May 15, 2014

[tiện bút] Trai (gái) nước Nam làm gì

Tôi sinh vào quãng thời gian nền hòa bình mà Việt Nam vừa có được mong manh lại bị đe dọa. Sau này mẹ tôi kể, thời ấy, vì sau khi ra trường bị điều ngay đi dạy học ở một nơi chỉ cách biên giới phía Bắc vài chục cây số, lúc nào mẹ tôi và những người xung quanh cũng chuẩn bị sẵn tinh thần bỏ chạy, mà nếu bỏ chạy thì hành lý cũng sẽ chỉ là những đứa trẻ con, vì thật ra chẳng ai có chút của cải nào.

"Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới. Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới", đó là một trong những điều bọn trẻ con lít nhít lứa tôi quá mức rành; năm 79 ấy, sau đợt tháng Hai, ngày 5 tháng Ba có lệnh Tổng động viên, cả một đất nước đứng bên bờ vực của một cuộc chiến tranh khủng khiếp. Nếu chiến tranh nổ ra, bọn trẻ con lứa chúng tôi chắc chắn đã lãnh đủ.

Nhưng cuộc Tổng động viên ấy đã chứng tỏ một tinh thần, một hào khí, chắc hẳn đó là nguyên nhân quan trọng khiến chiến tranh đã không nổ ra, dĩ nhiên bọn trẻ con lít nhít chúng tôi thoát khỏi một tai họa mà mãi sau này chúng tôi mới ý thức được.

Thành ra, chúng tôi lại là một thế hệ đầu tiên thực sự thoát khỏi chiến tranh trong cả cuộc đời cho đến giờ phút này, nhưng cũng là những đứa chứng kiến tận mắt và thấm thía tận xương tủy tang thương của cuộc hậu chiến, chứng kiến gần như gia đình quen biết nào cũng mang vác thiệt hại khủng khiếp, những nấm mồ, những bàn thờ nghi ngút khói, những người thương binh, và mặc dù ở giữa lòng Hà Nội, chúng tôi đi vồ ếch hay câu cá xin xít về nuôi gà, hoặc vác vài viên gạch từ lò gạch về nhà cho bố xây thêm một căn cơi nới trong căn hộ nhà tập thể nhỏ như hộp diêm, những việc thật là vui theo kiểu trẻ con, nhưng đói bạc mặt và gầy nhếch nhác, những lúc được chở xe đạp ngoài đường nghe rít lên trong lòng nỗi thèm xâu xé hết cả con gà treo tòng teng ở ô cửa hàng phở.

Cho nên khi xem những bộ phim tài liệu của ông Trần Văn Thủy, Hà Nội trong mắt ai và Chuyện tử tế, dẫu chẳng phục ông Thủy tẹo nào về tài làm phim tài liệu, tôi vẫn thấy chua xót ớn đến tận tâm can khi nhìn lại những cảnh mình từng nhìn thấy hằng ngày một thuở, dẫu ký ức thời trẻ con còn chưa rành đọc chữ cũng đã phôi phai rất nhiều.

Cái thế hệ này thật ra chính là một "thế hệ vàng son", chỉ riêng việc không bị "dính" chiến tranh một cách trực tiếp đã là một sự vàng son hiếm có, và tôi cũng nhận thấy nói chung là ở những người mà tôi biết, ai cũng kinh hãi chiến tranh; chứng kiến quãng trũng của hậu chiến có lẽ còn có tác động khủng khiếp hơn cả chứng kiến bản thân cuộc chiến, vì đã biết hậu quả, vì đã thấm thía tiêu điều.

Những người có chút học hành trong hoàn cảnh này nên làm gì? Theo tôi là nên làm những gì tư chất và thiên hướng của mình đã quy định sẵn, nhưng làm với một tinh thần khác, một sự tập trung khác và một nỗ lực khác. Và nhất là, những người có chút học hành thì nên là những người bình tĩnh nhất, không kích động, tìm cách giảm sự kích động nếu có thể. Những cuộc đấu tranh mà tôi từng có can dự tí chút cho thấy sự đóng góp là vô vàn khía cạnh: phong trào Biển Đông hồi hai nghìn linh mấy, chúng tôi cố gắng tạo ra các văn bản, kêu gọi và tuyên truyền quốc tế; phong trào Dioxine thì tổ chức "biểu tình" có xin phép hợp pháp xế quảng trường Pompidou bên Paris; hồi mấy năm vừa rồi rất tiếc một cuốn sách về Biển Đông do nhiều người góp sức đã không sao ra được (nhưng trong thâm tâm tôi cũng không trách chính quyền, có lẽ bởi vì tôi đã quá quen làm ra những cuốn sách không xin được giấy phép xuất bản). Những hoạt động như vậy làm tôi hiểu, vào những lúc cần tinh thần, người ta hoàn toàn có thể bỏ qua cho nhau rất nhiều điều, bất đồng tưởng không thể hóa giải bỗng nhẹ bớt, vài xích mích nóng giận rất chóng tiêu tán, một khi ai cũng nghĩ đến lợi ích lớn hơn bản thân mình.

Thế nên nếu cần hòa giải với ai, có lẽ đây chính là cơ hội đấy. Trong hình dung vốn rời xa mọi câu chuyện chính trị của tôi, yêu nước là làm những gì bản thân mình thấy là đúng, có ích, trong lúc vẫn theo dõi sát sao các diễn biến, bình tĩnh không góp sức gây rối thêm, thậm chí kể cả những ai chuyên ngành ăn chơi thì cũng nên tiếp tục ăn chơi nếu thấy có ý nghĩa nhưng phải ăn chơi đẹp hơn bình thường thì mới đáng nể.

Mà cũng chẳng biết được đâu, tụi quý tộc Nga ăn chơi điên rồ đập phá nốc rượu đứng lên cửa sổ đòi ngã ra ngoài ấy, sau này nhiều người lại trở thành anh hùng mặt trận, đó là một bài học nho nhỏ của ông già Tolstoy.

Và nếu có chiến tranh, lại một lứa trẻ con lít nhít sẽ phải lãnh đủ.

Nói tóm lại, trai (và gái) nước Nam làm gì? Lợi ích dân tộc và hòa bình là trên hết. Vậy thôi.

3 comments:

  1. I like reading an article that will make people think.

    Also, thank you for permitting me to comment!

    ReplyDelete
  2. Hello! This is my first comment here so I just wanted to give a quick shout out
    and tell you I genuinely enjoy reading through your blog posts.

    Can you recommend any other blogs/websites/forums that cover the
    same topics? Thank you!

    ReplyDelete
  3. Hi there, yeah this piece of writing is actually nice
    and I have learned lot of things from it concerning blogging.

    thanks.

    ReplyDelete