Mới đây tôi vừa bắt đầu nói đến Tchya, cuốn Ai hát giữa rừng khuya cũng mới in rồi, bây giờ ta nên đi sâu vào Tchya và một tờ báo rất đặc biệt liên quan chặt chẽ đến văn nghiệp của Tchya: Phổ thông bán nguyệt san.
Tôi lại cũng hay tập trung vào Tự Lực văn đoàn, Phong hóa, Ngày nay, nhà xuất bản Đời nay và An Nam xuất bản cục, nhưng tất nhiên giai đoạn giữa thập niên 30 mọi chuyện nhộn nhịp hơn nhiều. Để tìm hiểu, không gì bằng bắt đầu bằng bộ 13 năm tranh luận văn học của Thanh Lãng. Linh mục Thanh Lãng là một nhà nghiên cứu "dân chơi", tôi rất thích, và thật ra ông ấy có công lao vô cùng to lớn, là dân chơi nên nhìn ra những vấn đề ít người để ý đến.
Cuộc tranh đấu dữ dội giữa mấy nhóm đã đi vào dã sử: cách đây mấy năm nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã công bố tác phẩm Tam động kiếm tiên rất hấp dẫn, các bác nên tìm đọc. Ta có ba đối thủ chính: Tự Lực văn đoàn, Tân Dân và Lê Cường. Lê Cường trông hơi yếu thế hơn nhưng để bù lại, những ấn phẩm huyền thoại bậc nhất của lịch sử văn chương Việt Nam giai đoạn này lại hay nằm ở Lê Cường (Số đỏ 1938 chẳng hạn), tờ Hà Nội báo của bên Lê Cường cũng không đọ được với các tờ của hai nhóm kia, nhưng lại cũng là huyền thoại, chủ yếu nhờ đăng Số đỏ và Giông tố (mục lục tờ Hà Nội báo có thể đọc được ở trang web "Hồ sơ văn học"). Vũ Trọng Phụng có dành cho cả Tự Lực văn đoàn và Tân Dân vài thứ, nhưng đều là những thứ kém nhất :p, chẳng hạn Cạm bẫy người do Đời nay in, còn Dứt tình (có lẽ là tác phẩm tệ nhất của Vũ Trọng Phụng) thì ở chính Phổ thông bán nguyệt san.
Trước tiên, ta hình dung một bức tranh chung: Năm 1934, Vũ Đình Long chủ nhà Tân Dân thấy mối nguy của Tự Lực văn đoàn, bắt đầu ra Tiểu thuyết thứ Bảy. Cuộc chiến báo chí bùng nổ sau đó một ít thời gian. Cuối 1936, Phổ thông bán nguyệt san bắt đầu ra, ngay lập tức Tự Lực văn đoàn có cáo buộc Tân Dân chơi trò lừa dối, in sách mà lại nói là báo. Còn có thể tìm thấy nhiều dấu vết về vụ này trên Ngày nay, ví dụ:
Ảnh trên liên quan đến PTBNS, còn đây là đả kích Loa và Hà Nội báo:
Giờ, ta đi sâu vào PTBNS: tôi sẽ sử dụng bộ sưu tập PTBNS riêng của tôi cùng thư mục rất quan trọng của nhà sưu tầm Nguyễn Tuấn Dũng (bác ntd cho mình mượn oai bác chút nhé :p). Đã có một số người nghiên cứu lịch sử PTBNS, tất cả đều dựa trên danh mục này của ntd, một danh mục rất chu đáo (không chỉ về PTBNS mà còn về Tân Dân nói chung).
Trước khi có "mối nguy" Tự Lực văn đoàn, Tân Dân đã làm ăn phát đạt trong ngạch sách vở, nhưng chưa hình thành các ấn phẩm đặc biệt. Tân Dân thư quán đã in không ít sách. Một ví dụ về Tân Dân thư quán:
PTBNS ra số 1 vào ngày 1/12/1936: đăng Tắt lửa lòng của Nguyễn Công Hoan.
Xem danh mục của PTBNS, tôi bắt đầu thấy lạ vì tuy tên Phổ thông bán nguyệt san nhưng nó đâu phải "bán nguyệt san" ở giai đoạn đầu, mà là "nguyệt san". Từ đây tôi cố tìm hiểu lập luận của Vũ Đình Long khi làm ấn phẩm này.
Nói một cách chính xác, PTBNS là "bán nguyệt san" đích thực, vô cùng đều đặn, bắt đầu từ số 28 (Trong ao tù trưởng giả I của Lê Văn Trương, 1/2/1939) cho đến số 133 (Thuốc mê của Thâm Tâm, 16/6/1943). Ở đoạn hơn 100 số này, không có gì phải bàn cãi nữa, những sự lạ chỉ xảy ra ở đoạn trước số 28 và đoạn sau số 133.
28 số giai đoạn đầu không phải là 28 số, mà ta còn có 5 số "bis": số 4 bis là Khói hương của Từ Ngọc (về Nguyễn Lân xem thêm ở đây), 16/3/1937; số 14 bis là Con đười ươi của Lưu Trọng Lư, 16/1/1938; số 15 bis là Ngược dòng của Từ Ngọc, 16/2/1938; số 18 bis là Vì nghệ thuật của Kinh Kha, 16/5/1938; số 21 bis là Từ thiên đường đến địa ngục của Lưu Trọng Lư, 16/8/1938. Trong 5 số bis này, 4 số về sau thuộc hệ "bìa màu" (tức là các số PTBNS ra vào ngày 1 hằng tháng là hệ "bìa trắng" còn những số nào ra ngày 16 sẽ là "bìa màu").
Như vậy con số 156 số của PTBNS trong danh mục ntd (con số này được nhiều người dùng lại, trong đó có nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân) là không đúng: ít nhất ta phải tính 156 cộng thêm 5 số bis, nghĩa là ít nhất PTBNS phải tính là có 161 số (tất nhiên ở đây đặt giả định số cuối của PTBNS đúng là 156). Nhưng chưa hết.
Theo tôi, Vũ Đình Long, khi bắt đầu ra Phổ thông bán nguyệt san, tính là mình sẽ ra bán nguyệt san, nhưng quãng đầu (tức là từ số 1 đến số 28) thì không đủ tác phẩm, nên PTBNS đúng ra lại là nguyệt san. Tình hình sau số 133 có lẽ ngược lại: Vũ Đình Long có quá nhiều bản thảo, nên lại xoay đi. Ở đây bắt đầu hay. Nhưng trước hết ta nên có một số cảm nhận trực tiếp về các ấn phẩm trong hệ PTBNS.
Hai số PTBNS sớm nhất mà tôi có là Một người của Lê Văn Trương, số 6 và số 7:
Trông xấu xấu thế thôi, nhưng mà là đánh lừa đấy :p
Bên trong:
Đây, Tchya lần đầu tiên xuất hiện ở PTBNS: số 10 (ảnh này là tôi đi mượn đấy, sách mất bìa nhé)
Đi mượn cả một cặp Tchya (số 16):
Tiếp tục bộ của tôi: số 19, hệ "bìa trắng", lại Lê Văn Trương:
Số 30, Hai ngả của Từ Ngọc (trước tôi có nhiều Từ Ngọc PTBNS lắm, nhưng đọc chán quá nên mang đổi hết rồi hehe):
Huế, một buổi chiều, số 33 (Lưu Trọng Lư):
Quyển này trông cực mù mịt xấu xí:
Mờ mịt xấu xí nhưng tôi vẫn giữ, vì đây chính là tác phẩm duy nhất của Nguyễn Công Hoan mà tôi thấy là có chút giá trị văn chương: Lá ngọc cành vàng (số 34). Bìa nhìn được của nó như thế này (tôi mượn ảnh do bác Giấy Gói Xôi post lên, thấy con dấu dépôt légal Indochine lạnh hết cả gáy không dám bình luận gì :p)
Số 35: Trang của Lan Khai; Lan Khai trên PTBNS tương tự Từ Ngọc: trước tôi có nhiều, đọc cũng thấy quá chán nên cho đi sạch
Oan nghiệt của Tchya, số 39:
Số 47, Một người đau khổ của Lưu Trọng Lư:
Qua đoạn hay rồi, nên nhảy luôn một phát đến số 100 :p Cây đèn thần, Hoàng Cầm phóng tác Nghìn lẻ một đêm:
Nguyên Hồng trên PTBNS thì đây, một số báo to:
Ai hát giữa rừng khuya thì được quảng cáo trên Cây đèn thần, nó sẽ là số 101 và 102 của PTBNS:
Thật ra danh mục PTBNS không quá khó: chỉ cần có PTBNS là có, vì số nào báo cũng đăng những số cũ, rất rõ ràng, dưới đây là ví dụ rút từ quyển Cây đèn thần:
(hai ảnh trên ngược nhau về thứ tự nhé :p)
Phù, vậy là chạy một mạch qua lịch sử sơ lược của PTBNS. Giờ đến đoạn gay cấn:
Hai quyển này trông bìa rất giống nhau, nhưng có khác: một thì ghi "Phổ thông bán nguyệt san" bên dưới và phía trên bên trái ghi "Phổ thông chuyên san", quyển kia thì ngược lại. Thật ra thì là như thế nào? quyển Bùi Huy Bích của Trúc Khê thì lại đánh số, ta thấy rõ là số 142.
Thật ra, từ số 134 đến số 139 (tổng cộng 6 số) PTBNS có đánh số đều là nguyệt san (ra vào ngày 16 hằng tháng). Chính là bởi cùng khoảng 6 tháng cuối năm 1943 này, đã có thêm "Phổ thông chuyên san", đánh số từ 1 đến 6.
Danh sách 6 số kia đây:
(tôi chụp bìa sau quyển Thi sĩ Trung Nam của Vũ Ngọc Phan)
Cả 6 số này đều ra vào ngày 1 hằng tháng. Theo tôi, lập luận của Vũ Đình Long ở đây là, cứ ra đều đều mãi như từ số 28 đến số 133 thì cũng chán (chắc doanh số cũng sụt giảm nữa) nên ông ấy muốn thay đổi, đưa vào các chuyên khảo chứ không chỉ tiểu thuyết nữa, và dành các số đầu tháng cho những chuyên khảo này. Tình hình quay lại giống như 5 số bis hồi đầu.
Vậy nên, Phổ thông bán nguyệt san nhất thiết phải cộng thêm 6 số "chuyên san" này vào, tức là không phải 156 số như danh mục ntd, mà phải là 156+5+6 = 167.
Tới đây là hết năm 1943, năm cuối cùng các ấn bản báo chí của Tân Dân bình ổn, đều đặn, từ 1944 mọi chuyện đã khác, khó khăn hơn nhiều. Theo tôi, cả "Phổ thông Tuổi trẻ" về sau cũng phải tính vào cho Phổ thông bán nguyệt san, con số 167 vừa tính ra ở trên là con số tối thiểu.
-----------
Xong câu chuyện rất kỹ thuật về "Phổ thông bán nguyệt san thực sự có bao nhiêu số", giờ tôi chuyển qua một chuyện khác: tôi thấy một số nhà nghiên cứu nêu lên vấn đề Tự Lực văn đoàn được quan tâm quá mức, trong khi họ chỉ là một trong nhiều nhóm văn chương-báo chí của thời ấy. Tôi hoàn toàn tin là nghiên cứu lịch sử không được bỏ qua bất kỳ cái gì, nhưng tôi cũng nghĩ, văn học sử nhất thiết cần có đánh giá về giá trị thật chuẩn xác.
Phổ thông bán nguyệt san, một loạt tư liệu rất quý giá của lịch sử văn học, nơi xuất hiện của nhiều nhà văn quan trọng về sau, có ba nhà văn nổi bật nhất:
Lê Văn Trương đứng số một, 22 tác phẩm trên 35 số PTBNS
Lan Khai đứng số hai, 18 tác phẩm trên 19 số PTBNS
Nguyễn Công Hoan đứng số 3, 14 tác phẩm trên 16 số PTBNS
Cả ba đều có văn chương rất dở.
Một nhân vật nữa có nhiều tác phẩm ở đây là Lưu Trọng Lư, 8 tác phẩm. Văn xuôi của Lưu Trọng Lư cũng dở nốt. Tôi có cảm tưởng các nhà văn (ngoài mấy người vừa nhắc tên) đều dành cho PTBNS những tác phẩm kém nhất trong văn nghiệp của mình: Vũ Trọng Phụng thì đã nói, Nguyên Hồng có ở đây Quán Nải và Qua những màn tối, những tác phẩm rất kém.
Thật ra, PTBNS may mắn vì có được Tchya và Mạnh Phú Tư, nếu không giá trị văn chương của cả bộ báo phải xem là rất thấp.
-----------
Nhân đã nói về Phổ thông bán nguyệt san, ta nói luôn đến một ấn phẩm quan trọng nữa của Tân Dân: tờ Tiểu thuyết thứ Bảy, nhưng là bộ tục bản 49-50.
Từ điển báo chí Nguyễn Thành là một kho sai lầm, thậm chí còn phải nghĩ lúc nào Nguyễn Thành đúng được thì quả là kỳ tích.
Về Tiểu thuyết thứ Bảy tục bản Nguyễn Thành ghi như dưới đây:
Rất rõ, số 40 là số cuối. Đúng là có số 40:
Nhưng mà sau số 40 vẫn có nữa mới đau :p
Không chỉ có thế, hết loạt đánh số này rồi, TTTB còn đổi khổ, ra bộ mới, đánh số lại:
Muốn biết "đổi khổ" là như thế nào, ta chỉ cần để các số bộ cũ cạnh bộ mới:
Việc Nguyễn Thành sai về bộ TTTB tục bản này là rất lạ: tôi được biết cách làm của ông ấy là vào Thư viện Quốc gia chép, cái gì TVQG có thì may ra ông ấy đúng. Nhưng rất lạ, vì bộ TTTB tục bản thì TVQG lại có (theo tôi là) đủ: 48 số bộ cũ và 11 số bộ mới (số 11 bộ mới này ra ngày 15/3-19/5/1950).
Đợt trước, vì thấy Cô gái nước Tần của Hoàng Cầm thiếu vắng trong các tuyển tập, tôi đã hì hụi gõ lại (xem ở đây), sau phát hiện ra kho báo chí số hóa TVQG có đủ bộ TTTB tục bản, tiếc công ghê :(
Vở kịch thơ Lên đường của Hoàng Cầm cũng đọc được ở đó (nó đăng từ số 10, 4/6/1949 đến số 19, 6/8/1949). Tôi từng đọc thấy một nhà nghiên cứu viết Lên đường được Tân Dân xuất bản thành sách năm 1952. Thực sự là, chúng ta có quá nhiều nhà nghiên cứu tự phong, viết lăng nhăng không thể tả nổi. Với bất kỳ nhà sưu tầm nào có lưu tâm đến hệ thống Tân Dân, sự kiện Tân Dân in sách vào năm 1952 thực sự là một cú sốc choáng váng kinh người.
-----------
Bonus: danh mục ntd còn có các ấn phẩm khác của Tân Dân, trong đó có "Tủ sách Tao Đàn". Nếu đúng như danh mục này, tức là tủ sách ấy có 16 đầu, thì coi như tôi đã đủ, chỉ thiếu đúng hai nhát, đều của Lê Văn Trương hehe. Ví dụ về "Tủ sách Tao Đàn":
Về Vũ Đình Long, xem thêm ở đây.
Quá công phu, tay chơi thứ thiệt
ReplyDeleteđường link Tiểu thuyết thứ Bảy (cả bộ cũ và bộ tục bản 49-50) trong kho tư liệu số hóa của Thư viện Quốc gia Việt Nam:
ReplyDeletehttp://baochi.nlv.gov.vn/baochi/cgi-bin/baochi?a=cl&cl=CL1&sp=HxpJ&e=-------vi-20--1--img-txIN------
như vậy có vẻ tôi đã đủ cả 3 số đặc biệt của TTTB tục bản; ở giai đoạn đầu của tờ này có nhiều bài dịch thơ Đường của Tchya, một mảng rất quan trọng
Những tác phẩm của Phổ thông bán nguyệt san văn chương có bình dân nhưng nó đã lấp được khoảng trống tiểu thuyết bi ai tinh sử pha rùng rợn.
ReplyDelete"Lá cây nhuộm máu" điển hình. chuyện kể ngắn giản di thần kin bi thương u uất...
Tôi rất quen và tiếc những trang sách này. Gia đình tôi ở Đại bái Thiệu giao có cả một tủ truyện. Đó là công lao rất lớn từ bố Tôi.
DeleteTừ số 1 "Tắt lửa lòng" đến "Cây đèn thần" rồi "Trường đời" ....qua "Lá cây nhuộm máu" và nhiều lắm.
Đến cải cách ruộng đất, nhà tôi phải đốt sạch bằng cách nấu com bằng báo và sách truyện . những tờ "Tiếng dân" và những tập "Bà chúa chè", "Rắn báo oán" lần lượt vào lò, bếp để làm chín cơm.
Tôi phải đốt vì sợ "Nông dân và Đội quy cho chứa chấp văn hóa đồi trụy.
Cả làng coi tủ sách nhà tôi là kho truyện "Ân - Oán- Hay". Những truyện "Bồng lai hiệp khách' Phấn trang lâu" được trở thành nhiên liệu. Lúc đó tôi khóc nhưng trong lòng vẫn hy vọng có ngày gặp lại những truyện này,
Cảm ơn các bạn đã tìm và lưu lại những tác phẩm và thông tin nhiều kiến thức bổ ích. Hoàng Lê
vì có comment nên tôi xem lại bài này, viết cách đây đúng ba năm
ReplyDeletevào đúng lúc đang chuẩn bị cho loạt thuyết trình về lịch sử báo chí Việt Nam, tôi nhận ra trở lại vài trực giác từng hiện ra vào thời điểm nhìn kỹ vào câu chuyện PTBNS
Thấy bác chả bao giờ bình luận gì về Nguyễn Công Hoan...
ReplyDeleteGiờ là 168 số PTBNS :v, gồm: 157 (bìa trắng) + 4 (bìa màu) + 1 (phụ san) + 6 (chuyên san)
ReplyDelete