Về địa danh "Ramses". Thật ra có đúng Kafka muốn nói đến một thành phố gần New York tên là Ramses không? Nhiều khả năng ông muốn nói đến một thành phố khác, cũng gần New York và cũng có tên đặc âm hưởng Ai Cập: Memphis.
Chương bốn: Đường tới Ramses
Đi một lúc thì Karl tới một quán trọ nhỏ, thật ra nó chỉ là
trạm dừng tí xíu cuối cùng cho xe cộ trên đường đến New York, vì thế hiếm khi
người ta ngủ qua đêm ở đó, anh hỏi cái giường rẻ nhất, vì anh nghĩ ngay từ bây
giờ mình phải bắt đầu tiết kiệm. Chủ quán, chiểu theo lời đề nghị của anh, lấy
ngón tay, như thể anh là người làm công cho ông ta, chỉ cầu thang, lên trên đó
anh được tiếp đón bởi một mụ già ăn mặc luộm thuộm, điên tiết vì bị quấy rầy
khi đang ngủ và, chẳng buồn nghe anh nói, vừa không ngừng nhắc nhở anh phải trật
tự vừa đưa anh vào một căn phòng rồi đóng cửa lại sau khi đã thổi vào mũi anh một
tiếng “suỵt!” cuối cùng.
Thoạt tiên Karl tự hỏi, vì căn phòng tối quá, có phải rèm cửa
sổ đang kéo vào hay là chẳng có cửa sổ nữa; nhưng rốt cuộc anh phát hiện một ô
cửa nhỏ đằng sau một tấm bạt mà anh gạt sang bên, và qua đó một ít ánh sáng lọt
vào. Căn phòng có hai giường, cả hai đều đã có người nằm. Karl nhìn thấy hai
thanh niên nằm trên đó trong giấc ngủ say và trông chẳng đáng tin chút nào bởi
vì họ ngủ với đầy đủ quần áo tuy không có lý do rõ ràng nào; một trong hai người
vẫn đi giày.
Vào lúc Karl kéo rèm, một trong hai người đang ngủ nâng tay
và chân lên, tạo ra một cảnh tượng lố bịch khiến cho mặc dù đang ngổn ngang những
lo lắng, Karl cũng không thể ngăn mình ngấm ngầm phì cười.
Anh nhanh chóng nhận ra, ngoài việc không có sofa, trường kỷ
hay chỗ nằm khác, anh sẽ chẳng bao giờ ngủ được trong căn phòng này, vì anh
không muốn phơi cái hòm anh vừa tìm thấy lại, cùng tiền của anh, trước nguy hiểm.
Nhưng anh cũng không muốn bỏ đi, vì anh nghĩ sẽ không thể yên ổn đi qua trước mặt
mụ già và ông chủ quán trọ để ra khỏi đây. Trong căn phòng này anh cũng chẳng
có cơ gặp nhiều nguy hiểm như ngoài đường cái. Tuy nhiên cũng có một điều nổi bật:
không cách nào tìm được trong phòng, trong chừng mực ánh sáng lờ mờ cho phép, dủ
chỉ một thứ hành lý. Nhưng có lẽ, và rất có khả năng, hai thanh niên kia là những
anh hầu thường phải dậy để phục vụ khách nên họ mặc nguyên quần áo đi ngủ.
Trong trường hợp ấy, tuy chẳng phải vinh hạnh lớn lao gì khi ngủ cùng phòng với
họ, nhưng ít nhất anh sẽ được an toàn. Nhưng chừng nào điều này còn chưa tuyệt
đối chắc chắn, anh nhất định không được ngủ.
Dưới chân giường có một ngọn nến và những que diêm, Karl rón
rén đi đến để lấy. Anh không ngại thắp sáng vì ông chủ quán trọ đã cho anh vào
phòng này, cũng như hai người kia, vả lại họ đã được hưởng nửa đêm nằm ngủ và
có lợi thế lớn so với anh do chiếm được hai cái giường. Dĩ nhiên, anh bước đi
vô cùng cẩn trọng và tính toán từng cử động nhỏ, cố gắng để không đánh thức họ
dậy.
Trước tiên anh muốn xem xét cái rương để có một ý niệm chung
về những thứ đồ đạc giờ đây anh không còn nhớ rõ lắm, mà những gì quý giá nhất
có thể đã mất rồi. Bởi vì, ngay khi Schubal đặt tay lên bất kỳ một vật gì, có rất
ít hy vọng ta tìm lại được nó nguyên vẹn. Nói cho đúng, chắc hẳn Schubal đã
trông chờ từ ông cậu một món tiền thưởng lớn, và mặt khác, ông ta có thể biện
minh cho việc một số thứ biến mất bằng cách đổ tội cho anh Butterbaum, người giữ
cái hòm trước đó.
Mới thoạt nhìn qua cái hòm mở nắp, Karl thấy hoảng hốt ngay.
Trong suốt chuyến đi anh đã bỏ ra bao nhiêu tiếng đồng hồ để sắp xếp nó cho thật
cẩn thận! Thế mà giờ đây tất cả tạo thành một mớ hỗn độn khủng khiếp khiến cho
cái nắp tự bật ra ngay khi mở khóa.
Nhưng Karl vui sướng nhận ra ngay rằng sự lộn xộn chỉ là do
người ta nhét vào sau đó bộ com lê mà anh mặc trong chuyến đi và bộ com lê ấy
thì không có sẵn trong số đồ ban đầu. Không thiếu một mảy may gì. Trong cái túi
bí mật của áo vest vẫn còn không chỉ tấm hộ chiếu mà cả số tiền mà Karl mang
theo từ nhà, thành thử cùng những gì anh đang có, vào lúc này anh tương đối rủng
rỉnh. Những quần áo anh mặc khi tới đây cũng ở đó, sạch sẽ và được là cẩn thận.
Ngay lập tức anh cho đồng hồ đeo tay và tiền vào cái túi bí mật trung thành. Điều
duy nhất phải phàn nàn là cái xúc xích Verona, cũng vẫn còn nguyên, đã làm ám
mùi lên mọi thứ đồ trong hòm. Nếu không tìm được cách để xử lý, Karl mắc phải
nguy cơ sẽ bị ngập ngụa trong cái mùi này suốt nhiều tháng.
Trong khi anh kiểm tra vài thứ nằm dưới đáy, một quyển Kinh
Thánh bỏ túi, giấy viết thư và bức ảnh chụp bố mẹ, cái mũ cát két của anh tuột
khỏi đầu rơi vào hòm. Khi nó nằm đây trong khung cảnh cũ anh liền nhận ra, đó
chính là mũ cát két của anh, cái mũ cát két mà mẹ anh đã tặng cho anh khi anh
lên đường. Anh đã không đội nó lúc còn ở trên tàu, vì biết bên Mỹ ai cũng đội
kiểu mũ ấy, và không muốn dùng mũ của mình trước khi đến nơi. Giờ đây ông Green
đã dùng nó để giải trí, trêu tức anh! Ai mà biết ông cậu có chủ trương như thế
không? Trong một cử động điên giận không chủ ý anh hất cái nắp hòm, nó bèn ầm ĩ
sập xuống.
Chẳng còn làm gì được nữa: hai người đang ngủ đã thức dậy. Một
trong hai bắt đầu vươn người và ngáp, người kia liền bắt chước theo. Và gần như
mọi thứ chứa trong hòm đã bày cả ra trên bàn; nếu những người kia là quân trộm
cắp, bọn họ chỉ cần tiến lại gần và lựa chọn. Để ngăn ngừa điều này, và cũng để
làm sáng tỏ tình hình ngay tắp lự, Karl, tay cầm nến, tiến về phía hai cái giường
và giải thích tại sao anh ở đây. Dường như họ không để ý đến lời giải thích đó
và, vẫn còn quá ngái ngủ nên không nói chuyện được, họ chỉ nhìn anh mà không tỏ
ra có chút ngạc nhiên nào. Đó là hai chàng thanh niên còn rất trẻ, nhưng công
việc hoặc sự nghèo khổ đã làm hiện ra trên mặt họ từ rất sớm những góc cạnh
xương xẩu, những chòm râu tua tủa mọc lên trên cằm họ, tóc họ chỉ là một mớ rối
tung và, trong cơn buồn ngủ, họ lấy những ngón tay dụi lên những cặp mắt trũng
sâu.
Để tận dụng sự yếu đuối tức thời của họ, Karl nói luôn: “Tôi
tên là Karl Roßmann và tôi là người Đức. Xin hãy vui lòng nói cho tôi tên của
các anh, quốc tịch của các anh, vì chúng ta đang ở chung phòng. Tôi xin nói
ngay với các anh là tôi không đòi nằm giường, vì tôi đến quá muộn và thêm nữa
tôi không định ngủ. Đừng khó chịu vì bộ quần áo đẹp của tôi, tôi hoàn toàn
nghèo khổ và không có tương lai gì.”
Người thấp hơn - là người vẫn đi giày - cho thấy qua hai
cánh tay, cặp chân và toàn thể cung cách, rằng chẳng gì trong những điều ấy làm
hắn quan tâm và nhất là đây không phải lúc nói chuyện; hắn lại nằm xuống và ngủ
ngay; người kia, một gã da nâu, cũng nằm xuống, nhưng trước khi ngủ còn nói, hờ
hững chìa tay ra: “Anh ta tên là Robinson: đó là một người Ái Nhĩ Lan; còn tôi,
tôi tên là Delamarche, tôi là người Pháp, giờ thì tôi đề nghị anh để yên cho
chúng tôi ngủ.” Nói đoạn, hắn thổi tắt ngọn nến của Karl và gieo đầu xuống gối.
“Thế là một mối nguy đã được khép lại vào lúc này,” Karl tự
nhủ, quay lại chỗ cái bàn. Nếu cơn thèm ngủ của họ không bị khuấy động thì mọi
chuyện sẽ ổn. Điều phiền nhiễu duy nhất là cái tay Ái Nhĩ Lan kia. Karl cũng chẳng
nhớ rõ cuốn sách nào anh từng đọc ở nhà nói rằng bên Mỹ cần phải nghi ngờ những
người Ái Nhĩ Lan. Hồi còn ở nhà ông cậu, lẽ dĩ nhiên anh có rất nhiều cơ hội để
làm sáng tỏ vấn đề mối độc hại Ái Nhĩ Lan này, nhưng, vì cứ tưởng mình sẽ được
yên ổn cả đời, anh đã lơi đi mối lo ấy. Anh đi đến nhìn tay Ái Nhĩ Lan từ khoảng
cách gần hơn với ngọn nến mà anh vừa thắp lại, và cuộc kiểm tra cho thấy tay Ái
Nhĩ Lan lại ngon ăn hơn tay người Pháp. Thậm chí hai má hắn còn vương nét bầu bầu
và hắn mỉm cười rất dễ thương trong lúc ngủ, đó là tất cả những gì Karl, đứng
nhón chân từ xa, có thể nhìn thấy.
Tuy nhiên, đã nhất định là sẽ không ngủ, anh ngồi xuống cái
ghế duy nhất trong phòng, chưa đóng cái hòm lại vội - anh còn cả đêm - và giở
quyển Kinh Thánh ra một lúc nhưng không đọc. Sau đó anh cầm bức ảnh chụp bố mẹ
lên: người đàn ông bé nhỏ, bố anh, đứng thẳng còn mẹ anh ngồi trong một cái ghế
phô tơi kê trước mặt ông. Ông đặt một tay lên lưng ghế, tay kia đặt lên một quyển
sách tranh đang mở, trên một cái bàn nhỏ mong manh trang trí cầu kỳ bên cạnh.
Karl còn một bức ảnh khác nữa, trong đó có anh cùng bố mẹ, họ nhìn anh, trong
khi người chụp ảnh yêu cầu anh nhìn vào máy ảnh, nhưng bức ảnh đó anh không được
phép mang theo.
Bởi vậy anh càng chăm chú nhìn bức ảnh trước mặt hơn, và
xoay nó đủ các góc để tìm cách bắt lấy ánh mắt bố anh. Nhưng anh có xoay thế
nào, chỉnh vị trí của ngọn nến ra sao thì bố anh vẫn từ chối trở nên sống động
hơn, hàng ria rậm nằm ngang của ông chẳng thực chút nào, đây không phải là một
bức ảnh thành công. Ngược lại, bà mẹ có hình ảnh chuẩn hơn, miệng bà trễ xuống
trông như thể một người phụ nữ bị phật ý bị buộc phải cười. Karl thấy chi tiết
này chắc hẳn phải nổi bật trong mắt những người nhìn bức ảnh đến nỗi một lúc
sau anh lại nghĩ nó quá mức lồ lộ và có gì đó bất thường. Làm sao một bức ảnh lại
có thể mang tới một cảm giác mạnh mẽ đến vậy, rằng bên dưới chủ thể kia có biết
bao tình cảm bị che giấu? Anh rời mắt khỏi nó một lúc. Khi nhìn lại anh sửng sốt
vì hình dạng bàn tay của mẹ anh, để thõng trên tay cầm ghế phô tơi, ngay phía
trước, gần đến nỗi như thể ta có thể hôn nó. Anh tự hỏi có nên viết thư cho bố
mẹ như họ đã yêu cầu anh không (nhất là bố anh, ở Hamburg, vào lúc cuối cùng, một
cách hết sức nghiêm khắc). Chắc rồi, trước đó, vào buổi tối khủng khiếp khi mẹ
anh, ở cửa sổ, bảo nhất quyết anh sẽ phải đi sang Mỹ, anh đã tự thề với mình là
sẽ không bao giờ viết thư, nhưng giờ đây, lúc này, trong tình hình mới này, lời
hứa của một cậu trẻ con thì còn đáng giá gì nữa! Anh cũng hoàn toàn có thể thề
là mình sẽ trở thành tướng của quân đội liên bang sau hai tháng, trong khi hiện
tại anh đang ở cạnh hai kẻ du thủ du thực trên tầng áp mái một quán trọ New
York, thêm nữa anh phải tự thú nhận rằng đây mới thật là chỗ của anh. Anh mỉm
cười xem kỹ mặt bố mẹ như có thể đọc thấy ở đó xem họ có còn muốn nhận tin tức
của đứa con trai hay không.
Cứ nhìn mãi như thế, anh nhanh chóng thấy rằng mình rất mệt
và sẽ rất khó mà thức cho đến sáng. Bức ảnh rơi khỏi những ngón tay anh, anh áp
má lên nó, cảm giác mát lạnh làm anh thấy thoải mái và anh dễ chịu ngủ thiếp
đi.
Anh choàng tỉnh vì bị cù vào nách lúc sáng sớm. Chính tay
người Pháp tự cho phép mình làm cái hành động suồng sã ấy. Nhưng tay Ái Nhĩ Lan
cũng đã đứng bên cái bàn của Karl và hai tay ấy nhìn anh, không kém phần tò mò
như Karl đã cảm thấy đối với bọn họ trong đêm. Anh không ngạc nhiên vì bọn họ
khi ngủ dậy đã không làm anh tỉnh giấc; sự yên ắng của bọn họ không nhất thiết
có ý đồ xấu, vì anh đã ngủ quá say, và rõ ràng bọn họ đã chẳng mấy mất công để
mặc quần áo hoặc, trước đó, rửa ráy.
Giờ đây họ chào hỏi nhau một cách kỹ càng, hơi có chút trịnh
trọng, và Karl biết được rằng đó là hai thợ máy lâu nay đã không thể tìm được
việc làm ở New York, điều này khiến họ u ám một cách sâu sắc. Robinson phanh áo
vest ra để chứng minh, và quả thật có thể thấy rằng hắn không có áo sơ mi, vả lại
cũng dễ nhận ra điều đó thông qua sự lỏng lẻo của cái cổ áo giả, đính thẳng lên
phía sau áo vest. Họ đã nảy ra ý định đi bộ đến thành phố nhỏ Butterford cách
New York hai ngày đường; có vẻ như sẽ xin được việc ở đó. Họ không phản đối
Karl đi cùng luôn và hứa thỉnh thoảng sẽ mang giúp anh cái hòm, rồi, nếu tìm được
việc, sẽ tìm cách đưa anh vào đó làm thợ học việc, điều này chắc dễ thôi miễn
là có việc thật. Karl vừa nói đồng ý thì bọn họ đã khuyên anh nên cởi bỏ bộ com
lê đẹp ra, nó sẽ không có ích gì khi đi tìm một chỗ làm. Mà trong chính ngôi
nhà này, có ngay cơ hội tuyệt vời để tống khứ bộ quần áo luôn, vì mụ hầu phòng
buôn quần áo. Họ giúp Karl còn đang ngần ngừ trút bỏ những gì anh đang mặc trên
người rồi biến đi. Còn lại một mình, và vẫn còn hơi buồn ngủ, Karl tự trách
mình, trong lúc mặc lại những thứ đồ cũ, vì đã bán đi một bộ quần áo chắc hẳn
có thể gây ra cho anh những phiền nhiễu nếu muốn tìm một chỗ làm thợ học việc
nhưng biết đâu lại có ích nếu anh muốn tìm một chỗ khá hơn, và anh mở cửa để gọi
hai tay kia lại, thì bọn họ đã quay trở lại, đặt nửa đô la lên bàn, nhưng vẻ mặt
bọn họ trông vui sướng đến nỗi không thể tin được rằng bọn họ đã không tìm được
phần lợi nhuận riêng, và thật tức là phần này không hề nhỏ.
Vả lại đây không phải là lúc tranh cãi, bởi vì mụ hầu phòng
đã đến, vẫn ngái ngủ y như hồi đêm, đuổi cả ba ra hành lang, giải thích rằng phải
dọn phòng để đón những vị khách mới. Lẽ dĩ nhiên chẳng có gì như vậy cả, mụ chỉ
làm vậy vì độc ác mà thôi. Karl, đã chuẩn bị dọn lại cái hòm, phải chứng kiến cảnh
mụ đàn bà túm lấy đồ đạc của anh bằng cả hai tay và nhét chúng vào hòm với cùng
sức mạnh mà mụ hẳn cũng dùng để bắt lũ thú vật bướng bỉnh phải nằm phủ phục dưới
chân mụ. Hai người thợ máy quấy rối mụ, giật váy mụ, đập vào lưng mụ, nhưng nếu
bọn họ có ý định giúp đỡ Karl thì kết quả thu được hoàn toàn ngược lại. Khi đã
đóng xong cái hòm, mụ đàn bà dúi quai hòm vào tay Karl, xua hai tay thợ máy đi
và đuổi tất cả họ khỏi phòng, dọa sẽ không dọn cà phê nếu họ không chịu nghe lời.
Rõ ràng là mụ đã quên rằng Karl không thuộc nhóm này ngay từ đầu, vì mụ đối xử
với bọn họ như thể bọn họ thuộc cùng một băng. Có điều hai tay thợ máy đã bán
quần áo của Karl và bằng cách ấy đã chứng tỏ có chút tình đồng đảng với anh.
Cám ơn. Mong được đọc tiếp
ReplyDeletevâng, sắp có đến hết chương 4 rồi, ngay sau đó sẽ là chương 5
Delete