Nov 5, 2011

hơi ngắn rồi lại hơi dài

Có những lúc ngồi uống bia với mấy ông bạn là nhà văn và nhà phê bình văn học, lúc sắp tàn cuộc thấy họ rất buồn bã, trái ngược hẳn với những rôm rả mới lúc trước còn khua động cả một góc phố. Gặng hỏi mãi, nằn nì thuyết phục hăm dọa họ mới chịu trả lời: hóa ra họ sợ về nhà, không phải vì sợ bị vợ mắng, mà vì mới được tặng tiểu thuyết và trường ca.

Được đồng nghiệp tặng tác phẩm lẽ ra phải vui sướng, những quyển sách có chữ ký tác giả thậm chí còn có thể trở thành vật gia bảo, dăm chục năm nữa con cháu tha hồ hưởng lợi, giống như bây giờ dân chơi sách lùng sục bản Vang bóng một thời in năm 1945 ghê lắm, giá nghe nói cao ngất ngưởng. Thế nhưng văn nhân ngày nay lắm lúc ớn lạnh sống lưng khi được tặng sách: tiểu thuyết thì trường thiên, mà thơ thì thường là trường ca.

Tiểu thuyết ngày nay ngoài một số vẫn gắng theo gương tiền nhân mà nhỏ nhẹ với một chữ “tiểu”, cương quyết tránh xa phạm vi của “đại thuyết”, vẫn được hiểu là kinh, sử, tử, tập, thì một số khác nhất định dày cồm cộp như sách luật, lại còn hay in bìa cứng, chẳng những thế lại còn nhiều tập. Một số nhà văn thành danh từ những tiểu thuyết dung lượng vừa phải, đến nay vẫn còn vương vấn trong tâm hồn người đọc, bỗng đùng đùng chuyển sang toàn trường giang tiểu thuyết, đề tài to lớn vĩ đại nhìn xuyên suốt bao nhiêu năm lịch sử dân tộc, bốn tập tám tập nặng đến cả yến gây hãi hùng cho bất kỳ loại giá sách gia đình nào.

Trường ca thì sau một quãng thời gian lắng xuống gần đây bỗng khí thế trở lại. Giai đoạn đỉnh điểm của trường ca Việt Nam có lẽ là cuối những năm 1970, đầu những năm 1980 với những dấu ấn đáng nhớ: Đường tới thành phố (Hữu Thỉnh), Những người đi tới biển (Thanh Thảo), Mặt trời trong lòng đất (Trần Mạnh Hảo) và trường ca Người vắt sữa bầu trời của tác giả nhiều bài thơ có hơi thở rất dài và hoang dại, Thu Bồn. Bẵng đi rất lâu, mấy năm trở lại đây bỗng lại thấy nhiều trường ca. Hơi thở của các nhà thơ Việt Nam đã bớt ngắn ngủi, hổn hển của những cách tân, những thơ ý niệm, tân hình thức hoặc vụt hiện, hay họ cảm thấy rằng thời đại hào hùng của sử thi, của những bài ca dài đã trở lại? Khó mà biết được, chỉ biết rằng nhiều trường ca đã ra đời trong mấy năm vừa qua, phần lớn làm xám mặt những người vinh dự được tặng.

Nói gì thì nói, viết được tiểu thuyết những mấy tập và làm được trường ca, tác giả của chúng hẳn phải có hơi từ dài đến rất dài. Cách đây nhiều thế kỷ, Không Lộ thiền sư trong một phút đột xuất đã để lại cho đời sau câu thơ bất hủ: “Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư” (Một tiếng kêu vang lạnh cả trời). Một tiếng kêu mà lạnh cả trời, đủ biết nội công thâm hậu đến như thế nào. Lĩnh được tâm ấn của thiền sư về sau này nổi trội có các anh hùng trong chưởng Kim Dung, vài người có tiếng hú dài đau đớn sầu muộn đến ám ảnh người đọc bao nhiêu năm ròng.

Gần đây hơn, hiện đại hơn, những hậu duệ có khả năng thi đua về độ dài hơi chính là các bình luận viên bóng đá trên truyền hình Việt Nam. Để được ngồi nói trên ti vi cho hàng triệu đồng bào nghe, yêu cầu rất lớn mà họ phải thỏa mãn, ngoài việc nhớ chính xác tên từ vài trăm tới vài nghìn cầu thủ và miêu tả đúng tình huống trên sân, chẳng hạn khi Messi lừa bóng qua ba hậu vệ thì không được nói anh chỉ đi qua hai người, biết nói “việt vị” khi có tình huống việt vị, ngoài những yêu cầu ấy, họ còn phải có hơi dài. Bởi vậy nên khán giả truyền hình mới được nghe những tiếng hét “Vào” đầy phấn khởi, và kể cả “Không vào” đầy nuối tiếc dài cỡ nửa phút phát ra từ cái truyền hình.

Nhà văn và nhà thơ một số người cũng để ý đến điều này, họ luyện hơi nhiều hơn luyện những cái khác, họ bình tĩnh lấy hơi rất lâu rồi khi đã quyết định xuất chiêu, tức thì những bộ đại tác phẩm ra đời, nhìn thấy ai cũng kinh hồn nhưng thường thì sẽ nằm im trên giá suốt nhiều năm không được động tới (đấy là nói ví dụ có giá sách chịu được sức nặng của những tiếng kêu lạnh trời ấy).

-----------

đây là bài hơi ngắn: lâu rồi không thấy chị HY làm thơ nhỉ :p

4 comments:

  1. Khà khà, vậy xem ra mình viết truyện cực ngắn là đúng điệu rồi. Sau này có gặp tặng Nhị Linh thì bác cũng không đến nỗi xám cả mặt :p mà cái giá sách nhà bác thì cũng mừng vui nữa

    ReplyDelete
  2. bác không còn cơ hội rồi thì phải: tôi đã có tất, kể cả "Những tàn dư mưa" :p nhưng vẫn xin cái chữ ký, nhỡ ra dăm chục năm nữa :))

    ReplyDelete
  3. Bác cẩn thận quá. Em còn đang chuẩn bị in một tập mới toanh với Nhã Thuyên, PK, Lưu Diệu Vân, Văn Khoa đấy. Có gì sẽ gửi tặng bác. Cơ hội em còn nhiều lắm bác ạ hi hi

    Chúc bác vui khỏe.

    ReplyDelete
  4. tôi cũng có nghe nói về dự án, hoan hỉ :)

    ReplyDelete