiểu thuyết của ông, lần này lời đề tặng hết sức rõ ràng: “Tôi đề tặng cuốn sách này cho tất cả những người chạy bộ mà tôi từng gặp trên đường - những người tôi đã vượt qua, và những người đã vượt qua tôi. Không có các bạn, hẳn tôi đã không thể duy trì việc chạy bộ lâu đến vậy.” Một lời đề tặng nhìn chung là đặc biệt, phần nào đó có thể so sánh với lời đề tặng hay nhất lịch sử theo chuyên gia điểm sách người Pháp Pierre Assouline: theo ông, Jules Vallès đã viết được lời đề tặng số một đó, và chúng ta có thể đọc được câu văn trứ danh này trong tiếng Việt theo bản dịch của nhà thơ Trần Dần: “Tôi tặng cuốn sách này cho NHỮNG AI bụng nhồi đầy tiếng Hy-lạp, tiếng La-tinh, mà chết đói” (câu này nằm ở đầu tập thứ hai mang tên “Cậu tú” của bộ sách ba tập ký tên Jules Vallès, một thời cũng từng khuynh đảo tâm trí của giới bạn đọc Việt Nam).

Nhờ lấy chạy bộ làm hoạt động thường nhật (hoặc gần như vậy) mà Haruki Murakami có được một trải nghiệm rất đặc biệt và gây thèm muốn với bất kỳ dịch giả nào trên đời (ngoài viết văn ông còn dịch rất nhiều tác phẩm của Mỹ): trong khi dịch cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của John Irving viết về những con gấu, Murakami xin được gặp nhà văn, và đã được Irving mời chạy bộ cùng trong Công viên Trung tâm (New York), tranh thủ vừa chạy vừa trao đổi luôn. Rồi suốt một thời gian dài ở Tokyo, sáng nào đi chạy ông cũng có một cơ hội đầy phấn khích là được gật đầu chào một người phụ nữ tuyệt đẹp thường xuyên chạy giống như ông (điều này khẳng định tính đúng đắn của câu ngạn ngữ “Con chim dậy sớm thì bắt được sâu”). Nhưng quan trọng hơn cả, nhờ chạy bộ thường xuyên mà Murakami, một con nghiện thuốc lá trước đây, giữ được sức khỏe tốt để liên tục cống hiến cho độc giả thế giới những cuốn tiểu thuyết hấp dẫn. Cho đến lúc viết cuốn sách này, ông đã không còn ngần ngại mà đặt tên cho một chương là: “Phần lớn những gì biết về viết văn tôi đều học được bằng cách chạy bộ mỗi ngày”.

Trong cuốn sách sử dụng lại cái nhan đề nổi tiếng, như nhiều độc giả hẳn đã nhận ra, của một tập truyện ngắn Raymond Carver (“What We Talk About When We Talk About Love” - Chúng ta nói gì khi bàn về tình yêu; sắp có bản dịch tiếng Việt), Murakami trình bày con người mình theo một cách thức đặc biệt trực tiếp, trong đó nổi bật là quan niệm của ông về sự nghiêm túc. Khi mới bắt đầu chạy, ông đã đến Athens với mục đích viết phóng sự về chạy maratông, và trước sự kinh ngạc của các phóng viên, ông thực sự chạy hết quãng đường của người chiến binh năm xưa, không ăn bớt lấy một mét nào. Có thể đây là một sự kỳ quặc của tính cách Murakami, cũng kỳ quặc như khi ông có lần kể mình hay ra sau vườn nhà đào lỗ, lấp lại, rồi lại đào. Nhưng xét cho cùng, chạy để viết là một hình thức tập luyện còn lành mạnh hơn nhiều so với một số phương cách khác thông dụng hơn và cũng được không ít nhà văn coi là nghiêm túc, như uống rượu, ra đường hứng mưa, hoặc thậm chí là dùng thuốc lắc.

Nhị Linh


10 comments:

  1. Ối, đọc bài bạn Nhị chợt nhớ ra mình đã đọc quyển nài :-D Mình cũng ghét chạy bộ, cũng có cảm giác có thể chết vì buồn khi chạy. THế mà lão M có thể bịa ra bao nhiêu chiện từ cái hoạt động nhàm chán kia :-P Thế mới thấy, nhà văn đôi khi rất trái tính nhé :-D

    ReplyDelete
  2. hờ, cả đời lúc nào mình cũng chạy, nhưng không phải chạy bộ :)

    ReplyDelete
  3. "Chạy để viết" post ở thời điểm này có một lỗi typo: Dòng thứ 15 từ dưới lên trên "sắp có" hay "đã có"? :D

    ReplyDelete
  4. có sao đâu, bảo đảm tính nguyên trạng lịch sử cũng là tốt chứ ;d

    ReplyDelete
  5. Chạy tiến độ đúng không ạ? :))

    Chạy bộ thì thú vị ở chỗ nào và giúp công việc viết văn ở chỗ nào nhỉ,hmmm... Em thì thấy với nhà văn đi bộ hữu ích hơn, vì lúc đi còn quan sát được cái này cái kia, chứ chạy thì thời gian quan sát 1 thứ gì đó bị rút ngắn lại.

    ReplyDelete
  6. chạy bộ có lợi chứ, ngón chân sẽ to tương xứng với ngón tay :)

    ReplyDelete
  7. :)) Chọc NL thôi, hôm nay humor sense lang thang ở đâu rồi à? :D

    Off topic: Em nhớ bài này đã xuất hiện ít nhất là ba lần, gồm lần này và "Hai mươi tư". Search để đọc lại comment mà không được. Chắc ở nhà cũ?

    ReplyDelete
  8. Ừ nhỉ, mình cũng nhớ là đọc rồi, tuy nhiên đọc lại vẫn hay (và cần)
    Chạy bộ hơn đứt đi bộ là đỡ phải nhìn, đầu óc tha hồ nghĩ vớ vẩn mà không tiếc thời gian (như ngồi im mà nghĩ vớ vẩn) vì ít nhất có lợi cho sức khỏe!
    Nghĩ vớ vẩn tầm bác Murakami thì lại ra vấn đề.

    ReplyDelete
  9. Đọc đoạn mở đầu bài này mình có vái ý kiến:
    1) Đừng bao giờ nói mình có sách ở nhà
    2) Nam nhi trượng phu đừng có đi mượn sách của người ta. he he

    ReplyDelete
  10. chết, bác scorpio có phải ai đó cho tôi mượn sách không :p

    ReplyDelete