Feb 27, 2013

Cà phê


Nhân có Starbucks đi vào Việt Nam, dư luận bỗng trở nên thật ồn ào. Một nhà văn đã viết rằng thế kỷ XX là thế kỷ của dã man và của các thương hiệu. Thế kỷ XXI thì chắc hẳn lại là thế kỷ của các thương hiệu dã man, vì cách đây ít năm ông Friedman trong quyển sách danh tiếng “Thế giới phẳng” đã cả quyết rằng những nước nào có McDonald thì không bao giờ gây chiến với nhau, tức là nhấn mạnh vào tính “chủ hòa” của nền kinh tế thế giới. Starbucks lại gây ra một bầu không khí “chủ chiến” rất rõ rệt, thế mới lạ. Người ta đã làm cho mọi sự giống như là uống Starbucks đồng nghĩa với không yêu cà phê “chân chính”, và qua đó cũng đồng nghĩa với không yêu nước.

Trong sự nhiệt thành đậm mùi vị quốc gia chủ nghĩa và cũng không ít phần ngây thơ này lẽ dĩ nhiên ý kiến của những người uống cà phê để sống hằng ngày chẳng mấy được quan tâm đến, trong khi chính họ mới quyết định phải uống cà phê gì, uống như thế nào, một mình hay với bạn, chẳng liên quan gì đến những cuộc chiến “võ mồm” trên báo chí và Internet. Làm gì có chuyện một kiểu cà phê cứ tuyên bố mình là nhất thì đương nhiên nó là nhất được.

Bản thân tôi, cũng là người uống cà phê hằng ngày để sống, cũng đã không xa lạ gì với đủ thể loại cà phê cóc, cà phê cốc giấy, cà phê bán ở máy, Lavazza với Illy, tôi cực lực phản đối cà phê “phải” uống thế này mới là ngon, cà phê “không được” uống như thế kia, vì thế là dở. Tôi uống được mọi loại cà phê và biết từng chỗ hay dở của mỗi loại, và nếu phải lựa chọn giữa rất nhiều loại, tôi sẽ không chọn Starbucks, nhưng tôi cũng sẽ không chọn Trung Nguyên, cả hai loại ấy đều phục vụ được cho tôi những lúc dễ tính, nhưng tôi chẳng hơi đâu mà đặt Starbucks và Trung Nguyên sang hai bên chiến tuyến của một cuộc đấu sức tưởng tượng. Tôi ghét cái ý tưởng xếp hàng mua cà phê như đi mua vé xem phim, nhưng tôi cũng chẳng ưa gì màu sắc, cách bài trí cũng như nhân viên phục vụ của các quán Trung Nguyên ở mọi thành phố tại Việt Nam. Tôi cũng không chịu nổi các loại nhạc hay bật ở quán Trung Nguyên.

Nhưng tôi vẫn có thể ngồi ở quán Trung Nguyên, cắm tai nghe iPod để khỏi bị tra tấn bởi âm nhạc, hoặc giả tôi có thể phớt lờ xung quanh để làm việc của mình, để nói chuyện, hoặc đọc sách. Văn chương có những cách tiếp cận quán xá, nhất là quán cà phê, hay ho và sâu sắc hơn nhiều so với mở mặt trận tấn công lẫn nhau. Vốn dĩ, lịch sử đã có quá nhiều cuộc chiến vô nghĩa mất rồi, thêm một vài cái cũng đâu có độc đáo nỗi gì.

Tôi nhớ đến Ernest Hemingway viết nhiều và viết hay đến như thế nào về các quán cà phê ở Paris trong “Hội hè miên man”: chương mở đầu cuốn hồi ký ấy cũng chính về một quán cà phê vô danh, “Một quán rất được trên quảng trường Saint-Michel”. Ở Saint-Michel hay Saint-Germain-des-Prés hay Montparnasse, quán cà phê nào cũng “rất được” cả. Một người Mỹ khác, Stanley Karnow, bị mê hoặc bởi quán cà phê ở Pháp đến nỗi đã thử đi thống kê xem trên toàn nước Pháp có bao nhiêu quán. Kết quả đâu như là 30.000 hay 40.000 gì đó, hồi đầu những năm 1950.

Hãy hình dung quán cà phê như một không gian đặc biệt, vừa làm người ta thư giãn vì thoát khỏi một không gian khác rộng lớn hơn và thường là mệt mỏi hơn, lại vừa là một không gian đầy thử thách, để xét duyệt cho thái độ, cách hành xử của mỗi con người. Tôi biết rất nhiều người hay đến quán cà phê nhưng chẳng bao giờ uống cà phê, họ bỏ tiền mua một không gian cho một quãng thời gian nhất định, Starbucks hay Trung Nguyên thì đâu có ý nghĩa gì.

Những quán cà phê giàu lịch sử còn gắn liền với những con người cụ thể. La Closerie des Lilas có bảng đồng (plaque) ghi tên các nhân vật danh tiếng từng lui tới đây, gắn lên bàn. Nó cũng dành riêng bàn cho một số người còn sống, đó cũng là thông lệ của một vài quán cà phê khác: khi nhân vật ấy không đến đây thì đương nhiên không ai khác được ngồi, quán mất đi một ít doanh thu, nhưng mỗi khi người ấy xuất hiện, tức thì bầu không khí khác hẳn, quán cà phê bỗng như có được linh hồn. Và cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất lấy quán cà phê làm bối cảnh hẳn là “Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối” của Patrick Modiano, sắp được xuất bản tại Việt Nam.

Nhị Linh

(viết tại quán Manzi, một quán rất được trên phố Phan Huy Ích, Hà Nội)

12 comments:

  1. quán cà phê không chỉ để uống cà phê, con người thời công nghiệp cần có việc để thoát khỏi sự nhãn nhã, xếp hàng mua cái gì cũng còn hơn không có việc để làm, xếp hàng xong còn được gọi là xoành điệu nữa thì nhất :P Chính vì thế mà Starbucks thành công về mặt thương mại ha ha...

    ReplyDelete
  2. Replies
    1. chếnh xác:p nhưng họ sắp gắn biển đồng ghi tên mình đó nên I like people who like me theo tinh thần anh Robert de Niro thần tượng của mình :))

      Delete
  3. "Viết tại quán Manzi". Rõ khéo cái miệng?!

    ReplyDelete
    Replies
    1. chết, giờ đi xin cốc cà phê khó thế này cơ à, bị cạnh khóe ghê quá :p

      Delete
  4. Tôi biết rất nhiều người hay đến quán cà phê nhưng chẳng bao giờ uống cà phê, họ bỏ tiền mua một không gian cho một quãng thời gian nhất định:p

    ReplyDelete
  5. Hihi, đoạn cuối về người nổi tiếng và quán cafe làm em liên tưởng mấy người bạn/ thầy văn của Marquez trong Sống để kể lại.

    ReplyDelete
  6. NL viết về café đặc biệt hay, cơ mà thế giới đã chuyển từ "flat" sang "superflat"

    ReplyDelete
    Replies
    1. cafe với NL còn đặc biệt hơn :p

      Delete
    2. superflat ý là sao? tra gg chỉ ra một trường phái hội họa của Nhật

      Delete
    3. đơn giản thôi, chính nó, nhưng không chỉ hội họa mà còn truyện tranh, video, thời trang, kiến trúc và giao diện màn hình

      đôi khi, nghệ sĩ cũng tạo được những concept có giá trị, như machine célibataire (duchamp) hay machine à gazouiller (klee) đã trở thành từ thường ngày

      xem thêm:
      https://muse.jhu.edu/article/488598/summary
      https://nhilinhblog.blogspot.com/2022/02/internet.html?m=1

      vừa đúng lúc, NL đã bắt đầu nói về sự mất bóng

      Delete
  7. cuốn Thế giới phẳng dở tệ thế mà Nguyễn Quang A cũng quyết tâm đem về, một mình có làm nổi đâu nên vội vàng hỏi han lôi kéo một đống người dịch chung, xong rồi lại xóa tên để cướp công. mà khổ nỗi, người bị xóa tên cũng chẳng mặn mà gì, chỉ có Nguyễn Quang A là sốt sắng.

    ReplyDelete