May 10, 2014

Hoàng Cầm và Kiều Loan

Từ nay, 5/5 sẽ là một ngày đáng nhớ, nhưng 6/5 cũng là một ngày rất đáng nhớ, tôi còn rất nhớ ngày 6/5 cách đây bốn năm, vì nhiều sự kiện chỉ liên quan đến tôi, và cả vì ngày hôm đó, Hoàng Cầm qua đời.

Về cơ bản, cách nhìn nhận của tôi đối với các nhân vật của Nhân Văn-Giai Phẩm là: chỉ Trần Dần và Hoàng Cầm không cần Nhân Văn-Giai Phẩm vẫn là nhà thơ lớn, và hai con người ấy, một cứng một mềm, một sừng sững im lặng một linh hoạt ảo diệu, là hai cực, hai cực đó bao trùm tất cả, quãng giữa có cũng được không có cũng được.


Các nhân vật của Nhân Văn-Giai Phẩm, tôi từng gặp ba người, người nào cũng chỉ gặp một lần, Hoàng Cầm tôi gặp khi tôi còn rất trẻ, cách đây ngót mười lăm năm.

Ông ấy rất nổi tiếng về giọng nói, quả thật giọng nói ấy ấn tượng kinh khủng, nhưng tôi để ý nhất, choáng váng nhất là bên trong con người Hoàng Cầm như thể có cái gì đó rừng rực cháy, có lúc chỉ âm ỉ nhưng lúc nào đã rừng rực cháy thì đẹp kinh hãi, Hoàng Cầm là lửa, nếu như ta có thể tin rằng mỗi con người có một bản thể khác, "bản thể nền".

Thời ấy Hoàng Cầm hay bắn thuốc phiện, nhưng kể cả thuốc phiện cũng không che lấp được sự linh mẫn của ngọn lửa.

Lê Đạt tôi gặp, lúc đầu chỉ ngờ ngợ sau biết là đúng: từ bên trong đến bên ngoài Lê Đạt là một thể thống nhất, tóm gọn trong hai chữ, "xuề xòa".

Còn Trần Duy thì ngược hẳn với Lê Đạt, con người bên trong không hề trùng khớp với con người bên ngoài, không cách gì đặt được bên trong và bên ngoài vào với nhau, hay nói một cách thông thường, Trần Duy là một người không thể nắm bắt, và hài lòng với việc người khác không thể nắm bắt con người mình.

Thật ra, trước khi đến tuổi mười chín hai mươi và sự vươn lên mạnh mẽ của rạp chiếu phim Fansland trên phố Lý Thường Kiệt cho phép ta xem Casablanca, Life Is Beautiful, Amistad, Blair Witch Project với những cái ghế sắt nhỏ tí đau hết mông những khi chiếu những bộ phim dài chẳng hạn phim Ten Commandments (hơn bốn tiếng đồng hồ) của Demille đồng thời rất nhiều chuột và toa lét bên ngoài, đang chiếu phim mà có ai đi đái là cả rạp bỗng nhìn thấy một mảng ánh sáng ùa vào qua cửa mở, thì trước đó, với tôi đời sống văn hóa Hà Nội nằm ở các rạp kịch: kịch Tuổi Trẻ trên phố Ngô Thì Nhậm, kịch Hà Nội trên phố Tràng Tiền, kịch Trung ương ngay sau Nhà hát lớn và mấy rạp nhỏ hơn, tôi đã xem Tôi và chúng ta, Cuộc đời tôi có Lan Hương thời xuân sắc, Lời thề thứ chín và rất rất nhiều, cả kịch Shakespeare các thứ, nhưng tôi lại nhớ nhất một vở kịch ngày nay chắc chẳng ai còn nhớ, Ngụ ngôn năm 2000; sau này tôi có đi xem sân khấu nhỏ ở Sài Gòn, không sao thấy lại những cảm giác thời ấy, tức là một thời Hà Nội sống bằng kịch; kịch nói ở Paris cũng chán ngắt.

Nhưng Kiều Loan của Hoàng Cầm tôi xem mãi về sau, lần duy nhất của những năm sau này tìm lại được cảm giác ngồi đó bị hút vào từng cử động của diễn viên, sửng sốt đê mê với những câu nói; đó là lần Quách Thu Phương xuất thần, làm Kiều Loan trên sân khấu đẹp lung linh đúng như ngọn lửa Hoàng Cầm.

Không lâu sau khi Hoàng Cầm qua đời, bỗng nhiên một tập bản thảo cực kỳ đáng nhớ của Hoàng Cầm lọt vào tay tôi, nhưng tôi chỉ giữ một thời gian rất ngắn, bây giờ mới hiểu, đó là vì tôi không đủ sức giữ ngọn lửa ấy, nó có thể cháy.

Kiều Loan là kịch thơ hay nhất trong lịch sử thơ ca Việt Nam; kể cả Vũ Hoàng Chương, nhà thơ mà tôi gần như tôn sùng thần tượng, vẫn kém một bậc; Yến Lan vốn được coi là cha đẻ của kịch thơ và Thao Thao dưới một bậc nữa, còn Lưu Quang Thuận và Phan Khắc Khoan tiếp tục xuống một bậc nữa, dưới nữa thì ê hề cỗ cưới làng quê.

Ngay câu đề từ Kiều Loan đã rừng rực cháy:

Chí lớn từ xưa chôn chật đất
Riêng đàn đom đóm lại thênh thang

Câu chuyện lấy bối cảnh Gia Long mới lên ngôi vua, nàng Kiều Loan điên hoặc giả điên đi tìm chồng, một bản trường ca về tình yêu, thù hận, bạo chúa, loạn lạc.

Tôi đứng chờ thu xanh biếc ngõ
Trăng khuya cúi mặt nhớ phương trời

Thuyền ơi! Tóc chảy đêm vàng
Giai nhân sóng soải hai hàng chiêm bao

Thời loạn ly, ai đẹp mãi bao giờ
Vó câu vẳng động trong mơ
Tỉnh ra đã nát mình tơ nõn nà
Đố ai rỡ được mái nhà
Cho đàn chim sẻ bớt tha buồn về

Nơi ấy chia tay chồng bỏ vợ
Hàng cau ngóng mãi bóng ai về
Có con mèo trắng ôm thân mốc
Thảm thiết gào giăng xé gió khuya

Hỡi con dế trường đêm năn nỉ
Người yêu ta ngủ kỹ nơi đâu
Về đây lượm mãi tiếng sầu
Sao người nín lặng bên lầu rêu phong?

Ta đứng trơ đây bêu má phấn
Mà thương thiên hạ sống bơ vơ
Chiến tranh đẫy túi phường buôn máu
Danh nghĩa chồi lên những sọ dừa
Nguyễn Huệ cớ sao thành phản nghịch?
Để loài mãi quốc dựng ngôi vua?
Nước vòng ngọc sáng gương trong vắt
Mây chẳng buồn chơi với bóng cờ


Những thơ ca bất hủ nhất của Việt Nam ở phương diện hào hùng, đương nhiên bao giờ cũng là để phản ứng với phương Bắc. Và để cầu hòa bình.


ngày Hoàng Cầm qua đời
kịch thơ của Thao Thao

7 comments:

  1. Nhị Linh viết bài hay quá.... trong thời đại hiện nay mà vẫn tồn tại những người có tâm hồn như thế này quả thật đáng để khích lệ. Like nhé ^_^

    ReplyDelete
  2. Em lúc nào cũng thích các bài viết của anh, bất kể là viết về cái gì, chẹp, thật là mù quáng :D

    ReplyDelete
  3. Nói chung, có một người đam mê văn học và hiểu văn học như anh như thế này thật đáng quý. Đáng tiếc là chúng ta không co nhiều người như thế.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hội chợ sách Sài Gòn cuối tháng Ba vừa rồi có một triệu lượt khách đấy :)))))

      Delete
  4. Chắc chú gặp Hoàng Cầm khi còn quá trẻ nên đã bị ánh hào quang gây choáng. Theo trải nghiệm của cá nhân anh thì con người Hoàng Cầm là mặt trái, nếu coi thơ ông là mặt phải của tấm mề đay.

    ReplyDelete
    Replies
    1. cái ứt, bác là kiểu người chỉ biết nhìn vào bề ngoài, xưa kia đã thế, giờ không ngờ bao nhiêu năm vẫn chẳng tiến bộ được đến một mẩu móng tay hahaha

      thảm thế

      Delete
  5. Tại vì Hoàng Cầm biết thế nào là cái đẹp nên NL thích, còn Lê Đạt thì không, hic

    ReplyDelete