- Antoine Compagnon -
Edward Said, trong cuốn sách cuối cùng của mình [tức On Late Style: Music and Literature Against
the Grain, 2006], đã đặt mối quan tâm lên late style của Mozart, Beethoven và Jean Genet, cùng nhiều người
khác. Thay vì thể hiện sự thông thái cuối đời, tóm tắt kinh nghiệm về cuộc đời,
kết luận lại tác phẩm của họ một cách hùng hồn, cái “phong cách muộn” này lại
cho thấy sự đổi mới trong cảm hứng của họ, thí nghiệm con đường tự do của họ, phức
tạp hóa nghệ thuật của họ một cách tuyệt diệu. Cũng vậy, ta có nhiều Gérard
Genette, trong đó nổi tiếng nhất là nhà thi pháp học của những năm bảy mươi,
nhà tự sự học của những năm tám mươi, nhà mỹ học của những năm chín mươi, nhưng
Genette cuối cùng - cuối cùng tính đến nay - tỏ ra là đáng kinh ngạc và hấp dẫn
hơn cả. Ông chính là tác giả thật bất ngờ của một - vào lúc này - bộ ba tác
phẩm rất kỳ lạ, Bardadrac (2006), Codicille (2009) và Apostille (2012), những catalô xếp theo trật tự bảng chữ cái, những
tuyển tập không đồng nhất tập hợp các ghi nhận về cách sử dụng ngôn ngữ hay và
(thường xuyên hơn) cách sử dụng ngôn ngữ dở, những quan sát tâm lý học và xã
hội học, những kỷ niệm cá nhân, những bình luận văn chương, âm nhạc hay triết
học, những ý kiến về cuộc đời, cái chết, tình yêu, v.v…, tất cả đều vô cùng độc
đáo, lý thú mà thân tình, rất nhiều hoài nhớ, và mỉa mai một cách thích đáng.
Ngoài bản thân Gérard Genette - hay Frédéric, bởi có một đoạn
[fragment] nói tới những cái tên của tác giả - với những gì ông đồng cảm và
những gì ông dị ứng, sự hiện diện nổi bật nhất trong những cuốn sách sắp xếp
theo bảng chữ cái này, ít nhất là trong quyển thứ ba vừa được ấn hành, và nếu
tạm bỏ qua lý thuyết của các giai đoạn trước đây, là cha ông, Gaston Genette,
người mà ông dành cho sự trìu mến và thậm chí cả sự ngưỡng mộ nguyên vẹn. Người
cha ấy đã trao cho ông sở thích ngôn ngữ, nghĩa là các trò chơi chữ, những à-peu-près
[từ ngữ tương tự nhau] và calembour [chơi chữ chủ yếu dựa trên từ đồng âm và
gần tự dạng] - theo kiểu “lời hứa của Gaston” [có vẻ Compagnon định nhắc đến
một câu chuyện liên quan đến lời hứa lèo của người cha] - mà cậu học sinh
Normale Sup rồi nhà thi pháp học tỉ mỉ sẽ không bao giờ rời bỏ và có rất nhiều
trong các “Bardadrac” của ông, vì ông đề nghị dùng nhan đề này cho cả bộ ba
sách của mình. Thật cảm động khi thấy rằng người cha ấy - tối nào cũng đi
chuyến tàu ngoại ô về Conflans từ xưởng dệt của ông - trở đi trở lại ở các mục
từ, cũng như trong giấc mơ lặp đi lặp lại trong đó người con trai hứa sẽ gọi
điện thoại cho ông. Về mẹ mình, cả bà cũng qua đời khi ông còn ở tuổi thiếu
niên, thì Genette tỏ ra ngượng ngập nhiều hơn, nhưng sự quyến luyến gia đình
này - với hai tỉnh quê hương của cha mẹ, với khu ngoại ô của thời tuổi nhỏ, với
truyền thống Tin Lành - hiện ra như một điều bất ngờ đối với ai đã quen thuộc
với những Genette trước đây.
Các đam mê khác của ông, như chúng lộ ra trong những trang
sách này, cũng làm biến đổi hình ảnh thường thấy về con người ông và hình ảnh
nhà phê bình nơi ông. Chẳng hạn, tập hợp rất nhiều mẩu viết về nhạc cổ điển, về
opera, và nhất là về nhạc jazz, cho thấy ở Genette có nhiều hơn nhiều cái chất
amatơ được khai sáng, dẫu rằng ông không thôi giữ khoảng cách với những diễn
giải về âm nhạc theo lối bác học, những gì, giống cách thức của Bourdieu, khiến
ông nhìn thấy một dấu hiệu hạ cấp của sự ưu tú, đỉnh cao của “thói phô bày tri
thức”.
Ta biết ông gần gũi với Proust, về Proust ông đã viết công
trình nghiên cứu được ngành sư phạm cho lưu hành rộng rãi nhất, theo cả nghĩa
hay lẫn nghĩa dở - “Diễn ngôn truyện kể”, trong Figures III (1972), sách phúc âm của ngành tự sự học - nhưng người
ta đã quên mất, kể từ bài nghiên cứu thật tuyệt vời trong Figures II (1969), rằng Stendhal mới là nhà văn ông thích nhất, và La Chartreuse de Parme [Tu viện thành
Pác mơ], cuốn sách ông thích nhất. Sự gần gũi này có thể gây bối rối, vì
Genette suốt dọc các tác phẩm lý thuyết của ông đã làm cho chúng ta quen với
một sự nghiêm ngặt về phân tích và một sự hăng hái định danh như thể nằm ở đối
cực với đội kỵ binh tiểu thuyết của Beyle [tức Henri Beyle, tức Stendhal] và
với cuộc truy tầm hạnh phúc của ông [tức của Stendhal]. Nhưng chính Về tình yêu, cái cuộc khám phá tình cảm
yêu đương đầy tỉ mỉ ấy, mới là cuốn sách giờ đây Genette sẵn sàng trích dẫn hơn
cả, vì đây là một Genette đầy tình cảm, giống như một sự ve vuốt, hoặc giả tình
cảm nồng nhiệt, được thể hiện từ trang này sang trang khác, trong lúc nghiền
ngẫm về những mối tình ông đã trải qua, những mối tình nằm ở khoảng giữa của
kiểu Werther và kiểu don Juan. Cái mà “con người bi quan về mặt nguyên tắc” này
yêu quý ở Stendhal là việc Stendhal đã biết cách giữ cho mình vẫn là một “tay
amatơ”, một người nổi bật về sự ung dung tự tại.
Vài ghi nhận của Genette gợi nhớ đến một số bậc tiền bối,
như [Francis] Ponge, hay [Julien] Gracq của En
lisant, en écrivant [Vừa đọc vừa viết - tiểu luận], hay [Michel] Leiris của
La Règle du jeu [Luật chơi]. Chẳng hạn
sự chú tâm cao độ của ông tới các sự vật, những sự vật rất thường xuyên cổ lỗ -
một cái xe cút kít, một cánh cửa sổ, một cái áo len, một quả trứng dùng để mạng
tất chân, mùi crêozôt - sự chú tâm chưa từng bị tách biệt khỏi sự trìu mến của
ông đối với từ ngữ, nhất là những vật và những từ thuộc văn hóa bình dân và thuộc
lĩnh vực kỹ thuật hiện đại. Nói đến chúng, Genette không hề chối từ thói định
danh, như trong sự phân loại những cái cổ cồn áo sơ mi đầy hài hước [ở đây là
loại hài “héroï-comique”, tức là bàn về các sự vật “thấp” bằng phong cách
“cao”, ngược chiều với loại hài “burlesque”, tức là bàn về các đề tài “cao”
bằng phong cách “thấp”].
Genette là một độc giả rất say sưa của báo chí, một người
nghiện nghe radio và xem tivi, một người say mê Internet, trên đó ông hào hứng
dạo chơi và mang về từ đó những kết quả tìm kiếm có tính chất bách khoa toàn
thư đầy đẹp đẽ. Mặc dù không hoàn toàn bỏ bẵng những tổng kết về thi pháp hay
mỹ học, về khái niệm hư cấu, về délocutif [khái niệm phái sinh từ “locutio”],
hoặc về métalepse [một phép tu từ, chủ đề cả một cuốn sách của Genette], đây
đang là một tiểu luận gia tự do hơn nhiều đang đi ngang qua toàn bộ văn chương,
từ La Fontaine cho tới [René] Chateaubriand và [Louis] Aragon, nhớ lại môn dịch
xuôi tiếng Hy Lạp của mình, trích dẫn những câu thơ đã từ lâu in dấu trong
những nếp gấp não bộ của ông.
Về phần các kỷ niệm, cho dù chúng đưa ta về với tuổi thơ
trong gia đình, về trường Normale Sup hay Đảng Cộng sản, được coi như là “các
chi tiết bất định và vô hướng”, dây cà dây muống, thì gần như lúc nào chúng
cũng được liên kết với từ ngữ và mang vị của niềm hoài nhớ. Chúng ta biết rằng
Genette là một người “cù không cười”, nhưng chúng ta chưa từng ngờ rằng mỉa mai
lại là con đường của bi ca [élégie], như ông đã nói lại bằng cách trích dẫn [Maurice]
Barrès: “Hãy bóc tách kẻ luôn miệng mỉa mai, rồi bạn sẽ thấy một kẻ ưa bi ca.”
Người mỉa mai luôn luôn phá đi lời mình bằng cách mở ngoặc đơn hoặc đẩy lời vào
trong một vế thơ; người ưa bi ca thì lại yêu quý những gì còn lại từ đó.
Genette thứ ba hoặc thứ tư này hẳn đã để lại một tác phẩm nhiều tính thi ca,
dịu dàng, nhạy cảm, không còn là tác phẩm của một nhà kỹ sư về tự sự học nữa mà
là của một người thích sắp xếp lặt vặt trong địa hạt các giả khái niệm, ca tụng
công việc tay chân, ca tụng sự “suy nghĩ bằng tay”, hoặc giả tác phẩm của một
nhà ngữ văn học, theo nghĩa thuần khiết nhất để trỏ một người yêu ngôn từ.
Cái ông Genette thích công việc tay chân này gợi ta nhớ tới
một trong những khuôn mặt hiện diện nhiều nhất, kín đáo đi ngang qua Apostille, Roland Barthes, người từng là
thầy của ông, cố vấn tinh thần của ông, người mà ông đã yêu quý, cũng chính là
nhà phê bình hay lý thuyết gia văn học duy nhất mà ông còn vinh danh. Trong
những năm cuối đời mình, Barthes mơ tới một “Vita Nova” [cuộc đời mới], theo
cách thức của Michelet, cái cuộc đời hẳn sẽ được đồng hóa với một cái viết mới,
cái viết của một dạng tiểu thuyết không có tính tiểu thuyết, của tiểu luận phi
lý thuyết, của cái viết về cuộc đời nhưng lại không phải truyện tự thuật. Ông [tức
Roland Barthes] đã không có thời gian để tìm ra late style của mình, nhưng, bởi một trò xảo quyệt của lịch sử,
chính Genette lại là người hiện thực hóa cái “Vita Nova” này của Barthes trong
các “Bardadrac” của mình, từ thứ tự bảng chữ cái các mục từ, ngang qua những hồi
tưởng thất thường của chúng, cho tới tận lời biện hộ cho một ngôn ngữ đang lạc
lối.
(dịch từ Magazine Littéraire, 516, fév. 2012, Antoine Compagnon: "Genette élégiaque" (44-45); Apostille,
Gérard Genette, éd. du Seuil, “Fiction et Cie”, 336 p., 21 e.)
NB. Trong suốt cuộc đời, Genette và Compagnon rất không ưa nhau.
Sách của Gérard Genette thư viện chỗ em có đúng 1 quyển (lại là bản english) Narrative discourse: an essay in method
ReplyDelete(hơi thất vọng vì niềm tin vào sách gì cũng có trong đây:))
như người ta hay nói thôi: bọt nổi cát chìm; anw Genette là một người gây sợ hãi rất rất lớn đấy
ReplyDelete:v NL cho hỏi câu này hơi ấy: ông GG thích nghe những loại nhạc nào? NL cho vài cái tên đi (bản 18p lần trước vẫn chưa thực sự nghe, chờ đến lúc đã). Lung tung thế nào lại vào đây, đọc lại, phát hiện thêm một người nghiện nghe đài, thêm cả tv.
ReplyDeleteStan Getz
ReplyDelete