Nhân đọc “Hoa Đăng” của Vũ Hoàng Chương (miền Nam)
Chế Lan Viên
Một tờ báo miền Nam gần đây viết:
“Về thơ, ngoại trừ Hoa
Đăng của Vũ hoàng Chương đáng đánh dấu một sự chuyển hướng về sáng tác và của
Đoàn Thêm một loại tiểu thuyết bằng thơ có tính cách một công trình dài hơi đề
cập đến vấn đề nhân sinh xã hội, thì không còn thi phẩm nào có sự cố gắng đáng
ta lưu ý”.
Vì lẽ ấy tôi đã tìm đọc Vũ hoàng Chương và Đoàn Thêm. Đoàn
Thêm, thôi ta không bàn đến. Chẳng phải cái anh Đổng lý văn phòng của Ngô đình
Diệm ấy đã bàn những chuyện chính trị phản động gì gì ở đây. Anh ta cũng khôn
khéo lắm mà. Vào làm văn, anh ta cũng quên đi những giấy tờ vấy máu của tổng
Ngô, để nói đến những chuyện thoát tục, nghìn đời, tập thơ anh tên là Từ Thức. Cái lẽ giản dị để ta không bàn
đến vì anh ấy là một kẻ bất tài. Cái tài duy nhất có lẽ là sắp lại, nhai lại
những ý, những lời đã mười lần sáo cũ.
Tôi muốn nói đến Vũ hoàng Chương với tập Hoa Đăng. Tôi vốn không yêu nhiều -
nhưng vẫn là yêu - cái tài không lớn lắm nhưng vẫn là tài của nhà thi sĩ họ Vũ.
Nước nhà đã độc lập, giải phóng trên một nửa, miền Bắc đang tiến vào cuộc sống
xã hội chủ nghĩa huy hoàng, cuộc đời của dân tộc và của từng người đã có tự do,
hạnh phúc. Nhưng (hoặc chính vì lẽ ấy) mỗi khi quay nhìn dĩ vãng, tôi vẫn
thương cho những con người kiểu Vũ hoàng Chương:
… Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ
… Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa
… Ngoài ba mươi tuổi duyên còn hết
Một ván cờ thua ngả bóng chiều…
Cũng có một lúc tôi đã từng quí nhà thơ ấy. Tôi biết anh
theo kháng chiến với cả bàn đèn, dọc tẩu và những tâm tình hỗn độn của mình,
nhưng nghĩ mà xem, ngày hôm qua, nhà thơ kia chỉ có những giấc mơ rất xoàng:
Mãi mê theo sự nghiệp
Quá trớn lỡ giàu sang…
Thế mà ngày hôm nay anh đã mang vào mình cái ước vọng một
dân tộc:
Ba kỳ hỡi hỡi! người dân Việt
Mau võ trang cùng tiến bước lên
Cùng tiến bước mau! thề một chết
Đòi hoa Hà-nội sóng Long-Biên
(Nhớ
về Hà-nội vàng son)
Làm sao lại không yêu mến một sự thay đổi bước đầu như vậy
được.
Đá thử vàng, gian nan thử sức. Anh đã bỏ kháng chiến mà “về”
thành, giữa lúc cuộc kháng chiến gian nan nhất, đang cần sức lực, tài năng của
từng người một. Nhưng tôi vẫn thương anh, như thương những người đàn bà yếu
đuối chạy Tây không nổi, phải bế con hồi cư, - mặc dầu cái ví von ấy thật là
mỉa mai đối với anh là người đã hô:
… Bút cũng như gươm thề chẳng thẹn
Với lời hô Cách mạng thành công…
(Nhớ
về Hà-nội vàng son)
Âu đó cũng là lời hô trên mặt giấy, trong một lúc.
Thực ra đó cũng là lúc đẹp nhất của đời anh, và trang giấy
kia là trang giấy sạch sẽ nhất. Thỉnh thoảng ra chơi các cửa ô Hà-nội, tôi vẫn
nhớ mấy câu thơ anh ấy viết:
Chói lọi sao vàng hoa
vĩ đại
Năm cánh xòe trên năm
cửa ô
(Nhớ
về Hà-nội vàng son)
Và thật là bao dung thay tấm lòng của chúng ta, tấm lòng
những người mang cái tình và cái chính sách nhân hậu của Đảng. Vũ hoàng Chương
bỏ chúng ta mà đi. Nhưng chúng ta không nỡ bỏ Vũ hoàng Chương. Tôi nghĩ họ Vũ
đang đau khổ, hối hận cho bước đường lầm lỡ của mình ở Sài-gòn. Tôi nghĩ anh Vũ
nhớ mãi năm cửa ô trong cuộc đời, năm cửa ô trong thơ anh, năm cánh hoa trong
tâm hồn dân tộc…
Cũng vì vậy, mà tôi vội vàng đọc Hoa Đăng.
*
Một tập thơ kém, hay là xoàng, cũng được. Nhưng thôi, chuyện
kỹ thuật trái mùa, cổ lỗ của anh ta sẽ nói sau. Thực ra, báo chí miền Nam cũng có
người không phải là khen Hoa Đăng như
câu ở đầu bài tôi trích. Nguyễn văn Xuân viết ở Bách Khoa:
“Cái điều khiến ông
thất bại trong mặt tâm tình, chính vì ông không quá thiết tha với những mối
tình mà ông diễn tả. Nói cách khác, hình như ông không còn những tình cảm, cảm
giác mà ông chỉ còn những ảo tưởng thuộc về nó mà thôi… Về mặt hình thức, người
ta càng thấy rõ việc này. Ông chỉ dùng đa số từ ngữ, hình ảnh cũ, điệu quen
thuộc, ước lệ diễn đạt tâm tình”.
Hoặc ở một đoạn khác:
“Ở đây nội dung đã
không mới, mà câu thơ cũng không được mười lần gọt rũa như thói quen Vũ Quân -
hay trái lại, dẫu có mười lần gọt rũa cũng chỉ cốt thu lượm những danh từ cho
lạ, cho kêu, những hình ảnh đã thành ước lệ, những cú pháp cho êm tai, hơn là
những tình cảm đặc sắc, rung động, ý tứ tân kỳ”.
Tôi trở về cái vấn đề “nội dung mới”…
Tập thơ làm xấu hổ cho Vũ hoàng Chương nhiều điều, làm đau
xót cho chúng ta nhiều chỗ, nhưng theo tôi cái điều Vũ hoàng Chương đáng hổ
thẹn nhất, và chúng ta đau xót căm giận nhất là bốn câu này:
Có nghĩa gì đâu một chữ “Về”
Nếu không ngàn dặm ngược sơn khê
Nếu không ngược cả mười năm ấy
Về tận kinh đô của ước thề
(Nửa
đêm trừ tịch)
Chữ “về” tác giả
tự gạch đít, cái việc “về thành” cái
việc dinh tê về Hà-nội lúc ấy có đội quân chiếm đóng của Pháp đang làm hoen máu
trên năm cửa ô, mà tác giả gọi là về “kinh
đô của ước thề”, là “chẳng có nghĩa
gì” cả, thế thì trong tâm hồn nhà thơ này không còn ranh giới giữa cái tốt,
cái xấu, cái đúng, cái sai, cái có nghĩa và cái không có nghĩa.
Người mẹ chạy Tây không nổi, bế con về Hà-nội là để nuôi
con, nhưng thi sĩ họ Vũ về là với một nội dung không mới mẻ gì cho lắm đối với
cuộc đời trụy lạc của anh ngày trước.
Mấy phen biếc đón hồng đưa
Dẫu rằng xong, vẫn là chưa thỏa nguyền…
(Nửa
đêm trừ tịch)
Vũ hoàng Chương “về”
thành chỉ vì biếc đón, hồng đưa! Thì Vũ hoàng Chương đi Nam, âu chỉ vì hồng
đưa, biếc đón. Thực ra không phải chỉ có thay đổi địa dư. Mà so với tâm hồn anh
hồi kháng chiến, so với cả tâm hồn anh trước Cách mạng, thì lần này anh thay
đổi cả tâm hồn. Qua thơ anh, thấy không còn chỉ là biếc đón, hồng đưa, mà đã
“ma dẫn lối, quỷ đưa đường”, bàn tay chính trị phản động của quỉ Diệm đã bắt
đầu đưa anh đến gần miệng vực…
Vũ hoàng Chương vẫn vờ làm ra người cao đạo:
Mặc cho những kẻ mài gươm sắc
Ta chỉ mài riêng ngọn bút này
không biết gì đến những việc ở miền Nam hiện nay,
không biết đến thuốc độc Phú-lợi, máy chém Mỹ lưu động từ Tây-ninh cho đến
Cà-mau, không biết đến những trận càn, những luật 10-59…
Anh chỉ biết có Đạo:
Đời hiểu gì chăng hề chữ Đạo…
Chỉ biết có Thơ:
Ngòi Thơ một sớm cao vòi vọi
Nhân loại chầu quanh ngát khói hương…
Chỉ biết có vợ anh:
Ngọc nhã thành Chương,
Oanh ríu rít…
Chỉ biết có con anh:
Hoa đến mùa trăng đã đến tuần
Ước mơ đã hiện Vũ hoàng Tuân
Đầy trời ánh sáng hương đầy đất
Lòng kết vàng son, hội mở xuân
Chỉ biết có người yêu của anh:
Khóe thu còn biếc trăng tâm sự…
Khanh của Hoàng ơi, mộng vẫn còn!
Chỉ còn biết có khoái lạc, vật dục:
Kề vai căn vặn nỗi niềm
Má người yêu có tỏ niềm tuyết nhung
Em rằng: một đóa phù dung
Mấy tang thương vẫn ngại ngùng gió mưa…
Nghĩa là không biết chính trị gì gì cả.
Nếu thật mà như thế? Nếu thật ở giữa miền Nam nước sôi lửa
bỏng ngày nay mà có những người thành tâm chỉ biết đến Thơ, thành tâm chỉ biết
đến Đạo, chí thú lo cho vợ con mình, hoặc tệ nữa, không dám đấu tranh, chỉ biết
vùi đầu trong nhớ thương, quên mình trong khoái lạc đi nữa, thì ta cũng thương
họ, trách họ mà thôi, chứ không giận họ. Trong khi chưa đòi được tất cả mọi
người cái tối đa - là đứng lên đấu tranh với bọn cướp nước và bán nước Mỹ-Diệm
-, thôi thì ta tạm bằng lòng với cái tối thiểu của họ, là họ hãy lo cái thú vui
riêng dù trong dù sạch đó của họ, mà đừng đi với bọn khát máu, mà đừng làm hại
đến sự việc của toàn dân. Thực ra cuộc đời không đơn giản, cắt ra từng việc,
chia ra từng ô như thế được. Cái nọ xọ cái kia, cái dây đã giắt con bò, Vũ
hoàng Chương sa đọa về sinh hoạt không xa mấy với Vũ hoàng Chương sa đọa về
chính trị.
Vũ hoàng Chương sa đọa ư? Phải chăng trong tập này, Vũ hoàng
Chương đã “vươn” mình dậy, nhà thơ ủy mị bên cái giây tơ đã mắc thêm một giây
đàn thép, giọng nói trữ tình đã thêm giọng anh hùng ca. Vũ hoàng Chương đã nói
đến Phạm hồng Thái, Trần Hưng Đạo, đã nói đến Bắc Bình Vương…
Chúng ta sẽ không hổ với người mà một trận Đống-đa nghìn thu oanh liệt
Vì ta sau trước lòng kiên quyết
Vàng chẳng hề sai đá chẳng sờn…
Thưa các bạn, biết làm sao được, khi nhiều việc bắt lòng tôi
phải đa nghi. Lần đầu tiên, trở về Hà-nội bị chiếm bởi giặc Pháp, tôi thấy
nhiều con đường Tây vẫn để là đường Nguyễn thái Học… Và một chiến dịch tàn sát
những người kháng chiến của Mỹ-Diệm lại lấy tên những anh hùng dân tộc: Nguyễn
Trãi, những nhà ái quốc: Phan chu Trinh…
Đối với một nhà thơ, biết yêu từ một ngọn cỏ, một con chim,
yêu cái tiếng Việt mẹ đẻ này, cố nhiên là tôi tin anh Vũ hoàng Chương cũng có
một lòng yêu nước chứ.
Cho nên tôi vẫn muốn tin ở lòng ngay thật của anh khi anh ca
tụng cái hồn thiêng đất nước. Nhưng đi với ma thì mặc áo giấy. Và cái áo giấy
của ma lâu ngày thành cái áo thật của anh cũng nên.
Trả ta sông núi là
bài thơ anh viết về “nhân ngày kỷ niệm liệt sĩ”. Anh nói về hai bà Trưng, về Lý
thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… Và anh nói cả đến ngày nay:
Phan đình Phùng, Nguyễn thái Học… Bài thơ gần như một bản tổng kết về lịch sử
đấu tranh và cách mạng của dân ta:
Ôi Việt sử là tranh đấu sử
Trước đến sau cầm cự nào ngơi
Tinh thần cách mạng sáng ngời
Bao người ngã, lại bao người đứng lên
Thế nhưng anh không nói đến những người mà anh vừa kêu gọi
họ đứng dậy:
Ba kỳ hỡi hỡi người dân Việt
Mau võ trang cùng tiến bước lên…
(Nhớ
về Hà-nội vàng son)
Bao người đã ngã xuống vì:
Cùng tiến bước mau! Thề một chết
Đòi hoa Hà-nội sóng Long-biên
(Nhớ
về Hà-nội vàng son)
Anh không dám nói đến cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc,
cuộc kháng [sic] còn nóng hổi hơi
máu, hơi người! Kháng chiến, hai chữ ấy thiêng liêng, thần thánh bao nhiêu. Ngô
đình Diệm muốn bôi xóa nó đi trong lịch sử, không được, lại quay ra muốn nhờ
hơi nó. Tôi hiểu ra rồi: Vũ hoàng Chương viết bài thơ này giữa lúc Ngô đình
Diệm còn đang chửi bới kháng chiến. Giá mà bài thơ được viết ra lúc tổng Ngô
đang lợi dụng hai danh từ kháng chiến thì chắc Vũ hoàng Chương lại không quên
cái thời kỳ lịch sử lớn lao, nhờ nó mà anh đã viết được những trang trong sạch
nhất trong đời cầm bút của anh.
Đối với kháng chiến anh từng ca tụng, giờ anh bội bạc, mà
đối với Hà-nội anh từng nhớ mong lúc kháng chiến, thì anh lại còn tệ hại hơn,
anh vu cáo nó: liễu của Hà-nội do Tây chặt đi, giờ quanh các hồ ta đang bắt đầu
trồng liễu. Nhưng anh vu cáo đó là tội ác của chúng ta:
Trông vời hỏa ngục giờ đây
Hàng mi liễu đôi bờ lửa xém
Hồ Kiếm đông đến nỗi từ tên Hoàn Kiếm có người gọi đùa là Hồ
Tìm Kiếm. Hồ Tây là nơi rộn rịp mấy công trường, anh vẫn nói bằng cái giọng
lưỡi của địch:
Nhưng năm cửa sao mà vắng ngắt
Mà rưng rưng Hồ Kiếm, Hồ Tây…
Tôi không muốn đem thực tế của Hà-nội ta đối chọi với những
lời vu cáo trong thơ anh. Thực ra, anh đã tự thú nhận cái lối nhìn Hà-nội của
anh là cái lối không phải mắt thấy, tai nghe, nghe cả hai tai, thấy bằng hai
mắt, cái lối nghiên cứu, điều tra tìm hiểu gì gì! Nó là cái lỗi đoán mò! Cái
lối nhờ “tiềm thức ban đêm”, cái lối “linh cảm” rất là thầy bói, cái lối nằm ở
trên giường chiếu của phòng ngủ, mà nhắm mắt hay lim dim mở mắt nói mò:
Tiềm thức đêm đêm đời rộng mở
Ta chờ linh cảm ý quê hương.
Không gian từng kết hình trong mộng…
Và sắc thời gian ở chiếu giường.
Sông núi xa xưa về hiện bóng
Hồn say ta vượt hết biên cương…
(Tâm
sự phố phường)
Đài địch nói: Hà-nội đói khổ, loạn lạc rồi, thế là anh lại
viết:
Cố quận riêng mình xót nhiễu nhương
Đài địch gào: Dân Hà-nội khởi loạn rồi, thế là anh gào:
Là máu sôi thành lệ dựng đêm nay
Là xôn xao lửa bốc dựng đôi mày…
Anh đã thành cái loa cho địch.
Nhưng thôi, nhà thơ thì vốn tin ở cảm giác của mình. Cái loa
của địch ở gần, mà Hà-nội của ta thì ở xa, một bên anh nghe được, mà một bên anh
chưa thấy được. Ta có nói với anh cũng là vô ích.
Tôi mời Vũ hoàng Chương trở lại cuộc sống quanh anh. Đến đây
thì tôi không muốn làm phiền độc giả của tôi bằng bắt họ [sic] nghe lại những chuyện họ đã đọc nghìn lần trên báo. Và tôi chỉ
mời ông Chương đọc báo. Đọc báo Sài-gòn. Đọc ngay cái tờ Cách mạng quốc gia là cái tờ hàng ngày chửi chúng tôi, và chỉ có
một lý tưởng là ca tụng đế quốc Mỹ và Ngô đình Diệm…
Ông Chương nghĩ gì về những vụ nông dân bị dồn làng làm khu
trù mật, bỏ quê hương đi dinh điền nơi nước độc rừng sâu? Nghĩ gì về những
người kháng chiến liên tiếp bị án tử hình? Nghĩ gì về cái máy chém đang lưu
động? Nghĩ gì về việc mổ gan anh Út Lép, “một con người”? Nghĩ gì về việc giáo
sư Thịnh và mấy sinh viên bị bắt vì vẽ một người mẫu? Việc học sinh các trường
không có tiền may đồng phục, bị cảnh sát đến đuổi học, theo dõi điều tra? Việc
những nghệ sĩ sân khấu chết không chiếc quan tài? Đến những người di cư sống
bằng nghề làm pháo, mà pháo bị cấm. Đến hàng nghìn người bị bắt vì đốt pháo Tết
vừa qua? Việc nhà thơ Dương tử Giang bị bắt? Việc cấm tờ báo Liên Á vừa rồi?
Việc người ta giết người Việt-nam ở Biên-hòa để báo thù cho người Mỹ…
Tôi nhớ không có trật tự gì về cái xứ hỗn loạn “thế giới tự
do” mà anh ca tụng. Nhưng chỉ cần anh đọc báo Sài-gòn. Đúng hơn, chỉ cần anh
đọc xong và suy nghĩ. Đối chiếu với thơ anh mà suy nghĩ. Tôi chắc anh sẽ hối
hận vì những câu ca tụng một cuộc “trưng cầu dân ý” mà ý dân được trưng bằng
súng lục, nhà tù:
Lá phiếu trưng cầu một hiển linh
Xé tan bạo lực dưới muôn hình
Từ đây nước Việt dân làm chủ…
Anh sẽ ghê tởm những câu “làm đĩ” cho cái lưỡi và ngòi bút
của mình:
Các bạn! Nào ta hãy đứng lên
Trái tim dân tộc đã xây nền
Tự do đã hiển linh thần tượng
Cánh vỗ hào quang tỏa bốn bên…
Anh sẽ xóa trong đời thơ anh những câu tương tự:
Gió nổi vần mây giục đấu tranh
Tâm tư lồng lộng kết nên thành
Thành ngăn sóng Đỏ, mây sừng sững
Nước Tổ về ngôi đẹp sử xanh…
Tôi biết có một số người không hiểu rõ miền Bắc. Có một số
người không hiểu rõ chủ nghĩa cộng sản. Một bà má có con đi kháng chiến ở bưng
biền, ra thăm con, hỏi nhỏ con: Này con, con lén chỉ cho mẹ xem vài người cộng
sản xem sao.
Cô con bảo: Con đây. Con vào Đảng ba năm rồi.
Bà mẹ không tin: Con mình hiền lành vậy, “tốt” vậy sao mà
cộng sản được.
Ta chỉ giận bọn giặc đầu độc, chớ ta thương, hết sức thương
bà má hiểu nhầm.
Vũ hoàng Chương, dù anh là trí thức, là thi sĩ, là người
ngạo mạn về giòng thơ của mình:
Từ hôm nay nhỉ, suối hào quang
Nối mãi giòng thơ họ Vũ hoàng…
Nhưng anh thật thua nhiều, không thể nào so sánh với bà má
ấy được. Bà má ấy không biết thì bà má hỏi. Còn anh không biết thì anh lại chửi
càn.
Gần đây, một hôm đi chơi bên các vườn hoa đẹp ở Hồ Kiếm, Hồ
Tây, Hồ Bảy Mẫu, tôi bỗng sực nhớ một cái ý của thi sĩ Henri Heine cách đây
trên 100 năm. Ông ta cũng là người không hiểu cộng sản. Ông nói đại khái:
“Sau này chủ nghĩa
cộng sản lên, xé thơ tôi để gói lạp xường, nhổ hoa hồng để trồng bắp cải…”
Và ông tiếp:
“Ví dù như thế đi nữa,
thì tôi vẫn tán thành chủ nghĩa cộng sản, bởi vì không có chủ nghĩa cộng sản,
thì không thể đánh đổ các bọn vua quan áp bức hiện nay…”
Câu văn Heine hay và mãnh liệt hơn nhiều. Tôi ít thuộc sách
nên nhớ tạm là như vậy…
Tôi mỉm cười vì chúng ta không những trồng thêm nhiều bắp
cải, mà với Tết trồng cây năm nay, chúng ta trồng rất nhiều hoa hồng. Lạp xường
thì Mậu dịch bán rẻ, gói bằng giấy bóng gói lạp xường, và thơ Henri Heine thì
lại được ta kỷ niệm, in ra bằng giấy đẹp.
Anh Vũ hoàng Chương, nếu anh chê câu chuyện bà mẹ trên kia
là dân giã [sic], thì tôi biếu anh
mẩu chuyện này.
Tôi biết anh làm thơ trong một bầu nước đục.
Tôi biết anh làm thơ vì những lý do không phải lúc nào cũng
vì Đạo, vì Thơ:
Báo chuông mấy độ vẽ bùa
Chắt chiu cũng đủ tiền mua trăng rằm…
Đồng tiền quả là đủ đem mua trăng, có thanh cao đấy, nhưng
coi chừng, bàn tay đưa tiền cho anh là tay vấy máu. Văn chương anh chỉ xem như
một thứ vẽ bùa lấy lệ cho có tiền, nhưng bùa của anh vẽ ra, có kẻ đem dùng để
trấn áp những người yếu bóng vía, dễ lòng tin.
Cho nên, tôi chỉ xin nhắc anh cẩn thận. Thơ anh đã xuống lắm
rồi. Và tâm hồn anh bầy quỉ đã dìm xuống những nơi anh không muốn. Anh không còn
cái trong sạch hào hoa thời kháng chiến. Anh cũng không còn cái lỗi lầm vô tội
và cũng hào hoa xưa kia. Anh đã đi vào con đường tâm lý chiến tranh, tác động
tinh thần…! Anh đạp lên cái hồn thơ anh mà chúng tôi rất quí.
Những sách tốt, sách hay của chúng tôi làm tôi tin con đường
tôi đi là đúng. Nhưng những sách xấu, dở của các anh càng làm cho tôi tin con
đường chúng tôi đi là đúng hơn. Chưa bao giờ tôi biết ơn nhân dân tôi, Đảng
tôi, bè bạn, đồng chí tôi bằng những lúc này. Cũng chính lúc này, tôi thương xót
các anh hơn.
Chúng ta cùng ở một tầng lớp mà ra. Chúng ta cũng là những
người ra từ một phong trào thơ mới. Chúng ta bắt đầu cùng có mặt trong cuộc
Cách mạng tháng Tám. Ngày nay hầu hết những nhà thơ cũ thờ ấy đều đã sống lại,
trưởng thành: Xuân Diệu, Tế Hanh, Huy Cận, Anh Thơ, Lưu trọng Lư, Nguyễn xuân
Sanh, Huyền Kiêu. Ít nhiều chúng tôi đều có cái tự hào đã đóng góp gì cho thơ,
cho dân tộc.
Còn anh? Và Đinh Hùng, bạn anh nữa, các anh đã làm gì? Đọc
tập thơ Hoa Đăng, tôi rất giận anh,
mà lại thương anh! Các anh ca tụng một bọn bán nước, bán máu người, đã làm tâm
hồn và thơ ca anh xuống dốc. Các anh chửi một chính Đảng, một nền tư tưởng mà
rồi đây cũng sẽ hết sức cứu lấy các anh.
Hãy làm lại cuộc đời mình đi Vũ hoàng Chương. Nghĩa là nếu
không có thiện chí như Henri Heine thì cũng cần dè dặt như bà má.
(Nghiên cứu văn học, 4/1960, tr. 34-41)
-----------
Một ít lịch sử:
“Nhắc lại chút ít lịch sử: Trong các cuộc liên hoan văn
nghệ, cho mãi đến năm 1950, người ta vẫn còn ngâm thơ Vũ Hoàng Chương, các nhà
trường trung học (sau đổi tên là phổ thông) còn nghiễm nhiên giảng dạy Thơ mới, văn chương Tự lực văn đoàn, và quan điểm giảng dạy cũng không khác gì quan
điểm Thi nhân Việt Nam mấy. Sau cải
cách giáo dục năm 1951 mới có sự cải tiến chương trình và thay đổi về quan
điểm.” (Lê Đình Kỵ, Trên đường văn học,
NXB Văn học, 1995, tr. 173)
-----------
Nhân đọc Chế Lan Viên nói tới “trồng bắp cải”, tôi nhớ mấy
câu thơ của Tố Hữu:
Bắp cải, su hào giòn ngọt Nhật Tân
Hoa tím, hoa dơn Ngọc
Hà duyên dáng
Hôm nọ cũng mới đọc bài này trong Nghĩ cạnh dòng thơ:)
ReplyDeletevẫn giữ nguyên xi như first version này à?
Deletekhông so kỹ nhưng có vẻ như thế
Deletenhân nói tới CLV, gần đây mới biết câu "Có một người đêm khuya không ngủ/ Thức canh cho thế giới hòa bình":) thật xứng đào xứng kép với "Thương chồng thương mẹ thương cha" của đth TH.
"Hãy làm lại cuộc đời mình đi..." Nghe sợ nhỉ! Hãy làm lại cuộc đời mình đi, các chú nhìn anh đây này, anh đã đi Tây Bắc... :-p
ReplyDelete(Phải đến gần tháng nay mới vào được blog của bác đấy. Chả biết vì sao?)
bác có nhìn thấy dòng chữ ngay dưới tên blog không :)
DeleteChịp. Tôi cũng đoán thế. Cơ mà bác cho bài này lên là iêu tổ quốc xhcn lắm rồi. Khéo họ mở cho đi băng băng ấy nhỉ ;)
DeleteCụ CLV thì xứng đáng thiên hạ đệ nhị nâng bi rùi he he, chỉ sau đại thi hào Hĩu Hĩu thôi.
ReplyDeleteThi sĩ quá ngu ngơ! Khi họ nổi máu nóng, chính trị lập tức lợi dụng.Họ Vũ, họ Chế và bao người khác "dẫy dụa làm sao trong lưới bủa"( CLV).Chỉ vài mươi năm sau đọc lại đã thấy buồn cười và đáng thương cho cả hai chàng!Ở cõi nào đó, gặp lại nhau uống rượu đi!
ReplyDeleteNL chỉ cần post Di Cảo Thơ của cái nhà bác họ Chế này song hành với entry này là dưới kia bác ấy... sặc.
ReplyDeleteThôi khỏi, trọng tài thì mới là khó chứ, Chế Lan Viên cũng là một tài năng lớn, chỉ có hay quên trọng tài người khác thôi.
DeleteI am extremely inspired with your writing abilities as well
ReplyDeleteas with the layout to your blog. Is this a paid topic or did you
customize it your self? Either way stay up the excellent high quality writing, it's rare to
peer a great blog like this one nowadays..
Đọc xong bài viết ta nhân chân Chế Lan Viên. Ông ăn táo Ba Đình, nên ra công rào gốc, ông quên rằng vườn hàng xóm còn nhiều cây ngon quả ngọt hơn táo Ba Đình. Ông chê bai, mai mỉa Vũ Hoàng Chương thơ văn bậc thầy thiên hạ nhằm bôi nhọ, hạ bệ họ Vũ. Đến khi cây táo thân cỗi, cành sâu, trơ gốc đáng ra phải cải tạo hoặc loại bỏ trồng cây khác, lại cứ khư khư bám giữ tôn thờ, mãi cuối đường đua mới ngộ ra suốt đời ăn bánh vẽ. Tuy có có ân hận nhưng quá muộn màng.
ReplyDelete