Jun 25, 2011

noét


Tiếp tục khai thác chuyên đề MK của ML :p Dưới đây là bài phỏng vấn Marek Bieńczyk [chắc chị TL có biết], rất là noét về kinh nghiệm đọc MK ở một nước cộng sản, đặt trong bối cảnh hậu Solidarność (Công đoàn Đoàn kết và Lech Walesa).

-----------

Marek Bieńczyk là tiểu luận gia và tiểu thuyết gia, người dịch sang tiếng Ba Lan tác phẩm của Kundera, của Barthes và của Cioran. Ông cũng là một trong những nhân vật chủ chốt của L’Atelier du roman [Xưởng tiểu thuyết], tờ tạp chí do Lakis Proguidis làm chủ bút.

Ông còn nhớ lần đầu tiên đọc Milan Kundera không? Hiệu ứng của việc đó là gì?

Tôi không biết đến tác phẩm của Kundera cho tới khi Sự nhẹ không thể chịu đựng của tồn tại được xuất bản. Bản dịch xuất hiện rất nhanh chóng, vào quãng năm 1984, bởi một nhà xuất bản ngầm ở Ba Lan. Tôi vẫn giữ được cuốn sách đó, rách nát, chất lượng in rất tồi, coi như là không thể đọc được nếu không dùng đến một cái kính lúp. Đọc xong, ngay lập tức tôi đặt mua từ Pháp Sách cười và quên, nhưng hải quan Ba Lan đã tịch thu nó mất, hồi ấy Kundera bị cấm ở Ba Lan, mãi cho tới năm 1989 (trừ Chuyện đùaNhững mối tình nực cười, vẫn được xuất bản trong những năm 70, nhưng kể từ đó cũng đã hết sách từ lâu). Việc phát hiện Sự nhẹ không thể chịu đựng của tồn tại giống như một cú sét đánh theo đúng nghĩa đen, không chỉ với tôi, mà hẳn là với phần lớn độc giả, nhất là độc giả thuộc thế hệ của tôi. Trong vòng ba mươi năm vừa qua, đó là quyển tiểu thuyết bán chạy nhất ở nước chúng tôi. Đến nay nó đã được tái bản hai mươi lần! Nói thật ngắn gọn, lần đọc Kundera đầu tiên đã giúp chúng tôi tái thương thuyết về mối liên hệ giữa tồn tại cá nhân của chúng tôi và lịch sử tập thể, tái tạo sự cân bằng giữa “cái tôi” và “cái chúng tôi” mà mối liên hệ ấy từng gây bất ổn. Cuộc đảo chính do tướng Jaruzelski cầm đầu vào năm 1981 chấm dứt thời kỳ Solidarność đã kết án văn học phải tiếp tục truyền thống lãng mạn của nó, tập trung vào diễn ngôn tập thể. Đột ngột, Kundera đã dạy cho chúng tôi sự tự do suy nghĩ bởi chính mình ở giữa tự do tập thể mà chúng tôi đồng lòng đòi hỏi, ông đã dạy cho chúng tôi phải đương đầu với cả hai thứ tự do, phải mở rộng phạm vi trải nghiệm. Ông mở tung cửa cho nỗi thèm khát mỹ học thiu thiu ngủ hoặc bị dồn nén của chúng tôi, bên dưới trọng lượng tính chất cần thiết của lịch sử và hé lộ cho chúng tôi sự tiếp cận thẩm mỹ đối với các hiện tượng chính trị và xã hội.

Nhìn chung hơn, tác động của việc xuất bản các tiểu thuyết của Kundera ở Ba Lan và các nước Đông Âu khác là như thế nào?

Ngay cả khi mang đến một cách đọc hiện sinh, có vẻ như phi chính trị hay phản chính trị về Lịch sử, thì Kundera cũng đã được đọc như một nhà văn chính trị triệt để. Ông là một trong số hiếm hoi nhà văn, nhờ trải nghiệm thời cộng sản của mình, trải nghiệm về một thứ chính trị triệt để, tạo ra được một cấu trúc nghệ thuật triệt để. Kích thước nghệ thuật này có được quyền lực về quyến rũ hoặc gây rối trí chính là bởi nó là thành tựu của một hiểu biết sâu sắc về cơ chế toàn trị. Vị thế của Kundera chính trị dĩ nhiên đã được chứng tỏ rất rõ qua văn bản nổi tiếng về sự trệch đường của Trung Âu [ở đây Bieńczyk muốn nói đến tiểu luận “Un Occident kidnappé”]. Ông đã xuất hiện để đặt tên cho những thứ cần có một cái tên. Kundera không phải là người đầu tiên nói về không gian Mitteleuropa [Trung Âu], nhưng sức mạnh của văn bản của ông có được sự tươi mới của một khám phá ở mức nền tảng. Người ta đã đọc văn bản ấy cùng với các tiểu thuyết của Kundera, điều này cho phép một sự diễn giải sau này về các sự kiện năm 1980, về cuộc cách mạng mềm mà ta không thể biết xét đến cùng có “trữ tình” hay “tiểu thuyết” về mặt bản chất hay không. Đúng, chắc chắn là, như mọi cuộc nổi loạn, nó “trữ tình”, theo cách hiểu của Kundera; và thẩm mỹ thơ ca của nó sở hữu điều gì đó vừa thu hút vừa đẩy lui chúng ta ra xa. Nhưng nghịch lý nằm ở chỗ với Kundera nó được vẽ nên như một nan đề: xuất hiện khả năng về một diễn giải khác cho phong trào Solidarność, một cách diễn giải đúng thật có tính chất tiểu thuyết.

Trong một văn bản rất hay về Kundera viết vào năm 1985, Klara Welt kết luận rằng “mười sáu tháng Solidarność đã thiết lập một khám phá đáng kinh ngạc về đặc trưng tiểu thuyết của cuộc sống. […] Đặc trưng tiểu thuyết của cuộc sống có nghĩa “cực đại đa dạng trên một cực tiểu không gian” [ý này thì nằm trong Le Rideau] - một mật độ kỳ lạ của hành động, sự trộn lẫn của các biểu tượng và các ngôn ngữ. Nước Ba Lan sau tháng Tám năm 1980 đã tự khám phá ra mình trong sự đa nguyên của ngữ nghĩa học chính trị với bữa tiệc say sưa kéo dài hơn một năm trời. […] Tính chất tiểu thuyết của cuộc sống có nghĩa một sự đa dạng đa thanh. Quả thực tính chất tiểu thuyết khơi dậy mối quan tâm đối với những kích thước “nhỏ bé” của thế giới - rất đáng nói là vào thời Solidarność chủ đề về các thiểu số cho đến khi ấy còn bị cấm đã bùng nổ theo đúng nghĩa đen. Sự khám phá ra giá trị cốt yếu về một cuộc sống “khác”, nghĩa là nhỏ, đã kéo theo sự đồng hóa vào một sinh thái học châu Âu thực thụ, trái ngược với cái trật tự do “các nước lớn” áp đặt.” Có lẽ đó là lần đầu tiên - rất lâu trước khi có cuốn sách của François Ricard, Thế hệ trữ tình - người ta dùng đến thẩm mỹ học của Kundera để nói tới các hiện tượng xã hội, lịch sử và chính trị. Klara Welt cũng đã viện đến “siêu hình học về thực thể nhỏ bé” mà bà tìm thấy ở Kundera. Thực thể nhỏ bé, dù cho là về mặt địa chính trị (một đất nước), về mặt mỹ học (xô nát, tiểu thuyết), về mặt triết học, dồn đắp sự phong phú của mình bằng cảm giác về tính chất hoàn bị bên ngoài và tính chất khả tử của nó, nghĩa là tính chất nhẹ ở mức độ thực thể của nó. Thật là mỉa mai vì, ở bên trong, giống như một đơn tử của Leibniz, nó khám phá được một vô tận biến thể và một sự đa dạng không bao giờ cạn khiến nó phải suy nghĩ. Thực thể nhỏ bé tự tra vấn, vì, bởi là một trong số những cái khác, nó hình dung ra được sự tương đối của bản thân mình.

Thứ siêu hình học về thực thể nhỏ bé này quan hệ cả với châu Âu, ở đây là Trung Âu (“cực đại đa dạng trên một cực tiểu không gian” cũng chính là nguyên lý của Đế chế Áo-Hung) và với cả tiểu thuyết, thứ tiểu thuyết biến tấu giống như “một quốc gia nhỏ”. Các quốc gia “nhỏ” có một thế giới quan dựa trên sự nghi ngờ Lịch sử, và điều bất lợi này đến lượt mình lại biến cái không nghiêm túc thành dạng thức cho ý thức của chúng, mở ra một suy tư dài về một kết cục có thể. Cũng như vậy đối với tiểu thuyết. Cái châu Âu ấy, châu Âu “nhỏ”, chính là một châu Âu-tiểu thuyết, trong khi ở đối nghịch còn có một châu Âu-không gian, một châu Âu mở rộng, phản tiểu thuyết - nói ngắn gọn, một châu Âu toàn trị (cực tiểu đa dạng trên một cực đại không gian), dựa trên kitsch với tư cách lời hồi đáp toàn thể, loại trừ khả năng về thực thể của tiểu thuyết. Với Klara Welt, thông điệp lừng danh gửi đi trong quãng thời gian nghị viện Solidarność tới các nước Đông Âu (những nước nằm dưới ách cộng sản) đã hiện thực hóa tinh thần tác phẩm của Kundera theo nghĩa nó hướng tới các nước “nhỏ” và nhắc cho những nước đó nhớ rằng: các bạn là châu Âu. Và dòng chữ cũng lừng danh không kém mà người ta nhìn thấy trên các bức tường Gdańsk - cả sau những cuộc thảm sát hồi tháng Chạp năm 1970 cũng như vào năm 1980 - “Nước Ba Lan ở đây!”, cũng diễn tả lời lẽ của Kundera theo cách của mình. Ở đây là châu Âu nhỏ bé của chúng tôi, chúng tôi thuộc về một nền văn minh nhỏ bé, do vậy không phải nền văn minh Nga và bởi thế chúng tôi chế giễu sự nghiêm túc của thực tại địa chính trị. Do đó, Walesa người ký hiệp ước Gdańsk bằng cái bút máy đồ chơi dài 50 xăng ti mét đã thực hiện một cử chỉ có tính chất tiểu thuyết một cách hoàn hảo, đầy chế giễu, mỉa mai: tôi đây, tôi lại quay về trong thế giới của những người khổng lồ được công nhận (các thực thể lớn), bởi vậy cái bút của tôi phải ngang bằng được với họ. Đối với thứ mỹ học chính thức, lớn lao và nặng nề, Walesa cũng giống như một Gulliver ranh mãnh ở đất nước Brobdingnag. Như ông thấy đấy, đó là một cách đọc Kundera rất đặc thù, hơi giống như trong cơn sốt, có khả năng là chẳng hề gần gũi với cách người ta đọc ông ở Pháp.

Với Kundera và sau ông, tiểu thuyết đã tách xa khỏi một văn chương truyền thông điệp hoặc luận đề. Ông có cho rằng về sâu xa có một nguồn gốc chính trị cho điều đó không - một dạng chán ngán ấy?

Tôi sẽ trả lời bằng một câu chuyện. Chúng tôi tiến hành dự án về một xê mi na ngầm về Kundera. Các ông tướng khi ấy đã nới bớt sự kiểm soát, tuy nhiên vẫn phải rất thận trọng. Cuộc xê mi na được tổ chức [năm 1986] tại căn hộ một nhân vật lớn của cuộc kháng chiến ở Katowice. Các tranh luận kéo dài ba ngày; chúng tôi dai dẳng cảm thấy mình bị cảnh sát quan sát và theo dõi. Đến ngày thứ ba, đúng như chúng tôi chờ đợi, có người gõ cửa; ba người trông rất buồn thảm mặc măng tô màu xám, các nhân viên an ninh điển hình, bước vào căn hộ. Tuy nhiên họ dễ mến và rụt rè đến kỳ lạ; cuối cùng thì họ rút ra vài tập giấy mỏng: chúng tôi hiểu đó là các chứng nhân của Jehovah đến để rao giảng lòng tin của họ. Sự ngộ nhận kỳ quặc này, rất có tính chất Kundera, khi ấy chúng tôi đã nghĩ, minh họa rất rõ cho thi học của Lịch sử, đúng như chúng tôi nghĩ là tìm thấy ở Kundera: mọi sự kiện đều phải mang trong mình một độ trượt nhẹ, bị trệch hướng đi; nó diễn tả điều gì đó khác với điều ai cũng nghĩ nó diễn tả thực sự.

Thời ấy, Kundera đã tái khám phá cho chúng tôi tính chất tương đối của mọi thứ, như là nền tảng của văn chương. Nhưng sự tương đối ấy, việc đặt lại vấn đề về các “luận đề” và “thông điệp” trong văn chương không chỉ dính dáng tới chính trị, lịch sử, mà còn cả sự tưởng tượng, tâm lý, sự gần gũi, mọi lĩnh vực của cuộc sống.

[thực hiện phỏng vấn: Maxime Rovere, cũng là người chủ trì chuyên đề MK]

4 comments:

  1. à em nhận được 2 cuốn Todorov rồi. sozi hehe

    ReplyDelete
  2. Tớ nhớ là bạn Nhị Linh trước phê bình chị Từ Huy không đưa tên bản dịch tác phẩm của Kundera đã được dịch ra tiếng Việt vào mà lại tự dịch tên tác phẩm. Nhưng trong bài này mà bạn dịch, bạn cũng dùng tên "Sự nhẹ không thể chịu đựng của tồn tại" cho 1 tác phẩm đã có bản dịch Việt ngữ rồi.

    Tức là nếu như một người đọc đã đọc cuốn "Nhẹ kiếp khôn kham" rồi khi đọc bài này của bạn có khi lại tưởng "Sự nhẹ không thể chịu đựng của tồn tại" là một tác phẩm mới mẻ nào của Kundera?

    ReplyDelete
  3. không có bản dịch "Nhẹ kiếp khôn kham" nào cả

    đây là dịch for fun, cái gì official thì khác

    ReplyDelete
  4. "Đời nhẹ khôn kham," Trịnh Y Thư dịch, 2002.

    ReplyDelete