May 17, 2014

[tiện bút] Sáng Chủ nhật thời bình đưa hai con trai đi cắt tóc nhớ đến mấy câu thơ của Nguyễn Bắc Sơn


Hớt tóc cạo râu là chuyện nhỏ
Ba nghìn thế giới cũng chưa to
(Nguyễn Bắc Sơn)


Thời tiết Hà Nội tệ hại thật, đợi mãi đến gần giữa tháng Năm mới có một Chủ nhật nắng đẹp (tức là Chủ nhật tuần trước) để đưa hai ông con trai đi cắt tóc.

Cô thợ cắt tóc ở tiệm là mẹ một đứa bé gái học cùng trường với con trai cả của tôi, cùng khóa luôn nhưng khác lớp; bao nhiêu buổi sáng buổi chiều đi đưa đón con cô ấy và tôi giáp mặt nhau, cũng đã nhiều lần thằng lớn của tôi đến đây cắt tóc nhưng cô ấy và tôi bao giờ cũng chỉ gật đầu chào nhau từ xa, có nói chuyện thì cũng chỉ tối thiểu nói muốn cắt tóc như thế nào (bản thân con trai tôi tuyệt đối chỉ cho cắt bằng kéo, không bao giờ cho tondeuse chạm vào đầu, mà tự nó nghĩ ra thế, công nhận, riêng khoản này thì phải nói là nó có gu sớm).


Hôm nay mới là lần đầu tiên có nói chuyện thoải mái, vì ngoài thằng lớn, tôi còn mang theo thằng nhỏ, để cho nó cắt tóc ngoài tiệm lần đầu tiên trong đời. Thật ra tôi không biết cắt tóc, từng có lần thử, cho thằng bạn lẹm nguyên một mảng bên góc, sợ quá bỏ ngay tondeuse (mà lại là tondeuse nó bỏ tiền mua) xuống, lợi dụng lúc nó còn đang lùng nhùng trong áo mưa, trốn thẳng, lặn suốt mấy ngày không sủi chút tăm nào.

Cho thằng lớn ngồi ghế cao, tôi và thằng nhỏ ngồi đằng sau, vì tôi muốn đứa bé chứng kiến cắt tóc ở tiệm nghĩa là thế nào rồi mới thử cho nó cắt (cho đến lúc này gần như mọi lần cắt tóc cho nó tôi đều phải nhờ bố tôi, tôi bế nó rồi bố tôi cứ thế cắt, tóc rụng vào đâu mặc kệ, mấy lần đầu nó còn khóc ngằn ngặt nữa, mồ hôi vã như tắm, lúc kết thúc có cả một thứ dung dịch gì đó cực khó gọi tên).


Bố tôi học đại học khi xảy ra chiến sự ác liệt, đoạn cuối của cuộc chiến tranh với Mỹ. Bố tôi cũng đi bộ đội, nhưng may mắn không phải vào Nam mà được điều động theo đơn vị pháo cao xạ lên biên giới phía Bắc. Mọi chuyện đều có tính chất thời điểm: nếu cuối thập niên 70 mà ở trong bộ đội rồi bị điều động lên biên giới phía Bắc thì câu chuyện sẽ hoàn toàn khác. Giống như hầu hết nam thanh niên một thuở, bố tôi có đủ khả năng làm mọi thứ: từ ca hát, chơi đàn cho đến xây nhà và cắt tóc. Nghĩa là đủ thứ tài lẻ trên đời - thế hệ tôi kém xa thế hệ cha chú về riêng khoản này.

Dỗ trẻ con thì tốt nhất là có thêm người khác, nên tôi cứ ngồi nói chuyện với cô cắt tóc xinh đẹp, thỉnh thoảng quay qua nói chuyện với nó, để nó quen dần, được một lúc thì nó đã bắt đầu ngập ngừng nói và bắt đầu thôi bám dính lấy tôi.

Nhưng khi đến lượt nó thì vẫn không được, nó không chịu ngồi giống thằng anh, thế nên bộ tổng tham mưu dao kéo bèn họp mở rộng khẩn cấp, rồi quyết định đưa ra giải pháp sau đây: tôi cứ bế nó rồi trùm khăn rộng lên cả hai, nó quay đầu ngược ra sau cho cô cắt tóc cắt, được cái nó yên thật, không động cựa nên cũng đỡ.

Vừa ngồi đó tôi vừa thầm nghĩ, thằng này dại ghê, suýt thì đã lập chiến công, mới mấy chục tháng tuổi đã có gái đẹp phục vụ tận tình, mình ngồi thế này đâm cô thợ cắt tóc thỉnh thoảng trong lúc với với ở các góc khó lại tì tí ti vào người, đâm ra hơi giông giống ăn dỗ mất phần ông con.


(Tôi nhớ lần đầu tiên cắt tóc gội đầu ngoài tiệm, hồi tôi chừng 11-12 tuổi, sát Tết, nhà mất điện mất nước, mẹ tôi sốt ruột quá trước sự nhếch nhác của tôi bèn lôi tôi ra ngoài đường đến một cái tiệm, xếp hàng lâu phết mới được ngồi vào, cô cắt tóc hồi ấy cứ vừa làm vừa ngoái đầu ra sau nói chuyện, hai quả ti tông thẳng vào đầu vào vai tôi, làm cho tóc tôi thì rụng xuống còn lông tay thì dựng ngược lên, nỗi niềm kinh hãi làm tôi gặp ác mộng mấy đêm liền.)

Cùng trong lúc ấy, ông con cả được ngồi ghế đệm đằng sau, nhưng nó không thoát: tôi đã mang theo một quyển sách, bắt nó tập đánh vần đọc một câu.

Thật không ngờ, trong hoàn cảnh bất thường, nó đọc xong khá nhanh (mà lại là câu khó: "Tớ nhổm lên cửa sổ"), xong rồi nó mới chạy ra xem em nó, rồi nó ngó vào gương, tôi mới hỏi con biết con đang có kiểu đầu gì không? nó bảo không, tôi bảo là đầu bộ đội đấy, nó hét lên, thế à? tôi lại nói, mà bộ đội đặc biệt nhé, thủy quân lục chiến.

Nó nhẩm lại mấy lần, lúc đầu còn phát âm sai, lúc sau thì đã nhớ được thêm một từ mới.

Nhưng rốt cuộc thằng nhỏ vẫn là thằng số đỏ, cắt xong rồi tôi lôi nó vào gội đầu, tất nhiên nó không chịu nằm xuống cái ghế dài, thế là tôi mới bế nó, bảo nó nhắm mắt vào để tôi gội đầu cho như ở nhà, nó bèn nhắm mắt, và thế là một em gái xinh đẹp khác đã nhẹ nhàng lẻn tới gội đầu cho nó, xoa vuốt ôi thôi là nhiều.


Xong xuôi, tôi mang hai thằng thủy quân lục chiến ra về, trên đường đi (đi bộ), thằng nhỏ đang được tôi bế trên tay bỗng vùng xuống để đi bộ cạnh anh nó.

Tôi sẽ sớm dạy chúng nó bài thơ của Nguyễn Bắc Sơn, bài có câu "Hớt tóc cạo râu là chuyện nhỏ/Ba nghìn thế giới cũng chưa to".

Thậm chí, tại sao không, bài thơ rất đẹp của người lính rất hay ho ấy:


Lúc này đây ta không thèm đánh giặc
Thèm uống chai bia thèm châm điếu thuốc
Thèm ngọt ngào giọng hát em chim xanh
Kẻ thù ta ơi những đứa xâm mình
Ăn muối đá mà mê say chiến đấu
Ta vốn hiền khô ta là lính cậu
Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo
Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
Xem cuộc chiến như tai trời ách nước

Hôm sau, đến trường đón thằng con cả, tôi hỏi nó các bạn có biết con mới cắt tóc không? nó bảo có, hỏi các bạn có thích kiểu tóc mới này không? nó bảo có, hỏi nó con có bảo các bạn đây là kiểu đầu "thủy quân lục chiến" không? nó bảo có, rồi nói thêm, nhưng chẳng bạn nào nhớ được mấy từ ấy đâu.

1 comment: