May 23, 2012

Philip Roth


Gần đây nhất, bốn tác phẩm của Philip Roth là bốn tiểu thuyết ngắn: Everyman (2006) Indignation (2008), The Humbling (2009) và Nemesis (2010). Nhìn tổng thể thì cảm giác chung của tôi là loạt tiểu thuyết này thể hiện một thái độ nghiêm chỉnh nhìn cuộc đời. Với tôi, điều này tương đối khó hiểu: xét cho cùng, cuộc đời có thực sự nghiêm túc không? Năm 2008, về Indignation, tôi viết bài review không chính quy dưới đây, với rất nhiều bỡn cợt:

How fucking good

Được đọc một cái gì đó trước tất cả mọi người không chỉ kích thích, mà còn rất kích thích. Thông thường thì như vậy, nhưng cũng có người nghĩ khác, chẳng hạn bài review này trên blog của Matthew Asprey hết sức negative. “I’ve come across an advanced reader’s copy…” Quả thực quyển tiểu thuyết Indignation của Philip Roth mãi đến 16 tháng Chín mới được ấn hành: thông báo rất rõ ràng trên amazon, nhưng ngay từ bây giờ đã có thể đặt mua.

Bài review đó negative đến mức cho rằng phần lớn các tiểu thuyết khác của Roth đều có thể đặt lại tên thành Indignation (ý nói tất cả tác phẩm của Roth đều na ná như nhau, nhất là thái độ không vừa lòng với cuộc đời), và kết luận kiểu “cứ đểu đểu” bằng câu “And we learn a lot about kosher butchery.” Mà Roth có lẽ là nhà văn Mỹ có núi giải thưởng cao nhất, nhà văn duy nhất còn sống của Mỹ được in “a comprehensive, definitive edition by the Library of America”, một loại series thuộc vào hàng “canon” (tập tám tức là tập cuối cùng dự kiến sẽ in vào năm 2013).

Đọc bài review rồi và cũng đã “come across an advanced reader’s copy” (với rất nhiều lỗi typo), tôi vẫn nghĩ quyển tiểu thuyết này rất hay. Thật ra tôi cũng chưa bao giờ đọc gì của Philip Roth cả hehe, Human Stain thì làm biếng bằng cách xem phim, quyển tiểu luận đọc qua cũng chỉ vì bản tiếng Pháp (Parlons travail) có lời giới thiệu của Milan Kundera. Roth vẫn hay được xếp cùng John Updike, mà Updike thì tôi thấy chán mớ đời không nuốt nổi. Cả thế hệ nhà văn này của Mỹ được coi là “hậu duệ” của Saul Bellow, nhưng có vẻ hậu duệ không làm sao vươn lên nổi bằng ông thầy.

Italo Calvino trong một quyển sách bàn về các tác gia và tác phẩm cổ/kinh điển (tên chính xác không nhớ, đại khái tiếng Việt dịch ra sẽ thành Tại sao chúng ta lại đọc các nhà văn cổ điển) nói một ý, rằng rất nhiều lúc trong trò chuyện bình thường, khi nhắc đến một tác giả cổ điển nổi tiếng nào đó người ta có xu hướng nhận là đã đọc rồi mặc dù thật ra là chưa bao giờ. Theo Calvino thì điều này không nên coi là dối trá, vì thường thì thực tâm người phát ngôn nghĩ quả thực mình đã đọc ông này rồi, tác phẩm kia rồi. Những người khốn khổ chẳng hạn hehe.

Quay trở lại với Indignation. Nhan đề quyển tiểu thuyết được đặt theo lời bài quốc ca Trung Quốc thời đánh nhau với Nhật:

“Arise, ye who refuse to be bondslaves!
With our very flesh and blood
We will build a new Great Wall!
China’s masses have met the day of danger.
Indignation fills the hearts of all of our countrymen,
Arise! Arise! Arise!
Every heart with one mind,
Brave the enemy’s gunfire,
March on!
Brave the enemy’s gunfire,
March on! March on! March on!”

Rất theo kiểu “Vùng lên các nô lệ trên thế gian” quen thuộc, tất nhiên có chấm phá màu sắc Trung Quốc, với cái Vạn Lý Trường Thành. Bài hát này liên tục vang lên trong đầu Marcus Messner (người Do Thái, bố là thành viên Federation of Kosher Butchers of New Jersey - các bác thấy rồi đấy, một người bán thịt, và là “a straight-A-student”) mỗi khi không thích thú (tức là rất thường xuyên), và sẽ có lúc Marcus coi “indignation” là “the most beautiful word in the English language”, từ đẹp đẽ nhất trong tiếng Anh (nghĩa từ “Indignation” là phẫn nộ, tức tối, cáu tiết etc). Chuyện này hoàn toàn có thể hiểu được.

Yên tâm đi, tôi sẽ không tung spoiler vào đây, vì kể lại nội dung tiểu thuyết không phải là điều tôi muốn làm (mặc dù được huấn luyện đặc biệt kỹ càng về tóm tắt văn bản: với một văn bản cho trước và một số từ cho trước, phải tạo ra một văn bản mới có số từ đúng bằng số từ cho trước kia; kể cả khi phải tóm tắt ở những tình huống ngặt nghèo thì cũng phải nghĩ ra cách: chẳng hạn nếu yêu cầu của đề bài là tóm tắt hồi ký Ta đã làm chi cái đời ta của Vũ Hoàng Chương trong một câu, tôi sẽ tóm tắt là “Ta đã làm chi cái đời ta”, nếu phải tóm tắt Tu viện thành Parme trong một từ tôi sẽ tóm tắt là “Hay”, và nếu phải tóm tắt truyện ngắn “Mùa lạc” của Nguyễn Khải ở mức tối giản mà vẫn thể hiện được mình là người lịch sự, tôi sẽ tóm tắt thành “ ”), tôi chỉ muốn nhận xét về cách viết câu của Philip Roth. Roth sử dụng liên tục, tràn lan dạng câu danh-động từ (nói thế có đúng thuật ngữ không nhỉ?): “Olivia was fascinated by my being a butcher’s son”, hoặc điển hình là trong câu này:

“She just did it. I pulled her hand onto my pants, and on her own, without my doing anything more, she unzipped my fly and took it out and did it.”

Thôi chết, thế là lại vô tình để lộ cái không khí truyện rồi. Đã vậy thì nói thêm một chút vậy. Marcus Messner chuyển đến học ở trường Winesburg vào năm 1951. Tra lịch sử thì sẽ biết những cuộc nổi loạn của sinh viên tại đây, và cuộc chiến đấu của Marcus cùng một lúc chống lại số phận (trở thành một straight-A-student để khỏi bị “drafted and killed”), chống lại sự ngây thơ của chính mình trong… ờ… nhiều chuyện (bài review đã nói ở trên cũng nhấn mạnh vào mấy quả blowjob và handjob, nhưng công nhận là buồn cười với màn handjob trong phòng bệnh viện, khi đột nhiên mấy câu thơ của Longfellow lại được dẫn ra: “I shot an arrow in the air/It fell to earth I knew not where”), chống lại sự kìm kẹp (vì tình yêu) của người bố bán thịt, và chống lại tôn giáo (với niềm tin sắt đá vào các tuyên bố của Bertrand Russell trong “Why I Am Not a Christian”).

Về cuộc chiến chống lại sự ngây thơ, có đoạn trích thế này (cuộc hẹn đầu tiên với Olivia Hutton):

“Till that moment I was wholly innocent of anyone’s tongue in my mouth other than my own. That alone nearly made me come. That alone was surely enough. But the rapidity with which she had allowed me to proceed – and that darting, swabbing, gliding, teeth-licking tongue, the tongue, which is like the body stripped of its skin – prompted me to attempt to delicately move her hand onto the crotch of my pants. And again I met with no resistance. There was no battle.”

Hí hí

-----------

Năm ngoái, viết về Everyman:

Trong vòng một cuộc đời

Năm năm gần đây, Philip Roth, một trong những nhà văn lớn nhất của nước Mỹ, thích viết tiểu thuyết ngắn. Trong số bốn tiểu thuyết ngắn viết trong giai đoạn này, Người phàm (Everyman) (2006) đã ra mắt bạn đọc Việt Nam (Thùy Vũ dịch, Nhã Nam & NXB Văn học, 2011).

Tài năng của Philip Roth không chỉ được thể hiện bằng danh sách giải thưởng dài đến khó tin (chỉ còn thiếu Nobel Văn chương) mà còn bằng một điều tiên quyết để một nhà văn thực sự trở thành vĩ đại: tài nắm bắt cuộc sống ở những điểm cốt yếu nhất. Philip Roth làm việc này với sự chuẩn xác và bình thản của một con người nhiều trải nghiệm, biết bỏ qua những nhao nhác thông thường của cuộc đời, bỏ cả hình thức tiểu thuyết đồ sộ trước đây từng giúp ông thu hoạch danh tiếng (nhất là loạt sách về nhân vật Zuckerman) để đến với một hình thức tiểu thuyết vô cùng gọn nhẹ và bình dị, nhưng làm người đọc hiểu rằng sự hiểu đời của ông sâu sắc đến khó ngờ.

Philip Roth từng làm được điều này rất hoàn chỉnh trong một tiểu thuyết ngắn khác mang tên Indignation (2008), nhưng ở Người phàm thì ta thực sự thấy tinh túy của một giọng văn độc đáo, ảm đạm nhưng không bi lụy, phấn khích nhưng lạnh lẽo và tỉnh táo đến khắc nghiệt. Người phàm đi vào trong vòng một cuộc đời bình thường để phác họa hình dung của một nhà văn lớn về đời người nói chung.

Nhân vật chính của Người phàm, một người làm trong ngành quảng cáo tương đối thành đạt, cũng không ít thành công trong tình trường: khi đã nhiều tuổi ông còn lấy được cô vợ thứ ba là người mẫu, nhưng ở cuối đời mình nhân vật ấy hiểu một cách sâu sắc rằng cuộc sống về bản chất là những gì đang tan rã, mai một không thể cứu vãn. Lâu lắm rồi ta mới thấy một tác phẩm của Philip Roth không đậm đặc tình dục, thứ đã góp phần then chốt trong việc tạo nên cả danh tiếng lẫn tai tiếng cho văn chương của ông, mà ở Người phàm, nhà văn đối diện với một cái gì thật sâu xa, khó nắm bắt, một tinh chất nào đó của cuộc đời. Một bài điểm sách trên tờ New York Magazine đã nói rất đúng rằng Người phàm nỗ lực đi sâu vào “tính chất phổ quát ở phạm vi nhỏ”.

Những quan sát buồn bã của nhân vật chính về sự tàn phai của cuộc đời, mỉa mai thay (mỉa mai u tối là một đặc sản của văn chương Philip Roth), còn cần đặt vào đối sánh với kim cương, loại vật chất bất hoại mà bố của chuyên gia quảng cáo từng kinh doanh trong suốt nhiều năm, và thêm vào đó nữa, con người liên tục phải qua những cuộc phẫu thuật quan hệ tới tính mạng ấy lại còn chứng kiến người thân của mình sống rất thọ và không bao giờ gặp vấn đề về sức khỏe. Vốn đã không lấy gì làm cao thượng trong tính cách, nỗi đau đớn pha lẫn ghen tị ở ông càng tăng lên mãi. Nỗi đau đớn ấy, Philip Roth để cho nhân vật phụ Millicent Kramer phát biểu thật ngắn gọn: “Đau đớn khiến ta cô độc quá” (tr. 116).

Người phàm đặt ra một vấn đề: những người thành công trong cuộc sống có thực sự thành công hay không? Nỗi tuyệt vọng về việc thua kém thực tại ở nhân vật chính được Philip Roth miêu tả thật tinh tế trong đoạn ông già sắp chết bỗng le lói tia hy vọng sống khi nói chuyện được với một cô gái trẻ hay chạy bộ qua trước cửa. Thế nhưng hão huyền sẽ mãi chỉ là hão huyền, bởi, với ông, hay với hầu khắp “người phàm”, “dường như tất cả [mọi thứ trong cuộc đời] đều sai lầm” (tr. 99).

-----------

Vừa rồi, viết về Nemesis, tôi thấy rất rõ ràng sự nghiêm túc này của Philip Roth, sự nghiêm túc như thể được đẩy lên đến mức cứng nhắc, nhiều khi. Hay là cuộc đời thực sự nghiêm chỉnh?

Nghiêm chỉnh nhìn cuộc đời

Nếu như quả thực có tồn tại một late style như Edward Said từng chỉ ra, nghĩa là một phong cách ở cuối đời của những nhà sáng tạo, một phong cách gây nhiều kinh ngạc và mở rộng thêm trường sáng tạo cá nhân, thì ở Philip Roth ta thấy “phong cách muộn” của ông là một cái nhìn thấu triệt vào cuộc đời, một giọng văn đột nhiên hết sức tiết chế và trộn lẫn với một mức độ nghiêm túc rất cao khi đối mặt với những gì đúng là ta buộc phải coi là quan trọng trong đời.

Ở đây tôi đang đề cập tới bốn cuốn tiểu thuyết gần đây của Philip Roth, cả bốn cuốn đều rất ngắn và một trong số đó, Everyman (in năm 2006), đã có bản dịch tiếng Việt tên là Người phàm. Nếu Người phàm là một cuộc nhìn lại toàn diện cuộc đời một con người bình thường, một sự sám hối bình dị nhưng sâu thẳm, thì Indignation (2008) miêu tả sự lớn lên của một cậu bé ở trong một xã hội biến động kinh khủng, và The Humbling (2009) bước sâu vào thế giới sân khấu, đưa lên sàn diễn một diễn viên kịch về già (Simon Axler) chợt thấy mình đối mặt với sự tan biến của tài năng và thêm vào đó là chứng tâm thần hủy hoại cuộc đời ông. Cuốn mới hơn cả trong “bộ tứ” này mở rộng thêm một chút nữa tầm quan sát của Roth về cuộc đời, và càng làm ta hiểu những ghi nhận của ông về cuộc đời nói chung trầm trọng và nghiêm chỉnh tới mức nào.

Nemesis (2010) lấy bối cảnh một trận dịch bại liệt (chính xác là “polio”) ở Newark, năm 1944; trận dịch đã nhấn cả một vùng đất vào sợ hãi, tang tóc, và nhấn chìm một chàng thanh niên mang tên “Bucky” Cantor vào một cuộc phiêu lưu quái gở của một “chủ nghĩa anh hùng hụt” và của những mất mát không thể ngờ tới.

Bối cảnh truyện như vậy tất nhiên buộc một độc giả văn học nhiều kinh nghiệm liên tưởng ngay tới Dịch hạch của Albert Camus, nhưng như thể trong Nemesis (nhan đề này trỏ tới một nữ thần trong thần thoại Hy Lạp, tượng trưng cho công lý sắt đá) Roth đã đi theo một con đường cheo leo và quanh co hơn nhiều, để đặt ra vấn đề: khi có khả năng trở thành một người anh hùng, khi toàn bộ hoàn cảnh đã bày ra để một con người trở thành anh hùng, mà con người ấy lại từ chối (không hẳn vì hèn nhát, mà vì một cái gì đó nên coi là luôn luôn nằm đâu đó trong hệ thống thần kinh phức tạp của con người), thì anh ta sẽ phải trả những cái giá gì.

Cantor điều hành một sân chơi dành cho các cậu bé, cô bé ở Weequahic, anh là một mẫu mực về rèn luyện sức khỏe và ý chí, một con người liêm chính và can đảm. Cantor chứng kiến những bệnh nhân đầu tiên của chứng bại liệt trong vùng, là những đứa trẻ mà anh yêu quý và rất ngưỡng mộ anh. Anh quyết định ở lại đây và coi đó là một hành động đương nhiên trong tình thế này, nhưng rồi cô người yêu Marcia của anh thuyết phục được anh đến một nơi an toàn là trại hè Indian Hill. Tưởng chừng như ở đây anh thoát khỏi mọi nguy hiểm, nhưng đó mới thực là nơi thảm họa xảy ra, dẫn cuộc đời anh vào cuộc trầm luân không lối thoát.

Nemesis cũng là dịp để Philip Roth đưa ra một truy vấn lớn: một người Do Thái nghi ngờ về Chúa nghĩa là như thế nào. Cantor nhiều lần đặt câu hỏi tại sao Chúa Trời lại gây ra tất cả những “chuyện ấy” và rồi vĩnh viễn quẩn quanh trong sự nghi ngờ to lớn mà chỉ những đầu óc đặc biệt đơn giản mới có khả năng rơi vào. Trong Indignation, Philip Roth từng để cho nhân vật của mình dẫn lời triết gia Bertrand Russell để hỏi: “Tại sao tôi không phải là một người Thiên chúa giáo?” Ở cuối đời mình, dường như giữa những khẳng định của con người từng trải, sự nghi vấn cuộc đời đã trở thành nỗi ám ảnh lớn nhất của Philip Roth.

-----------

Sang đến The Humbling, đột nhiên mọi sự đổi khác. Cái nghiêm chỉnh ở Roth và mấy cuốn tiểu thuyết này trở nên không sao chịu đựng nổi. Tôi không sao đọc nổi đến một phần ba cuốn sách. Thực sự thì có cần phải nghiêm chỉnh đến thế hay không?

Đoạn mở đầu của The Humbling, chương đầu mang tên “Into Thin Air”:

“He’d lost his magic. The impulse was spent. He’d never failed in the theater, everything he had done had been strong and successful, and then the terrible thing happened: he couldn’t act. Going onstage became agony. Instead of the certainty that he was going to be wonderful, he knew he was going to fail. It happened three times in a row, and by the last time nobody was interested, nobody came. He couldn’t get over to the audience. His talent was dead.”

23 comments:

  1. nghiêm chỉnh quá thì chán ốm, kể cả sách lẫn review:))

    ReplyDelete
  2. Bên Nhã Nam có định làm thêm cuốn nào của Philip Roth ngoài Human Stain ko bạn?

    ReplyDelete
    Replies
    1. theo tôi được biết thì có vẻ như là không

      Delete
  3. Híc, em thấy có "hết sức negative" gỉ đâu.

    Biết đâu chừng Callil có lý vì không chỉ chịu dừng lại ở "tôi vẫn nghĩ quyển tiểu thuyết này rất [không] hay" ;p

    ReplyDelete
  4. Bác Nhị Linh ơi, sao mà cuốn Hoa Đường tùy bút của Phạm Quỳnh lắm lỗi biên tập thế? Sai chính tả nhiều lắm.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vâng, cám ơn bác. Khi đọc tôi cũng đã thấy vậy và đã nói với nhóm thực hiện quyển sách để sửa chữa khi tái bản.

      Delete
    2. Nói bác đừng buồn chứ giờ em biết tin ai? Sách Nxb Tri Thức sách sao mà đầy lỗi, toàn những lỗi không đáng có? Rồi Nhã Nam (có những 2 biên tập viên cơ đấy)? Không lẽ cứ phải đợi tái bản sao? Em nghĩ khi em mua cuốn sách là em tin mà em mua hoài cuốn nào cũng lỗi (không đáng có). Em buồn ghê. Em phải làm sao?

      Delete
  5. Hoa đường tùy bút nhiều lỗi chính tả đã vậy cuốn Những ngã tư và những cột đèn có nhiều dấu phẩy rất vô duyên bác NL ạ. Biên tập mà ẩu quá trời.

    ReplyDelete
  6. Rất xin lỗi bạn, sách in có quyển thế này thế khác, quyển này nhiều lỗi hơn quyển khác, và NXB nào cũng hết sức cố gắng để tránh, bằng không tránh được thì tìm cách khắc phục theo nhiều hình thức.

    Quyển "những ngã tư và những cột đèn" thì lại khác: bản thảo mà Trần Dần để lại có một số điểm đặc biệt, thứ nhất là chữ "i", thứ hai là cách ngắt câu, thể hiện ở dấu phẩy. Ở đây không phải là biên tập ẩu, mà là xuất phát từ sự thống nhất giữa nhà xuất bản và gia đình Trần Dần. Tôi đề nghị bỏ đi một số dấu phẩy khi thấy chúng làm vặn vẹo câu văn quá mức và bên gia đình cũng đồng ý, nhưng không thể can thiệp thêm vì sẽ mất đi những điểm đặc thù. Nếu bạn không thắc mắc gì về chữ "i" thì có lẽ cũng chấp nhận được rằng những dấu phẩy hơi kỳ khôi đó là một ý đồ của nhà văn.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hi bác Nhị,

      Em không biết là trước khi đưa đi in thì sách được đọc bởi bao nhiêu người và mấy lần? Em nói bác đừng buồn chứ cuốn của Phạm Quỳnh sách mỏng, giấy ngắn mà lắm lỗi thế kia (em nhấn mạnh là 2 biên tập viên) thì những cuốn sách dày hơn thì sao? Em không bên trọng bên khinh nhưng em thấy những cuốn sách dịch về Kant và Hegel được biên tập rất kỹ; có những hình thức chính tả 50/50 còn chưa thống nhất nên không đáng kể (nhưng rất ít hình thức như vậy cho những cuốn sách vừa dày vừa khó như đã kể). Thế nguyên nhân là tại sao?

      Các bác cứ nói độc giả quay lưng với ngành xuất bản chứ nói thật với bác là sách nào của Nxb Tri thức (Tủ sách tinh hoa và dẫn nhập em có gần hết), và của Nhã Nam (những tác phẩm được đánh giá cao) em đều có cả. Em mua để đọc và để dành, bây giờ em rảnh em mở ra em đọc thì trời ơi đất hỡi. Em cũng hiểu là khổ như thế nào khi biên tập nhưng các bác đừng để mắc những lỗi như vậy nữa. Híc

      Em nói bác Nhị Linh đừng buồn nha.

      Delete
    2. Cám ơn bạn. Quyển "Hoa Đường tùy bút" tôi không có liên quan nhưng đọc rất kỹ, nó có một số lỗi. Thật ra bên Nhã Nam cũng đã khắc phục từ trước khi phát hành vài chỗ quá mức. Tất nhiên không ai muốn để sách còn lại lỗi khi in cả và NXB nào cũng muốn được độc giả góp ý. Tôi tin rằng ngoài những chỗ bạn thấy có lỗi typo và vài loại lỗi khác, quyển sách mang lại cho bạn nhiều điều, và nếu đọc nhiều bạn sẽ thấy có những quyển sách gần như hoàn hảo về mọi mặt. Những gì chưa hoàn hảo thì sẽ được sửa chữa bằng nhiều cách. Một lần nữa cám ơn bạn.

      Delete
    3. Cảm ơn bác Nhị Linh trả lời.

      Em đang đọc cuốn Lolita mà em thấy dăm lỗi rồi, mới qua trang 100 thôi. :P. Thực ra em không bới lông tìm vết mà tự nhiên đang đọc ngon trớn lại khựng lại vì lỗi. Lolita ngoài bản thường còn được in bản đẹp, bản hiếm; vậy nếu những lỗi đó xuất hiện ở những bản như vậy thì độc giả sẽ nghĩ gì? :(

      Delete
  7. Tôi nghĩ cách thức tốt đẹp nhất là khi nào thấy gì không vừa ý thì bạn viết thư cho NXB để phàn nàn, phê bình, chỉ rõ những chỗ bạn thấy là không tốt, NXB nào có tư cách hẳn sẽ trao đổi, trả lời bạn một cách cầu thị và chu đáo, như vậy sẽ thuận lợi cho sự tiến bộ chung.

    ReplyDelete
  8. Bác NL bỏ quá cho câu hỏi hết sức ấm ớ này của em: phân biệt tiểu thuyết ngắn và truyện dài như thế nào? Và cái gì sẽ định nghĩa tiểu thuyết? Cái gì định nghĩa truyện dài?

    ReplyDelete
  9. Cho em hỏi quyển Human Stain đã được xuất bản chưa ạ? Ngoài các tác phẩm: chia tay Columbus, Người phàm, Báo ứng. Philip Roth còn tác phẩm nào được dịch ở Việt Nam nữa không ạ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Human Stain chưa, ngoài ba quyển bác nêu tên tôi cũng không biết thêm quyển nào khác

      Delete
  10. Lần đầu vào blog này, cho e hỏi chút ạ: Nhị Linh có 1 bài review riêng nào về Nemesis khộng ạ? Em cảm ơn nhiều!

    ReplyDelete
    Replies
    1. bài "Nghiêm chỉnh nhìn cuộc đời" trên đây là một review về Nemesis, viết trước khi có bản dịch tiếng Việt khá lâu

      Delete
    2. Nhị Linh có thể chia sẻ giúp e rõ hơn về câu chuyện rút ra từ các lựa chọn của Cant dc k? Có phải mới 22 tuổi nên e chưa thể hiểu vì sao nhân vật lại lựa chọn và đánh đổi như thế?

      Delete
    3. Nemesis, ngay cái nhan đề như vậy đã gợi ý rằng Philip Roth tìm về thần thoại Hy Lạp, và đi kèm với nó là bi kịch (tragedy): một yếu tố căn bản của bi kịch cổ điển phương Tây là tình trạng người ta gọi là (dilemma hay conundrum), tức là nhân vật rơi vào một tình thế phải lựa chọn, nhưng lựa chọn nào cũng dở, cũng đều dẫn tới những hậu quả ghê gớm. Le Cid của Corneille có thể coi là một điển hình của điều này (giữa tình yêu và lòng hiếu, người ta phải lựa chọn điều gì?)

      Delete
    4. đúng tinh thần thần thoại Hy Lạp, xin thay cụm (dilemma hay conundrum) bằng "between Scylla and Charybdis" :v

      Delete
  11. Nhilinh có tài tiên đoán tương lai sao? Hôm nay, giờ VN cụ Roth qua đời.

    ReplyDelete