Apr 26, 2015

Amerika: Chương một

Đầy đủ chương một "Người thợ đốt lò" của cuốn tiểu thuyết Amerika.

Trong Nhật ký, năm 1912 Kafka không viết nhiều, thay vào đó ông chép vào hai tác phẩm. Thứ nhất là truyện "Das Urteil" viết một mạch trong đêm 22 tháng Chín. Thứ hai là "Người thợ đốt lò" (Der Heizer). Đây chính là hai tác phẩm khiến Kafka thực sự nhận ra một điều gì đó hết sức quan trọng.


Chương một: Người thợ đốt lò

Khi, ở tuổi mười sáu, chàng thanh niên Karl Roßmann, bị bố mẹ khốn khổ tống cổ ra nước ngoài do có một cô hầu đã quyến rũ và biến anh thành ông bố, tiến vào cảng New York trên con tàu đã đi chậm lại, bức tượng Nữ thần Tự do, mà anh đang ngắm nhìn từ một lúc lâu, chợt như nằm trong một luồng ánh sáng bừng hẳn lên. Cứ như thể cánh tay cầm thanh gươm vung lên chính vào lúc ấy, và không khí khoáng đạt thổi quanh thân hình kỳ vĩ kia.

“Nó cao quá!” anh tự nhủ. Bởi nó mà anh quên mất mình phải đi và dần bị xô đẩy ra đến rìa tàu bởi đám phu khuân vác mỗi lúc một thêm đông.

Một chàng trai trẻ mà anh quen biết thoáng qua trong chuyến đi bước ngang, nói với anh: “Anh không định xuống à?”

“Có chứ, tôi sẵn sàng rồi,” Karl đáp. Anh cười, nhìn anh ta; và trong niềm vui đầy cao ngạo, bởi anh là một chàng trai khỏe khoắn, anh nâng cái rương của mình lên trên vai. Nhưng, lúc nhìn chàng trai kia vung vẩy cây gậy cùng những người khác đi xa dần, anh bối rối nhận ra mình đã để quên cái ô ở tận cuối con tàu. Anh vội đề nghị chàng trai, anh ta tỏ vẻ không hào hứng mấy, ở lại đây trông hộ cái rương, anh xem kỹ chỗ này để có thể chắc chắn sẽ tìm lại được, rồi vội rảo bước. Phía dưới, có một lối đi hẳn có thể giúp anh rút ngắn con đường; thật không may nó đã bị chặn lại; chắc phải làm vậy khi tàu cập bến; thay vì thế anh phải đi qua rất nhiều phòng nhỏ nằm dọc những hành lang uốn cong, liên tiếp đi xuống những đoạn cầu thang ngắn và bước ngang một căn phòng trống kê một cái bàn bỏ không, cho đến lúc, vì mới chỉ đi đường này một hay hai lần trước đó, lần nào cũng là cùng nhiều người khác, anh thấy mình đã thực sự bị lạc. Anh không gặp một ai, chỉ nghe thấy không ngừng hàng nghìn tiếng bước chân trên đầu hoặc, phía xa, giống một hơi thở, tiếng chuyển động cuối cùng của máy móc; thế nên, chẳng suy nghĩ gì, anh gõ vào cánh cửa đầu tiên xuất hiện trước mặt khi anh ngừng lượn vòng vòng.

“Cửa mở đấy,” có tiếng người hét lên từ bên trong, thế nên Karl đẩy cửa, thở phào mừng rỡ. “Tại sao anh lại đập cửa như thằng điên thế hả?” một người đàn ông rất cao lớn hỏi gần như trước khi kịp nhìn thấy Karl. Từ ngọn đèn trên trần, được dùng từ lâu ở các tầng trên, tỏa xuống một làn ánh sáng đục, trùm lên căn buồng nhếch nhác, trong đó mọi thứ sít sịt vào nhau giống hàng hóa xếp trong kho, một cái giường, một cái tủ, một cái ghế và người đàn ông kia. “Tôi bị nhầm đường,” Karl nói, “trong suốt chuyến đi tôi đã không nhận ra, nhưng con tàu này lớn khủng khiếp.” “Đúng, anh có thể nói thế,” người đàn ông tuyên bố, có vẻ tự hào, không ngừng hí hoáy ổ khóa một chiếc va li mà sau đó ông ta đóng lại, dùng hai tay ép vào để nghe tiếng lẫy bật. “Nhưng thôi vào đi, ông ta nói thêm, anh sẽ không đứng mãi bên ngoài đấy chứ!” “Tôi có làm phiền ông không?” Karl hỏi. “Này! tại sao anh lại làm phiền tôi hả?” “Ông là người Đức à?” chàng thanh niên hỏi để thêm yên tâm (người ta đã nói với anh rất nhiều, đặc biệt nhấn mạnh vào mối nguy Ái Nhĩ Lan, về những nguy hiểm đe dọa những người mới từ tàu xuống). “Đúng rồi, đúng rồi,” người đàn ông đáp. Karl vẫn ngần ngừ. Thế là ông kia bèn nắm lấy quả đấm cửa và kéo anh vào bên trong, vội vã khép cửa lại. “Tôi không thể chịu được cảnh người khác đứng ngoài hành lang nhòm vào,” ông ta giải thích (ông ta đã lại chăm chú vào cái va li); “tất cả mọi người đi ngang qua đây, ai cũng nhòm vào phòng! Đến quỷ sứ cũng chẳng chịu được đâu!” “Nhưng ngoài hành lang không có ai mà,” Karl nói, anh đang khổ sở vì bị kẹt vào chỗ thành giường. “Đúng, giờ thì thế!” người đàn ông nói. “Không phải bây giờ là bây giờ sao?” Karl tự hỏi. “Thật khó nói chuyện với cái ông này.” “Anh nằm lên giường đi,” ông kia nói, “trên đó rộng rãi hơn đấy.” Karl tìm cách đu mình trèo lên giường, phá lên cười vì mấy lần nhún đầu tiên không thành công. Nhưng vừa lên đến trên anh đã kêu toáng: “Trời ơi, tôi quên mất cái rương rồi!” “Nó ở đâu?” “Trên kia, trên boong ấy, có một anh tôi quen biết trông hộ. Mà anh ta tên là gì nhỉ?” Và anh rút ra tấm danh thiếp từ đáy một cái túi bí mật đã được mẹ anh khâu để chuẩn bị cho chuyến đi, ở lần vải lót của cái áo vest. “Butterbaum, Franz Butterbaum.” “Anh có cần cái rương ấy không?” “Dĩ nhiên là cần chứ.” “Thế tại sao anh lại đưa nó cho một người không quen giữ hộ?” “Là vì tôi quên mất cái ô ở bên dưới nên phải chạy đi tìm, tôi đâu muốn vác theo cái rương. Và thêm vào đó tôi lại còn bị lạc đường.” “Anh đi một mình à? Không ai đi cùng?” “Vâng, tôi đi một mình.” “Có lẽ mình phải bám chắc lấy ông ta,” đột nhiên Karl nghĩ, “tìm đâu ra một người bạn tốt hơn ngay lập tức bây giờ?” “Và giờ thì anh lại còn đánh mất cái rương nữa. Còn cái ô, tôi chẳng nhắc đến làm gì.” Và người đàn ông ngồi xuống ghế, như thể vụ việc của Karl bắt đầu khiến ông ta để tâm đôi chút. “Nhưng tôi không nghĩ đã đánh mất cái rương.” “Anh thích nghĩ gì tùy ý,” người đàn ông nói, rồi ông ta đưa tay gãi thật mạnh lên mái tóc màu nâu, ngắn và dày. “Trên tàu, tập quán thay đổi theo các cảng. Ở Hamburg thì anh chàng Butterbaum của anh có lẽ sẽ trông cái rương cho anh, ở đây có khả năng cả hai đều mất tăm.” “Vậy thì tôi phải lên trên xem sao ngay đây,” Karl nói, đưa mắt tìm một lối đi. “Ở lại đây đi,” người đàn ông nói, lấy tay đẩy vào ngực anh để anh nằm trở lại trên giường. “Tại sao chứ?” Karl bực bội hỏi. “Bởi vì làm thế thì được gì,” người đàn ông đáp; “một lúc nữa thôi tôi cũng sẽ đi, và chúng ta sẽ cùng đi… Hoặc cái rương đã bị xoáy mất, thế thì chẳng còn gì để làm nữa, hoặc anh chàng kia vứt nó lại, mà lúc đó, khi chẳng còn ai trên tàu, chúng ta sẽ dễ tìm ra nó hơn. Cả cái ô của anh nữa.” “Ông biết rõ con tàu chứ?” Karl nghi hoặc hỏi lại. (Dẫu vậy anh cũng thấy ý tưởng kia tuy thật thuyết phục, rằng đồ đạc của anh dễ tìm thấy hơn khi tàu chẳng còn ai, đang che giấu một cái bẫy nào đó.) “Tôi là người đốt lò trên tàu!” người đàn ông nói. “Ông là người đốt lò!” Karl vui sướng kêu lên như thể điều này vượt quá mọi hy vọng của anh và, chống khuỷu tay lên, anh nhìn thật kỹ người đàn ông; “ngay trước căn buồng tôi ở chung với tay Slovak có một ô kính tròn nhìn sang phòng máy.” “Chính đấy,” người thợ đốt lò nói, “tôi làm việc ở đó đấy.” “Tôi vẫn luôn luôn say mê nghề cơ khí,” Karl nói, tiếp tục mạch suy nghĩ, “và chắc hẳn tôi đã trở thành kỹ sư nếu không buộc phải đi sang Mỹ.” “Điều gì đã ép buộc anh đấy?” người đốt lò hỏi. “Chà!” Karl nói, rồi hững hờ phẩy tay đuổi câu chuyện biến đi, mỉm cười với người thợ đốt lò như để xin ông ta thứ lỗi vì anh không chịu thú nhận. “Lúc nào mà ta chẳng có lý do,” người đốt lò nói, không rõ nói vậy ông ta muốn thúc đẩy hay chối từ việc trình bày lý do ấy. “Giờ thì sẽ chẳng gì ngăn cản tôi trở thành thợ đốt lò nữa,” Karl nói, “bố mẹ tôi chẳng thèm quan tâm xem tôi có thể trở thành cái gì đâu.” “Chỗ của tôi sẽ trống đấy,” người thợ đốt lò nói và, với ý thức đầy đủ về điều này, ông ta thọc hai tay vào túi và tót lên trên giường, duỗi cả hai chân ra, ông ta mặc quần xếp li, màu ghi thép trông giống quần da. Karl phải dịch sát vào tường. “Ông rời khỏi tàu à?” “Chính xác, hôm nay luôn đấy.” “Tại sao chứ? Ông không thích nữa à?” “Đấy là chuyện hoàn cảnh; không phải lúc nào cũng cần phải biết là có thích hay không. Vả lại anh nói đúng, tôi cũng chẳng thích nữa. Chắc anh không nghiêm túc nghĩ đến việc trở thành thợ đốt lò, nhưng cũng chính như thế mà người ta dễ trở thành thợ đốt lò nhất. Còn thì, về phần tôi, tôi triệt để khuyên anh đừng làm thế. Nếu từng muốn học tập bên châu Âu thì tại sao anh lại không làm việc ấy ở đây? Các trường đại học Mỹ tốt hơn rất nhiều so với các trường châu Âu.” “Có thể lắm chứ,” Karl nói, “nhưng tôi gần như không có tiền. Tôi đã đọc câu chuyện về một người ban ngày làm việc ở hãng để có thể đi học vào ban đêm và đã trở thành tiến sĩ và thậm chí thị trưởng, tôi nghĩ thế; nhưng vậy thì phải nỗ lực ghê lắm, ông không thấy à? Tôi e mình không làm nổi. Thêm nữa, tôi không phải là một học sinh đặc biệt xuất sắc, khi rời khỏi trường tôi chẳng thấy buồn chút nào. Và bên đây các trường có thể còn nghiêm hơn. Tôi gần như không biết tiếng Anh. Vả lại tôi nghĩ nhìn chung tại đất nước này người ta không mấy ưa dân nước ngoài.” “Anh đã biết thế rồi cơ à? Tốt quá, anh đúng là người tôi cần. Nghe tôi nói đây: chúng ta đang ở trên một con tàu Đức phải không? nó chạy tuyến Hamburg-Amerika phải không? thế nhưng mà tại sao trên tàu lại không chỉ toàn người Đức? Tại sao máy trưởng lại là người Rumani? Hắn tên Schubal. Thật không tin nổi. Và cái đồ khốn ấy điều hành những người Đức chúng tôi, trên một con tàu Đức! Anh đừng có nghĩ,” ông ta khó thở, bàn tay run rẩy, “đừng nghĩ tôi chỉ phàn nàn cho sướng miệng. Tôi biết anh không có ảnh hưởng và cả anh cũng là một con quỷ khốn khổ. Nhưng thật không thể chịu được!” Và ông ta đấm nhiều phát xuống bàn, không rời mắt khỏi hành động ấy. “Tôi đã phục vụ trên rất nhiều tàu,” ông ta liệt kê một mạch hai mươi cái tên, nghe như chỉ là một cái tên duy nhất; mắt Karl mở to, tròn xoe, “ở những chỗ đó tôi rất xuất sắc, tôi được khen ngợi, tôi từng là một người lao động kiêu hãnh, các thuyền trưởng hài lòng với tôi, thậm chí tôi đã trải qua nhiều năm trên một thuyền buôn.” Ông ta đứng dậy như thể đó là đỉnh cao cuộc đời ông ta. “Thế mà ở đây, trong cái hộp ngớ ngẩn này, nơi mọi thứ đều quá mức chặt chẽ, chẳng cần trí tưởng tượng chút nào, tôi chẳng đáng giá gì, tôi là một kẻ quấy rối, tôi gây phiền cho Schubal, tôi là một thằng lười, tôi chỉ đáng bị quăng bỏ, và tôi nhận đồng lương từ sự thương hại! Anh có hiểu được điều đó không, anh ấy? Tôi thì không.” “Ông không được để mặc mọi chuyện như thế chứ,” Karl nói, đầy kích động. Anh đã gần như mất cảm giác mình đang ở trên mặt sàn nguy hiểm của một con tàu, bên bờ một lục địa xa lạ, anh thấy mình thật yên ổn trên giường của người thợ đốt lò. “Ông đã đến gặp Thuyền trưởng chưa? Đã đòi ông ấy thực thi công lý chưa?” “Công lý? Này, giờ thì tốt nhất là anh đi đi. Anh đi ngay đi. Tôi không muốn anh ở đây. Anh không chịu lắng nghe những gì người ta nói với anh và anh vừa khuyên người khác. Làm sao mà tôi có thể đi gặp Thuyền trưởng hả?” Và, mệt mỏi, người thợ đốt lò lại ngồi xuống, hai tay ôm lấy mặt.

“Thế nhưng mình không thể nói với ông ấy điều gì hay hơn,” Karl nghĩ. Vả lại anh cũng nghĩ sẽ là tốt hơn nếu đi tìm cái rương, thay vì ở lại đây khuyên nhủ người khác, đằng nào những lời khuyên ấy cũng bị coi là ngu xuẩn. Khi đưa cho anh cái rương, bố anh đã nói đùa: “Con sẽ giữ nó được bao lâu đây?” Và giờ thì cái rương quý giá ấy có thể đã mất rồi. Karl chẳng còn cách an ủi nào khác ngoài tự thuyết phục mình rằng bố anh khó mà biết được, dẫu cho có tiến hành điều tra, số phận món quà tặng của ông. Cái rương đã đến được New York, đó sẽ là tất tật những gì hãng tàu có thể nói. Nhưng Karl đau khổ nghĩ anh mới chỉ dùng đến rất ít những gì có trong hành lý của mình: chẳng hạn anh đã không thay áo sơ mi lâu rồi. Vậy là anh đã dè sẻn không phải lối; giờ đây ở khởi đầu của sự nghiệp, nhất thiết anh phải ăn vận sạch sẽ, thế mà anh sẽ phải mặc một chiếc sơ mi bẩn. Ngoài chi tiết này ra thì thiệt hại không quá lớn; bộ com lê anh đang mặc trên người hơn hẳn bộ cất trong rương, đó chỉ là quần áo thay thế mà thôi; thậm chí mẹ anh còn phải vá víu nó ngay trước chuyến đi. Anh cũng nhớ rằng trong cái rương có một mẩu xúc xích Verona mà mẹ anh đưa vào phút cuối cùng nhưng anh mới ăn được chút ít, vì trong suốt chuyến đi anh gần như ăn không ngon miệng và vì thấy đã quá đủ với món xúp phục vụ ở khoang dưới. Tuy nhiên, giờ đây, anh rất muốn có miếng xúc xích để có thể tặng cho người thợ đốt lò. Bởi vì những người này thì lấy lòng dễ lắm, chỉ cần tí chút mà thôi; Karl biết điều này từ bố anh, ông hay phân phát xì gà để mua chuộc tất cả nhân viên thuộc cấp trong công việc làm ăn. Giờ đây Karl chỉ có thể cho tiền, nhưng vào lúc này anh không muốn làm thế, vì còn chưa biết cái rương có bị mất hay không. Suy nghĩ của anh quay lại với cái rương ấy; anh không hiểu nổi tại sao mình đã trông chừng nó trong suốt chuyến đi, tới mức mất ngủ vì nó, thế mà rốt cuộc anh lại để nó bị lấy đi dễ dàng đến thế. Anh nhớ lại năm đêm anh đã liên tục ngờ vực ý định của một tay Slovak nhỏ thó, hắn nằm bên trái anh, cách anh một người. Tay Slovak này chỉ đợi đến lúc Karl, đã quá mệt, chợp mắt đi một giây, để móc lấy cái rương rồi kéo nó về phía mình bằng một cái que sắt dài mà hắn cứ chơi nghịch hoặc tập luyện mãi không thôi. Trong ngày, hắn có vẻ vô hại, nhưng cứ đến đêm là chốc chốc hắn lại dậy để buồn bã rình mò cái rương. Karl có thể nhận ra điều này rất rõ, bởi vì thường có ai đó, bị gặm nhấm bởi một nỗi lo đặc biệt hay thấy ở dân nhập cư, thắp một ngọn nến mặc dù làm thế là trái quy định, để mày mò đọc những tờ hướng dẫn thủ tục nhập cư rất khó hiểu. Những lúc có ánh sáng ở ngay kề bên như thế, Karl có thể thiếp đi một chốc, nhưng nếu không có gì sáng lên hoặc nếu cứ tối mãi thì anh phải mở mắt trừng trừng. Sự căng thẳng không ngưng nghỉ này làm anh kiệt sức, và thế rồi ngần ấy nỗ lực sắp mất tiêu hết cả! A! cái tay Butterbaum kia! nếu có khi nào anh tìm thấy hắn ở đâu đó!

Đúng lúc ấy vang lên từ rất xa, trong màn im lặng cho tới khi đó còn bao trùm, những tiếng động ngắn ngủi, nho nhỏ; nghe cứ như tiếng bước chân trẻ con, tiến lại gần chúng trở nên lớn hơn; có những người bình thản bước đi. Chắc họ nối đuôi nhau đi theo hàng dọc, như thế là bình thường trong một hành lang hẹp, và có thể nghe thấy tiếng lách cách của vũ khí. Karl, đã chực nằm ngả ra giường để vùi mình vào một giấc ngủ thoát hẳn được khỏi tụi Slovak và rương với hòm, hốt hoảng nhảy dựng lên và lấy cùi chỏ huých vào người thợ đốt lò để lưu ý ông ta, vì dường như đoàn người đã bắt đầu tới ngang cửa. “Đó là đội nhạc trên tàu,” người thợ đốt lò nói, “họ vừa chơi trên kia, giờ họ đi sắp xếp hành lý đấy. Xong rồi, ta đã có thể đi. Nào.” Ông ta cầm lấy tay Karl, vào giây phút cuối cùng còn tháo một bức ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh lồng khung treo phía trên cái giường, nhét nó vào túi áo vest, nhấc chiếc va li lên rồi vội vã cùng Karl rời khỏi căn buồng.

“Tôi đến chỗ văn phòng đây, tôi sẽ nói những gì tôi nghĩ với mấy ông ấy. Giờ không còn hành khách, chẳng cần phải giữ ý nữa rồi.” Người thợ đốt lò nhắc lại ý này theo nhiều cách nói khác nhau và nhân tiện, định dùng đế giày giẫm chết một con chuột chạy qua trước họ, nhưng rốt cuộc chỉ thu được kết quả là làm nó lẩn nhanh hơn vào một cái lỗ mà con thú chạy kịp tới. Vả lại người thợ đốt lò cử động rất chậm chạp; ông ta có hai cẳng chân dài, nhưng chúng quá nặng nề.

Họ đi qua một phòng của khu bếp, ở đó có các cô gái đeo tạp dề bẩn - bọn họ cố tình dây nước xốt lên đó - rửa bát trong những chậu gỗ lớn. Người thợ đốt lò gọi một cô tên là Line tới, ôm eo cô và lôi cô theo; cô õng ẹo tì người vào cánh tay ông ta. “Đi đòi tiền lương đây,” ông ta nói, “Em đi cùng không?” “Sao lại phải bắt em làm thế?” cô đáp. “Mang tiền về cho em là được rồi!” Và cô luồn xuống dưới tay ông để bỏ chạy. “Ông nhặt đâu được anh chàng bảnh trai đó đấy?” cô hét lên với ông ta nhưng không đợi câu trả lời. Tất cả các cô gái rộ lên cười, tạm thời ngừng rửa bát.

Về phần mình, họ đi tiếp, và đến một cánh cửa phía trên có một gồ tường đỡ bên dưới bởi những bức tượng hình người nhỏ mạ vàng. Trên một con tàu cách trang trí này thực sự là một sự hoang phí. Karl nhận ra mình chưa bao giờ tới phần này của con tàu; trong chuyến đi hẳn nó được dành cho hành khách hạng nhất và hạng nhì, và giờ đây chắc người ta đã gỡ bỏ các barie để tiến hành cọ rửa tổng thể. Quả thật họ gặp nhiều người vai vác chổi, những người này chào hỏi người thợ đốt lò. Karl ngạc nhiên vì con tàu có vẻ xa xỉ quá; lẽ dĩ nhiên ở khoang dưới anh chẳng thể nào ngờ được đến điều này. Chạy dọc theo các hành lang là những đường dây điện và ta nghe thấy tiếng một cái chuông nhỏ rung liên hồi.

Người thợ đốt lò kính cẩn gõ vào cánh cửa và, khi có tiếng “Vào đi!”, bảo Karl bước vào không phải sợ gì. Thế là Karl bước vào, nhưng dừng lại ngay gần cửa. Qua ba cửa sổ của căn phòng, anh nhìn thấy sóng đại dương bên ngoài, và tim anh đập rộn khi ngắm những chuyển động vui tươi của chúng, như thể trong suốt năm ngày vừa rồi không phải giây phút nào anh cũng nhìn thấy biển. Những con tàu lớn cứ đường mình mà đi, chỉ bị xao động bởi chuyển động của những con sóng trong chừng mực trọng lượng của chúng cho phép. Nheo mắt lại, ta có cảm tưởng chúng lắc lư vì trọng lượng của chính chúng. Trên đỉnh cột buồm chính các con tàu treo những lá cờ dài nhưng hẹp khổ căng ra trong không khí vì tốc độ tàu chạy nhưng vẫn phấp phới. Vang lên những loạt đạn; chắc hẳn các tàu chiến đang chào mừng; những khẩu đại bác của một con tàu ấy, đi ngang qua từ khoảng cách rất gần, lấp lánh dưới ánh nắng và như thể đung đưa theo chuyển động vững chãi và thật lặng lẽ của con tàu, nhưng không hoàn toàn chỉ theo chiều ngang. Ta chỉ có thể nhìn thấy các tàu nhỏ hơn và những con thuyền từ xa, ít nhất là từ cánh cửa nơi Karl đang đứng, chúng đi lại ở những khoảng trống giữa các tàu lớn. Nhưng ở phía sau là New York sừng sững, những tòa nhà chọc trời nhìn Karl với cả trăm nghìn cửa sổ của chúng. Đúng, thực sự là trong căn phòng này ta biết mình đang ở đâu.

Ba người đàn ông ngồi quanh một cái bàn tròn: một là sĩ quan của tàu mặc quân phục màu xanh lơ, hai người kia là công chức hành chính cảng trong đồng phục đen mà người ta hay mặc ở Mỹ. Trên bàn chất đống tài liệu đủ loại; viên sĩ quan, bút cầm trên tay, đưa mắt lướt qua chúng rồi đưa cho hai người kia, lúc thì họ đọc, lúc thì họ chọn lựa, lúc thì họ cho chúng vào cặp của mình, trừ phi một trong hai người, có hàm răng gần như không ngừng tạo ra một tiếng động nho nhỏ, không đọc cho đồng nghiệp ghi một biên bản.

Trước cửa sổ, ngồi bên một cái bàn, lưng quay ra cửa, một ông nhỏ thó hí hoáy với những tập tài liệu khổ lớn dựng theo chiều thẳng đứng trước mặt ông ta trên một thanh giá dày đặt ngang tầm mắt. Cạnh ông ta là một két sắt mở nắp hình như trống rỗng nếu chỉ thoáng nhìn qua.

Cửa sổ thứ hai không có ai và có thể nhìn ra ngoài rõ hơn. Nhưng có hai ông che khuất một phần cửa sổ thứ ba, họ thấp giọng nói chuyện với nhau. Một người dựa vào bên cạnh cửa sổ; ông ta cũng mặc quân phục trên tàu và lấy tay nghịch đốc thanh kiếm đang đeo. Người còn lại quay mặt ra cửa sổ và đôi lúc dịch chuyển khiến ta nhìn thấy một phần những tấm huy chương đeo thành hàng trên ngực người kia. Ông ta mặc một bộ com lê dân sự và có một cây gậy tre mảnh, vì hai tay ông ta chống nạnh nên trông nó cũng giống một thanh kiếm.

Karl chỉ nhìn được toàn bộ cảnh tượng trong thoáng chốc: một anh hầu đã nhanh chóng lao tới chỗ những người mới đến và hỏi người thợ đốt lò đến đây làm gì, nhìn ông ta như thể chỗ của ông ta là nơi khác. Người thợ lò trả lời, giọng cũng thật nhỏ như khi được hỏi, rằng ông ta muốn nói chuyện với ông Thủ quỹ. Anh hầu phẩy tay để từ chối, nhưng dẫu vậy vẫn đi nhón chân, bước theo một vòng cung thật lớn để tránh cái bàn tròn, về phía cái ông đang bận bịu với đồng hồ sơ. Ông kia - có thể nhìn rất rõ - thực sự đông cứng người lại khi nghe những lời của anh hầu; tuy nhiên cuối cùng ông ta cũng quay về phía người muốn nói chuyện với mình và, để hẩy đi lời yêu cầu, nghiêm nghị vẫy hai tay về phía người thợ lò, rồi, để cho cẩn thận, vẫy cả về phía anh hầu. Thế là anh hầu bèn quay về chỗ người thợ lò và nói với ông ta, giọng như tâm sự: “Biến đi ngay lập tức.”

Người thợ đốt lò, trước câu trả lời này, quay sang nhìn Karl như thể Karl là trái tim ông ta và ông ta muốn trao gửi cho anh nỗi khổ tâm của mình. Không suy nghĩ gì nữa, Karl lao vào, chạy ngang qua căn phòng, thậm chí còn chạm nhẹ vào cái ghế của viên sĩ quan; anh hầu đuổi theo, người đổ về trước, hai cánh tay vươn ra để tóm lấy anh, như thể đang chạy bắt côn trùng, nhưng Karl đến được chỗ bàn ông Thủ quỹ trước, anh bíu chặt vào đó phòng trường hợp anh hầu định lôi anh đi.

Lẽ dĩ nhiên cả căn phòng liền rộn lên. Viên sĩ quan của tàu ngồi ở bàn nhảy dựng lên, hai ông công chức bến cảng bình tĩnh nhìn, nhưng rất chăm chú; hai ông ở cửa sổ sáp lại gần nhau và anh hầu, nghĩ rằng vai trò của mình đã kết thúc vào lúc các sếp quan tâm đến vụ việc, rút lui ra một xó. Người thợ đốt lò, đứng ở cửa, đầy kích động đợi đến lúc mình cần can thiệp. Rốt cuộc, ông Thủ quỹ quay mạnh người sang phải trên chiếc ghế phô tơi.

Karl lục tìm trong cái túi bí mật, mà anh không ngần ngại trưng bày trước mấy ông kia, và rút ra hộ chiếu của mình, anh mở nó ra đặt xuống bàn như muốn tự giới thiệu. Ông Thủ quỹ có vẻ coi thứ giấy tờ ấy chẳng mấy quan trọng, ông ta búng tay gạt nó sang bên, thế nên Karl cất giấy tờ của mình đi, như thể màn chào hỏi đã được thực hiện một cách ổn thỏa.

“Tôi xin được phép nói,” anh cất tiếng, “rằng theo tôi ông thợ đốt lò là nạn nhân của một sự bất công. Ở đây có một người tên là Schubal cứ liên tục ức hiếp ông ấy. Tuy nhiên ông thợ đốt lò đã phục vụ rất mỹ mãn trên nhiều con tàu, mà ông ấy có thể nêu tên với các ông; ông ấy chăm chỉ, ông ấy coi trọng công việc của mình và thực sự không thể nghĩ ông ấy không đủ sức làm việc trên con tàu này, nơi công việc không ở mức khủng khiếp như trên các thuyền buôn chẳng hạn. Vậy nên chỉ có thể là những lời vu khống làm vướng bước tiến của ông ấy và tước đoạt khỏi ông ấy lòng tôn trọng, thứ mà chắc chắn ông ấy xứng đáng được hưởng. Tôi vừa mới chỉ trình bày vụ việc một cách đại khái, ông ấy sẽ tự nói cho các ông chi tiết những lời khiếu nại của ông ấy.” Karl nói với tất cả những người có mặt trong phòng bởi vì quả thật họ đều đang lắng nghe và bởi vì có vẻ như sẽ dễ tìm ra một người công chính trong số họ hơn là ngay từ đầu đã nghĩ người công chính ấy là ông Thủ quỹ. Thêm nữa, vì mưu mẹo ngoại giao, Karl đã không nói anh chỉ mới vừa quen biết người thợ đốt lò. Vả lại hẳn anh đã nói hay hơn nhiều nếu không bị rối trí bởi khuôn mặt đỏ lựng của cái ông đeo gậy tre mà lúc này, ở vị trí mới, anh mới có thể nhìn rõ.

“Đó hoàn toàn là sự thật,” người thợ đốt lò tuyên bố trước khi bất kỳ ai kịp hỏi ông ta điều gì, và trước cả khi bất kỳ ai nghĩ đến chuyện nhìn ông ta. Sự mau mắn này lẽ ra đã là một sai lầm lớn nếu cái ông đeo nhiều huy chương - là Thuyền trưởng, rất chắc chắn, Karl đột nhiên hiểu ra - không nghĩ, rõ ràng là vậy, rằng phải lắng nghe người khiếu nại. Ông ta bèn chìa tay ra và kêu lên với người thợ đốt lò: “Lại gần đây,” giọng chắc nịch như có thể lấy búa nện lên. Giờ đây mọi việc tùy thuộc vào cách cư xử của người thợ lò, vì Karl không mảy may ngờ vực chuyện ông ta tuyệt đối có lý.

Thật may mắn vì hoàn cảnh này cho thấy người thợ đốt lò đã bị thế giới chà đạp khủng khiếp. Với một sự bình thản mẫu mực ông ta rút ngay từ cái va li nhỏ ra một quyển sổ và một tập giấy, rồi, như thể điều đó là hiển nhiên, lờ tịt ông Thủ quỹ, đi tới chỗ Thuyền trưởng, bày giấy tờ của mình trên bệ cửa sổ cho ông ta xem. Ông Thủ quỹ chỉ còn cách cũng phải tiến đến chỗ họ. “Anh này nổi tiếng vì phàn nàn suốt ngày,” ông ta nói như để giải thích, “người ta thấy anh ta ở văn phòng nhiều hơn ở phòng máy. Anh ta đã làm cho Schubal khốn khổ phải tuyệt vọng khủng khiếp, mà Schubal lại là một người rất hiền lành. Hãy biết rằng,” ông ta nói thêm, quay mặt về phía người thợ đốt lò, “rằng anh đã đi quá giới hạn. Đã bao nhiêu lần người ta phải tống khứ anh ra khỏi phòng phát lương, mà làm thế là đúng, với tất tần tật những mè nheo tuyệt đối quá quắt và sai trái của anh! Đã bao nhiêu lần anh chạy thẳng từ đó lên văn phòng đây! Đã bao nhiêu lần người ta nói với anh, vì lợi ích của anh, rằng Schubal là cấp trên trực tiếp của anh và anh phải dàn xếp với ông ấy, như một thuộc cấp biết điều! Thế mà hôm nay anh lại còn cả gan đến đây vào đúng lúc ngài Thuyền trưởng có mặt nữa, anh dám quấy rầy cả ngài ấy, thậm chí anh còn chẳng đỏ mặt xấu hổ vì đã dẫn theo cái anh chàng này làm người phát ngôn nói năng trơn tru cho những lời cáo buộc tồi tệ của anh, thêm nữa tôi mới chỉ nhìn thấy anh ta lần đầu trên tàu!”

Karl phải cố kiềm chế lắm mới không nhảy dựng lên. Nhưng ở đây đã có ông Thuyền trưởng, ông ta nói: “Ta hãy lắng nghe người này nói một lần. Dẫu sao thì tôi cũng thấy gần đây Schubal hơi có vẻ hách dịch quá, nhưng tôi nói điều đó chẳng phải là để ủng hộ anh đâu.” Những lời cuối này là dành cho người thợ đốt lò; ông Thuyền trưởng đâu có thể ngay tắp lự đứng về phe người đàn ông này, dĩ nhiên là vậy, nhưng mọi thứ đều có vẻ đang thuận lợi. Người thợ đốt lò bắt đầu giải thích và ngay từ đầu đã tỏ ra tự chủ, gọi Schubal là “ông”. Karl hết sức sung sướng, ở chỗ cái bàn mà ông Thủ quỹ đã rời đi, anh không ngừng nghịch ngợm ấn xuống khay của cái cân giấy. Ông Schubal đã bất công! Ông Schubal đã đứng về phía quyền lợi của đám người nước ngoài! Ông Schubal đã đuổi người thợ đốt lò khỏi phòng máy để bắt ông ta dọn toa lét, tuy rằng chắc chắn đó không phải là việc của ông ta! Thậm chí có lần năng lực của ông Schubal còn bị nghi ngờ; năng lực ấy hình như chỉ có vẻ bề ngoài chứ không phải là thực. Đến đây, Karl dồn hết sức chăm chăm nhìn ông Thuyền trưởng, như thể anh là đồng nghiệp của ông ta, để ông ta đừng xoay sang bực bội do cách trình bày của người thợ đốt lò có phần vụng về. Tuy nhiên, từ ngần ấy lời lẽ, người ta không biết được điều gì thật cụ thể và, mặc dù ông Thuyền trưởng tiếp tục nhìn ra trước mặt, với quyết tâm in rõ trong mắt là lần này sẽ lắng nghe người thợ đốt lò cho đến hết, các ông khác bắt đầu sốt ruột và giọng của người thợ đốt lò từ lâu đã không còn ngự trị mạnh mẽ trong căn phòng, điều này rất đáng lo ngại. Đầu tiên là ông vận đồ dân sự vung vẩy cây gậy tre và đập nhè nhẹ xuống sàn. Các ông khác, dĩ nhiên rồi, thỉnh thoảng nhìn ông ta làm vậy; mấy ông bên chính quyền bến cảng, tất nhiên đang vội, lại đặt tay lên đống giấy tờ và bắt đầu lật chúng ra xem, mặc dù không mấy chú tâm; viên sĩ quan của tàu tiến lại gần cái bàn của mình, còn ông Thủ quỹ, nghĩ rằng mình đã chiến thắng, phát ra một tiếng thở dài đầy mỉa mai. Chỉ anh hầu dường như không bị nhiễu bởi không khí lơ đãng chung; anh ta có phần cảm thông với nỗi đau đớn của con người khốn khổ giữa những ông lớn kia và hăng hái gật gật đầu với Karl như để giải thích một điều gì đó.

Dẫu sao trước các cửa sổ cuộc sống của bến cảng vẫn tiếp tục, một cái sà lan chất cả núi thùng hẳn phải được giữ cân bằng một cách kỳ diệu để không bị lăn, thiếu điều thì nhấn chìm căn phòng vào bóng tối khi lướt qua; những chiếc xuồng máy nhỏ, mà giờ đây Karl có thể ngắm nhìn thoải mái nếu anh có thời gian, có đường đi thẳng như kẻ chỉ, tuân theo từng điều chỉnh nhỏ của những người đứng sau bánh lái. Những thứ dị thường và rất nhẹ ló ra từ mặt nước xao động để rồi lại bị mặt nước xao động trùm lên, làm chúng biến mất đi trước những ánh mắt kinh ngạc; những chiếc xuồng của các tàu chạy đường dài tiến lên theo nhịp mái chèo của các thủy thủ đang thao tác khó nhọc; chúng chở đầy hành khách, ngồi bừa phứa trên đó, như thể bị nhồi nhét sau khi bị đẩy cả đống lên, ngoan ngoãn và vô cùng chăm chú, mặc dù một số người không thể tự ngăn mình ngoái đầu để ngắm nhìn những thay đổi của khung cảnh. Đó là một chuyển động không ngừng nghỉ, một sự náo động từ những gì náo động truyền tới những người khốn khổ và các hoạt động của họ.

Mọi thứ đều thúc giục phải khẩn trương lên, phải gọn ghẽ, phải giải thích hết sức cụ thể; nhưng người thợ đốt lò làm gì? Ông ta nói năng rối bời; từ một lúc lâu ông ta đã không còn có thể giữ những giấy tờ kia trên bệ cửa sổ bằng đôi tay run rẩy; ông ta khiếu nại về Schubal từ bất kỳ hướng nào, theo ông ta trong đó điều nhỏ nhất cũng đủ để diệt trừ kẻ xảo trá kia, nhưng những gì ông ta nói với ông Thuyền trường thực chất chỉ là một mớ lùng nhùng buồn thảm. Ông có cây gậy tre đã huýt sáo nho nhỏ từ một lúc, nghểnh mũi lên trần nhà; các ông bên chính quyền bến cảng giữ viên sĩ quan ở bàn họ và không tỏ vẻ muốn thả ông ta ra; chỉ sự bình thản của ông Thuyền trưởng còn làm cho ông Thủ quỹ phải do dự không dám đột ngột can thiệp, điều đó thấy rõ, còn anh hầu đứng nghiêm thì đợi bất kỳ lúc nào sếp mình cũng có thể ban một mệnh lệnh liên quan đến người thợ đốt lò.

Đứng trước tình hình này Karl không thể cứ đờ ra như thế. Anh bèn chậm rãi tiến đến chỗ nhóm người, vội vã suy nghĩ cách thức khéo léo nhất để tham gia. Và thực sự đã gấp gáp lắm rồi; chỉ vài giây nữa thôi chắc hẳn cả hai sẽ bị tống ra khỏi cửa. Ông Thuyền trưởng có là một người trung hậu đi chăng nữa, thậm chí vào lúc này, như Karl mường tượng, ông ta có một lý do đặc biệt nào đó để tỏ ra mình là một ông sếp công bằng, thì xét cho đến cùng ông ta cũng chẳng phải một đối tượng để người ta đùa bỡn; thế nhưng người thợ đốt lò lại đang đối xử với ông ta như vậy, dẫu cho bị thúc đẩy bởi một tâm hồn nổi giận.

Thế nên Karl nói với người thợ đốt lò: “Ông phải giải thích đơn giản hơn, rõ ràng hơn; ông Thuyền trưởng không thể xem xét những lời khiếu nại của ông nếu ông trình bày chúng như vậy. Ông ấy có biết tên họ của từng thợ máy và từng nhân viên chạy việc trên tàu để mà có thể ngay lập tức hiểu ra khi ông nêu tên một ai đó không? Thế nên ông hãy sắp xếp lại những lời phàn nàn, bắt đầu bằng điều chính yếu rồi sau đó mới nói đến các điểm khác, kết thúc bằng những thứ ít quan trọng nhất; thậm chí theo cách này ông sẽ chẳng cần nhắc tới phần lớn chúng. Vừa nãy lúc chỉ nói chuyện với một mình tôi thì ông trình bày sao mà sáng sủa thế!” Và để tự biện minh, anh nghĩ rằng tại Mỹ người ta có thể ăn cắp rương hòm, thì ta cũng có quyền nói đây nói đó một lời dối trá nho nhỏ.

Chà! giá như lời nói dối này ít ra có ích!… Chẳng phải đã quá muộn rồi ư? Người thợ đốt lò nghe thấy giọng nói quen thì bặt tiếng ngay; nhưng với cặp mắt ầng ậc nước bởi cảm giác mất mát phẩm cách, những kỷ niệm đáng sợ và nỗi hoảng hốt hiện tại, ông ta đã không sao còn nhận ra Karl được nữa. Giờ đây làm sao mà ông ta có thể - Karl nhận ra điều đó thật rõ trước người đàn ông đang im tiếng này - làm sao mà ông ta có thể đột nhiên thay đổi cách nói năng, chắc ông ta phải cảm thấy mình đã nói mọi điều cần nói, mà không đưa ra được gì làm bằng chứng và, ngược lại, ông ta đã chẳng nói gì, không thể nghĩ các ông kia còn chịu lắng nghe thêm nữa. Và chính vào lúc này thì Karl, người duy nhất ủng hộ ông ta, lại hiện ra để cho ông những lời khuyên tốt đẹp, nhưng chỉ đủ sức cho ông ta thấy rằng mọi thứ đã hỏng hẳn rồi.

“Tại sao mình lại không tới sớm hơn thay vì nhìn ra ngoài cửa sổ cơ chứ?” Karl tự hỏi. Đứng đó trước người thợ đốt lò, anh cúi đầu và buông thõng hai tay dọc theo đường chỉ quần để đánh dấu chấm hết cho mọi hy vọng.

Nhưng người thợ đốt lò hiểu nhầm ý nghĩa của cử chỉ này; hẳn ông ta đánh hơi thấy ở Karl vài lời trách móc ngấm ngầm và, với ý định đuổi chúng khỏi tâm trí anh, ông ta lại còn quay sang cãi cọ với Karl. Ngay vào lúc mấy ông ở cái bàn tròn cảm thấy bực mình vì sự ồn ào vô tích sự quấy rầy những công việc quan trọng của họ, lúc ông Thủ quỹ, rốt cuộc không còn hiểu nổi sự kiên nhẫn của ông Thuyền trưởng, chuẩn bị bùng nổ đến nơi, lúc anh hầu, bị thái độ của các ông chủ kìm giữ, chằm chằm nhìn người thợ đốt lò bằng ánh mắt phẫn nộ, và lúc ông mang cây gậy tre - đôi khi ông ta được ông Thuyền trưởng nhìn với vẻ thân thiết - tỏ vẻ hoàn toàn không quan tâm đến người thợ đốt lò, phải, thậm chí còn thấy kinh tởm, rút ra một quyển sổ và, rõ ràng đang bận rộn với những sự vụ rất xa lạ với khung cảnh đang diễn ra, cứ liên tục nhìn từ Karl sang quyển sổ.

“Tôi biết rõ mà,” Karl nói, anh khó nhọc đánh lạc hướng nỗi tức tối của người thợ đốt lò - nỗi tức tối giờ đây chĩa thẳng vào anh - nhưng dẫu vậy anh vẫn giữ trên môi nụ cười hòa nhã trong suốt cuộc cãi cọ, “tôi biết rõ mà; ông nói đúng, tôi chẳng hề nghi ngờ điều đó.” Anh những muốn, vì sợ bị đánh, giữ lấy hai bàn tay ông ta cứ vung vẩy không yên hoặc, sẽ còn tốt hơn nữa, kéo ông ta ra một góc để thì thầm với ông ta vài lời xoa dịu, không để ai khác nghe thấy. Nhưng người thợ đốt lò đang sôi sục và Karl thậm chí đã tìm niềm khuây khỏa trong ý nghĩ rằng nếu cần người thợ đốt lò hoàn toàn có thể, với niềm tuyệt vọng trợ sức, xử lý cả bảy người đang có mặt ở đây. Trên bàn - liếc một cái anh đã thấy - có một tấm bảng gồm vô cùng nhiều nút điện: chỉ cần ấn tay lên đó là ta có thể làm nổ tung cả con tàu với tất tật những hành lang của nó, vốn chứa đầy những kẻ thù địch.

Chính vào lúc ấy ông mang cây gậy tre, tới đây hãy còn dửng dưng với toàn bộ câu chuyện, tiến lại gần Karl và hỏi, không lên giọng nhưng âm lượng đủ để át đi tiếng ồn: “Anh tên là gì thế?” Cùng lúc đó, như thể có ai đó đằng sau cánh cửa chỉ đợi câu hỏi ấy, vang lên hai tiếng gõ. Anh hầu đưa mắt dò hỏi ông Thuyền trưởng, ông ta gật đầu. Anh hầu đi ra mở cửa. Bên ngoài, trong bộ quân phục hải quân hoàng gia Đức cũ kỹ, là một người đàn ông tầm thước dường như chẳng gì đặc biệt cho thấy là làm công việc máy móc, và thế nhưng đó lại là… Schubal. Nếu Karl không ngay tắp lự nhận ra ông ta thông qua biểu hiện của tất tật những con mắt để lộ một sự hài lòng nào đó vào lúc ấy, kể cả bản thân ông Thuyền trưởng, thì anh cũng buộc phải hiểu ra nhờ thái độ của người thợ đốt lò, ông ta siết chặt hai nắm tay, gồng bắp tay lên, như thể ở ông ta chẳng gì còn có thể quan trọng cho bằng cái trò cơ bắp này, ông ta sẵn sàng hy sinh mọi thứ ông sở hữu trên đời cho nó: ở trong nó dồn tụ tất tật sức mạnh của ông ta, kể cả sức mạnh đang giúp ông đứng cho vững.

Vậy là kẻ thù đang ở đây, dáng vẻ tự do và thư thái, trong trang phục bảnh bao, với một tập hồ sơ kẹp dưới nách - chắc hẳn trong đó có bảng lương và bản ghi quá trình làm việc của người thợ đốt lò - và lần lượt nhìn ánh mắt những người ở đó, chẳng hề ngượng ngùng đánh giá tâm trạng từng người. Cả bảy người kia đều là bạn của ông ta, vì cho dù ông Thuyền trưởng đã có, hoặc tỏ vẻ như vậy, một số điều phản đối ông ta, thì sau tất cả những gì người thợ đốt lò đổ lên đầu ông ta, chẳng còn gì để trách cứ Schubal nữa. Người ta không thể quá nặng tay với một người như ông thợ đốt lò, và nếu Schubal có lỗi gì, thì đó là bởi ông ta đã không bẻ gãy được tinh thần phản kháng của người thợ đốt lò đúng lúc nhằm ngăn chặn ông ta cả gan đến gặp ông Thuyền trưởng hôm nay.

Nhưng dường như sẽ hợp lý nếu nghĩ cuộc chạm trán giữa hai địch thủ trước những người ở đây cũng sẽ có cùng hiệu ứng như vậy trước một hội đồng cấp cao hơn, bởi vì dẫu Schubal có biết cách che giấu đến đâu, hẳn ông ta cũng sẽ không thể như vậy mãi cho đến cùng. Chỉ cần thoáng một chút thôi là toàn bộ sự hiểm độc của ông ta sẽ lộ ra trước những người kia, và Karl muốn khơi gợi điều này. Anh đã tìm hiểu được gần như thấu đáo những điểm yếu và tâm trạng của mỗi người ở đây; về khía cạnh này, thời gian trôi qua trong căn phòng không hề phí phạm. Giá kể người thợ đốt lò vững vàng hơn, nhưng có vẻ như ông ta không còn khả năng chiến đấu. Giả dụ người ta túm chặt lấy cái tay Schubal thì chắc là ông ta có thể đập vỡ cái đầu căm ghét kia. Thế nhưng ông ta gần như chẳng đủ sức đi vài bước đến chỗ kẻ thù. Vậy thì tại sao Karl lại không lường được điều tuy vậy lại rất dễ lường trước: rằng thế nào Schubal cũng sẽ đến, nếu không phải tự ý thì cũng là theo lệnh của ông Thuyền trưởng? Tại sao Karl, cùng người thợ đốt lò, trên đường đi lại không dựng ra một kế hoạch tác chiến cụ thể thay vì chẳng hề chuẩn bị gì hết mà lại nghĩ thế là đã đủ để bước qua cánh cửa? Người thợ đốt lò có còn đủ sức dù chỉ để cất lời hay không? ông ta có thể trả lời có hay không để tiến hành cuộc đối chất, mà sẽ chỉ có đối chất trong trường hợp thuận lợi hơn cả? Ông ta đứng đó, hai chân giạng ra, đầu gối hơi khuỵu xuống, đầu hơn nhếch lên, và không khí qua lại cái miệng mở to của ông ta như thể trong người ông ta không có phổi để điều hòa không khí nữa. Dẫu sao, Karl cảm thấy mạnh mẽ hơn, bình tĩnh hơn mọi lúc khác, khi còn ở nhà. Giá mà bố mẹ khốn khổ của anh được nhìn thấy anh ở đây, chứng kiến anh chiến đấu bảo vệ điều tốt, trên một mảnh đất xa lạ, trước những nhân vật máu mặt, và tuy còn chưa chiến thắng nhưng anh đã can đảm chuẩn bị sẵn để thực hiện cuộc tấn công sau chót! Nếu được dự vào cảnh tượng này, họ có thay đổi ý kiến về anh không? Họ có ngồi vây quanh con trai họ để khen ngợi không? Họ có nhìn một lần vào mắt anh để thấy trong đó có biết bao nhiêu sự tận tụy hay không? Những câu hỏi thật nhiều nghi ngờ, mà thời điểm thì thật không thích hợp để đặt ra!

“Tôi đến đây vì tôi nghĩ anh thợ đốt lò buộc tội tôi về những sự thiếu trung thực. Một cô gái làm việc ở bếp nói với tôi rằng cô ấy thấy anh ta đi qua. Thưa Thuyền trưởng và các ngài, tôi sẵn sàng bác bỏ mọi lời cáo buộc, với giấy tờ làm bằng chứng và, nếu cần, với những nhân chứng không thiên vị và không định kiến đang ở ngay ngoài cửa.” Schubal nói thế. Đó là những lời lẽ rõ ràng của một con người và, căn cứ vào sự thay đổi nét mặt của những người đang lắng nghe, tưởng chừng đã lâu rồi họ mới được nghe thấy một tiếng nói con người. Lẽ dĩ nhiên họ không nhận ra rằng những lời đẹp đẽ kia đầy rẫy khiếm khuyết. Tại sao ý quan trọng đầu tiên nảy ra trong đầu Schubal lại là “những sự thiếu trung thực”? Lời cáo buộc có nên trước hết hướng vào điểm này thay vì bắt đầu bằng những thiên vị liên quan đến quốc tịch hay không? Có một cô gái dưới bếp nhìn thấy người thợ đốt lò đi tới chỗ văn phòng, chỉ cần như thế Schubal đã rút ngay được kết luận ư? Là cảm giác tội lỗi khiến ông ta hiểu ngay ra? Và ông ta đã dẫn theo các nhân chứng, lại còn là các nhân chứng không thiên vị và không định kiến? Một trò lừa đảo, một trò lừa đảo lớn! Thế mà các ông kia lại chịu tin và nghĩ đó là cách cư xử đúng đắn? Tại sao Schubal đợi lâu đến vậy mới chịu tới sau khi nghe cô gái ở bếp mách lại? Lẽ dĩ nhiên, chẳng có mục đích nào khác ngoài để cho người thợ đốt lò làm những ông kia mệt mỏi đến nỗi họ dần dà đánh mất sự sáng suốt trong óc đánh giá của mình, sự sáng suốt ấy chính là mối nguy lớn nhất mà Schubal phải e ngại. Chẳng phải ông ta đã chờ trước khi gõ cửa - bởi vì chắc chắn ông ta đã rình - chẳng phải ông ta đã chờ, chỉ gõ cửa khi nghe thấy một câu hỏi chẳng hề liên quan cho phép hy vọng người ta đã xong việc với người thợ đốt lò.

Mọi thứ đều sáng sủa, và mặc dù không muốn Schubal chỉ xác nhận điều đó, nhưng vẫn cần làm các ông kia hiểu một cách quyết liệt hơn. Họ phải bị rung chuyển. Karl phải khẩn trương tận dụng thời gian cho có lợi trước khi những nhân chứng kia xuất hiện nhấn chìm đi mọi thứ.

Nhưng ông Thuyền trưởng, đúng vào lúc này, ra hiệu bảo Schubal ngừng nói. Vụ việc của ông ta có vẻ đã xếp lại, Schubal rút lui ra một chỗ và bắt đầu nhỏ giọng nói chuyện với anh hầu, anh ta đã ngay tắp lự xích lại gần ông ta, cuộc trò chuyện ấy được điểm xuyết bằng những ánh mắt liếc xéo về phía Karl và người thợ đốt lò, cùng những động tác tay rất kiên quyết. Vẻ như là ông ta đang chuẩn bị cho bài diễn văn hùng hồn của mình.

“Chẳng phải lúc nãy ông muốn đặt cho chàng trai trẻ này một câu hỏi sao, ông Jakob?” giữa sự im lặng chung, ông Thuyền trưởng hỏi ông mang cây gậy tre.

“Đúng thế,” ông ta đáp, cảm ơn sự quan tâm bằng cách hơi cúi người xuống. Và ông ta hỏi Karl: “Chàng trai trẻ, anh tên là gì thế?”

Karl, nghĩ rằng sẽ có lợi cho vụ việc lớn nếu giải quyết nhanh chóng cái sự cố gây ra bởi một người cứ bướng bỉnh muốn đặt câu hỏi này, cộc lốc nói tên mình mà không trình ra như lệ thường tấm hộ chiếu mà anh sẽ phải tìm trước đó: “Karl Roßmann.”

“Nhưng…,” cái ông được gọi là Jakob nói, rồi lùi lại ngay lập tức với một nụ cười gần như nghi hoặc. (Và ông Thuyền trưởng, ông Thủ quỹ, viên sĩ quan của tàu, cả anh hầu nữa tỏ ra vô cùng kinh ngạc khi nghe thấy họ của Karl; chỉ các ông bên chính quyền bến cảng, cũng như Schubal, tiếp tục giữ thái độ hờ hững.)

“Nhưng…,” ông Jakob nhắc lại, tiến về phía Karl với một bước chân hơi cứng nhắc, “nhưng thế thì tôi là ông cậu Jakob của anh còn anh là người cháu thân yêu của tôi! Tôi đã bắt đầu ngờ là vậy được một lúc rồi mà,” ông nói thêm, hướng về phía ông Thuyền trưởng trước khi sáp lại gần và ôm hôn Karl, anh để mặc mọi chuyện diễn ra mà không nói gì.

“Ông tên là gì?” đến lượt mình Karl hỏi, chắc hẳn là hết sức lịch sự, nhưng không kèm chút cảm xúc nào (anh cố dự đoán xem sự kiện này sẽ gây những tác động nào đến vụ việc của người thợ đốt lò. Lúc này chẳng có gì chỉ ra rằng Schubal sẽ được lợi từ chuyện ấy).

“Anh phải hiểu hạnh phúc của anh chứ, chàng trai,” ông Thuyền trưởng nói, nhìn thấy trong câu hỏi của Karl một sự xúc phạm đến phẩm giá của ông Jakob. (Ông đã đi ra cửa sổ để che giấu nỗi xúc động hiện ra trên khuôn mặt mình và lấy một cái khăn mùi soa lau đi.) “Anh phải hiểu hạnh phúc của anh chứ, chàng trai, đích thân ngài Nghị sĩ Edward Jakob nhận là cậu của anh đấy! Một sự nghiệp xán lạn đang chờ đón anh, trái ngược với mọi dự đoán của anh. Hãy cố mà hiểu điều đó hết mức có thể vào lúc này và hồi tâm đi.”

“Tôi,” Karl nói và quay sang ông Thuyền trưởng, “có một ông cậu Jakob ở Mỹ nhưng, nếu tôi hiểu đúng, Jakob là họ của ngài Nghị sĩ phải không?”

“Đúng thế đấy,” ông Thuyền trưởng đáp, có chút sốt ruột.

“Vâng, nhưng cậu Jakob của tôi, em trai của mẹ tôi, tên là Jakob cơ mà; họ của cậu phải giống họ của mẹ tôi chứ, nhũ danh của mẹ tôi là Bendelmayer!”

“Thưa các ông,” ông Nghị sĩ kêu lên, nhanh nhẹn từ chỗ mà ông đang lui về bên cửa sổ quay trở lại với lời giải thích của Karl, và tất cả phá lên cười, ngoài các công chức bến cảng, một số như thể bị xúc động, số khác vì những lý do không thể hiểu được.

“Điều mình vừa nói đâu có lố bịch đến thế!” Karl nghĩ.

“Thưa các ông,” ông Nghị sĩ nhắc lại, “các ông đang, mà không định, tôi cũng không định thế, dự vào một hoạt cảnh gia đình, và bởi vậy tôi không thể ngăn mình giải thích với các ông, vì tôi nghĩ ông Thuyền trưởng - lời này tạo ra hai cú cúi người qua lại - là người duy nhất biết rõ mọi chuyện.” “Giờ thì mình phải thực sự chú ý đến từng lời rồi đây,” Karl tự nhủ, hết sức sung sướng vì khi liếc nhìn sang bên, anh đã thấy khuôn mặt người thợ đốt lò bắt đầu có sức sống trở lại.

“Trong cuộc lưu trú của tôi ở Mỹ - từ lưu trú dĩ nhiên không thực sự thích hợp ở đây đối với người công dân Mỹ mà tôi đã trở thành với toàn bộ tâm hồn - tôi sống đã nhiều năm dài hoàn toàn chia cách với họ hàng bên châu Âu của tôi, vì những nguyên nhân trước hết sẽ không liên quan ở đây, sau nữa tôi sẽ không thể trình bày chúng mà không bị xúc động quá nhiều. Thậm chí tôi còn e ngại thời điểm tôi sẽ phải kể cho người cháu thân yêu của tôi, thật không may tôi sẽ không thể làm việc ấy mà tránh được một lời chân tình về bố mẹ nó và những người liên quan đến họ.”

“Đây là ông cậu của mình, không còn nghi ngờ gì nữa,” Karl vừa dỏng tai lên nghe vừa tự nhủ, “chắc cậu ấy đã đổi họ.”

“Bố mẹ của người cháu thân yêu của tôi đã… - ta hãy nói điều này ra bởi vì đó là điều duy nhất thực sự chỉ rõ mọi việc - đã đuổi nó đi như tống khứ một con mèo ra ngoài cửa vì nó làm họ phát bực. Tôi sẽ không tìm cách biện hộ chút nào cho những gì cháu tôi đã làm để đến nỗi bị trừng phạt như thế; lỗi lầm của nó thuộc vào những lỗi lầm mà chỉ riêng tên gọi thôi cũng đã tạo ra một lời biện hộ quá đầy đủ rồi.”

“Sắp rồi đây,” Karl nghĩ, “nhưng mình không muốn cậu kể tuốt tuột. Vả lại cậu không thể biết được. Ai đã nói cho cậu nhỉ?”

“Và chuyện là,” ông cậu nói tiếp, người ông tì lên cây gậy tre, hơi đung đưa qua lại, làm thế ông khiến một sự trang trọng không cần thiết lẽ ra đã có phải biến mất - “nó đã bị một cô hầu quyến rũ, một cô Johanna Brummer nào đó, trạc ba mươi lăm tuổi. Tôi chẳng hề có chút ý định xúc phạm gì cháu tôi khi dùng từ “quyến rũ”, nhưng khó mà tìm được một từ thích hợp hơn.”

Karl, đã nhích lại gần ông cậu, ngoái đầu lại để xem ấn tượng mà câu chuyện này gây ra trên các khuôn mặt. Không ai cười, tất cả đều lắng nghe một cách kiên nhẫn và nghiêm trang. Dù sao người ta cũng không hơi tí là cười cợt người cháu của một nghị sĩ. Thậm chí ta còn có thể nói rằng chính người thợ đốt lò đang thoáng mỉm cười; nhưng trước hết ở ông ta đó là thêm một dấu hiệu cuộc sống nữa và sau đó cũng dễ tha thứ, vì lúc ở căn buồng Karl đã muốn biến câu chuyện giờ đây đang được phơi bày giữa thanh thiên bạch nhật thành một điều bí mật.

“Thế là cái cô Brummer ấy,” ông cậu nói tiếp, “sinh một đứa con với cháu tôi; một thằng nhóc rất kháu; nó được đặt tên là Jakob, chắc hẳn để nhớ đến con người tầm thường là tôi đây, bởi vì tuy cháu tôi chỉ nhắc nhở qua loa đến tôi thôi nhưng dường như tôi đã gây ấn tượng lớn lên người phụ nữ ấy. Và tôi sẽ nói thêm ngay: thật may mắn vì vậy! Bởi vì bố mẹ của cháu tôi, để đỡ phải trả tiền bồi thường hoặc tránh việc lùm xùm sẽ đổ ụp lên họ - tôi phải nhấn mạnh rằng tôi chẳng hề biết gì về luật pháp ở đất nước và tình hình thực tế của họ, tôi từng nhận được hai lá thư xin xỏ của họ cách đây đã lâu rồi, tôi không hồi âm nhưng vẫn còn giữ thư, chúng là những mối liên hệ thư từ duy nhất, một chiều, giữa họ và tôi suốt những năm ấy - thế là bố mẹ của cháu tôi, để đỡ mọi món tiêu pha và chuyện lùm xùm, đã đẩy con mình sang Mỹ với một mớ hành lý - các ông cũng thấy đấy - thiếu thốn đến không thể tha thứ được, do vậy chắc hẳn cậu bé này sẽ phải tự loay hoay mà chẳng gặp được những dấu hiệu và phép màu mà ta vẫn còn thấy ở Mỹ; có lẽ cháu tôi đã gặp phải nỗi khốn đốn chết người tại một con hẻm nào đó trên bến cảng nếu cô hầu mà tôi vừa nhắc đến kia không trình bày cuộc phiêu lưu với tôi - trong một bức thư đến tay tôi vào hôm kia sau khi lưu lạc rất lâu trên thế giới - nếu cô ta không đánh động cho tôi về cậu cháu của tôi, và nếu không nhanh trí mà nói cho tôi biết tên của con tàu. Thưa các ông, tôi không có ý định làm mất thời gian của các ông, nếu không tôi hoàn toàn có thể đọc vài đoạn trong bức thư này,” và ông rút từ trong túi, giơ lên và vẫy vẫy hai tờ giấy đúp to tướng đen kịt những dòng chữ nhỏ li ti. “Chắc chắn nó sẽ gây tác động mạnh, vì nó được viết với sự tinh quái hơi hạ đẳng mặc dù với ý đồ tuyệt hảo, và cùng rất nhiều tình yêu dành cho bố của đứa trẻ. Nhưng tôi không muốn giữ các ông lâu hơn thời gian cần thiết để làm sáng tỏ chuyện, cũng không định làm tổn thương, nhất là ở ngay lần đầu tiên gặp gỡ như thế này, những tình cảm mà cháu tôi có thể vẫn còn lưu giữ. Nó sẽ đọc bức thư này, nếu nó muốn, tùy ý nó, khi nào đã được thong thả trong sự tĩnh mịch của căn phòng đang đợi sẵn.”

Tuy nhiên, Karl chẳng hề nuôi dưỡng chút tình cảm nào với cô hầu ấy. Trong sự rối mù của một quá khứ mỗi lúc một lùi xa thêm, anh nhìn thấy cô ta lúc nào cũng ngồi trong bếp, hai khuỷu tay chống lên mặt tủ. Cô ta nhìn anh ra ra vào vào, lấy một cốc nước cho bố anh, làm một việc lặt vặt gì đó cho mẹ anh. Thỉnh thoảng cô ta ngồi ở góc tủ viết một bức thư, tư thế vặn vẹo và tìm kiếm cảm hứng từ khuôn mặt của Karl. Thỉnh thoảng, cô ta lấy tay che mắt, lúc đó chẳng ai nói chuyện với cô ta được nữa. Cũng có khi, thỉnh thoảng, quỳ gối trong căn phòng nhỏ cạnh bếp của mình, cô ta cầu nguyện trước một cây thánh giá gỗ; khi ấy Karl chỉ rụt rè nhìn cô ta, những lúc anh đi ngang qua cánh cửa mở hé. Những lần khác, cô ta đi vòng vòng quanh bếp, nhảy dựng lùi về sau và phát ra tiếng cười phù thủy khi anh đứng chắn đường. Lại có những lần, nếu Karl bước vào, cô ta đóng cửa lại sau lưng anh và giữ tay nắm cửa thật chắc cho tới lúc anh đòi đi ra. Cũng có khi cô ta đi tìm những thứ mà anh chẳng hề yêu cầu rồi im lặng đặt chúng vào tay anh. Một lần cô ta gọi anh là “Karl”, dẫn anh, mà anh thì vẫn còn hết sức kinh ngạc vì cách gọi đó, vào căn phòng nhỏ của cô ta, thở hổn hển, mặt thì nhăn nhó dữ tợn, và khóa trái cửa lại. Rồi, hôn anh đến mức làm anh ngạt thở và bảo anh cởi quần áo ra, rồi cô ta tự mình cởi quần áo cho anh và dẫn anh nằm xuống giường cô ta; cứ như thể cô ta chẳng còn bao giờ muốn nhường anh cho ai khác nữa, như thể cô ta mong được vuốt ve anh và săn sóc anh cho đến tận thế.

“Karl, ôi Karl của em!” cô ta hét lên như có thể nhìn thấy anh và muốn xác nhận rằng mình sở hữu anh, trong khi anh chẳng nhìn thấy gì và bị ngạt thở dưới một đống chăn chiếu như thể được cô ta gom góp lại cho riêng anh vậy.

Sau đó cô ta nằm xuống bên cạnh anh và đòi anh kể cho cô ta nghe những bí mật mà anh chẳng hề biết; rồi, vì anh không biết các bí mật ấy, cô ta giận dỗi, một cách nghiêm túc hoặc chỉ để đùa thôi, cô ta lắc người anh, lắng nghe trái tim anh đập, và đến lượt mình giơ ngực ra để anh nghe, nhưng cô ta không bắt anh làm thế được; cuối cùng, ép chặt cái bụng trần của mình lên cơ thể anh, cô ta quờ tay theo một cách thức thật khó chịu giữa hai chân anh, đến nỗi anh phải ngoặt đầu ngoặt cổ thò ra khỏi cái gối, trong lúc đó thì cô ta nhiều lần ép bụng lên người anh; suốt thời gian này Karl thấy như thể cô ta đã trở thành một phần con người anh và, có thể vì thế mà anh cảm thấy một nỗi sầu muộn xâm chiếm lấy mình. Anh khóc lóc trở về giường mình, còn cô hầu thì hét “tạm biệt” đến cả nghìn lần. Chẳng còn gì khác nữa, thế nhưng ông cậu vẫn từ đó kể được cả một câu chuyện. Cô bếp cũng đã nghĩ đến Karl: cô ta đã báo cho cậu anh là anh sắp đến. Đó là một hành động đẹp từ phía cô ta, rồi một ngày nào đó ông sẽ thưởng cho cô ta vì điều đó.

“Còn bây giờ,” ông Nghị sĩ kêu lên, “cháu sẽ tự nói cho cậu biết rằng cậu chính là cậu của cháu.”

“Cậu là cậu của cháu,” Karl nói và hôn tay ông, rồi nhận lại một nụ hôn lên trán. “Cháu rất sung sướng vì đã gặp được cậu, nhưng cậu nhầm nếu cậu tưởng bố mẹ cháu chỉ nói xấu cậu mà thôi. Vả lại, ngoài vấn đề này, cậu còn có vài nhầm lẫn nữa trong câu chuyện, cháu muốn nói rằng trên thực tế mọi chuyện có lẽ đã không xảy ra giống như cậu đã kể. Nhưng lẽ dĩ nhiên cậu không thể đánh giá chính xác những gì ở xa đến vậy, và thêm nữa cháu cũng không nghĩ là có gì xấu nếu các ông đây nghe một câu chuyện hơi thiếu chính xác ở một số chi tiết, khi mà câu chuyện ấy không thực sự liên quan đến họ.”

“Nói hay lắm,” ông Nghị sĩ nói; ông dẫn Karl đến chỗ ông Thuyền trưởng, người lúc này rõ ràng đang tỏ ra rất quan tâm và đầy thông cảm, và hỏi ông ta: “Xem tôi có một đứa cháu tuyệt không nào?”

“Tôi sung sướng lắm,” ông Thuyền trưởng nói, cúi người xuống theo cách thức chỉ thấy ở những người được đào tạo về quân sự, “tôi sung sướng lắm, thưa ông Nghị sĩ, vì được làm quen với cháu của ông. Thật là một vinh hạnh đặc biệt cho con tàu của tôi vì đã được làm nơi diễn ra một cuộc gặp như thế này. Nhưng chuyến đi chắc rất mệt nhọc ở khoang dưới, ở đó ta chẳng bao giờ biết mình phải ở cùng với ai. Chúng tôi làm tất cả những gì có thể để làm chuyến đi dễ chịu hơn cho các hành khách của khoang dưới, hơn nhiều so với, chẳng hạn thế, các đồng nghiệp người Mỹ của chúng tôi, nhưng lẽ dĩ nhiên chúng tôi đã không thể biến một chuyến đi như vậy trở thành một điều khoái lạc rồi.”

“Tôi không thấy có gì tệ đâu,” Karl nói.

“Nó không thấy có gì tệ đâu!” ông Nghị sĩ nhắc lại, phá lên cười.

“Chỉ có mỗi cái rương của tôi, tôi e đã đánh mất nó…” Câu nói này nhắc cho chàng thanh niên nhớ tới toàn bộ chuyện đã qua và những gì còn phải làm; anh nhìn ra xung quanh và thấy những người có mặt đang cứng người trong niềm tôn trọng và kinh ngạc, mắt dõi chằm chằm vào anh. Chỉ các công chức bến cảng để lộ, ở mức độ mà những khuôn mặt nghiêm trang và hài lòng của họ cho phép, rằng họ tiếc vì đã tới vào một thời điểm kém thích hợp như thế này; vẻ như cái đồng hồ treo tường trước mặt họ còn quan trọng hơn tất tật những gì đang diễn ra trong căn phòng này và tất tật những gì còn có thể xảy đến.

Người đầu tiên thể hiện lòng cảm thông của mình sau ông Thuyền trưởng, thật kỳ lạ, là người thợ đốt lò.

“Tôi xin chúc mừng anh bằng cả tấm lòng,” ông ta nói, và siết chặt lấy bàn tay Karl, muốn qua đó mà diễn tả một điều gì đó giống như cảm giác ngưỡng mộ. Nhưng sau đó khi ông ta muốn làm cùng điều ấy với ông Nghị sĩ, ông Nghị sĩ bèn bước lùi lại, như thể người thợ đốt lò đang vượt quá các quyền của mình; thế nên người thợ đốt lò dừng lại ngay lập tức.

Nhưng tất cả những người khác thấy rõ cần phải cư xử thế nào, và họ tạo ra một sự lộn xộn lớn xung quanh Karl và ông Nghị sĩ. Karl nhận được những lời chúc mừng từ cả Schubal, trong sự huyên náo chung, anh nhận những lời chúc mừng ấy và cảm ơn. Các công chức bến cảng là những người cuối cùng, sự tĩnh lặng đã trở lại, họ nói hai từ tiếng Anh, chúng tạo ra một ấn tượng thật lố bịch.

Giờ ông Nghị sĩ đã có tâm trạng để thoải mái tận hưởng việc nhớ lại và nhắc cho những người khác một số chuyện ít quan trọng hơn, chúng không chỉ được lắng nghe mà còn được mọi người thích thú đón nhận. Chính bằng cách ấy mà ông cho biết ông đã ghi vào sổ tay những dấu hiệu đặc biệt đáng chú ý nhất của Karl được nêu trong bức thư của cô bếp, để có thể sử dụng ngay những thông tin này khi cần. Suốt khi người thợ đốt lò lảm nhảm một cách không thể chịu đựng nổi ông đã mở quyển sổ ra không ngoài mục đích nào khác ngoài tự tạo cho mình một trò giải trí và so sánh cho vui những gì cô bếp nêu lên, lẽ dĩ nhiên chúng chẳng hề chính xác như một tấm phiếu nhân trắc học, với con người của Karl. “Và đó chính là cách người ta tìm ra cháu của mình!” ông kết luận bằng cái giọng như thể ông còn muốn nhận thêm những lời chúc mừng khác nữa.

“Giờ chuyện gì sẽ xảy ra với ông thợ đốt lò đây?” Karl hỏi đệm vào, sau câu chuyện cuối cùng của ông cậu. Anh nghĩ tình hình mới này cho phép anh nói tất tật những gì anh nghĩ.

“Những gì anh ta xứng đáng,” ông Nghị sĩ đáp, “những gì ông Thuyền trưởng nghĩ là đúng đắn. Tôi nghĩ tất cả các ông đều nhất trí rằng chúng ta đã chán và quá chán cái anh thợ đốt lò này.”

“Nhưng điều đó thì đâu có gì liên quan đến một vấn đề công lý,” Karl nói. Anh đứng giữa ông cậu và ông Thuyền trưởng và nghĩ, có lẽ là dưới ảnh hưởng của vị trí này, rằng quyết định đang nằm trong tay anh.

Và thế nhưng người thợ đốt lò tỏ ra chẳng còn hy vọng điều gì cho mình nữa. Ông ta thọc nửa hai bàn tay vào thắt lưng quần, dưới tác động của những động tác của ông ta nó lộ ra cùng với một khoảng áo sơ mi in họa tiết. Điều này chẳng hề làm ông ta thấy lo lắng chút nào; ông ta đã nói lên toàn bộ nỗi khốn khổ của mình, giờ đây người ta có thể thấy rõ những thứ quần áo khốn khổ mà ông ta mặc, sau đó chỉ còn một việc phải làm là dẫn ông ta đi. Ông ta nghĩ rằng Schubal và anh hầu, những người ở cấp thấp nhất, sẽ phải làm cho ông ta việc cuối cùng này. Khi ấy Schubal sẽ được yên ổn, sẽ chẳng còn ai đẩy ông ta đến bờ vực của sự tuyệt vọng, như ông Thủ quỹ đã nói. Ông Thuyền trưởng sẽ có thể chỉ cần thuê toàn người Rumani, người ta sẽ nói tiếng Rumani khắp mọi nơi và có lẽ khi ấy mọi chuyện sẽ thực sự khá hơn. Sẽ chẳng còn người thợ đốt lò nữa để mà cằn nhằn ở văn phòng, nhưng có lẽ người ta sẽ lưu giữ một kỷ niệm khá là tốt đẹp về những lời lẽ cuối cùng của ông, bởi vì một cách gián tiếp ông ta đã mang tới cho ông Nghị sĩ, như ông đã nói thật rõ ràng, cơ hội để nhận ra cháu ông. Trước đó người cháu này đã nhiều lần tìm cách giúp đỡ ông ta và, bởi thế, không hề còn nợ ông ta về việc giúp mình được nhận ra; trong đầu người thợ đốt lò không hề nảy ra ý định nhờ vả thêm gì nữa. Vả lại, mặc dù là cháu của ông Nghị sĩ, anh ta cũng đâu phải Thuyền trưởng, và Thuyền trưởng sẽ là người nói lời cuối cùng khép lại vụ này. Thế nên, người thợ đốt lò không hề tìm cách nhìn sang phía Karl, thật không may, trong căn phòng đầy kẻ thù này, ông ta chẳng còn ai khác để có thể nhìn.

“Đừng hiểu nhầm tình hình như thế,” ông Nghị sĩ nói với Karl, “có lẽ đây là một vấn đề công lý, nhưng cùng lúc cũng là vấn đề kỷ luật nữa. Cả hai, và nhất là kỷ luật, ở đây thuộc quyền hạn phân xử của ông Thuyền trưởng.”

“Chính là thế đấy,” người thợ đốt lò lẩm bẩm. Những ai nghe thấy và hiểu câu nói đó đều ngạc nhiên mỉm cười.

“Thêm nữa, chúng ta đã quấy quả ông Thuyền trưởng quá mức trong khi ông ấy phải lo việc của mình rồi, mà khi tàu cập bến New York thì nhiều việc lắm, cho nên đã đến lúc chúng ta rời tàu, ta hoàn toàn không được can thiệp để biến cuộc cãi cọ nhỏ tí xíu giữa hai thợ máy này trở thành một vụ việc lớn. Vả lại cậu hoàn toàn hiểu cách hành động của cháu, cháu thân yêu ạ, nhưng chính đó cũng là điều khiến cậu có quyền đưa cháu đi ngay lập tức đấy.”

“Tôi sẽ sai người thả xuồng xuống biển ngay đây,” ông Thuyền trưởng nói mà không hề, trước sự kinh ngạc to lớn của Karl, có chút phản đối nào trước những lời của ông cậu, những lời mà dẫu vậy chắc hẳn vẫn có thể coi là một cách thức tự hạ thấp bản thân. Ông Thủ quỹ vội vã lao tới chỗ bàn làm việc để gọi điện thoại truyền lệnh của ông Thuyền trưởng cho người phụ trách xuồng.

“Chắc là thời gian gấp rút lắm rồi,” Karl tự nhủ, “nhưng mình không thể làm gì mà không gây tổn thương cho tất cả mọi người. Dẫu sao thì mình cũng không thể bỏ rơi ông cậu vừa mới tìm thấy của mình. Ông Thuyền trưởng thì lịch sự, chắc rồi, nhưng chỉ vậy mà thôi. Khi vấn đề là kỷ luật thì ông ấy sẽ ngừng tỏ ra lịch sự ngay, chắc chắn cậu đã nói rất đúng ý nghĩ của ông ta. Schubal thì mình không muốn nói chuyện, thậm chí mình còn giận vì đã chìa tay cho ông ta. Còn những người khác thì chẳng quan trọng gì.”

Và mải mê suy nghĩ, anh đi đến chỗ người thợ đốt lò, rút bàn tay phải mà ông ta đang nhét vào thắt lưng, rồi giữ lấy nó, nắn nắn trong bàn tay mình.

“Tại sao ông không nói gì thế?” anh hỏi. “Tại sao lúc nào ông cũng để mặc mọi sự thế?”

Người thợ đốt lò chỉ nhăn trán lại, như muốn tìm từ để nói, rồi hạ mắt nhìn xuống bàn tay của mình cùng bàn tay của Karl.

“Ông bị đối xử tệ hại hơn tất thảy mọi người khác trên tàu, tôi hoàn toàn biết thế.” Rồi Karl để những ngón tay mình chạy đi chạy lại trên những ngón tay của người thợ đốt lò, ông ta nhìn ra xung quanh, cặp mắt long lanh, như thể một ân sủng đã đến với ông ta mà chẳng một ai có thể cướp đi được.

“Ông phải tự vệ, phải nói có hoặc không, bằng không người khác sẽ chẳng thể nào biết được sự thật. Ông phải thề với tôi là ông sẽ nghe lời tôi, bởi vì tôi không sợ hãi vu vơ đâu, tôi sẽ không thể nào giúp gì được cho ông.” Và Karl òa khóc, hôn tay người thợ đốt lò; anh nhấc bàn tay sần sùi, gần như trơ lì ấy lên, áp nó lên hai má mình như một thứ châu báu giờ đây anh phải từ bỏ. Nhưng ông cậu Nghị sĩ đã đứng bên cạnh anh và, mặc dù chỉ thúc ép anh một cách hết sức dịu dàng, kéo anh rời khỏi đó. “Hình như anh thợ lò kia đã bỏ bùa cháu rồi,” ông nói, đồng thời hướng sang ông Thuyền trưởng một ánh mắt đầy ẩn ý phía trên đầu Karl. “Cháu đã cảm thấy bị bỏ rơi, cháu đã gặp anh ta, và rồi cháu cảm thấy biết ơn anh ta, tất cả những chuyện ấy đều tốt cho cháu thôi. Nhưng đừng đẩy chuyện đi quá xa, dẫu làm thế chỉ là vì cậu, và học cách giữ vững vị trí của mình đi.”

Ngoài cửa, có tiếng ồn ào vang lên, người ta nghe thấy những tiếng hét, thậm chí dường như còn có ai đó bị đẩy thật mạnh vào cánh cửa. Một thủy thủ bước vào trong bộ trang phục có chút xộc xệch, với một chiếc tạp dề phụ nữ ở thắt lưng. “Đằng sau cửa có nhiều người,” anh ta kêu lên, hai cùi chỏ huých huých như thể vẫn còn đang ở giữa đám người hỗn độn kia. Rốt cuộc anh ta cũng lại hồn và bước tới chào ông Thuyền trưởng, đúng lúc ấy anh ta nhận ra cái tạp dề phụ nữ; anh ta giật nó ra, ném nó xuống đất và kêu lên: “Thật là gớm quá; bọn họ đã buộc một cái tạp dề phụ nữ vào người tôi.” Rồi anh ta rập gót chào. Ai đó cố mỉm cười, nhưng ông Thuyền trưởng nghiêm khắc nói: “Đấy là cái mà tôi gọi là tâm trạng hưng phấn đấy hả? Ai đang đợi ở kia?”

“Đó là các nhân chứng của tôi,” Schubal đáp, bước tiến lên, “tôi xin được phép cầu xin ngài thứ lỗi cho lối cư xử lầm lạc của họ. Khi chuyến đi kết thúc mọi người đều như thể phát điên.”

“Bảo họ vào đây ngay lập tức,” ông Thuyền trưởng ra lệnh. Và, quay sang ông Nghị sĩ, ông ta nói thêm đầy lịch thiệp nhưng rất liến thoắng: “Thưa ngài Nghị sĩ, ông có vui lòng đi theo người thủy thủ này không, anh ta sẽ dẫn ông và cháu ông ra chỗ cái xuồng? Tôi không cần phải nói với ông là tôi vui sướng và vinh hạnh đến thế nào khi được quen biết trực tiếp với ông. Thưa ông Nghị sĩ, tôi rất mong muốn ta sẽ sớm tìm được dịp để tiếp tục câu chuyện còn dang dở giữa chúng ta về hải quân Mỹ và để xem nó - ai mà biết? - lại bị cắt ngang một lần nữa theo một cách thức cũng dễ chịu như vậy.”

“Tạm thời đứa cháu duy nhất này là đủ với tôi rồi,” ông cậu nói, cười phá lên. “Còn bây giờ, tôi xin chân thành cảm ơn ông vì đã hết sức dễ mến; tạm biệt. Vả lại hẳn sẽ không phải là không thể có chuyện chúng tôi - ông trìu mến siết chặt Karl vào người mình - chúng tôi sẽ được ở cùng ông một thời gian trong chuyến sang châu Âu sắp tới của chúng tôi.”

“Tôi sẽ rất lấy làm vui mừng,” ông Thuyền trưởng nói. Hai ông bắt tay nhau, nhưng Karl không kịp nói gì khi chìa tay ra bắt, vì ông Thuyền trưởng đã bị bận rộn với chừng mười lăm người lúc ấy đang tiến vào theo một cách thức hơi nặng nề nhưng ầm ĩ kinh khủng. Viên thủy thủ xin phép ông Nghị sĩ được đi trước dẫn đường, rẽ lối cho ông và cháu ông, một lối đi rất dễ chịu, giữa hai hàng người đang cúi rạp trước họ. Có vẻ như là những người này, thật ra là những người rất ngoan ngoãn, coi xích mích giữa Schubal và người thợ đốt lò là một sự đùa cợt quá mức lố bịch, chẳng hề xứng được phân xử bởi ông Thuyền trưởng. Trong số họ, Karl nhận ra Line, cô gái ở bếp, cô ta vui vẻ ra hiệu với anh trong lúc buộc lại lên người cái tạp dề bị tay thủy thủ ném xuống đất, bởi vì đó là tạp dề của cô ta.

Đi theo người dẫn đường, Karl và ông cậu rời khỏi văn phòng và bước vào một cầu thang hẹp; nó dẫn họ đến một cánh cửa nhỏ đưa tới chân một cầu thang, đi hết cầu thang này họ bước xuống trước cái xuồng đã được chuẩn bị sẵn. Các thủy thủ trên xuồng, mà người dẫn đường nhảy ngay xuống, đứng dậy chào họ. Đúng lúc ông Nghị sĩ đang bảo Karl phải cẩn thận bước xuống thì chàng trai, vẫn đứng ở bậc cầu thang cao nhất, òa lên khóc nức nở. Ông Nghị sĩ bèn đưa bàn tay phải đặt dưới cằm Karl, ôm chặt lấy đứa cháu và dùng tay trái vuốt ve anh. Cứ như thế họ bước xuống từng bậc thang và không rời nhau họ xuống cái xuồng, ở đó ông Nghị sĩ tìm lấy một chỗ tốt cho chàng trai, ngay đối diện với ông. Rồi, theo một hiệu lệnh của ông, các thủy thủ khởi hành và bắt đầu chèo thật lực. Nhưng họ vừa mới rời đi được vài mét thì đột nhiên Karl phát hiện anh đang ở đúng bên mạn tàu mà các cửa sổ văn phòng nhìn ra. Cả ba cửa sổ đều đông đặc những nhân chứng của Schubal, họ chào và làm những dấu hiệu thân thiện nhất trên đời; bản thân ông cậu cũng cảm ơn những người kia, và một thủy thủ làm thủ tục không thể bỏ qua là dùng bàn tay gửi tới họ một nụ hôn, mà vẫn không ngừng tay chèo. Thực sự là như thể không còn có người thợ đốt lò nữa. Karl quan sát ông cậu chăm chú hơn, hai đầu gối ông chạm vào đầu gối anh, và anh tự hỏi không biết có bao giờ người đàn ông này thay thế được người thợ đốt lò của anh không. Ông cậu tìm mọi cách tránh ánh mắt của anh, nhìn dõi xuống những đợt sóng vỗ quanh xuồng.


Một vụ án khác nữa
Kafka: Amerika

3 comments:

  1. "Lúc nào mà ta chẳng có lý do."

    Không biết có phải là do Nhilinh dịch không mà đọc thấy hấp dẫn hơn Lâu Đài và Hoá Thân. Tác phẩm này dài bao nhiêu chương và khi nào post hết để mình theo dõi.

    ReplyDelete
    Replies
    1. đây là tiểu thuyết Kafka mà tôi thích nhất, dịch lâu rồi, giờ mang ra đọc lại và sửa sang thêm, chắc sẽ post đầy đủ cả quyển trong vòng hai tháng tới là cùng thôi

      quyển này về cơ bản gồm 8 chương (trong đó một số chưa viết xong) cùng một số mẩu, đoạn nữa, tình hình cũng giống hai tiểu thuyết kia

      Delete
  2. Cụ Kafka có vẻ thích dang dở.

    Thôi có lý do thỉnh thoảng ghé blog của Nhilinh. Mà sao ko xuất bản lại post lên đây? Chán sách rồi à ;)

    ReplyDelete