Apr 1, 2015

Tô Hoài kể chuyện (2)

Trong "Cỏ dại" (xuất bản lần đầu năm 1944), phần đầu của Tự truyện, Tô Hoài kể, khi ấy còn nhỏ, phải rời vùng Bưởi xuống Kẻ Chợ, ở khu phố hàng, nhà một người bạn của ông bố, khổ sở và cô đơn, cũng không được đi học. Đang trong tình cảnh ấy thì vớ được quyển truyện Vô gia đình:


“Một hôm, quét nhà, tôi nhặt được ở gầm bàn học chú Luyến một quyển sách đã nát và bợt mủn mấy tờ lót cuối cùng. Cuốn Vô gia đình của Nguyễn Đỗ Mục dịch. Tôi đặt quyển truyện vào khe phản, chỗ ngồi đánh giầy.

Mỗi buổi trưa, cơm xong, tôi ngồi xem lén mấy trang truyện.

Cuộc đời phiêu bạt của thằng bé trong truyện. Tôi mê man theo nó bỏ nhà đi với ông già làm xiếc. Cái lúc thằng bé đứng trên ngọn đồi, nhìn lại túp nhà mình dưới làng, trước còn rõ, sau mờ dần. Mắt tôi cũng mờ. Rồi nó quay mặt, quả quyết bước theo ông già. Tôi cũng bước theo nó. Cũng buồn, cũng giận, cũng tủi chung nỗi cảm thương với người bạn xa xôi rất thân thiết đó.

[…]

Tôi nhớ ở làng, lúc nào cũng thấy trời và lá cây. Anh bé phiêu lưu trong truyện “Vô gia đình” nhớ con bò và người mẹ nuôi ở quê thế nào, tôi cũng nhớ thấm thía thế.

[…]

Tôi nhớ nhà đến vàng cả người. Bà ngoại tôi bảo thế. Giữa tháng chạp, bà tôi ra đón tôi về ăn Tết. Vừa trông thấy bà, mắt tôi đã lóa đi.”

(tr.51-54)

Vô gia đình tức Đứa trẻ khốn nạn do Nguyễn Đỗ Mục và Đào Hùng dịch đây, bản 1931, Tân Việt Nam thư xã, nhà in Tân Dân, 1931. (cùng với đây nữa chắc sắp lập được một bộ sưu tập sách mất bìa :p)



“Nào Khai-tị! Nào Đạc-nhi! Nào Thụy-nhi! Nào Già-cách-la!”:


   
Bản dịch này không có tên chương, mà các chương chỉ đánh số, nên không có "tã đẹp nói dối" như ở đây.

+ Nhà văn Việt Nam từ lâu, nhất là hiện nay, hay được chỉ dạy là phải lấy Tô Hoài làm tấm gương về viết văn, hay nói đúng hơn là trong "lao động văn chương", đều đặn, tỉ mỉ, vân vân và vân vân. Thêm một lời lừa phỉnh nữa, một sự không hiểu nữa. Con đường của Tô Hoài, chỉ một mình Tô Hoài mới đi nổi, nói đúng hơn là chỉ Tô Hoài mới chịu đi con đường ấy.

+ Tô Hoài có "truyền nhân" không?

Mặc cho mọi sự khác biệt, với tôi Nguyễn Huy Thiệp chính là truyền nhân của Tô Hoài, một cách đúng nghĩa. Ở giữa Tô Hoài và Nguyễn Huy Thiệp là dấu vết lờ mờ của Nguyễn Khải. Không ai vượt nổi bộ ba ấy trong khoản miêu tả sự thê thảm, đê tiện, lôi thôi, hèn đớn của con người, của con người đồng bằng châu thổ sông Hồng.

2 comments:

  1. “Ở giữa Tô Hoài và Nguyễn huy Thiệp....” Nhị Linh không viết về Nam Cao hay Nguyễn minh Châu nhỉ ?

    ReplyDelete
  2. nhưng ở tương quan này thì làm sao có thể có Nam Cao được: Tô Hoài còn là người lo di cảo cho Nam Cao ấy chứ; NMC thì tôi nghĩ là một sự nhầm lẫn lớn

    ReplyDelete