Jul 22, 2012

Nguyễn Khải

Có một sự lạ trong quyển Thượng đế thì cười in trong tủ "Mỗi nhà văn - Một tác phẩm" của NXB Trẻ gần đây (cùng "đợt" với quyển Bình Nguyên Lộc truyện ngắn) (bản thân Thượng đế thì cười đã có in riêng vào năm 2003, NXB Hội Nhà văn, nhưng hồi đó lại ghi là "tiểu thuyết" trong khi đây đúng ra là một "hồi ký"; ở lần in này Thượng đế thì cười không thấy ghi thể loại, và tập sách này thật ra là một "tuyển tập tác phẩm", có thêm 9 tác phẩm khác nữa).

Sự lạ ấy nằm ở chương XXIII, cụ thể là trang 278. Sau một đoạn văn bỗng xuất hiện một dòng kẻ bằng dấu chấm, rồi mới đến đoạn văn tiếp theo.

Ai đã quen đọc sách báo thời trước thì không còn lạ gì những dòng kẻ bằng dấu chấm, thậm chí những bôi xóa rất rõ ràng, đó là dấu ấn của kiểm duyệt, nhưng sách thời này chẳng bao giờ thấy.

Quả nhiên đây chính là một dấu hiệu cho thấy văn bản đã bị kiểm duyệt chỗ ấy. So sánh bản này với bản đăng trên talawas hồi 2003 thì thấy ngay.

Chương XXIII trong sách của NXB Trẻ tương ứng với chương 22 ở bản talawas, và đoạn bị cắt bỏ như sau (chương này nói về giai đoạn Nguyễn Khải làm đại biểu Quốc hội):

"Trong suốt một nhiệm kỳ Quốc hội khoá 8 hắn chỉ phát biểu có một lần về những điều bổ sung cho Luật Báo chí. Hắn đề nghị Quốc hội xem xét cho ra báo tư nhân và nhà xuất bản tư nhân để đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản của một xã hội văn minh. Hắn vừa ngồi xuống thì bà T. cũng là đại biểu của thành phố Hồ Chí Minh, nguyên là một nữ luật sư danh tiếng của Sài Gòn trước đây, một thượng nghị sĩ trong phe đối lập với chính quyền Thiệu, đứng lên phản đối liền. Bà nói, đại ý, rằng hắn chưa từng sống trong xã hội tư bản nên mới ngộ nhận là ở đó có tự do báo chí! Không có đâu! Danh nghĩa là báo của tư nhân nhưng nguồn tài trợ thường xuyên để nuôi sống nó luôn luôn là của các tổ chức chính trị, tôn giáo, nghề nghiệp đầy quyền lực. Họ mới là những ông chủ đích thực của tờ báo, quyết định xu hướng chính trị của nó, còn các nhà báo chỉ là những người làm công ăn lương mà thôi. Theo bà, hãy tổ chức những tờ báo hiện có của các đoàn thể thành những cơ quan ngôn luận thật sự có uy tín, có đông đảo bạn đọc cũng đã tốt lắm rồi. Bà vừa dứt lời tiếng vỗ tay đã vỡ ra vang dội và kéo dài khắp hội trường. Bà là một trí thức yêu nước, đi học và hành nghề ở nhiều nước tư bản từ nhỏ tới già nhưng lại có lập trường của một người cộng sản. Còn hắn là đảng viên cộng sản chính gốc lại hùa theo những đòi hỏi của nhiều người được xem là rất đáng ngờ về quyền được ra báo và mở nhà xuất bản tư nhân. Ông chủ quyền lực bắt đầu ghét hắn từ ngày ấy, đã muốn đuổi hắn ra khỏi cơ quan quyền lực từ ngày ấy. Rồi hắn lại ngủ gật nữa. Trong những phiên họp tranh cãi sôi nổi về một từ, một câu trong những điều luật bổ sung của Bộ luật Hình sự, thì hắn ngủ gục, đầu vẫn ngay, lưng vẫn thẳng nhưng đầu óc đã trống rỗng, mờ mịt, người ngồi cạnh phải hích nhẹ hắn mới bừng tỉnh. Một ông nghị gật như các báo vẫn chế giễu các ông nghị bản xứ thời Pháp thuộc. Té ra hắn được vào Quốc hội là do sự hiểu nhầm từ cả hai phía. Phía lãnh đạo thì nghĩ rằng hắn đi nhiều, biết nhiều và cũng đọc nhiều ắt hẳn sẽ có nhiều ý kiến mới lạ để đóng góp với nhà nước. Còn hắn cũng nghĩ do có cơ hội quen biết thêm nhiều nhân vật nổi tiếng của nhiều ngành nghề, lại được tham gia bàn bạc những việc trọng đại của cả nước ắt hẳn sẽ viết được nhiều bài báo rất lý thú như những bài báo đã viết trong năm 1974 chả hạn."

Đọc Nguyễn Khải song song với Võ Phiến sẽ thấy vô cùng nhiều điều thú vị.


1 comment:

  1. Đoạn văn này đọc thấy hay và lạ quá. Và bị cắt là phải! Cũng cảm thấy mình có lỗi đã bỏ xót không đọc "nó" trên talawas.
    TB. Nghĩ vẩn vơ: trong chế độ ấy, xã hội ấy, có được mấy áng văn đẹp đâu, nhưng lại có hàng quân đoàn, đại đoàn những cán bộ chỉ chuyên kiểm duyệt, đục đẽo thì có còn gì là "văn hóa" nữa nhỉ? Chả trách...

    ReplyDelete