May 29, 2012

Trò chuyện với Frédéric Beigbeder

Phải đợi rất lâu tôi mới thực hiện xong cuộc trò chuyện này, nhưng kết quả thì tương đối thỏa mãn. Frédéric Beigbeder là một nhà văn "vớ vẩn" trong mắt rất nhiều người, nhưng tôi tin trường hợp Beigbeder cũng sẽ giống như trường hợp Romain Gary trước đây, cũng như tin rằng giá trị của sự phù phiếm là chuyện hay ho hơn rất nhiều so với sự phù phiếm của giá trị.

“Nghệ thuật là một sự bất công,
đọc sách phải trở thành một niềm hạnh phúc ích kỷ”


Tôi hoàn toàn không biết gì về ông, nhưng cùng lúc, tôi lại biết rất nhiều, vì ông đã kể mọi thứ trong những quyển sách của mình, ngay cả các suy nghĩ xấu xa nhất. Tình huống này làm tôi thấy có chút bối rối, vậy nên tôi sẽ bắt đầu bằng một câu hỏi có phần ngớ ngẩn: kể chuyện cuộc đời và sống nó, đâu là lựa chọn tốt đẹp hơn của một dandy [từ dùng để chỉ người đặc biệt có gu về trang phục, rất chăm chút vẻ bên ngoài] hay châm chọc? Đời một ai đó có thể nào hay ho đến nỗi anh ta cứ kể đi kể lại nó mãi không ngừng được không?

Ông nói có lý, đời tôi thì không đặc biệt hay ho gì, nhưng tôi không có lựa chọn: tôi chẳng biết viết cách nào khác, ngoài viết về mình! Tôi thích những cuốn sách để lộ cá nhân, tôi nghĩ rằng người ta đọc sách là để tận dụng trải nghiệm của một người khác. Lúc nào tôi cũng cảm thấy một khoái cảm không gì sánh nổi khi đọc nhật ký hoặc sổ ghi chép cá nhân của các nhà văn, rất giống như khi ta nhìn vào một phòng ngủ qua lỗ khóa… Tôi không biết mình có phải một “dandy hay châm chọc” như cách nói rất thú vị của ông hay không, hoặc giả tôi chỉ là một kẻ theo chủ nghĩa phô bày bản thân không biết tưởng tượng.

Chưa bao giờ ông nghĩ đến chuyện thay đổi hết mọi thứ à, chẳng hạn như viết về những người hoàn toàn khác ông? Cửa sổ trên Tháp Đôi có phải là một toan tính theo hướng này không?

Đúng thế, tôi đã thử chọn một sự kiện lịch sử, tức là ngày 11 tháng Chín, một sự kiện rất xa bản thân tôi. Nhưng ông cũng thấy đấy, ngay cả trong Cửa sổ trên Tháp Đôi, rốt cuộc tôi cũng phải xen kẽ các chương, cứ hai chương thì lại có một chương về tôi đang viết cuốn sách. Vậy là tôi đã không sao mà tìm cách xóa bỏ mình đi hoàn toàn cho được!

Ông có cảm thấy phấn khích khi viết tiểu thuyết không? Viết và yêu, đâu là dạng thức tinh thần gây nhiều kích thích hơn?

Đây là một câu hỏi thật đẹp, câu hỏi mà ta không thể trả lời được, vì tôi từ chối phải chọn giữa Tình Yêu và Nghệ Thuật! Ông cũng biết đấy, với người Pháp chúng tôi, Tình Yêu là một Nghệ Thuật! Một phương án trả lời là nói như thế này: tôi muốn rằng viết trở thành một khoái cảm. Điều này với tôi là rất quan trọng, và rất khó khăn nữa, bởi sự thật thì tôi viết rất nhọc nhằn, với rất nhiều đau đớn.

Ông trả lời cũng rất hay. Sau đây là một câu hỏi mới: liệu thực sự người ta có thể là quý tộc (thêm vào đó lại là quý tộc lâu đời) trong một xã hội tiêu thụ hay không?

Thì tôi chính là bằng chứng đây chứ còn gì nữa! Chúng ta có nhu cầu kháng cự lại những cám dỗ của tiện nghi và sự dễ dãi của chủ nghĩa khoái lạc. Để làm được như vậy, một nền học vấn tốt có thể là một cơ may. Khi tôi còn nhỏ, môi trường quý tộc đã dạy cho tôi một điều: cho dù là ở trong hoàn cảnh nào thì cũng phải giữ được một phẩm giá nhất định, một sự đòi hỏi, một sự cao ngạo. Tuy rằng làm như thế thì đôi khi cũng lố bịch lắm.

Ông có thể giải thích sự trìu mến mà ông dành cho Đảng Cộng sản Pháp được không? (Ông từng làm việc trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của ứng cử viên Đảng Cộng sản, Robert Hue, năm 2002, rồi thì những miêu tả về lễ hội Nhân Đạo của Đảng Cộng sản trong Kẻ ích kỷ lãng mạn)…

Ở Pháp, những người cộng sản chưa bao giờ nắm được quyền lực. Bởi vậy mà chúng tôi thấy quý mến họ, họ là biểu tượng cho sự chối từ tiêu thụ, quảng cáo và cái thứ chủ nghĩa tư bản tài chính. Với tôi, một người cộng sản chính là một nhân vật lãng mạn, giống như Don Quichotte vậy. Tôi đã tranh luận với những người bạn Nga, họ không hề nhất trí với tôi, và tôi tôn trọng họ.

Bản thân tôi cũng giữ một chuyên mục “điểm sách” hằng tháng, và mỗi lần đến kỳ phải giao bài, bao giờ tôi cũng bị rơi vào cùng cái cảm giác lo lắng ấy, có kinh nghiệm đến đâu đi nữa thì cũng chẳng ích gì, vì lần nào cũng vậy hết: sự hoang mang trong lựa chọn (cuốn sách), nỗi sợ phải nói điều không hay về người khác, rồi đồng thời cả niềm phấn khích vì có thể nói điều không hay về người khác nữa. Ông cũng giữ mục đọc sách trên tạp chí, với ông thì thế nào?

Thật là tuyệt, ông đúng là đồng điệu với tôi rồi! Tôi cũng cảm thấy cùng nỗi hoang mang và phấn khích đó vào mỗi tuần, khi tôi phải viết bài báo của tôi cho tờ Figaro Magazine. Tôi luôn luôn sợ mình quá độc ác, nhưng nỗi sợ ấy được cân bằng bởi nỗi sợ mình quá dễ tính…

Công việc xuất bản sách của những người khác, liệu ta nên coi là một cách thoát ra khỏi một cái tôi đè nặng lên ta? Hay ngược hẳn lại, công việc ấy chỉ nhấn mạnh thêm vào sự ích kỷ của chúng ta, lần này là sự ích kỷ văn chương, bởi ta ít nhiều trở thành nhà độc tài trong việc lựa chọn các tác phẩm để xuất bản?

Mọi thứ tùy thuộc vào cách làm việc thôi. Tôi thì tôi chỉ in những tác phẩm mà tôi thật lòng yêu quý. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc sử dụng quyền lực nhà xuất bản của mình để “trở thành nhà độc tài” như ông nói. Hoặc giả có là độc tài thì cũng chỉ là độc tài về gu thẩm mỹ và các màu sắc của riêng mình mà thôi. Nhưng nghệ thuật không phải là thứ dân chủ, nghệ thuật là một sự bất công, đọc sách phải trở thành một niềm hạnh phúc ích kỷ, vậy nên cũng là bình thường khi người ta chiến đấu để áp đặt gu thẩm mỹ của mình lên những người khác. Cái đó có tên gọi đời nghệ sĩ. Tôi tin mình là nhà xuất bản tốt bởi tôi rất thất thường, và tôi lại trung thực.

Các giải thưởng văn chương, đâu là vai trò thực của chúng trong đời một nhà văn? Ông có muốn đoạt một giải Goncourt để trở thành người thứ hai có cả Goncourt lẫn Renaudot như François Weyergans không?; ông cảm thấy gì khi trao giải thưởng Flore của ông cho các nhà văn?

Hẳn tôi cũng sẽ trả lời giống hệt như câu trên đây. Các giải thưởng cũng là một thứ vũ khí dùng để bảo vệ thứ văn chương mà ta yêu quý. Những giải thưởng mà ta trao và những giải thưởng mà ta nhận. Nói với các nhà văn giỏi rằng ta yêu họ là một điều rất quan trọng. Nhưng chắc chẳng bao giờ tôi được nhận giải Goncourt đâu, vì tôi là thành viên suốt đời của hội đồng trao giải Renaudot rồi (François Weyergans thì không như vậy)…

Michel Houellebecq, bạn ông, đã không thực sự thành công trong các dự án làm phim của mình. Ông có nghĩ bộ phim Tình yêu kéo dài ba năm của ông là một thắng lợi không?

Phim của tôi đã bán được 750.000 vé [tính đến thời điểm đầu tháng Ba năm 2012], điều này được coi là một thành công lớn ở Pháp. Các nhà phê bình rất khen, tôi sung sướng lắm. Tôi đã nhận được nhiều lời mời làm một bộ phim nữa rồi… Đây là một thứ ngôn ngữ khác hẳn, chính vì vậy tôi rất mong muốn được tiếp tục cuộc khám phá này. Tôi không tham vọng gì đâu, nhưng điện ảnh chạm tới một công chúng khác với những cuốn sách. Thật là vui khi được làm việc này.

Người ta có thể thấy rất rõ sự ngưỡng mộ mà ông dành cho Bret Easton Ellis (vì đã đặt tiểu thuyết American Psycho của Ellis ở vị trí cao nhất trong bản danh sách 100 cuốn sách hay nhất thế kỷ XX của ông, tức cuốn sách Bản tổng kết đầu tiên sau tận thế). Ông có nghĩ văn chương hiện nay phải giống như văn chương mà ông ấy viết không? Ông thích nhất dạng nhà văn nào?

Tôi coi Ellis đã thành công trong việc miêu tả một cách thật tài tình sự điên rồ của Los Angeles và New York. Ông ấy rất nhộn và rất độc đáo, và ông ấy đã ảnh hưởng rất nhiều đến tôi. Tôi không bao giờ thấy buồn chán khi đọc Ellis. Nhưng không phải cuốn tiểu thuyết nào cũng nhất thiết phải giống như phong cách của ông ấy. Văn chương ngày nay rộng lớn, tự do, có chỗ cho đủ mọi loại phong cách khác, ít bạo lực, không khô khốc hoặc vô sỉ như American Psycho. Chính vì vậy mà trong bản tổng kết của tôi có đến 100 cuốn sách.


Những câu hỏi (cá nhân) cuối cùng:

Khi còn ở trường trung học, ông muốn sau này mình làm gì?

Tôi muốn được in sách, đó là một giấc mơ đã trở thành hiện thực khi tôi 24 tuổi.

Hồi học ở trường Sciences-Po (Trường Khoa học Chính trị Paris) ông có hạnh phúc không?

Không, tôi thấy buồn chán kinh khủng

Ông thấy cụm từ nào miêu tả ông chính xác nhất: “kẻ thích tiệc tùng hay lên cơn trầm uất”, “kẻ ích kỷ lãng mạn”, “đứa trẻ hư”, “người sáng tạo slogan quảng cáo” hay “kẻ khiêu khích được nhận thù lao”?

“Kẻ ích kỷ lãng mạn”, đó là một cách nói thật đẹp của Francis Scott Fitzgerald. Nó tóm tắt khá chuẩn con người tôi, thật là bất hạnh làm sao. Hoặc cũng có thể gọi là: “kẻ vĩnh viễn không được thỏa mãn”.

-----------

Frédéric Beigbeder sinh năm 1965 tại Neuilly-sur-Seine trong một gia đình quý tộc lâu đời, xuất bản tiểu thuyết đầu tay, Hồi ký một thanh niên không yên ổn (nhại nhan đề hồi ký của triết gia Simone de Beauvoir) ở tuổi 24. Năm 1994, ông lập ra giải thưởng Prix de Flore trao cho các tác giả trẻ viết bằng tiếng Pháp. Cho đến nay, ông đã có nhiều tác phẩm được ấn hành, trong đó có những thành công lớn như tiểu thuyết Cứu với, xin lỗi hay Kẻ ích kỷ lãng mạn. Tác phẩm của Beigbeder đã được dịch sang tiếng Việt: 99 franc, Tình yêu kéo dài ba năm, Một tiểu thuyết Pháp, Cửa sổ trên Tháp Đôi. Năm 2008, ông nhận giải thưởng danh giá Renaudot cho Một tiểu thuyết Pháp.

 -----------

Ngoài viết tiểu thuyết và truyện ngắn, Frédéric Beigbeder còn là một nhà phê bình văn học nổi tiếng, ông là chuyên gia điểm sách cho các tờ tạp chí như Elle, Paris Match, Voici, giữ mục trên tạp chí Lire và hiện nay còn giữ mục điểm sách hằng tuần trên Figaro Magazine. Hai tập tiểu luận văn học quan trọng nhất của ông đã được in mang tên Bản kiểm kê cuối cùng trước khi thanh lý, viết về 50 tác phẩm văn học được người Pháp thích nhất theo điều tra của báo Le Monde và hãng Fnac, và mới gần đây là Bản tổng kết đầu tiên sau tận thế gồm 100 tác phẩm văn học theo ông là xuất sắc nhất của thế kỷ XX, trong đó vị trí thứ nhất thuộc về American Psycho của nhà văn Mỹ Bret Easton Ellis. Beigbeder cũng là biên tập viên cho nhà xuất bản Flammarion từ năm 2003 đến năm 2006.

-----------

Frédéric Beigbeder còn làm nhiều công việc bên ngoài văn học. Ông là một chuyên gia quảng cáo nổi tiếng, tác giả của nhiều câu slogan tồn tại trong thời gian dài, từng tổ chức rất nhiều bữa tiệc đông người (các chi tiết này được thể hiện rõ trong các tác phẩm như 99 franc hay Tình yêu kéo dài ba năm). Beigbeder là cố vấn cho ứng cử viên Đảng Cộng sản Robert Hue trong chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp năm 2002. Gần đây, ông tự làm bộ phim chuyển thể từ Tình yêu kéo dài ba năm rất thành công và đang có kế hoạch thực hiện một bộ phim nữa.

9 comments:

  1. Phim của bạn này buồn chán và tẻ nhạt. Phê bình ai khen mà sung sướng nhỉ ?

    ReplyDelete
  2. Bài phỏng vấn hay quá. Cảm ơn Nhị Linh !

    ReplyDelete
  3. giá trị của sự phù phiếm tương đương với giá trị của tình yêu ,phải không d'Artanhang:)

    ReplyDelete
  4. Gio Chuong: cám ơn :p gửi cho tôi một cái mail đi.

    ReplyDelete
  5. Bạn Anonymous ở trên thấy phim của Frédéric Beigbeder buồn chán và tẻ nhạt cụ thể như thế nào nhỉ ? :)

    ReplyDelete
  6. "Kẻ ích kỷ lãng mạn " quá tuyệt.

    ReplyDelete
  7. "Tình yêu kéo dài 3 năm" hay cực kỳ :3

    ReplyDelete
  8. Tết về anh có thể tặng cho độc giả câu trả lời cho câu hỏi: - Dẫu muốn hay không anh chính là người mở đường và để lại dấu ấn trong nhiều câu chuyện liên quan đến công việc xuất bản và dịch thuật, anh thích hay không thích điều đó không?

    ReplyDelete
    Replies
    1. ai cũng biết rồi đâu cần phải hỏi

      Delete