Apr 23, 2015

Amerika. Chương một: Người thợ đốt lò (1)

Như đã nói, chương một cuốn tiểu thuyết Amerika đã được Kafka cho xuất bản khi còn sống, cũng với nhan đề Người thợ đốt lò, như một tác phẩm hoàn chỉnh. Người thợ đốt lò còn liên quan đến một câu chuyện đặc biệt: năm 1920, Milena Jesenská đọc được nó và quyết định dịch nó từ tiếng Đức sang tiếng Séc; đây chính là tác phẩm đầu tiên của Kafka được dịch trong lịch sử. Cô gái trẻ Milena viết thư cho Kafka, và sau đó bắt đầu loạt rất nhiều thư từ giữa hai người; Thư gửi Milena có tầm quan trọng không kém loạt Thư gửi Felice (Bauer). Cuộc tình giữa Kafka và Milena ngắn ngủi (chỉ trong năm 1920) nhưng có vẻ rất sâu đậm. Milena Jesenská sẽ hoạt động rất tích cực trong cuộc kháng chiến chống Đức và sẽ chết ở trại tập trung vào năm 1944.



Chương một: Người thợ đốt lò


Khi, ở tuổi mười sáu, chàng thanh niên Karl Roßmann, bị bố mẹ khốn khổ tống cổ ra nước ngoài do có một cô hầu đã quyến rũ và biến anh thành ông bố, tiến vào cảng New York trên con tàu đã đi chậm lại, bức tượng Nữ thần Tự do, mà anh đang ngắm nhìn từ một lúc lâu, chợt như nằm trong một luồng ánh sáng bừng hẳn lên. Cứ như thể cánh tay cầm thanh gươm vung lên chính vào lúc ấy, và không khí khoáng đạt thổi quanh thân hình kỳ vĩ kia.

“Nó cao quá!” anh tự nhủ. Bởi nó mà anh quên mất mình phải đi và dần bị xô đẩy ra đến rìa tàu bởi đám phu khuân vác mỗi lúc một thêm đông.

Một chàng trai trẻ mà anh quen biết thoáng qua trong chuyến đi bước ngang, nói với anh: “Anh không định xuống à?”

“Có chứ, tôi sẵn sàng rồi,” Karl đáp. Anh cười, nhìn anh ta; và trong niềm vui đầy cao ngạo, bởi anh là một chàng trai khỏe khoắn, anh nâng cái rương của mình lên trên vai. Nhưng, lúc nhìn chàng trai kia vung vẩy cây gậy cùng những người khác đi xa dần, anh bối rối nhận ra mình đã để quên cái ô ở tận cuối con tàu. Anh vội đề nghị chàng trai, anh ta tỏ vẻ không hào hứng mấy, ở lại đây trông hộ cái rương, anh xem kỹ chỗ này để có thể chắc chắn sẽ tìm lại được, rồi vội rảo bước. Phía dưới, có một lối đi hẳn có thể giúp anh rút ngắn con đường; thật không may nó đã bị chặn lại; chắc phải làm vậy khi tàu cập bến; thay vì thế anh phải đi qua rất nhiều phòng nhỏ nằm dọc những hành lang uốn cong, liên tiếp đi xuống những đoạn cầu thang ngắn và bước ngang một căn phòng trống kê một cái bàn bỏ không, cho đến lúc, vì mới chỉ đi đường này một hay hai lần trước đó, lần nào cũng là cùng nhiều người khác, anh thấy mình đã thực sự bị lạc. Anh không gặp một ai, chỉ nghe thấy không ngừng hàng nghìn tiếng bước chân trên đầu hoặc, phía xa, giống một hơi thở, tiếng chuyển động cuối cùng của máy móc; thế nên, chẳng suy nghĩ gì, anh gõ vào cánh cửa đầu tiên xuất hiện trước mặt khi anh ngừng lượn vòng vòng.

“Cửa mở đấy,” có tiếng người hét lên từ bên trong, thế nên Karl đẩy cửa, thở phào mừng rỡ. “Tại sao anh lại đập cửa như thằng điên thế hả?” một người đàn ông rất cao lớn hỏi gần như trước khi kịp nhìn thấy Karl. Từ ngọn đèn trên trần, được dùng từ lâu ở các tầng trên, tỏa xuống một làn ánh sáng đục, trùm lên căn buồng nhếch nhác, trong đó mọi thứ sít sịt vào nhau giống hàng hóa xếp trong kho, một cái giường, một cái tủ, một cái ghế và người đàn ông kia. “Tôi bị nhầm đường,” Karl nói, “trong suốt chuyến đi tôi đã không nhận ra, nhưng con tàu này lớn khủng khiếp.” “Đúng, anh có thể nói thế,” người đàn ông tuyên bố, có vẻ tự hào, không ngừng hí hoáy ổ khóa một chiếc va li mà sau đó ông ta đóng lại, dùng hai tay ép vào để nghe tiếng lẫy bật. “Nhưng thôi vào đi, ông ta nói thêm, anh sẽ không đứng mãi bên ngoài đấy chứ!” “Tôi có làm phiền ông không?” Karl hỏi. “Này! tại sao anh lại làm phiền tôi hả?” “Ông là người Đức à?” chàng thanh niên hỏi để thêm yên tâm (người ta đã nói với anh rất nhiều, đặc biệt nhấn mạnh vào mối nguy Ái Nhĩ Lan, về những nguy hiểm đe dọa những người mới từ tàu xuống). “Đúng rồi, đúng rồi,” người đàn ông đáp. Karl vẫn ngần ngừ. Thế là ông kia bèn nắm lấy quả đấm cửa và kéo anh vào bên trong, vội vã khép cửa lại. “Tôi không thể chịu được cảnh người khác đứng ngoài hành lang nhòm vào,” ông ta giải thích (ông ta đã lại chăm chú vào cái va li); “tất cả mọi người đi ngang qua đây, ai cũng nhòm vào phòng! Đến quỷ sứ cũng chẳng chịu được đâu!” “Nhưng ngoài hành lang không có ai mà,” Karl nói, anh đang khổ sở vì bị kẹt vào chỗ thành giường. “Đúng, giờ thì thế!” người đàn ông nói. “Không phải bây giờ là bây giờ sao?” Karl tự hỏi. “Thật khó nói chuyện với cái ông này.” “Anh nằm lên giường đi,” ông kia nói, “trên đó rộng rãi hơn đấy.” Karl tìm cách đu mình trèo lên giường, phá lên cười vì mấy lần nhún đầu tiên không thành công. Nhưng vừa lên đến trên anh đã kêu toáng: “Trời ơi, tôi quên mất cái rương rồi!” “Nó ở đâu?” “Trên kia, trên boong ấy, có một anh tôi quen biết trông hộ. Mà anh ta tên là gì nhỉ?” Và anh rút ra tấm danh thiếp từ đáy một cái túi bí mật đã được mẹ anh khâu để chuẩn bị cho chuyến đi, ở lần vải lót của cái áo vest. “Butterbaum, Franz Butterbaum.” “Anh có cần cái rương ấy không?” “Dĩ nhiên là cần chứ.” “Thế tại sao anh lại đưa nó cho một người không quen giữ hộ?” “Là vì tôi quên mất cái ô ở bên dưới nên phải chạy đi tìm, tôi đâu muốn vác theo cái rương. Và thêm vào đó tôi lại còn bị lạc đường.” “Anh đi một mình à? Không ai đi cùng?” “Vâng, tôi đi một mình.” “Có lẽ mình phải bám chắc lấy ông ta,” đột nhiên Karl nghĩ, “tìm đâu ra một người bạn tốt hơn ngay lập tức bây giờ?” “Và giờ thì anh lại còn đánh mất cái rương nữa. Còn cái ô, tôi chẳng nhắc đến làm gì.” Và người đàn ông ngồi xuống ghế, như thể vụ việc của Karl bắt đầu khiến ông ta để tâm đôi chút. “Nhưng tôi không nghĩ đã đánh mất cái rương.” “Anh thích nghĩ gì tùy ý,” người đàn ông nói, rồi ông ta đưa tay gãi thật mạnh lên mái tóc màu nâu, ngắn và dày. “Trên tàu, tập quán thay đổi theo các cảng. Ở Hamburg thì anh chàng Butterbaum của anh có lẽ sẽ trông cái rương cho anh, ở đây có khả năng cả hai đều mất tăm.” “Vậy thì tôi phải lên trên xem sao ngay đây,” Karl nói, đưa mắt tìm một lối đi. “Ở lại đây đi,” người đàn ông nói, lấy tay đẩy vào ngực anh để anh nằm trở lại trên giường. “Tại sao chứ?” Karl bực bội hỏi. “Bởi vì làm thế thì được gì,” người đàn ông đáp; “một lúc nữa thôi tôi cũng sẽ đi, và chúng ta sẽ cùng đi… Hoặc cái rương đã bị xoáy mất, thế thì chẳng còn gì để làm nữa, hoặc anh chàng kia vứt nó lại, mà lúc đó, khi chẳng còn ai trên tàu, chúng ta sẽ dễ tìm ra nó hơn. Cả cái ô của anh nữa.” “Ông biết rõ con tàu chứ?” Karl nghi hoặc hỏi lại. (Dẫu vậy anh cũng thấy ý tưởng kia tuy thật thuyết phục, rằng đồ đạc của anh dễ tìm thấy hơn khi tàu chẳng còn ai, đang che giấu một cái bẫy nào đó.) “Tôi là người đốt lò trên tàu!” người đàn ông nói. “Ông là người đốt lò!” Karl vui sướng kêu lên như thể điều này vượt quá mọi hy vọng của anh và, chống khuỷu tay lên, anh nhìn thật kỹ người đàn ông; “ngay trước căn buồng tôi ở chung với tay Slovak có một ô kính tròn nhìn sang phòng máy.” “Chính đấy,” người thợ đốt lò nói, “tôi làm việc ở đó đấy.” “Tôi vẫn luôn luôn say mê nghề cơ khí,” Karl nói, tiếp tục mạch suy nghĩ, “và chắc hẳn tôi đã trở thành kỹ sư nếu không buộc phải đi sang Mỹ.” “Điều gì đã ép buộc anh đấy?” người đốt lò hỏi. “Chà!” Karl nói, rồi hững hờ phẩy tay đuổi câu chuyện biến đi, mỉm cười với người thợ đốt lò như để xin ông ta thứ lỗi vì anh không chịu thú nhận. “Lúc nào mà ta chẳng có lý do,” người đốt lò nói, không rõ nói vậy ông ta muốn thúc đẩy hay chối từ việc trình bày lý do ấy. “Giờ thì sẽ chẳng gì ngăn cản tôi trở thành thợ đốt lò nữa,” Karl nói, “bố mẹ tôi chẳng thèm quan tâm xem tôi có thể trở thành cái gì đâu.” “Chỗ của tôi sẽ trống đấy,” người thợ đốt lò nói và, với ý thức đầy đủ về điều này, ông ta thọc hai tay vào túi và tót lên trên giường, duỗi cả hai chân ra, ông ta mặc quần xếp li, màu ghi thép trông giống quần da. Karl phải dịch sát vào tường. “Ông rời khỏi tàu à?” “Chính xác, hôm nay luôn đấy.” “Tại sao chứ? Ông không thích nữa à?” “Đấy là chuyện hoàn cảnh; không phải lúc nào cũng cần phải biết là có thích hay không. Vả lại anh nói đúng, tôi cũng chẳng thích nữa. Chắc anh không nghiêm túc nghĩ đến việc trở thành thợ đốt lò, nhưng cũng chính như thế mà người ta dễ trở thành thợ đốt lò nhất. Còn thì, về phần tôi, tôi triệt để khuyên anh đừng làm thế. Nếu từng muốn học tập bên châu Âu thì tại sao anh lại không làm việc ấy ở đây? Các trường đại học Mỹ tốt hơn rất nhiều so với các trường châu Âu.” “Có thể lắm chứ,” Karl nói, “nhưng tôi gần như không có tiền. Tôi đã đọc câu chuyện về một người ban ngày làm việc ở hãng để có thể đi học vào ban đêm và đã trở thành tiến sĩ và thậm chí thị trưởng, tôi nghĩ thế; nhưng vậy thì phải nỗ lực ghê lắm, ông không thấy à? Tôi e mình không làm nổi. Thêm nữa, tôi không phải là một học sinh đặc biệt xuất sắc, khi rời khỏi trường tôi chẳng thấy buồn chút nào. Và bên đây các trường có thể còn nghiêm hơn. Tôi gần như không biết tiếng Anh. Vả lại tôi nghĩ nhìn chung tại đất nước này người ta không mấy ưa dân nước ngoài.” “Anh đã biết thế rồi cơ à? Tốt quá, anh đúng là người tôi cần. Nghe tôi nói đây: chúng ta đang ở trên một con tàu Đức phải không? nó chạy tuyến Hamburg-Amerika phải không? thế nhưng mà tại sao trên tàu lại không chỉ toàn người Đức? Tại sao máy trưởng lại là người Rumani? Hắn tên Schubal. Thật không tin nổi. Và cái đồ khốn ấy điều hành những người Đức chúng tôi, trên một con tàu Đức! Anh đừng có nghĩ,” ông ta khó thở, bàn tay run rẩy, “đừng nghĩ tôi chỉ phàn nàn cho sướng miệng. Tôi biết anh không có ảnh hưởng và cả anh cũng là một con quỷ khốn khổ. Nhưng thật không thể chịu được!” Và ông ta đấm nhiều phát xuống bàn, không rời mắt khỏi hành động ấy. “Tôi đã phục vụ trên rất nhiều tàu,” ông ta liệt kê một mạch hai mươi cái tên, nghe như chỉ là một cái tên duy nhất; mắt Karl mở to, tròn xoe, “ở những chỗ đó tôi rất xuất sắc, tôi được khen ngợi, tôi từng là một người lao động kiêu hãnh, các thuyền trưởng hài lòng với tôi, thậm chí tôi đã trải qua nhiều năm trên một thuyền buôn.” Ông ta đứng dậy như thể đó là đỉnh cao cuộc đời ông ta. “Thế mà ở đây, trong cái hộp ngớ ngẩn này, nơi mọi thứ đều quá mức chặt chẽ, chẳng cần trí tưởng tượng chút nào, tôi chẳng đáng giá gì, tôi là một kẻ quấy rối, tôi gây phiền cho Schubal, tôi là một thằng lười, tôi chỉ đáng bị quăng bỏ, và tôi nhận đồng lương từ sự thương hại! Anh có hiểu được điều đó không, anh ấy? Tôi thì không.” “Ông không được để mặc mọi chuyện như thế chứ,” Karl nói, đầy kích động. Anh đã gần như mất cảm giác mình đang ở trên mặt sàn nguy hiểm của một con tàu, bên bờ một lục địa xa lạ, anh thấy mình thật yên ổn trên giường của người thợ đốt lò. “Ông đã đến gặp Thuyền trưởng chưa? Đã đòi ông ấy thực thi công lý chưa?” “Công lý? Này, giờ thì tốt nhất là anh đi đi. Anh đi ngay đi. Tôi không muốn anh ở đây. Anh không chịu lắng nghe những gì người ta nói với anh và anh vừa khuyên người khác. Làm sao mà tôi có thể đi gặp Thuyền trưởng hả?” Và, mệt mỏi, người thợ đốt lò lại ngồi xuống, hai tay ôm lấy mặt.

“Thế nhưng mình không thể nói với ông ấy điều gì hay hơn,” Karl nghĩ. Vả lại anh cũng nghĩ sẽ là tốt hơn nếu đi tìm cái rương, thay vì ở lại đây khuyên nhủ người khác, đằng nào những lời khuyên ấy cũng bị coi là ngu xuẩn. Khi đưa cho anh cái rương, bố anh đã nói đùa: “Con sẽ giữ nó được bao lâu đây?” Và giờ thì cái rương quý giá ấy có thể đã mất rồi. Karl chẳng còn cách an ủi nào khác ngoài tự thuyết phục mình rằng bố anh khó mà biết được, dẫu cho có tiến hành điều tra, số phận món quà tặng của ông. Cái rương đã đến được New York, đó sẽ là tất tật những gì hãng tàu có thể nói. Nhưng Karl đau khổ nghĩ anh mới chỉ dùng đến rất ít những gì có trong hành lý của mình: chẳng hạn anh đã không thay áo sơ mi lâu rồi. Vậy là anh đã dè sẻn không phải lối; giờ đây ở khởi đầu của sự nghiệp, nhất thiết anh phải ăn vận sạch sẽ, thế mà anh sẽ phải mặc một chiếc sơ mi bẩn. Ngoài chi tiết này ra thì thiệt hại không quá lớn; bộ com lê anh đang mặc trên người hơn hẳn bộ cất trong rương, đó chỉ là quần áo thay thế mà thôi; thậm chí mẹ anh còn phải vá víu nó ngay trước chuyến đi. Anh cũng nhớ rằng trong cái rương có một mẩu xúc xích Verona mà mẹ anh đưa vào phút cuối cùng nhưng anh mới ăn được chút ít, vì trong suốt chuyến đi anh gần như ăn không ngon miệng và vì thấy đã quá đủ với món xúp phục vụ ở khoang dưới. Tuy nhiên, giờ đây, anh rất muốn có miếng xúc xích để có thể tặng cho người thợ đốt lò. Bởi vì những người này thì lấy lòng dễ lắm, chỉ cần tí chút mà thôi; Karl biết điều này từ bố anh, ông hay phân phát xì gà để mua chuộc tất cả nhân viên thuộc cấp trong công việc làm ăn. Giờ đây Karl chỉ có thể cho tiền, nhưng vào lúc này anh không muốn làm thế, vì còn chưa biết cái rương có bị mất hay không. Suy nghĩ của anh quay lại với cái rương ấy; anh không hiểu nổi tại sao mình đã trông chừng nó trong suốt chuyến đi, tới mức mất ngủ vì nó, thế mà rốt cuộc anh lại để nó bị lấy đi dễ dàng đến thế. Anh nhớ lại năm đêm anh đã liên tục ngờ vực ý định của một tay Slovak nhỏ thó, hắn nằm bên trái anh, cách anh một người. Tay Slovak này chỉ đợi đến lúc Karl, đã quá mệt, chợp mắt đi một giây, để móc lấy cái rương rồi kéo nó về phía mình bằng một cái que sắt dài mà hắn cứ chơi nghịch hoặc tập luyện mãi không thôi. Trong ngày, hắn có vẻ vô hại, nhưng cứ đến đêm là chốc chốc hắn lại dậy để buồn bã rình mò cái rương. Karl có thể nhận ra điều này rất rõ, bởi vì thường có ai đó, bị gặm nhấm bởi một nỗi lo đặc biệt hay thấy ở dân nhập cư, thắp một ngọn nến mặc dù làm thế là trái quy định, để mày mò đọc những tờ hướng dẫn thủ tục nhập cư rất khó hiểu. Những lúc có ánh sáng ở ngay kề bên như thế, Karl có thể thiếp đi một chốc, nhưng nếu không có gì sáng lên hoặc nếu cứ tối mãi thì anh phải mở mắt trừng trừng. Sự căng thẳng không ngưng nghỉ này làm anh kiệt sức, và thế rồi ngần ấy nỗ lực sắp mất tiêu hết cả! A! cái tay Butterbaum kia! nếu có khi nào anh tìm thấy hắn ở đâu đó!

Đúng lúc ấy vang lên từ rất xa, trong màn im lặng cho tới khi đó còn bao trùm, những tiếng động ngắn ngủi, nho nhỏ; nghe cứ như tiếng bước chân trẻ con, tiến lại gần chúng trở nên lớn hơn; có những người bình thản bước đi. Chắc họ nối đuôi nhau đi theo hàng dọc, như thế là bình thường trong một hành lang hẹp, và có thể nghe thấy tiếng lách cách của vũ khí. Karl, đã chực nằm ngả ra giường để vùi mình vào một giấc ngủ thoát hẳn được khỏi tụi Slovak và rương với hòm, hốt hoảng nhảy dựng lên và lấy cùi chỏ huých vào người thợ đốt lò để lưu ý ông ta, vì dường như đoàn người đã bắt đầu tới ngang cửa. “Đó là đội nhạc trên tàu,” người thợ đốt lò nói, “họ vừa chơi trên kia, giờ họ đi sắp xếp hành lý đấy. Xong rồi, ta đã có thể đi. Nào.” Ông ta cầm lấy tay Karl, vào giây phút cuối cùng còn tháo một bức ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh lồng khung treo phía trên cái giường, nhét nó vào túi áo vest, nhấc chiếc va li lên rồi vội vã cùng Karl rời khỏi căn buồng.

“Tôi đến chỗ văn phòng đây, tôi sẽ nói những gì tôi nghĩ với mấy ông ấy. Giờ không còn hành khách, chẳng cần phải giữ ý nữa rồi.” Người thợ đốt lò nhắc lại ý này theo nhiều cách nói khác nhau và nhân tiện, định dùng đế giày giẫm chết một con chuột chạy qua trước họ, nhưng rốt cuộc chỉ thu được kết quả là làm nó lẩn nhanh hơn vào một cái lỗ mà con thú chạy kịp tới. Vả lại người thợ đốt lò cử động rất chậm chạp; ông ta có hai cẳng chân dài, nhưng chúng quá nặng nề.

Họ đi qua một phòng của khu bếp, ở đó có các cô gái đeo tạp dề bẩn - bọn họ cố tình dây nước xốt lên đó - rửa bát trong những chậu gỗ lớn. Người thợ đốt lò gọi một cô tên là Line tới, ôm eo cô và lôi cô theo; cô õng ẹo tì người vào cánh tay ông ta. “Đi đòi tiền lương đây,” ông ta nói, “Em đi cùng không?” “Sao lại phải bắt em làm thế?” cô đáp. “Mang tiền về cho em là được rồi!” Và cô luồn xuống dưới tay ông để bỏ chạy. “Ông nhặt đâu được anh chàng bảnh trai đó đấy?” cô hét lên với ông ta nhưng không đợi câu trả lời. Tất cả các cô gái rộ lên cười, tạm thời ngừng rửa bát.

Về phần mình, họ đi tiếp, và đến một cánh cửa phía trên có một gồ tường đỡ bên dưới bởi những bức tượng hình người nhỏ mạ vàng. Trên một con tàu cách trang trí này thực sự là một sự hoang phí. Karl nhận ra mình chưa bao giờ tới phần này của con tàu; trong chuyến đi hẳn nó được dành cho hành khách hạng nhất và hạng nhì, và giờ đây chắc người ta đã gỡ bỏ các barie để tiến hành cọ rửa tổng thể. Quả thật họ gặp nhiều người vai vác chổi, những người này chào hỏi người thợ đốt lò. Karl ngạc nhiên vì con tàu có vẻ xa xỉ quá; lẽ dĩ nhiên ở khoang dưới anh chẳng thể nào ngờ được đến điều này. Chạy dọc theo các hành lang là những đường dây điện và ta nghe thấy tiếng một cái chuông nhỏ rung liên hồi.

Người thợ đốt lò kính cẩn gõ vào cánh cửa và, khi có tiếng “Vào đi!”, bảo Karl bước vào không phải sợ gì. Thế là Karl bước vào, nhưng dừng lại ngay gần cửa. Qua ba cửa sổ của căn phòng, anh nhìn thấy sóng đại dương bên ngoài, và tim anh đập rộn khi ngắm những chuyển động vui tươi của chúng, như thể trong suốt năm ngày vừa rồi không phải giây phút nào anh cũng nhìn thấy biển. Những con tàu lớn cứ đường mình mà đi, chỉ bị xao động bởi chuyển động của những con sóng trong chừng mực trọng lượng của chúng cho phép. Nheo mắt lại, ta có cảm tưởng chúng lắc lư vì trọng lượng của chính chúng. Trên đỉnh cột buồm chính các con tàu treo những lá cờ dài nhưng hẹp khổ căng ra trong không khí vì tốc độ tàu chạy nhưng vẫn phấp phới. Vang lên những loạt đạn; chắc hẳn các tàu chiến đang chào mừng; những khẩu đại bác của một con tàu ấy, đi ngang qua từ khoảng cách rất gần, lấp lánh dưới ánh nắng và như thể đung đưa theo chuyển động vững chãi và thật lặng lẽ của con tàu, nhưng không hoàn toàn chỉ theo chiều ngang. Ta chỉ có thể nhìn thấy các tàu nhỏ hơn và những con thuyền từ xa, ít nhất là từ cánh cửa nơi Karl đang đứng, chúng đi lại ở những khoảng trống giữa các tàu lớn. Nhưng ở phía sau là New York sừng sững, những tòa nhà chọc trời nhìn Karl với cả trăm nghìn cửa sổ của chúng. Đúng, thực sự là trong căn phòng này ta biết mình đang ở đâu.

Ba người đàn ông ngồi quanh một cái bàn tròn: một là sĩ quan của tàu mặc quân phục màu xanh lơ, hai người kia là công chức hành chính cảng trong đồng phục đen mà người ta hay mặc ở Mỹ. Trên bàn chất đống tài liệu đủ loại; viên sĩ quan, bút cầm trên tay, đưa mắt lướt qua chúng rồi đưa cho hai người kia, lúc thì họ đọc, lúc thì họ chọn lựa, lúc thì họ cho chúng vào cặp của mình, trừ phi một trong hai người, có hàm răng gần như không ngừng tạo ra một tiếng động nho nhỏ, không đọc cho đồng nghiệp ghi một biên bản.

Trước cửa sổ, ngồi bên một cái bàn, lưng quay ra cửa, một ông nhỏ thó hí hoáy với những tập tài liệu khổ lớn dựng theo chiều thẳng đứng trước mặt ông ta trên một thanh giá dày đặt ngang tầm mắt. Cạnh ông ta là một két sắt mở nắp hình như trống rỗng nếu chỉ thoáng nhìn qua.

Cửa sổ thứ hai không có ai và có thể nhìn ra ngoài rõ hơn. Nhưng có hai ông che khuất một phần cửa sổ thứ ba, họ thấp giọng nói chuyện với nhau. Một người dựa vào bên cạnh cửa sổ; ông ta cũng mặc quân phục trên tàu và lấy tay nghịch đốc thanh kiếm đang đeo. Người còn lại quay mặt ra cửa sổ và đôi lúc dịch chuyển khiến ta nhìn thấy một phần những tấm huy chương đeo thành hàng trên ngực người kia. Ông ta mặc một bộ com lê dân sự và có một cây gậy tre mảnh, vì hai tay ông ta chống nạnh nên trông nó cũng giống một thanh kiếm.

Karl chỉ nhìn được toàn bộ cảnh tượng trong thoáng chốc: một anh hầu đã nhanh chóng lao tới chỗ những người mới đến và hỏi người thợ đốt lò đến đây làm gì, nhìn ông ta như thể chỗ của ông ta là nơi khác. Người thợ lò trả lời, giọng cũng thật nhỏ như khi được hỏi, rằng ông ta muốn nói chuyện với ông Thủ quỹ. Anh hầu phẩy tay để từ chối, nhưng dẫu vậy vẫn đi nhón chân, bước theo một vòng cung thật lớn để tránh cái bàn tròn, về phía cái ông đang bận bịu với đồng hồ sơ. Ông kia - có thể nhìn rất rõ - thực sự đông cứng người lại khi nghe những lời của anh hầu; tuy nhiên cuối cùng ông ta cũng quay về phía người muốn nói chuyện với mình và, để hẩy đi lời yêu cầu, nghiêm nghị vẫy hai tay về phía người thợ lò, rồi, để cho cẩn thận, vẫy cả về phía anh hầu. Thế là anh hầu bèn quay về chỗ người thợ lò và nói với ông ta, giọng như tâm sự: “Biến đi ngay lập tức.”

Người thợ đốt lò, trước câu trả lời này, quay sang nhìn Karl như thể Karl là trái tim ông ta và ông ta muốn trao gửi cho anh nỗi khổ tâm của mình. Không suy nghĩ gì nữa, Karl lao vào, chạy ngang qua căn phòng, thậm chí còn chạm nhẹ vào cái ghế của viên sĩ quan; anh hầu đuổi theo, người đổ về trước, hai cánh tay vươn ra để tóm lấy anh, như thể đang chạy bắt côn trùng, nhưng Karl đến được chỗ bàn ông Thủ quỹ trước, anh bíu chặt vào đó phòng trường hợp anh hầu định lôi anh đi.

Lẽ dĩ nhiên cả căn phòng liền rộn lên. Viên sĩ quan của tàu ngồi ở bàn nhảy dựng lên, hai ông công chức bến cảng bình tĩnh nhìn, nhưng rất chăm chú; hai ông ở cửa sổ sáp lại gần nhau và anh hầu, nghĩ rằng vai trò của mình đã kết thúc vào lúc các sếp quan tâm đến vụ việc, rút lui ra một xó. Người thợ đốt lò, đứng ở cửa, đầy kích động đợi đến lúc mình cần can thiệp. Rốt cuộc, ông Thủ quỹ quay mạnh người sang phải trên chiếc ghế phô tơi.

Karl lục tìm trong cái túi bí mật, mà anh không ngần ngại trưng bày trước mấy ông kia, và rút ra hộ chiếu của mình, anh mở nó ra đặt xuống bàn như muốn tự giới thiệu. Ông Thủ quỹ có vẻ coi thứ giấy tờ ấy chẳng mấy quan trọng, ông ta búng tay gạt nó sang bên, thế nên Karl cất giấy tờ của mình đi, như thể màn chào hỏi đã được thực hiện một cách ổn thỏa.

“Tôi xin được phép nói,” anh cất tiếng, “rằng theo tôi ông thợ đốt lò là nạn nhân của một sự bất công. Ở đây có một người tên là Schubal cứ liên tục ức hiếp ông ấy. Tuy nhiên ông thợ đốt lò đã phục vụ rất mỹ mãn trên nhiều con tàu, mà ông ấy có thể nêu tên với các ông; ông ấy chăm chỉ, ông ấy coi trọng công việc của mình và thực sự không thể nghĩ ông ấy không đủ sức làm việc trên con tàu này, nơi công việc không ở mức khủng khiếp như trên các thuyền buôn chẳng hạn. Vậy nên chỉ có thể là những lời vu khống làm vướng bước tiến của ông ấy và tước đoạt khỏi ông ấy lòng tôn trọng, thứ mà chắc chắn ông ấy xứng đáng được hưởng. Tôi vừa mới chỉ trình bày vụ việc một cách đại khái, ông ấy sẽ tự nói cho các ông chi tiết những lời khiếu nại của ông ấy.” Karl nói với tất cả những người có mặt trong phòng bởi vì quả thật họ đều đang lắng nghe và bởi vì có vẻ như sẽ dễ tìm ra một người công chính trong số họ hơn là ngay từ đầu đã nghĩ người công chính ấy là ông Thủ quỹ. Thêm nữa, vì mưu mẹo ngoại giao, Karl đã không nói anh chỉ mới vừa quen biết người thợ đốt lò. Vả lại hẳn anh đã nói hay hơn nhiều nếu không bị rối trí bởi khuôn mặt đỏ lựng của cái ông đeo gậy tre mà lúc này, ở vị trí mới, anh mới có thể nhìn rõ.

“Đó hoàn toàn là sự thật,” người thợ đốt lò tuyên bố trước khi bất kỳ ai kịp hỏi ông ta điều gì, và trước cả khi bất kỳ ai nghĩ đến chuyện nhìn ông ta. Sự mau mắn này lẽ ra đã là một sai lầm lớn nếu cái ông đeo nhiều huy chương - là Thuyền trưởng, rất chắc chắn, Karl đột nhiên hiểu ra - không nghĩ, rõ ràng là vậy, rằng phải lắng nghe người khiếu nại. Ông ta bèn chìa tay ra và kêu lên với người thợ đốt lò: “Lại gần đây,” giọng chắc nịch như có thể lấy búa nện lên. Giờ đây mọi việc tùy thuộc vào cách cư xử của người thợ lò, vì Karl không mảy may ngờ vực chuyện ông ta tuyệt đối có lý.

7 comments:

  1. Hay quá, còn nữa không?

    ReplyDelete
    Replies
    1. còn, hết cả quyển luôn, đang đọc lại và sẽ post dần từng chương đầy đủ

      Delete
  2. Chị Nhị Linh ơi, sao chị giỏi thế, không biết chị có xynh lắm không? Em ngưỡng mộ chị quá ạ!

    ReplyDelete
    Replies
    1. lần sau đừng hỏi thế nhé

      thấy một số người bảo là cũng khá :">

      Delete
  3. Milena is also a great writer

    "There are two ways to live: you can either accept your fate, make up your mind and cope with it, get to know your fate and bind yourself to its good sides and bad, to happiness and unhappiness bravely, honestly without bargaining, generously and humbly. Or you can seek your fate : but the search will not only consume your strength, time, illusions, instinct, and any proper, benevolent blindness; it will also consume your self-esteem. You will become poorer and poorer, because what lies ahead is always worse than what you had. Besides, seeking requires faith, and faith may require more strength than life."

    ReplyDelete
  4. http://nhilinhblog.blogspot.com/2017/08/thu.html

    http://nhilinhblog.blogspot.com/2018/04/isaac-bashevis-singer.html

    ReplyDelete