Feb 24, 2013

Trưng bày sách (2) Mỗi thời có một lời mời

Không biết sách của một thời ảnh hưởng đến mức nào tới con người của thời ấy xét trên nhiều phương diện, nhưng hẳn là có ảnh hưởng không nhỏ, đặc biệt là trong sự hình thành gu thẩm mỹ. Điều này nhiều khi mang tính chất quyết định cho một nền văn hóa ở mỗi giai đoạn.

Hôm trước là một thời của miền Nam Việt Nam trước 1975, thời có rất nhiều sách triết học. Thật ra mảng sách đó tương đối không dễ tìm, có được chừng chục tác phẩm thì đơn giản, nhưng hơn thế là không dễ nữa.

Còn ở miền Bắc, suốt một thời là như dưới đây; hẳn rất nhiều người còn rất nhớ những hình ảnh như thế này:




Sách thuộc dạng này in theo kiểu hợp tác giữa Liên Xô và Việt Nam: bên Việt Nam cung cấp bản dịch và người biên tập, rồi sách được in bên Liên Xô, chuyển về Việt Nam. Nhiều quyển có hai bản, bản Việt Nam và bản Liên Xô, với những cái tên danh tiếng một thời như Cầu Vồng hay Tiến Bộ.

Những quyển sách theo dạng này có chất lượng rất tốt, giữ đến giờ vẫn còn rất nghiêm chỉnh, giấy trắng và dày, chữ sắc nét. Được một cái là rất nặng.


Nhưng phải nói thật, gần đây tôi mang ra đọc thử lại, thì không thể đọc nổi. Chúng mới được xuất bản cũng chưa lâu lắm, nhưng sao thấy thật xa lắc xa lơ, chẳng còn chút gì liên quan nữa.


Và có cả sách phản gián thể thao (hồi ấy nhà xuất bản Thể dục Thể thao thật ra lại khá oách) :p


Cũng may mà thời ấy còn có sách thiếu nhi, mảng sách không bị khuôn hẳn hoàn toàn vào một cái "nếp" như những quyển sách trên đây.

Từ điểm nhìn của tôi, tôi đặc biệt quan tâm đến một bộ sách mà mãi gần đây tôi mới đọc, Đaghetxtan của tôi:


Ngày xưa tôi đã không đọc vì dị ứng với những thứ bị nhắc đến quá nhiều, trở thành Kinh Thánh của lũ học sinh cấp ba, nhất là những bạn đi thi học sinh giỏi văn; thuở ấy, Đaghetxtan của tôi và Thi nhân Việt Nam hẳn là "hàng hot" bậc nhất, được trích dẫn nhiều kinh khủng trong bài làm của học sinh.

Thế nhưng Đaghetxtan của tôi thuộc về một thứ thẩm mỹ rất thấp, đại khái Raxun Gamzatôp cũng kiểu như Nông Quốc Chấn vậy.

Điều ấy giải thích nhiều điều cho sau này.

28 comments:

  1. He he, đúng là hồi đó học chuyên văn, Gamzatop với Pautopxki được xem làm thứ dân chuyên văn bắt buộc phải đọc, làm văn cho nó có tí triết lý. Buồn cười thật. Nhưng hỏi hơi lạc đề 1 tí, thế bạn Nhị Linh thấy Aimatop thì thế nào?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hồi ấy đọc thấy dễ thương, nhưng sau nghĩ lại chắc chỉ đọng chút "Con tàu trắng".

      Delete
    2. Phim Con tàu trắng cũng rất đọng ạ.

      Delete
  2. Bác có thể nói đôi chút lý do tại sao Daghestan của tôi "thuộc về một thứ thẩm mỹ rất thấp" được không?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Có nhiều điều khiến tôi nghĩ thế, trong đó có một điều quan trọng là nó cố viết ra những châm ngôn bằng những suy nghĩ quá dễ dãi.

      Delete
  3. Bởi vì "mãi gần đây" bạn Nhị Linh mới "hạ cố" đọc đến, chứ thực ra nếu đọc từ hồi cấp 3 (khi tâm hồn chúng ta còn nguyên sơ chưa bị chia ra nhiều mảnh nhét vào mấy cái Trường Sinh Linh Giá) thì Daghestan với "Bông hồng vàng" của Pautopxki quả là những cuốn sách hấp dẫn, hay ho, là nguồn trích dẫn vô tận cho những bài văn nghị luận:p. Trong mấy cuốn mà bạn Nhị Linh khoe khoang ở trên, cuốn "Và nơi đây bình minh yên tĩnh"là một cuốn mà đến giờ tớ vẫn không đủ dũng cảm để đọc lại. (Có một cuốn khác mà tớ cũng chỉ đọc một lần và không dám đọc lại lần nữa là cuốn "Và một ngày dài hơn thế kỷ" của Aimatop)

    Bạn Nhị Linh đã chụp thì đáng nhẽ nên chup luôn một tác giả tiểu biểu cho nền văn học Nga Xô viết: Solokhop với "Đất vỡ hoang","Sông Đông êm đềm"... Đại diện của các đại diện đấy. Hay một loạt những tiểu thuyết được giải thưởng Xtalin (hay Lenin nhỉ?, không chắc lắm) như: "Đến bờ bến mới" (2 tập)...vưn vưn, hoặc những cuốn đọc xong hoang mang đến mấy ngày liền như "Trên mảnh đất người đời"...

    ReplyDelete
    Replies
    1. chị ơi, cho em hỏi tác phẩm đến bờ bến mới giờ em muốn mua thì tìm ở đâu c biết k ạ?

      Delete
    2. Tôi có đấy

      Delete
    3. Bạn có tập 2 thì mail mình nhé nam3510@gmail.com. cảm ơn bạn.

      Delete
  4. Vẫn còn một lực lượng không nhỏ thanh niên trẻ ôm cứng những quyển này và sung sướng chiến đấu bảo vệ chế độ @@

    ReplyDelete
  5. Đâu, hồi đó đọc Pautovski nhiều phết đấy, ít nhất là đủ bộ ba "Bình minh mưa", "Bông hồng vàng" và "Một mình với mùa thu".

    Hình ảnh mà tớ thấy có tính chất biểu tượng là "Trên bờ sông hoang vắng" của Pôlevoi, chưa bao giờ đọc được quá ba trang đầu :p

    ReplyDelete
  6. Em nghĩ Cầu Vồng cũng xuất bản một số đầu sách ngon lành ấy chứ. Như nghệ nhân và Margarita này, hoặc xa hơn như Puskin, Tourghenhev,... :D

    ReplyDelete
  7. Pautovsky còn " Câu chuyện phương Bắc" với " Vịnh mõm đen" , anh Dũng chắc không còn thuộc thế hệ Pautovsky nữa , :) .

    E đọc hết tập I , và không thể nuốt nổi tập II " Daghextan của tôi" , Gamaztop có bài thơ này , thường thấy trong các đề thi HSH văn , gì mà : " Chăm sóc tuổi già, thơ sẽ là con gái ..."

    Vẫn còn có những nhà văn Nga khác không theo đám đông , nhưng lại dễ bị lẫn vào đám đông : Vaxili Sucsil , Rapuxtin , Kuprin , Pautovsky,

    ReplyDelete
    Replies
    1. "Vịnh mõm đen" anh có đọc, đấy vẫn là cái thời bài thơ "Nghĩ lại về Pautopxki" của Bằng Việt rất nổi tiếng: "Đồi trung du phơ phất bóng thông già... Nhưng không phải thế đâu không phải thế đâu cuộc đời không phải thế/Giọt nước soi trên tay không cùng màu sóng bể/Bể mặn mòi sôi sục biết bao nhiêu/Khi em đến bên anh trước biển cả dâng triều" hề hề vẫn thuộc gần hết cả bài.

      Súc-sin từng là một phát hiện lớn của anh.

      Delete
  8. Thời ấy còn có hai nhà văn "có cảm tình với cách mạng" :) cứ bị mặc định là rất hay nhưng thật ra rất chán là Jack London và Theodor Dreiser nữa. "Martin Eden" í :p

    ReplyDelete
  9. Anh vẫn khóc khi nghĩ về truyện Tuyết / Khung cửa sổ có con mèo Ác-khíp ... không chỉ Tuyết , còn có Bức điện , Hoa tường vy, Bình minh mưa , những truyện ngắn mẫu mực .

    Năm 22 tuổi em mới chính thức đọc Pautovsky , dù trước đó nghe nói nhiều đến câu : Văn học nằm ngoài quy luật băng hoại,chỉ mình nó không thừa nhận cái chết - X.Sedrin . Truyện ngắn hớp hồn trước , bước một chân sâu hơn vào thế giới nhà văn qua các bài chân dung Maupasant , Tchekov, Andersen ,...chia sẻ Nghệ thuật nhìn thế giới. Pautovsky chiếm lĩnh người đọc dễ dàng nhờ sự du dương , và cũng dễ bị khinh bởi điều ấy. Tất nhiên , Pautovsky đâu chỉ du dương mà còn tinh tường, chính xác.



    "có cảm tình với cách mạng" còn phải kể đến các nhà văn Mỹ latinh

    ReplyDelete
  10. Mỗi người có một trình độ cảm nhận riêng. Với tôi thì "Daghestan của tôi", đặc biệt là tập 1, qua bản dịch của Phan Hồng Giang (vô cùng cám ơn bác PHG), là một tác phẩm tuyệt vời. Từ bé tôi đã nghĩ vậy, bây giờ lớn rồi tôi vẫn nghĩ vậy.

    Còn về chuyện "nó cố viết ra những châm ngôn bằng những suy nghĩ quá dễ dãi" như bác nói thì với những người như tôi nó lại như ca dao, tục ngữ, dân ca: giản dị, sâu sắc, và đầy thâm thuý của một dân tộc nhỏ bé ở miền núi. Bản thân Rasul cũng đã từng viết: "Thằng ngu làm cho người ta kinh ngạc bởi tiếng gào; Người thông minh làm cho người ta kinh ngạc bởi những câu châm ngôn ngạn ngữ dẫn đúng chỗ".

    Bây giờ bộ sách này vẫn được bán rất đắt đấy!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thì bác cứ thích và cứ thông minh đi, có ai nói gì đâu :)

      Tôi chỉ hơi tò mò: bán rất đắt như thế nào ạ?

      Delete
  11. Thì tôi cũng chỉ nói suy nghĩ của mình, có bảo là ai nói gì đâu? :)

    Hiện nay tôi thấy trên mạng bản dịch tiếng Anh của cuốn sách này (người dịch: Julius Ketzer) đang có giá hơn 300USD. Nhưng chỉ là bản dịch tập 1.

    ReplyDelete
  12. Bác tham khảo đường link này:
    http://www.amazon.com/My-Daghestan-Rasul-Gamzatovich-Gamzatov/dp/B0006D1Y6K/ref=sr_1_2?ie=UTF8&qid=1361809960&sr=8-2&keywords=My+Daghestan

    ReplyDelete
    Replies
    1. À cái này thì tôi đã xem rồi, cách đây ít cũng phải hai năm, nhân một lần nói chuyện với mấy người về vấn đề có thể đọc Gamzatov bằng tiếng phương Tây hay không. Câu trả lời là gần như không thể :p

      Nhưng trong ngạch sách cũ, độ hay và độ đắt đâu có mấy khi tỉ lệ thuận với nhau :))

      Delete
  13. Đương nhiên, nếu đọc được bằng tiếng Avar của Rasul thì sẽ thú vị hơn nhiều, bởi vì "mỗi bản dịch là một sự phản bội". Nhưng điều bác nói dường như là một hegemony trong văn học. Nếu người Phương Tây không đọc được Gamzatov thì không có nghĩa là Gamzatov dở. Không biết người Tây xịn sẽ thấy thế nào, còn với tôi, một người học ngoại ngữ, thì bản dịch tiếng Anh Daghestan rất tài tình và thú vị, như bản dịch tiếng Việt vậy. Đọc vô cùng thích!
    Cám ơn bác đã đề cập đến bộ sách này, dù theo hướng không thiện cảm. Hy vọng được nghe thêm phản hồi từ bác và những độc giả khác.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tôi không hề quy chiếu theo người phương Tây, bác tự đặt ra vấn đề đó đấy nhé :) Đương nhiên ở đây cũng cần để ý, vì dịch thuật ở châu Âu nhìn chung rất phát triển, bao quát được văn học thế giới ở cả nhiều ngóc ngách nhỏ.

      Còn một vấn đề nữa: tôi không mấy xa lạ với thế giới sách cũ nên luôn luôn thận trọng với những quyển sách cũ mà đắt (thật ra 300 đô thì cũng không phải là đắt), vì nó chưa nói lên nhiều điều. Sách có thể đắt vì in quá ít rồi tuyệt bản luôn, vì nó gắn với một sự kiện hay con người nào đó vân vân và vân vân.

      Delete
  14. Một vấn đề then chốt mà các bác hình như không mấy để ý: tôi nêu ra "Đaghetxtan của tôi" không phải một cách độc lập tự thân nó, mà tôi nhấn mạnh vào việc trong nhiều năm nó rất "thời thượng" trong giới học sinh giỏi văn, điều đó theo tôi ảnh hưởng rất nhiều đến gu thẩm mỹ cả một thời, vì học sinh giỏi văn sau này nhiều người sẽ thành nhà văn hoặc nhà báo.

    Bản thân mỗi quyển sách chẳng có tội tình gì, tôi cũng hoàn toàn không có ác cảm tự thân với Gamzatov, thậm chí còn thích một số bài thơ của ông ấy, nhưng địa vị của quyển sách ấy mới đáng nói đến. Cả đống sách Liên Xô hồi xưa cũng vậy, nếu nó tồn tại như vậy, sách tốt, dịch hay, biên tập ổn, in đẹp thì là tốt thôi, một khi có đối trọng là những mảng sách khác, vì nếu chỉ đọc tiểu thuyết Liên Xô thời "chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa" rồi đóng đinh thẩm mỹ vào đó thì tôi thấy là rất mệt đấy.

    ReplyDelete
  15. Cũng như bác, nhân tôi cũng không thích tất cả các kiểu "thời thượng", từ quần áo xe cộ đến suy nghĩ, sách vở. Tôi cũng đồng ý với bác là cần phải có đối trọng bằng những mảng sách khác chứ không chỉ giam hãm mình trong tiểu thuyết viết theo kiểu hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nhưng nếu nói "Daghestan của tôi thuộc về một thứ thẩm mỹ rất thấp" thì e rằng bác quá lời, vì như bác nói bản thân mỗi quyển sách chẳng có tội tình gì. Nó chỉ là nạn nhân của sự bế quan toả cảng trong văn học một thời mà thôi.

    Cám ơn bác đã dành nhiều thời gian tiếp chuyện.

    ReplyDelete
  16. hehe, may quá, cả đống sách trên của bác, em đọc có đúng Cái chết trên chấm phạt đền. Hồi bé thấy vui kinh khủng :))

    ReplyDelete
  17. Quên, bạn Nhị Linh làm quả khảo sát ảnh hưởng của "Thép đã tôi thế đấy" đi :p

    ReplyDelete
  18. Vin-Lipatốp, Câu chuyện về anh là thế, mình đọc hồi lớp 6. Vụ án hình sự, rồi hóa ra lâm trường. Tả cảnh rất tài. Lúc sông và trời vần vũ mình thấy nóng bừng, ngột ngạt; lúc sớm mai mình thấy mát. Cảm giác sờ được mấy hạt bụi ở trạm kiểm lâm. Bà mẹ thật tuyệt vời, như đang trước mặt mình... chả biết tả thế nào (cái cảm xúc của mình. Chuyện chả có gì, thế mà ngót nghìn trang (mà vẫn đọc hết, mới tài!).
    Hình như VN mình chưa mấy bác đạt tầm đấy.
    Mỗi tội vác nặng quá.

    ReplyDelete