Apr 20, 2015

Kafka: Amerika

Ba cuốn tiểu thuyết của Kafka, Amerika, Vụ ánLâu đài, đều chưa được viết xong, nói chính xác thì cả ba tác phẩm này đều có những chương chưa hoàn chỉnh.

Giờ đây, với Kafka, cần đặt những câu hỏi thật đơn giản (nhưng rất khó trả lời), chẳng hạn tại sao Kafka không viết hết những tiểu thuyết kia, mặc dù nhìn lại thật cẩn thận, Kafka không hề có lý do gì để không hoàn thành chúng: có hứng khởi, thoát ra được những dằn vặt và nghi ngờ triền miên, đã biết rõ là phải viết gì ở những phần còn thiếu (các mẩu đoạn còn lại cho ta thấy rõ điều này). Thế nhưng chúng vẫn để bị thiếu như vậy. Câu hỏi này tôi luôn luôn tự đặt ra, đến giờ mới chỉ thấy lờ mờ các lý do, nhưng chắc chắn phải có một lý do đích thực còn cần phải tìm kiếm.

Một câu hỏi nữa, liên quan đến “giá trị”: Amerika, viết trước Vụ ánLâu đài, cho tới nay vẫn dễ bị coi là một tác phẩm thua kém hai cuốn tiểu thuyết kia trong văn nghiệp của Kafka. Tuyển tập Kafka ở Việt Nam có cả Vụ ánLâu đài, nhưng không có Amerika. Nhưng điều này không đúng. Ở Amerika có nhiều thứ đặc trưng Kafka hơn người ta tưởng, thậm chí nó còn có những xuất sắc của một cảm giác sau này sẽ không tìm thấy ở Vụ ánLâu đài nữa. Nhiều nhà văn lớn, đặc biệt Kafka, không thể được tiếp cận theo sơ đồ quen thuộc: càng ngày họ càng phát triển tài năng của mình, có những biến chuyển từ các tác phẩm đầu tay rồi đi lên mãi, kết tinh ở một hay vài tác phẩm lớn nào đó sau này, ở “thời kỳ đỉnh cao”. Hoàn toàn không phải như vậy, khi Kafka bắt đầu hiểu là mình viết văn được, có thể lấy cái đêm 22 tháng Chín năm 1912 làm dấu mốc biểu tượng - khi chỉ trong vòng một đêm Kafka viết xong truyện “Lời phán quyết”, thì mọi sự đã xong xuôi. Ở một số nhà văn, một mẩu nhỏ nào cũng chứa đựng toàn bộ.

Nói tóm lại, Amerika thường không được để ý nhiều, mặc dù người ta biết, qua lời kể của Max Brod, Kafka ở một trạng thái tinh thần hết sức đặc biệt khi viết cuốn tiểu thuyết này, và mặc dù chương đầu, “Người thợ đốt lò” đã được xuất bản khi Kafka còn sống. Tất nhiên, cũng có nhiều người quan tâm đến nó, trong tiếng Việt ta có thể đọc Kafka: vì một nền văn học thiểu số trong đó Deleuze và Guattari lấy một số đoạn trong Amerika làm ví dụ để phân tích bằng lý thuyết của mình.

Trong Nhật ký, có lẽ “entry” ngày 19 tháng Giêng 1911 là lần đầu tiên Kafka nhắc đến nước Mỹ, đoạn này như sau (“entry” này không có trong bản dịch tiếng Việt của Nhật ký; ở đây tôi dùng bản tiếng Pháp của Marthe Robert):

“Một hôm, tôi từng có ý định viết một cuốn tiểu thuyết về cuộc cạnh tranh giữa hai anh em trai, một người đi sang Mỹ còn người kia ở lại châu Âu, trong tù. Tôi mới chỉ bắt tay viết dăm ba dòng, vì ngay lập tức tôi thấy mệt. […] tôi viết một chút về nhà tù của tôi […] Ở vài dòng ấy, chủ yếu tôi miêu tả hành lang nhà tù, trước hết là sự tĩnh lặng và lạnh lẽo ngự trị ở đó; tôi cũng thể hiện lòng cảm thông với người anh/người em ở nơi đây, vì đó là một người anh em tốt. Có lẽ tôi đã ngay lập tức cảm thấy miêu tả của mình chẳng hề có giá trị […]”

Đoạn nhật ký này cũng được lồng vào với cảm giác tủi nhục mà gia đình Kafka gây ra cho ông.


Tôi sẽ dần dần post lên đây bản dịch Amerika (các ấn bản sau này ở các thứ tiếng thường lấy lại nhan đề mà Kafka chọn đầu tiên chứ không phải Amerika theo ấn bản đầu năm 1927 do Max Brod thực hiện, nhan đề ấy là Der Verschollene nghĩa là “Người mất tích”). Dịch từ bản tiếng Pháp L’Amérique của Alexandre Vialatte, ấn bản có sửa chữa sau này (trong tiếng Pháp, sau bản của Vialatte từng bị phàn nàn rất nhiều, đã có vài bản dịch Amerika khác, nhất là bản của chuyên gia lớn về văn học Đức Bernard Lortholary, nhưng về Kafka, tôi tin hai người Pháp “được Kafka lựa chọn” là Vialatte và Marthe Robert, tuy rằng cả các bản dịch của Marthe Robert sau này cũng bị chê rất nhiều; kinh nghiệm cho tôi thấy rằng các bản dịch về sau rất hay kém xa các bản dịch đầu tiên, được thúc đẩy bằng một điều gì đó rất khó miêu tả), xem thêm hai bản dịch tiếng Anh, bản của Michael Hofmann và bản của Mark Harman. Nhiều chỗ nhờ Trịnh Hữu Tuệ xem lại bản tiếng Đức, danke Trịnh Hữu Tuệ.


Nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra ảnh hưởng của Dickens trong Amerika, nhất là đoạn đầu. Nhưng đoạn đầu ấy ngay lập tức làm tôi nhìn thấy âm hưởng của Flaubert, đặc biệt là đoạn mở đầu của L’Éducation sentimentale, khi Frédéric Moreau đi thuyền và lần đầu tiên gặp Madame Arnoux. Quả thật, nhà văn mà Kafka ngưỡng mộ nhất là Flaubert, và tác phẩm của Flaubert mà Kafka thích nhất không phải Madame Bovary, mà là L’Éducation sentimentale.

15 comments:

  1. Hôm nọ em lên thư viện TX, tình cờ gặp một bác từng là giảng viên trường Sư Phạm, bác ấy cũng giới thiệu cho em bộ truyện của Kafka, nhưng em chưa mượn đc sách vì chưa có thẻ. Hôm nay duyên đến lần nữa khi đọc đc bài này của chị. Em chờ các bài tiếp theo của chị đó, cảm ơn chị.

    ReplyDelete
  2. bao giờ có quyển sách này nhỉ?

    ReplyDelete
  3. Chị Nhị Linh thân mến,
    Vì những câu hỏi ấy mà giờ em đang phải nhờ đến sự giúp sức của Kafka, vì một nền văn học thiểu số
    ;)

    ReplyDelete
    Replies
    1. chị đồng ý, mặc dù quyển í không quan tâm đến những câu hỏi í hehe

      Delete
    2. E mới bập vào qua chương 2 tí thôi, đc chừng hơn 50tr, cứ tiếp tục nhỉ :3

      Delete
    3. Bập vào đây là lại phải mua sách rồi, Nhạn em còn chưa đọc xong :(

      Delete
  4. Có nên đọc Kafka(2) rồi mới cầy bừa Kafka(1) không Chị?
    [Em trai của EMi]

    ReplyDelete
  5. Em muốn hỏi rằng Anh khoẻ và vui không?
    thế thôi
    [em trai của EMi]

    ReplyDelete
  6. Cảm ơn chị Nhị Linh đã giới thiệu. Em nghe nói đọc Kafka khó lắm. Nhưng đọc bài này của chị thì em quyết tâm đọc Kafka.

    ReplyDelete
  7. hi chị Nhị Linh,
    chị đã xem phim của Houllebecq em gửi qua mail cho chị chưa ạ? lần trước đọ Naipaul rồi, lần này đọ Rusdie ko bác, em mới mua được vài cuốn giá rất rất rẻ :v

    ReplyDelete
    Replies
    1. ôi chết bỏ mẹ, gửi rồi à, sao không thấy nhỉ, chắc rơi vào spam rồi

      Rushdie thì chắc thôi, có nhõn 7-8 quyển thì phải hê hê

      Delete
  8. Chị có thể cho em hỏi một chút được không ạ? ngoài các tác phẩm của Kafka thì chị có bài viết nào liên quan đến Nước Mĩ và Vụ án không ạ? Em cảm ơn chị nhiều

    ReplyDelete
  9. "Amerika", chứ không phải "Nước Mỹ": Kafka viết "Amerika" chứ không phải "America", và đó hoàn toàn không phải "nước Mỹ"

    em cần để viết luận án phải không? chị có thể gửi riêng cho em

    ReplyDelete
  10. ô, vừa đọc Séraphîta thì đã thấy chị NL ở đây, hihi
    em cũng đang viết luận án, em cũng email cho chị được không ạ?

    ReplyDelete