May 14, 2012

Speak, Memory I, 1

Do nhầm lẫn, trên mạng có một bài phỏng vấn Nabokov ghi là tôi dịch. Chuyện nhầm lẫn kiểu này tôi đã gặp vài lần. Cho đến giờ, thứ duy nhất liên quan đến Nabokov mà tôi từng dịch là đoạn đầu hồi ký Speak, Memory dưới đây.


Cái nôi đung đưa phía trên một vực thẳm, và lương tri dạy cho ta rằng sự tồn tại của ta chỉ là chút ánh sáng ngắn ngủi le lói qua cái khe kẹp giữa hai vĩnh cửu bóng tối. Dẫu cho chúng có là một cặp song sinh giống hệt nhau, thì theo lẽ thường con người vẫn bình thản hơn lúc nhìn vực thẳm trước khi sinh so với lúc nhìn vực thẳm anh ta đang tiến tới (ở tốc độ bốn nghìn năm trăm cú đập tim một giờ). Tuy nhiên, tôi biết một thằng bé mắc chứng ám ảnh sợ thời gian bị lên cơn hoảng hốt khi lần đầu tiên xem những đoạn băng video do người nhà nó quay cách vài tuần trước khi nó ra đời. Nó thấy một thế giới gần như không có chút biến đổi nào - vẫn ngôi nhà ấy, vẫn những con người ấy - và rồi nhận ra ở đó nó không hề tồn tại và chẳng ai khóc thương cho sự vắng mặt của nó. Nó thoáng thấy mẹ nó đứng vẫy tay từ một cửa sổ tầng trên, và cử chỉ bất thường này khiến nó phát hoảng, vì cứ như thể đó là một lời chào vĩnh biệt đầy bí ẩn. Nhưng nó sợ nhất lúc thấy một cái xe nôi cho trẻ sơ sinh mới cứng nằm đó dưới hàng hiên, với cái vẻ tự mãn, ngạo mạn của một cỗ quan tài; cỗ quan tài trống trơn, thế nhưng cứ như thể đến cả xương cốt của nó cũng rã rời trong dòng thời gian chảy ngược.

Những huyễn tưởng kiểu ấy không xa lạ với những người còn trẻ. Thế nhưng, để nói điều này theo một cách khác, những gì ở khởi nguồn và những gì ở chung cục đều thường xuyên mang chút dáng dấp của tuổi thiếu niên - có lẽ trừ phi chúng được dẫn dắt bởi một thứ tôn giáo đáng kính và nghiêm cẩn. Tự nhiên trông chờ rằng một người trưởng thành đầy đủ phải chấp nhận hai khoảng hư vô tối đen ở phía trước và ở phía sau, một cách hờ hững giống như khi anh ta chấp nhận những cảnh tượng lạ kỳ ở khoảng giữa. Trí tưởng tượng, khoái thú tột bậc của những người bất tử và những người chưa trưởng thành, phải bị giới hạn lại. Muốn tận hưởng cuộc đời thì ta không được hưởng thụ nó thái quá.

Tôi nổi loạn chống lại tình trạng này. Tôi cảm thấy nỗi thôi thúc phải thực hiện cuộc nổi loạn ấy ở bên ngoài con người mình, phải chặn lối tự nhiên. Trí óc tôi không ngừng nỗ lực phi thường để nhìn cho ra những tia sáng cá nhân dù là yếu ớt nhất trong cái bóng tối phi nhân xưng nằm ở cả hai phía của cuộc đời tôi. Bóng tối này chỉ đơn thuần được tạo ra bởi những bức tường thời gian chia cách tôi và những nắm đấm trầy xước của tôi khỏi thế giới tự do phi thời gian, đó là niềm tin mà tôi sẵn sàng vui sướng chia sẻ với kẻ man dã tô vẽ lên mình một cách lòe loẹt nhất. Trong tâm tưởng - cái tâm tưởng mỗi lúc một vô vọng mà mờ nhạt thêm trên đường đi - tôi trở ngược về những vùng xa xôi nơi tôi dọ dẫm tìm một cửa mở bí mật, chỉ để phát hiện ra rằng nhà tù thời gian có dạng cầu và không hề có lối ra. Ngoại trừ tự sát, tôi đã thử hết mọi thứ. Tôi từng vứt bỏ căn cước riêng của mình nhằm cải trang thành một bóng ma đúng nghĩa rồi đột nhập vào những vương quốc từng tồn tại trước khi tôi được hoài thai. Trong óc mình tôi từng chịu đựng sự đồng hành hạ cấp của các bà tiểu thuyết gia thời Victoria rồi những ông đại tá về vườn nhớ rằng mình đã, ở các kiếp trước, là sứ điệp nô lệ trên một con đường La Mã hoặc nhà thông thái dưới bóng rặng liễu Lhasa. Tôi từng lục lọi trong những giấc mơ xưa cũ nhất của mình để truy lùng chìa khóa và manh mối - và cho phép tôi nói ngay rằng tôi gạt bỏ hoàn toàn cái thế giới của Freud, thô thiển, kém cỏi, về bản chất đầy tính chất Trung cổ, với sự truy tìm hau háu các biểu tượng tính dục của nó (khá là giống việc đi tìm những dấu vết của Bacon trong các tác phẩm của Shakespeare) và những phôi thai bé nhỏ rất hăng hái của cái thế giới ấy cứ từ trong ổ trú ngụ tự nhiên mà rình mò cuộc đời tình ái của bố mẹ chúng.

 (đoạn về Shakespeare và Bacon dường như Nabokov muốn nói tới câu chuyện nhiều người cho rằng Francis Bacon mới là tác giả thực của nhiều tác phẩm xưa nay vẫn được cho là của Shakespeare)

(còn nữa)

No comments:

Post a Comment