Tình hình rất tương tự: ở cơn hấp hối của thời kỳ Cổ điển, ở châu Âu đột nhiên xuất hiện những cuốn tiểu thuyết mới đầu dường như không mấy ý nghĩa nhưng thực chất đã mở ra cả một thời kỳ Lãng mạn: La nouvelle Héloïse, Werther và Pamela. Rousseau, Goethe và Richardson đều như thể vô ý viết ra những cuốn sách không mấy ăn nhập với cả sự nghiệp của mình.
Cũng như hai trên ba cuốn sách kia, Tố Tâm rất mỏng và cũng như cả ba cuốn kia, là truyện tình cảm. Nó không hẳn là tiểu thuyết bằng thư nhưng những bức thư giữa Đạm Thủy và Tố Tâm đóng vai trò cốt yếu trong cốt truyện.
Giờ đây nhìn lại, khi viết Tố Tâm dường như Hoàng Ngọc Phách không thực sự biết mình đang làm gì. "Mấy lời của người chép chuyện" viết:
“[…] những bực có văn chương tư tưởng như vậy, bên cái hy vọng
to lớn về việc công ích, thường vẫn hay mơ màng những cảnh tuyệt vời của ái
tình, cố tìm cho được một người cùng mình mà đi tới những cảnh mơ màng ấy,
không nghĩ cho rằng phàm những cảnh viển vông phảng phất tự ta mơ tưởng mà vẽ
ra trên quãng đường đời cũng như giọt sương buổi sáng lóng lánh trên ngọn cây,
như ánh nắng buổi chiều thướt tha trên đỉnh núi, xa trông thì đẹp lạ thường,
nhưng tìm đến tận nơi thì tan đi hết, không còn thấy gì là đẹp nữa”
Hoàng Ngọc Phách, mặc dù thương xót nhân vật, chủ yếu muốn viết truyện tình ái để răn dạy người ta đừng lậm sâu vào đường tình ái. Ông nghĩ mình là một nhà tâm lý học, “[…] phương chi đời hay lấy cái ngoại diện mà cả gan kết đoán một việc phát nguyên từ trong những từng đáy bí mật của lòng người”, ông muốn đào sâu vào tâm lý con người. Ông phê phán "văn chương đàn bà": “Văn chương đàn bà ta bây giờ phần nhiều thuộc về lối rất bi ai, giéo giắt, bởi nhu cảm thái đa, thành tinh thần nhược bại, nên lúc hạ ngọn bút viết là thở giọng sầu, tự trong lòng mà ra cũng có, mà chịu ảnh hưởng ở ngoài phần nhiều.” Ông nhấn mạnh hùng tâm tráng trí của người thiếu niên lớp mới: “[…] mình cũng có chút học thức, vẫn khăng khăng theo đuổi sự nghiệp, về văn chương, giáo dục, thế mà nay bị xô đẩy vào trong bể tình, chìm đắm mãi, quên cả rằng có thể nhà mong, bạn đợi, nước chờ về cái kết quả sự học của bạn thiếu niên đương lúc này, người còn hiếm của còn hiếm”.
Nhưng rốt cuộc, Tố Tâm có tồn tại như thế trong lịch sử là chỉ bởi vì nó đích xác là một câu chuyện tình lâm li bi đát. Hoàng Ngọc Phách muốn răn dạy, nhưng bài học của ông cuối cùng chỉ còn lại nhờ những lời của Tố Tâm lụy tình: “đời của em là đời vẩn vơ, ái tình của em là ái tình vô hy vọng”. Giờ đây nếu Tố Tâm không được đọc với tư cách một cuốn tiểu thuyết thực sự sướt mướt, thì ai còn đọc nó làm gì nữa. “Tố Tâm nay đã đào phai liễu ủ, sắp đến ngày gần đất xa giời. Ôi! xưa thì thế mà nay thì thế, đường kia nỗi nọ bởi vì đâu? Tài mà chi, sắc mà chi, tình ái mà chi, chẳng qua là những thứ bụi hồng dính vào đâu là khổ đó!”
Có những tác phẩm văn chương lớn vì vô ý mà sinh ra. Thời điểm ấy cần một tác phẩm như thế này, để làm lung lay hết mọi lý trí, thuyết lý, và thật kỳ lạ, lựa chọn lại rơi vào đúng Hoàng Ngọc Phách, một người hoàn toàn không có ý định viết ra một câu chuyện như vậy. Tác phẩm chỉ "nhờ vả" Hoàng Ngọc Phách chút ít rồi tách đi luôn khỏi. Nhà luân lý Hoàng Ngọc Phách, trong khi đóng một cây cọc củng cố cho luân thường đạo lý, cố kết cho nền móng của xã hội trọng thuyết lý, dùng sống dao để đập cho cây cọc lún sâu xuống, chỉ có điều ông nhầm, thay vì gõ sống dao ông lại cứ thế giáng lưỡi dao xuống, làm cho cây cọc bị chẻ loe hoe ra cả.
Sau này, Hoàng Ngọc Phách không viết cuốn tiểu thuyết nào nữa, tác phẩm của ông sau này được phong kín trong giới hạn của những bài luận và bài diễn thuyết - như thế thì khỏi phải lo một cái gì đó tưởng sẽ thế này lại đâm ra thành thế kia.
Nhưng Tố Tâm thì còn lại.
Nhị Linh có sưu tầm được bản in Tố Tâm đầu tiên không?
ReplyDeletechưa ạ, khó lắm, nhìn chung ấn phẩm của nhà Chân Phương mới được tí tẹo thôi
DeleteĐịnh chuyển sang nghiên cứu Nho giáo đấy à :))))
ReplyDeleteà cái từ văn học sử (literary history) dùng có đúng k nhỉ? e nghĩ phải là sử văn học chứ :D
ReplyDeletetheo kiểu Tàu
DeleteHNP bình luận Kiều: "Con ngựa hay tất có nước nghịch, mà lắm khi chính nước nghịch đó lại là cái hay. [...] [B]iết bao nhiêu con ngựa hay, vì không gặp chủ phải kéo xe bò. [...] Cô Kiều mà không gặp cơn gia biến, phải bước gian truân thì sao rõ được là: "người thục nữ đủ đường hiếu hạnh, tay đàn bà mà lại có kinh quyền?" Bất quá cô chỉ làm một cô khóa hay bà quan, nghìn thu sau còn ai biết đến? [...] Một cô tài sắc phi thường, cảm giác đặc biệt mà gặp chàng Kim không được ngó, gặp Đạm Tiên không được thương, thơ tuyệt diệu, đàn nỉ non không được học; cảnh phong hoa tuyết nguyệt không được ưa thì lối giáo dục luân-lý này có lẽ không hợp với tâm-lý. [...] Chỉ nên biết rằng hơn hay kém, dở hay hay là ở chỗ tình thanh hay tình tục, ở mục đích, ý định của kẻ làm: trong một đôi giai nhân tài tử phơi-phới lòng tơ, mà chung bóng đèn khuya, tiếng đàn như ru, hơi hương như gợi [...] mà dẹp được tà dâm, lấy lời nói khiến "người ngồi đó" phải kính nể, thật là một việc khó-khăn, những kẻ tính tình tầm-thường không làm nổi. Vậy thì để vào chỗ nguy mà đứng vững, bao giờ cũng đáng khen, hơn là người đứng vững vì chưa gặp lúc nguy."
ReplyDeleteRiêng câu này tóm lược thái độ HNP: "Nhưng ta cũng nên biết rằng bực lỗi-lạc vẫn là ít, mà hạng tầm-thường bình-dị vẫn là gốc của thế gian. Vả ở đời, cuộc thường vẫn nhiều hơn cuộc biến. Thế thì: ai thích an-nhàn, bình tĩnh, nên theo "đạo" cô Vân, mà ai không đủ tư cách như Kiều, chớ học Kiều mà dở, vì vẽ hổ không thành, tất thành một thứ bốn chân, mà không phải là hổ."
Biết đâu "mấy lời của người chép truyện" buộc phải viết ra vì biết phần đông người đọc không phải Kiều, không phải Tố Tâm?