Jun 29, 2011

(Brand New Ones) Các yếu tố của văn minh theo Niall Ferguson

Năm học 2010-2011, Niall Ferguson, nhà sử học người Anh nhưng sống một thời gian dài ở Mỹ, được London School of Economics (LSE) phong giữ ghế giáo sư Philippe Roman dạy về lịch sử và ngoại giao; trên trang web của trường, Niall Ferguson được giới thiệu như là “một trong những học giả xuất chúng nhất thế giới”. Cũng năm 2011, lượng tác phẩm rất phong phú của Ferguson lại tăng thêm khoảng 400 trang với Civilization. The West and the Rest (Văn minh. Phương Tây và phần còn lại), NXB Allen Lane (Penguin Group).

Niall Ferguson bắt đầu cuốn sách bằng việc phàn nàn về cách giảng dạy môn lịch sử tại phương Tây (điều này có liên quan tới việc ở Anh ông được mời tham gia dự án cải tổ chương trình học lịch sử trong nhà trường; điều này đã gây ra không ít phản đối). Dự định của ông là viết một tác phẩm để “một cậu bé hoặc cô bé 17 tuổi cũng sẽ thu nhận được rất nhiều lịch sử theo một cách thức dễ dàng”. Quả thực, điều này đã được thực hiện rất tốt. Mọi cây bút điểm sách, cho dù ác cảm đến thế nào với quan điểm của Niall Ferguson, cũng công nhận Civilization được viết rất hay, rất nhiều câu chuyện và sự đối chiếu hấp dẫn. Xét riêng điều này, sử gia đã rất can đảm tự rút mình ra khỏi một lối viết kỹ thuật, hàn lâm mà độc giả đại chúng rất khó tiếp cận.

Xuất phát điểm của Niall Ferguson là các vấn đề lịch sử tài chính (theo chính lời ông trong Civilization thì ông chuyển sang Mỹ sống và làm việc là bởi ông muốn ở nơi có tiền thực sự, tức Wall Street), rồi từ khoảng mười năm nay ông đặc biệt quan tâm tới vấn đề “đế chế”, với hai cuốn sách lớn mang tên Empire: How Britain Made the Modern World (Đế chế: Anh quốc đã tạo ra thế giới hiện đại như thế nào) in năm 2003 và Colossus: The Rise and Fall of America’s Empire (Người khổng lồ: Sự trỗi dậy và suy tàn của đế chế Hoa Kỳ) in năm 2004. Năm 2008, Niall Ferguson quay trở lại với chuyên môn sâu của mình bằng cuốn sách được chào đón nhiệt liệt The Ascent of Money (Sự thăng tiến của đồng tiền), tìm cách giải thích khủng hoảng kinh tế thế giới. Chỉ cần nhìn nhan đề những cuốn sách ta đã có thể thấy tham vọng của tác giả là đi vào những vấn đề lớn và rất lớn của thế giới, một tham vọng đang dần phai nhạt ở các học giả sống trong giai đoạn thiên về chuyên môn sâu hơn là tìm đến với tri thức dạng bách khoa toàn thư.

Điều này hẳn có phần liên quan đến một công việc mà Niall Ferguson thường xuyên làm: xuất hiện trên truyền hình trong những xê ri làm theo nội dung các tác phẩm của ông. The Ascent of Money đã là một ví dụ và Civilization cũng vậy, song song với cuốn sách là một loạt chương trình truyền hình. Ở phần mở đầu của Civilization, tác giả cũng nhắc tới một xê ri truyền hình rất nổi tiếng của Kenneth Clark hồi năm 1969 với chủ đề là văn minh. Niall Ferguson phản đối cách nhìn nhận của Clark, đồng hóa “văn minh” với những lâu đài sông Loire, tác phẩm nghệ thuật của những Michelangelo, Constable… Theo Niall Ferguson, “văn minh” còn (và chủ yếu) gồm những thứ không “cao cấp” bằng, nhưng quan trọng hơn nhiều: “Trong cuốn sách này tôi chọn một cái nhìn rộng hơn, có nhiều tính chất so sánh hơn, và tôi dự định sẽ xuống thấp và lấm bẩn hơn là lên cao và nhiều quyền năng” (tr. 2). Gắn bó với truyền hình, trong The Ascent of Money ngay ở đoạn đầu ông cũng nhắc đến một xê ri phim truyền hình lịch sử khoa học từng xem hồi nhỏ.

Cộng điều đó vào với ý định tạo ra một cuốn sách lớn nhưng dễ xâm nhập, Niall Ferguson còn đi đến chỗ sử dụng một ngôn từ rất trẻ trung và thời thượng: sau khi dượt lại các khái niệm “văn minh” kể từ khi nó xuất hiện ở nhà kinh tế học người Pháp Turgot (1752), rồi đến khái niệm kinh điển của Fernand Braudel, ông chia cuốn sách của mình thành sáu chương chính theo sáu yếu tố mà ông gọi là các “killer app” (một thuật ngữ dùng để chỉ các phần mềm máy vi tính có tính chất thành công đặc biệt, giúp các hãng nhanh chóng mở rộng thị phần cho một dòng sản phẩm, chẳng hạn như Lotus hoặc PageMaker), những yếu tố khiến văn minh của phương Tây (châu Âu và Bắc Mỹ) vượt trội so với “phần còn lại” (châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh): Cạnh tranh, Khoa học, Sở hữu, Y học, Tiêu thụ và Đạo đức trong công việc.

Niall Ferguson đã vô cùng khéo léo trong việc đặt những so sánh hết sức thú vị, như ở chương bàn về “Cạnh tranh”, ông đưa ra ví dụ về nhà hàng hải kiệt xuất Trịnh Hòa thời Minh Thành Tổ đối chiếu với cách làm, tham vọng và mục đích của Christopher Colombus để đi tới nhận xét rằng nhờ nhấn mạnh, thực sự coi trọng yếu tố cạnh tranh mà các nước phương Tây dần vượt lên trên những đế chế phương Đông rất hùng mạnh nhưng quá chăm lo cho sự tĩnh tại của mình và quá thoải mái trong cô lập.

Tuy nhiên, dù cho có khéo léo đến mấy thì cách nhìn nhận của Niall Ferguson cũng vấp phải sự phản ứng dữ dội của giới phê bình, nhất là cách phân chia thế giới giản tiện của ông, cũng như cái nhìn thiên về cánh hữu, đả phá thế giới quan của cánh tả, cho rằng lẽ dĩ nhiên quá khứ thực dân của phương Tây có nhiều điều xấu nhưng cần phải nhấn mạnh vào cả những tốt đẹp của nó nữa. Bernard Porter trên tờ Guardian thẳng thừng viết rằng Civilization viết hay, trang nào cũng có cái để trích dẫn, nhưng đầy thiên kiến, lỗ hổng và đơn giản là không thể đem vào giảng dạy trong trường học được.

Một cuốn sách tham vọng vấp phải phản đối là rất bình thường; công bằng mà nói, mục đích mà Niall Ferguson đặt ra (giải thích sự vượt trội của phương Tây trong khoảng 500 năm vừa qua) đã được thực hiện rất hiệu quả, mặc dù gây khó chịu cho những người ở bên kia lằn ranh phân chia phương Tây và phần còn lại. Và ông cũng đưa ra cảnh báo, cả ở trong sách cũng như ở các bài báo viết cùng dịp, rằng phương Tây đang suy yếu; ông kết thúc cuốn sách của mình đầy tỉnh táo: “mối nguy lớn nhất của văn minh phương Tây không xuất phát từ các nền văn minh khác, mà từ sự yếu kém của chính chúng ta - và bởi sự thiếu hiểu biết về lịch sử đã nuôi dưỡng sự yếu kém ấy”.

2 comments:

  1. Rất đáng tiếc là quyển sách này chưa được xuất bản ở Mỹ. Đọc bài của Nhị Linh tôi muốn tìm đọc sách này luôn. Cách đây vài năm tôi đã đọc quyển Colossus và dù lắm lần tôi không đồng ý với Ferguson, nhưng ông cũng có nhiều nhật xét hay.

    ReplyDelete
  2. Bác nên đọc quyển này, NF audacious và peremptory quá mức ở nhiều chỗ nhưng đó là một khảo cứu cẩn thận, nhiều phát hiện.

    ReplyDelete