Tôi nghĩ, các nhà nghiên cứu văn học nhất thiết phải được đào tạo (theo cách nào đó), tốt nhất là tự đào tạo, để có thể hiểu về nhịp. Con đường đào tạo ấy có thể thông qua âm nhạc, tất nhiên, nhưng không hề nhất thiết; thêm nữa, âm nhạc rất dễ làm người ta hiểu nhầm, vì ở đó rất dễ nghĩ giai điệu là quan trọng nhất, nhưng điều này là vớ vẩn, trong những gì liên quan đến nhịp, giai điệu chính là thứ yếu nhất.
Nhịp không chỉ nằm trong thơ, nhịp còn nằm trong văn xuôi, và cả bên ngoài thơ lẫn văn xuôi, nhưng ta sẽ chú trọng vào các bài thơ.
Thơ Việt Nam, suốt trong một truyền thống, về cơ bản chỉ có một nhịp: một hai, một hai, rồi lại một hai. Kể cả thơ lục bát hay thơ Đường luật đều vậy cả; trong thơ bảy chữ, thì sẽ là hai, hai, rồi ba, chính vì thế, những câu bát của thơ lục bát định nhịp lẻ cần rất được quan tâm (xem thêm ở kia). Đương nhiên, đây chỉ là nói chung, vì bao giờ cũng có các ngoại lệ.
Thơ Việt Nam, bắt đầu từ Thơ Mới, đổi nhịp. Ta có thể bàn về thơ hai chữ, năm chữ, sáu chữ, chín chữ, mười hai chữ, hoặc thơ tự do, không vần điệu, nhưng ở đây sẽ chỉ bàn đến hai thể thơ (có vần) đặc trưng hơn cả của một quan niệm mới hẳn về thơ, mới trong sự quy chiếu tuy rằng vẫn giữ rất nhiều liên hệ với thơ trước đây. Những điều tôi sắp nói, một cách tổng quát, rất có thể đã được nói ở đâu đó. Có quá nhiều bàn luận về thơ, tôi không thể đọc hết được. Vả lại, tôi không bao giờ cố gắng đi về phía độc đáo. Thậm chí, tôi còn thấy, ham muốn độc đáo chính là một ham muốn rất đê tiện.
Nhịp lẻ của câu bát trong lục bát trước đây là hiện tượng bất thường, thì trở thành đặc điểm lớn hơn cả của thơ tám chữ bắt đầu từ Thơ Mới. Tất cả các câu trong đoạn rất nổi tiếng của bài "Vội vàng" (Xuân Diệu) dưới đây đều ngắt nhịp sau từ thứ ba:
Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi sáng sớm thần vui hằng gõ cửa
Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa
(duy nhất câu "Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần" khiến ta có chút băn khoăn về ngắt nhịp, nhưng cả câu ấy cũng vẫn nghiêng về nhịp lẻ; trong thơ tám chữ, những lúc nào xuất hiện nhịp 4-4 thì cần để ý)
Trong khi đó, thơ bảy chữ cũng của Xuân Diệu rất đặc trưng một nhịp khác:
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
Đây mùa thu tới mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng
Về cơ bản, ta có thể nói câu thơ bảy chữ xuất hiện với mật độ lớn nhất trong thơ Việt Nam chia nhịp 4-3, trong khi thơ tám chữ chia nhịp 3-5.
Thơ bảy chữ thì chỉ tìm cách làm người ta có cảm giác nó dài, còn thơ tám chữ chỉ tìm cách làm người ta có cảm giác nó ngắn.
Giờ đây, ta sẽ đến với một phân tích trường hợp, để đi sâu hơn vào vấn đề nhịp của thơ. Tôi sẽ chọn thơ của Đinh Hùng, nhà thơ theo tôi là đỉnh cao đích thực về nhịp. Ta sẽ đọc bài số hai ở kia.
Bài thơ của Đinh Hùng, "Lời ca đồng thiếp", được xếp thứ hai trong tập Tiếng ca bộ lạc, sau bài mở đầu, "Nhập mộng":
Lời ca đồng thiếp
[1]
Đêm thiêng vừa tỉnh giấc
Nửa chiêm bao lệ nhòa
Hỡi ơi! Người đã qua
Hờn oan vào cung bậc
Rỏ máu trên bình hoa
Hồn tự thuở xa nhà
Chốn ăn nằm bất trắc
Đường u linh huyền mặc
Bơ vơ bóng thuyền ma
Ôi thể phách trăng tà
Hư vô khơi lồng ngực
Phấn hương nào thổn thức
Sớm thoát trên làn da
Tâm linh đừng huyễn hoặc
Ta lát lên lầu ngà
[2]
Anh đã chết trong lời ca đồng thiếp
Khi ngón tay Em đưa hướng linh kỳ
[3]
Sương khói bạc chiều rừng
Thành quách bến Sông Mê
Những ngọn đèn hồn lênh đênh trôi về kiếp trước
Ôi cửa động mù sương mưa bay tiềm thức
Anh theo em đi hết chuyến luân hồi
Xanh đáy mắt hư vô
Hồng vực thẳm làn môi
Quanh thể xác chập chờn cơn sóng dữ
- Hãy cho anh! Hãy cho anh tiếng chim xuân thêu vàng giấc ngủ
Những tiếng chim ca thần thoại ngày mai
Giấc ngủ dâng hoa trên ảo tưởng hình hài
Anh sẽ hồi sinh trong màu nắng nhạt
[4]
Và anh sẽ khóc! Anh sẽ khóc muôn đêm
Khi thời gian lắng vào khúc hát
Em sẽ trở về trong mỗi âm thanh
Mỗi kiếp đi qua còn nguyên vẹn bóng hình
(bài thơ trong tập Tiếng ca bộ lạc không được chia đoạn, tôi chia thành bốn "khúc" để tiện phân tích; sự phân chia này hết sức tương đối, nó hoàn toàn có thể chia thành năm, với phần thứ tư bắt đầu từ "Hãy cho anh" cho đến hết câu thứ tư tính từ đó)
Dẫu mọi sự có thể kỳ lạ đến mức nào, về nguyên tắc, lúc nào ta cũng có thể hình dung ra một câu chuyện có mở đầu, kết thúc và diễn tiến. Điều này tương hợp với cách vận hành tự nhiên nhất của lý trí: lý trí con người tạo ra các câu chuyện.
Câu chuyện của bài thơ "Lời ca đồng thiếp" là câu chuyện về một lần nhập đồng. Nếu bỏ qua được những định kiến có sẵn về đồng cốt, có thể hiểu nhập đồng là một nghi thức có mục đích làm cho con người ở đây giao tiếp với một thế giới khác, thế giới của các âm hồn. [1] Một người đang ngủ thì thức giấc, dường như là khóc trong mơ, khung cảnh là đêm khuya trăng tà, cùng lúc hồn ma đã tới. [2] Nghi lễ bắt đầu, với "anh đã chết"; trong thế giới thơ của Đinh Hùng, chết thường xuyên là điểm khởi đầu, chết là cánh cửa mở ra, và cùng lúc, "ngón tay Em" (có thể hiểu là hồn ma, nhưng cũng có thể là không phải) chỉ về phía "linh kỳ", dấu hiệu cho thấy nghi thức đã thực sự bắt đầu. [3] Những khung cảnh dựng lên ở nơi giao nhau của hai thế giới, với một số hình ảnh, và với hai màu, "xanh" và "hồng", để đến cuối nghi lễ, "anh sẽ hồi sinh": một người nhập đồng "chết" trong khoảng thời gian diễn ra nghi lễ, để sống lại khi trời sáng. [4] Trí tưởng của người đã thực hiện nghi lễ hướng đến các nghi lễ tương lai (gặp lại), trong đó nhấn mạnh vào yếu tố âm thanh (tên bài thơ là "Lời ca đồng thiếp", ngay lập tức cho thấy ở đây Đinh Hùng chủ yếu muốn miêu tả các âm thanh và chức năng của chúng), những âm thanh này đúng và thiêng, nên chúng làm thời gian dừng lại ("thời gian lắng vào khúc hát": nếu không tách được khỏi thời gian thông thường, chẳng một sự hội ngộ nào giữa các thế giới là khả dĩ) và chúng làm "Em" trở về ("Em sẽ trở về trong mỗi âm thanh").
Một điều gì đó ở bài thơ "Lời ca đồng thiếp" gợi nhớ rất mạnh thơ hát nói xưa kia, nhất là trong cấu trúc của nó, và trong sự đột khởi đầy phấn hứng của những câu thơ ngắn dài không đều nhau; thật ra, Thơ Mới có một tiền thân rất trực tiếp và vô cùng quan trọng, là hát nói, ca trù, điều này nhiều người đã bàn (xem thêm ở kia). Hát nói như thể là điểm trung chuyển rất quan trọng để thơ Đường luật, ngũ ngôn cổ phong có thể thực sự biến thành thơ (tạm gọi là) hiện đại của Việt Nam. Chính ở điểm này, tôi nghĩ ta bắt đầu phải hết sức để tâm nhìn nhận lại vai trò quá quan trọng xưa nay vẫn được gán cho Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Rất có thể, Tản Đà không có vị trí ấy. Đó có thể mới chính là nhầm lẫn khủng khiếp nhất của Hoài Thanh ("Cung chiêu anh hồn Tản Đà", Thi nhân Việt Nam, 1942).
Tạm gác lại vấn đề ấy, quay trở lại bài thơ "Lời ca đồng thiếp". Trong bài "Thơ Đinh Hùng: hai thế giới", tôi đã rất cố gắng nói tới yếu tố thần chú trong thơ của Đinh Hùng. Ngoài "câu chuyện" đã trình bày ở trên đây, ta hoàn toàn có thể coi [1] là những lời niệm chú, cần thiết để sự nhập đồng có thể diễn ra sau đó. [2] gồm hai câu thơ hết sức đặc biệt:
Anh đã chết trong lời ca đồng thiếp
Khi ngón tay Em đưa hướng linh kỳ
Câu thứ nhất theo đúng sơ đồ nhịp 3-5 đặc trưng của thơ 8 chữ (anh đã chết/trong lời ca đồng thiếp), sang đến câu thứ hai, nhịp đổi luôn, câu thơ chia nhịp 4-4 (khi ngón tay em/đưa hướng linh kỳ), và bắt đầu từ đây, bài thơ thực sự vào nhịp nội tại của nó. Đây là một bài thơ đứng được thuần túy nhờ nhịp. Và cái nhịp ấy không tuân thủ quy tắc gì nữa. Nên nhìn thấy ở đây nhịp của linh hồn: Đinh Hùng chỉ làm một việc là đi theo đúng nhịp của một cái gì đó khác, nói cụ thể hơn, Đinh Hùng nương theo các rung động và uốn lượn của một cõi tạo ra bởi, cho và trong tâm hồn. Tính chất kỳ diệu của bài thơ, hoặc của thơ ca nói chung, lộ ra ở những khi nào nhịp của tâm hồn được theo thật đúng.
Sự kỳ diệu của đúng nhịp nằm ở chỗ, khi nó đúng, ta không thực sự còn có nhận thức về nó nữa.
Nhưng vẫn có thể đẩy đi xa thêm nữa. Với bài thơ của Đinh Hùng, nếu thực sự thoát được mọi câu nệ về từ ngữ, nghĩa, cú pháp (mọi sự lung linh trong đó đều gợi ý là hãy làm như vậy), ta sẽ có thể đi tới một điều khác.
René Char nói: "Bài thơ sinh ra từ một sự áp đặt chủ quan và một lựa chọn khách quan". Đây là một câu rất nghịch lý nhưng rất đúng. Bài thơ phải ở đúng chỗ của nó. Cũng là René Char, những lời như thể đặc biệt viết ra cho riêng trường hợp Đinh Hùng ở bài "Lời ca đồng thiếp" này: "Nhà thơ phải giữ cho cân bằng cán cân giữa thế giới vật lý của thức và sự trôi chảy dễ dàng đáng lo ngại của ngủ". Ta hãy thử vứt bỏ gần như mọi thứ, để có thể tụt xuống một tầng khác nơi ngôn ngữ không còn chi phối nữa.
"Đêm thiêng vừa tỉnh giấc": que hương thứ nhất
"Nửa chiêm bao lệ nhòa": que hương thứ hai
"Hỡi ơi! Người đã qua": que hương thứ ba
và cứ như vậy, cho đến "Ta lát lên lầu ngà", ta đã có, từ mười lăm câu thơ đồng loạt 5 chữ, mười lăm que hương
Người sắp nhập đồng đã có mười lăm que hương (à la limite, mười lăm ngọn nến) thắp lên. Anh ta sẽ cắm chúng theo phương vị và hình dạng như thế nào? Điều này anh ta tự biết, đó có thể là hình tam giác, hình tròn, hoặc bất kỳ hình gì. Đúng lúc, đúng chỗ, đủ điều kiện (mười lăm que hương), tức thì chuyện xảy ra: là chuyện gì? Chắc hẳn, đó là một điệu múa. Một điệu múa đặc biệt uốn lượn và lung linh, nên câu từ dùng để miêu tả không cần phải tuân theo quy tắc, luật lệ nữa, đang là một cặp thơ 5 chữ ("Sương khói bạc chiều rừng/Thành quách bến Sông Mê") ngay lập tức chuyển sang một câu 10 chữ ("Những ngọn đèn hồn lênh đênh trôi về kiếp trước"), rồi tới một câu 9 chữ ("Ôi cửa động mù sương mưa bay tiềm thức"). Lúc này, tâm thức lảo đảo theo điệu múa, tiếng nhạc, nó trở nên tự do. Tự do là đích thực khi mọi ranh giới mờ đi. Thoát vòng câu thúc, đạt tới một bên ngoài nào đó, chính là một đặc điểm then chốt trong thế giới thơ của Đinh Hùng, nơi "nhạc uốn mình như dải lụa đào". Mọi thứ uốn lượn, và mọi thứ đều rung lên. Để rồi sau đó, con người được "hồi sinh", có nghĩa là đủ sức tiếp tục chịu đựng cuộc đời bên ngoài nghi lễ.
Trong và ngoài nghi lễ, trong và ngoài sự kỳ diệu, đó chính là điểm khó nhất của thơ. René Char nói đến sự "cân bằng" chính là theo ý này. Phải ở đúng vùng giáp ranh, nếu không sẽ chẳng bao giờ có thơ ca nào cả. Thơ chứa đựng một nghịch lý rất lớn, một dilemma khổng lồ, mà khi động tới ma thuật và nghi lễ ta có thể nhìn thấy rõ ràng hơn: đó là nghịch lý giằng xé giữa ésotérique và exotérique; thơ nói đến "ésotérique", những gì bí ẩn, mà chỉ những ai được "khai trí" (tức là đã qua quá trình "initiation") mới được tiếp cận, nhưng nó lại phải trình bày theo đường lối "exotérique", nghĩa là nói những điều thiêng bằng chất liệu phàm.
Vẫn René Char nói một điều vô cùng thích ứng với bài thơ của Đinh Hùng: "Bài thơ luôn luôn cưới một ai đó".
Trong thơ Việt Nam, ngoài Đinh Hùng, còn có ai đứng được ở đỉnh cao về nhịp không? Có, và, điều này có lẽ sẽ gây bất ngờ, đó chính là Huy Cận. Ta sẽ sớm bàn sâu hơn về nhân vật này.
nhân tiện: đã xong bài Michel Foucault (ii)
rồi, đã xong
ReplyDeletephải đủ sức hình dung ngoài con chữ anh quyến giũ cỡ nào^^
ReplyDeleteham muốn độc đáo có cái tốt chứ anh. thời buổi này tìm một con đường mới khó lắm, mọi con đường đều đã có người qua, nên phải có ham muốn mãnh liệt mới may ra (nhưng cái quan trọng là khả năng)
ReplyDeleteà, thật ra tôi định nói chuyện khác, nhưng thôi
ReplyDeletenên quay lại "ham muốn độc đáo"
DeleteBài phân tích hay. Xin chia sẻ nhé.
ReplyDeleteĐọc lại Nhịp của thơ nhân ngày sinh của cả Đinh Hùng và Kafka ạ ;)
ReplyDeleteNhị Linh ơi, nếu có một "vùng giáp ranh" thì tại sao người ta lại vẫn cứ sống trong cái bài thơ rất dài dài đó, và nó cứ ám ảnh đồng hành với con người qua bao kỷ thiên niên, đúng đủ các nhịp?
ReplyDeleteXin chào và xin hỏi tác giả blog ạ.
ReplyDeleteQua sự theo dõi các bài viết trên blog này, thì được biết tác giả có nhiều nghiên cứu và yêu thích văn chương. Griet có một mong muốn tìm lại những tác phẩm thơ xưa có hình dáng đặc biệt như: hình thoi, hình cây, hình bình hành,... Tác giả có từng đọc qua chưa ạ? Nếu có và còn lưu giữ thì xin tác giả chia sẻ ạ.
Xin cảm ơn.
gọi chung là "calligraphy", đầy ấy mà
ReplyDelete