May 29, 2015

Văn chương và im lặng

Văn chương Việt Nam 25 năm vừa qua là phiên bản nhiệt đới gió mùa của câu văn khét tiếng của Adorno: "Còn làm thơ sau Auschwitz thì thật man rợ".

Không phải ngay sau 1975, mà dường như có khoảng chờ đợi mười lăm năm, quãng mười lăm năm để mọi thứ chất độc có sẵn bắt đầu phát tác, để biến dòng máu trở thành dòng máu độc tím ngắt bệnh hoạn. Phong cảnh văn chương Việt Nam 25 năm vừa rồi đến lúc đòi hỏi phải được thấu hiểu, hiểu một cách đau đớn và tàn nhẫn: câu hỏi chính yếu không phải Văn chương để làm gì? mang hương vị của Saint-Germain-des-Prés, mà là Thế quái nào mà vẫn có văn chương được?

Phải cảm nhận được từ trong sâu thẳm (vì là chuyện dòng máu), khi những ảo tưởng lúc đầu đã tan biến như bọt biển, như bình minh dịu dàng ngay sau đó bị mặt trời hung bạo gần xích đạo đốt sạch, phải ý thức được rằng sa mạc của miền nhiệt đới nghĩa là thiêu đốt, hoang vu và độc địa.

Phải cảm nhận được rằng mọi thứ đều lệch lạc, và mọi hành động của ta chỉ có thể tiếp tay cho tình trạng lệch lạc kia. Sự khô cằn ấy không có cứu rỗi, còn không có đến một ảo ảnh ốc đảo. Không có văn chương và nhà văn đích thực khi không có sự thấu hiểu phong cảnh chung: hãy nhìn lại thời của các nhà thơ viết ra Kiều, Cung oán, Chinh phụ, họ cũng phải có cảm nhận đau đớn tột cùng, cũng đã phải làm một công việc mênh mông như biển, là gột rửa sự bẩn thỉu của dòng máu.

Chỉ có nhà văn lớn khi nhà văn ấy biết im lặng.

Ở ranh giới của sự thoái hóa dòng máu chung, thật ra đã có sẵn một phương thuốc, nhưng phương thuốc ấy đã không được hiểu, bị lờ đi, trong đà cuốn của dòng máu bệnh: bệnh hoạn thì mới mạnh mẽ, điều ấy không thể khác. Phương thuốc đã nằm ngay trong Nỗi buồn chiến tranh: trong cuốn tiểu thuyết ấy, nỗi buồn mới là quan trọng, nó chính là phương thuốc trị bệnh cho máu, nhưng người ta lại tưởng quan trọng là phần chiến tranh. Một cơ hội đã bị bỏ qua, một cách còn thảm khốc hơn cả cuộc chiến tranh. Không biết buồn, con người đã không biết dùng sa mạc của nỗi buồn để chống lại sa mạc của phong cảnh chung.

25 năm ấy, chỉ vài người tạo ra được một thứ văn chương không nhiễm bẩn, đấy là khi họ ý thức được rằng phải tạo ra một thế giới riêng hẳn, không có gì chung với tất cả, chỉ tiếp giáp tối thiểu, để có thể ngăn chặn ngay từ đầu dòng máu bẩn. Những người ấy lạc loài tự nguyện: Nguyễn Ngọc Tư của một cõi đồng bằng miền Tây, Nguyễn Bình Phương với một miền đồi núi phía Bắc, và Bùi Ngọc Tấn trong thế giới tù tội.

Và một số, rất ít, rất khác nhau, nhưng chung nhau ở một đặc điểm mà tôi tin là rất ít người nhận ra: những nhà văn rất mỏng, có sự tồn tại thoáng qua. Sự thoáng qua này, rồi sau đó là biến mất và im lặng, không tố cáo, mà là một sự nhận ra đầy buồn nản, sự hiểu ra rằng thế quái nào mà lại có văn chương. Xuất hiện với mầm mống đầy đủ cho những sự nghiệp văn chương đồ sộ, nhưng họ nhanh chóng biến mất, quay hẳn lưng lại với văn chương, bỏ đi - để giũ cho sạch thứ máu bẩn đã ám vào mình. Mỗi người là vài tập truyện ngắn: đó là trường hợp của Phan Triều Hải, Đỗ Phước Tiến, Ngô Phan Lưu và Nguyễn Nguyên Phước. Ở chiều ngược lại là những văn chương phun trào, những vòi nước thế quái nào lại đặt vào giữa vùng sa mạc, thi nhau tưới nước lên cát. Những sự tồn tại như thế cũng hợp lý, vì sự tồn tại nào cũng hợp lý hết: văn chương Nguyễn Đình Tú tồn tại là để sau này người ta thấy một thời văn chương Việt Nam có thể ngớ ngẩn như thế nào.

Nhưng rồi cũng đến hạn, máu độc cũng sẽ dần loãng, mấy năm sắp tới chắc chắn sẽ rất nhiều bất ngờ.

9 comments:

  1. "những nhà văn rất mỏng, có sự tồn tại thoáng qua" voi em con Nguyen Thi Chau Giang trong Nam

    ReplyDelete
  2. không thấy a nhắc Phan Thị Vàng Anh

    ReplyDelete
  3. Lúc trước có một ngươì Mỹ, cùng làm chung trong văn phòng với tôi, nói với tôi rằng khi đọc bản tiếng Anh Nỗi Buồn Chiến Tranh cuả Bảo Ninh cô ấy khóc. Lúc nói mắt cuả cô ta cũng rưng rưng nưã.
    Tôi đã không hỏi điều gì cuả tiểu thuyết ấy đã làm cho cô xúc động đến... rơi lệ. Dù nước mắt cuả chúng tôi có thể không giống nhau, nhưng đem phân chất hay thẩm định nọ kia phỏng có ý nghiã hay ích lợi gì phải không?
    Để vài bưã nưã tôi lại đi tìm cô ấy , tặng vài cuốn sách người Việt viết bằng tiếng Anh xem cổ có còn đổ lệ nưã hay không.
    - gc

    ReplyDelete
  4. cứ thử đi, ôi quê hương yêu dấu

    ReplyDelete
  5. hy vọng theo đà hot, theo cơn cuồng phong tự hào, theo men say chếnh choáng trên "Đảo của dân ngụ cư" chúng ta sẽ thấy Đỗ Phước Tiến cháy lên, bay vù lên,thăng vút lên tựa pháo bông,rời khỏi hòn Đảo đó, đi tìm chốn mới rộng hơn, nhiều khu mới hơn để định cư, chăng @¿@

    ReplyDelete
  6. Thanks for finally writing about >"Văn chương va im lặng" <Loved it!

    ReplyDelete
  7. Khi không tự suy nghĩ ra được thì lại trích dẫn từ đây: “Phải cảm nhận được rằng mọi thứ đều lệch lạc, và mọi hành động của ta chỉ có thể tiếp tay cho tình trạng lệch lạc kia. Sự khô cằn ấy không có cứu rỗi, còn không có đến một ảo ảnh ốc đảo”

    Đúng vậy, mọi thứ, tất tật đều lệch lạc.

    ReplyDelete