Nov 25, 2011

đất có lành thì chim (hiền) nó mới đậu

(nhân dịp có hai con chim rất đỏm tên là Jolie và Pitt dạt vòm tới đây :d)


Angelina Jolie và Brad Pitt đến Việt Nam vì một lý do rất ít trùng lặp với người khác, ngoài việc tạo ra cơ hội tuyệt vời cho các phóng viên Việt Nam tập tành làm paparrazi và gây xao xuyến, lưu luyến cho nhiều người thích nhìn thấy những con người đẹp đẽ và nổi tiếng tầm cỡ thế giới từ khoảng cách gần đến vậy, còn khiến những người ưa suy nghĩ cắc cớ nảy ra câu hỏi: người nước ngoài, họ đến Việt Nam vì những lý do gì?

Trong khi người Việt Nam tuyệt đại đa số ra nước ngoài vì những lý do cận kề với “cuộc sống” như đơn giản là để sống ở đó, để tìm một công việc lâu dài đặng đủ điều kiện mua nhà, mua xe trả góp, hoặc giả là đi học, gần đây thì nhiều người đi du lịch hơn, thì ở chiều ngược lại (trong bối cảnh một thế giới phẳng theo khái niệm của Thomas Friedman) người nước ngoài xuất hiện ở Việt Nam hiếm khi nào là trong một khoảng thời gian dài.

Ngoài một số phụ nữ lấy chồng Việt Nam rồi ở luôn đây, suốt thời bao cấp với sự hiện diện vô cùng hạn chế của người nước ngoài, chủ yếu người ta nhìn thấy những chuyên gia ở nhiều lĩnh vực (như hệ thống nước sạch), lác đác nhân viên một số cơ quan chính phủ và tổ chức phi chính phủ, rồi đến các nhà ngoại giao. Ngày nay sự hiện diện ấy đã đa dạng hơn nhiều.

Trong số những người đó, một phần rất nhỏ sang Việt Nam để đi học. Nền giáo dục Việt Nam chắc chắn là không mấy hấp dẫn, chỉ rất thảng hoặc ta mới thấy ở giảng đường đại học vài con em nhân viên sứ quán một nước nào đó vì lý do đặc biệt mà theo học ở đây, nhiều trường hợp mất gấp hai gấp ba thời gian so với bạn cùng lớp mới qua được kỳ thi. Dạng nghiên cứu và học tiếng Việt thì nhiều hơn, đặc biệt là sinh viên Nhật Bản thường sang Việt Nam bằng tiền tài trợ, với điều kiện khi nào về nước phải có một nghiên cứu nho nhỏ về một khía cạnh nào đó của văn hóa Việt Nam.

Đông đảo nhất nhưng cũng có thời gian lưu trú ngắn ngủi nhất là khách du lịch. Theo số liệu chính thức, trong tám tháng đầu năm 2011, có 3,9 triệu khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam và hướng phấn đấu của ngành du lịch là đạt tới 5,5 triệu khách trong cả năm 2011. Con số này thật là to lớn nếu so với chỉ dăm năm, chục năm trước đây, nhưng thật ra trong hoàn cảnh cả thế giới thích và đủ sức đi du lịch như hiện nay, như thế là chưa bõ bèn gì. Chỉ trong quý I năm 2011, Singapore đã có 3 triệu khách du lịch. 3 triệu khách du lịch bên nước bạn hẳn có không ít người quay trở lại, trong khi theo ngành du lịch thì khách đến Việt Nam rất hiếm khi quay lại lần thứ hai, mặc dù hết thảy đều rất hâm mộ “Halong Bay”. Lại có cả những khách du lịch rất quá đáng, đến chơi không thích rồi lại còn viết bài đăng báo hoặc trên blog bôi xấu nhiều thứ. Ngành du lịch rõ ràng còn rất nhiều việc phải làm, mặc dù đã đi qua quãng tồn tại của ba slogan duyên dáng: “Việt Nam - Điểm đến của thiên niên kỷ mới”, “Hãy đến với Việt Nam” và “Việt Nam - Vẻ đẹp tiềm ẩn”.

Cách đây chừng mười lăm năm, lèo tèo vài “khu chuyên gia nước ngoài” biệt lập như ở Hà Nội, Vũng Tàu làm người ta rất khó tưởng tượng ra những “khu Tây” đông đặc người nước ngoài tối đến ngồi uống bia đầy vỉa hè như khu Phạm Ngũ Lão trong Sài Gòn hay Tạ Hiện ngoài Hà Nội ngày nay. Nhiều người nói vui gọi đó là “ghetto”, hàm nghĩa thì hơi xấu nhưng thực chất cũng dễ dàng đánh tan cái hình ảnh về những ông Tây rầu rĩ nhớ quê dưới cái nắng nhiệt đới trong khách sạn Métropole như Graham Greene (tác giả tiểu thuyết Một người Mỹ trầm lặng) thuở nào.

Và người nước ngoài còn đến Việt Nam vì một số lý do khác nữa: có thể đơn giản là họ đến đây, với tư cách “Tây ba lô”, bởi Việt Nam là một điểm đến trên hành trình khám phá thế giới, nhất là của các cô bé cậu bé mới thi xong tú tài khấp khởi mở rộng tầm nhìn trước khi quay trở về nước học đại học, tập quán của những nước như Đức hay Anh. Cũng có thể họ đến vì một cơ hội đầu tư tiền bạc, nhất là trường hợp của những người có dòng máu Do Thái. Rồi nữa, và đây là hai lý do rất đặc thù của thời chúng ta đang sống: họ đến đây để tìm vợ (các đàn ông xứ Hàn) và họ đến đây để tìm chỗ trong một câu lạc bộ bóng đá (các cầu thủ châu Phi).

Tới nơi miền đất mới, tùy cảm nhận mà những người xứ lạ thấy chốn này có là “đất lành” hay không. Lẽ dĩ nhiên, “đất dữ” cũng có thể có chim đậu, nhưng là những giống chim không mấy hiền. Điều đáng mừng là một số cầu thủ châu Phi đã rất thành công, giờ lấy vợ sinh con sống lâu dài ở đây, chiều chiều cả nhà lên xe máy vi vu ngoài phố trông rất thanh bình.

-----------
Bài của Mr. Nguyễn Chí Hoan về Gỗ mun.

8 comments:

  1. Mình rất muốn biết hình ảnh đất nước và con người Việt Nam thực sự như thế nào trong mắt những người nước ngoài - nhất là đối với những người chưa từng đến Việt Nam (điều mình quan tâm là Việt Nam đã tạo dựng hình ảnh của mình ra sao trong mắt người nước ngoài chưa đến VN), nhưng thú thật là không đủ khả năng cũng như thông tin. Mình cũng nghe nói đến cuốn VIVRE AVEC LES VIETNAMIENS. Nhị Linh có thể chia sẻ thông tin không?
    Thanks!

    ReplyDelete
  2. Đây quyển sách đây bác:

    http://www.amazon.fr/Vivre-avec-vietnamiens-LAURENT-PASSICOUSSET/dp/2809803358

    Một trong hai tác giả là Philippe Papin, người viết "Lịch sử Hà Nội". Thêm ít thông tin:

    http://www.forumvietnam.fr/forum-vietnam/la-culture-le-sport-au-vietnam-t-ng-quan-v-n-hoa-th-thao/9249-livre-vivre-avec-les-vietnamiens.html

    Quyển này tôi chưa đọc, để xem khi nào rảnh sẽ xem sao.

    ReplyDelete
  3. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  4. một cú phẫu thuật rất ác:)

    ReplyDelete
  5. tilun làm tôi nhớ vụ GS Nguyễn Huệ Chi bị sửa thành Nguyễn Thị Huệ.

    ReplyDelete
  6. @tilun
    Thiến người là phạm pháp đấy em ợ :-)

    ReplyDelete
  7. @tilun: Bạn là hình ảnh một con chim hiền đó! Tin rằng thâm tâm mỗi người Việt thì quê hương thực sự là đất lành!

    ReplyDelete
  8. This site was... how do I say it? Relevant!! Finally I've found something which helped me. Thank you!
    My web-site ; article writing

    ReplyDelete