Oct 4, 2015

Nhân một cái giải thưởng

Yên tâm, tôi sẽ không bình luận gì về một cái giải thưởng vừa mới trao đâu :p thật ra tôi ở cách xa những câu chuyện ấy lắm rồi.

Lại vừa có một giải thưởng mới được loan là sẽ trao trong tương lai. Tôi cũng chẳng muốn bình luận, nhưng vẫn thấy ngứa mồm, tôi nghi cái giải này sẽ có mức độ nhảm nhí ngang giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam.

Tôi muốn quay trở lại với hai giải thưởng thời tiền chiến. Trước hết là giải thưởng Tự Lực văn đoàn.

Cách đây mấy năm, nhân có một cuộc trưng bày tác phẩm và những thứ liên quan đến Tự Lực văn đoàn, nhà báo Văn Bảy (tức Lý Đợi) viết một bài bình luận. Lý Đợi có quan hệ sâu trong cả giới văn chương, sưu tầm lẫn nghiên cứu, nên các ý kiến của bài này rất đáng chú ý, có thể nghĩ là đại diện cho cách nghĩ chung. Trong bài ấy, tôi quan tâm nhất đến hai chi tiết.

Thứ nhất, giải thưởng TLVĐ năm 1935 bỗng khuyết một nhân vật (tức là ta biết năm ấy TLVĐ trao bốn giải, nhưng giờ chỉ biết có ba, là Đỗ Đức Thu, Phan Văn Dật và Hàn Thế Du). Nhân vật thứ tư nhận giải thưởng năm ấy là ai?

Trên số chuyên đề của báo Giáo viên nhân dân năm 1989, Trương Chính có một bài tổng quan về Tự Lực văn đoàn, tôi đọc đã lâu, chợt tôi nhớ Trương Chính có nhắc đến giải thưởng TLVĐ và có một cái tên từng khiến tôi rất kinh ngạc. Trương Chính nói tác phẩm Cách ba nghìn năm của Cung Khanh từng đoạt giải thưởng. Rất có thể nhân vật bị khuyết thiếu trong hiểu biết chung của chúng ta ngày nay là Cung Khanh.

Cách ba nghìn năm của Cung Khanh đây, in tại Sài Gòn, nhà Phù sa đầu thập niên 60:


Tôi từng gặp vài người rất lớn tuổi, họ từng đọc Cung Khanh hồi trẻ và vô cùng say mê. Thêm một tài năng văn chương quá khứ rất ít được nhớ đến. Bên cạnh là một kiểu tiểu luận của Cung Khanh, đặc biệt là quyển của tôi bên trong có dòng đề tặng và chữ ký:


Tôi cùng một người bạn nữa săm soi mấy chữ này, nhất là chữ ký, thấy rất là quái vì chữ ký chẳng giống "Cung Khanh" gì cả, cũng không giống tên thật của Cung Khanh (là Kỉnh). Mãi sau mới nghĩ ra, quyển này in ở nhà Tinh việt năm 1957, mà Tinh việt thì gắn liền với Phạm Đình Tân, và chữ ký kia chính là của Phạm Đình Tân. Về Phạm Đình Tân lúc nào đó ta sẽ nói sau. Bên dưới còn có một con dấu: quyển sách này từng có thời nằm trong "Hoàng Phố thơ viện", lại liên quan đến một nhân vật nữa.

Như vậy, tạm coi là đã bù đắp được một chỗ trống mà bài viết của Lý Đợi nêu ra. Nhưng trong bài viết ấy, có một điểm sai: Lý Đợi nói rằng giải thưởng TLVĐ trao những năm lẻ (tức là 35, 37 và 39: năm 37 là nổi tiếng nhất, năm Bỉ vỏ được giải). Điều này không đúng. Không phải TLVĐ trao giải nhảy cách năm đâu, mà là năm nào họ cũng trao, có điều không phải lúc nào cũng có tác phẩm để mà trao.

Đây là bằng chứng: thông báo về giải thưởng TLVĐ năm 1938 đăng trên tờ Ngày nay (tác giả bài viết là Thạch Lam; có vẻ như người phụ trách phần công luận của các giải thưởng TLVĐ luôn luôn là Thạch Lam):


Ta thấy rõ, không phải TLVĐ chủ trương trao giải cách năm, mà chỉ bởi các tác phẩm gửi dự thi năm 38 này họ thấy không đủ chất lượng nên đã không trao giải. Năm 36 có như vậy không? Điều này tôi chưa khảo đến :p

Giờ đây nhìn lại, tưởng chừng các giải thưởng của TLVĐ rất yên ổn. Điều này hết sức sai. Tranh cãi rất ác liệt đấy: năm 37, Từ Ngọc (tức Nguyễn Lân) không được trao giải, tức khí vu Khái Hưng đạo văn Ngược dòng của mình để viết Thoát lyNgày nay đã phản pháo. Trước tiên vẫn là Thạch Lam:


Và đích thân Khái Hưng cũng lên tiếng (thời điểm này, Thoát ly đang được đăng dài kỳ trên Ngày nay):


Một câu hỏi rất đểu hehe: ở đây ai đã đọc Thoát ly rồi?

Thoát ly là một cuốn tiểu thuyết lấy nhiều chi tiết của cuộc đời thực của Khái Hưng đấy.

Thêm một mẩu nho nhỏ này nữa cũng hay, đăng ngay bên dưới một tác phẩm của Khái Hưng trên báo:


-----------

Về giải thưởng TLVĐ, tạm thế đã, khi nào tìm ra cái gì mới, tôi sẽ viết thêm. Giờ chuyển qua một giải thưởng khác.

Trong giới sưu tầm trước đây từng có cuộc thảo luận về giải thưởng Alexandre de Rhodes, nhưng về cơ bản không ai nắm được cụ thể chi tiết.

Giờ tôi đã tìm ra một số tài liệu cho thấy rõ diện mạo của nó hơn. Kho báo chí số hóa của Thư viện quốc gia Việt Nam rất là lỗ chỗ, phập phù, nhưng công nghệ cao nên có thể search được file hình ảnh, có lúc cũng hữu dụng ra phết. Đây là một thông báo trên tờ Tràng an:


Từ bản tin này, ta có thể suy ra hai chi tiết rất quan trọng: giải thưởng bắt đầu trao từ 1943 và thường trao vào dịp Quốc khánh Pháp (14 tháng Bảy), và thật ra có hai loại giải: giải Alexandre de Rhodes và giải Gia Long.

Chỉ cần vậy thôi là đã có thể suy ra một điều quan trọng: gần như chắc chắn năm 1945 không có giải này. Thêm một điều nữa: bản Vang bóng một thời được giải (giải thưởng nổi tiếng hơn cả của hệ thống giải Alexandre de Rhodes) hẳn phải là bản 43 của nhà Thời đại, chứ không phải bản 45 của Đắc Lộ thư xã.

Những gì từng được giải thưởng này thì trên mạng có hết rồi nhé, nói chung ai muốn tìm hiểu thì tự tìm, đại khái Đỗ Thúc Vịnh, Hà Mai Anh vân vân và vân vân. Còn lại mỗi một điểm nữa: chắc chắn có giải thưởng năm 1943, nhưng năm 1944 thì có không?

Rất may mắn, tôi vừa tìm được một quyển rất bí hiểm, trên bìa ghi rõ như thế này:


Vậy là xong: có giải thưởng Alexandre de Rhodes năm 1943 và cũng có giải thưởng Alexandre de Rhodes năm 1944.

Quyển được giải 44 này (một năm sau Hà Mai Anh của bản dịch Tâm hồn cao thượng) cũng là một quyển cực kỳ hay, khi nào có thời gian rảnh tôi sẽ nói kỹ hơn :p

2 comments:

  1. Như đi điều tra, sợ anh thật :p

    ReplyDelete
  2. nhìn chung, sau một thời gian săm soi kỹ hơn (chưa phải toàn bộ) thì kết luận của tôi là lịch sử Tự Lực văn đoàn gần như vẫn còn chưa được viết hehe

    ReplyDelete