Jun 17, 2011

pyjama

“Chú bé mang pyjama sọc” (John Boyne, Lê Nguyễn Lê dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn) mở đầu bằng một cuộc chuyển nhà. Gia đình chú bé Bruno (chín tuổi, chính xác hơn thì sinh ngày 15 tháng Tư năm 1934) rời ngôi nhà rất lớn (năm tầng, rất nhiều ngóc ngách để thám hiểm và đặc biệt sở hữu một tay vịn cầu thang rất oách, tất nhiên được Bruno sử dụng cho nhu cậu phá hỏng đũng những cái quần của mình) để đến một nơi khác hẳn: ngôi nhà trơ trọi, rất nhiều lính tráng xung quanh, và qua cửa sổ phòng mình, xa xa Bruno nhìn thấy loáng thoáng những bóng người khó hiểu.

Không có gì kỳ lạ với lối mở đầu như thế này. Trong hàng loạt câu chuyện có liên quan đến trẻ con, một cuộc chuyển nhà ở đầu câu chuyện hứa hẹn những khám phá, thám hiểm bất tận. Sau một chuyến đi là niềm háo hức với cái mới, đó là một trong những công thức then chốt của truyện thiếu nhi, sau này được phim ảnh Hollywood triệt để khai thác, tạo ra không biết bao nhiêu bộ phim có cảnh một gia đình chuyển tới một nơi ở mới heo hút trong rừng, rồi (đi kèm với tiếng nhạc giật gân làm người ta ngộp thở) dần dà xuất hiện những kỳ bí, để rồi kết thúc bao giờ cũng là chiến thắng của ánh sáng trước bóng tối, của cái thiện trước cái ác.

Hình thái truyện ấy không được “Chú bé mang pyjama sọc” của nhà văn sinh năm 1971 John Boyne tuân thủ. Không có khám phá nào chờ đợi Bruno và cô chị gái hơn mình ba tuổi Gretel hết cả. Ở cái nơi chúng vẫn gọi là “Ao Tuýt” này chẳng có gì để khám phá hết. Và kết cục truyện cũng không có sự chiến thắng ngọt ngào kia. Trong những tình huống đặc biệt, không một câu chuyện bình thường nào là khả dĩ hết cả.

Và câu chuyện, với đầy đủ ý đồ, chia làm đôi: hai mươi chương truyện bất thần bị bẻ gãy ở chính giữa, ở chương 10, chương mang một cái tên dài bất thường: “Chấm nhỏ biến thành vết đốm rồi biến thành viên tròn rồi biến thành hình dáng rồi biến thành chú bé”. Bạn có hình dung nào trước một tiêu đề kỳ lạ như thế? Chắc hẳn là nó có liên quan tới một hình ảnh cũng có chức năng chia cắt không gian như vậy. Ở nửa sau của truyện, khi đã vượt qua lằn ranh của chấm nhỏ-vết đốm-viên tròn-chú bé, không gì còn giống như ở nửa trước được nữa. Một khi đã có một nhận thức sâu sắc nào đó về thế giới, con người ta không còn là chính mình của trước kia nữa. Và cũng vậy với sự chia cắt không gian còn lại: ở đây là một cái hàng rào. Nói đúng hơn là một cái hàng rào dây thép gai mà Bruno nhận được lệnh “luôn luôn tuyệt đối tránh xa, không có ngoại lệ”, điều lệnh còn được áp dụng trong một số lĩnh vực khác nữa.

Bởi Bruno là con trai một sĩ quan Đức đặc biệt có năng lực và thành công lớn, người từng được vinh dự tiếp Hitler tại nhà riêng (đến ăn tối cùng Eva tóc vàng nổi tiếng). Đứa con trai ấy không hề thích thú vị Führer đáng sợ, thô lỗ đến đáng ngạc nhiên và lại còn bắt gia đình nó chuyển đến cái nơi ghê gớm kia (dĩ nhiên đó không phải là Ao Tuýt, mà là Auschwitz) để rồi bố nó trở thành Ngài Chỉ huy. Và rồi nó sẽ có một nhận thức: nhận thức về cái hàng rào.

Ngày qua ngày, Bruno ngồi bên này hàng rào mà nói chuyện với Shmuel (một cái tên chắc chắn là Do Thái, không thể nhầm lẫn) ở bên kia hàng rào, hay chìa tay với qua để đưa thằng bé Shmuel gầy gò thảm hại vài thứ đồ ăn, nhưng thường là từ nhà đến được đoạn hàng rào này Bruno đã ăn vụng mất phần lớn. Những câu chuyện giữa chúng chẳng có gì to tát, triết lý, bởi thật ra cả hai đều không hoàn toàn hiểu chuyện gì đang xảy ra. Bruno không hiểu nổi tại sao một thằng bé sinh cùng ngày với nó (cũng ngày 15 tháng Tư năm 1934) lại gầy như thế, buồn bã như thế, còn Shmuel thì “đã nhìn thấy cha Bruno một đôi lần và không thể hiểu làm sao một người như thế lại có thể có một đứa con thân thiện và tốt bụng tới vậy” (tr. 230).

Rồi câu chuyện đi đến hồi kết, và chuyện không thể tránh khỏi đã xảy ra, cũng như một câu chuyện không thể không kết thúc. Khi ta đã vượt qua đường ranh giới chương 10 thì có nghĩa câu chuyện sẽ không buông tha ám ảnh ta sau này, còn Bruno khi vượt qua hàng rào thép gai của “Ao Tuýt” thì nghĩa là mọi chuyện đã rất khác. Bruno nói với Shmuel, như định mệnh, và như thể nó hiểu được mọi chuyện: “Nó gợi tớ nhớ tới việc bà đã luôn luôn có những bộ trang phục phù hợp cho tớ mặc. Mặc những bộ quần áo phù hợp thì cháu sẽ cảm thấy mình giống như người mà cháu đang vào vai vậy, bà luôn nói vậy với tớ” (tr. 240).

Cũng như mọi chân lý, điều này được nói ra đầy tình cờ. Và cũng như mọi chân lý, nó phải có hậu quả.

Nhị Linh

5 comments:

  1. Chờ đợi cuốn này lâu lắm rồi. Bộ phim cùng tên chuyển thể từ cuốn này cũng ấn tượng ạ.

    ReplyDelete
  2. sao dạo này đồng chí điểm sách muộn thế?

    ReplyDelete
  3. Hôm trước đi nghe NL nói chuyện về văn xuôi Trần Dần,mình để ý thấy khi nói về "Những ngã tư và những cột đèn " ,Nl nhắc lại nhiều nhất 3 từ "tổng hợp " ,"láo nháo " và "trác táng".Vậy có thể hiểu ý NL là : " Những ngã tư và những cột đèn" là tổng hợp của sự láo nháo và trác táng về HN thời đó ,nhỉ?:D

    ReplyDelete
  4. không có từ "trác táng" nào, từ gần nghĩa nhất với từ ấy là "trụy lạc" :p

    ReplyDelete
  5. [...] được Bruno sử dụng cho nhu cậu phá hỏng đũng những cái quần của mình (typo: nhu cầu)

    ReplyDelete