Feb 8, 2013

Đỏ: Sơ kết

Trùng dịp sơ kết học kỳ một ở các trường, tôi cũng muốn sơ kết tình hình xuất hiện cuốn Đỏ của Nguyễn Dương Quỳnh, debut đầu tiên của tôi.

Trước tiên là trong một bài viết của Nguyễn Vĩnh Nguyên trên tờ Sài Gòn tiếp thị.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nhanh chóng miêu tả Đỏ như một bộ phim, nhân tiện nói xấu tôi ở đoạn cuối.

Trên Reading Cafe.

Trên blog của Cậu Ấm Thơ Ngây Vũ Ánh Dương.


Tác giả cũng gửi cho tôi những dòng viết của một người nay đã không còn:

"Đất nước bạn nói đến trong Red, tôi nghĩ là Singapore. Có một khu phố Trung Quốc, có những người Trung Quốc nhập cư trái phép sống lặng lẽ kín đáo và sạch sẽ, ở nhiều nước có. Nhưng một trường đại học nhiều người Trung, với cả những cô người mẫu người Trung, như thể không có bất cứ thành phần da trắng hay da màu khác xung quanh, xem ra chỉ có Singapore và Malaysia. Tôi loại Malaysia vì lý do cảm tính, rằng đa số sinh viên Việt Nam bây giờ là đi du học Sing. Và thực tế, Singapore là một môi trường rất tuyệt cho bạn thể hiện rõ đề tài Nhập cư của mình. Cùng một chủng người, khá gần về hoàn cảnh, nhưng ngay từ tiếng nói, đã không hề đồng điệu. Một dân tộc với gần 90 triệu dân toàn cầu, cô đơn. Một dân tộc chiếm 1/4 thế giới, cũng vẫn cô đơn. Hai cha con người nhập cư, cô đơn. Cô sinh viên du học, cũng cô đơn. Sự cô đơn tạo thành một chỉnh thể cho những nét màu đồng điệu, tuần tự quét lên một nền giấy và tạo thành một bức tranh. Tôi cảm nhận fic này của bạn không phải là một bức tranh được phác họa trước, bằng chì trên giấy trắng, tẩy xóa chăm chỉ, trước khi được sơn màu, mà rõ ràng là một sự phối hợp của từng mảng một. Bạn rành về mĩ thuật hơn tôi, hẳn bạn có thể định nghĩa được thể loại này. Tôi thì liên tưởng nó với tranh xé dán. Từng mảng rõ rệt, và mạnh nhất, là gây ra được một ấn tượng mang tính ám ảnh đập ngay vào mắt, mà chưa cần một chiều sâu suy tưởng.


Trong Red, rất nhiều chi tiết của bạn ẩn chứa ý nghĩa. Tôi đặc biệt thích cái bánh mì của bạn. Trong đó là một phần của con người bạn chưa thể thay đổi được, là một con người lúc nào cũng cô đơn, lạc lõng, ngay cả khi đang đi tìm cái đẹp trên cô người mẫu Trung Quốc, bạn cũng lạc lõng. Bạn lạc lõng giữa thẩm mĩ, giữa thế giới quan về con người, giữa những mối quan hệ. Sự lạc lõng ấy có thể là vì ngôn ngữ bất đồng, khi bạn ở nhà trọ, vì cá tính biệt lập, rụt rè, khi bạn ở trường, nhưng chúng chỉ là những thứ rất nhỏ nhặt và hoàn toàn có thể bị mai một trước sự lạc lõng của chính bạn, với chính bạn.

Sự lạc lõng ấy là gì? Ước mơ, lý tưởng, hay khao khát tình yêu giữa con người với con người. Hướng vọng cho một sự đồng điệu có thể bất ngờ tiến đến? Hay thậm chí là một điều vĩ đại phi lý vẫn thường trực trong mỗi con người, là một cuộc sống lý tưởg không còn những ranh giới, phân biệt, chia cắt? Hoặc chỉ là một sự đơn côi xuyên thẳng xuống dọc tâm tư bạn? Bạn không tạo ra nhân vật điển hình mà là một nhân vật mang cá tính sâu đậm riêng, nên phân tích không thể có được sự phổ quát. Tôi không chắc mình có thể hiểu được bạn. Nhưng khi nghĩ đến nhân vật của bạn, tôi nghĩ đến sắc đỏ, màu đen, lớt phớt mưa và sự đậm nhạt của ánh sáng. Tức là cá tính, đôi chút tiêu cực với cuộc đời, rất nhạy cảm sâu sắc và có tính tương phản khá cao."


Còn đây là bài của Hàn Hoa trên tờ Thời Nay:

Dấu hiệu màu đỏ


Một vẻ đẹp văn chương mới lạ đã xuất hiện với cuốn sách này của nữ tác giả thuộc thế hệ như người ta hay gọi, “thế hệ 9X”. Gồm hai truyện dài, “Đỏ”, và “Nước Xốt Cà Chua” (mà nếu không sợ khiên cưỡng quá, thì cũng là (Nước) Đỏ nốt!), cuốn sách (Đỏ, tập truyện của Nguyễn Dương Quỳnh, Nhã Nam & NXB Lao động) trình ra một bản sắc tác giả hoàn toàn khác với những câu chuyện văn chương mấy năm gần đây ta đã gặp từ lứa sáng tác được gọi là “7X, 8X”. Một trải nghiệm sâu sắc bất ngờ trong truyện “Đỏ” và một hư cấu đầy ắp trí tưởng tượng vừa chín chắn vừa tươi mới trong “Nước Xốt Cà Chua” - truyện thứ nhất về một nhân vật cô sinh viên mỹ thuật du học ở trọ một mình giữa khu người Hoa, không biết tiếng Hoa, chia sẻ nỗi bất hạnh của một đứa trẻ người Hoa bị đe dọa rồi bị bắt đi khỏi vòng tay “gà trống nuôi con” của bố nó...; truyện thứ hai, được ghi chú là “Truyện của Trần Nam Phong”, do nhân vật xưng tên Trần Nam Phong kể từ ngôi thứ nhất, về bước ngoặt cuộc đời của nhân vật này khi anh ta đến nhận thừa kế cửa hàng ăn do ông nội anh ta để lại, nơi số phận đã xếp đặt cho anh ta bước vào tâm xoáy của những mối quan hệ chồng chéo, giữa mấy tài năng nghệ thuật trẻ tuổi mắc chứng tự kỷ, mà một Trần Nam Phong là miếng ghép còn thiếu của bức tranh ghép tình người đó.

Một ý tưởng lặp lại và nhấn mạnh không ngừng trong cả hai truyện dài này, như tác giả đã viết: “... những gì mình nói ra không phải những gì mình nghĩ, cứ biết là có gì ta phải nói cho nhau, thế mà không thể nói được (...) chỉ nghe thấy tiếng tha thiết nhưng bất lực không thể gần nhau” (tr.83) và “Trong lòng tớ có một cái hộp, và chưa ai mở nó ra được cả. (...) Tớ tin là trong lòng mỗi người đều có một cái hộp, nhưng cái hộp của tớ đã kẹt khóa rồi” (tr.139).

Điều khiến những cảm nghĩ như thế trở nên thuyết phục ở đây, dẫu còn một vài cách biểu đạt không mới mẻ, là bởi độ trong sáng một cách tự nhiên tuyệt vời của các câu chuyện - trong đó không hề có, không hề gợn chút phàm tục thời thượng nào, thực sự so sánh được với một tấm gương soi tinh khôi mà ta thấy ở đó hình ảnh trong gương của những tâm hồn thật trẻ và đẹp, những bí ẩn hoàn hảo của tuổi thanh xuân trong sạch mà các nhân vật của hai truyện này bộc lộ tự do, không ngần ngại, mà vẫn rất tế nhị.

Những phẩm chất ấy thể hiện minh bạch trên một phong cách văn chương chín chắn khác thường, đặc biệt ở truyện dài thứ nhất, với từ pháp và chương pháp của trần thuật, của biểu cảm vừa hồn nhiên chân thành vừa cân nhắc một cách vững vàng đáng ngạc nhiên. Và cả hai truyện đều gợi lên bề sâu còn tiềm ẩn, còn mời gọi người ta đọc lại, cảm nhận lại, và suy nghĩ thưởng thức đến mỗi tình tiết.

12 comments:

  1. Chúc mừng nha, và nhân thể nếu có thể thì sơ kết thêm số lượng tiêu thụ cũng hay lắm ;;)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hỏi gì mà chơi nhau thế :( quyển này hơi hẻo, phải thêm chút nữa mới đến hai vạn bản được :((

      Delete
    2. Hic hic anh ơi vậy bán hêm được hả?

      Delete
  2. Ngoài lề chút Nhị Linh ơi. Bác để blog như kiểu cũ đi, đừng có cái "Đọc thêm" nữa, nhìn phát mệt!!!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cách này lại có một số lợi thế so với cách cũ. Cảm phiền nhé, tôi đang phải cải tạo một chút vì đã đến lúc tôi cũng rối mù trong cái mớ này rồi :p

      Delete
  3. 1.Ở ngoài ghi truyện vừa, trong khi truyện ngắn:D
    2. Đọc Đỏ, nhớ tới cái nhan đề bài ngày xưa CVD từng viết "có một thế hệ nhà văn sinh viên du học". Nhớ và nghĩ cái nhan đề đó ứng, chứ hem có nhớ bài viết viết gì:)).
    3. Nhưng cho đến nay, em vẫn không sao đọc nổi truyện Cà Chua, sic.

    ReplyDelete
    Replies
    1. này, hay là ta thống nhất, một số sự việc ấu trĩ xa xưa, không nhắc lại nữa :p

      Delete
    2. À cái bài ấy bị đổi tít và bị biên tập báo sửa sai đi mất một từ làm lệch hết mọi thứ, giờ vẫn còn thù :p

      Delete
  4. Địa chỉ bài là o-so-ket kìa. Quyển này không cần 2 vạn, bạn cứ kéo được tới 5000 mình sẽ chịu tiền cà phê cho bạn cả năm.

    ReplyDelete
  5. cứ quyển nào mình đọc thì sẽ ế, đấy là tâm lý của cô bé bán sách gây cho em.
    còn em thì muốn nói, cứ quyển nào anh khen là y như rằng rớt số lượng tiêu thụ.
    em gần như chắc chắn :))

    ReplyDelete
    Replies
    1. à, có vẻ như là, ừ, kiểu như à mà :p

      Delete
  6. em vừa đọc quyển này ^^ cũng khá thú vị. em thích câu chuyện về Trần Nam Phong hơn và truyện đầu.

    ReplyDelete