Đã nói đến một "trường hợp Minh Thanh" có đặc điểm nổi bật là thu hút rất nhiều học giả danh tiếng của Việt Nam trong một quãng thời gian dài, giờ ta nên nói tới một "Minh Thanh" khác, nổi bật chính vì nó là ngược lại của Liêu Trai chí dị ở phương diện dịch thuật. (Rồi sẽ có lúc ta nhắc tới các tác phẩm hơi lệch khỏi địa hạt "tiểu thuyết", mà cụ thể là "tam ngôn nhị phách" vân vân và vân vân).
Chúng ta rất quen thuộc với Kim Bình Mai kiểu như thế này, khi chúng ta lên chín lên mười:
Giờ nghĩ lại, thật may mắn vì thập niên 80, khi một lứa bắt đầu lớn, đã xuất hiện trở lại, sau hơn hai mươi năm hoàn toàn vắng bóng, những bộ sách rất nhiều tập kiểu như thế này. Về sau gặp và nói chuyện với rất nhiều người lớn lên ở Hà Nội thời cuối bao cấp, tôi nhận thấy có một ký ức rất chung, trong đó rất điển hình là những người thuộc lòng các bộ tiểu thuyết chương hồi của Tàu. Thế hệ lớn lên trong thập niên 70 có vẻ không hề giống, họ rất rành Sông Đông êm đềm hay Dôi-a vân vân. Tất nhiên một số gia đình vẫn giữ được các bộ sách Tàu in từ trước 1945 hoặc in cho tới cuối thập niên 50, nhưng hẳn không có nhiều.
Thêm một bộ tương tự:
Kim Bình Mai và Đông Chu chưa phải những bộ sách danh tiếng nhất, thu hút nhất. Địa vị đỉnh cao phải là Tam Quốc diễn nghĩa, Tây Du ký và Thủy hử. Chắc nhiều người cũng giống tôi, đã vô cùng kinh ngạc khi đọc tới Kim Bình Mai, phát hiện ra rằng chỉ một đoạn ngắn của Thủy hử đã được phát triển thành một câu chuyện rất dài và rất khác, trong đó không phải Võ Tòng mà Tây Môn Khánh mới là nhân vật chính. Phan Kim Liên, Lý Bình Nhi và Bàng Xuân Mai đã gợi lên cho độc giả tầm mới ngoài chục tuổi những ý nghĩ gì? :p
Kim Bình Mai không được hưởng một số phận dịch thuật phong phú như Liêu Trai chí dị hay, nhất là, Tam Quốc. Rất may, trong riêng lĩnh vực này, ta đã có một nghiên cứu rất kỹ càng của Nguyễn Nam mang tên "Vàng thau lẫn lộn: Phiên dịch học văn hóa và trường hợp Kim Bình Mai ở Việt Nam" (xem ở đây - các bác nên đọc kỹ bài này, có rất nhiều chi tiết hay). Anh Nguyễn Nam là một trong số các đồng nghiệp mà tôi luôn luôn chờ đợi để đọc các nghiên cứu, chỉ có điều anh Nguyễn Nam viết quá ít :p
Ở Việt Nam, trước sau chỉ có mỗi một bản dịch Kim Bình Mai. Bản tám tập trong ảnh trên đây không ghi tên dịch giả, chỉ ghi tên "Chiêu Dương" (nhà xuất bản). Thực chất, đây chính là bản trong ảnh này:
(rất dễ nhớ và dễ phân biệt: ba tập to, vàng, đỏ rồi xanh)
Đây là bản dịch của Nguyễn Quốc Hùng, người từng dịch rất nhiều tác phẩm từ tiếng Trung tại miền Nam trước 1975, và sau này vẫn dịch tiếp.
Các bản của Hà Nội không chỉ bỏ mất tên dịch giả, mà một số bản về sau còn ghi nhập nhằng, khiến câu chuyện dịch giả Kim Bình Mai từng có lần lên báo, liên quan đến Phan Văn Các (có thể tìm được những bài báo liên quan đến sự việc trên Internet). Bản thân một người như Hoàng Hải Thủy cũng có một bài viết kể về chuyện đọc Kim Bình Mai, cứ tưởng ai đó ở Hà Nội dịch hay quá, sau mới nhìn thấy "Chiêu Dương" thì hiểu ra đây chính là bản của Sài Gòn, nhưng đến cuối cùng vẫn tưởng người dịch tên là Phan Văn Các :p (Phan Văn Các là một nhân vật thuộc Viện Hán Nôm trước đây; còn Chiêu Dương chính là một nhà xuất bản in nhiều tác phẩm của Hoàng Hải Thủy).
Bài viết của anh Nguyễn Nam đã nói rõ về vấn đề tác giả Kim Bình Mai (bản Chiêu Dương ghi tên một tác giả, Vương Nguyên Mỹ, các bản Hà Nội và sau này lại ghi tên tác giả khác hẳn, là Tiếu Tiếu Sinh; nhưng về cơ bản, Kim Bình Mai gần như lọt lưới các nghiên cứu sâu, tính cho tới Nguyễn Nam), vấn đề văn bản của Kim Bình Mai, vấn đề kiểm duyệt, hay nói đúng hơn là "tự kiểm duyệt" (theo hướng đạo đức) của bản dịch, vấn đề khó xác định sự lưu truyền của Kim Bình Mai tại Việt Nam trước đây; tóm lại là đầy đủ các khía cạnh.
Trong bài viết, anh Nguyễn Nam nói rõ hồi ấy, Kim Bình Mai được in thành 12 tập. Trong ảnh ta thấy có ba tập, nhưng thật ra đây là sách do nhà xuất bản đóng lại, gộp bốn tập lại thành một; dấu vết của điều này còn có thể thấy rõ nếu ta giở ra xem kỹ:
nhìn cách nhảy số trang từ 224 đến luôn 230 là có thể thấy thực chất sách đã được gỡ các trang phụ cùng bìa rồi dán lại thành tập lớn
Có điều, không hiểu anh Nguyễn Nam thấy ở đâu chi tiết đến đầu năm 1970 thì bộ này được nhà Chiêu Dương in đầy đủ. Mọi thứ mà tôi có đều nói lên rằng toàn bộ Kim Bình Mai đã được in, một cách trọn vẹn, trong năm 1969:
Trong bài của anh Nguyễn Nam cũng có một chi tiết nhỏ liên quan đến niên đại nữa, quyển sách của Nguyễn Huy Khánh, Khảo luận tiểu thuyết Trung Hoa, thật ra in năm 1959 chứ không phải 1958 như trong bài viết:
Nguyễn Hiến Lê là người viết lời tựa cho cuốn sách này. Dường như đây là tiền đề để ít năm về sau, Nguyễn Hiến Lê viết bộ sách dưới đây, như một sự tiếp nối:
Nhìn lại một cách tổng thể, điều tôi nhận thấy là tuy Kim Bình Mai không có một lịch sử dịch thuật tại Việt Nam dài (và loằng ngoằng) như một số bộ tiểu thuyết Tàu khác, nhưng nó xuất hiện rất khủng khiếp, đúng vào năm 69, thật là một sự xuất hiện quá xuất chúng và xứng đáng :p
Liêu Trai chí dị
Tưởng lầm đến cuối có ảnh giới thiệu ấn bản KBM 2015. Lại còn lầm dịch giả là Nguyễn Quốc Hùng phăng tô mát (Hùng MA)
ReplyDeleteNgưỡng mộ,lẫn ghen tị với Kính Tế
ReplyDeletetức là Phan Văn Các không hề dịch KBM.
ReplyDeletexét cho cùng, cần một bản dịch mới, dựa trên một bản nền gần gũi nhất với nguyên tác.
"nguyên tác" thì cũng khó nói lắm, nhưng nhất định là cần có bản dịch đừng bỏ mất mấy đoạn Tây Môn Khánh nghịch ngợm :(
ReplyDeleteđã bác nào chịu khó đối chiếu bản dịch 'Lady Chatterley's Lover' - Người tình của phu nhân Chatterley chưa nhỉ? nếu quyển này đã dịch trung thành với nguyên tác thì không có lý gì KBM lại tự kiểm duyệt
DeleteHình như bài viết không phải của Nguyễn Nam. Nguyễn Nam chỉ hiệu đính bản dịch
ReplyDeleteBài viết của anh Nguyễn Nam, nguyên văn viết bằng tiếng Trung. Nguyễn Đông Triều dịch từ tiếng Trung sang tiếng Việt, anh Nguyễn Nam hiệu đính lại chính bài viết của mình :)
DeleteNhân tiện, làm luôn vụ lịch sử dịch thuật "Hồng lâu mộng" tại Việt Nam đi. Vụ cắt hoặc lược dịch phần nhạy cảm trong "Hồng lâu mộng" cũng đầy rẫy.
ReplyDeletekỳ tới: Ngọc lê hồn và Kim cổ kỳ quan :p
ReplyDeleteLưu ý: Kim cổ kỳ quan có rất nhiều phiên bản :)
Delete69
ReplyDelete