Oct 13, 2016

Con chó, con lợn, con mèo

Đoạn dưới đây theo tôi là kiệt tác trong Đi đến cùng đêm của Céline. Đây là ngay sau khi Bardamu đến Viện Bioduret Joseph (về riêng đoạn này, xem ở kia).

Trong văn chương, nhà văn nào tạo ra những con chó đáng sợ và đáng nhớ nhất? Câu trả lời hiển nhiên là: Kafka. Nhưng Céline cũng vậy, cũng là người ở gần những con chó.

Ở Céline có một nỗi ám ảnh mà càng ngày tôi càng thấy rõ hơn: nỗi ám ảnh Marcel Proust. Ở giữa Proust và Kafka, có một số nhân vật, trong số ấy có thể coi Céline là một trong những người nổi bật nhất.




Tôi sẽ sung sướng lắm nếu chẳng bao giờ còn phải quay trở lại Rancy. Ngay từ sáng nay, rời khỏi đó thôi là tôi đã gần như quên tiệt mọi nỗi lo lắng thường nhật; chúng vẫn dính chặt lấy Rancy nên không đi theo tôi. Ở đó có lẽ những nỗi lo lắng của tôi sẽ lăn ra chết, bị bỏ mặc, giống thằng bé Bébert, nếu tôi không trở về. Đó là những nỗi lo lắng ngoại ô. Tuy nhiên lúc đi tới phố Bonaparte, suy nghĩ quay trở lại với tôi, cái suy nghĩ buồn bã ấy. Thế nhưng đây lại là một phố làm người đi qua thấy khá là hào hứng. Ít có những phố thiện chí và duyên dáng như thế lắm. Nhưng, tiến lại gần các bờ ke, tôi vẫn trở nên sợ hãi. Tôi lượn đi lượn lại. Tôi không sao quyết định vượt sông Seine cho nổi. Đời này đâu phải ai cũng là César! Bên kia, bờ bên kia, là nơi khởi đầu những mối phiền của tôi. Tôi để mặc mình chờ đợi trên bờ bên này cho tới khi trời tối. Thế cũng tức là vợt được mấy tiếng có mặt trời, tôi tự nhủ.

Nước vỗ ì oạp quanh đám người câu cá và tôi ngồi xuống xem họ. Thực sự, cả tôi cũng chẳng hề vội vã, không hơn gì họ. Như là tôi đã đi đến cái thời điểm, có lẽ là đến cái tuổi, để biết rõ mình mất gì sau mỗi tiếng đồng hồ qua đi. Nhưng vẫn còn chưa có được sức mạnh của sự thông thái cần thiết để dừng khựng lại trên con đường thời gian và rồi trước hết nếu dừng lại ta cũng đâu biết phải làm gì nếu không còn cơn điên tiến lên kia, nó chiếm lĩnh ta, nó là thứ mà ta ngưỡng mộ từ khi còn trẻ măng. Ta thấy bớt hãnh diện về nó như hồi còn trẻ, nhưng còn chưa dám công khai thú nhận điều này, rằng có lẽ tuổi trẻ chỉ là vậy thôi, một sự hăng hái trong công cuộc già đi.

Ta phát hiện thấy trong toàn bộ quá khứ lố bịch của mình quá ư nhiều lố bịch, lừa dối, nghi ngại, thành thử có lẽ ta những muốn dừng khựng cái sự trẻ trung, đợi tới lúc tuổi trẻ tách đi khỏi, đợi đến lúc nó đi vượt qua ta, nhìn nó đi mất, xa dần, ngắm nghía toàn bộ sự phù phiếm của nó, đưa tay vào khoảng trống rỗng nó để lại, nhìn nó lượn qua lần nữa trước mặt, và rồi biến hẳn, chắc chắn là tuổi trẻ của mình đã đi và thật bình thản, về phần mình, rất ung dung, thong thả chuyển sang phía bên kia Thời Gian để thực sự nhìn xem những người và những vật là như thế nào.

Trên bờ ke đám câu cá chẳng câu được gì. Thậm chí họ còn không có vẻ quá tha thiết câu được cá. Hẳn lũ cá có biết họ. Tất cả ở đó để giả vờ. Mặt trời chiều tà thật đẹp còn lưu chút hơi nóng xung quanh chúng tôi, bắn xuống mặt nước các tia phản chiếu li ti xanh lơ và vàng. Gió thì thật mát, thổi tới từ trước mặt qua đám cây lớn, thứ gió thật tươi cười, chạy xiên xiên qua nghìn cái lá, thành từng đợt êm ả. Thật khoái. Hai tiếng liền, cứ ngồi yên như thế, chẳng bắt lấy cái gì, chẳng làm gì. Và rồi, sông Seine chuyển sang tối sẫm và góc cầu đỏ vọt lên màu hoàng hôn. Cái thế giới đang đi qua phía trên ke kia đã quên chúng tôi, chúng tôi ấy, ở giữa bờ sông và nước.

Đêm chui ra từ bên dưới các vòm cầu, nó trồi lên dọc theo lâu đài, nó chiếm lấy mặt tiền, các cửa sổ, từng cái một, chúng óng ánh lên trước bóng tối. Và rồi, cả các cửa sổ cũng tắt phụt.

Chỉ còn một việc để làm là một lần nữa đi khỏi đây.

Đám bán sách cũ trên ke đang khóa hòm. “Về ngay!” người đàn bà hét với qua lan can gọi chồng, đang ở gần tôi, lúi húi thu dọn đồ, ghế gấp cùng sâu mồi câu. Ông ta càu nhàu và tất cả những người câu cá khác càu nhàu theo ông ta và chúng tôi đi lên, cả tôi, phía bên trên, vừa lên vừa càu nhàu, với những người đang đi dạo. Tôi nói chuyện với vợ ông ta, mục đích là được nói một điều gì thân ái trước khi bóng tối ập xuống khắp xung quanh. Ngay lập tức, bà ta muốn bán cho tôi một quyển sách. Bà ta đã quên nhét quyển này vào hòm, bà ta nói thế. “Cho nên sẽ bán rẻ, coi như là cho không…” bà ta nói thêm. Một quyển “Montaigne” nhỏ và cũ, rất xịn mà giá chỉ một franc. Tôi rất muốn làm vui lòng người đàn bà ấy, mà lại chỉ phải bỏ ra ít tiền đến vậy. Tôi bèn lấy quyển “Montaigne” của bà ta.

Dưới cầu, nước đã trở nên nặng trịch. Tôi hoàn toàn không còn ham muốn đi tiếp. Trên các đại lộ, tôi uốn một cốc nâu đá và mở quyển sách mà bà ta vừa bán cho tôi. Mở nó ra, tôi rơi trúng một trang có bức thư mà ông viết cho vợ, cái ông Montaigne ấy, mà lại đúng dịp một đứa con trai của họ vừa chết. Đoạn này khiến tôi để ý ngay tắp lự, có khả năng vì những mối liên hệ mà ngay lập tức tôi thấy với Bébert. A! ông Montaigne nói với vợ, kiểu kiểu như thế. Thôi đừng đau khổ, vợ yêu quý! Phải tự an ủi đi thôi!… Chuyện sẽ ổn!… Trên đời mọi chuyện đều ổn… Và rồi vả lại, ông lại nói tiếp, ngay hôm qua thôi tôi tìm được trong đống giấy tờ cũ của một người bạn một bức thư mà Plutarque cũng gửi cho vợ ông ấy trong hoàn cảnh giống hệt như hoàn cảnh của chúng ta… Và tôi thấy bức thư của ông ấy thật rất hay, vợ yêu quý, tôi gửi nó cho bà đây!… Một bức thư thật tuyệt! Vả lại tôi không muốn ngăn bà đọc nó quá lâu, bà sẽ cho tôi biết tin tức về việc chữa trị nỗi buồn của bà nhé!… Vợ yêu quý! Tôi gửi cho bà bức thư thật tuyệt đây! Thư của Plutarque thật đúng là một bức thư!… Ta có thể nói thế! Nó đã không ngừng thu hút bà!… A! không! Hãy đọc nó đi vợ yêu quý! Đọc nó thật kỹ! Cho các bạn xem nữa! Rồi đọc lại nó! Lúc này tôi rất ổn! Tôi chắc chắn nó sẽ khiến bà được bình tâm!… Chồng của bà. Michel. Đấy, tôi tự nhủ, có thể gọi là một tác phẩm tuyệt hảo. Vợ ông chắc phải tự hào vì có một ông chồng tốt không đâm ra rầu rĩ, giống như Michel của bà. Rốt cuộc, đó là chuyện riêng của họ thôi. Có lẽ ta luôn luôn nhầm khi phải đánh giá tấm lòng của người khác. Có lẽ họ thực sự buồn khổ? Nỗi buồn của thời ấy?

Nhưng những gì liên quan đến Bébert đã gây cho tôi một ngày thật khủng khiếp. Tôi không có duyên với cậu bé, Bébert, dẫu là chết hay sống. Dường như trên đời này chẳng có gì cho cậu, kể cả trong Montaigne. Mà có lẽ đối với tất cả mọi người chuyện cũng vậy thôi, chỉ cần hơi gắng sức tí chút là đã đến ngay trống rỗng rồi. Chẳng có gì để nói, tôi đã rời Rancy từ sáng, phải quay trở lại đó thôi, mà không mang được gì về. Tôi hoàn toàn không có gì để đem cho cậu bé, cả bà dì của cậu cũng không.

Lượn một vòng qua quảng trường Blanche trước khi về.

Tôi thấy có rất đông người trên phố Lepic, còn đông hơn thường lệ. Thế nên tôi cũng leo lên đó xem sao. Đám đông bu lấy góc hàng thịt. Phải đứng sát vào nhau thành vòng tròn mới thấy được chuyện gì đang xảy ra. Có một con lợn, một con rất to, một con khổng lồ. Nó cũng ụt ịt ở giữa vòng vây giống như một người đang bị trêu chọc, mà là trêu chọc khủng khiếp ấy. Và rồi, người ta không ngớt hành hạ nó. Có những kẻ xoắn tai nó để nghe nó rống lên. Nó oằn ẹo, cuống cuồng những cái cẳng lợn tìm cách chạy trốn, kéo căng sợi dây buộc, những người khác chọc nó, nó rống lên còn to hơn vì đau. Và mọi người càng rũ ra cười.

Nó không biết, con lợn to ấy, làm sao để trốn vào chút rơm được người ta rải ra cho nó, bay tứ tung trong lúc nó ụt ịt và thở phì phò. Nó không biết làm sao để thoát khỏi lũ người. Nó hiểu điều đó. Cùng lúc nó đái thật dữ, nhưng cả điều này cũng chẳng ích gì. Ụt ịt hay rống lên cũng thế. Chẳng làm được gì. Người ta cười. Ông chủ phía đằng sau, trong cửa hiệu, nháy mắt và đùa cợt với đám khách, tay cầm dao huơ lên.

Cả ông ta cũng đang sung sướng. Ông ta đã mua con lợn, rồi buộc nó lại để quảng cáo. Chắc tại đám cưới của con gái ông ta cũng chẳng thể vui như thế.

Mỗi lúc lại có thêm người đổ tới trước cửa hiệu để xem con lợn sụp xuống những ngấn mỡ hồng hồng của nó sau mỗi nỗ lực hòng chạy trốn. Tuy nhiên vậy vẫn là chưa đủ. Người ta thả vào một con chó nhỏ hung hăng rồi kích động để nó nhảy lên ngoạm răng vào lớp thịt bèo nhèo khổng lồ. Người ta đùa vui dữ đến mức không còn có thể đi qua được nữa. Cảnh sát xuất hiện để giải tán đám đông.

Vào giờ ấy khi lên đến trên cầu Caulaincourt ta sẽ nhìn thấy phía bên kia cái hồ bóng tối trải rộng trên nghĩa địa những ngọn đèn đầu tiên của Rancy. Đó là đầu bên kia của Rancy. Phải đi hết một vòng mới tới nơi. Xa lắm! Thế nên có thể nói ta phải đi một vòng đêm, phải đi đến là nhiều thời gian và bước chân quanh nghĩa địa thì mới đến được chỗ pháo đài.

Và rồi tới chỗ cổng, trạm kiểm soát, ta sẽ lại đi ngang qua trước căn phòng mốc bên trong ngồi ù lì tay nhân viên nhỏ bé vận đồ màu lục. Vậy là đã rất gần. Lũ chó trong vùng sủa cắn ma từ vị trí quen thuộc. Dưới một ngọn đèn khí, dẫu sao cũng có đống hoa, hoa của bà bán hàng lúc nào cũng đợi ở đó, những người chết rồi một ngày kia, một giờ nào đó, sẽ đi qua. Nghĩa địa, thêm một cái nữa, bên cạnh, rồi đến đại lộ Nổi Loạn. Nó chạy thẳng về phía trước, rộng rãi, với tất tật đèn đóm, tọt sâu vào lòng đêm. Chỉ còn phải rẽ trái rồi đi tiếp. Đến phố nhà tôi rồi. Thực sự chẳng có ai để gặp. Dẫu vậy tôi vẫn muốn ở nơi khác, thật xa. Tôi cũng muốn có đôi giày thật êm sao cho không ai nghe tiếng bước chân tôi về. Thế nhưng tôi đâu có thể làm gì, tôi đây, nếu Bébert không khá lên một chút nào. Tôi đã làm hết khả năng. Chẳng thể trách tôi một điều gì. Không phải lỗi của tôi nếu chẳng thể làm được gì trong các ca tương tự. Tôi đi đến trước cửa nhà nó, mà không để ai nhìn thấy, tôi nghĩ thế. Và rồi, khi đã lên trên nhà, không mở cửa sổ, tôi nhìn qua khe để xem trước nhà Bébert có còn những người túm tụm nói chuyện hay không. Vẫn có vài người khách từ nhà đi ra, nhưng những người khách đó không có cùng dáng vẻ như hôm qua. Một bà giúp việc trong vùng, mà tôi biết rõ, khóc thút thít khi từ đó đi ra. "Nhất định tình hình còn trở nên tồi tệ hơn rồi, tôi tự nhủ. Dẫu sao, chắc chắn là đã không khá lên... Có lẽ đã xong chuyện rồi? tôi tự nhủ. Vì có người đã khóc!..." Ngày đã kết thúc.

Dẫu vậy tôi vẫn cố hiểu xem mình có thể làm gì trong tất tật chuyện này hay không. Ở nhà tôi thật lạnh và im lìm. Như một đêm nhỏ nơi góc đêm lớn, chỉ dành riêng cho tôi.

Đôi lúc vang lên những tiếng chân bước và tiếng vọng mỗi lúc một rền vang hơn trong phòng tôi, vo ve, loãng đi... Im lặng. Tôi lại ngó xem có gì xảy ra bên ngoài, phía đối diện, hay không. Chuyện chỉ xảy ra bên trong tôi mà thôi, ở bên trong tôi cứ tự đặt đi đặt lại mãi cùng một câu hỏi.

Rốt cuộc đang nghĩ dở thì tôi ngủ thiếp đi, trong đêm của riêng tôi, cái quan tài ấy, tôi thấy quá mệt vì phải đi thật nhiều mà chẳng tìm được gì.

-----------

Đã có con chó và con lợn, còn con mèo đâu?

Khi chạy khỏi nước Pháp năm 1944, Céline mang theo Lili, người vợ, và con mèo, được đặt tên rất ất ơ là Bébert. Con mèo Bébert này sẽ cùng vợ chồng Céline trải qua toàn bộ khổ nạn Đức rồi Đan Mạch, nó cũng sẽ về Pháp và sẽ chết ở Meudon.

-----------

Trong đoạn trên đây có địa danh "quảng trường Blanche" lừng danh (xem thêm ở kia), và đặc biệt có "phố Lepic": đây là một địa điểm quan trọng trong "địa dư Céline". Céline từng sống hơn chục năm tại phố này, cùng (ít nhất là thời gian đầu) diễn viên múa người Mỹ Elizabeth Craig, trong Đi đến cùng đêm cũng có một nhân vật nữ diễn viên múa, và Đi đến cùng đêm được đề tặng cho Elizabeth Craig. Chính trong lúc sống ở phố Lepic, Céline đã viết cả Đi đến cùng đêm lẫn Chết trả góp.




Về Céline:

Céline: S, W, Y
phải tuyệt đối đáng ghét
Đi đến cùng đêm


4 comments:

  1. hôm trước đang dịch dở thì laptop hết pin :p còn chưa kịp đọc lại, giờ mới rảnh tay xem lại và dịch nốt cho đến hết "chương" và viết thêm vài thông tin có liên quan

    ReplyDelete
  2. I've read several good stuff here. Definitely
    value bookmarking for revisiting. I wonder how so much effort you set to make this type
    of wonderful informative website.

    ReplyDelete
  3. Năm lợn đọc về lợn... thật là lợn. Ch.

    ReplyDelete
  4. con lợn là đáng yêu nhất trên đời í

    ReplyDelete