Jul 7, 2012

Nhất Linh ở Sài Gòn

Hôm nay là ngày Trùng Thất, đúng ngày Nhất Linh qua đời (sự kiện năm 1963). Dưới đây là một số sách báo của Nhất Linh và liên quan đến Nhất Linh giai đoạn ở Sài Gòn (Nhất Linh vào Nam năm 1952). Giai đoạn này của Nhất Linh văn học sử miền Bắc gần như chưa hề động tới.

Hai tác phẩm quan trọng của Nhất Linh:


Hai số Văn về Nhất Linh:


Trong đó:

Số 14 “Tưởng niệm Nhất Linh” (15/7/1964):
“Thử xác định vị trí của Nhất-Linh Nguyễn Tường Tam trong văn học sử và trong lịch-sử Việt-Nam” - Nguyễn Văn Xung, g.s.
“Triết lý tuyệt hảo trong cuộc đời của Nhất-Linh Nguyễn Tường Tam” - bài nói chuyện của Trương Bảo Sơn
“Vĩnh quyết Nhất-Linh” - Nguyễn Mạnh Côn (“Bài này trước đây đã đăng trên tuần san NGÀN KHƠI, nhưng bị Kiểm duyệt cắt bỏ nhiều đoạn. Nay chúng tôi xin đăng lại nguyên vẹn bản văn”)
“Người bác” - Thế Uyên (Nhất-Linh trong dĩ vãng một người trẻ tuổi)
“Nghĩ về một thái độ trí thức…” - giáo-sư Nguyễn Văn Trung
“Khóc bạn” - Bùi Khánh Đản
“Chúc thư văn nghệ của Nhất-Linh” (giao thừa năm Quý Tỵ 1953)
Cùng bài viết, truyện, thơ của Vũ Hoàng Chương, Trần Như Liên Phượng, Tường Hùng, Nguyễn Thị Vinh, Duy Lam, Nghi Trang, Nguyên Trinh

Số 156 “Hoài niệm Nhất Linh” (15/6/1970)
“Ai điếu Nhất-Linh Nguyễn Tường Tam” (câu đối và điếu văn) - Vũ Hoàng Chương
“Hoài niệm Nguyễn Tường Tam” - Hiếu Chân
“Bệnh tật và cái chết của Nhất-Linh Ng. Tường Tam” - B.s. Trần Văn Bảng
“Nguyễn Tường Tam, một nhà văn “đa bất mãn hoài”” - Vũ Bằng
“Nhất-Linh và “Bướm trắng”” - Huỳnh Phan Anh

Một ít tạp chí Tân Phong của Trương Bảo Sơn, người bạn thân thiết của Nhất Linh; vợ Trương Bảo Sơn là Nguyễn Thị Vinh cũng là nhà văn (tác giả tiểu thuyết Thương yêu) và cô con gái của họ, Trương Kim Anh, được Nhất Linh đặc biệt quý mến, Nhất Linh từng vẽ Kim Anh thổi sáo từ một bức ảnh.


Tác phẩm của mấy người cháu nổi tiếng (Thế Uyên và Duy Lam):



Còn đây là mấy quyển "giai đoạn sớm" sau 1975 (88 và 91):


1 comment:

  1. Nhất Linh và giấc mơ mang tên mình.

    Nhớ có lần đọc hồi ký của Nguyễn Tường Thiết, con trai nhà văn Nhất Linh, ông kể hồi lúc ở Đà Lạt, có một con đường nào đó Nhất Linh rất thích và mơ có ngày con đường ấy sẽ mang tên mình.

    Nếu tôi nhớ không lầm thì trước đây ở Saigon có con đường Nguyễn Tường Tam. Sao lại là Nguyễn Tường Tam mà không là Nhất Linh ?

    Không lẽ NTT xứng đáng hơn NL ?

    Nhớ có lần (lại nhớ...mang máng mơ hồ ) cũng là đọc hồi ký của Nguyễn Tường Thiết, Nhất Linh có nói tiếc là Đoạn Tuyệt có nhiều chỗ kém hay.

    Đành là vậy. Nhưng Đoạn Tuyệt là một tiểu thuyết rất được nhiều người biết đến của Nhất Linh.
    Ở Saigon trước đây, Đoạn Tuyệt lại được chuyển thể thành một vở cải lương, vốn là một bộ môn sân khấu gắn liền với Nam Bộ.
    Đây là một vở cải lương bán được nhiều vé và được truyền thanh truyền hình rộng rãi.
    Nếu ngày nay đem vở tuồng ấy trình diễn lại, chắc không cần phải sửa đổi, dù lấy bối cảnh của xã hội từ thời nào xa lơ xa lắc.

    Nhớ có lần lúc tôi còn nhỏ, học sinh trung học, có đọc qua quyển "Viết và đọc tiểu thuyết " của Nhất Linh. Nhớ là quyển ấy ông Nhất Linh viết đơn giản, dễ đọc dễ hiểu, cho quảng đại quần chúng.
    Trong quyển này, ông có bàn đến một chủ đề: Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh ?

    Nếu Đoạn tuyệt kém hay bởi vì nó đã vị cái gì đó...thì ít ra nó cũng đã thổi được một luồng gió mới vào cái xã hội trọng nam khinh nữ, đa thể, hủ tục, mê tín dị đoan.

    Thử hỏi, thời đó, cô gái trẻ Hà Thành nào sánh được với cô Loan.

    ReplyDelete