Jun 24, 2011

Cơ hội của ấy

Đợt “báo chí cách mạng” vừa qua điều nổi bật nhất là trận chiến giữa báo chí cách mạng và báo chí lá cải. Phe cách mạng tấn công phe lá cải. Lập luận chính của những người tấn công là tại sao các đồng nghiệp lá cải mà lại lá cải thế :d Còn thì theo tôi, về cơ bản hai bên chẳng khác gì nhau.

Dưới đây là hai bài viết liên quan đến Nguyễn Việt Hà và Cơ hội của Chúa khai quật từ báo cũ: bài thứ nhất đăng Thể thao & Văn hóa số 46, 8/6/1999, bài thứ hai đăng cùng báo trên số 85, 22/10/1999. Nghe nói một trong hai bài chỉ xuất hiện ở bản in trong Sài Gòn chứ không có ở bản in Hà Nội.

Bài thứ nhất tác giả là Thu Hồng và Nguyễn Quyến, bài thứ hai của Thu Hồng, những người rất khó xác định là “cách mạng” hay “lá cải” :p [sao y bản chính]

-----------

Đọc sách

Cơ hội của Chúa (*)

Dễ cũng đến 10 năm, từ sau giải thưởng Hội Nhà văn trao cho ba cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh, Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường, đến nay mới có một cuốn sách mà giới phóng viên viết mảng văn hóa nghệ thuật từ Bắc chí Nam chuyền tay nhau đọc, với những câu trao đổi đại loại như: “Em đọc liền một mạch hai đêm đến 2-3 giờ sáng”, “Chưa có cuốn nào viết về thế hệ trẻ mà “đúng” đến thế”, Chương này… cực hay”…

Bối cảnh làm nền cho “Cơ hội của Chúa” của Nguyễn Việt Hà là vào thập niên 80. Thập niên mà đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh và bắt đầu xây dựng cuộc sống mới. Những giá trị thật của mỗi người, được thử thách qua những biến động nhanh đến chóng mặt của cuộc sống, đã dần trở về đúng vị trí của nó. Câu chuyện xoay quanh hai nhân vật: hai anh em Hoàng, Tâm. Thông minh, vị tha, chìm trong men rượu nhưng không bao giờ say, dường như Hoàng thiếu một động lực sống. Trong dòng chuyển hóa của đời sống, Hoàng không thể nhập cuộc vì anh ta đứng trước sự lựa chọn, hoặc là dấn thân vào đời sống (sẽ đánh mất mình) hoặc giữ nguyên “thằng Hoàng” vô tích sự nghèo đói. Nhưng bản thân sự lựa chọn ấy diễn ra cũng không mấy khắt khe, dằn vặt vì cuộc sống nội tâm của Hoàng quá mạnh, đủ để anh dửng dưng với những nhu cầu thường nhật. Ngay cả khi người yêu ngả vào vòng tay người khác, Hoàng cũng không “gào lên” “lu loa lên” nỗi đau của mình.

Khi mà các nước văn minh, thương gia được coi trọng như bất cứ một tầng lớp trí thức nào thì ở Việt Nam, ngược lại, trong tất cả các ngành nghệ thuật, thương gia hầu như bao giờ cũng đồng nghĩa với sự hám tiền, ti tiện. May mắn làm sao, Tâm trong “Cơ hội của Chúa” đã thoát khỏi con đường mòn ấy. “Đông Âu là môi trường tốt để kiếm tiền nhưng không phải chỗ để làm giàu. Tôi hiểu giàu theo nghĩa sang, tôi hiểu giàu theo nghĩa tự trọng”. Tâm muốn làm tỷ phú bằng đôi tay và tri thức của mình và anh có thể ngẩng cao đầu mà tự hào rằng mình đã làm đúng chức phận mà cuộc sống đã phân công.

Anh em “kiến giả nhất phận” là câu cửa miệng của nhiều người nhưng trong văn chương ta lâu nay quá hiếm tác phẩm đề cập đến tình anh em. Hoàng và Tâm, dù cách lựa chọn đời sống có khác nhau, nhưng cả hai (và tất cả những nhân vật chính - phụ khác trong “Cơ hội của Chúa”) đều là những người có văn hóa. Các nhân vật của Nguyễn Việt Hà đã vượt qua khỏi vòng luẩn quẩn lâu nay của một số nhà văn Việt Nam: cuộc đấu tranh không khoan nhượng (một cách giả tạo) giữa giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Tâm làm giàu và không xấu hổ vì sự kiếm tiền của mình đối với sự viết văn của Hoàng và ngược lại. Và dù rằng “Lao động chân chính là đáng tự hào”, một chân lý muôn đời đã cũ nhưng hình như đã lâu lắm, nó mới được thể hiện một cách sinh động và chân thực trong văn chương.

Cay nghiệt, bùi bụi nhưng duyên và sang là “giọng” của Nguyễn Việt Hà trong “Cơ hội của Chúa”. Văn phong của anh là sự hài hòa kết hợp giữa những bức biếm họa đời sống của Phạm Thị Hoài (nhưng ấm áp, đôn hậu hơn) và những lời rủ rỉ triết lý nhân sinh của Nguyễn Khải. “Cơ hội của Chúa” đầy chật đời sống của tầng lớp trí thức thị thành những năm cuối thế kỷ 20 này. Đó là Nhã, người đàn bà thông minh, sắc xảo và giàu có. Cô là nạn nhân của một người đàn ông hèn nhưng không vì thế mà “hèn” theo: “Hoàng cư xử tuyệt vời nhưng không thể đỡ cho tôi. Và tôi cũng không cần ai giúp đỡ, kể cả ông Chúa đẹp giai của Hoàng. Những ngày của năm tháng đó, tại sao tôi không thấy mệt mỏi. Tôi không được phép gục ngã. Ý nghĩ đó xuyên suốt thậm chí trong mơ tôi còn lẩm bẩm thành lời”. Con người lạnh lùng, quyết đoán trong kinh doanh không làm tha hóa người đàn bà trong Nhã. Cái cách cô quay mặt đi trước hạnh phúc tưởng chừng đang nắm trong tay để không biến mình thành “nạn nhân của cái danh” thật là kiêu hãnh. Đó là Thủy, cô sinh viên dịu dàng, tình cảm. Cô không nhìn thấy, không bước nổi vào “cõi bên trong” của Hoàng nên không đủ can đảm lấy anh. Bước chân chập chững của cô trên thương trường trời Tây để lại những hoang mang tiếc nuối, mai này liệu cô có còn là chính cô…

Đó còn là Bình, là Bích, là Phượng… dù chính hay thoảng qua, đều có số phân, có tính cách. Điều hấp dẫn nhất ở “Cơ hội của Chúa” chính là những số phận, tính cách ấy được xây dựng nên từ những “vật liệu” chân thực gần như tuyệt đối.

***

Tuổi nhâm dần, gia đình đạo Thiên Chúa, gốc Hà Nội ba đời, tác giả Nguyễn Việt Hà hiện là nhân viên Ngân hàng. Duyên nợ với văn chương đã lâu (đã có tập truyện ngắn Thiền giả) nhưng độc giả hình như chưa mấy ai biết đến anh.

- P.V: Anh có chú ý đến văn học và nhất là tiểu thuyết mấy năm lại đây?

- NVH: Tôi đọc hầu hết các tác phẩm văn học, nhất là văn xuôi 20 năm lại đây trừ Nguyễn Bình Phương là chưa vì mới quá. Tôi khó có thể nói một lời thích hoặc không. Theo tôi tiểu thuyết là “đặc sản” của phương Tây.

- Có lẽ chúng ta chỉ thích hợp với thể loại truyện ngắn? Anh đã in một tập truyện ngắn trước khi in tiểu thuyết. Giữa hai thể loại ấy khoảng cách có thể thu hẹp lại được không?

- Không thể? Truyện ngắn sau khi đạt đến độ toàn mỹ trong thể loại của mình cũng chỉ gây cho tôi một cảm giác y hệt khi nghe một ban nhạc hay, hay đọc một bài thơ ngắn. Những loại hình nghệ thuật khác có thể “làm thay” được công việc của truyện ngắn nhưng tiểu thuyết thì không. Tiểu thuyết có đặc quyền riêng với một số đề tài. Hơn nữa, riêng cái dung lượng mà nó chứa đựng đã là một “siêu số” rồi. Các nhân vật trong tiểu thuyết luôn luôn bị ám ảnh mạnh mẽ bởi một điều gì đó.

- Anh cho rằng, tiểu thuyết là “đặc sản” của văn hóa Tây phương. Vậy khi viết tiểu thuyết anh muốn tìm đến một sự hòa hợp giữa hai nền văn hóa Đông Tây.

- Theo tôi, trước kỷ nguyên Ki tô giáo, chúng mới có thể dung hòa được lẫn nhau. Từ đó đến nay chúng theo hướng phát triển của hình chữ V càng ngày càng xa nhau. Các nhân vật của tôi thông thạo ngoại ngữ, đi học, lao động ở nước ngoài nhưng họ tiếp cận văn minh phương Tây bằng con người da thịt của phương Đông. Và sự hòa hợp tối thượng có lẽ sẽ không bao giờ diễn ra.

- Anh đã thay đổi bản thảo bao nhiêu lần trước khi đem in sách?

- Tôi bắt đầu viết từ tháng 3/1989 đến tháng 2/1997 với 800 trang viết tay. Có chương viết một lần có chương viết 6-7 lần. Sau đó tôi tự biên tập một nửa đi, gạt bỏ những gì rườm rà.

- Anh có thay đổi một chút nào hiện thực đời sống mà anh thu nhận không?

- Không hề. Tôi trung thành với chủ nghĩa hiện thực. Càng mô tả thực bao nhiêu càng hấp dẫn bấy nhiêu. So với cái xấu, cái tốt chìm sâu hơn trong lòng đời sống và sức mạnh của ngòi bút là lôi được nó lên. Tôi không ảo tưởng nhưng tôi tin vào điều tốt trong đời sống. Khởi đầu tôi định đặt tên tiểu thuyết là Vòng tròn không tâm để làm rõ sự băn khoăn, rối rắm của đời sống nhân vật. Nhưng sau đó tôi đã thay đổi.

- Sau tiểu thuyết này, anh đang viết gì?

- Tôi đang viết hai tiểu thuyết. Cuốn thứ nhất viết về một linh mục già di cư năm 1954, đã được 200 trang. Tất cả dòng lốc cuộc đời sẽ được phô bày trong chuyến di cư ấy. Tiểu thuyết thứ hai hưởng ứng cuộc thi của NXB Công An viết về buôn lậu gồm 7 chương. Nhân vật chính là Phạm Long Vũ, có tri thức, buôn lậu, vượt biên. Tôi lấy bối cảnh Minh Phụng + Tân Trường Sanh. Ngày 12/7/2002 tôi sẽ giao bản thảo vì đó là hạn cuối của cuộc thi.

Thu Hồng - Nguyễn Quyến
(Thực hiện)

* “Cơ hội của Chúa” của Nguyễn Việt Hà. Nhà xuất bản Văn học ấn hành tháng 1/1999.

-----------

Tản mạn với văn nghệ Hà Thành

Ấn tượng nhất với tôi trong chuyến đi Hà Nội những ngày đầu Thu nóng hơn Sài Gòn không phải là chuyện văn nghệ mà là vợ của nhà văn Trung Trung Đỉnh. Chị đẹp quá. Một gương mặt như Đức mẹ và một “tính cách” đúng vợ nhà văn, chị cứ cười tươi như hoa mỗi khi khách quá đà lỡ buông vài lời ong bướm với đức ông chồng quần áo nâu sòng của chị. Nâu sòng đang là thời trang của nhiều người rủng rỉnh. Nếu cứ nhìn vào cơ ngơi nhà cửa xe cộ mà xét thì hình như giới văn nghệ Hà Thành thời hiện rủng rỉnh thật. Ngôi biệt thự xinh xắn của nhà văn Trung Trung Đỉnh nghe đâu còn nhỏ hơn nhà của nhà văn Bảo Ninh ở gần đó và chẳng thấm tháp gì so với “điền trang” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà phê bình Vương Trí Nhàn… Thật sung sướng khi trong mọi câu chuyện văn không có đề tài áo cơm.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh mới xuất xưởng tiểu thuyết Lạc rừng “viết về cuộc chiến tranh du kích khốc liệt mà ông từng là người trong cuộc. Đây là cuốn tiểu thuyết thứ 5 và theo tác giả là tâm huyết nhất”. Thật lòng thì tôi thích cuộc sống thời hậu chiến trong Ngõ lỗ thủng của ông hơn Lạc rừng, đơn giản vì tạng đọc. Lạc rừng là câu chuyện của người (xưng “tôi” trong sách) thừa khôn ngoan và đủ tầm vóc nhìn nhận để kể lại một đoạn thời gian sống kỳ lạ của anh ta khi lạc đơn vị gặp một làng du kích người Bah Nar. Trên nền không gian Tây Nguyên lồng lộng, các nhân vật khi thì hoang dã phóng khoáng như núi rừng, khi lại nhỏ nhoi thê thảm. Rất ít đổ máu trong tác phẩm viết về chiến tranh này, vài ba cái chết, lần nào cũng gọn, ngắn và không thể không thốt lên chua xót: “… Âu cũng là một kiếp con người…” Lạc rừng rất gần với Phía Tây yên tĩnh của Remarque. Đậm đặc tình tiết của điện ảnh, từ đó những ý tưởng, những tầng ngữ nghĩa không lời cao hơn thoát thai lên cho người đọc tự cảm nhận.

***

Tôi gặp Nguyễn Việt Hà một chiều bên Hồ Tây tuyệt đẹp. Liễu xanh ngắt im lìm, ánh tà dương gợn vàng trên mặt nước. Trong cái khung cảnh “dịu dàng quá dịu dàng không chịu nổi” ấy tôi thấy hậu quả trận bút chiến về tác phẩm của anh vẫn còn đó, dù gió bão Cơ hội của Chúa đã qua đi. Trong cơn say anh đốt mất hơn 200 trang đang viết. Anh kể cho tôi nghe về những “bà đỡ” của cuốn Cơ hội của Chúa, khi anh là tay nghiệp dư vô danh tiểu tốt đứng trên ban công chỏng lỏn trả lời nhà văn Bảo Ninh khi Bảo Ninh lễ mễ bê bản thản đến nhận xét, góp ý cho anh tận nhà anh. Anh thanh minh lúc đó đang bị sốt 41o chứ không phải đóng vai nghệ sĩ lớn và sau này đã xin lỗi nhà văn Bảo Ninh bằng một chầu bia. “Cuộc sống công chức nhàn nhạt, bình thường vốn dĩ là thứ barie chềnh ềnh dung tục trên con đường bay bổng của sáng tạo” thế mà Nguyễn Việt Hà đã vượt qua. Tôi thầm mong rằng những sáng tác sau này của anh đừng mất đi sự “hồn nhiên” (hay là ngây thơ trong nghề) trong tất cả những gì anh muốn đề cập tới, dẫu biết rằng với anh bây giờ điều đó rất khó khăn nhưng tôi vẫn cứ thầm mong, bởi mất đi sự “hồn nhiên” ấy tức sẽ thiếu hẳn cái tươi mới cho văn chương.

Bà đỡ cho Nguyễn Việt Hà còn phải kể đến “đầu nậu” Dương Tất Thắng. Một đầu nậu trí thức thật sự, liều lĩnh thật sự khi in những cuốn sách mà phàm nếu chỉ vì tiền thì ít ai để mắt đến: Lũ sông Côn (Nguyễn Mộng Giác), Ý hướng tính văn chương (Nguyễn Hoàng Đức)… sắp tới là Những bài thơ khó đọc của nhiều tác giả… Hiện là giảng viên toán của một trường đại học, từng bôn ba qua một vài nước. Tôi chê anh còn thiếu “tính quảng cáo, quảng bá” cho hàng hóa của mình, anh cười trả lời: Hà Thành chúng tôi nó thế.

Mà Hà Thành văn nghệ hình như đúng thế thật. Cái lỗi sĩ diện mà bặm trợn như tôi thì thấy nó vừa lịch lãm vừa xưa xưa, cũ cũ. Tôi ôm về Sài Gòn hơn chục cuốn sách mới, cuốn thì được tặng cuốn thì xin. Mới chỉ kịp đọc Lạc rừngBài ca những con chim đêm của tác giả vừa đoạt giải thưởng sách dịch của Mỹ nhưng không chịu tiết lộ số hiện kim đi kèm Nguyễn Quang Thiều. Sách mới nhiều như thế thì các tác giả không nghèo là phải mặc dù chả ai giàu vì văn chương. Cái hợp lý ở đây nằm trong cái bất hợp lý và ngược lại.

Thu Hồng

12 comments:

  1. "Tôi gặp Nguyễn Việt Hà một chiều bên Hồ Tây tuyệt đẹp. Liễu xanh ngắt im lìm, ánh tà dương gợn vàng trên mặt nước. "

    hí hí

    ReplyDelete
  2. bác hí cái gì, câu đấy hay chứ :) Hồ Tây lúc nào cũng điệp, nhá

    ReplyDelete
  3. Có mấy bài cùng phong cách liên quan đến CVD, nhưng thôi mình cất đi nhỉ?:)

    ReplyDelete
  4. Bản mà em có, bìa 4 trích đăng nhận xét của Thu Hồng Tuổi trẻ gì gì ấy, nhiều lỗi kinh lên được í

    đấy là mãi về sau em mới kiếm được, còn hồi xưa phải in ra giấy khổ A5 đọc, đến đoạn thằng bé Hoàng bị tóm cổ ở rạp chiếu bóng thì nhức mắt quá không đọc được nữa.

    ngày xưa hình như người ta không có biên tập viên :ppp

    ReplyDelete
  5. không có là thế nào, đọc lại đoạn về các "bà đỡ" đê :p

    ReplyDelete
  6. nhi linh là nhà văn hay nhà giáo?
    nếu đúng, sách cuả bạn tên là gì vậy?

    ReplyDelete
  7. dạ, cả hai đều không phải ạ

    chúc bác vui

    ReplyDelete
  8. Anh lôi bọn nầy ra từ đâu thế? đọc thú phết! giờ thì anh Hà tuyệt nhiên ko chịu trả lời phỏng vấn nữa, nên thấy mấy câu trả lời trên quy quý!

    ReplyDelete
  9. Một trong hai bài là lá cải hehe. Xin hỏi blog của Goldmund biến đâu mất rồi?:( (đọc blog của hai bác như là xem oánh bóng bàn hihi)

    ReplyDelete
  10. bác GM chuyển từ cách mạng sang lá cải ở đây:

    bloggoldmund.blogspot.com

    ReplyDelete
  11. Giời ạ, lá cải cách mạng chứ có gì mà khó phân biệt.
    Bạn Nhị Linh nên đặt hai bài này trong bối cảnh cả Sài gòn sục sôi ăn tươi nuốt sống cuốn sách của Nguyễn Việt Hà theo chỉ đạo hẳn hòi của tuyên giáo thì mới công bằng. Đến mức độ bài thứ hai bản in TTVH ở Hà nội không dám đăng và bài thứ nhất gọt đi ½ lời khen.
    Mà bạn tìm đâu ra bản vi tính hay thế. Giờ đọc lại thấy mình ngày xưa liều (về mọi phương diện) kinh lên được.-TH-

    ReplyDelete
  12. hì, nghề nào có thuật nấy thôi, đâu có gì to tát

    vừng, công nhận là liều :)

    bối cảnh thời ấy thì biết zồi, như thế gọi là chiến sĩ cách mạng mưu trí hehe

    ReplyDelete